NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHÚ DẾ MÈN CỦA TÔ HOÀI SỐNG MÃI TRONG TÔI

( 10-08-2015 - 02:58 PM ) - Lượt xem: 2625

Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất vẫn là Dế Mèn phiêu lưu ký (xuất bản năm 1942) – một tuyệt phẩm văn chương tôi đã được đọc vào năm 1956 khi vừa lên 9, đang sống cùng ba-má ở Trường Phổ thông Cấp III Lam Sơn và học lớp 3 ở một trường Phổ thông Cấp I tại thị xã Thanh Hóa. Từ đó, chú Dế Mèn của Tô Hoài sống mãi trong tôi

1. Là một kẻ ham mê đọc sách, tôi đã đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Ở tuổi 16, khi đang học lớp 10 trường phổ thông cấp III (hệ 10 năm), tôi đã đọc rất kỹ tập Truyện Tây Bắc (xuất bản năm 1953), mà nổi bật là truyện Vợ chồng A Phủ được học trong chương trình chính thức của nhà trường, và được xem bộ phim khá hay dựng theo truyện này. Cho đến khi nghỉ hưu (vừa tròn 60 tuổi), tôi lại được đọc thiên hồi ký Cát bụi chân ai (1992) và tiểu thuyết Ba người khác (2006) gây xôn xao dư luận do tác giả đã vượt khỏi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) để viết về những chủ đề “nhạy cảm” mang tính phản biện. Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất vẫn là Dế Mèn phiêu lưu ký (xuất bản năm 1942) – một tuyệt phẩm văn chương tôi đã được đọc vào năm 1956 khi  vừa lên 9, đang sống cùng ba-má ở Trường Phổ thông Cấp III Lam Sơn và học lớp 3 ở một trường Phổ thông Cấp I tại thị xã Thanh Hóa. Từ đó, chú Dế Mèn của Tô Hoài sống mãi trong tôi. Dưới đây là kỷ niệm thời thơ ấu của tôi với chú, được ghi lại trong cuốn Hồi ký của mình:

Một hôm má mang về cho tôi một quyển sách có nhan đề “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Sách hay quá khiến tôi đọc mê mải quên cả ăn cơm. Trong khi đọc, tôi cảm thấy mình được sống trong một xứ sở kỳ lạ của những con vật nhỏ bé mà cũng có tình cảm, biết suy nghĩ và hành động như người. Tôi yêu thích và muốn tìm bắt dế mèn cùng những con khác được tả trong sách để chơi. Vừa may tôi gặp được một người rất thích chơi dế là anh Nhuần đang học lớp 5 và là em ruột thầy Đan, một thầy giáo trẻ dạy trường Lam Sơn. Căn nhà lá nơi anh sống cùng với anh mình ở ngay sau ngôi nhà hành chính của trường, và rất gần nhà tôi. Anh mang cho tôi và em Hùng xem một cái lồng tre trong đựng nhiều dế mèn trông thật thích mắt. Rồi anh mở một cái hộp sắt hình chữ nhật, bỏ 2 con dế vào đó cho chúng chọi nhau. Hai con cắn nhau kịch liệt rồi giương càng đá nhau; con thua bỏ chạy còn con thắng thì rung cánh gáy “rich rich” đầy kiêu hãnh. Hết đôi này anh cho tiếp đôi khác vào chọi. Anh cho biết ở đâu có nhiều dế, dạy chúng tôi phân biệt dế đực với dế cái, cách làm thế nào để cho chúng chọi nhau, cách bắt và nuôi dế. Khi đọc sách, tôi đã biết bắt dế bằng cách đổ nước vào tổ cho nó bị ngộp phải chạy ra, nhưng anh còn có cách bắt hay hơn mà không cần nước.

Theo sự chỉ dẫn của anh Nhuần, tôi rủ em Hùng đi tìm bắt dế. Rời cổng trường Lam Sơn mang theo chiếc lồng tre do anh tặng, chúng tôi đi đến một hào nước nông có những tảng đá dưới đáy trồi lên khỏi mặt nước, xắn quần lội qua đó rồi trèo qua một bờ đất cao. Trước mặt chúng tôi là một khu đất rộng mênh mông cỏ mọc xanh rì, phía xa có nhiều dãy nhà lá dài. Người lớn bảo đây là khu thành cổ có các cơ quan lãnh đạo tỉnh trú đóng, nhưng tôi chỉ thấy nếu được đá bóng hay thả diều ở đây thì thích lắm, còn bây giờ thì phải bắt dế. Nghe tiếng dế kêu, chúng tôi rón rén đi về phía tổ của nó. Tiếng kêu im bặt, nhưng chỉ tìm một lúc là thấy một cái lỗ có nhiều mùn đất bên ngoài. Nhớ lời anh Nhuần, tôi bứt một cọng cỏ may đút sâu vào lỗ và ngoáy đi ngoáy lại. Quả nhiên một chú dế từ trong tổ nhảy vọt ra và chúng tôi chụp bắt lấy. Hôm ấy chúng tôi hoan hỷ chạy về với chiếc lồng đựng gần chục con dế mèn thật đẹp cùng vài con dế trũi và một nắm cỏ tươi làm thức ăn cho chúng. Khi ấy nhà tôi có một giàn bí, một bụi sả và nhiều cây rau thơm do má trồng. Tôi đặt lồng dế dưới bụi sả cho mát, đến đêm lại treo nó lên giàn bí để dế “uống sương” như trong sách đã viết. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại đem dế sang nhà anh Nhuần và say mê xem dế của mình chọi nhau với những con của anh ấy. Khi bắt được bọ ngựa, bọ muỗm hay châu chấu voi, tôi đều lấy chỉ buộc vào bụi sả hay giàn bí để chúng làm bạn với dế mèn. Những con này rất đẹp và to hơn dế mèn nhiều, nhưng chúng không biết chọi nhau và cũng không gây sự với dế mèn. (Trích Nước chảy dưới chân cầu, mục 4, chương Ba, phần Một).

2. Thật ra, nhờ tài năng xuất chúng của tác giả, Dế Mèn phiêu lưu ký không chỉ đem đến  thú chơi dế và lòng yêu thích các loại côn trùng, mà còn mang lại cho độc giả những giá trị nhân văn hết sức sâu đậm.

Nghệ thuật kể chuyện của tác giả hấp dẫn đến mức khiến độc giả khi đã đọc trang đầu tiên thì phải đọc tiếp không dứt ra được cho đến trang cuối cùng, đọc xong rồi có thể đọc lại ngay mà vẫn không chán.

Tác giả khắc họa tính cách nhân vật rất tài tình; mỗi loài, mỗi con vật đều có tính cách riêng đặc sắc: ba anh em nhà Dế Mèn mỗi đứa một tính một nết, Dế Trũi nhỏ bé nhưng can đảm và sống đầy tình nghĩa; các nhân vật phụ như chị Cốc, bác Xiến Tóc, Bọ Muỗm, bọ Ngựa, Ếch Cốm, Châu Chấu Voi …cũng đầy cá tính; dĩ nhiên là tính cách Dế Mèn được khắc họa sâu đậm nhất với cả quá trình thay đổi nhận thức giúp chú trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. Sự am hiểu sâu sắc về tính cách con người kết hợp với tri thức tinh tế về tập tính các loài vật bay bổng theo trí tưởng tượng vô cùng phong phú đã giúp Tô Hoài thành công với các nhân vật của mình, từ đó mà tạo thành những xã hội loài vật sinh động như xã hội loài người, khiến độc giả say sưa với những diễn biến huyền ảo mà lại rất chân thật của câu chuyện. Chẳng hạn, khi đọc đoạn kể về cuộc du hành của hai anh em kết nghĩa Mèn và Trũi trên chiếc bè kết bằng lá sen trôi giữa trời mây sông nước mênh mông, tôi-một thằng bé 9 tuổi-luôn cảm thấy như mình cũng được ngồi trên chiếc bè đó mà cùng ngắm cảnh, cùng chia sẻ đói no vui buồn với hai chàng họ Dế dễ thương ấy.

 Bằng ngôn ngữ tự thuật giàu hình ảnh và chứa đầy cảm xúc, tác giả đã làm rung động tâm hồn người đọc bằng những đoạn tả cảnh, tả tình tuyệt đẹp đầy chất thơ cùng những lời thủ thỉ tâm tình tha thiết. Chỉ qua vài câu tự thuật cảnh Dế Mèn trên con đường xa xăm đi tìm em Trũi bị mất tích, độc giả đã rưng rưng xúc động về tình cảm giữa hai anh em kết nghĩa: “Vào những đêm hè xanh trong trăng sao vằng vặc, tôi càng cảm thấy mình lẻ loi. Có khi tôi ngửa mặt lên vòm trời không, gọi to: ‘Em Trũi ơi! Giờ em ở đâu?’”.

 Với nghệ thuật văn chương như vậy, câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn cùng những con vật liên quan với chú đã thấm vào tâm hồn độc giả  những bài học nhẹ nhàng về cách sống và cách ứng xử ở đời theo những giá trị chân-thiện-mỹ. Chỉ một câu đơn giản “bởi tôi ăn uống điều độ nên tôi chóng lớn lắm” đã làm cho bao thế hệ nhỏ tuổi nhớ mãi nó mà tự nhủ rằng mình phải ăn uống như thế nào để được chóng lớn như Mèn! Bài học mà bác Xiến tóc dạy cho Mèn khi cắt cụt râu của chú đã trở thành bài học nhớ đời cho các độc giả nhỏ tuổi: đừng có cậy lớn mà bắt nạt bé!...

 Hơn thế nữa, chú Dế Mèn của Tô Hoài còn giải quyết cả những vấn đề to lớn, với cả lý tưởng sống trong xã hội loài người. Những cuộc đấu của Dế Mèn với các đối thủ cùng loài hay khác loài là phiên bản của các cuộc xung đột về kinh tế-chính trị trong xã hội loài người. Cuộc chiến ác liệt giữa đàn bọ Muỗm do hai anh em Mèn-Trũi dẫn đầu chống đàn Châu Chấu Voi nhằm tranh giành nơi trú ngụ mùa đông trong hàng cây lá dứa gợi ra suy nghĩ về nguyên nhân bùng nổ của các cuộc chiến tranh. Tô Hoài viết truyện này vào năm 1941, khi khói lửa Chiến tranh thế giới thứ Hai đang bao trùm khắp năm châu bốn biển: nước Pháp đã đầu hàng Đức ở châu Âu, quân Nhật đã kéo vào Đông Dương, Đức phát xít tấn công Liên Xô và Nhật quân phiệt khai chiến với Mỹ… Bối cảnh ấy đã khơi gợi cho Tô Hoài những ý tưởng về chiến tranh và hòa bình để thể hiện chúng một cách tinh tế trong câu chuyện đồng thoại của mình. Lòng căm ghét chiến tranh dâng tràn trong xã hội đã biến thành cuộc hòa giải giữa anh em Mèn-Trũi với đàn Châu Chấu Voi hùng mạnh, để cả đoàn kéo đi tuyên truyền cho lý tưởng bảo vệ hòa bình thế giới. Như vậy, giá trị của Dế Mèn phiêu lưu ký còn vượt qua tác dụng giáo dục trẻ thơ mà đạt đến một triết lý nhân sinh của toàn nhân loại.

"Dế mèn phiêu lưu ký" bản in NXB Thanh Niên 1956

3. Chính giá trị triết lý của nó đã giúp cuốn truyện đặc sắc của Tô Hoài vượt biên giới quốc gia để phát huy ảnh hưởng trên văn đàn quốc tế. Nơi xuất ngoại đầu tiên của Dế Mèn là Liên Xô (cũ) với bản dịch từ nguyên bản tiếng Việt sang tiếng Nga của Marian Tokachov nhan đề “Priklyutchenia kyznhetchika Mena” xuất bản năm 1959. Với bản dịch này, thiếu nhi Liên Xô đã say mê chú Dế Mèn không khác gì trẻ em Việt Nam và rất yêu quý nhà văn “To Khoai” ( tên Tô Hoài đọc theo tiếng Nga như vậy). Tiếp theo đó, Dế Mèn sang Pháp với bản dịch “Les aventures de Grillon”, sang Anh với bản dịch “Diary of a Cricket”, sang Tây Ban Nha với bản dịch “Aventurile greierasului MEN”… Tổng cộng, Dế Mèn phiêu lưu ký đã được dịch sang 28 ngôn ngữ để lưu hành ở 40 quốc gia trên thế giới.

Trong thể loại truyện đồng thoại, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài có thể sánh ngang với các danh tác thế giới như Chú bé Người gỗ Pinochio của Carlo Collodi (Italia), Gulliver Du ký của Jonathan Swift (Anh),  bộ truyện tranh Les Schtroumpfs tức Xì Trum của Pierre Culliford (Pháp), Các cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn của Nikolai Nosov (Nga), Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia của Yan Leopoldovich Larri (Nga)… Tuy nhiên, nếu các danh tác thế giới này đều lấy nhân vật chính là con người kỳ lạ (được làm bằng gỗ, biến thành tí hon hay khổng lồ hoặc có da xanh…) thì tác phẩm của Tô Hoài còn độc đáo hơn với những nhân vật chính và phụ chỉ là những con vật được nhân cách hóa mà suy nghĩ và hành động y như người thật. Hơn nữa, tất cả các danh tác của châu Âu đều là tự sự, do tác giả đứng ngoài kể chuyện về các nhân vật do mình tưởng tượng ra; chỉ riêng Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là lời tự thuật của chính nhân vật do tác giả hóa thân vào nó mà tự kể chuyện mình ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất-“tôi”. Cách kể chuyện của riêng của Tô Hoài khiến cho cho cốt truyện càng dễ làm rung động lòng người.

Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996) dựa trên 10 tác phẩm sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực XHCN (Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ) và 4 tác phẩm sáng tác dưới thời Pháp thuộc (Xóm Giếng, Nhà nghèo, O Chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký). Nhưng trong toàn bộ sự nghiệp văn học của ông, Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn là tác phẩm tuyệt vời nhất. Nhân ngày giỗ đầu của Tô Hoài, tôi xin viết bài này làm nén tâm nhang cầu chúc cho hương hồn ông mãi mãi yên vui cùng chú Dế Mèn yêu quý trên cõi vĩnh hằng./.

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác