NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRUNG QUỐC ĐÃ LỪA DỐI CẢ THẾ GIỚI

( 19-09-2014 - 06:19 AM ) - Lượt xem: 1027

Ngày 1-6-2014, tại cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ Người Yêu Sách với chủ đề “Hướng về biển đảo thân yêu”, phóng viên Thành Luân của báo Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Vinh Quốc, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên (PV): Là nhà giáo nghiên cứu về lịch sử, xin ông cho biết đánh giá của ông về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây có đưa ra luận điệu rằng: các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) đã thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ đời nhà Hán thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.

 

Tiến sĩ Lê Vinh Quốc (TS): Xin thú thật với nhà báo là tôi cảm thấy nực cười về cái luận điệu ấy. Từ trước Công Nguyên cho đến thế kỷ 15 Công Nguyên, toàn thể nhân loại chỉ biết xác định cương vực lãnh thổ trên lục địa (với các đảo ven bờ), mà chưa có ý niệm nào về lãnh hải và chủ quyền lãnh thổ trên những hải đảo viễn dương (được coi là “lãnh thổ vô chủ”). Khi ấy, dù là Đế Quốc La Mã ở phương Tây hay Đế Quốc Trung Hoa (từ thời Tần-Hán) ở phương Đông đều không có việc xác định “lãnh hải” hay “chủ quyền” trên những đảo hoang giữa đại dương bao la. Mãi đến cuối thế kỷ 15, sau những phát kiến địa lý vĩ đại của các cường quốc hàng hải phương Tây (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp), việc xác định chủ quyền trên biển và trên những hải đảo được phát hiện giữa đại dương mới dần dần trở thành thông lệ và công pháp quốc tế. Nhưng ngay cả khi ấy thì Trung Quốc (dưới các triều đại Minh-Thanh) vẫn đứng ngoài thông lệ này và chỉ biết đến lãnh thổ trên lục địa của mình với 2 đảo lớn kế cận là Đài Loan và Hải Nam. Chính vì vậy mà bản đồ Trung Quốc do chính các triều đại này vẽ đều lấy đảo Hải Nam làm ranh giới cực nam của nước này, không bao giờ mở rộng đến các quần đảo trên biển Đông.

Bởi thế, luận điệu nói trên là một sự bịa đặt trắng trợn và xằng bậy nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị hiện tại.

 

PV: Đã từng nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, vậy ông có thấy một tài liệu chính sử nào của nước này nói về việc Trung Quốc có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa hay không?

 

TS: Trung Quốc hiện lưu trữ được 24 bộ chính sử (mỗi bộ hàng trăm cuốn) do triều đình biên soạn trong suốt mấy nghìn năm lịch sử từ thời Tần-Hán cho đến nhà Thanh. Theo sự phân tích kỹ lưỡng của GS Lê Văn Cương, trong tổng số đó có 6 bộ sử chép những sự kiện liên quan đến Việt Nam và 7 bộ có đề cập đến biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải). Riêng tôi thì cho rằng, nếu việc làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc  là có thật, thì việc đó phải được ghi chép trong các bộ sử này. Nhưng dù có đọc kỹ khối lượng thư tịch khổng lồ ấy bao nhiêu lần, cũng tuyệt nhiên không tìm thấy một trang hay một dòng nào viết về việc đó, thậm chí mấy chữ “Tây Sa” (hay Hoàng Sa), “Nam Sa” (hay Trường Sa) cũng không hề xuất hiện. Như vậy, chính sách sử của Trung Quốc đã chứng minh hùng hồn rằng hai quần đảo này chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. (Các bản đồ Trung Quốc do chính nước này vẽ cũng chứng minh như vậy).

 

PV: Theo nhà sử học Vũ Minh Giang, sở dĩ Trung Quốc nói họ làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa từ thời cổ đại là xuất phát từ sách “Dị vật chí” của Dương Phù thời Đông Hán (cách nay khoảng 2000 năm). Nội dung sơ lược của tài liệu này là gì, thưa ông?

 

TS: Tôi cũng đồng tình với nhiều nhà nghiên cứu là tài liệu này không có giá trị để chứng minh cho điều đó. Không tìm được bằng chứng trong sử sách và bản đồ do chính nước mình xuất bản, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh cố bới lông tìm vết trong các loại sách cổ khác và tìm được mấy dòng trong cuốn “ Dị vật chí” của Dương Phù (thời Đông Hán) để chế biến thành “bằng chứng” muốn có.

Theo tựa đề của nó, “Dị vật chí” là cuốn sách ghi chép những vật lạ mà tác giả phát hiện trên đường du hành qua những xứ sở đương thời. Đúng như nhà sử học Vũ Minh Giang đã phân tích, sách này không hề đề cập đến biển Đông (mà hàng chục thế kỷ sau đó Trung Quốc mới gọi là Nam Hải); và cũng tuyệt nhiên không viết gì về các quần đảo mà hàng nghìn năm sau đó mang tên Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) trong vùng biển này. Tuy nhiên, trong sách có mấy dòng viết về “Trướng Hải” (?) là một vùng biển mà Dương Phù đã đi qua và kể rằng ở đó có một loại dị vật là “từ thạch” (đá nam châm?). Bám lấy mấy dòng mơ hồ này, Bắc Kinh “suy luận” rằng “Trướng Hải” chính là Nam Hải (tức biển Đông), còn “từ thạch” là sản vật của Tây Sa và Nam Sa (?!); từ đó họ “chứng minh” rằng người Tàu thời Đông Hán đã phát hiện các sản vật lạ ở đó nên hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc (?!).

 Không một người bình thường nào có thể chấp nhận cách “suy luận” và “chứng minh” kỳ quặc như vậy. Chưa cần vạch trần trò ảo thuật biến “Trướng Hải” thành “Nam Hải” và gán “từ thạch” cho “Tây Sa” và “Nam Sa” là hoàn toàn phi lý; chỉ riêng việc dùng những dòng ghi chép mơ hồ về sản vật ở một nơi do một người Tàu phát hiện để làm “bằng chứng” về “chủ quyền” của nước Tàu đối với nơi đó đã là một sự quái gở về tư duy logic và hoàn toàn xa lạ với công pháp quốc tế. Thử hỏi, nếu lấy cuốn “Các cuộc du hành của Marco Polo” (The Travels of Marco Polo) do nhà du hành nổi tiếng người Ý thế kỷ 13 tự thuật, trong đó viết rất chi tiết về nước Tàu đương thời, để làm “bằng chứng” về “chủ quyền” của Italia đối với Trung Quốc thì có được không?

 Không có chủ quyền pháp lý nhưng lại muốn biện minh cho hành động bành trướng xâm lược của mình, Bắc Kinh đành phải chế tạo “bằng chứng” về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo của Việt Nam như vậy đó.

 

PV: Thưa ông, trước hàng loạt các hành động vi phạm chủ quyền có hệ thống của Trung Quốc từ năm 1974 cho đến nay, ông có cho rằng chúng ta cần phải có giải pháp cứng rắn hơn?

 

TS: Như chúng ta đã thấy, đúng vào dịp Việt Nam đang long trọng kỷ niệm lần thứ 60 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014), Trung Quốc đã dùng một lực lượng gồm 80 tàu quân sự và tàu chấp pháp các loại  gây hấn với các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư nước ta để đưa chiếc giàn khoan khổng lồ “Hải Dương 981” vào đặt sâu trong thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó chính là một vụ xâm lấn chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ trắng trợn và nghiêm trọng nhất do Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam, kể từ sau vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (19-1-1974), cuộc chiến tranh biên giới (mùa xuân 1979) và vụ đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988).

Trong năm 2011, Trung Quốc đã liên tiếp xâm nhập vùng biển, gây sự với Philippines và Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng là các vụ gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 và tàu Viking 2 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Trong năm 2012, Trung Quốc dùng hải quân để giành bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trắng trợn “mời thầu” khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, rồi ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm “Tây Sa”, “Nam Sa” (tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) và “Trung Sa” (với cả bãi cạn Scarborough trong đó).

 Đầu năm 2013, Trung Quốc cho hàng nghìn tàu cá tràn vào các vùng lãnh hải  Việt Nam và Philippines, đồng thời dùng các tàu “hải giám” của họ xua đuổi, vây bắt tàu cá Việt Nam, thậm chí dùng cả tàu chiến để bắn phá tàu cá của ngư dân nước ta.

Tháng 4-2013, chính phủ Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12”. Văn kiện này thực chất là một chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhắm tranh đoạt lãnh hải và chủ quyền biển đảo với 7 nước ASEAN trên biển Đông. Thực hiện “Quy hoạch” này, họ chiếu theo “đường Lưỡi Bò” để dựng mốc chủ quyền và tăng cường quản lý giao thông trên biển, đồng thời tiến hành khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác ở các quần đảo trên biển Đông mà họ tranh cướp được, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, vụ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là một hành động đã được chuẩn bị kỹ theo kế hoạch và lộ trình bành trướng sẵn có.

 Để có giải pháp thích đáng cho vụ xâm lấn này, chúng ta cần hiểu rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Từ thực tế cho thấy, trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục ngang ngược và lấn tới thì chúng ta cần có giải pháp cứng rắn hơn.

 

PV: Ông có cho rằng hàng loạt các hành động ngang ngược của Trung Quốc là xuất phát từ mục đích của họ nhằm đạt được yêu sách “đường lưỡi bò” mà họ đã ngộ nhận?

 

TS:  Bành trướng thế lực để làm bá chủ thiên hạ là tham vọng và bản chất cố hữu của giới cầm quyền Trung Quốc từ cổ đại đến ngày nay. Bước sang thế kỷ XXI, khi nước này vươn lên thành một nền kinh tế mới nổi lớn thứ hai thế giới, tham vọng đó lại trỗi dậy mãnh liệt. Vẽ ra một đường ranh giới chiếm trọn 80% diện tích biển Đông (được gọi theo hình dạng của nó là “đường Lưỡi Bò”), Trung Quốc xác định rằng đó là phạm vi chủ quyền của họ (!). Từ đó, mặc dù vẫn rêu rao về tình hữu nghị Việt-Trung theo tinh thần 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị-Hợp tác toàn diện- Ổn định lâu dài- Hướng đến tương lai”,họ tìm mọi cách gây hấn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác hòng trở thành bá chủ biển Đông. Do vậy, mặc dù đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) vào năm 2002, Trung Quốc không hề tôn trọng các văn kiện này, và luôn tránh né để trì hoãn việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), một văn kiện pháp lý đòi hỏi hành động hợp tác đa phương của các nước tham gia.

 

PV: Nếu vậy, khi nhà cầm quyền Trung Quốc không xuống thang, chúng ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh hải?

 

TS: Tôi tin tưởng ở sức mạnh chính nghĩa của đất nước mình; tin tưởng  các lực lượng bảo vệ an ninh và quốc phòng nước ta quyết không lùi bước trước mọi áp lực của quân xâm lược. Dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, chúng ta đấu tranh quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, đưa vụ việc ra tòa án để buộc bọn xâm lược phải khuất phục trước sức mạnh của công pháp quốc tế. Đồng thời, phát huy truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, chúng ta phải học lại cách Ngô Quyền nhấn chìm quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt tiêu diệt quân Tống, Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi đánh tan quân Minh và Hoàng đế Quang Trung quét sạch quân Thanh để bảo vệ chủ quyền dân tộc.

 Trong thời điểm nghiêm trọng này, những bài học nóng hổi từ 3 cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX cũng cần được ôn lại để đối phó với nguy cơ xâm lược mới. Tất cả chúng ta đều biết cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc bằng một “Điện Biên Phủ trên không”; còn cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 chỉ kết thúc khi quân ta quét sạch bọn Khmer Đỏ ở Campuchia và quân Tàu sạch bóng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Do đó, tôi cho rằng, với lòng tha thiết yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn biết kiềm chế để tránh xung đột với nước láng giềng to lớn ở phía Bắc, nhưng khi họ cứ ngang ngược lấn tới, hung hăng quyết dùng vũ lực thì chúng ta cũng đủ tinh thần và lực lượng để tự bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Tôi cũng đã nghĩ tới một trận Điện Biên Phủ mới trên biển Đông.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đã đăng báo Đại Đoàn Kết số 161 ngày 10-6-2014(với một số ý được lược bớt)

TS LÊ VINH QUỐC

 

Các Bài viết khác