NHỚ ƠN NHẠC SĨ BÙI ĐÌNH THẢO
( 27-09-2016 - 09:30 PM ) - Lượt xem: 1172
Ngày ấy, một ngày đầu tháng 11 năm 1966, bài thơ “Mùa lúa chin” của tôi được đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Do là giáo viên dạy Toán , sợ làm ảnh hưởng không hay đến các giáo viên dạy văn trong trường nên tôi không cho ai biết chuyện đăng báo mà ngày đó được coi là “sự kiện” này. Nhưng rồi các em học sinh của tôi vẫn biết, do Đoàn Đội có mua cho mỗi lớp một tờ báo và cũng do dưới bài thơ, người ta lại đề tên và địa chỉ ngôi trường tôi đang dạy. Bài thơ nhỏ tưởng cứ thế trôi đi trong quên lãng. Nào ngờ
Sáng nay, 20.9.2016, Nguyễn Xuân Tiền, nhà giáo nghỉ hưu ở thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, vốn là học sinh cấp 2 của tôi cách đây trên nửa thế kỷ , điện thoại báo tin “em” vừa sưu tầm và in sang vào hơn 50 cái đĩa DVD, gồm hơn 30 clip ca nhạc khắp nơi, từ sân khấu lớn như “Giai điệu tự hào”, “Đồ rê mí” đến những buổi liên hoan văn nghệ ở nhiều trường học trong cả nước, biểu diễn bài “Em đi giữa vàng”, để gửi tặng cho bà con xã Quỳnh Hoa, quê hương bài thơ phổ nhạc. Chuyện cũ qua đi lâu rồi, tôi không ngờ người học sinh già này còn nhớ đến thế.
Ngày ấy, một ngày đầu tháng 11 năm 1966, bài thơ “Mùa lúa chin” của tôi được đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Do là giáo viên dạy Toán , sợ làm ảnh hưởng không hay đến các giáo viên dạy văn trong trường nên tôi không cho ai biết chuyện đăng báo mà ngày đó được coi là “sự kiện” này. Nhưng rồi các em học sinh của tôi vẫn biết, do Đoàn Đội có mua cho mỗi lớp một tờ báo và cũng do dưới bài thơ, người ta lại đề tên và địa chỉ ngôi trường tôi đang dạy. Bài thơ nhỏ tưởng cứ thế trôi đi trong quên lãng. Nào ngờ, đến tháng 7 năm 1970, một ngày nọ, vào lúc 11 giờ 15 trưa, buổi học chính trị hè, đang đến lúc tan lớp, thấy một thầy giáo ngồi bên cạnh (thầy Trưng) bỏ lên bàn cái đài “Mẫu đơn” (Trung Quốc) có cắm tai nghe, tôi liền mượn và lắp vào tai mình. Lúc này là lúc đội chim Sơn ca (của Nam Định) đang hát một bài hát mà sao tôi nghe lời thơ giống bài thơ của tôi đến thế. Tôi nghe lại một lần nữa, thì nhận ra điều dự đoán của mình không sai. Vui quá. Nhưng vui chỉ biết để trong lòng. Vì các phương tiện giải trí, truyền thông, hồi này hiếm hoi lắm nên chẳng có cơ hội để nghe thêm bài hát này lần nữa. Cho đến hè năm 1971, một lần tôi đi xe đạp từ thị Thái Bình về huyện Tiền Hải, nơi có trại sáng tác văn học đang đặt ở đấy. Tôi gặp 2 người đàn ông đang đạp xe ngược chiều với tôi. Bỗng một ông dừng lại và gọi tên tôi. Hóa ra đó là nhà văn Chu Văn, lúc đó là Trưởng ty Văn hóa Nam Hà (sau này mới tách lại thành Nam Định). Nhà văn Chu Văn giới thiệu, người cùng đi và cho biết hai ông vừa xuống thăm đoàn ca múa Nam Hà mà nhạc sĩ Bùi Đình Thảo là trưởng đoàn đang biểu diễn ở đây. Bấy giờ tôi mới người đi cùng ông là nhạc sĩ Bùi Đình Thảo. Nhạc sĩ nói với tôi là ông phổ nhạc bài thơ của tôi đã lâu mà giờ mới gặp được tác giả. Rồi ông bảo tôi nán lại chờ ông một lát. Ông kê dép ngồi xuống gốc cây phi lao bên đường, rút trong chiếc túi vải ra một tập giấy đã kẻ sẵn khuông nhạc rồi dùng bút mực đỏ chép tặng tôi bài hát của ông. Tôi rất cảm kích trước cử chỉ này. Sau đấy, do hoàn cảnh đi lại lúc bấy giờ khó khăn, tôi không gặp lại ông nữa. Nhưng tôi nghĩ hình như ông vẫn nhớ đến tôi. Bởi nếu không thì sao ông đã biết tôi đổi bút danh từ Nguyễn Đăng Khoa, khi ông ghi tặng tôi trên bản nhạc viết ở dọc đường năm 1971, thành Nguyễn Khoa Đăng ở những lần xuất bản về sau khi tôi đã vào Kiên Giang và rất ít ra lại miền Bắc.
Trở lại câu chuyện của người thầy giáo đã nghỉ hưu vốn là học trò của tôi. Kể từ khi Tiền phát hiện ra bài hát quen thuộc có nguồn gốc từ bài thơ viết về đồng lúa quê em , được phổ nhạc và được phổ biến rộng rãi, Tiền rất vui. Tôi trân trọng tình cảm của em và bà con xã Quỳnh Hoa. Nhân đây, tôi cũng xin thực lòng nói lên sự biết ơn của tôi đối với nhạc sĩ Bùi Đình Thảo. Mà tôi nghĩ tất cả những cái gì tôi có được từ bài thơ cho đến ngày hôm nay hoàn toàn là do ông. Thực sự nhờ có tài năng của ông mà một bài thơ bình thường cúa tôi được hóa thân thành một nhạc phẩm khác thường, được bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay nhất thế kỷ 20 dành cho thiếu nhi. Tôi còn biết ơn cuộc đời này bởi một lý do nữa. Hẳn các bạn đã biết, sinh thời nhạc sĩ Bùi Đình Thảo , ngoài bài “Em đi giữa biển vàng” nói trên, ông còn có bài “Đi học” (phổ thơ Minh Chính) nổi tiếng hơn. Điều đau xót ở đây là nhà thơ Minh Chính sinh thời đã không được may mắn như tôi. Anh đã hy sinh ở chiến trường trước khi bài thơ được phổ nhạc. Trong khi đó thì tôi, ít ra cũng được sống với bài hát do ông phổ nhạc đến nay đã 46 năm (tính từ giây phút nghe đầu tiên, 1970) và còn liên tục được nhận nhuận bút (ông 7, tôi 3) do TT bảo vệ tác quyền âm nhạc trả cho từ năm 2008 đến nay. Và, cũng không thể không nhắc đến ở đây, hiện tôi vẫn còn được những phụ huynh học sinh, những học sinh nay đã thành ông thành bà, xa cách nhau hàng mấy chục năm, hàng ngàn cây số vẫn còn nhớ đến, điều này có được hoàn toàn là nhờ ông, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997) kính mến!
NGUYỄN KHOA ĐĂNG