ĐỐNG RÁC CŨ ĐÃ ĐƯỢC TÁI BẢN NHƯ THẾ (18/03/2013)
( 07-09-2013 - 05:34 PM ) - Lượt xem: 3729
Năm 1963, sau một thời gian thai nghén, Đống rác cũ tập 1 được Nhà xuất bản Văn Học in và phát hành, độc giả miền Bắc hoan nghênh và đánh giá cao, ngay giới phê bình cũng có nhiều người khen. Vì vậy tập 2 đã được lên khuôn và in dập thử đến chương áp chót. Bỗng nhiên có lệnh đình chỉ xuất bản và thu hồi tập 1 đã in mà không có lí do chính thức nào được đưa ra.
100 năm ngày sinh nhà hoạt động văn hoá Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 - 15/8/2013)
NYS NHTĐỐNG RÁC CŨ ĐÃ ĐƯỢC TÁI BẢN NHƯ THẾ
Thứ hai - 18/03/2013 13:31Trước đó với niềm hồ hởi, lạc quan khi miền Bắc được giải phóng, Nguyễn Công Hoan về làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, nhà văn làm việc hăng say, phấn khởi hầu như năm nào cũng viết và xuất bản 1 tập truyện dài và hàng chục truyện ngắn.
Năm 1954 xuất bản tập truyện ngắn Nông dân và địa chủ và tiểu thuyết Tôi quyết sống. Năm 1956 với tập bản thảo tưởng bị thất lạc từ năm 1946 nhà văn Tô Hoài tìm được đưa lại, nhà văn đã hoàn thiện và cho in tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng. Năm 1957 viết xong sơ thảo Đời viết văn của tôi. Rồi năm 1961 với Hỗn canh hỗn cư; năm 1962 tập bút kí Thăm nhà người anh em chiến đấu dũng cảm.
Do vậy khi đống rác cũ bị cấm, Nguyễn Công Hoan rất buồn, nhà văn chán nản và sinh bệnh.
Thấy tình cảnh của cha như vậy, bà Nguyễn Tài Hồng con gái nhà văn với bút danh Lê Minh cũng đã bị vướng vào vụ Nhân văn giai phẩm với tác phẩm Nhật kí một người mẹ nên rất hiểu hoàn cảnh của cha, bà đã luôn ở bên an ủi chăm sóc sức khoẻ cho cha, một mặt bà thu giữ cất giấu và bảo quản bản thảo Đống rác cũ để chờ điều kiện thuận lợi sẽ in tiếp.
Năm 1986 dưới ánh sáng nghị quyết đại hội 6, luồng không khí đổi mới đã thổi vào giới văn nghệ. Bắt đầu từ đây một số tác phẩm văn học bị cấm nay dần dần được in lại. Bà Lê Minh mang bản thảo Đống rác cũ đưa cho ông Trần Trọng Tân, lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá trung ương Đảng đọc và xin ý kiến.
Ông Trần trọng Tân đọc xong, đưa lại cho bà, bà Lê Minh hỏi:
- Anh thấy thế nào?
Ông Tân trả lời.
- Tác phẩm tốt quá, nó lên án mạnh mẽ giới quan lại phong kiến lại vừa bi vừa hài.
Bà Lê Minh mỉm cười nói.
- Vậy mà bị cấm đấy.
- Sao lại cấm, ông Tân hỏi lại.
Bà Lê Minh hóm hỉnh và trả lời cũng rất thật đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Đến bố tôi cũng chẳng biết.
Đúng thế thật Đống rác cũ bị cấm mà Nguyễn Công Hoan cùng giới văn học và độc giả không hề biết tại sao.
Rồi bà nói với ông Tân.
- Tôi sẽ cho in lại tác phẩm và cam đoan có gì tôi chịu trách nhiệm mà không để ảnh hưởng tới ông.
Được sự khuyến khích của ông Trần Trọng Tân, bà Lê Minh mang bản thảo trở lại Nhà xuất bản Văn học, nơi đã in lần đầu (năm 1963). Nhưng rất tiếc nhà xuất bản đã thẳng thừng từ chối.
Không nản, bà mang bản thảo tới Nhà xuất bản Thanh niên, tại đây sau khi đọc kĩ bản thảo Ban giám đốc nhà xuất bản quyết định cho in.
Ông Hoàng Phong, chịu trách nhiệm xuất bản nói với bà Lê Minh.
- Chúng tôi sẽ cho in cùng một lúc 4 phần ở 4 nơi khác nhau và phát hành cùng một thời điểm, nếu có gì thì cũng đã ra mắt được trọn bộ.
Nhờ sự quyết tâm và dũng cảm của Nhà xuất bản Thanh niên, tháng 5/1989 trọn bộ tiểu thuyết Đống rác cũ gồm 4 cuốn lần đầu tiên ra mắt bạn đọc cả nước.
Nhà xuất bản Thanh niên đã trân trọng đóng cả 4 cuốn thành 1 tập bìa cứng in chữ vàng tặng gia đình nhà văn để đặt lên bàn thờ Nguyễn Công Hoan.
Tác phẩm Đống rác cũ ra mắt được ít lâu, nhà thơ Xuân Diệu một lần đi qua nhà bà Lê Minh, ông đứng ngoài cổng gọi bà ra và vẫn ngồi trên xe đạp, nói.
- Tôi nói cho bà nghe, Nguyễn Công Hoan thật hạnh phúc có người con gái như bà và bà cũng thật hạnh phúc có người cha là Nguyễn Công Hoan.
Nói xong ông đạp xe đi ngay, còn bà thì vui và thật hạnh phúc khi đã làm tròn chữ hiếu với người cha thân thương đã khuất của mình.
Đến nay Đống rác cũ vẫn được bạn đọc cả nước tìm đọc và đã được tái bản đến lần thứ 6.
(Theo lời kể của nhà văn Lê Minh)
Tác giả bài viết: PHẠM THẾ CƯỜNG
Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng