NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỔ QUỐC -TÌNH YÊU MÁU THỊT: “ÔI VIỆT NAM! YÊU SUỐT MỘT ĐỜI”

( 21-06-2014 - 06:13 AM ) - Lượt xem: 1854

Việt Nam có lịch sử lâu đời vào hàng bậc nhất trên thế giới: “Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử”. Nước ta là một trong những cái nôi lớn của nền văn minh lúa nước, của văn minh trống đồng. Lịch sử hình thành quốc gia đã trải qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là một đất nước anh hùng.

“VIỆT NAM ƠI, MÁU VÀ HOA ẤY”

Tố Hữu đã cất lên tiếng reo vui lịch sử! Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi cực kỳ to lớn, kết thúc một chặng đường đấu tranh vinh quang của quân và dân ta. Non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà

Vui thế, hôm nay... niềm vui thống nhất:

Hùng vĩ thay, toàn thân đất nước

Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa

Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước

Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa

Bao nhiêu máu xương Việt Nam đã đổ xuống để thực hiện tuyên ngôn của Bác Hồ - như ước vọng của triệu triệu người: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Niềm vui trọn vẹn vỡ oà trong Đại thắng lịch sử. Việt Nam, Đất nước là Một, trong vòng ôm trọn vẹn của cuộc Đại đoàn viên dân tộc sau gần một phần ba thế kỷ.

Đến hôm nay, mới thấy trọn vùng trời!

Đất nước ta đã trải qua nhiều thời đoạn bi tráng. Không ai quên được nỗi đau chia cắt ngày Bắc, đêm Nam vừa qua, cũng như sự chia ly giả tạo Đàng Trong, Đàng Ngoài gần 200 năm thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Đó là tâm trạng tù túng đớn đau: “Giữa quê hương mà sống kiếp đi đày”.

Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1802 là một danh hiệu thiêng liêng, cao quý. Nó cho thấy sự thống nhất của Tổ quốc., sự thể hiện cương vực, bờ cõi của một quốc gia  đã  định  hình và  tồn  tại trong lịch sử.

Có những mảnh đất, những tộc người bị lịch sử chia cắt như một nhát dao định mệnh, thành hai cộng đồng ,hai quốc gia mãi mãi. Có dân tộc phương Tây bị ngăn cách chỉ bởi “một bức tường” giả tạo đến lúc phải vùng lên phá vỡ cho dòng chảy huyết thống  liền mạch không thể cắt lìa. Một bán đảo ở Đông Á hơn 60 năm nay vẫn chia hai bờ giới tuyến, cầu mong sự đoàn tụ gia đình cho những người con từ lúc chào đời cho đến khi  bạc tóc. Đó là những bi kịch và thảm cảnh của nhân loại đã xảy ra. Ngày nay, những phong trào ly khai ,nổi dậy đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, cũng là để một vùng lãnh thổ được trở về chung một cội nguồn đất nước và lịch sử.

Cần nhớ lại rằng, trong suốt gần 100 năm bị Pháp đô hộ, Việt Nam coi như bị xoá sổ trên bản đồ thế giới. Lúc đó, nước ta bị gọi một cách miệt thị là xứ An Nam, nằm trong Liên bang Đông Dương (Indochine ) thuộc Pháp, do một vị  Toàn quyền cai trị bằng bộ máy thực dân.

Vì thế, việc giành lại một đất nước toàn vẹn lãnh thổ, khôi phục quốc hiệu là cả một sự nghiệp lịch sử vô cùng anh dũng, vẻ vang.

Độc lập, tự do, thống nhất của Việt Nam có được là nhờ bao cuộc đấu tranh trường kỳ kháng chiến, gian khổ và sự hy sinh của biết bao thế hệ. “Máu đã nở thành hoa”. Một trang sử mới lại được mở ra. Hành trình lịch sử lại tiếp diễn: “Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường”.

            Thống nhất là ngôn ngữ chính thống của nước này: “Và thống nhất chính là một điều nhắc lại và tiến lên.Tiến lên trăm lần vững chắc hơn truyền thống nghìn xưa.(Chế Lan Viên)

“VIỆT NAM! ANH DŨNG SÁNG NGỜI”

Dân tộc nào cũng có lịch sử hình thành và phát triển. Xét cho cùng, đó là do sức đấu tranh sinh tồn từ bên trong (các tộc người) và áp lực từ bên ngoài (thế lực ngoại xâm). Đó là cuộc đối chọi, tranh chấp hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Có những cuộc chiến chưa ngã ngũ trên thế giới – như cuộc đụng độ giữa Israel và Palestin. Qua đó, chúng ta rút ra được những tiền lệ để suy nghiệm của nhân loại:

Việt Nam anh dũng sáng ngời

Ánh gươm độc lập giữa trời soi chung

                  Ba mươi năm đời ta có Đảng

Việt Nam có lịch sử lâu đời vào hàng bậc nhất trên thế giới: “Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử”. Nước ta là một trong những cái nôi lớn của nền văn minh lúa nước, của văn minh trống đồng. Lịch sử hình thành quốc gia đã trải qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là một đất nước anh hùng.

Mảnh đất bao đời ấy đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của các thế hệ, tạo nên một truyền thống vô cùng quý báu: “Nghìn năm luyện bước anh hùng”. Chúng ta đã chống lại sự đồng hoá của đêm trường Bắc thuộc mà ngay từ đầu đã là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công nguyên và bà Triệu sau đó, vào năm 248. Tiếp theo là những cuộc nổi dậy của Lý Bí đánh bại quân Lương vào năm 544, Triệu Quang Phục vào năm 550, Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng – Bố Cái Đại vương (796), Dương Diên Nghệ (931 - 938)...

Lý Thường Kiệt đã làm bài Thơ thần cho muôn thuở, được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử nước nhà:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Thơ đã khẳng định chủ quyền của nước ta với tư cách là một quốc gia độc lập được quy định sẵn  như một thiên mệnh: Nước Nam –Vua Nam xưng đế.

Đất nước nổi bật, trước hết, trong trường kỳ lịch sử, là một đất nước của truyền thống anh hùng, cũng là của chủ nghĩa yêu nước anh hùng.

Hiểu một cách hình tượng: Tổ quốc là một nhân vật khổng lồ “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Lịch sử đất nước, cũng là lịch sử của truyền thống thi thư văn hiến. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi  dõng dạc một tuyên ngôn văn hoá  “Duy ngã Đại Việt chi quốc/Thực vi văn hiến chi bang”:

Nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng văn hiến đã lâu

Đó là tuyên bố hào hùng, phản kháng quyết liệt chủ trương “tiêu diệt nền văn hoá Đại Việt, nhằm đồng hoá dân tộc” của giặc Minh. Đó cũng là sự chống trả trào lưu Âu hoá, Mỹ hoá, dù là của thực dân cũ hay mới trong thế kỷ XX. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang ý nghĩa là cuộc đấu tranh nhân danh sự sống, chống huỷ diệt, văn minh chống bạo tàn vào hàng quyết liệt nhất.

Từ đó, Việt Nam còn là tiếng nói của chủ nghĩa nhân văn ,của chủ nghĩa lạc quan ngời sáng trong thời đại:

Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!

Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều

..............

Bốn nghìn năm chan chứa ân tình

Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa

                              Chào xuân 67

Lời thơ hiện đại vẫn sang sảng giọng Cáo Bình Ngô thuở trước. Tuyên ngôn độc lập thế kỷ XV được nối tiếp hào hùng bằng Tuyên ngôn độc lập 1945 của Bác Hồ, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta – Kỷ nguyên  Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Tố Hữu chiêm ngưỡng Tổ quốc từ cái nhìn toàn cục, toàn diện, trên nhiều vị thế, trạng huống ,đã có nhiều định nghĩa  tình cảm: ‘Vinh quang thay Tổ quốc chúng ta...”, “Ôi Tổ quốc đơn sơ mà lộng lẫy...”, “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi...”, “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hoá những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”…

Hình tượng Tổ quốc quán xuyến suốt một đời thơ Tố Hữu, cũng là thể hiện chủ nghĩa yêu nước anh hùng chói sáng lý tưởng cao đẹp trong thời đại, như tình yêu nồng nhiệt kết hoà trí tuệ mẫn cảm. Tổ quốc thường mang vẻ đẹp “Đơn sơ mà lộng lẫy” càng đẹp lên theo tầm cao thời đại.

“VIỆT NAM HAI TIẾNG GỌI HÔM NAY”

Việt Nam đã trở thành lương tri của nhân loại từ lâu. Nước ta là một nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang, đáng tự hào, chinh phục được niềm tin của nhân dân tiến bộ thế giới.

Việt Nam đã trở thành tiếng gọi chính nghĩa – một thời và mãi mãi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là tiếng nói vì sự nghiệp đấu tranh, có sức lay động, thức tỉnh trí não muôn triệu người.

Tiếng gọi ấy đã tạo ra tiếng nổ dây chuyền trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những đội quân giải phóng ở châu Phi, khi xông vào công phá dinh luỹ của thực dân đã hô vang: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Trận Điện Biên Phủ trên không đã tiêu diệt uy thế của không lực Hoa Kỳ và dẫn đến sự thảm bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Đại thắng mùa xuân 1975 tiếp tục làm chấn động địa cầu, tôn vinh thêm hai tiếng “Việt Nam” – Đất nước đã vứt xuống thềm lục địa hai tên đế quốc siêu cường của thế kỷ XX.

Từ đây mở ra thời kỳ “Sau Việt Nam” cho lịch sử.

Việt Nam là tiếng nói chỉ thời khắc lịch sử mới của nhân loại. “Sau Việt Nam” – tinh thần tiến công cách mạng sung mãn  trên khắp thế giới. “Sau Việt Nam” – chủ nghĩa đế quốc phải bài binh bố trận lại với những âm mưu, tội ác mới, không còn trắng trợn như xưa mà phải nguỵ trang dưới nhiều lá cờ loè loẹt và những ngôn từ xảo trá : dân chủ, tự do.

Việt Nam còn là tiếng nói để chỉ một lối sống, một con đường, một sự nghiệp xây dựng chân chính mới để mưu cầu hạnh phúc như lời Di chúc của Hồ Chí Minh.

Hà Nội được thế giới công nhận là thành phố hoà bình. Tiếng gọi Việt Nam hôm này là tiếng gọi hoà bình.

Việt Nam tiến  bước mới  vào thế kỷ , và cũng là mở ra một thời đại mới.

Sự nghiệp  đổi mới nâng Việt Nam lên tầm cao và vị thế mới trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, nước ta là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế thế giới – Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Trong khu vực, năm 1995, Việt Nam tham gia và trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN.

Công cuộc xây dựng thời bình đạt nhiều thành quả lớn. Chế độ chính trị, xã hội ổn định, văn hoá trên đà phát triển. Sự trỗi dậy và vươn lên táo bạo tạo nên những kỳ tích, kỳ công trong sự nghiệp anh hùng mới. Những dự báo của Tố Hữu đã và đang dần trở thành hiện thực với đất nước lên đến 90 triệu dân:

Ôi Việt Nam từ trong biển máu

Người vươn lên như một thiên thần

Việt Nam tạo nên sự ngạc nhiên lớn với thế giới, cũng là lời mời gọi tìm hiểu đầy hấp dẫn. Chính nhà thơ cũng ngỡ ngàng sửng sốt: “Việt Nam!/ Người là ta mà ta chưa bao giờ hiểu hết/ Người là ai ?Mà sức mạnh thần kỳ”.

Hai mươi lăm năm sau chiến tranh, thêm “một cuộc trường chinh, cho ánh sáng văn minh”. Ta đã tự tạo một cảm giác Tổ quốc thống nhất hùng cường và truyền cho bạn bè quốc tế tinh thần lạc quan mới. Việt Nam trở thành tiếng gọi của niềm tin.

Từ lâu, bạn bè quốc tế đã ca ngợi: “ Việt Nam thêm tầm vóc cho loài người” (Felix Pita Rodriguez – Cuba), “Việt Nam là trái tim nhân loại” (Xara Litman – Thuỵ Điển). Gần đây nhất, tháng 3/2014, trong cuộc tiếp xúc, giao lưu quốc tế với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại Vatican, Giáo hoàng Francis đã đặt tay lên ngực trái, tỏ rõ sự ngưỡng mộ của thế giới – “Việt Nam trong trái tim tôi”.

Việt Nam đã là tiếng gọi của lịch sử, và cũng đang là tiếng gọi của Tổ quốc ngày hôm nay. Tiếng gọi thiêng liêng ấy đã huy động tận lực chủ nghĩa yêu nước truyền thống của toàn dân tộc để làm nên một lịch sử anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Việt Nam là “ta”, mà cũng là “người” – “Ta giữ cho ai mảnh đất này?” Việt Nam- một tiền đồn ác liệt trong cuộc chống trả lại cái xấu, cái ác muốn huỷ diệt con người  một thời: “Việt Nam, Người là ai? Mà trở thành nhân loại”.

Chính vì vậy, Việt Nam cũng đã và  đang là lời đề nghị, lời kêu gọi, tiếng nói yêu cầu sự ủng hộ, đồng tình của bè bạn khắp năm châu – những người bạn “có nghĩa, có tình”: “Đã cùng hai chữ tử sinh”. Bởi không ai nỡ phụ lòng một quốc gia luôn sáng ngời chân lý, đạo lý: “Sống cho ta, sống cả cho người/ Là trái tim cũng là lẽ phải”. Từ xưa tới nay, Việt Nam vẫn luôn mở cửa, mở lòng, luôn muốn làm bạn với các nước trên thế giới.

            Trong tâm khảm người Việt Nam hôm nay còn vang vọng  đề từ Lời Tổ quốc của Tố Hữu từ cách đây ba phần tư thế kỷ - Dậy lên thanh niên (5/1940). Giờ đây là tiếng gọi thôi thúc toàn dân tộc của Mẹ hiền muôn vàn yêu quý:

…Phất ngọn cờ lên, tung bước lên

       …Cờ tự do bay rợp chiến đài

Bốn phương trời đỏ rực tương lai

*

Biển Đông dậy sóng, lòng người sôi sục.Tiếng biển là tiếng gọi của Tổ quốc đang lay động muôn  triệu trái tim đầy sức lực hôm nay.Cảm nhận chung là Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình.Thơ do  bạn trẻ nói lên tâm tình  người lính biển, được phổ nhạc, trở thành ca khúc tâm điểm trong đời sống tâm hồn mãnh liệt của người dân yêu nước chân chính  hôm nay.

Hàng ngày, hàng giờ là những cuộc điểm danh nghiêm trang. Hàng ngày, hàng giờ là những cánh tay giơ lên và lời đáp “có mặt” trong đội ngũ chỉnh tề dưới lá quốc kỳ trang nghiêm mang hồn nước.

--------------------

1.Tất cả thơ của Tố Hữu trích từ Tố Hữu toàn tập (2008) – Văn học.

2.Tất cả trích dẫn của Chế Lan Viên từ Chế Lan Viên toàn tập, tập IV (2009) – Văn học.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác