NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÀY TẾT VÀ PHONG TỤC

( 07-01-2014 - 10:01 AM ) - Lượt xem: 1634

Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là ngũ hành: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất). Tư tưởng cùng hình ảnh “ngũ hành” xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam.

MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn.

Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là ngũ hành: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất). Tư tưởng cùng hình ảnh “ngũ hành” xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam.

Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt chỉ gồm năm loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn năm, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh... Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo .v.v... Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt...

Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu ba loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó thể thiếu cặp dưa hấu và bốn loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì mãng cầu - dừa - đu đủ - xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.

Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa... Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới.                                                                                                                               

CÂU ĐỐI TẾT

Làm câu đối, thách họa đối, chơi câu đối... vốn là hình thức sinh hoạt độc đáo và tao nhã của người Việt Nam. Nó thể hiện trí thông minh sắc sảo, cách xử sự linh động và cao thượng, thế giới quan lành mạnh cũng như những mong ước tốt đẹp về cuộc sống thường ngày. Tết đến, câu đối lại càng khó thể thiếu trong niềm vui đón chào năm mới của mỗi gia đình.

Ngày xưa, câu đối thường treo lên cột, khắc trên khung mái, hoặc viết lên cổng, cửa, tường nhà, đền miếu, đình chùa... Đặc biệt, hai hàng cột gỗ hai bên bàn thờ phải treo câu đối, còn phía trên bàn thờ là hoành phi, cuốn thư - tất cả làm cho không gian thờ cúng trở nên cân bằng vuông vức như có khuôn phép, tạo cảm giác hài hòa, trang trọng và linh thiêng.

Câu đối được làm từ nhiều chất liệu: có loại sơn son thiếp vàng để dùng lâu dài, có loại làm bằng giấy bồi (gọi là liễn) hoặc cắt bằng giấy màu, viết bằng mực nho... để dễ thay đổi theo từng năm, từng mùa cho mới, cho hợp hoàn cảnh. Ngày thường, câu đối chỉ treo trên bàn thờ. Ngày Tết thì treo ở nhiều nơi, thậm chí những người ham mê và muốn giữ tục lệ cũ còn chơi câu đối giấy, dán suốt từ ngoài cổng vào trong nhà. Câu đối có thể mua sẵn hoặc nhờ, thuê người viết, nhưng hay nhất vẫn là do tự chủ nhân làm ra.

Mỗi câu đối gồm hai vế có số chữ bằng nhau, ý nghĩa và luật bằng trắc đối chọi hoặc tương hợp nhau. Câu đối thể hiện những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống trần thế, về năm mới và mùa xuân, đề cao đạo lý cùng những quan niệm đẹp, cầu mong mọi việc tốt lành... Mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và có nhiều bạn bè, ngày Tết người ta thường dán ở hai trụ cổng câu đối:

Môn đa khách đáo thiên tài đáo

Gia hữu nhân lai vạn vật lai

(Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến

Nhà có người vào, lắm vật vào)

Còn trên hàng cột ở hiên nhà thì lại thường dán câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới như:

Sơn thủy thanh cao xuân bất tận

Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh

(Non nước thanh cao - xuân mãi mãi

Thần tiên vui thú - cảnh đời đời)

Câu đối dán, treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn (dù vẫn thể hiện ước vọng chung). Có thể là câu đối cầu thọ cầu phúc như:

Thiên tăng tuế nguyệt niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường

(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ

Xuân khắp thế giới, phúc khắp nhà)

hoặc câu đối cầu đức như:

Tổ tông công đức thiên niên thịnh

Tôn tử hiếu hiền vạn đại vương

(Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh

Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu)

hay câu đối cầu toàn (phúc - an - vinh - phú) như:

Tân niên hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật vinh hoa phú quý lai

(Năm mới - hạnh phúc, bình an đến

Ngày xuân - vinh hoa, phú quý về)

Dịp Tết, thường phải có câu đối đỏ - màu đỏ vốn được coi là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt (máu, lửa). Nó vừa nổi trội, vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu hồng của hoa đào, màu vàng của hoa mai... làm tươi sáng thêm không khí Tết, tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới.

TRANH TẾT

Hình ảnh, không khí xuân mới sẽ trở nên tẻ nhạt nếu thiếu những bức tranh. Chơi tranh Tết là một thú vui - nhu cầu - phong tục cổ truyền rất đẹp của nhân dân ta. Vừa hồn nhiên, tươi sáng, sống động, vừa lắng đọng, đậm đà chất dân tộc, tranh Tết thể hiện sâu sắc giá trị thẩm mĩ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, trong nhà dịp Tết thường phải có tranh treo để cảnh sắc thêm vui tươi, rực rỡ, con người thêm sảng khoái, giàu sức sống và xua đi những điều ám muội, rủi ro. Tranh Tết chính là hình ảnh cô đọng của sinh hoạt hàng ngày - người ta thường ngắm nó mà nhớ lại năm qua và hình dung những gì sẽ gặp, sẽ làm trong năm tới. Tranh Tết còn thể hiện những ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc... cùng khát khao hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.

Tranh Tết có đủ loại, dùng cho nhiều đối tượng và mục đích: tranh thờ, tranh đố, tranh cầu lộc, tranh người lớn, tranh trẻ em... Những gia đình trí thức thường thích tranh bộ: Nhị bình - 2 bức (như Chim công múa - Cá chép trông trăng), Tứ bình - 4 bức (như mai - lan - cúc - trúc tượng trưng cho 4 mùa, hoặc 4 tố nữ chơi đàn - thổi sáo - gõ phách - ca hát). Nhiều người lại chuộng tranh Trung Quốc vẽ cảnh trong các pho truyện nổi tiếng: Chinh đông - Chinh tây, Tam quốc diễn nghĩa... Phần lớn các gia đình nông dân thích treo những bức tranh dân gian cổ truyền thuộc nhiều đề tài, thỏa mãn đồng thời nhiều nhu cầu. Ngoài cổng, có nhà dán 2 bức vẽ: một bên là Ông Tiến Tài, bên kia là Ông Tiến Lộc, trang phục đều kiểu quan văn, mặt hồng hiền từ, mỗi vị mang một tấm biển (Tiến tài, Tiến lộc) - với mong ước năm mới sẽ làm ăn phát đạt. Có nhà thì dán cặp tranh thần Vũ Đinh và Thiên Ất, đều mặc võ phục, cầm long đao, mặt đỏ, mắt xếch, trông rất uy nghi - với mong ước năm mới ma quỷ sẽ sợ, không dám đến quấy nhiễu.

Trong nhà, treo, dán nhiều tranh hiền lành và ngộ nghĩnh hơn. Tranh Gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ngũ quý - 5 đức tính quý báu: văn (mào gà - vẻ đẹp), vũ (cựa gà - vũ khí), nhân (biết thương yêu đồng loại, kiếm được thức ăn ngon là gọi bầy đàn đến), dũng (gặp kẻ thù là sẵn sàng giao chiến), tín (hàng ngày gáy báo giờ rất đúng, giữ chữ “tín” từ hành động bình thường nhất). Tranh Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã cùng mơ ước gia đình đông vui, thuận hòa. Tranh Hứng dừa lại như nụ cười tinh nghịch trước sự hớ hênh vô tình của người con gái đang mải đưa váy hứng dừa. Rồi tranh Đấu vật, Đánh ghen, Thầy đồ cóc... - tất cả đều thể hiện những nét đặc sắc trong sinh hoạt thường ngày của người dân Việt Nam.

Loại tranh lịch sử như Trưng Trắc cưỡi voi đuổi giặc, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì nó tạo cảm giác ấm áp, hùng tráng và linh thiêng. Còn nhà nào nhiều trẻ con thì lại thường chơi các tranh: Phú quý (vẽ hình đứa bé tóc trái đào, đang giữ con vịt), Vinh hoa (cũng vẽ đứa bé như vậy, nhưng không giữ con vịt mà giữ gà trống), Thất đồng (7 cậu bé đang hồn nhiên hái quả), Tử tôn vạn đại (4 em bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...

Có nhiều nơi làm tranh Tết, nhưng nổi tiếng vẫn là phố Hàng Trống (Hà Nội) và làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Tranh Hàng Trống thuộc loại tranh thờ (vẽ hổ, rồng, thần thánh...); kỹ thuật làm kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước, luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế, màu vẻ linh động. Tranh Đông Hồ toàn diện hơn với rất nhiều thể loại; in bằng tay trên bản gỗ nổi - mỗi màu in có ván khắc riêng (đôi khi tô màu phẩm bằng tay); giấy in là giấy dó, thường quét phủ một lớp phấn điệp hơi óng ánh; màu in rực rỡ, chế từ nguyên liệu thiên nhiên dễ kiếm (màu đen chế từ lá tre khô, vàng từ hoa hòe hay quả dành dành, xanh từ lá chàm, trắng từ vỏ sò nghiền mịn, đỏ tươi từ bột son...). Nhìn chung, các công đoạn kỹ nghệ làm tranh Tết đều khá phức tạp, đòi hỏi cao độ sức lao động sáng tạo và tài hoa nghệ nhân.

                                                               XUÂN HỒNG

Các Bài viết khác