NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ CHỮ VÀ NGHĨA CỦA BÀI “THẰNG BỜM”

( 02-11-2013 - 08:37 PM ) - Lượt xem: 2659

Bài ca dao “Thằng Bờm” là một di sản hoàn toàn độc đáo của văn học dân gian Việt Nam, bởi vì trong văn học của mọi dân tộc khác chưa từng có một dạng thức nào tương tự với nó...

Bài ca dao “Thằng Bờm” là một di sản hoàn toàn độc đáo của văn học dân gian Việt Nam, bởi vì trong văn học của mọi dân tộc khác chưa từng có một dạng thức nào tương tự với nó. Dường như mọi người Việt Nam đều thuộc bài ca dao ấy, nhưng vì là sản phẩm truyền miệng, nên khi được viết thành văn, nó có một số chi tiết và cách hiểu khác nhau. Văn bản thông dụng nhất hiện nay là:

    

                              Thằng Bờm có cái quạt mo

                              Phú Ông xin đổi ba bò, chín trâu.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,

                              Phú Ông xin đổi ao sâu [ một xâu] cá mè.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,

                              Phú Ông xin đổi ba bè [một bè] gỗ lim.

                              Bờm rằng bờm chẳng lấy lim,

                              Phú Ông xin đổi con chim [đôi chim] đồi mồi.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,

                              Phú Ông xin đổi hòn [nắm] xôi, Bờm cười!

 

Theo văn bản này, những câu thứ tư, thứ sáu, thứ tám và thứ mười có những chữ dùng không thống nhất [cách dùng khác được chua thêm trong dấu ngoặc vuông] . Vấn đề được đặt ra ở đây là: trong những chữ không thống nhất đó, thì đâu là những từ sát đúng hơn so với nguyên bản.

 

1. Trước hết, cần lần lượt xem xét các từ dùng khác nhau trong các câu trên. Theo câu thứ tư thì Phú Ông xin đổi chính xác là cái gì để lấy quạt mo của Bờm? Nếu chỉ để vần với chữ “trâu” ở câu trên, thì “ao sâu” hay “một xâu” đều dùng được. Nhưng nếu xét theo thực chất của sự vật mà Phú Ông xin đổi, thì đó chính là “một xâu cá mè”. Nông dân ta thời xưa khi bắt được cá thường lấy thân cây lúa,cọng cỏ hoặc sợi lạt tre xỏ qua mang từng con một, tạo thành một xâu cá mang về. Cá mè là loài sống ở chỗ nước nông để ăn các sinh vật trôi nổi trên mặt nước, nên “ao sâu” không có giá trị thiết thực đối với loài cá này, đó chỉ là từ mà người viết cố ý sử dụng để bảo đảm vần điệu.

 Trong câu thứ sáu, nếu chỉ để vần với chữ “mè” ở câu trên, thì “ba bè” hay “một bè” đều dùng được. Nhưng để tương thích với “ba bò” ở câu thứ hai về số lượng sự vật và cả thanh âm, thì dùng “ba bè” sẽ hợp lý hơn.

 Ở câu thứ tám, “con chim” hay “đôi chim” đều được cả, nhưng “chim đồi mồi” là loài gì? Mọi người đều biết “đồi mồi” là một loài rùa biển có mai dùng làm đồ trang sức rất đẹp, nhưng từ xưa đến nay không ai biết “chim đồi mồi” ở đâu ra; ngay cả trong các tự điển sinh vật học cũng không hề có. Rõ ràng “chim đồi mồi” chỉ là con vật do người viết đặt ra đề có chữ “chim” vần với “lim” ở câu trên và chữ “mồi” vần với “xôi” ở câu dưới. Cả “con chim đồi mồi” và “đôi chim đồi mồi” đều không đúng với nguyên bản truyền miệng. Vậy, nguyên bản ấy phải là: “một đôi chim mồi”, loại chim được nông dân nuôi để dùng làm mồi nhử trong nghề đánh bẫy chim rất phổ biến thời xưa.

 Còn câu cuối cùng, “hòn xôi” hay “nắm xôi” đều được cả; nhưng dùng “hòn xôi” là từ cổ (tương tự như “hòn đá”, “hòn đất”, “hòn than”…) thì chính xác hơn là “nắm xôi” quen thuộc với ngôn ngữ hiện đại.

 Những sự phân tích trên đã cho thấy văn bản sát với nguyên gốc của bài ca dao này là:

 

                              Thằng Bờm có cái quạt mo,

                              Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,

                              Phú Ông xin đổi một xâu cá mè.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,

                              Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,

                              Phú Ông xin đổi một đôi chim mồi.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,

                              Phú Ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười!

 

2. Vấn đề tiếp theo được đặt ra: bài ca dao này có ý nghĩa như thế nào? Từ những văn bản ít nhiều khác nhau về từ ngữ, người ta đã giải thích theo nhiều quan điểm khác nhau về ý nghĩa của bài này xoay quanh hai nhân vật “Thằng Bờm” và “Phú Ông”. Có người cho rằng Bờm là một nhân vật khờ khạo, vụng về nhưng chất phác. Có người nói Bờm là nhân vật vừa tức cười vì ngây ngô, vừa đáng thương vì dốt, lại vừa đáng yêu vì sự hồn nhiên và luôn nghĩ đến điều tốt (?). Thậm chí có người còn phân tích Phú Ông là tay bóc lột ghê gớm đến mức một chiếc quạt mo cũng không tha, những tài sản to lớn mà ông ta đưa ra đổi chỉ là để lừa bịp; còn Bờm tỉnh táo trước những miếng mồi ngon, chỉ nhận đúng cái có giá trị ngang với quạt mo, nếu nhận quá đi thì sẽ gặp hậu quả xấu (?). Bộ phim “Thằng Bờm” sản xuất năm 1987 đã miêu tả sự ngu tối của tam đại nhà Bờm, sự tham lam và thành đạt của chàng ngốc đó nhờ những vận may kỳ lạ, cho đến khi phải vỡ mộng làm quan vì dốt.

 Tuy nhiên, nếu bám sát vào nguyên bản gốc về cuộc đối đáp để trao đổi cái quạt mo giữa Phú Ông với Thằng Bờm, ta sẽ thấy ý nghĩa đích thực của bài này. Khi Phú Ông đưa ra những tài sản kếch sù như “ba bò chín trâu” hoặc “ba bè gỗ lim” để đổi quạt mo, Bờm đã từ chối vì không biết những cái đó có giá trị như thế nào và dùng để làm gì. Phú Ông bèn đưa ra những con vật cụ thể nhỏ bé gần gũi với Bờm là “xâu cá mè” và “đôi chim mồi”; nhưng Bờm vẫn khước từ vì những thứ này chưa thể ăn ngay được. Cuối cùng, khi Phú Ông đưa ra “hòn xôi”, Bờm lập tức tươi cười chấp nhận đổi quạt vì biết chắc rằng cái ấy có thể ăn liền! Vậy, ý nghĩa của bài này là: tham cái lợi nhỏ trước mắt  mà bỏ cái lợi lớn lâu dài là căn bệnh của những người kém trí khôn như Bờm. Nói cách khác, bài ca dao đã đưa ra triết lý sống của những người như Thằng Bờm: chọn lấy cái có thể ăn ngay, mà bỏ qua tất cả những gì phải chờ đợi  phát sinh lợi ích, cho dù mình có biết hay không những giá trị của chúng.

 Nếu kiểm nghiệm qua những đặc tính của người Việt Nam, ta sẽ thấy số người mang “triết lý thằng Bờm” không phải là hiếm. Chính vì vậy mà câu chuyện vui về “Thằng Bờm có cái quạt mo” đã để lại cho các thế hệ đồng bào ta một bài học cực kỳ thâm thúy.

 

                                                                                                     Lê Vinh Quốc

 

Các Bài viết khác