NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÌN LẠI KỲ THI THPT QUỐC GIA 2015

( 26-08-2015 - 07:47 AM ) - Lượt xem: 966

Sau khi cải tiến kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến thêm một bước đổi mới nữa bằng việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Với kỳ thi này, vấn đề bức xúc trong xã hội xưa nay về sự trùng lặp chồng chéo giữa hai kỳ thi Quốc gia là Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh ĐH-CĐ, gây tốn kém và lãng phí công sức tiền bạc của nhà nước và nhân dân, dường như đã được giải quyết. Nhưng nếu xem xét theo khoa học giáo dục, ta sẽ thấy kỳ thi này còn nhiều điều phải bàn thêm.

 Đừng mong thi “2 trong 1”

Trước hết phải khẳng định rằng: việc cắt giảm từ 2 kỳ thi Quốc gia xuống còn 1 kỳ là một định hướng đúng. Nhưng 2 kỳ thi Quốc gia đó không có cùng một mục tiêu, mà mỗi kỳ đều phải đáp ứng mục tiêu riêng của nó: kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự đánh giá thành quả đạt được của chương trình giáo dục phổ thông; còn kỳ thi Tuyển sinh ĐH-CĐ là để đánh giá khả năng học tập cần có của học sinh ở bậc ĐH-CĐ. Vì vậy, việc tổ chức “Kỳ thi THPT quốc gia” theo nguyên tắc “2 trong 1” (vừa là thi “tốt nghiệp” vừa là  thi “tuyển sinh”) là không thỏa đáng, khiến cho mục tiêu của cả hai kỳ thi trước kia đều trở nên bất cập.

 Với quy định “Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi”*, Kỳ thi THPT quốc gia không đủ để đánh giá mục tiêu giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là loại chương trình học đồng nhất (tất cả học sinh cùng học những môn học như nhau), nên về nguyên tắc, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ phải tổ chức cho học sinh thi tất cả các môn đã học (tức là nguyên tắc “học gì thi nấy”). Bởi thế, với 13 môn học mà chỉ thi 4 môn thì kết quả kỳ thi này không đánh giá đầy đủ mục tiêu giáo dục phổ thông. Hơn nữa, cách thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn sẽ làm rối loạn chương trình THPT hiện hành, do hàng loạt các môn ít được hoặc không được chọn thi sẽ bị cắt xén hay triệt tiêu.

 Mặt khác, để được xét tuyển vào ĐH-CĐ, thí sinh “đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng”*. Nhưng 8 môn thi quy định trong Kỳ thi THPT quốc gia lại không đủ để xét tuyển cho rất nhiều trường ĐH-CĐ đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng khác. Do đó, lại phải có quy chế riêng cho  “các trường tổ chức tuyển sinh riêng”, bao gồm cả việc “tổ chức thi tuyển” riêng. Thế tức là việc tuyển sinh ĐH-CĐ vẫn phải vượt ra ngoài “Kỳ thi THPT quốc gia” thì mới đạt được các mục tiêu của nó ((kỳ thi tuyển sinh riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội là một dẫn chứng sinh động). Hơn nữa, nếu kết quả thi không được thông báo công khai để các trường ĐH-CĐ tự do sử dụng, mà vẫn tập trung về Bộ để quản lý và sử dụng chung theo sự chỉ đạo của Bộ thì sẽ gây ra tình trạng ách tắc chồng chéo khó lường cho việc xét tuyển ĐH-CĐ.

 

 Cần bỏ 1 trong 2 kỳ thi Quốc gia

Để thoát khỏi sự bất cập đó, giải pháp đúng đắn phải là: chọn giữ lại 1 trong 2 kỳ thi Quốc gia trước kia và cải tiến nó, bỏ bớt kỳ thi Quốc gia kia. Vậy thì giữ kỳ nào và bỏ kỳ nào?

 Thực ra Bộ đã có chủ trương đúng đắn là xóa bỏ kỳ thi quốc gia Tuyển sinh ĐH-CĐ để trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường theo lộ trình thích hợp đã vạch rõ. Với quyền tự chủ đó, các trường ĐH-CĐ dựa trên kết quả học tập và thi Tốt nghiệp THPT để tuyển sinh theo nguyên tắc và tiêu chuẩn riêng của mình (cách thi tuyển của Đại học Quốc gia Hà Nội là một ví dụ, nhưng các trường khác không nhất thiết phải theo). Vấn đề còn lại là: kỳ thi quốc gia Tốt nghiệp THPT sẽ phải đổi mới như thế nào để đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của chương trình học, đồng thời sử dụng được kết quả cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ.

 Trong khi chờ đợi chương trình THPT mới, chương trình hiện hành vẫn tiếp tục được thực hiện, nên việc thi tốt nghiệp vẫn phải tiến hành theo nguyên tắc phù hợp với nó cho đến khi có chương trình mới. Theo đó, chúng ta nên trở lại với cách thi tốt nghiệp THPT trước năm 2014 với 6 môn thi (gồm 3 môn cố định và 3 môn chuyển đổi). Để bảo đảm chất lượng kỳ thi, cần cải tiến cách ra đề thi nhằm loại bỏ vấn nạn học thuộc lòng mà đánh giá được năng lực thực sự của học sinh; đồng thời cải tiến cơ chế quản lý và  sửa đổi tiêu chuẩn thi đua (không xét thành tích qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, mà căn cứ vào chất lượng giảng dạy nghiêm túc) nhằm xóa bỏ “bệnh thành tích” để có kết quả thi tốt nghiệp đúng với trình độ thực chất của học sinh. Như vậy, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ trở nên rất nhẹ nhàng, học sinh của trường nào thi ngay tại trường đó, với Hội đồng Giám thị trao đổi giữa các trường ở cùng địa phương, và Hội đồng Giám khảo chung cũng của địa phương. Như vậy, bằng tốt nghiệp và điểm thi THPT chính là điều kiện cần và “điểm sàn” cho Tuyển sinh ĐH-CĐ.

 

 Đổi mới thi theo chương trình học

 Thi (tức “đánh giá”) là một thành tố không thể tách rời  chương trình học; cho nên cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một bộ phận của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2018), trong đó sẽ có cách thi tốt nghiệp tương thích với kiểu chương trình học sẽ được lựa chọn. Chương trình THPT mới chắc chắn sẽ không lặp lại kiểu chương trình học đồng nhất đã lỗi thời, nên nó sẽ lựa chọn một trong hai kiểu chương trình học tiên tiến: chương trình phân ban (như chương trình Tú tài Phân ban Pháp) hay chương trình tự chọn (như của Hoa Kỳ). Nếu đó là chương trình học phân ban, thì kỳ thi Quốc gia tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo nguyên tắc “học ban nào thi theo ban đó”. Nếu là kiểu chương trình học tự chọn, thì học chế tín chỉ (credit) sẽ được áp dụng và học sinh chỉ cần tích lũy đủ điểm các tín chỉ đã học là sẽ tốt nghiệp, không cần có kỳ thi quốc gia nào nữa.

 Bản dự thảo “Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể” ban hành tháng 8-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép hình dung chương trình THPT mới được thiết kế theo kiểu chương trình học tự chọn, nhưng chưa xác định học chế và cách thi tốt nghiệp. Xin hãy chờ xem chương trình mới này sẽ đánh giá học sinh tốt nghiệp THPT bằng cách nào.

 

 

                                                                                  Lê Vinh Quốc

                                                                                                (Tiến sĩ Giáo dục)

 

 * Trích Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015).

Các Bài viết khác