NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỮNG NGƯỜI ĐI GIEO MẦM ÁNH SÁNG

( 19-04-2020 - 08:18 PM ) - Lượt xem: 1375

Trong những năm đầu đời của tuổi ấu thơ bắt đầu học chữ, học làm người, nơi chúng tôi đến là Trường Tiểu học Xuân An. Ngôi trường thân yêu đã để lại trong chúng tôi những kỉ niệm sâu sắc nhất của tuổi học trò. Là nơi chúng tôi được gặp gỡ những người thầy, người cô hết lòng với sự nghiệp trồng người.

    Trường Tiểu học Xuân An được phân làm hai khu: Khu chính và khu lẻ ( Khu Hon). Điểm trường khu Hon cách khu chính gần 4km. Nơi núi rừng bản Hon này, chúng tôi đã cùng nhau đi qua năm tháng.

    Hàng ngày tôi được bà đưa đến trường. Trên đôi chân nhỏ bé, tôi phải vượt qua cánh đồng bậc thang, ba cái dốc cao và một con suối sâu. Lúc nào tôi mỏi chân hoặc qua suối mới được bà cõng trên lưng. Có hôm trời mưa lũ, chúng tôi đành phải quay về. Nỗi nhớ trường cứ dâng lên trong tôi. Sinh ra trên đời, tôi không biết mặt cha là ai. Mẹ đi lấy chồng, tôi ở với bà ngoại. Niềm vui nhỏ bé của tôi là được đến trường cùng thầy cô và các bạn. Đến trường ngoài giờ học, chúng tôi bày đủ các trò chơi. Lũ con trai chúng tôi thích nhất là trò đá bóng và chơi bi. Lũ con gái lại thích trò nhảy dây và chơi chuyền. Trò nhảy dây và chơi chuyền thì chả ảnh hưởng gì nhưng trò đá bóng thì chúng tôi luôn bị người lớn quở trách. Đôi khi quả bóng lăn. chúng tôi mải chạy theo nên giẫm nát cả vạt rau đang lên xanh tốt. Có lúc quả bóng bay vèo vào bồn hoa làm bụi violet tả tơi như sau trận bão. Sau những lần như thế kiểu gì tôi cũng bị bà ngoại cho lãnh những con lươn đến lằn mông.

   Các thầy cô luôn đến sớm đón chúng tôi ở cổng trường với nụ cười thân thiện vô cùng gần gũi. Trường chúng tôi được sửa sang lại và xây dựng khu nhà vệ sinh mới trên nền những ngôi nhà lợp lá cũ. Sân trường được đổ bê tông trên nền sân cũ trũng nước mưa. Mấy năm trước các thầy cô phải xắn quần đi qua sân để vào lớp trong những ngày mưa. Sát con đường chính qua bản, hai cánh cửa mở ra như hai cánh tay khổng lồ đang chào đón chúng tôi. Ven tường rào là hàng cây xá cừ cổ thụ trầm mặc đứng ngắm lũ học trò vui đùa trong những giờ ra chơi. Gần đó, cột cờ cao vút, tung bay lá cờ đỏ thắm trong gió núi mưa ngàn. Hàng tuần, vào sớm thứ hai, đội nghi lễ ( dù chưa có đồng phục) vẫn nghiêm trang thực hiện lễ chào cờ trong tiếng trống ếch rộn ràng. Tiếng hát Quốc ca, Đội ca trầm hùng vang lên trong nắng sớm. Chúng tôi hướng lên lá cờ hô vang khẩu hiệu “ sẵn sàng” với tinh thần sôi nổi, với khăn quàng thắm đỏ trên vai.

   Buổi trưa, các thầy cô thường ở lại trường sinh hoạt cơm trưa và nghỉ ngơi để chiều lại tiếp tục lên lớp buổi hai. Cũng có hôm chúng tôi ở lại buổi trưa với chiếc bánh mì. Tôi nhớ có lần thầy Khoa bỏ quên cặp lồng cơm trong lớp. Bạn Lệ khóa cửa rồi ra về. Cũng may mà nhà Lệ gần trường. ..Hôm ấy Hiền bị đau bụng. Thầy Khoa đưa Hiền về nhà. Nhà Hiền ở tận khe Cam, khe xa nhất của bản. Thế rồi một ngày kia thầy đã ngã xuống trên bục giảng như một anh hùng. Nghe tin thầy mất, chúng tôi buồn bã đến dự đám tang thầy. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mơ thấy thầy về thăm bản. Thầy cho chúng tôi rất nhiều quà. Quà của thầy là những chiếc bút máy luyện viết chữ đẹp mà thầy đã tặng chúng tôi.

Những giờ học của cô Thùy Trang và thầy Tư cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc về âm nhạc và hội họa. Những lời ca rộn rã vang lên trong tiết 5 khi chúng tôi vừa đói vừa mệt. Nhờ những tiết học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch mà lớp tôi phát hiện ra những họa sĩ nhí như Phú Vinh và Lê Na. Cô Thập, cô Tứ đã truyền cho chúng tôi niềm say mê giải toán trên internet. Trong những năm gần đây đã có bạn đạt giải khi tham gia. Những tiết học tiếng Anh của cô Hạnh, cô Mai đã cho chúng tôi mở ra một chân trời mới với ước mơ bước ra thế giới làm công dân toàn cầu. Nhớ những hôm chúng tôi luyện thi “Kể chuyện theo sách”. Cả bọn tập trung tại nhà cô giáo. Lần lượt từng đứa diễn xuất câu chuyện về Bác Hồ hay nhất. Năm ấy khu Hon lớp nào cũng được giải cao. Chúng tôi còn được các thầy cô hướng dẫn viết bài cho báo Măng Non trong phong trào “ Đọc và làm theo báo Đội”. Dù chưa bài nào được đăng báo nhưng chúng tôi vẫn khấp khởi mừng. Cả cuộc thi: “Đại sứ văn hóa đọc” chúng tôi cũng được cô Đường- Tổng phụ trách hướng dẫn, gợi ý viết bài rồi gửi đi và ngóng đợi.

   Cuộc thi Văn nghệ và trang trí lớp năm nào cũng sôi nổi và đầy hào hứng. Cô Kiều, cô Thanh Hương  rất khéo tay nên đã cùng các lớp bạn trang trí đoạt giải nhất. Bọn con trai lớp 4 hóa trang thành con gái để đội múa thêm màu sắc. Lớp chúng tôi cũng thi đua tập văn nghệ. Đến ngày thi, chúng tôi hồi hộp chờ đợi giây phút biểu diễn trên sân khấu. Khi được thông báo kết quả chúng tôi thật bất ngờ: Giải Nhì đã đến. Tôi nhớ sau 20-11 năm trước, cô Thanh Hương và cô Lan đi hiến máu. Chúng tôi đã viết thư động viên và tỏ lòng ngưỡng mộ các cô. Rồi chúng tôi đã nhận được thư. Nhìn những nét chữ nghiêng quá đẹp chúng tôi thêm trầm trồ, thán phục. Sinh nhật cô Tuyết lũ chúng tôi cùng cô Liễu bí mật đến phút chót tạo cho cô sự bất ngờ trước khi cô về nghỉ hưu theo chế độ. Tôi nhớ một lần ra nhà vệ sinh, tôi nhặt được một bông hoa mai. Thấy nằng nặng, tôi vội vàng đưa cho Lệ xem. Lệ nhận ra đó là bông hoa mai bằng vàng của cô giáo lớp bên. Chúng tôi đem trả lại cho cô và nhận được từ cô lời cảm ơn cùng một bữa ăn thịnh soạn sau đó ít ngày. Từ hôm ấy cô tỏ ra rất quý tôi và Lệ. Cô biểu dương Oanh trước toàn trường và khen cả lớp. Cô còn mua tặng Oanh hai gói kẹo to. Thế là chúng tôi được ăn “ké” quà của nó. Tôi nhớ lại năm học lớp 3, tôi và Hiền trót dại cắt ba quả bí non của cô. Tới lúc cô phát hiện, tôi, Lệ và bạn Hiền rất sợ cô phạt. Các anh chị lớp trên dắt chúng tôi sang phòng giáo viên. Chị Thùy đã chạy vào minh oan cho Lệ. Cô mắng vốn chúng tôi một trận rồi cho về. Khi về đến lớp, tôi và Hiền khóc nức lên.

   Đầu năm học mới này, chúng tôi được đón một cô giáo trẻ thật xinh xắn và dễ thương. Cô dạy môn Tiếng Anh. Cô ấy có cái tên rất ấn tượng với chúng tôi ngay từ đầu: Khánh Hằng. Sau ba tháng dạy tăng cường, cô Khánh Hằng chia tay chúng tôi. Phút chia tay cô lòng đầy lưu luyến. Cô viết lên tấm bảng xanh dòng phấn trắng rưng rưng: Good bye! See you a gain!

                                              Best wishes fo you!

    Buổi sáng, bao giờ thầy Xuân cũng lên từ rất sớm. Thầy nhắc nhở, chỉ bảo chúng tôi làm vệ sinh trường lớp. Chúng tôi phân loại rác. Những gì có thể tan vào đất thì chúng tôi bón vào gốc cây. Chúng tôi hạn chế việc đốt rác nhất có thể. Có hôm ngồi học, chúng tôi không chịu được mùi khói từ lò rác góc trường tỏa ra. Cô Kiều lẳng lặng đem chậu nước ra dập lửa. Chúng tôi mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành những kĩ sư chế rác thành vàng và cùng nhau xây dựng nhà máy xử lí rác. Cứ đến giờ ra chơi thầy Xuân lại cùng chúng tôi chơi bóng chuyền và bắn bi… Đôi khi cô Thoa, cô Thỏa cũng chơi cùng chúng tôi và chơi những trò chơi khác nữa. Mỗi khi có bạn trêu chọc nhau khóc hoặc bị thương nhẹ, cô Thoa luôn dỗ dành và chăm sóc các bạn tận tình.

   Mùa lũ năm chúng tôi lên lớp 2, Tuyền- cô bạn hiền lành ngoan ngoãn đứng bên bờ suối sang khe Cốc lúc 12 giờ trưa. Hôm ấy, cô giáo tôi đã về nhưng biết tin Tuyền chưa về đến nhà, cô lao trở lại bản cùng phụ huynh đi tìm Tuyền khắp các bến nước trên lối về. May mắn thay, Tuyền vẫn đứngchờ bên mép nước nhìn dòng lũ cuồn cuộn chảy và khóc.

   Cuối năm học lớp 3, Hải ở khe Bún chuyển đi trường khác. Cả bọn nhớ Hải nên vẫn viết thư. Cậu ấy lanh lợi, thích học Toán và mơ ước trở thành một chiến sĩ công an. Hoàn cảnh của Hải thật đặc biệt. Bạn ấy ở với bà nội từ lúc 18 tháng tuổi. Hải không nhớ nổi khuôn mặt của mẹ mình. Việc học chữ của Hải thật vất vả nhưng Hải luôn cố gắng vượt qua những khó khăn. Bây giờ không biết Hải có còn nhớ về trường cũ ?

   Còn chuyện bạn Na ở khe Vịt mất tích trong chuyến đi trải nghiệm đến Cánh Buồm Xanh khiến thầy trò chúng tôi hốt hoảng đi tìm đến hết cả buổi trưa mới thấy. Sau này nghĩ lại chúng tôi vẫn không hiểu tại sao… Lại còn Vinh- anh em tốt bụng của tôi đã tò mò nghịch dại. Trong một buổi xếp sách ở phòng giáo viên, nhìn thấy lọ thuốc xịt muỗi, cậu ấy đã tiện tay xịt vào rổ ngô vừa mới luộc xong của các cô. Cô Thỏa nghiêm khắc nhắc nhở khiến chúng tôi đỏ bừng mặt vì sợ.

   Nhờ chăm chỉ đọc sách mà lớp tôi đã xuất hiện các “ nhà văn nhí” như Đinh Hương, Lê Na…Chúng tôi mơ ước được đi khắp mọi nơi, đến nhiều vùng đất mới. Trong đó có Đà Lạt, nơi Thanh Trúc đã sinh ra. Chuyển luôn cố gắng nên đã được nhận học bổng trong nhiều năm. Tôi, Tình và Xuân với mong ước thi đỗ vào trường Nội Trú của huyện. Chúng tôi luôn vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống, đặt niềm tin vào chính mình. Các bạn Hoan, Bình và Tâm tiến bộ lên rất nhiều. Dù học hòa nhập nhưng Hương Giang luôn được tham gia các hoạt động và phong trào thi đua của lớp với tình yêu thương của tổ ấm 5C. Chúng tôi luôn biết ơn cô Hường vì cô đã luôn lo lắng cho chế độ chi phí học tập hàng năm của chúng tôi được đầy đủ.

   Cô phó hiệu trưởng Hồng Nhung và thầy hiệu trưởng Trọng Thủy nhận sự phân công của cấp trên lần lượt chuyển đi trong sự tiếc nuối của chúng tôi. Thay vào đó là sự chào đón cô Phó hiệu trưởng Kim Ngọc và thầy hiệu trưởng Đức Tiến mà chúng tôi vô cùng yêu quý khi đến với mái trường này.

    Năm học nào cũng vậy, khu lẻ chúng tôi được ưu ái nhận rất nhiều quà mà các nhà hảo tâm gửi tới. Chùa Hoằng Pháp, Chùa Long Khánh, Tịnh thất Quan Âm… và các đoàn từ thiện đến khu Hon làm công tác thiện nguyện. Quà chúng tôi nhận được nhiều nhất là sách giáo khoa cũ và truyện tranh song ngữ… ngoài ra còn có vở, bút, cặp sách, ủng, áo ấm và đồ dung học tập. Anh Hoàng Việt Nhật còn mang cả Trng Thu đến với bản Hon cho chúng tôi. Năm đó, lần đầu tiên chúng tôi được xem múa sư tử và rước đèn, phá cỗ… Đoàn nhà báo Thịnh và bác sĩ Thy Nguyên đến từ Hải Phòng với bàn ghế nhựa, xoong, lương thực… với mong muốn khu lẻ có bếp ăn với bữa trưa tiếp sức đến trường. Nhiều lắm những tấm long nhân ái đến với bản Hon. Ca si Sơn Tùng M- TP gửi đến cho chúng tôi áo ấm và sách qua cô Giang, cô Vân. Dược sĩ Định và đoàn từ thiện mới đây đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Chúng tôi biết ơn lắm những mẹ Hồng, mẹ Hưởng, ông Bụt Tích Ý và hậu duệ Cụ Ngô Quang Bích đã mang đến nhiều quà, học bổng và xe đạp cho trẻ bản Hon…

   Gần như thành thông lệ, các cô giáo sắp đến tuổi nghỉ hưu vẫn cố gắng lên với khu Hon một hoặc vài năm rồi chia tay nghề dạy học để về nghỉ ngơi khi tuổi già, sức yếu. Cô Thanh, cô Khang đã để lại trong long những đứa trẻ bản Hon chúng tôi những tình cảm yêu thương của “ bà giáo” với hơn 30 năm dìu dắt các lứa học sinh trưởng thành. Thầy Bộ, cô Hạnh, cô Huệ giờ đã chuyển đi trường khác. Có khi nào các cô còn nhớ tới bản Hon? Những lứa học trò chúng tôi làm sao quên được những ngày đầu đến lớp được các thầy cô dìu dắt, yêu thương. Các thầy cô đến với Tiểu học Xuân An, rồi lên bản Hon là niềm mong đợi của chúng tôi. Có năm học, chúng tôi đón các cô lên dạy tăng cường vài ba tháng như cô Tý, cô Ngân, cô Hiền. Dù chỉ là một quãng thời gian ngắn ngủi nhưng các cô đã mang đến nơi này những thương yêu và hy vọng. Các thầy cô giáo đã gieo vào chúng tôi những niềm tin, ánh sáng của tri thức, sự chia sẻ và động viên, khuyến khích để chúng tôi thêm khôn lớn, trưởng thành. Tất cả những lỗi lầm mà chúng tôi gây ra đều nhận được từ thầy cô sự nghiêm khắc chỉ bảo và long bao dung vô bờ bến.

    Chúng tôi mong ước sau mươi, mười lăm năm nữa khu Hon sẽ trở thành một ngôi trường Tiểu học mang tên người anh hùng, văn thân yêu nước Ngô Quang Bích. Nơi đây, trong phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX chống thực dân Pháp xâm lược, Cụ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Khu di tích Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân nằm dưới chân núi Cháu là niềm vinh dự của chúng tôi mỗi khi được đến trong giờ học lịch sử địa phương. Cụ đã để lại cho hậu thế tác phẩm Ngư phong thi tập. Ngoài ra Cụ còn có các bài văn, câu đố, liễn điếu viếng các đồng đội tử trận và “ Thư trả lời quân Pháp” với lời lẽ khảng khái, ý chí quyết hi sinh vì độc lập, dân tộc. Khi làm quan Cụ luôn là một vị quan thanh liêm có  đức độ nên được nhân dân các địa phương rất ngưỡng mộ và thường gọi ông là “Hoạt Phật” (Phật sống).

    Chúng tôi nhớ đến những hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp, giao lưu, gặp gỡ với những con người thiện lành. Những lúc may mắn được cầm trên tay cuốn sách quý như được gần gũi bậc thiện tri thức… Con đường phía trước còn dài, bao khó khăn nhọc nhằn nhưng chúng tôi luôn vững tâm khi có bạn bè và thầy cô bên cạnh- những người đi gieo mầm ánh sáng cho vùng núi bản Hon./.

Triệu Lệ Huy Oanh

Các Bài viết khác