NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔ HOÀI VIẾT “DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ”

( 17-10-2015 - 04:44 PM ) - Lượt xem: 2227

“Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài từ khi ra đời cho đến nay đã hơn 70 năm, nó luôn làm say mê các thế hệ tuổi thơ, làm rung động bao tâm hồn và trái tim bạn đọc nhỏ tuổi không chỉ ở nước ta mà còn rất nhiều bạn đọc của gần 40 quốc gia trên thế giới. “Dế mèn phiêu lưu ký” cũng thật sự là một cuốn sách rất bổ ích giúp giới trẻ hình thành nhân cách hướng thiện, biết yêu tự do, chuộng hòa bình, thích thiên nhiên và mong muốn thể hiện điều tốt của mình.

Theo Thư viện Quốc Gia thì bản in tháng 6/2015 của NXB Kim Đồng là bản in tái bản thứ 82, tức là đến nay “Dế mèn phiêu lưu ký” đã 83 lần xuất bản và trong số đó chưa tính đến “Dế mèn phiêu lưu ký” xuất bản dưới dạng chuyện tranh. Vậy “Dế mèn phiêu lưu ký” được Tô Hoài viết như thế nào mà có sức sống và sự lan tỏa như vậy.

Nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên ở làng Nghĩa Đô bên bờ sông Tô Lịch lịch sử. Sông Tô thời Tô Hoài không nhỏ nhoi, hèn kém như bây giờ mà là một con sông thật sự. Tô Hoài kể: “Sông Tô Lịch ngày xưa rộng và trong lành lắm, kéo dài từ đây cho tới Hà Đông, thích hợp cho lũ trẻ con chơi bời, chọi dế, đúc dế, tắm sông thỏa thích”. Ở cạnh sông Tô có bãi Cơm Thi trước cửa đình làng ấy là “một thế giới kỳ ảo lạ lùng”. Tô Hoài kể:

“Trên bãi Cơm Thi đầu làng có cả một xã hội mà trong đó, trẻ con với mọi loài cây cỏ , chim muông và những con vật nho nhỏ đã thật quen biết nhau.

Mùa đông tới, đàn chim hét đen ngòm lặng lẽ bay về nhặt sâu trên những luống rau cải, su hào đồng Vân. Cứ nghe tiếng sáo đá kêu vang, đã biết mùa hè trở lại trên cây gạo hoa đỏ ối. Con chim chả rình cá bên dòng nước, chập tối lại chiu vào ngủ trong hang vệ sông. Xiền tóc mộc, xiền tóc hoa ở đâu bay tới ăn cỏ cành dướng, cành duối. Quả duối chín vàng mộng bờ rào, con cánh cam liệng nghiêng qua thật khéo. Bên đầm nước cạn, trong những bụi cây chút chít xanh rờn, những ếch cốm, những gọng vó và các nàng “nhà trò” vơ vẩn. Đúc dế, bắt châu chấu đi trốn rét trong khe lá rứa, để chơi, cho chọi nhau chán rồi mang bán từng lồng dế và châu chấu cho người nuôi gà chọi, nuôi chim họa mi.” và “Những năm ấy, lũ trẻ trong làng chúng tôi thường lêu lổng nghịch quanh bờ bụi, bãi cỏ ven sông..”.

Với những năm tháng cùng các bạn trẻ thơ “Lêu lổng nghịch ngợm” trên bãi Cơm Thi cộng với óc quan sát tinh tế của mình, Tô Hoài đã đưa tất cả cái “xã hội” trên bãi đó thành làng Cỏ May trong “Dế mèn phiêu lưu ký” .

Tô Hoài đã có bài viết đăng báo trên tuần san “Tiểu thuyết thứ năm” của Lê tràng Kiều từ năm 1939. Sau đó ông còn viết cho báo “Hà Nội tân văn” của Vũ Ngọc Phan và báo “Tân Văn” của Vũ Đình Long từ năm 1940. Hai cụ Vũ Ngọc Phan và Vũ Đình Long đã khuyến kích Tô Hoài viết chuyện cho trẻ con để in trên “Truyền Bá”, một ấn phẩm đầu tiên của nước ta dành cho thiếu nhi. Từ cái “xã hội” Cơm Thi với dấu ấn của tuổi thơ Tô Hoài đã viết “Con dế mèn” chỉ trong một, hai tối và cụ Vũ Đình Long cho in trên Truyền Bá số 3 ngày 10/10/1941. Sau khi báo ra, cụ Vũ Đình Long gọi Tô Hoài tới và bảo: “sách của ông bán chạy lắm” và đưa cho nhà văn trẻ 5 đồng nhuận bút, mà hồi đó 3 đồng là mua được một tạ gạo, hoặc may được bộ quần áo Tây. Cụ Vũ Đình Long còn bảo: “sách chạy lắm, ông viết đi”. Nhà văn trẻ Tô Hoài hào hứng viết tiếp "Con dế mèn" với tựa "Dế mèn phiêu lưu ký" chỉ trong ba, bốn tối mà thôi và Tập “Dế mèn phiêu lưu ký” được in làm hai kỳ trên Truyền Bá số 16 ngày 22/1/1942 và số 17 ngày 29/1/1942.

Đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài đã đưa tất cả các trò chơi ở trên bãi Cơm Thi đầu làng của tuổi thơ vào thẳng sáng tác của mình. Ông nói rằng: “Đó là từ thực tế của tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Tô Lịch, thực tế của những con vật. Tôi thường hay đi đúc dế, hiểu đến chân tơ kẽ tóc về loài dế và những con vật sống quanh nó.” Vì vậy khi viết những “nhân vật” trong truyện không cần phải nghĩ lâu mà nó nằm ngay trong ký ức của ông.

Đến năm 1955, Tô Hoài kết hợp “Con dế mèn” và "Dế mèn phiêu lưu ký" từng đăng trên Truyền Bá thành một tác phẩm có tên "Dế mèn phiêu lưu ký" và bản in đầy đủ đầu tiên là bản in của NXB Thanh Niên 12/1956.

Dưới sự kiểm duyệt của chính quyền đô hộ Pháp bản “Con dế mèn” và "Dế mèn phiêu lưu ký" do Truyền Bá in có bị cắt bỏ một số đoạn, đến năm 1960 NXB Kim Đồng ra bản mới có sự bổ xung các đoạn bị kiểm duyệt theo trí nhớ của nhà văn Tô Hoài và chính nhà văn đã sửa chữa rất kỹ bản in này nhằm giúp tuổi trẻ hồi đó dễ đọc hơn và phù hợp hơn với chính sách văn nghệ của Đảng thời đó.

 PHẠM THẾ CƯỜNG

 

 

Các Bài viết khác