NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔI ĐỌC VŨ TRỌNG PHỤNG (23/10/2012)

( 07-09-2013 - 05:41 PM ) - Lượt xem: 1321

THÔNG BÁO
100 năm ngày sinh nhà hoạt động văn hoá Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 - 15/8/2013)
NYS NHT

TÔI ĐỌC VŨ TRỌNG PHỤNG

Thứ ba - 23/10/2012 21:35
 
 
 







Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình tôi ở Vinh có một tủ sách “đồ sộ”, đầy ắp sách tiếng Tây, tiếng Việt. Là con út trong nhà, tôi chỉ được đọc sách viết cho thiếu nhi và sách trinh thám của Phạm Cao Củng, Lý Ngọc Hưng… chứ không được sờ vào những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có lần tôi nói với ông anh cả cho tôi đọc quyển Lục xì. Ông bảo, quyển này văn chương bẩn thỉu lắm, con nít như mày không nên đọc. Tôi cãi, em đã học lớp nhì, sắp thi sơ học yếu lược, còn trẻ con cái nỗi gì mà quyển nào của Vũ Trọng Phụng anh cũng cấm đọc. Anh “linh động” một chút cho em đọc cuốn Kỹ nghệ lấy Tây. Anh đá đít tôi, quắc mắt, từ nay tao cấm mày đọc Vũ Trọng Phụng, nhớ chưa!
 
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình tôi tản cư về quê ở một huyện miền núi của Hà Tĩnh. Lúc này ông anh cả đã gia nhập quân đội, làm lính Cụ Hồ và tủ sách đồ sộ do anh “quản lý” đã bán sạch cho mấy bà chè chai đồng nát. Về quê, tôi chả có gì đọc ngoài vài tiểu thuyết: Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, ký sự Chiến thắng Ưu Điềm Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ… và tạp chí văn nghệ của Hội văn học nghệ thuật liên khu IV. Ngày này qua ngày khác, cứ nghiền ngẫm mấy cuốn sách ta đánh Tây, dũng cảm, mưu trí và kết cục là ta thắng Tây thua. Đọc đi đọc lại, nát nhừ mấy cuốn sách, đến phát chán. Một ngày nọ, anh Lê Trọng Đàn, anh ruột tôi, mang từ Đức Thọ cuốn tiểu thuyết Giông tố đưa cho tôi đọc. Tôi làm nghề kéo vải, tay quay xa, tay kéo sợi, sách để lên hai đầu gối, đọc một cách mải mê. Cuốn tiểu thuyết dày cộm, tôi chỉ đọc trong một ngày là xong, hôm sau đọc lại một lần nữa. Mấy ngày sau, anh Đàn lại mang về vài quyển tiểu thuyết lịch sử thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tên sách là gì, ở tuổi bây giờ, gần tám mươi tôi không còn nhớ, nhưng tên các nhân vật như Lê Duy Quy, Lê Duy Mật, Đặng Thế Tế, Đặng Thế Thiều… thì vẫn ghim vào đầu tôi chắc là cho đến chết. Anh Đàn hỏi tôi, trong các cuốn sách đưa chú đọc chú thích nhất quyển nào. Không cần suy nghĩ, tôi đáp ngay, thích nhất Giông tố của Vũ Trọng Phụng, văn ông này trong sáng, dân dã, trào lộng, mỉa mai và cũng rất tế nhị, khi cần chát chúa, chua cay thì cũng hấp dẫn hết chỗ nói. Nhờ tôi nhận xét như vậy mà cứ vài ngày sau, từ Đức Thọ (lúc này anh làm công cho hiệu thuốc tây Tùng Lâm) anh lại mang về cho tôi một lô một lốc tác phẩm Vũ Trọng Phụng, chẳng biết anh mượn của ai, như Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Không một tiếng vang (kịch ba hồi), Cạm bẫy người, Làm đĩ… và cả quyển Lục xìmà ngày trước anh Hiếu nhất định không cho đọc. Càng đọc Vũ Trọng Phụng tôi càng mê mẩn cả người vì văn ông không hoa mĩ, sáo mòn như một số nhà văn khác, ông viết giản dị, bình dân, chuyện của ông là chuyện về tầng lớp dân nghèo, tầng lớp dưới đáy xã hội, vì lẽ đó mà tầng lớp quý tộc không thích đọc ông mà chỉ thích Khai Hưng, Nhất Linh… Với tôi, Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực số một nước ta! 
Cụ Vũ Trọng Phụng ơi, cụ đã qua đời hơn bảy mươi năm, hôm nay, chẳng riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình khác đã có đầy đủ tác phẩm của cụ trên giá sách. Thế hệ trẻ ngày nay, không khác gì thế hệ trẻ ngày xưa chúng tôi, đọc cụ và yêu cụ hết lòng, dù sách cụ được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông và đại học chưa nhiều lắm.
 
Vài dòng ngắn ngủi viết về cụ là nén tâm hương thắp lên từ lòng tôi, xin cụ từ thế giới bên kia vui lòng nhận./.

Tác giả bài viết: XUÂN ĐÀI

Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng

Các Bài viết khác