THUỞ BÉ TÔI THÍCH TẾT
( 13-02-2021 - 06:18 PM ) - Lượt xem: 1431
Thuở bé tôi thích Tết… Mà tôi nghĩ, thuở bé ai cũng thích Tết cả.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngõ nhỏ tại nội thành Hà Nội vào những năm ngay sau khi thống nhất đất nước. Trong kí ức của tôi, những năm tháng miền Bắc thời bao cấp ấy, nhà nhà đều khó khăn, người người đều thiếu thốn.Thường ngày, bố mẹ tôi đi làm cả, sau những giờ đi học, tôi ở nhà với ông bà nội. Ông bà tôi, đều là những người, mà nói theo kiểu hồi đó, thuộc thành phần gia đình quan lại phong kiến, một tàn dư của chế độ cũ. Sau này, đi theo cách mạng, tản cư, di chuyển nhiều lần nên gia sản cũng chẳng còn gì…
Thời đó đại đa phần lũ chúng tôi đói ăn, rét mặc… Ngày thường thì bữa cơm quanh đi quẩn lại có lạc rang mặn hoặc ngọt, rau muống luộc hoặc xào, cá diếc kho nát bét hoặc trứng tráng, dưa cà tóp mỡ… đại để như vậy. Ấy là miếng ăn, còn về cái mặc, chúng tôi lúc đi học, mặc những áo quần mà ngày nay không biết gọi là cái mốt gì, đã thế lại còn mạng nhện đầy mông, đầu gối và khuỷu tay nữa.
Chính vậy, nên tôi rất mong đến Tết.
**
Tết, thật là một dịp kì diệu.
Tết, là lúc bố mẹ mang những quần áo vốn thường ngày cất trong một chiếc rương, ra cho chúng tôi mặc. Tuy đều là những quần áo “ba thế hệ”, nhưng nó lành lặn, và cũng đẹp…
Tết, là lúc bà nội tôi trổ tài nấu nướng, đem những thủ nghệ của thuở hẵng còn phong quang nhà quan lại, làm những bữa cơm ngon…
Tết, là lúc được nhận tiền “mừng tuổi”, là lúc được ông nội dắt ra Mai Hắc Đế mua hoa cẩm chướng, hoa đồng tiền.
Tết, là lúc anh em tôi giúp mẹ quấn vỏ pháo kiếm thêm tiền, là lúc được bố dắt lên cơ quan bốc thăm chia thịt lợn.
Tết… nói chung là một dịp rất là kì diệu…
***
Bà nội tôi đứng thứ tư, trong năm chị em con nhà cụ phó bảng Nghiêm ở Hòa Xá, tên chữ của cụ là Khánh Tứ Nghiêm Vân Khanh, năm chị em bà nội tôi đều có tên là Nghiêm – Khanh, chỉ khác nhau chữ đệm. Nghe cụ kể khi cụ cố bà mang thai cụ, đêm trước lúc lâm bồn có nằm mơ thấy một đám mây ngũ sắc sà xuống hiên nhà, nên mới đặt tên cụ là Vân… Tuy không phải người Hà Nội gốc, nhưng có nhẽ cũng do gia phong, nên các cụ đều rất khéo tay và làm bếp giỏi. Tôi đã được nghe những ẩm thực cầu kỳ của các bậc bề trên qua lời cụ kể, như món gỏi cá diếc, món nem,… ấy là thời xưa, khi các cụ còn đương ở chung với nhau ở thực ấp vua ban – nhà tôi vẫn thường gọi là Trại cụ Bảng.
Lại nói về những năm bao cấp, tuy chẳng còn điều kiện như xưa, nhưng mỗi dịp Tết đến, bà nội tôi, với số tiền dành dụm quanh năm của bố mẹ tôi, lại trổ tài làm bếp. Cũng chẳng cầu kì gì lắm. Tết nhà tôi cũng chỉ có vài món chính, ấy là bánh chưng, cá kho, thịt đông, và dưa góp. Gọi lại các món chính, vì là do bà nội tôi làm, các món khác, tuy cũng chính như canh măng canh bóng, hành muối, giò mỡ… thì mẹ tôi đảm nhiệm.Bánh chưng nhà tôi bao giờ cũng đủ ba màu: xanh, tím và đỏ. Bánh chưng xanh đỏ thì nhiều, nhà tôi lại có thêm màu tím – bánh chưng làm bằng gạo cẩm. Các bánh này được đánh dấu khác nhau bằng lạt buộc, đặng khi lấy bánh bóc ra khỏi nhầm lẫn.Riêng anh em tôi bao giờ cũng được bà nội gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng xinh, màu đỏ, nhân đường.Nồi cá bà nội kho thì thật tuyệt, ngoài nguyên liệu chính,bà nội tôi dùng thêm mía và bã chè mạn để kho cá. Một lớp mía chẻ, một lớp bã chè, rồi đến một lớp cá đã ướp giềng có lẫn thịt mỡ; rồi lại một lớp mía, lớp bã chè, lớp cá… Nồi cá kho xong nom thật ngon mắt, và khi ăn vào miệng thì thật khó quên. Còn thịt đông, cũng chẳng có gì đặc biệt, nếu như không có việc cụ cắt trứng và xếp dưới đáy bát trước khi múc thịt vào. Khi úp bát thịt đông ra đĩa, ta thấy nguyên một bông hoa trắng – đỏ nổi lên trên mặt đĩa thịt đông, nhìn thôi đã thấy ngon con mắt… Và cứ Tết, là chúng tôi được ăn no, ăn ngon, để bù lại cho suốt năm thiếu thốn. Mâm cỗ Tết ngày xưa, đơn giản nhưng nhiều màu đủ vị, bao giờ cũng gợi trong tôi sự ấm áp, no đủ trong những năm tháng sau này…
Hết ăn, lại được chơi, gọi là chơi thôi nhưng chẳng qua cũng chỉ là không phải đi học. Trước Tết tôi hay theo ông nội đi chợ hoa ở phố Mai Hắc Đế, do cũng chẳng khá giả gì, nên ông tôi cũng chỉ hay mua hoa cẩm chướng, hoa đồng tiền, cắm chung với vi-ô-lét, lọ hoa nhiều màu ấy sau này cũng thành một đặc trưng của thời kỳ bao cấp đáng nhớ. Trong Tết thì chúng tôi chạy chơi quanh xóm nhận tiền mừng tuổi, hoặc được bố mẹ dắt lên bờ Hồ hoặc ra công viên Lê-nin xem đua thuyền… Tôi thường đứng tần ngần hàng giờ trước những hàng tò he, những hàng cắt chân dung giấy bóng để đắm đuối nhìn sự điệu nghệ của những bàn tay nghệ nhân thoăn thoát, tạo ra những ông tướng, những công chúa, hay những tấm hình cắt giấy rất đẹp. Chỉ xem thôi, chứ không mua, vì tiền mừng tuổi cần phải để dành, đưa cho bố mẹ.
Ngày Tết năm xưa, là dịp những người quen, người thân đến thăm nhà nhau, chúc mừng năm mới. Câu chuyện trong năm bên gói mứt mậu dịch nhiều màu và đậm đặc những đường, bên chén trà Hồng Đào đặc sánh bốc khói nghi ngút, quyện với mùi pháo bốn bề, lại đậm đà và có một phong vị khó quên.
Tết năm xưa là thế, ấm áp và đầy niềm vui. Mãi sau này tôi mới biết, để có được một cái Tết ấm áp vui vẻ như vậy, bố mẹ tôi đã phải cực nhọc như thế nào. Bố mẹ tôi đều giáo viên, những năm tháng đó ăn còn chả đủ, nên không ai đi học thêm. Đồng lương còm cõi, các cụ đều phải kiếm viêc làm để cho chúng tôi ăn học. Bố tôi chưng ma-gi, pha thuốc tím; mẹ tôi quấn thuốc lá để kiếm thêm. Mẹ tôi dạy học tại trường cấp II Bình Minh ở làng Bình Đà, một làng nổi tiếng về làm pháo của tỉnh Hà Tây cũ. Chính vậy, mẹ tôi cũng có nghề pháo, một nghề mà cứ đến Tết mẹ tôi lại mang ra làm. Anh em tôi do còn nhỏ, chỉ được phân công phụ với mẹ cuốn vỏ pháo đùng, bằng giấy báo, giấy vở học sinh. Còn kì dư việc nhồi thuốc, đổ xi, sấy,… đều do các cụ đảm nhiệm. Tất cả những nhọc nhằn, nguy hiểm ấy, cũng chỉ để cho ông, bà, và chúng tôi một cái Tết đàng hoàng.
****
Hơn ba chục năm trôi qua, thời gian như gió thoảng, thời bao cấp đã xa, ông bà nội và bố tôi đã lần lượt ra đi, và Tết lại gần kề. Tết ngày nay thì lại đơn giản quá, làm vòng quanh Hà Nội là đầy đủ, thậm chí ngồi nhà điện thoại cũng xong. Bánh chưng, giò, cá kho, canh măng, canh bóng, bánh kẹo, hoa đào vân vân sẽ có người mang đến tận nhà. Và cái Tết ngày nay, nó ngày càng nhàn nhạt, cho dù vẫn ngần đấy thứ.
Đâu rồi những háo hức năm xưa, những mong chờ đến Tết, những chuẩn bị, những đáo đôn lo lắng… Người ta vẫn cứ đến nhà nhau, vẫn những câu chuyện bên gói bánh kẹo ngoại nhiều màu, chén rượu tây nóng cổ mà sao nó cứ nhàn nhạt, chẳng có nhẽ do thiếu mùi pháo thơm nồng? Hay là khi đã đủ ăn đủ mặc thì đến ngay cả Tết cũng không còn quá quan trọng nữa chăng? Giờ đây, có lẽ Tết đã dần mất đi ý nghĩa đoàn viên, mà chỉ còn là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thậm chí đi du lịch sau một năm trời quần quật ải cày kiếm sống…
Nhưng, duy chỉ có câu này vẫn đúng: “Quanh năm kiếm tiền, để tiêu vào Tết”
*****
Thuở bé tôi thích Tết…
Lớn như bây giờ, tôi vẫn thích Tết…
Vì mỗi lần Tết đến tôi lại nhớ đến ông bà nội, đến bố, đến những người thân muôn năm cũ của tôi, dù họ đã đi rất xa…
Chợt nghĩ, liệu có ai còn vẫn thích Tết giống tôi không?
Tùng-Giang
(Viết trong lúc đang “kiếm tiền tiêu Tết”)