NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NẠN ĐÓI NĂM 1945 Ở VIỆT NAM -NHỮNG CHỨNG TÍCH LỊCH SỬ (14/08/2012)

( 07-09-2013 - 05:47 PM ) - Lượt xem: 3703

Công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” đã được Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1995, GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo đồng chủ biên cùng 14 tác giả khác là cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học. Công trình đã được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010.



 
Công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” đã được Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1995, GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo đồng chủ biên cùng 14 tác giả khác là cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học. Công trình đã được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010.


Với phương pháp điều tra xã hội học lịch sử, GS. Văn Tạo và Furuta Moto đã vẽ lại bức tranh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam một cách khá chân xác và sinh động ở góc độ khốc liệt bi thảm của nó.
 
Dữ liệu của cuốn sách là kết quả của các cuộc điều tra được tiến hành vào những năm 1992, 1993-1994 và 1994-1995 ở 23 điểm từ Quảng Trị trở ra phía Bắc Việt Nam, quy tụ hàng trăm nhà nghiên cứu và cán bộ địa phương tham gia.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói năm 1945, được nêu ra trong công trình này, như: mất mùa năm 1944, gạo vận chuyển từ miền Nam ra đã bị lính Nhật cướp mất để phục vụ cho các mặt trận Đông Nam Á và Trung Quốc, chính sách chiến tranh Thái Bình Dương và sự “giả nhân giả nghĩa và thiếu hệ thống” của chiến lược Đại Đông Á của Nhật Bản...
 
Qua những dữ liệu từ các bảng điều tra thực địa khá rõ ràng, người đọc có thể tiếp cận cụ thể nhất cái không khí khốc liệt của nạn đói đã giết gần 2 triệu người Việt Nam. Ví dụ Thái Bình - nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất là thôn Lương Phú có số hộ chết hết là 54/280, số người chết đói trong thôn này lên đến 43%. Có những làng biển như Quần Mục (Hải Phòng), nạn đói giết chết hơn phân nửa dân số, nạn đói qua lời kể đầy ám ảnh của những cụ già là nhân chứng sống với những câu chuyện lay động tâm can... Ngoài những dữ liệu xã hội học thu thập được, cuốn sách cũng tập hợp được nhiều nguồn tư liệu quý và đa chiều về thảm họa này. 
 
Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh để lại nhiều bức ảnh nạn đói trong thời gian này. Trên báo Cứu quốc, tác giả Công Dân viết về những bức ảnh đặc tả hiện thực đầy thương tâm của Võ An Ninh: “Những đám người đói chui xuống gầm xe bò, cúi xuống mặt đất lấm bùn, quơ quét những hột gạo rơi; những đám người đói xúm quanh một đống rác tìm lương thực, xúm quanh một đám vỏ ốc, mút mút một cách ngon ơ; một người đàn bà đập chuột, vặt lông nướng rồi ăn... Những cánh tay, những xe bò, những xe cam nhông suốt ngày đi nhặt xác chết để mang xuống nghĩa trang Hợp Thiện, hắt như hắt rác vào những cái hố dài 50, 60 thước sâu ngập đầu người...”.
 
Trong bức tranh khủng khiếp đó, người đọc có thể cảm nhận được cái đói đã đày đọa và chôn vùi nhân phẩm của con người ta như thế nào. Cuốn sách là một tập hợp khá đầy đủ dữ liệu cho thấy nạn đói đã xảy ra ở đâu, cái chết vì đói diễn ra ở nơi nào nhiều nhất, tầng lớp nào chết nhiều nhất, sự thảm khốc, sự tàn bạo xảy ra như thế nào... Từ đó, để hiểu hệ lụy, nỗi khổ của người dân nghèo trong những khúc quanh đầy gai góc của lịch sử.
 
Ngoài phần điều tra thực địa, tư liệu thành văn thì cuốn sách còn có phần Phụ lục với hơn 40 bức ảnh tư liệu quý về nạn đói 1945. Lịch sử trong cuốn sách này không phải là những con số khô khan mà là hàng triệu câu chuyện, thân phận đen tối của người dân Việt Nam.
 
Điều thú vị, nhìn ở góc độ phương pháp nghiên cứu, người đọc có thể thấy thái độ, quan điểm khá khác biệt giữa hai đồng tác giả. Trong khi GS. Văn Tạo đưa ra “thông điệp tố cáo tội ác” phát xít Nhật, thì GS. Nhật Furuta Moto lại nhìn nhận ba vấn đề cốt lõi của học thuật mà công trình có thể đóng góp: khảo sát cách tích lũy gạo bằng cơ cấu tổ chức ăn cướp; diễn biến cụ thể và số người chết đói ở từng địa phương; soi sáng, hiểu rõ hơn về nạn đói trong lịch sử cận đại Việt Nam. Nhưng sự khác biệt đó cũng mang tính bổ khuyết.
 
Công trình đã góp phần phản bác được con số 30 vạn người chết đói Nhật đưa ra và con số 1 triệu người chết đói mà chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam đưa ra đòi Nhật bồi thường. Con số 2 triệu người là sát với thực tế và có sức thuyết phục.
 
GS.TS Furuta Motoo - Giám đốc Thư viện trường Đại học Tokyo - Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt cho biết: Sau khi nhận được công trình trên, phía Nhật đã tin vào con số 2 triệu người chết đói. Điều còn tồn tại là: ai là thủ phạm chính, phát xít Nhật hay thực dân Pháp. Công trình đã nói rõ: chứng cứ về việc đề xuất ra thủ phạm này là thực dân Pháp, nhưng điều hành việc thực hiện một cách quyết liệt và vô cùng dã man là phát xít Nhật, vì lúc đó Nhật đã thống trị toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp chỉ là tay sai.
 
Sự ra đời của công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo đồng chủ biên đã giúp hậu thế có được cái nhìn toàn cảnh đa chiều sâu sắc và chân xác về sự kiện đau xót này. Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Hơn mười lăm năm kể từ ngày công bố, công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

GS Furuta Motoo thuyết trình về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam    

Ngày 07/5/2012, GS Furuta Motoo (Đại học Quốc gia Tokyo – Nhật Bản) đã có buổi thuyết trình về đề tài “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” tại Trường ĐHKHXH&NV.

Tại buổi thuyết trình GS Furuta Motoo tập trung đề cập đến nạn đói năm 1945 – một thảm kịch diễn ra trong thời kì quân đội Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, người Việt Nam đều biết đến sự kiện này và mức độ thảm kịch ghê gớm của nó. Tuy nhiên ở Nhật Bản trước khi cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” được công bố thì chỉ có ít người biết đến nạn đói 1945 ở Việt nam hoặc có người biết đến nhưng lại không tin mức độ tàn khốc của thảm kịch này.

GS Furuta Motoo nhấn mạnh: Hiện nay mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật bản phát triển rất tốt đẹp, lãnh đạo hai nước khẳng định hai nước là “đối tác chiến lược”. GS cho rằng hiểu biết về sự thật lịch sử là nền tảng vững chắc của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Và công trình này đã cống hiến vào việc vun đắp nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tại buổi thuyết trình giảng viên và sinh viên Trường ĐHKHXH&NV đã có những trao đổi, thảo luận về phương pháp nghiên cứu thực chứng và tư liệu kí ức đã được sử dụng trong công trình nghiên cứu. Theo GS Furuta Motoo thì phương pháp nghiên cứu thực chứng này có thể vận dụng trong nhiều nghiên cứu khác của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
GS. Furuta Motoo đã có hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam.


Tác giả bài viết: NYS NHT

Nguồn tin: SƯU TẦM TRÊN INTERNET

Các Bài viết khác