NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“THỊ TRƯỜNG HỌC VỊ” VÀ HỆ LỤY CỦA NÓ

( 13-09-2017 - 03:13 PM ) - Lượt xem: 746

LTS- Bài viết này đã đăng trên báo Người Lao Động (3-9-2017) với một số chi tiết bị cắt xén. Được sự chấp thuận của tác giả, CLB NYS đăng lại toàn văn bản thảo gốc ở đây để phục vụ các thành viên CLB cùng đông đảo công chúng độc giả.

 1. Năng suất siêu đẳng trong công cuộc đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã làm xôn xao dư luận. Với năng suất đó, Học viện này đã trở thành một “lò ấp” để tạo ra Tiến sĩ với tốc độ phi thường: trong năm 2015 đã ra lò 265 vị Tiến sĩ (tính trung bình cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút  một vị); năm 2016 còn nhanh hơn với 281 Tiến sĩ (trung bình 1 ngày 1 giờ 15 phút một vị). Dù vậy, giám đốc học viện vẫn cho rằng “Đào tạo 350 Tiến sĩ / năm vẫn còn khiêm tốn!”. Để đạt năng suất như vậy, đội ngũ giáo sư (GS, PGS) và giảng viên cơ hữu của Học viện đã phải làm việc vượt mức quy định: có người đã nhận hướng dẫn đồng thời 12 Nghiên Cứu Sinh (trong khi quy chế cho phép tối đa từ 3 đến 5 NCS tùy theo trình độ của thầy), hoặc người khác hướng dẫn một lúc 44 học viên cao học (quy chế chỉ cho phép hướng dẫn từ 3 đến 7 học viên cùng lúc).

 Tuy nhiên, năng suất đào tạo đó không phải là thành tích đáng tự hào, mà đã trở thành dấu hiệu rõ ràng để nghi ngờ về giá trị của các văn bằng học vị do học viện này cấp phát. Ngoài các số liệu trên, Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã vạch rõ hàng loạt sai phạm của học viện trong quá trình đào tạo: xác định chỉ tiêu đào tạo không tương thích với lực lượng cán bộ cơ hữu (chỉ tiêu của năm 2017 là 86 học viên cao học, nhưng học viện đăng ký tới 1.600 người), tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo có nhiều bất cập (chuyên môn của thầy khác với chuyên ngành của trò, thành viên hội đồng chấm luận án có chuyên môn khác với chuyên ngành của đề tài luận án…), chương trình đào tạo bị cắt xén (từ 90-120 tín chỉ rút xuống chỉ còn 16 tín chỉ), hồ sơ cấp phát văn bằng bị sửa chữa, tẩy xóa… Những sai phạm đó cho phép nghĩ về kiểu đào tạo “học giả-bằng thật”: người học chỉ học cho có hình thức để bảo đảm “quy trình” mà không tiếp nhận được một trình độ khoa học đích thực nào, nhưng được cấp bằng thật mang thương hiệu của một học viện “hàn lâm” tầm cỡ “quốc gia”.

 

2. Từ thực trạng nói trên, một vấn đề bức xúc được đặt ra: động lực nào đã thúc đẩy học viện này đào tạo theo kiểu đó? Chỉ cần tìm hiểu nguồn tài chính mà học viện thu của NCS và học viên cao học để trao cho họ các chứng chỉ và văn bằng tốt nghiệp, ta sẽ có thể lý giải vấn đề này. Mặc dù Bộ chưa thanh tra các nguồn thu tài chính của học viện, những thông tin tìm hiểu qua người thực việc thực đáng tin cậy để hiểu rõ vấn đề. Một cựu học viên cao học (xin được dấu tên) tại cơ sở ở Tp.HCM của học viện cho biết rằng: ngoài 15 triệu tiền học phí / năm, trong 2 năm đào tạo mỗi học viên phải đóng góp hàng chục loại tiền phụ thu khác với những danh nghĩa mơ hồ mà không hề được cấp hóa đơn biên nhận. Đó là tiền “hỗ trợ đào tạo”, tiền “chạy điểm” (5 triệu cho một bài thi, 10 triệu để vớt điểm thi hết môn từ “rớt” thành “đậu”), tiền “bồi dưỡng hội đồng coi thi” (mỗi thí sinh đóng 2 triệu; tổng thu mỗi hội đồng/một kỳ thi khoảnh từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng, 1/3 số này chia cho các thành viên hội đồng, 2/3 còn lại nộp về lãnh đạo học viện)… Tính chung, mỗi học viên cao học phải nộp cho các khoản “mơ hồ” đó trên 100 triệu đồng để được cấp bằng Thạc sĩ. Dĩ nhiên, bằng Tiến sĩ có giá trị hơn bằng Thạc sĩ, nên các NCS phải nộp về trường số tiền cao hơn nhiều so với con số mà học viên cao học phải đóng.

Để bảo đảm cho nguồn thu nói trên, hệ thống tổ chức của học viện được thiết lập dựa trên mối quan hệ thân tộc của “nhóm lợi ích”: GS-TS Võ Khánh Vinh làm Giám đốc Học viện; TS Võ Khánh Minh-con trưởng GS Vinh-làm Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng phòng Đào tạo; TS Võ Khánh Linh-con thứ GS Vinh-nắm giữ khoa Luật; TS Võ Hoài Nam - em trai GS Vinh - làm Trưởng Cơ sở học viện tại Tp. Hồ Chí Minh… Từ đó, thành phần tham gia các Hội đồng Bảo vệ Luận án TS (hay Luận văn Thạc sĩ) cũng được chọn lọc với các thành viên “đồng tâm nhất trí” trong việc tiếp nhận và phân chia lợi ích nhóm. Nhờ đó, tất cả các Luận án và Luận văn đều được đánh giá tốt, để các tác giả của chúng được cấp các văn bằng học vị vẻ vang (sau khi đã đóng góp đủ phần mình vào tài khoản học viện).

Với kiểu đào tạo này, học viện KHXH đã tự biến mình thành một “thị trường học vị”, trong đó hiện vật được mua bán là những tấm bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ được đóng dấu thật nhưng không chứa đựng một giá trị tri thức nào của người sở hữu nó. Dùng những bằng cấp đó làm công cụ tiến thân trên con đường danh vọng của mình, các trí thức giả hiệu này sẽ gây cho đất nước những tổn hại vô cùng nghiêm trọng.

 

3. Với các kết luận của Thanh tra Bộ GD& ĐT, học viện KHXH buộc phải sửa chữa và khắc phục các sai phạm, bao gồm cả việc tiếp nhận giám đốc mới về thay thế GS Võ Khánh Vinh.

 Tuy nhiên, tất cả những sự thay đổi đó vẫn không đủ để sửa đổi kiểu đào tạo “học giả-bằng thật” thành một sự nghiệp đào tạo tri thức khoa học cao quý. Bởi lẽ, việc chế tạo “hàng giả y như thật” bao giờ cũng dễ dàng, ít tốn kém mà mang lại siêu lợi nhuận so với việc sản xuất “hàng hiệu” của chính hãng. Trong thực trạng xã hội hiện nay, khi vấn nạn “chạy chức-chạy quyền” đang thao túng thị trường nhân lực, thì “học giả-bằng thật” vẫn là nhu cầu vô cùng lớn đòi hỏi “thị trường học vị” phải đáp ứng. Do vậy, các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học khó tránh khỏi sự quyến rũ của quy luật “cung-cầu” này. Chỉ khi nào công cuộc đổi mới “căn bản và toàn diện” đưa sự nghiệp giáo dục thoát khỏi cơ chế thị trường đó để trở về với chính mình, thì vấn nạn “học giả-bằng thật” mới chấm dứt.

 

LÊ VINH QUỐC

(Tiến sĩ Giáo dục)

Các Bài viết khác