NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHẬN THỨC VỀ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA QUA THỰC TIỄN LỊCH SỬ

( 13-11-2017 - 09:38 PM ) - Lượt xem: 956

Ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới trong suốt thế kỷ XX, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng và giảng dạy nghiêm túc, để nhận thức được những bài học từ thành công đến thất bại của nó.

 Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử to lớn đã làm thay đổi cả thế giới trong thế kỷ XX và còn ảnh hưởng đến ngày nay. Vì vậy, việc nghiên cứu và giảng dạy về cuộc cách mạng này có tác dụng sâu sắc để nhìn về quá khứ mà hướng đến tương lai. Theo đó, các nhà chuyên môn phải giải quyết vấn đề: Cách mạng tháng Mười Nga có giá trị như thế nào và chân lý của nó nằm ở đâu?

 Vấn đề này sẽ được giải đáp dựa trên luận điểm cơ bản của triết học duy vật biện chứng Marx-Lenin: “Thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan của chân lý” (1); một tiêu chuẩn vừa có tính tuyệt đối vừa có tính tương đối, bởi vì thực tiễn luôn luôn biến đổi  theo dòng chảy lịch sử, nên chân lý của các sự kiện cũng thay đổi theo dòng thời gian. Bởi vậy, chân lý của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ được nhận thức qua thực tiễn của quá trình phát triển lịch sử nước Nga (và Liên Bang Xô Viết) từ 1917 cho đến nay. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Cách mạng Tháng Mười sẽ được định hướng xác đáng.

 

1. Chân lý Cách mạng Tháng Mười qua tiến trình lịch sử Nga và Liên bang Xô viết

 

  1.1. Từ 1917 đến 1927- Cách mạng XHCN của Lenin

 

1.1.1.   V.I. Lenin phát triển chủ nghĩa Marx về cách mạng XHCN

 

. Trung thành với học thuyết Marxism về vai trò lịch sử của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giai cấp bằng bạo lực đê tiêu diệt chủ nghĩa tư bản (CNTB) đưa nhân loại sang thời đại mới theo chủ nghĩa cộng sản (CNCS), Lenin đã chống lại Quốc tế thứ Hai (Quốc tế Xã hội - Dân chủ) với tư tưởng thỏa hiệp giai cấp theo con đường đấu tranh chính trị-nghị trường để giành quyền lợi cho giai cấp vô sản (2). Từ đó, Lenin phát triển chủ nghĩa Marx trên một loạt luận điểm trọng yếu. Chứng minh rằng, từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, CNTB đã chuyển thành chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) – “giai đoạn cao nhất, tột cùng, thối nát và giãy chết” của nó, Lenin khẳng định “CNĐQ là đêm trước của cuộc cách mạng XHCN”, cuộc cách mạng sẽ mở đầu thời đại mới của  CNCS (3). Tiếp theo, ông vạch rõ: trong thời đại CNĐQ cách mạng XHCN không thể bùng nổ ở một loạt các cường quốc tư bản như sự tiên đoán trước kia của Marx, mà có thể bùng nổ và thành công ở một nước là “khâu yếu nhất” của hệ thống TBCN; và khâu yếu nhất đó chính là Đế quốc Nga (4). Để phù hợp với hoàn cảnh nước Nga, nơi giai cấp công nhân công nghiệp còn nhỏ bé, Lenin mở rộng động lực cách mạng từ “giai cấp vô sản” của Marx thành “liên minh công-nông” với hàm nghĩa là khối liên minh giữa công nhân công nghiệp thành thị với tầng lớp nông dân nghèo khổ nhất ở nông thôn (tạo nên biểu tượng “búa-liềm” cộng sản). Lenin đề ra nguyên tắc “tập trung-dân chủ” (thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên) để thành lập chính đảng kiểu mới có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh, trở thành “đội tiền phong cách mạng” của giai cấp vô sản (khác với đảng kiểu cũ bảo đảm quyền tự do tư tưởng trong Quốc tế thứ Hai). Từ năm 1903, trên cơ sở đảng Công nhân Xã hội-Dân chủ Nga (do Plekhanov sáng lập năm 1898), những người “bônsêvích” đã ly khai đảng này để thành lập đảng kiểu mới theo nguyên tắc của Lenin (đối lập với phần còn lại của đảng cũ được gọi là “mensêvích”). Tin chắc vào hệ thống tư tưởng của mình, Lenin khẳng định “chủ nghĩa bônsêvích thế giới sẽ thắng giai cấp tư sản thế giới” (2) để thiết lập nền “chuyên chính vô sản” đưa thế giới tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

 Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất bùng nổ, Lenin nêu khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến” nhằm lợi dụng hoàn cảnh xã hội do chiến tranh tạo ra để tiến hành cách mạng XHCN lật đổ chính phủ tư sản ở các nước tham chiến. Trong khi đó, các đảng Xã hội Dân chủ (XHDC) ngả theo “chủ nghĩa vệ quốc cách mạng” ủng hộ chính phủ nước mình chống các nước đối địch, khiến cho Quốc tế thứ Hai tan rã.

 

1.1.2. Thắng lợi của cách mạng XHCN tháng Mười Nga

 

Sự khủng hoảng của Đế Quốc Nga trong Chiến tranh thế giới đã làm bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Hai 1917 lật đổ Đế chế Nga Hoàng, lập nên chế độ dân chủ tự do cho nước Nga. Từ đó, tất cả các đảng phái đã công khai hoạt động trên chính trường để xây dựng chính quyền mới: các đảng phái tư sản lập nên chính phủ Lâm thời; trong khi các đảng Xã hội-Cách mạng (XHCM), Mensêvích và Bônsêvích được quần chúng cách mạng bầu vào Xô Viết Công-Nông-Binh để đại diện cho họ. Trước tình hình đó, trong sự bảo vệ của chính phủ Đức, Lênin từ Thụy Sĩ về nước và vạch ra đường lối chiến lược mới cho đảng Bônsêvích: chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN giành chính quyền về tay giai cấp vô sản (5).

 Đường lối đó đã đưa đảng Bônsêvích vào cuộc đấu tranh không chỉ chống chính phủ Lâm thời tư sản, mà còn đương đầu với tất cả các đảng phái khác trong nền dân chủ Nga mới ra đời. Vì thế, ngay cả các ủy viên trung ương đảng như Zinoviev và Kamenev cũng phản đối Lênin, đòi Bônsêvích phải thỏa hiệp với các đảng phái khác trong Xô Viết. Tuy nhiên, bằng sách lược mềm dẻo và cách tuyên truyền vận động vô cùng khôn khéo của Lênin với các khẩu hiệu “Hòa bình! Ruộng đất! Bánh mì!”“ Tất cả chính quyền về tay Xô Viết!”, đảng Bônsêvích đã đẩy dần các đảng phái khác ra khỏi Xô Viết để chiếm đa số trong đó, rồi đưa Xô Viết ra đối đầu với chính phủ Lâm thời. Khi thời cơ đến, Lênin quyết định khởi nghĩa vũ trang đánh đổ chính phủ. Quyết định này lại gặp sự phản đối của các đồng chí muốn giành chính quyền bằng đường lối hòa bình thông qua Đại hội Xô Viết toàn Nga. Nhưng đa số trong trung ương đảng đã ủng hộ Lênin; và cuộc khởi nghĩa vũ trang của Hồng Vệ binh và binh lính cách mạng (do Trotsky chỉ huy dưới sự giám sát của Lênin) đã bùng nổ trong đêm 24 rạng ngày 25-10 theo lịch Nga cũ (tức đêm 6 rạng ngày 7-11-1917 theo lịch quốc tế hiện hành), báo hiệu Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công. Cuộc khởi nghĩa này không chỉ lật đổ chính phủ Lâm thời, mà còn xóa bỏ luôn nền dân chủ tư sản mà nước Nga vừa giành được, để lập nên một chế độ chính trị mới được gọi là Cộng hòa Xô Viết do đảng Bônsêvích độc quyền lãnh đạo. Chính quyền Xô Viết lập tức công bố “Sắc lệnh Hòa bình” để đưa nước Nga ra khỏi chiến tranh (bằng Hòa ước Brest-Litovsk ký với Đức) và “Sắc lệnh Ruộng đất” (tịch thu ruộng đất của địa chủ quý tộc chia cho nông dân nghèo); đồng thời tiến hành quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư bản (xóa bỏ giai cấp tư sản trong xã hội).

Hòa mình vào các sự kiện nóng bỏng trong Tháng Mười 1917 ở Nga, nhà báo Mỹ John Reed nhận định: “Lý do độc nhất của sự thắng lợi của những người Bônsêvich là đã thực hiện những nguyện vọng rộng lớn và giản đơn của các tầng lớp cơ bản nhất trong nhân dân, kêu gọi họ phá tan cái cũ và sau đó, trong khói bụi của sự sụp đổ này, cộng tác với họ để dựng lên cái mới”(6).

 Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười chính là thắng lợi của chủ nghĩa Lenin đối với Quốc tế thứ Hai. Vì vậy, “cánh tả” trong hàng loạt các đảng Xã hội và XHDC đã ly khai các đảng này để lập nên những đảng Cộng sản theo khuôn mẫu Bônsêvích của Lenin, hợp thành Quốc tế thứ Ba tức Quốc tế Cộng sản (QTCS) do Lenin lãnh đạo. (Khi bỏ phiếu gia nhập Quốc tế thứ Ba tại đại hội đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam).

Mặc dù cách mạng vô sản không thành công ở các nước Âu-Mỹ, ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga vẫn lan rộng trên thế giới, nhất là tại các xứ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở phương Đông (với sự thành lập các đảng cộng sản Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Đông Dương thuộc Pháp…). Từ đó, Cách mạng Tháng Mười Nga được coi là cuộc cách mạng XHCN đầu tiên, mở đầu thời đại thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

 

1.1.3. Cái giá phải trả qua thực tiễn của quá trình cách mạng

 

Thắng lợi của cách mạng đã phải trả bằng một giá vô cùng đắt. Cuộc nội chiến ác liệt kéo dài trong 3 năm (1918-1920) giữa Hồng quân của đảng Bônsêvich một bên, với bên kia là quân Bạch vệ và tất cả các thế lực chống cộng sản của nước Nga được thế giới bên ngoài hỗ trợ đã đưa đất nước đến thảm họa diệt vong: 17 triệu người bị giết ở cả hai bên thù địch (tức là 10% dân số Nga đương thời, chưa kể khoảng 6-7 triệu người thương vong trong chiến tranh thế giới) và chính Lênin cũng bị bắn trọng thương; đất nước bị tàn phá tan hoang chỉ còn lại 14% sản lượng công nghiệp và 50% sản lượng nông nghiệp so với trước cách mạng, dẫn tới nạn đói khủng khiếp với 5 triệu người chết đói.

 Thảm họa đó đã nêu ra câu hỏi: phải chăng giành chính quyền bằng bạo lực vũ trang là một đường lối đúng đắn và cần thiết? Mặc dù các cuộc cách mạng vô sản theo kiểu bônsêvích đã bị dập tắt ở châu Âu (và không bao giờ bùng lên được nữa), những người cộng sản Nga (và nhiều nước phương Đông) vẫn tin rằng đường lối đó là đúng đắn và cần thiết để khai sinh ra chế độ chính trị-xã hội mới từ trong lòng chế độ cũ đã lỗi thời.

 Thực tiễn trên còn đặt thêm một câu hỏi nữa: phải chăng có thể xây dựng chế độ mới sau khi đã phá tan chế độ cũ? Chính sự tan vỡ nền tảng kinh tế-xã hội trong cách mạng đưa đất nước đến thảm họa đã giúp Lenin tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhờ đó, Lenin đã kịp đề ra “Chính sách Kinh tế Mới” (Novaya Ekonomicheskaya Politika-NEP) để cứu vãn tình thế: trả lại cho chủ cũ các doanh nghiệp nhỏ (dưới 20 công nhân), mở lai thị trường tự do, thay thế việc trưng mua lương thực thặng dư bằng thuế nông nghiệp cố định để nông dân được quyền mua bán nông sản của mình. Như vậy, NEP chính là sự chấm dứt chủ nghĩa cộng sản thời chiến để phục hồi CNTB nhằm khôi phục kinh tế. Từ đó, Lenin khẳng định “CNTB Nhà nước” là cần thiết để xây dựng CNXH, và trước khi qua đời đã dặn rằng:“ Nước Nga XHCN sẽ nảy sinh từ nước Nga của Chính sách Kinh tế Mới”(7). Đó chính là sự thừa nhận của Lenin: không thể xây dựng chế độ mới bằng cách phá tan chế độ cũ, mà CNXH chỉ có thể này sinh từ sự phát triển CNTB.

Với quan điểm này, chính Lenin đã xem xét lại giá trị của cách mạng tháng Mười.

 

1.2. Từ 1928 đến 1956 - mô hình CNXH của Stalin

 

1.2.1. Liên Xô xây dựng CNXH

 

Thay thế Lenin để trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản (Bônsêvích), Stalin đã lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH của Liên Xô theo đường lối do chính ông vạch ra.  Theo đó, ông đã chấm dứt Chính sách Kinh tế mới của Lenin, dùng sức mạnh của nền chuyên chính vô sản để tiến hành 2 sự nghiệp lớn là “Công nghiệp hóa XHCN”“Tập thể hóa nông nghiệp” qua các kế hoạch 5 năm nhằm xóa bỏ hoàn toàn mọi di sản kinh tế tư bản-tư nhân mà tạo nên nền kinh tế XHCN thuộc quyền sở hữu toàn dân (các doanh nghiệp quốc doanh) và sở hữu tập thể (các nông trang tập thể). Trong sự nghiệp tập thể hóa nông nghiệp đã diễn ra cuộc đấu tranh nhằm “tiêu diệt kulaks như một giai cấp”, khiến cho toàn thể nông dân phải từ bỏ quyền tư hữu ruộng đất mà gia nhập các nông trang tập thể. Sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, được tiến hành bằng phong trào thi đua lao động tình nguyện kết hợp với lao động cưỡng bức, đã xây dựng được nền đại công nghiệp sau 2 kế hoạch 5 năm (1928-1937). Bản Hiến pháp Liên Xô 1936 xác nhận công cuộc xây dựng CNXH đã thành công ở Liên Xô: CNTB đã bị tiêu diệt ở đây, Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp XHCN đầu tiên trên thế giới để thách thức CNTB trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai”.

Khi ấy, thế giới tư bản vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng (1929-1933) kéo lùi sức sản xuất lại mấy thập kỷ với nhiều thảm họa xã hội; còn Liên Xô lại trở thành cường quốc công nghiệp tiên tiến hàng đầu. Thực tiễn đó đã chứng minh cho tính ưu việt của CNXH so với CNTB, tức là đảm bảo cho giá trị của Cách mạng tháng Mười.

 

1.2.2. Những hậu quả của đường lối Stalin

 

Thực tiễn đã cho thấy việc xây dựng CNXH như trên không phải là đường lối duy nhất đúng.

Cuộc đấu tranh về đường lối xây dựng CNXH đã diễn ra vô cùng gay gắt ngay trong ĐCS (bônsêvích) Liên Xô. Trong đó, sử dụng quyền lực tuyệt đối theo nguyên tắc “tập trung-dân chủ” của lãnh tụ tối cao của Đảng, Stalin đã buộc tội những nhà lãnh đạo và đảng viên bất đồng chính kiến với mình là “chống Đảng” và là “kẻ thù của nhân dân” để thẳng tay khủng bố họ qua những cuộc “thanh Đảng”,dẫn đến những hậu quả thảm khốc. 7/21 Ủy viên Trung ương đảng Bônsêvích, bạn chiến đấu của Lenin từ hồi Cách mạng tháng Mười đã bị hành quyết: Zinoviev, Kamenev, Sokolnikov, Trotsky, Bukharin, Rykov, Smilga (8). Đại hội Đảng lần thứ XVII (1934) có 1956 đại biểu tham dự thì 1108 người bị bắt và bị kết án là “phản cách mạng”; bầu ra 139 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì 98 người trong số đó (70%) đã bị bắt bớ và xử bắn (9). Cho đến 1938, trên 681.000 đảng viên đã bị xử tử; hơn 35.000 sĩ quan Hồng quân bị tử hình hoặc tù đày; trong đó có 3 nguyên soái, 226 tướng lĩnh và hàng trăm chính ủy cùng cấp(10).

 Nền đại công nghiệp được xây dựng bằng lao động cưỡng bức và phong trào thi đua tình nguyện đã tỏ ra thiếu động lực để phát triển bền vững; năng suất lao động không cao nên thành quả của nó luôn được phóng đại so với thực tế. Tập thể hóa nông nghiệp đã diễn ra gay go quyết liệt đến mức chính quyền phải huy động Hồng quân để trưng thu lương thực thặng dư và tiêu diệt kulaks (tức phú nông); gần 4 triệu kulaks và những nông dân chống tập thể hóa bị bỏ tù và lưu đày đến các vùng hoang vu (phân nửa trong số đó đã chết vì lao động khổ sai trong điều kiện sống nghiệt ngã); 6 triệu nông dân chết đói vì mùa màng bị tàn phá; hàng chục triệu gia súc (bò, lợn, cừu…) bị nông dân giết hại trước khi họ gia nhập nông trang tập thể(10).

 Việc sử dụng bạo lực đấu tranh giai cấp ngay trong quá trình xây dựng CNXH đã dẫn đến những thắng lợi tạm thời về chính trị theo tư tưởng của lãnh tụ tối cao, nhưng đã để lại những di hại nặng nề đối với sự phát triển kinh tế-xã hội lâu dài.

 

1.2.3. Chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ Hai và thắng lợi của CNXH  sau chiến tranh

 

Chủ nghĩa phát xít thắng thế và chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ một lần nữa đã chứng tỏ rằng tư tưởng của Lenin về “CNĐQ-giai đoạn tột cùng của CNTB” là đúng đắn. Thông qua QTCS, Liên Xô đã đấu tranh chống phát xít ở khắp nơi, rồi lại ký Hiệp định bất tương xâm phân chia phạm vi ảnh hưởng với Đức Quốc xã, nhưng vẫn không tránh được chiến tranh. Cuộc chiến tranh xâm lược của Đức Quốc xã đã gây ra cho Liên Xô những tổn thất vô cùng nặng nề với trên 27 triệu người chết (15% dân số) và sự tàn phá khủng khiếp của đất nước. Để nâng cao sức chiến đấu của nhân dân và tranh thủ viện trợ của các nước Đồng minh tư sản Mỹ-Anh, Stalin tuyên bố tiến hành cuộc “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” (tức là kế thừa chủ nghĩa yêu nước từ thời Nga hoàng) và giải tán QTCS (một di sản  trọng yếu của Lenin cho phong trào cộng sản quốc tế). Nhờ đó, Liên Xô đã đứng vững để chuyển sang phản công kẻ thù và giành thắng lợi cuối cùng trong chiến tranh.

 Chiến thắng của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai và đường lối bạo lực cách mạng đã đưa CNXH từ một nước trở thành một hệ thống quốc tế với 8 nước Dân chủ Nhân dân Đông Âu (Albania, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nam Tư), 4 nước châu Á (Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Cộng  hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Cộng hòa Cuba ở Tây Bán cầu (từ 1959). Hệ thống quốc tế này chiếm ¼ diện tích và 1/3 dân số toàn thế giới. Đó là một bước tiến rất lớn của CNXH vào trận địa của CNTB. Cùng với đó, thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc dẫn tới quá trình phi thực dân hóa (de-colonialization) xóa bỏ hệ thống thuộc địa của CNĐQ đã cho thấy sự suy sụp của hệ thống TBCN thế giới.Từ thực tiễn như vậy, Hội nghị đại biểu các đảng Cộng sản và Công nhân Quốc tế (Moskva - 1957 và 1960) đã khẳng định “Thời đại chúng ta, mở đầu bằng cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười Nga, là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới” (10). Khi ấy Liên Xô có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Varsava của các nước XHCN Đông Âu, đủ sức đương đầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ và thế giới tư bản. Do đó Hội nghị đã nhận định rằng: “Đặc điểm chủ yếu của thời đại chúng ta là hệ thống XHCN thế giới đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người”(11). Như vậy, các luận điểm của hai Hội nghị Moskva (1957 và 1960) đã khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Lenin và giá trị lịch sử của cuộc cách mạng tháng Mười Nga.

1.3. Từ 1956 đến 1991: Đổi mới - trì trệ - cải tổ và sự sụp đổ của CNXH

1.3.1. Thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới nhận thức về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH

 Trong khi khẳng định về lý tưởng XHCN do cách mạng tháng Mười khai phá, thực tiễn lại có những biểu hiện khác dẫn tới những nhận thức mới về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trong phong trào Cộng sản Quốc tế.

 Bị mất hệ thống thuộc địa của mình, nhưng thế giới TBCN không suy yếu mà vẫn phát triển vững mạnh từ Hoa Kỳ qua Tây Âu đến Nhật Bản. Do vậy, các ĐCS ở các cường quốc TBCN đều ngả theo khuynh hướng đấu tranh nghị trường bằng con đường hòa bình mà khước từ chiến tranh cách mạng. ĐCS Nam Tư (do I.B. Tito đứng đầu) không chấp nhận việc phân chia thế giới thành 2 phe đối lập, không đi theo con đường công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp của Liên Xô, quyết định hợp tác với Mỹ và thế giới TBCN để xây dựng CNXH trên nền dân chủ và pháp chế theo đúng nghĩa của nó. (Do lập trường này, Nam Tư đã bị Stalin khai trừ khỏi “Cục Thông tin Cộng sản” - tổ chức thay thế QTCS - từ năm 1948).

Sau khi Stalin chết (1953), ban lãnh đạo mới của ĐCS và chính phủ Liên Xô do N.S. Khrushchev đứng đầu đã vạch rõ những sai lầm trong công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô theo đường lối đấu tranh giai cấp bằng bạo lực với tệ sùng bái cá nhân Stalin(9). Từ đó, Đại hội XX của ĐCS Liên Xô (2-1956) đã đề ra đường lối phát triển mới của đất nước theo hướng dân chủ hóa, và chính sách đối ngoại mới theo nguyên tắc chung sống hòa bình và thi đua hòa bình giữa hai hệ thống XHCN và TBCN. Mặc dù cuộc nổi dậy chống CNXH ở Hungary (10-1956) đã bị quân đội Liên Xô thẳng tay đàn áp, các bản Tuyên bố Matxcơva 1957 và 1960 vẫn xác  định cùng tồn tại hòa bình là nguyên tắc căn bản của nền chính trị thế giới, thừa nhận khả năng thực hiện cách mạng XHCN bằng con đường hòa bình mà không trải qua nội chiến, “khẳng định nhiệm vụ trước tiên của các ĐCS là đấu tranh cho hòa bình” (12), “kêu gọi các ĐCS, các lực lượng dân chủ, tiến bộ hợp tác với các nước XHCN trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và CNXH” (12). Như vậy, ĐCS Liên Xô cùng phong trào Cộng sản và Công nhân Quốc tế chỉ còn lưu giữ những giá trị của cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa Marx-Lenin về lý tưởng CNXH và CNCS; ngoài ra, những quan điểm về đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản để tiêu diệt CNTB đều đã được thay thế bằng quan điểm về cùng tồn tại hòa bình, thi đua hòa bình và quá độ hòa bình từ CNTB lên CNXH và CNCS.

 Quan điểm của các bản Tuyên bố Moskva đã làm phát sinh mâu thuẫn giữa ĐCS Trung Quốc (trung thành với “giáo điều” về cách mạng bạo lực bằng khẩu hiệu điển hình của Mao Trạch Động: “chính quyền trên đầu ngọn súng”) với ĐCS Liên Xô (được cho là theo “chủ nghĩa xét lại” với đường lối cùng tồn tại hòa bình giữa CNXH và CNTB). Mâu thuẫn này dẫn tới sự đối đầu giữa Trung Quốc với Liên Xô để chia hệ thống XHCN thành hai phe đối lập.

1.3.2. Công cuộc Đổi mới CNXH theo đường lối Khrushchev

 Trong khi sửa chữa những sai lầm của Stalin, N.S. Khrushchev đã tiến hành Đổi mới CNXH bằng kế hoạch 7 năm xây dựng CNCS (1959-1965). Về chính trị, ông giảm bớt  tính chất bạo lực của nền chuyên chính vô sản (đã trở thành chế độ “độc tài đảng trị” dưới dạng sùng bái cá nhân Stalin) bằng quan niệm mới về “Đảng toàn dân” (ĐCS không còn là của giai cấp công nhân nữa, mà là của toàn dân), chức vụ tổng bí thư Đảng được đổi thành “bí thư thứ nhất” (để tăng quyền lực của tập thể và hạn chế quyền lực cá nhân). Tiếp đó, ông thử nghiệm cải cách xã hội theo hướng dân chủ hóa. Với tham vọng đưa Liên Xô “đuổi kịp Mỹ” về sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, Khrushchev tìm tòi những cấu trúc kinh tế hợp lý bằng những liên hợp sản xuất lớn bao gồm các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh. Từ đó ông cố gắng nâng cao đời sống nhân dân (đã áp dụng chế độ “bánh mì cộng sản” ở các nhà ăn tập thể, xây dựng các khu nhà tập thể 5 tầng cho cán bộ công nhân viên…). Ông còn cho xây dựng một nền văn hóa đậm tính nhân văn để thay cho văn nghệ cách mạng theo lập trường giai cấp thời Stalin. Về đối ngoại, ông thực hiện chính sách bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hạn chế chạy đua vũ trang và giải trừ vũ khí hạt nhân giữa hai nước theo đường lối cùng tồn tại hòa bình giữa hai hệ thống đối lập.(13)

Nhìn chung, kế hoạch 7 năm của Khrushchev là một công cuộc “phi stalin hóa” (de-stalinization) nhằm tạo nên mô hình “CNCS nhân đạo” để đưa đất nước sang một thời kỳ phát triển mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, kế hoạch này không thành công. Về đối nội, đường lối của ông chưa tạo nên động lực phát triển kinh tế làm cho đất nước giàu mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của CNCS, do đó Liên Xô đã thất bại trong cuộc “thi đua hòa bình” với Mỹ. Về đối ngoại, các biến động trong phe XHCN và những biến cố trong quan hệ quốc tế (cuộc bạo động ở Hungary, vụ khủng hoảng kênh đào Suez, vụ khủng hoảng Berlin, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, cuộc đối đầu gay gắt giữa ĐCS Trung Quốc với ĐCS Liên Xô…) đã cản trở đường lối cùng tồn tại hòa bình của ông. Do vậy, Khrushchev đã bị mất uy tín trong Đảng và chính phủ Xô Viết. Cho rằng Khrushchev mắc sai lầm theo “chủ nghĩa chủ quan duy ý chí”, Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô đã cách chức và cho ông về hưu (14-10-1964), chấm dứt một quá trình sửa đổi những sai lầm trong mô hình CNXH của Stalin có nguồn gốc từ chủ nghĩa Lenin trong cách mạng tháng Mười..

1.3.3. Thời kỳ trì trệ dẫn tới khủng hoảng CNXH ở Liên Xô (1964-1984)

 L.I. Brejnev làm Tổng Bí thư ĐCS để lãnh đạo đất nước Liên Xô trong gần 20 năm. Trong thời gian này, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm cho lực lượng sản xuất của CNTB phát triển mạnh mẽ với những mô hình đặc biệt của Nhật Bản, Tây Đức, các nước Bắc Âu theo tư tưởng xã hội-dân chủ và mấy “con rồng châu Á” dần trở thành những nước công nghiệp mới (NICs). Sự phát triển này đã phủ định hoàn toàn quan điểm về “CNTB thối nát và giãy chết” của Lenin.

Trong khi đó, mô hình CNXH Liên Xô không có một sự chuyển biến tích cực nào để thay cho đường lối của Khrushchev đã bị bác bỏ. Do vậy, sự lãnh đạo độc quyền tuyệt đối của ĐCS cùng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tồn tại lâu dài đã kìm hãm động lực phát triển kinh tế, khiến cho lực lượng sản xuất của Liên Xô lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài. Song song đó, sự tồn tại một đẳng cấp có đặc quyền (bao gồm cán bộ lãnh đạo các cấp) với nạn tham nhũng tràn lan đã làm cho chế độ Xô Viết trở nên thối nát. Thêm vào đó, gánh nặng viện trợ cho Hội đồng Tương trợ Kinh tế XHCN (khối SEV) cùng chi phí cho các sự kiện quốc tế trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe trên thế giới ( viện trợ cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, tiến quân vào Tiệp Khắc để dập tắt “mùa xuân Praha” chống CNXH, viện trợ các nước A Rập trong các cuộc chiến tranh Trung-Đông, cuộc chiến của Liên Xô chống Hồi giáo tại Afghanistant, viện trợ cho phong trào cộng sản mới nổi dậy ở châu Phi…) đã làm hao tổn nguồn lực và sức mạnh vật chất của đất nước mà không có nguồn bù đắp bổ sung. Tất cả tình hình trên đã đưa  Liên Xô vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện (cùng lúc với cuộc khủng hoảng dầu lửa trên thế giới từ 1973), buộc giới lãnh đạo ĐCS và chính phủ Xô Viết phải tìm ra lối thoát cho đất nước.

1.3.4. Công cuộc Cải tổ (Perestroika) và sự sụp đổ hoàn toàn của CNXH (1985-1991)

Trở thành Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô (3-1985), M.S. Gorbachev đã lãnh đạo công cuộc Cải tổ (Perestroika) nhằm xóa bỏ những khuyết tật và nhược điểm của CNXH đương thời, tiến tới một mô hình XHCN dân chủ-nhân văn nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để đạt mục tiêu đó, Đại hội XXVII của ĐCS Liên Xô đã vạch ra đường lối cải tổ toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị.. Về kinh tế, chuyển nền kinh tế quan liêu-bao cấp sang cơ chế thị trường, thay thế hệ thống kỹ thuật sản xuất cũ lạc hậu bằng  kỹ thuật mới tiên tiến hơn, thực hiện nguyên tắc “phân phối theo lao động” bằng lợi ích vật chất cho người lao động (thay cho các phong trào thi đua chỉ động viên tinh thần). Về chính trị, dân chủ hóa bộ máy chính quyền bằng cách mở rộng chế độ tự quản XHCN của nhân dân, tăng cường tính công khai (glasnost) để làm trong sạch bộ máy Đảng và chính phủ. Với đường lối đó, Đảng kỳ vọng tạo ra động lực mới cho sự phát triển của CNXH. Tuy nhiên, những chuyển biến trong xã hội lại không đáp ứng được kỳ vọng của Đảng. Vì đã quá quen với cơ chế quan liêu-bao cấp tồn tại từ lâu để làm việc theo lệnh của chính quyền, nhân dân khó có thể chuyển sang cơ chế thị trường với vai trò “tự quản” của mình. Do đó, sau 5 năm Cải tổ (1985-1989), nền kinh tế không phát triển mạnh mà còn trở nên suy sụp so với trước: Tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GNP) giảm 4-5%; năng suất lao động giảm 2,5%. Trong quá trình dân chủ hóa hệ thống chính trị, thiết chế nhà nước pháp quyền chưa được xây dựng đầy đủ mà chế độ Đảng trị lại bị lay chuyển vì tính công khai (glasnost). Kết quả là cuộc Cải tổ đã làm cho đất nước thêm suy yếu.

Sự suy yếu của Liên Xô đã kích thích các lực lượng dân chủ ở các nước XHCN Đông Âu nổi lên lật đổ chính quyền của ĐCS, thiết lập chế độ dân chủ tư sản. Trong năm 1989, CNXH đã sụp đổ tại Ba Lan, Đông Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc và Romania; đầu thập niên 1990 đến lượt Albania và Liên bang Nam Tư tan vỡ. Trong cuộc họp thượng đỉnh Xô-Mỹ ở Malta (12-1989), Tổng Bí thư Gorbachev và Tổng thống Reagan đã tuyên bố chấm dứt tình trạng Chiến tranh lạnh giữa 2 phe trên thế giới, tức là chấm dứt cuộc đấu tranh giữa CNXH với CNTB trên cơ sở hệ thống XHCN không còn nữa.

Theo đà sụp đổ của CNXH ở Đông Âu, Gorbachev quyết định xóa bỏ chế độ Cộng hòa Xô Viết (do Lenin sáng lập sau Cách mạng tháng Mười) bằng cách bãi bỏ độc quyền lãnh đạo của ĐCS, thiết lập nền dân chủ đa đảng do chính ông làm Tổng thống Liên Xô (1990). Trước sự biến chuyển đột ngột đó, các lực lượng bảo thủ trong ĐCS và quân đội Liên Xô đã tiến hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ Gorbachev (19-8-1991). Nhưng lực lượng cấp tiến do Borist Entsin đứng đầu đã đập tan cuộc đảo chính này, dẫn tới việc giải thể ĐCS Liên Xô và sự ly khai của các nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô viết. Tiếp đó, giới lãnh đạo ba nước cộng hòa Nga-Ukraina-Belarus đã ký hiệp ước giải thể Liên bang Xô viết để trao quyền độc lập cho các nước trong liên bang trước đây (21-12-1991). Khi Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống (25-12-1991), Liên bang Xô viết, di sản của Lenin và cách mạng tháng Mười, chính thức bị xóa bỏ khỏi bản đồ chính trị thế giới..

Trong khói bụi của sự sụp đổ Liên bang Xô viết, nhà nước Liên bang Nga (do Boris Entsin làm Tổng thống) được xây dựng theo chính thể dân chủ mà nước này đã đạt được từ cuộc Cách mạng tháng Hai 1917. Đó chính là sự phán xét nghiệt ngã của thực tiễn đối với giá trị của Cách mạng tháng Mười theo chủ nghĩa Lenin.

2. Nghiên cứu và giảng dạy về Cách mạng Tháng Mười ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay

2.1. Dưới thời Xô Viết

Trong 74 năm tồn tại chính quyền Xô viết ở Nga và Liên Xô (1917-1991), việc nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử nói chung và lịch sử Cách mạng tháng Mười nói riêng đều được tiến hành theo tư tưởng và quan điểm của người đứng đầu ĐCS và chính phủ Xô Viết, được coi là theo chủ nghĩa Marx-Lenin.

Trong thời kỳ Lenin lãnh đạo đảng Bônsêvích và nước Nga Xô Viết, có thể coi cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed (6) là tác phẩm đầu tiên về lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga. Do một ký giả người Mỹ viết, tác phẩm này phản ánh khách quan về sự thật của cuộc cách mạng này qua nguồn tài liệu gốc vô cùng phong phú và quý giá. Nhờ đó, các nhân vật và sự kiện đương thời đã được miêu tả và tường thuật rất chính xác và sinh động; đặc biệt là Lenin và các đồng chí của ông (như Trotsky, Zinoviev, Kamenev, Bukharin, Stalin…) với vai trò nổi bật của họ trong cuộc cách mạng này. Qua những trang sử đó, tác giả cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Lenin và đảng Bônsêvích.

Trong thời kỳ lãnh đạo của Stalin, lịch sử Cách mạng tháng Mười đã được trình bày theo quan điểm của chính Stalin. Theo đó, cuốn “Lịch sử Nội chiến ở Liên Xô” do Isaak Izrailevich Mints chủ biên (xuất bản năm 1935) đã miêu tả Stalin là nhân vật quan trọng nhất trong cuộc nội chiến Nga (1918-1920), còn Trotsky đã có đường lối và hành động phá hoại đáng ngờ trong cuộc nội chiến này (14). Tiếp đó, sự sùng bái Stalin được thể hiện rõ ràng trong cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Liên Xô” cũng do I. I. Mints chủ biên, xuất bản năm 1938 (15). Công trình này khẳng định Stalin là người thừa kế trung thành và xứng đáng của Lenin, đồng thời miêu tả các bạn chiến đấu khác của Lenin như Zinoviev, Kamenev, Bukharin và tất cả những người có tư tưởng khác biệt với Stalin là những kẻ cơ hội, phá hoại trong Đảng; thậm chí Trotsky còn bị kết án là “kẻ thủ độc ác nhất của chủ nghĩa Lenin” (15).

 Trong thời kỳ lãnh đạo của Khrushchev, cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” ( do B. N. Ponomarev chủ biên) được biên soạn lại theo tinh thần Đại hội XX ĐCS Liên Xô và  bản Tuyên bố Moskva 1957, chống tệ sùng bái cá nhân Stalin, đánh giá lại vai trò của các nhà lãnh đạo đảng Bônsêvích trong cách mạng tháng Mười đã bị Stalin sát hại (16). Cũng theo tinh thần đó, bộ sách “Lịch sử Tháng Mười vĩ đại” của I. I. Mints gồm 3 tập được xuất bản trong thời gian 1967-1973 (17). Với nguồn tư liệu vô cùng phong phú và chính xác, tác giả đã phục dựng đầy đủ và sinh động tiến trình phát triển của cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ XX với bề rộng và chiều sâu của các sự kiện và nhân vật trong đó, khiến cho bộ sách này trở thành công trình nghiên cứu có giá trị to lớn và lâu bền nhất về lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga. Bên cạnh đó, các sách giáo khoa lịch sử cũng như các công trình nghiên cứu và biên soạn khác về lịch sử Cách mạng tháng Mười ở Liên Xô đều chiếu theo quan điểm của ĐCS Liên Xô qua từng thời kỳ lịch sử.

2.2. Cách tiếp cận mới và những quan điểm mới về lịch sử Cách mạng tháng Mười ở Liên bang Nga

 Chính sự hình thành nhà nước Liên bang Nga theo chế độ dân chủ trên sự sụp đổ của Liên bang Xô viết theo CNCS đã là một sự phán xét về giá trị của cuộc Cách mạng tháng Mười. Do vậy, việc nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy về lịch sử Cách mạng tháng Mười ở Liên bang Nga dĩ nhiên phải được tiến hành theo cách tiếp cận mới và những quan điểm mới.

 Thay cho các quan điểm nghiên cứu cũ theo chủ nghĩa Marx-Lenin và đường lối chính trị của ĐCS đã bị bác bỏ, giờ đây lịch sử Cách mạng tháng Mười được nghiên cứu bằng quyền tự do học thuật nhằm đạt được chân lý khách quan mà không lệ thuộc một hệ thống tư tưởng chính trị nào. Hội thảo khoa học về “Cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga: cách tiếp cận và những quan điểm mới” do tổ bộ môn Lịch sử Nga, khoa Khoa học Xã hội của trường Đại học Sư phạm Quốc gia Nga mang tên A. I. Gertsen tổ chức (2011) đã thể hiện rõ ràng những cách tiếp cận mới và quan điểm mới để đạt được những nhận thức mới (18). Với 95 báo cáo khoa học được trình bày, các nhà nghiên cứu không tách rời các sự kiện diễn ra trong năm 1917 thành 2 cuộc cách mạng (cách mạng tháng Hai và cách mạng tháng Mười) như quan điểm của giới sử học Xô Viết trước đây, mà gộp chung cả hai cuộc cách mạng đó trong một khái niệm mới là “Cách mạng Nga năm 1917”. Các quan điểm cũ về tính chất khác nhau giữa hai cuộc cách mạng (Tháng Hai: cách mạng DCTS, Tháng Mười: cách mạng XHCN) cũng bị bác bỏ, để trình bày các sự kiện từ tháng Tư đến tháng Mười (tức tháng 11 theo lịch quốc tế) như một chuỗi sai lầm của Chính phủ Lâm thời, của các đảng Mensêvích, XHCM trong Xô Viết, dẫn tới thắng lợi về chiến lược và sách lược bônsêvích của Lenin.

Cũng theo cách tiếp cận và quan điểm mới như vậy, các nhà nghiên cứu và biên soạn lịch sử Liên bang Nga (và Liên bang Xô Viết trước đây), bao gồm lịch sử cuộc cách mạng tháng Mười 1917, đã cho xuất bản những sách giáo khoa lịch sử mới dùng trong nhà trường (thay cho sách của thời Xô Viết). Các sách mới này đã chỉ ra rằng: thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười là chiến thắng của hệ tưởng cộng sản đối với hệ tư tưởng xã hội-dân chủ và dân chủ-tư sản trong hoàn cảnh thực tiễn đương thời, để đưa nước Nga phát triển theo con đường riêng biệt đối lập với thế giới của nền văn minh công nghiệp, để rồi sau 70 tồn tại và đấu tranh giai cấp dưới thời Xô Viết, lại trở về hội nhập với thế giới văn minh hiện đại. Như vậy, cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 không phải là sự kiện “mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới” như những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin đã tưởng, mà chỉ là một sự kiện rất lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử nước Nga và lịch sử toàn thế giới với những thành công và thất bại của nó.

3. Thực trạng của việc nghiên cứu và giảng dạy về Lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga ở Việt Nam và định hướng cho tương lai

 3.1. Nhìn lại các giáo trình của Việt Nam trước thập kỷ 90 thế kỷ XX viết về Cách mạng tháng Mười và lịch sử Liên bang Xô Viết

Trước thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tức là trước khi CNXH sụp đổ ở Liên Xô và trên thế giới, Việt Nam hầu như không có công trình nghiên cứu độc lập hay biên khảo nào về lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga. Tri thức về lịch sử Cách mạng tháng Mười du nhập vào Việt Nam qua các ấn phẩm của Liên Xô dịch sang tiếng Việt: “Lịch sử Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Liên Xô” (I. I. Mints chủ biên) (15), “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” (do B.N. Ponomarev chủ biên)(16), “Lịch sử thế giới Hiện đại” (của D.N. Nikiforov)(19)… Lấy các sách đó làm nguồn tư liệu tham khảo chính, các nhà sử học Việt Nam viết về Cách mạng tháng Mười trong các giáo trình lịch sử Thế giới Hiện đại dành cho các trường đại học và trong các sách giáo khoa lịch sử cho nhà trường phổ thông. Do đó, cuộc Cách mạng tháng Mười được trình bày theo đúng quan điểm của giới sử học Xô Viết (thực chất là của ĐCS Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế) chiếu theo quan điểm chính trị của ĐCS Việt Nam. Chẳng hạn, “Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử trọng đại toàn thế giới. Từ Cách mạng tháng Mười, loài người đã bước vào một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội” (20). Theo ý nghĩa đó của Cách mạng tháng Mười Nga, vai trò trên thế giới của nước Mỹ được nhận định như sau: “Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, đế quốc Mỹ đã vươn lên thành tên đế quốc đầu sỏ, tên sen đầm quốc tế và là kẻ thù số một của phong trào cách mạng thế giới. Thay thế phát xít Đức trước kia, đế quốc Mỹ ngày nay lại đang kêu gào tiến hành một cuộc ‘thập tự chinh’ chống Liên Xô, chống các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới” (21). Những đoạn văn như vậy chỉ thể hiện lập trường chính trị nhất thời mà tác giả muốn truyền tải cho người học, nhưng không phản ánh đúng thực tiễn khách quan trong tiến trình lịch sử thế giới. Vì thế, những giáo trình đó không có giá trị khoa học lâu bền, sẽ thực tiễn bác bỏ theo sự thay đổi của tình hình chính trị.

3.2. Từ thập kỷ 90 thế kỳ XX đến nay

Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN vào cuối thập niên 80-đầu thập kỷ 90 là sự kiện chấn động toàn thế giới không kém cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Thực tiễn khách quan ấy buộc các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử phải nhận thức lại về Cách mạng tháng Mười và lịch sử Liên Xô.

Cuộc Hội thảo khoa học “80 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-1997)” do trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức (7-11-1997) đã chỉ ra những sự yếu kém và bất cập của việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong thời gian qua (22), đồng thời thể hiện một số nhận thức mới từ cách tiếp cận mới về Cách mạng tháng Mười. Theo nhận thức mới này, “lịch sử rất công bằng khi phán xét các nhân vật trọng yếu của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 và chế độ Xô Viết nảy sinh từ cuộc cách mạng đó. Còn quan điểm và đường lối của các nhân vật ấy đúng hay sai như thế nào, thì các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra những nhận định xác đáng”(23). Sau cuộc Hội thảo này, cuốn “Lược sử Liên bang Nga (1917-1991)” của Nguyễn Quốc Hùng-Nguyễn Thị Thư đã trình bày tóm tắt lịch sử nước Nga và Liên Xô khởi đầu từ Cách mạng tháng Mười cho đến khi chế độ Xô Viết sụp đổ theo nhận thức mới (24). Tiếp theo, cuốn “Cách mạng tháng Mười Nga 1917, lịch sử và hiện tại” của Nguyễn Quốc Hùng cũng tiếp cận sự kiện này từ thực tiễn đương thời (25).

 Cũng theo cách tiếp cận đó, Cách mạng tháng Mười Nga được trình bày trong giáo trình “Lịch sử Thế giới Hiện đại” (do Nguyễn Anh Thái chủ biên) (26) và “Giáo trình Lịch sử Thế giới Hiện đại, Quyển I” (do Đỗ Thanh Bình chủ biên) (27) dùng cho các trường đại học; đồng thời được viết trong các sách giáo khoa “Lịch sử lớp 11” trường phổ thông (do Phan Ngọc Liên làm tổng chủ biên). Do thực tiễn đương thời đã cho thấy trong cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống thế giới, CNXH đã sụp đổ chứ không phải là CNĐQ mà Lenin gọi là “CNTB giãy chết”, nên các sách này không còn viết rằng Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thay vào đó, ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng này được viết lại như sau: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã làm thay đổi cục diện thế giới, cổ vũ mạnh mẽ và để lại nhiều bài học quý báu cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”(28).

 Cách tiếp cận mới của các ấn phẩm trên đã giúp cho lịch sử Cách mạng tháng Mười  được nhận thức gần với thực tiễn lịch sử hơn so với các ấn phẩm trước đó. Tuy nhiên, những sai lầm và bất cập về đường lối và kỹ thuật nghiên cứu hiện hành vẫn khiến cho các công trình biên soạn đó kém giá trị vì thiếu tình khách quan khoa học, quá đơn giản và sơ lược về đối tượng nghiên cứu, không có các khám phá khoa học mới do thiếu tài liệu gốc và nguồn tư liệu tham khảo đa chiều.

3. 3. Định hướng mới cho việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga

 Ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới trong suốt thế kỷ XX, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng và giảng dạy nghiêm túc, để nhận thức được những bài học từ thành công đến thất bại của nó. Muốn đạt được những thành quả tốt đẹp trong công tác nghiên cứu và giảng dạy về Cách mạng tháng Mười, các nhà chuyên môn nước ta cần thoát khỏi những giáo điều của ý thức hệ về lập trường chính trị đã được mặc định làm tiêu chuẩn chân lý chủ quan trong thời kỳ chiến tranh lạnh dẫn đến sự sụp đổ của CNXH, để phát huy quyền tự do học thuật theo đường lối khoa học sáng tạo, coi thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Trên cơ sở đó:

     - Chú trọng khai thác tài liệu gốc trong kho lưu trữ của ĐCS Liên Xô (trước đây) và các nguồn khác, mở rộng nguồn tài liệu tham khảo đa chiều từ các công trình khảo cứu của Liên bang Nga và của các nước khác (Mỹ, Pháp, Đức…); dịch thuật các công trình nghiên cứu về Cách mạng tháng Mười có giá trị khoa học cao của nước ngoài.

     - Mở rộng đối tượng nghiên cứu để làm sáng tỏ các sự kiện và nhân vật lịch sử trong Cách mạng tháng Mười, dẫn tới những nhận định và đánh giá thỏa đáng về các sự kiện và nhân vật đó trong tiến trình cách mạng,

     - Từ bỏ việc áp đặt lập trường tư tưởng chính trị trong nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy; khuyến khích tư duy sáng tạo, tranh luận và phản biện theo tinh thần khoa học  để đạt đến chân lý khách quan.

Với định hướng như vậy, chân lý khách quan của cuộc Cách mạng tháng Mười sẽ có thể được làm sáng tỏ qua thực tiễn lịch sử, để góp phần soi sáng cho con đường phát triển tương lai của dân tộc ta và cộng đồng quốc tế.

LÊ VINH QUỐC

TP. Hồ Chí Minh tháng 10-2017

CHÚ DẪN

 

(1)  Nguyễn Khắc Chương, Tính tương đối của tiêu chuẩn thực tiễn trong nhận thức chân lý, Tạp chí Triết học trên website: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ting_tuong_doi_cua_tieu_chuan_thuc_tien_trong_nhan_thuc-2.html

(2)  Xem: V. I. Lenin., Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky, Toàn tập, tập 37, NXB Tiến bộ Moskva (bản tiếng Việt), 1978, tr. 285-416.

(3)  Xem: V.I. Lenin, Chủ nghĩa đế quốc-giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, NXB Tiến bộ Moskva, tập 27 (bản tiếng Việt), 1981, tr. 383-541.

(4)  Xem: V.I. Lenin, Nhà nước và cách mạng, Toàn tập, tập 33, NXB Tiến bộ Moskva (bản tiếng Việt), 1976, tr. 1-148.

(5)  Xem: Hélène Carrère d’ Encause, Lénine. Ed. Fayard. Paris, 1998. Bản dịch tiếng Việt của Lê Phụng Hoàng, 2017.

(6)  Jôn Rit, Mười ngày rung chuyển thế giới, Đặng Thế Bính, Trương Đắc Vị dịch, NXB Văn học, Hà Nội 1977.

(7)  Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, Viện Nghiên cứu lịch sử chung : Phong  trào công nhân quốc tế. Những vấn đề lịch sử và lý luận, NXB Tiến Bộ Matxcơva-NXB Sự Thật , Hà Nội, 1988, tập thứ tư, trang 136.

(8)  Xem : Lê Vinh Quốc, Các nhà lãnh đạo Đảng Bônsêvich trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Kỷ yếu Hôi thảo Khoa học “80 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-1997)”, Trường Đại học Sư Phạm-ĐHQG Tp.HCM,1997.

(9)  Xem: KhrushchevN.S.Về tệ sùng bái cá nhân và hậu quả của nó, Báo cáo tại Đại hội XX ĐCS Liên Xô (tiếng Nga): http://www.zn.ua/3000/3150/52519/

 (10)Xem: Stéphane Courtois et al., Le livre noir du communisme, NXB Robert Laffont, Paris, 1997. Bản tiếng Việt của Fossion René & Trần Hữu Sơn, Mật thư của chủ nghĩa cộng sản, e-book: Nguyễn Kim Vỹ, http://vnthuquan.net/

(11)Đảng Lao động Việt Nam, Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các đảng Cộng sản và Công nhân (tháng 11-1960) tại Mát-xcơ-va, NXB Sự thật, Hà Nội 1961.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị đại biểu các đảng Cộng sản và Công nhân 1957 tại Mátxcơva, Báo điện tử: dangcongsanvn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/phong-trao-cong-san-cong-nhan-quoc-te/books-410120159545046/index-1101201594943469.html

(13) Xem: Khrushchev N.S., Vospominanie (Hồi ký - tiếng Nga), NXB “Vagriuus”, 1997. Bản tiếng Việt của Nguyễn Học.

(14) Isaak Izrailevich Mints (chủ biên), Istoriia grazhdanskoi voiny v SSSR (tiếng Nga),

(15) I. I. Mints (chủ biên), Istoriia VKP (b): Kratkii Kurs, Gospolitizdat, Moskva,  1938. Bản dịch tiếng Việt: Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn sê vích) Liên , NXB Sự thật, Đảng Lao động Việt Nam, 1952.

(16) Xem: Pơ-na-ma-rep B. N. (chủ biên), Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960.

(17) I. I. Mints, Istoriia Velikogo Oktiabria I-II-III, Izdat. “Nauka”, 1967-1976.

(18) Xem: Kafedra Russkoi istorii, Fakultet Sotsialnykh nauk, Rossiskii gosudarstvennyi pedagogicheskii Universitet im. A. I. Gertsena, Revoliyutsia 1917 goda v Rossii: novyie podkhody I vzglyady (I-II-III-IV-V), Sankt Peterburg 2011.

(19) Ni-ki-fô-rốp Đ. N., Lịch sử thế giới Hiện đại, NXB Văn-Sử-Địa, Hà Nội, 1964.

(20) Nguyễn Huy Quý-Nguyễn Quốc Hùng-Phạm Việt Trung, Lịch sử Hiện đại Thế giới (giai đoạn 1917-1945), NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr. 79.

(21) Nguyễn Anh Thái-Phan Văn Ban-Nguyễn Ngọc Quế, Lịch sử Thế giới Hiện đại (1945-1975), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1986.

(22) Xem: Lê Phụng Hoàng, Vài ý kiến qua việc biên soạn giáo trình Lịch sử Cách mạng tháng Mười dùng cho các trường đại học và cao đẳng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “80 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-1997)”, trường Đại học Sư phạm-ĐHQG Tp.HCM, 1997.

(23) Lê Vinh Quốc, Về các nhà lãnh đạo Đảng Bônsêvích trong cuộc Cách mạng tháng Mười, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “80 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-1997)”, trường Đại học Sư phạm-ĐHQG Tp. HCM, 1997.

(24) Xem: Nguyễn Quốc Hùng-Nguyễn Thị Thư, Lược sử Liên bang Nga (1917-1991), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

(25) Xem: Nguyễn Quốc Hùng, Cách mạng tháng Mười Nga 1917, lịch sử và hiện tại, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.

(26) Nguyễn Anh Thái (chủ biên) và các tác giả khác, Lịch sử Thế giới Hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

(27) Đỗ Thanh Bình (chủ biên) và các tác giả khác, Giáo trình Lịch sử Thế giới Hiện đại, Quyển I, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.

(28) Phan Ngọc Liên (tổng chủ biên kiêm chủ biên) và các tác giả khác, Lịch sử 11, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.52.

 

Các Bài viết khác