TẢN MẠN VỚI TRẦN DẦN
( 07-09-2015 - 07:02 PM ) - Lượt xem: 1570
Tọa đàm "Trần Dần- Người người lớp lớp" ngày 6.9.2015 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường Câu lạc bộ Người Yêu sách Nguyễn Huy Tưởng
"Tôi khóc
những chân trời không có người bay
Lại khóc
những người bay không có chân trời..."
TĐV hỏi sao hôm qua chị không tham gia phát biểu gì...Thành thật, tên tuổi nhà thơ Trần Dần tôi được học từ 40 năm trước, 1976 trên ghế giảng đường với 100% thầy cô từ miền Bắc chi viện vào dạy cho DHSP Tp.HCM vì các Giáo sư ngành Khoa học xã hội các Đại học SG trước đây, người thì vượt biên, người thì đi cải tạo, người thì đi kinh tế mới, người chạy xe ôm đổi gạo + khoai lang độ nhật... Hiếm hoi được tiếp tục ở lại giảng đường đại học là các giáo sư giỏi các ngành Khoa học tự nhiên...
Tất nhiên, thời ấy, chúng tôi được học có mấy câu này trong một minh họa...văn học giai đoạn 1945-54, những câu mà không ai có thể không nhớ, bởi nó đã thành "thương hiệu" của Trần Dần...
Tôi bước đi
---- không thấy phố
-------- không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
-------- trên màu cờ đỏ
(Nhất định thắng)
Cùng với những câu "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà..." và bị gom hết thành loại thơ bi quan, lạc đường trong dòng thác cách mạng hay thơ hũ nút bí hiểm và khó thở...
Rồi thôi.
Bài giảng tôi soạn năm đầu tiên ra trường niên khóa 1979-1980 có 1 tiết duy nhất: Văn học lãng mạn: Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn= những nọc độc... Tìm mãi, sau này mới có tài liệu tham khảo chính mà tôi cắc củm mang từ Sài Gòn xuống U Minh để soạn dạy bài này là "Phong trào Thơ mới 1932- 1945" của Phan Cự Đệ, do NXB Khoa học xã hội HN in 1982 (mua được ở phố Tràng Tiền ngày 24.7.1982 - chuyến ra Bắc Hà lần thứ 2 của tôi).
Từ 1990, chúng tôi thi thoảng mới nghe tới tên ông cùng nhóm Nhân văn Giai phẩm nhờ những...'cởi trói" kinh tế, chính trị, văn hóa văn học...Thật ra, chẳng biết chuyện Miền Bắc đánh đấm văn chương triệt hạ đày đọa các nhà thơ lãng mạn thế nào, lớp học trò Sài Gòn chúng tôi trót yêu Quang Dũng với "Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương" và cũng mơ "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/Sáo diều vi vút thổi đêm trăng"; trót yêu Hữu Loan với "Đèo cả" bi hùng, với "Màu tím hoa sim" côi cút...; trót say mê những Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa... Trần Dần vẫn còn xa lạ lắm...
Nhờ có internet. Nhờ những bài của Thụy Khuê về Nhân Văn Giai Phẩm và một loạt báo chí trong ngoài nước, cùng sự phục hồi rồi trao giải cho những tài năng bị oan khuất một thời, tôi mới có dịp tiếp xúc với thơ Lê Đạt, Trần Dần, văn Bùi Ngọc Tấn...
Chúng tôi, những học sinh miền Nam, bước vào đại học sau 1975... được cung cấp những thông tin một chiều...hoàn toàn không có kênh thông tin tư liệu, sinh hoạt văn học nào để thẩm thấu Trần Dần...
Thành thật tạ lỗi với người xưa...
Tôi dành buổi sáng này để mong "chạm ngõ" Trần Dần...
Buổi tọa đàm hôm nay thật sự có ý nghĩa vì tôi được nghe những tư liệu sống, từ những người cùng thời với nhà thơ, cùng nhìn lại và nhìn nhận thật công tâm những giá trị một thời, những tiếng nói cá biệt làm nên bản sắc riêng của mỗi nhà văn nhà thơ...từng bị thời cuộc nghiệt ngã, chôn vùi một cách tàn bạo...
Có những trao đổi hết sức thẳng thắn. Những câu hỏi phản biện đáng để suy ngẫm... Có người còn băn khoăn chưa cảm được hình thức ngôn ngữ quá mới mẻ không theo các chuẩn chung của tiếng Việt hiện nay...
Và tất nhiên, như điều không thể tránh khỏi, tọa đàm lại phải trở về không gian, thời gian, môi trường của Nhân văn Giai phẩm và những sáng tác của Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và...Tố Hữu...
Tôi nghe những đàn anh phần nào là người trong cuộc đã kể về một thời đã qua mà bản thân các anh chứng kiến với bao day dứt, phẫn nộ, nỗi niềm...mà buồn, mà giận, mà thương... Đất nước nào như đất nước mình nhỉ...đến "văn chương vô mệnh" mà cũng "lụy..."!
Đúng như dịch giả Lê Sơn: chúng ta đã mất một thế hệ vàng trong văn chương, cần phải nhìn nhận công bằng và trả hết, trả đúng những gì họ đáng có.
Đúng như nhà văn Ng Quang Thân: từ thơ Đường, thơ tứ tuyệt, thơ lục bát đến Phan Khôi với "Tình già" đã bắt đầu có một đổi mới...Rồi sau 1945, thơ VN chỉ còn là thơ tuyên truyền...trong đó Tố Hữu là nhà thơ đại tài của thơ ca tuyên truyền. Người Pháp có câu nói "Khi đại bác vang lên, thơ ca im bặt"...
Quang Dũng mới là người đầu tiên đổi mới thơ sau 1945: Tây Tiến chính là con chim phượng hoàng nở ra từ trên đống tro tàn của Thơ Mới...
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi...
Rồi Hữu Loan - "Đèo cả"...
Bên quán Hồng Quân
người
ngựa
mỏi
nhìn dốc
ngồi than
thương
ai
lên
đường!
Chầy ngày
lạc giữa núi
sau chân
lối vào
xanh tuôn.
Hay Huy Cận với "Đi giữa đường thơm"...
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm...
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng...
Thơ Trần Dần có những câu thơ độc đáo. Chỉ đọc lên đã mở ra bao nhiêu ám dụ rưng rưng về văn chương, về con người và số phận của con người, của văn chương...
Đọc trong "Cha tôi...nhà thơ Trần Dần" của Trần Trọng Vũ, con trai nhà thơ:
"Chữ TÔI kiểm điểm bản thân cùng một thời đại buồn rầu của Cổng tỉnh năm 1960 đến những sổ bụi không còn xếp cùng với thời đại của ông nữa. TÔI những năm tám mươi từ chối bên ngoài:
Nhân loại - tôi không chơi với các anh nữa
Ván nào anh cũng ăn jan… (Sổ bụi 1982)
Người đọc cũng có thể hiểu được rằng con đường từ TÔI đến TÔI đâu phải chỉ khép lại trong cô đơn, mà là kết quả của rất nhiều năm lao động: Từ tôi tới mình? vạn lí trường chinh..? mấy ai đi hết lữ trình? nửa đường rơi rụng sinh linh? (Sổ bụi 1987). Người đọc cũng có thể được lý giải vì sao chữ TÔI của thơ mini 1988 vừa khỏe mạnh, vừa đau đớn, lại vừa kiêu hãnh, đến ấm lòng:
Tôi khóc những chân trời không có người bay...
lại khócnhững người bay không có chân trời"
(http://www.tienphong.vn/…/cha-toi-nha-tho-tran-dan-112924.t…)
Vâng, tôi khóc...
TS. HOÀNG KIM OANH