NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRUYỆN TRANH Ở VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG

( 01-01-2014 - 10:37 AM ) - Lượt xem: 1424

Quan hệ ngoại giao Việt - Nhật chính thức được thiết lập vào năm 1973, cách đây vừa chẵn 40 năm. Trong khoảng thời gian đó, có đến quá nửa là có sự hiện diện của các truyện tranh Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng ta biết rằng cách đây 21 năm, vào những ngày cuối năm 1992, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt những tập đầu tiên của bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản. Đây quả là sự kiện gây chấn động không chỉ hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam, mà thực sự đã tác động sâu sắc đến thói quen đọc sách của người Việt, trước hết là các bạn đọc nhỏ tuổi. Kể từ đây, trẻ em Việt Nam bắt đầu biết đến một loại hình sách kết hợp đan xen giữa tranh và hình, thường là gồm nhiều tập, có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố nhân văn, nhân bản không kém sâu sắc. Trước hết, xin điểm lại đôi nét về lịch sử truyện tranh ở Việt Nam để có thể thấy được những thay đổi to lớn đã diễn ra khi truyện tranh hiện đại bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam.

TRUYỆN TRANH Ở VIỆT NAM – VÀI NÉT LỊCH SỬ

 

Truyền thống truyện tranh ở Việt Nam có lẽ bắt nguồn sau khi báo chí xuất hiện, đặc biệt phải kể đến một tờ báo rất có ảnh hưởng về văn hóa vào những năm 30 của thế kỉ trước: báo Phong Hóa của Tự lực Văn đoàn. Trên tờ báo này từng xuất hiện một cặp nhân vật rất hấp dẫn bạn đọc, đó là cặp bài trùng Lý Toét - Xã Xệ.

Tuy chỉ là những tranh đơn hoặc tranh liên hoàn, chiếm một góc tờ báo, nhằm tăng tính giải trí cho độc giả, chuyên mục này đã tạo được dấu ấn tượng khá mạnh, với những nội dung văn hóa, chính trị, xã hội nhiều khi hết sức sâu sắc.

 

Cũng thuộc loại hình này, cuối những năm 50 của thế kỉ trước, trên báo Thiếu niên tiền phong dành cho thiếu nhi xuất hiện cặp nhân vật truyện tranh nổi tiếng là Bóng Nhựa và Bút Thép. Bóng Nhựa với cái đầu tròn như quả bóng bàn, cùng Bút Thép đầu nhọn hoắt như chiếc ngòi bút, từng là hai người bạn thân thiết với thiếu nhi Việt Nam suốt một thời.

 

Truyện tranh dưới dạng sách sau này mới xuất hiện. Tuy nhiên ở đây cần làm rõ một khái niệm. Chữ “truyện tranh” trong tiếng Việt vừa chỉ loại truyện tranh trên lời dưới (truyện tranh truyền thống), vừa chỉ loại truyện tranh hiện đại (comic, manga, manhwa, manhua) rất phổ biến hiện nay. Vì vậy, khi nói đến truyện tranh thời kì đầu ở Việt Nam là nói đến loại truyện tranh theo kiểu truyền thống, tranh theo truyện hay truyện có tranh minh họa. Với một đội ngũ cộng tác viên là những họa sĩ tài ba, ngay từ rất sớm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra đời những truyện tranh đầu tiên thuộc loại này. Ban đầu là truyện tranh đen trắng, về sau có thêm truyện tranh màu, phần lớn là các đề tài truyền thống, như cổ tích, dân gian, lịch sử hoặc đấu tranh cách mạng.

 

Cũng có một số truyện tranh dịch của nước ngoài, ví dụ các truyện tranh của Liên Xô hay các bộ truyện tranh dựa theo những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc như Tam quốc, Tây du… Đó là những ấn phẩm được vẽ rất đẹp, nhưng các phiên bản được lựa chọn để dịch in ở Việt Nam đều theo kiểu truyền thống, thường mỗi trang gồm một hình ảnh và một đoạn truyện, hay như người ta vẫn quen nói, quen nghĩ, là “tranh trên lời dưới”.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số bộ truyện tranh comic nổi tiếng của châu Âu, như Tintin, Lucky Luke… từng được xuất bản những năm trước đây. Nhưng vì lí do nào không rõ, sự xuất hiện của các bộ truyện tranh này xem ra không gây được dấu ấn đặc biệt đối với đông đảo bạn đọc Việt.

 

Trên đây là một số nét chấm phá về hiện trạng truyện tranh ở Việt Nam cho đến cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90. Nghĩa là trước khi xuất hiện Doraemon. Những truyện tranh như thế không phải không hấp dẫn bạn đọc, nhất là trẻ em, nhưng nói chung vẫn là những cuốn sách như mọi sách khác, dù có phần đặc biệt hơn về hình thức.

 

 

HIỆN TRẠNG TRUYỆN TRANH Ở VIỆT NAM

 

Như trên đã nói, việc Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra đời bộ sách Doraemon của Nhật Bản vào những ngày cuối năm 1992, thực sự là một sự kiện trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Báo chí đã dùng những cụm từ như “Cơn sốt Đôrêmôn”, “Hiệu ứng Đôrêmôn”, “Đôrêmôn – sự kiện xuất bản lừng danh”, “Đôrêmôn lật ngược thế cờ trong xuất bản”, “Đôrêmôn kích hoạt thị trường sách thiếu nhi”… để chỉ sự kiện này. Như thực tế cho thấy, “cơn sốt” này không chỉ có tác động nhất thời mà còn tạo ra một thói quen đọc sách mới với bạn đọc Việt – thói quen đọc truyện tranh (manga). Kéo theo đó là hàng loạt những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành đối với người làm sách, và những mối quan tâm đặc biệt của công chúng, nhiều khi trái ngược nhau, trong việc nhìn nhận, đánh giá về truyện tranh.

Lịch sử ngành xuất bản Việt Nam không thể không ghi nhận, bộ sách Doraemon nói riêng và một số bộ truyện tranh khác (chủ yếu là manga Nhật Bản) thời gian đầu đã có những tác động rất tích cực về mặt xã hội: kích thích trẻ đọc sách; thúc đẩy hoạt động xuất bản… Đương nhiên, thành công của Doraemon cũng khiến cho hàng loạt nhà xuất bản lao vào tìm kiếm, khai thác, xuất bản truyện tranh. Nếu như thời gian đầu sau Doraemon, mỗi năm ở Việt Nam trung bình xuất hiện khoảng 10 bộ truyện tranh, thì sau đó là 25 bộ, và những năm gần đây lên tới 50 bộ. (Tính đến nay, đã có khoảng 700 bộ truyện tranh các loại – chủ yếu của nước ngoài – được xuất bản ở Việt Nam; ở đây hiểu “truyện tranh” theo nghĩa truyện tranh hiện đại – manga, comic…)

Điều đáng tiếc là, việc khai thác truyện tranh đã diễn ra một cách tràn lan, thiếu chọn lọc, khiến cho trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều bộ truyện tranh kém chất lượng, ít được chú trọng tính văn hóa, giáo dục mà nặng về thương mại. Không ít bộ truyện tranh có nhiều yếu tố tình dục, bạo lực, thực sự không phù hợp với văn hóa Việt. Thêm vào đó là việc dịch thuật, biên tập ở nhiều cuốn rất thiếu chọn lọc, cân nhắc về tính đối tượng (bạn đọc nhỏ tuổi), nên càng gây phản cảm.

Chính vì thế truyện tranh đã gây không ít ý kiến trái chiều: Nhiều người, trong đó có các bậc phụ huynh, thày cô giáo cho truyện tranh chỉ để giải trí, thiếu nghiêm túc; hình ảnh và lời văn không phù hợp, làm hỏng tư duy, đặc biệt tư duy ngôn ngữ của trẻ… Nghiêm trọng hơn, có người cho truyện tranh đồng nghĩa với nguy cơ tiêm nhiễm, kích động những yếu tố gây hại cho trẻ. Vì vậy họ công kích truyện tranh, thậm chí cấm trẻ đọc truyện tranh, ngay cả khi không biết mặt mũi cuốn sách ra sao.

Nạn in lậu càng tác động tiêu cực đến thị trường truyện tranh. Sách bị in lậu, nhà xuất bản không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, do đa phần các sách in lậu rất kém chất lượng. Tình trạng xuất bản truyện tranh không tác quyền vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Việt Nam tham gia Công ước Bern, tạo nên một sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà xuất bản thực thi nghiêm túc bản quyền với những người làm sách lậu. Đồng thời khiến hình ảnh về xuất bản Việt Nam bị định kiến trong mắt đối tác nước ngoài…

Bất chấp mọi khó khăn, một số nhà xuất bản vẫn kiên trì xuất bản truyện tranh một cách nghiêm túc, bài bản, cho ra được những bộ có chất lượng, được trẻ yêu thích, phụ huynh tán thưởng, góp phần làm thay đổi dần dần nhận thức của công chúng về truyện tranh.

Không nghi ngờ gì nữa, hiện nay truyện tranh là loại hình có nhiều người đọc nhất, đặc biệt là thiếu nhi. Đây quả là một điều hết sức có ý nghĩa, khi văn hóa đọc đang bị sa sút nghiêm trọng. Thống kê về tình hình xuất bản năm 2012 cho thấy: Với 64 Nhà xuất bản của Nhà nước và sự tham gia của các công ty xuất bản tư nhân, trong năm qua ngành xuất bản Việt Nam đã xuất bản tổng cộng khoảng 295.314.000 bản sách, trong đó có đến 76% là sách giáo khoa. Tất cả các loại sách còn lại chỉ chiếm khoảng 24%. Riêng sách cho thiếu niên - nhi đồng chiếm đến gần 10% (28.865.000 bản). Đây là con số khá khiêm tốn so với trên 20 triệu thiếu nhi Việt Nam, bởi trung bình mỗi em chỉ được thụ hưởng trong năm hơn 1,4 cuốn sách. Tuy nhiên, trong con số đó có bao hàm đáng kể phần đóng góp của truyện tranh. Thực tế, truyện tranh chiếm đến 2/3 lượng sách xuất bản cho các em. Nếu như không có truyện tranh, số sách mà một thiếu nhi Việt Nam được thụ hưởng trong một năm có thể chưa đến… nửa cuốn!

 

Tuy nhiên, con số chưa phải là tất cả. Điều còn đáng lưu tâm hơn là khuynh hướng, hay nhu cầu đọc của các em. Ngày nay, nếu quý vị vào một cửa hàng sách bất kì ở Việt Nam, dù là thành phố lớn hay phố huyện, cửa hàng sách tổng hợp hay dành riêng cho thiếu nhi, quý vị dễ dàng thấy cảnh tượng này: phần lớn các khách hàng nhỏ tuổi đều xúm quanh các giá bày truyện tranh, trong khi có rất ít em tìm xem các sách khác. Hay đây cũng là một hình ảnh thường thấy: vào ngày phát hành truyện tranh theo lịch của một nhà xuất bản, cửa hàng sách đông hẳn lên, nhiều em tạt vào cửa hàng chỉ để mua cuốn truyện tranh mới ra. Mua được thì thật là hớn hở mà nếu chẳng may hết sách, trông các em tiu nghỉu thật đáng thương.

Những hình ảnh đó phản ánh một thực trạng: trẻ em Việt Nam rất yêu thích truyện tranh, và với không ít em, việc đọc sách đồng nghĩa với đọc truyện tranh. Niềm say mê truyện tranh ở nhiều em, có thể nói, vượt ra ngoài thao tác đọc thông thường. Các em lập thành nhóm hâm mộ truyện tranh (các fan manga); ăn mặc, đóng giả giống như nhân vật truyện tranh (cosplay)… Có em sưu tầm các ấn phẩm trên mạng internet, tìm đọc các phiên bản khác nhau để so sánh, đối chiếu. Có em còn tìm đọc truyện tranh bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh (với những em biết ngoại ngữ), và chất vấn nhà xuất bản về những chỗ dịch không đúng hay những chỗ bị chỉnh sửa “quá đáng” so với nguyên tác. Hoặc có em tự dịch rồi tung lên mạng để chia sẻ với các “fan” khác…

 

Thực trạng này có thể được nhìn nhận ra sao? Một mặt, rõ ràng truyện tranh có tác động tích cực là kéo các em đến với sách, kích thích tưởng tượng, sáng tạo, tạo thêm “sân chơi” cho các em. Mặc khác, niềm đam mê truyện tranh nếu không được tiết chế, điều hòa với các hoạt động khác, chắc chắn sẽ khiến các em bị lệch lạc không chỉ trong việc đọc sách, mà cả trong học tập, lao động cũng như các hoạt động khác mà lứa tuổi các em cần phải được phát triển toàn diện. Ấy là chưa kể nguy cơ những truyện tranh thiếu lành mạnh, không phù hợp với tâm lí lứa tuổi và văn hóa Việt có thể tác động tiêu cực đến các em về nhiều phương diện khác nữa mà công luận vẫn luôn cảnh báo. Vì vậy, bản thân truyện tranh mới chỉ là một phần câu chuyện; việc đưa truyện tranh đến với các em như thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của các em, vừa đảm bảo rằng những cuốn sách đó thực sự là món ăn tinh thần bổ ích cho các em, mới là điều cốt yếu cần được đặt ra và giải quyết.

 

 

NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG VỚI VIỆC XUẤT BẢN TRUYỆN TRANH

 

Là một trong số ít nhà xuất bản chuyên xuất bản truyện tranh với số lượng lớn (chiếm khoảng 40% tổng số đầu sách truyện tranh được xuất bản từ 1992 đến nay), những gì Nhà xuất bản Kim Đồng làm được trong lĩnh vực này phản ánh tương đối khái quát quá trình hình thành và phát triển truyện tranh ở Việt Nam.

Như trên đã nói, với bộ sách Doraemon, Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị đi tiên phong trong việc xuất bản truyện tranh manga, đồng thời tiếp tục khai thác các bộ truyện tranh nổi tiếng khác của Nhật Bản, như Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng, Thám tử Conan… Tất cả các bộ truyện tranh đó đều được in với số lượng lớn và được trẻ em Việt Nam hết sức yêu thích – từ đây cũng bắt đầu thói quen đọc manga của trẻ em Việt Nam trong thập niên cuối của thế kỉ trước.

Phát huy thành quả của bộ sách Doraemon, Nhà xuất bản Kim Đồng đã triển khai nhiều hoạt động tích cực trong mối quan hệ giao lưu, hợp tác với đối tác Nhật Bản. Nhiều năm trước khi Việt Nam gia nhập công ước Bern, Kim Đồng đã chủ động đề nghị kí bản quyền với tác giả Fujiko và Nhà xuất bản Shogakukang. Bản quyền được kí kết, tác quyền được trả cho tác giả, nhưng với tấm lòng hào hiệp và tình yêu trẻ – trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em Nhật Bản – tác giả Fujiko đã quyết định dành toàn bộ số tiền của mình, để cùng Nhà xuất bản Kim Đồng xây dựng quỹ học bổng mang tên Đôrêmon dành cho học sinh Việt Nam.

Đặc biệt, cũng từ thành quả của việc xuất bản các bộ truyện tranh Nhật Bản, Nhà xuất bản Kim Đồng đã đầu tư trở lại vào sách Việt Nam, cho ra đời nhiều tủ sách có giá trị thuộc các lĩnh vực văn học (Tủ sách Vàng), khoa học (Tủ sách Khám phá), truyện tranh – cả truyện tranh truyền thống và truyện tranh hiện đại theo kiểu manga. Truyện tranh truyền thống có các bộ rất thành công như Truyện tranh dân gian Việt Nam, Truyện tranh lịch sử Việt Nam; truyện tranh hiện đại có bộ Tý Quậy được trẻ em Việt Nam yêu thích không kém gì truyện tranh Nhật Bản.

 

Là nhà xuất bản đi tiên phong trong hội nhập quốc tế, có đóng góp tích cực vào tiến trình Việt Nam gia nhập Công ước Berne về Quyền tác giả, Nhà xuất bản Kim Đồng tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về bản quyền. Tất cả các sách nước ngoài do Kim Đồng thực hiện đều là có bản quyền. Hiện Nhà xuất bản Kim Đồng đang giao dịch với khoảng 100 đối tác nước ngoài, trong đó giao dịch về truyện tranh với khoảng 20 đối tác, tập trung ở bốn nước và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (trong đó truyện tranh Nhật Bản chiếm tới 90% thị phần).

Trong số những truyện tranh nước ngoài thuộc loại được trẻ em Việt Nam yêu thích nhất, phải kể đến các bộ Doraemon, Thám tử Conan, Shin - cậu bé bút chì – tất cả đều là của Nhật Bản và đều do Kim Đồng xuất bản.

Bên cạnh các truyện tranh mang tính giải trí, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng rất chú trọng khai thác các bộ truyện tranh có nội dung khoa học, có tính giáo dục với hàm lượng kiến thức cao về các lĩnh vực khác nhau (khoa học, lịch sử, văn hóa…). Hiện Nhà xuất bản đang cho ra các bộ truyện tranh Doraemon khoa học, Conan khoa học… của Nhật Bản, các bộ truyện tranh danh nhân, danh tác của Hàn Quốc, Trung Quốc… Những cuốn sách này không chỉ nhằm đáp ứng rộng rãi nhu cầu bạn đọc, mà còn làm thay đổi không ít sự hình dung của công chúng Việt Nam về truyện tranh theo hướng tích cực hơn.

 

Một trong những yêu cầu luôn được đặt ra khi xuất bản truyện tranh nước ngoài là công tác biên tập (lời và hình) cho phù hợp với văn hóa Việt. Đành rằng truyện tranh có ngôn ngữ riêng, có cách thể hiện riêng, và các nước khi sáng tác truyện tranh cũng rất chú trọng yếu tố văn hóa, giáo dục đối với bạn đọc nước mình. Tuy nhiên mỗi nước có một quan niệm riêng về văn hóa, một thói quen tiếp nhận hình ảnh và câu chữ khác nhau. Xin đơn cử một thí dụ. Bộ truyện tranh Shin - cậu bé bút chì của Nhật Bản được coi là một bộ sách có tính giáo dục cao ở xứ sở hoa anh đào. Nhưng trong lần xuất bản đầu tiên ở Việt Nam, bộ sách đã bị bạn đọc chỉ trích là có nhiều yếu tố phản cảm liên quan đến giáo dục trẻ em. Nhà xuất bản đã tiếp thu ý kiến bạn đọc, làm việc với đối tác đề nghị được chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa Việt. Kết quả bộ sách đã được “tái xuất” và hiện đang là một trong những bộ truyện tranh được trẻ em yêu thích nhất, đồng thời cũng được người lớn chấp nhận.

 

 Tóm lại, trong quá trình khai thác, biên tập, xuất bản truyện tranh, Nhà xuất bản luôn đặt ra trách nhiệm, một mặt về nguyên tắc phải hết sức tôn trọng nguyên tác, tôn trọng tác giả, mặt khác phải làm sao để cuốn sách được in ra phù hợp với bạn đọc Việt, tránh các yếu tố có thể gây phản cảm. Đến nay, tiêu chí này luôn được duy trì và thực hiện hết sức triệt để. Hiện tại thương hiệu truyện tranh Kim Đồng có thể coi là được đảm bảo về chất lượng đối với bạn đọc nhỏ tuổi, và niềm tin đối với nhiều phụ huynh.

Song song với việc xuất bản truyện tranh nước ngoài, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng rất nỗ lực trong việc thúc đẩy sáng tác, xuất bản truyện tranh Việt Nam mà Tý Quậy là một thành công đáng kể. Đến nay bộ sách đã ra được 8 tập và các bạn đọc nhỏ tuổi đang háo hức mong đợi tập thứ 9. Những tập đầu tiên đã được tái bản đến lần thứ 22; tập 8 mới ra cũng đã được in tới 5 lần.

Đặc biệt, với ý thức coi truyện tranh như một loại hình nghệ thuật có nhiều khả năng biểu cảm, rất phù hợp và dễ phổ biến với lứa tuổi nhỏ, Nhà xuất bản đã cho ra mắt bộ truyện tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên “Bác Hồ sống mãi”, dành cho lứa tuổi nhi đồng. Bộ sách được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Phan Thị, một đơn vị làm sách rất tâm huyết với truyện tranh. Đến nay bộ sách đã ra được 15 tập và đang tiếp tục triển khai để cho ra các tập tiếp theo. Thành công của bộ sách chứng tỏ rằng thể loại manga / comic hoàn toàn có khả năng thể hiện những đề tài nghiêm túc nhất đối với người đọc Việt Nam.

 

 

HƯỚNG TỚI MỘT NỀN XUẤT BẢN TRUYỆN TRANH PHÁT TRIỂN, LÀNH MẠNH

 

            Từ những kinh nghiệm thực tế của Nhà xuất bản Kim Đồng, kết hợp với những hiểu biết chung về lĩnh vực truyện tranh, chúng tôi xin nêu một số kiến giải, đề xuất nhằm cải thiện tình hình xuất bản truyện tranh ở Việt Nam.

            Tính đến thời điểm hiện tại, truyện tranh hiện đại (manga, comic…) đã có lịch sử hơn hai chục năm ở Việt Nam. Nghĩa là đã có cả một bề dày với những thăng trầm và không ít bài học có thể rút ra. Truyện tranh có thế mạnh hơn hẳn nhiều loại sách khác, như được đa số bạn đọc, nhất là giới trẻ, yêu thích. Nhưng chính thế mạnh này lại dễ khiến cho những người thiếu trách nhiệm khai thác truyện tranh một cách tùy tiện vì mục đích trục lợi. Chính vì vậy cần có sự nỗ lực từ nhiều phía để truyện tranh thực sự là những sản phẩm văn hóa xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc, đem lại nhiều lợi ích cho toàn thể cộng đồng.

-         Về phía các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, chúng tôi đề nghị:

+ Chú trọng công tác khai thác bản quyền để có được đầu sách tốt, phù hợp, có ý nghĩa nhân văn, giáo dục hoặc giải trí lành mạnh.

+ Đào tạo đội ngũ dịch giả, họa sĩ, biên tập để đảm bảo chất lượng truyện tranh cả về nội dung và hình thức, phù hợp với văn hóa Việt.

+ Chú trọng truyền thông, quảng bá sách, giúp bạn đọc có được thông tin đúng đắn về tác phẩm.

+ Đẩy mạnh đầu tư, hợp tác để thực hiện các bộ truyện tranh Việt Nam. Hiện nay, không ít truyện tranh Việt Nam xuất hiện trên thị trường là của các công ty tư nhân, ví dụ như Công ty Phan Thị. Sau thành công của bộ Thần đồng đất Việt, Phan Thị tiếp tục cho ra nhiều bộ truyện tranh, trong đó có các cuốn về đề tài Bác Hồ hợp tác với Kim Đồng như trên đã nói, hay loại sách chuyển thể các tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam. Đặc biệt gần đây, Phan Thị còn làm sách về biển đảo, gây sự quan tâm, chú ý đối với truyền thông một số nước trong khu vực và trên thế giới. Những nhân tố tâm huyết với truyện tranh Việt như thế này là rất đáng khích lệ.

 

-         Về phía các cơ quan quản lí Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản:

+ Có biện pháp để ngăn chặn tình trạng xuất bản truyện tranh không có bản quyền, đem lại sự công bằng cho những người làm sách nghiêm túc, cũng như giúp đảm bảo chất lượng ấn phẩm đối với người tiêu dùng.

+ Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết triệt để nạn in lậu sách, bảo vệ quyền lợi của tác giả, dịch giả, nhà xuất bản cũng như bạn đọc.

-         Về phía xã hội:

            + Có thái độ công bằng, cởi mở đối với truyện tranh.

+ Có cái nhìn khách quan, biện chứng đối với truyện tranh, nhất là sự yêu thích truyện tranh của giới trẻ: đây vừa là một thực tế, vừa là một xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại.

-         Về phía người đọc:

+ Bạn đọc nhỏ tuổi cần có ý thức đọc truyện tranh trong tương quan hợp lí về thời gian với việc học bài, đọc các sách khác; đọc truyện tranh không chỉ để giải trí mà còn để tiếp thu tri thức, học hỏi thông qua các bộ sách tìm hiểu khoa học, khám phá thế giới…

+ Bạn đọc lớn tuổi, những người trước kia từng có thời yêu thích truyện tranh và có thể đã bị phụ huynh ngăn cản đọc truyện tranh, đến lượt mình hãy là những “phụ huynh sáng suốt”, tạo điều kiện cho con em mình đọc truyện tranh một cách hợp lí nhất

 

Tóm lại, truyện tranh, với mức độ phổ biến hiện nay, với xu hướng ngày càng được tiếp nhận rộng rãi hơn, một khi có được những tác động tích cực từ phía nhà xuất bản, xã hội, bạn đọc… như trên đã trình bày, chắc chắn sẽ có được một tương lai tốt đẹp như mọi bạn đọc chân chính đều mong muốn.

-------------    

Tham luận tại Hội thảo nhân 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Hà Nội, 22-12-2013.

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác