NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SỰ NGHIỆP KHAI SÁNG TỪ PHAN CHÂU TRINH ĐẾN HỒ CHÍ MINH

( 24-10-2013 - 02:45 PM ) - Lượt xem: 1264

Lịch sử đã khẳng định rằng hệ tư tưởng Khai sáng thế kỷ 18, với triết lý về nhân quyền (human right) làm nền tảng, là một trong những khám phá vĩ đại nhất của nhân loại. Hệ tư tưởng này vừa là hệ quả vừa là động lực của thời đại văn minh công nghiệp, và vẫn tiếp tục soi sáng cho hiện tại cũng như tương lai nhân loại.

1. Nhận rõ tính ưu việt của nền văn minh phát sinh từ các nước Âu-Mỹ, ngay từ thế kỷ 19 các sĩ phu cấp tiến của nước ta như Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch đã cấp bách kêu gọi Triều đình nhà Nguyễn canh tân đất nước theo những giá trị của nền văn minh công nghiệp. Sự trì trệ và bảo thủ của nhà nước phong kiến phương Đông theo hệ tư tưởng Nho giáo đã cản trở cuộc canh tân ấy, khiến cho nước ta không đủ khả năng chống lại cuộc xâm lăng của nước Pháp, một trong những cái nôi của hệ tư tưởng Khai sáng. Cái chết của Phan Thanh Giản là sự kiện tiêu biểu cho bi kịch của những vị đại thần nhận rõ giá trị ưu việt về trình độ văn minh của kẻ thù, so với sự lạc hậu của đất nước mà mình phải bảo vệ với tấm lòng trung quân ái quốc. Trong khi đó, Nhật Bản lại tiến hành thành công cuộc “Minh Trị duy tân” để trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu.

 

Khi thống trị nước ta trong xứ thuộc địa Liên bang Đông Dương, người Pháp đã áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế, nhưng đồng thời cũng du nhập vào Việt Nam nền văn minh công nghiệp với những giá trị của hệ tư tưởng Khai sáng về tự do, bình đẳng, bác ái…tạo nên một luồng văn hóa mới thay thế dần cho Nho học đã trở nên hủ bại. Thực tế này cùng với các “Tân thư” được truyền vào nước ta đã giúp các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20 nhận rõ rằng: muốn cứu nước thì phải tiếp nhận hệ tư tưởng của nền văn minh hiện đại phương Tây ( được gọi tắt là tư tưởng “Dân quyền”) để khai sáng cho dân tộc ta. Phan Châu Trinh nổi bật như là người đứng đầu giới sĩ phu ấy với chủ trương hoàn toàn chính xác là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để tiến tới dân quyền (tức nhân quyền và dân chủ)(1). Đông kinh Nghĩa thục và hàng loạt trường học mới mở ra ở khắp nơi, phong trào Duy tân ở Trung kỳ và nhiều cuộc vận động khác đều chiếu theo mục tiêu khai sáng cho dân tộc. Trong khi đó, các cuộc vận động cách mạng bằng bạo lực của Phan Bội Châu không hề cản trở công cuộc khai sáng từng được gọi là “cải lương” của Phan Châu Trinh và các sĩ phu khác. Phan Sào Nam đã từng khẳng định nguyên nhân cơ bản giúp Nhật Bản duy tân thành công để trở thành cường quốc chính là ở trình độ dân trí cao, đồng thời luôn đau xót mà nhận rõ dân trí thấp kém đã làm cho đồng bào mình trở thành nô lệ, nên tiên sinh hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ dân trí trong sự nghiệp cứu nước (2). Đó chính là nền tảng vững bền trong tình bạn sâu sắc giữa Phan Sào Nam với Phan Tây Hồ. Sự khác biệt về tư tưởng giữa hai cụ Phan chỉ là ở sự lựa chọn đường lối nào có hiệu quả hơn: một người cho rằng khai sáng là con đường tốt nhất để giành độc lập, còn người kia quyết dùng bạo lực để giành độc lập rồi sẽ khai sáng để dân tộc trở nên hùng cường.

 

 2. Sự nghiệp khai sáng của Phan Châu Trinh và các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ trước chưa đạt đến kết quả cuối cùng, nhưng đã để lại một di sản quý báu và không bị đứt đoạn nhờ sự kế thừa của các thế hệ tiếp theo. Các hoạt động của Nguyễn An Ninh và nhiều nhân sĩ khác là sự kế thừa xứng đáng sự nghiệp của các bậc tiền bối, nhưng chính Nguyễn Ái Quốc mới có vai trò nổi bật trong sự nghiệp đó. Rời Tổ quốc để xuất dương sang Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có mục tiêu rõ ràng như chính ông tự kể: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” (3). Mục tiêu đó chính là tìm hiểu hệ tư tưởng Khai sáng của nền văn minh công nghiệp ở Pháp và các nước Âu-Mỹ để cứu nước nhà thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Lần đầu tiên được nghe người Pháp gọi mình là “monsieur” (“ông”), Nguyễn Ái Quốc có được cảm xúc đầu tiên về nhân quyền với sự tự do bình đẳng giữa con người với nhau (4). Đắm mình vào cuộc sống và hăng say tham gia các hoạt động chính trị tự do ở nước Pháp dân chủ, không bỏ lỡ cơ hội đến các nước dân chủ khác như Mỹ, Anh…, ông đã hiểu rõ giá trị hệ tư tưởng của nền văn minh hiện đại từ thực tiễn sinh động. Những nhà văn “đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn” đều là những danh nhân theo chủ nghĩa nhân đạo, ngợi ca và bảo vệ quyền sống chân chính của con người: Shakespeare, Dickens, Lỗ Tấn, Victor Hugo, Zola, Anatole France và Lev Tolstoi (5). Vấn đề quan trọng nhất mà ông Nguyễn  quan tâm là làm thế nào để đem lại nhân quyền cho những người nghèo khổ và các dân tộc bị áp bức, mà trước hết là đồng bào mình ở Đông Dương. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp để tố cáo sự vi phạm nhân quyền của Pháp ở Đông Dương: “Thuế máu” (chương 1), việc đầu độc người bản xứ (chương 2), tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị (chương 6), bóc lột người bản xứ (chương 7), sự bất công của công lý (chương 8), chính sách ngu dân (chương 9), sự áp bức phụ nữ (chương 11) (6). Ông gia nhập đảng Xã hội “chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”(7). Ông tìm đến với chủ nghĩa Lenin và bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba tức Quốc tế Cộng sản cũng vì “ Đệ tam Quốc tế  rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa (…). Tự do cho đồng bào tôi độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”(8). Phê phán đường lối cải lương của Phan Châu Trinh “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương” và đường lối cầu viện Nhật đánh đuổi Pháp của Phan Bội Châu là  “đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau”(9), nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn đồng tâm nhất trí với hai cụ Phan về mục tiêu đấu tranh đòi nhân quyền cho dân tộc qua bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam gửi Hội nghị Versailles dựa trên lập trường 14 điểm của tổng thống Mỹ Wilson (10). Hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu được hệ thống tổ chức chặt chẽ và phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng làm cách mạng rất hiệu quả, còn hệ tư tưởng về đấu tranh giai cấp vẫn không thay thế hoàn toàn cho hệ tư tưởng Khai sáng dựa trên nhân quyền mà ông đã nhập tâm. Ông thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là giành độc lập tự do cho dân tộc, mặc dù vẫn phải đề cập vấn đề đấu tranh giai cấp (11). Khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ hoàn cảnh mới đã tạo ra một con đường giành độc lập mà không phải thông qua Quốc tế Cộng sản. Từ đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc  trở thành nhà cách mạng dân tộc lão thành Hồ Chí Minh, đã chỉ đạo Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, thành lập mặt trận Việt Minh để tập hợp tất cả các giai cấp trong xã hội, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, phối hợp hoạt động chống Nhật với tình báo Mỹ và nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

 

Cuộc cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước cộng hòa dân chủ đích thực lấy hệ tư tưởng Khai sáng làm nền tảng. Bản Tuyên ngôn Độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc ngày 2-9-1945 đã mở đầu bằng một nguyên lý bất hủ về nhân quyền (dẫn theo Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ): “ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(12). Nguyên lý ấy được tô đậm thêm bằng đoạn trích Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1793: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(13). Bản Hiến Pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xây dựng một thể chế chính trị dân chủ dựa trên nguyên lý này. Công cuộc khai sáng cho dân tộc lập tức được chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện, mở đầu là phong trào “bình dân học vụ” để tiêu diệt “giặc dốt” nhằm nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ cho 90% dân số lúc bấy giờ, đồng thời ông đưa rất nhiều trí thức Tây học danh tiếng về nước để xây dựng Tổ quốc. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp khai sáng của Phan Châu Trinh và các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20, và là người sẽ đưa sự nghiệp đó đến thành công trọn vẹn nếu lịch sử vẫn đi theo con đường mà ông đã chọn.

 

Tiếc thay, lịch sử lại rẽ ngoặt sang con đường bi thảm trải qua 2 cuộc chiến tranh đẫm máu với muôn vàn tai họa khủng khiếp đối với người Việt Nam trên cả 2 miền Nam-Bắc, đã làm cho sự phát triển của nước ta bị kéo lùi lại đúng nửa thế kỷ. Có thể coi chuyến công du không chính thức nhưng cực kỳ quan trọng của Bác Hồ tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và Liên bang Xô viết đầu năm 1950, để đưa nước ta gia nhập phe Xã hội Chủ nghĩa thế giới, là sự kiện kết thúc công cuộc khai sáng của Hồ Chí Minh. Dù vậy, khẩu hiệu chủ yếu và vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là “ Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”.

 

3. Chiến tranh và cách mạng khiến người ta tập trung mọi nỗ lực vào chính trị để giành chiến thắng, mà quên mất rằng văn hóa mới là nền tảng vững bền của dân tộc. Khi chiến tranh chấm dứt và đất nước tái thống nhất, nền văn hóa dân tộc đã trở nên mờ nhạt hoang tàn.

 

Văn hóa dân tộc đã bị đứt đoạn kể từ khi chữ Hán và Nho học tức “cựu học” bị loại bỏ hoàn toàn, để thay thế bằng chữ quốc ngữ của “tân học”. Trong lúc hăng say bác bỏ sự hủ lậu của Nho học để nồng nhiệt mở đường cho tân học, nhiều sĩ phu Nho học trở thành nhà khai sáng đã quên mất rằng phẩm chất cao thượng, trí tuệ uyên thâm và khí phách dũng cảm của chính mình do đâu mà có. Sự hủ lậu của Nho học cản trở tiến hóa và thực thi nhân quyền phải bị phế bỏ, nhưng những tinh hoa của cựu học tạo nên nền tảng văn hóa dân tộc phải được cẩn trọng giữ gìn. Việc phế bỏ Nho học và chữ Hán một cách không thương tiếc đã làm cho bản sắc cao đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc trở nên phai nhạt rất nhiều. Chính trong vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn vô cùng sáng suốt với chủ trương giữ gìn những giá trị tinh hoa của Nho giáo để giáo dục đạo đức cho cán bộ theo những nguyên lý về “ cần- kiệm- liêm -chính”, “chí công- vô tư”.

 

 Phan Châu Trinh đã vạch ra hai nhược điểm chí tử của dân tộc: một mặt là chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi; mặt khác, nghịch lý thay, lại là ý thức vọng ngoại mù quáng. Cái chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi ấy thể hiện rõ ràng qua khuynh hướng chống đối và bài trừ tất cả những gì của Pháp, mà không chịu học hỏi những cái hay từ “mẫu quốc”. Còn ý thức vọng ngoại mù quáng thể hiện rất rõ ở khuynh hướng học đòi nước ngoài một cách lố bịch trong ngôn ngữ và sinh hoạt để trở thành những “ông Tây An Nam” từ thời Pháp thuộc cho đến những “Việt kiều tại chỗ” thời nay. Ý thức vọng ngoại như vậy đã làm cho con người Việt Nam bị pha tạp về văn hóa.

 

Được độc lập về chính trị nhưng bị đứt đoạn và pha tạp về văn hóa, dân tộc ta còn bị kiềm tỏa trong cơ chế quan liêu bao cấp theo mô hình chế độ Xô Viết đã sụp đổ. Cơ chế này tạo nên một hệ thống quyền lực với  rất nhiều tầng nấc, trong đó cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên, và cấp trên nắm toàn bộ vận mệnh của cấp dưới, kẻ ở cấp cao nhất nắm độc quyền chân lý. Hệ thống này tạo nên mối quan hệ “xin-cho” giữa cấp dưới với cấp trên một cách vô cùng chặt chẽ. Được (hay bị) đặt trong hệ thống này, mỗi người chỉ có bổn phận đơn giản là quán triệt để thực hiện đúng ý trên, để mong được trên ban phát những gì mình muốn, it có ai dám suy nghĩ độc lập bằng tư duy phê phán để hành động theo chân lý khách quan. Vì thế, cơ chế quan liêu bao cấp đã làm cho con người bị tha hóa và dân trí trở nên thấp kém.

 

Bị đứt đoạn với nền văn hóa truyền thống, bị kiềm tỏa trong tình trạng dân trí thấp do sự nghiệp khai sáng còn dở dang, đó là vấn nạn cản trở sự phát triển của dân tộc ta. Công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, xét về bản chất, chính là sự trở lại với sự nghiệp khai sáng do Phan Châu Trinh và các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX khởi xướng, được Hồ Chí Minh kế tục với những thành quả rõ ràng nhưng chưa trọn vẹn do hoàn cảnh khách quan. Trong tình hình hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước cần phải và hoàn toàn có thể đi tiếp con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, xóa bỏ những di sản của cơ chế quan liêu bao cấp để xây dựng một nhà nước thật sự “của dân, do dân, vì dân”  hướng  tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.                                                       

  -------------                                                                                                                                                                                                              

(1)   Xem: Phan Châu Trinh, Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, bản chép tay lưu trữ tại nhà ông bà Lê Ấm, Đà Nẵng. Xem thêm: Phan Châu Trinh, Tỉnh quốc hồn ca, trong tập Thơ văn Phan Châu Trinh do Huỳnh Lý tuyển chọn, NXB Văn Hóa, Hà Nội 1983.

(2)   Xem: Phan Bội Châu, Phan Bội Châu niên biểu, NXB Văn-Sử-Địa, Hà Nội 1957.

(3)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập I, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 461.

(4)   Xem: Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 16.

(5)   Xem: Trần Dân Tiên, sách dẫn trên (sdt), tr. 34-35.

(6)   Xem: Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, NXB Sự Thật, Hà Nội 1960.

(7)   Trần Dân Tiên - sdt, tr. 44.

(8)   Trần Dân Tiên - sdt, tr. 47.

(9)   Trần Dân Tiên - sdt, tr. 10.

(10)         Xem: Trần Dân Tiên - sdt, tr. 31.

(11)         Xem: Trần Dân Tiên - sdt, tr. 78.

(12)         Trần Dân Tiên - sdt, tr. 112.

(13)         Trần Dân Tiên - sdt, tr. 113.

TS. LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác