NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ TƯỢNG ĐÀI CỦA MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ

( 08-05-2014 - 04:07 PM ) - Lượt xem: 2233

Trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện chấn động địa cầu này, một tượng đài bằng đồng đã được dựng trên đồi D1 ở bãi chiến trường xưa (khánh thành ngày 30-4-2004). Đó là một tượng đài rất lớn, có lẽ là bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 12,6 mét nặng 220 tấn, đặt trên bệ tượng 3 tầng bằng bê tông cốt sắt cao 3,6 mét trông rất hoành tráng.

Mỗi sự kiện lịch sử thường có một (hay một số) tượng đài để ghi lại dấu ấn của nó trong tiến trình phát triển của một dân tộc hay của toàn nhân loại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 của Việt Nam cũng cần phải có một tượng đài như vậy, nên trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện chấn động địa cầu này, một tượng đài bằng đồng đã được dựng  trên đồi D1 ở bãi chiến trường xưa (khánh thành ngày 30-4-2004). Đó là một tượng đài rất lớn, có lẽ là bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 12,6 mét nặng 220 tấn, đặt trên bệ tượng 3 tầng bằng bê tông cốt sắt cao 3,6 mét trông rất hoành tráng.

Tượng đài chiến thắng Điện biên Phủ

Tượng đài ấy truyền tải thông điệp gì?

Có tượng đài hoành tráng là một chuyện, nhưng muốn biết tượng đài đó có xứng đáng với sự kiện lịch sử mà nó mang tên hay không, ta phải xem nó truyền tải thông điệp gì.

Tượng đài miêu tả 3 anh bộ đội mặc quân phục đương thời đứng quay lưng vào nhau với cờ bay phấp phới trên đầu họ. Từ chính diện bệ tượng nhìn lên, người ta chỉ thấy 2 anh bộ đội tươi cười: một anh ưỡn bụng uốn lưng phất cờ và anh kia dang chân khuỳnh tay nâng trên vai một bé trai cũng cười toe cầm hoa ở tay này và tay kia xòe ra 5 ngón; tất cả có vẻ như đang nhảy múa tưng bừng. Vậy thì tượng đài truyền tải thông điệp gì? Đó chính là “niềm vui chiến thắng”: các anh bộ đội cùng em bé ra sức phô diễn niềm vui tưng bừng bằng các động tác như vậy!

Qua các hình tượng trên đó, khán giả dễ dàng nhận ra rằng: tác giả tượng đài đã lấy nguồn cảm hứng để sáng tác nó từ ca khúc “ Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:

Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/

Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/

Bản mường xưa nương lúa mới trồng/

Kìa đoàn em bé ra đồng nắm tay xòe hoa/

                    …..

Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên/

Cờ chiến thắng tưng bừng trên trời!

Nhưng nếu tinh ý hơn, người ta sẽ thấy tượng đài đã mô phỏng sai ý của ca khúc. Đỗ Nhuận viết “em bé ra đồng nắm tay xòe hoa” là để chỉ một đoàn các em gái Thái nắm tay nhau thành vòng tròn mà múa điệu xòe hoa trên cánh đồng; chứ không phải một bé trai ngồi trên vai anh bộ đội để “nắm hoa xòe tay” như nhà điêu khắc đã mô tả. Do đó, sự xuất hiện của em bé trong tượng đài này là rất khiên cưỡng, lại thêm vẻ mặt và động tác uốn éo phất cờ quá lố của anh bộ đội khiến khán giả liên tưởng đến một sự thiếu nghiêm túc. Thêm nữa, chiếc áo “trấn thủ” mà các anh bộ đội mặc cũng không phù hợp với thời điểm phất cờ chiến thắng vào đầu mùa hè trời nóng.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử vĩ đại không chỉ đối với dân tộc ta cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn đối với lịch sử toàn thế giới. Do vậy, một tượng đài mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ” mà chỉ nói về “niềm vui chiến thắng” theo cách thể hiện như trên  thì quả là bất cập.

Điện Biên Phủ cần được thể hiện như thế nào?

Niềm vui dù có dâng cao đến đâu thì cũng chỉ là cảm xúc nhất thời rồi sẽ trôi qua, để nhường chỗ cho giá trị đích thực của sự kiện đọng lại vĩnh viễn. Chính vì thế, trong khi mô tả niềm vui chiến thắng tưng bừng ở ca khúc “Giải phóng Điện Biên”, Đỗ Nhuận vẫn không quên tường thuật chiến công oanh liệt đó:

Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu/

Vượt rừng qua suối đắp đường thắng lợi về đây/

Vượt rừng đánh chắc ta tiến lên, lực lượng như bão táp/

Quân thù mấy cũng phải tan!

Và cả ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ:

Núi sông bừng lên/

Quốc tế đang đón chờ chiến dịch đại thắng lợi/

Góp sức xây dựng hòa bình!

Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu cũng vậy. Sau đoạn mở đầu báo tin vui chiến thắng, ông dành hầu hết bài thơ để  miêu tả chiến công oanh liệt của các chiến sĩ anh hùng xả thân cứu nước:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,

ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

Những đồng chí  thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão,

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…

Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Hất định mở đường cho xe ta

Lên chiến trường tiếp viện

Rồi ghi ơn hàng nghìn liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường đẫm máu vì độc lập-tự do của Tổ Quốc:

Hỡi các chị, các anh

Trên chiến trường ngã xuống

Máu của anh chị, của chúng ta không uổng

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam.

 Và cô đúc lại là ý nghĩa lịch sử của chiến thắng vĩ đại, như Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

Phía sau hai dòng ấy là một trong những võ công hiển hách nhất trong trường kỳ lịch sử dân tộc, một chiến công vĩ đại nhất của phong trào giải phóng dân tộc dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

 Các tác phẩm âm nhạc và thơ ca “phi vật thể” như trên đã thể hiện đầy đủ giá trị và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn tượng đài là một vật thể hoành tráng, đáng lẽ cũng phải thể hiện theo cách riêng của mình về giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện để lưu truyền cho hậu thế. Tiếc rằng tượng đài mang tên Chiến thắng Điện Biên Phủ không thể hiện được các giá trị và ý nghĩa như vậy. Trên đó không có một biểu tượng nào ghi dấu ý nghĩa trọng đại của sự kiện đối với dân tộc và nhân loại; cũng không có một nét bi tráng nào để gợi nhớ về những người đã hy sinh vì Tổ Quốc. Ngoài niềm vui tưng bừng cùng cờ hoa rực rỡ và một em bé được đưa vào cho thêm phần xôm tụ, các anh bộ đội ở đây không có nét nào của những chiến binh anh hùng vừa trải qua lửa đạn trong một trận chiến oanh liệt.

Cần có một tượng đài khác

Đắt giá về vật chất xây dựng nó nhưng rẻ tiền về giá trị tinh thần mà nó truyền tải, tượng đài này không xứng đáng với Chiến thắng Điện Biên Phủ để du khách hành hương về đây chiêm ngưỡng. Có lẽ chính vì thế mà những người có trách nhiệm xây dựng tượng đài này cũng chỉ coi nó như một mồi ngon để có thể kiếm chác. Tượng vừa dựng xong, người ta đã phát hiện rằng nó đã bị “rút ruột” 30% khối lượng đồng thau để thay thế bằng đồng phế liệu (có báo còn khẳng định số đồng bị ăn cắp là gần 100 tấn) và số tiền tham ô trong vụ này là 2,7 tỷ VND. Từ đó, cơ quan bảo vệ pháp luật đã truy tố 8 bị can về tội tham ô, đưa và nhận hối lộ (tất cả đều là những người có trách nhiệm trong việc xây dựng tượng đài, và họ đã phải nhận những bản án thích đáng). Do vụ tham nhũng này, chỉ 3 tháng sau khi khánh thành, tượng đài đã bị nghiêng, nứt, lồi lõm và xuống cấp trầm trọng. Vì thế, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ tượng đài đã phải liên tục dặm vá và xử lý những lỗi kỹ thuật phát sinh, nhưng vẫn không thể bảo đảm chất lượng để nó có thể tồn tại lâu dài như những tượng đài lịch sử khác.

 Với thực trạng như trên, giải pháp đúng đắn nhất để có được một tượng đài xứng đáng với Chiến thắng Điện Biên Phủ mà tồn tại lâu dài với thời gian là xây dựng một tượng đài khác thay cho cái hiện có. Theo một nguồn tin có trách nhiệm, lúc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ ý không hài lòng với tượng đài này. Do vậy, việc xây dựng một tượng đài khác tốt hơn cũng phù hợp với ước nguyện của vị Tổng tư lệnh đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.

         

Tượng đài Chiến thắng Stalingrad

 Để sáng tác được một tượng đài thực sự xứng đáng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với tài năng nghệ thuật, nhà điêu khắc phải có trình độ hiểu biết và cảm xúc sâu sắc về sự kiện lịch sử mà mình cần thể hiện. Cũng cần tham khảo những tượng đài cùng loại nổi tiếng ở nước ngoài. Chẳng hạn, tượng đài Chiến thắng Stalingrad (tức Volgograd) ở Liên bang Nga (tức Liên Xô trước kia) có thể là một mô hình tham khảo rất tốt. Trên đỉnh đồi Mamaiev, nơi đã diễn ra chiến sự đẫm máu trong trận đánh vĩ đại mà Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt và bắt sống 33 vạn quân phát xít Đức, một tượng đài bằng đá hoa cương cao 86 mét mang hình Mẹ Tổ Quốc tay cầm thanh gươm công lý vươn tới trời xanh. Bên chân Mẹ Tổ Quốc là hình tượng chiến sĩ Hồng quân trong tư thế kiên cường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Tất cả đều trang nghiêm lẫm liệt và thiêng liêng xứng tầm với một sự kiện lịch sử vĩ đại./.

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác