NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NỀN TẢNG VĂN HÓA CỦA MỘT VĨ NHÂN

( 06-11-2013 - 08:29 PM ) - Lượt xem: 1241

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời trong nỗi tiếc thương vô hạn của cả dân tộc về một thiên tài quân sự với những võ công hiển hách vang danh toàn thế giới, những trước tác cùng những tư tưởng lớn định hướng cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Sự nghiệp đó của ông được xây dựng trên một nền tảng văn hóa sâu rộng và rất cao.

1. Được tiếp nhận những phẩm chất tốt đẹp của một gia đình Nho giáo thanh bạch ở quê hương Quảng Bình, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp đã khởi đầu sự nghiệp từ những trường học danh tiếng đương thời là Quốc học Huế, trung học Albert Sarraut Hà Nội và Đại học Đông Dương để trở thành một cử nhân luật khoa, rồi đảm nhiệm việc giảng dạy lịch sử ở trường trung học Thăng Long (Hà Nội) dưới thời Pháp thuộc. Sự khởi đầu như vậy chưa phải là nổi trội, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ sự nghiệp của ông sau này. Trong khi truyền bá học vấn của nền văn minh phương Tây cho con người mang phẩm chất cao quý của dân tộc Việt, những nhà trường của chế độ thực dân ấy không tạo ra một nhà trí thức mẫn cán phục vụ cho “mẫu quốc”, mà lại góp phần hình thành một nền tảng văn hóa vững chắc cùng với lý tưởng đấu tranh giành độc lập dân tộc cho một nhà cách mạng kiệt xuất. Không phải vì bát cơm manh áo hay danh vọng cá nhân, chàng thanh niên trí thức Võ Nguyên Giáp dấn thân vào con đường cách mạng vì lý tưởng cao đẹp ấy.

 

Là một người am hiểu Hán văn, tinh thông Pháp văn và cả Anh văn, ông luôn say mê tìm hiểu lịch sử quân sự của nước ta và thế giới. Binh thư Yếu lược của Trần Hưng Đạo, Hổ trướng Khu cơ của Đào Duy Từ, cách dụng binh nhân nghĩa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, phép hành binh thần tốc của Quang Trung Nguyễn Huệ và võ công của nhiều danh tướng khác trong lịch sử Việt Nam đã được ông nghiền ngẫm. Ông cũng không hề xa lạ với chiến lược chiến thuật của các danh tướng trên thế giới từ cổ đại như Tôn Tử, Alexandre Đại đế, Hannibal, Ceasar… cho đến thời cận đại như Napoleon Bonaparte, Wellington, Kutuzov, Clausewitz, Foch…; đồng thời cũng chú tâm theo dõi những chiến dịch của các danh tướng đương đại trong chiến tranh thế giới thứ hai như Zukov, Rommel, Montgomery, Eisenhower, Mac Arthur… Nguồn tri thức lịch sử quân sự này đã được đánh giá cao khi lãnh tụ Hồ Chí Minh trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập và chỉ huy Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng. Kể từ đó, tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp được phát huy ngày càng rực rỡ, góp phần quan trọng cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám giành lại nền độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và công cuộc bảo vệ đất nước mấy thập kỷ sau đó.

Gia đình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

 

2. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Hồ Chủ tịch tấn phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp và bổ nhiệm ông làm Tổng tư lệnh quân đội quốc gia, có nhà báo quốc tế đã hỏi rằng: được biết ông Giáp chưa chính thức theo học các trường võ bị, vậy việc phong đại tướng cho ông dựa trên nguyên tắc nào? Bác Hồ điềm tĩnh trả lời: chúng tôi tiến hành chiến tranh du kích, nên cũng phong quân hàm theo kiểu du kích,“đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng” (1). Khi ấy quân đội Việt Nam do Võ Nguyên Giáp chỉ huy mới đánh thắng quân viễn chinh Pháp của đại tướng Valluy trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947. Tiếp theo đó, tài năng quân sự của tướng Giáp thể hiện liên tục qua chiến thắng trong các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc…và lên đến đỉnh cao trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi tiễn tướng Giáp lên đường ra trận, Bác Hồ căn dặn: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Nhưng kế hoạch chiến dịch do các cố vấn quân sự Trung Quốc khởi thảo đã được triển khai theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” dùng chiến thuật biển người để giành thắng lợi trong 3 đêm 2 ngày kể từ 26-1-1954. Khi đi thị sát chiến trường và phát hiện sự bố phòng cực mạnh của địch, tướng Giáp nhận thấy nếu đánh theo kiểu Trung Quốc thì chắc chắn thất bại với những tổn thất khôn lường. Ông quyết định lùi thời hạn nổ súng gần 2 tháng để chuẩn bị lại kế hoạch chiến dịch theo phương châm mới là “đánh chắc, tiến chắc”. Đúng như dự kiến của tướng Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu không phải chỉ 3 đêm 2 ngày, mà trong suốt 55 ngày đêm (13/3 – 7/5/1954) với kết quả là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân đội viễn chinh Pháp bị đánh tan với toàn bộ 16.200 binh lính và sĩ quan bị tiêu diệt và bắt sống. Chính quyết định lịch sử nói trên của tướng Giáp đã dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Kể từ đây, danh tiếng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp vang lừng khắp thế giới.

 Đầu năm 1976, trong cuộc đón tiếp vô cùng nồng nhiệt của chính phủ và nhân dân Algeria dành cho Đại tướng Võ Nguyên Gíáp, một ký giả phương Tây phỏng vấn ông: “Phần lớn các nhà chỉ huy quân sự lừng danh trên thế giới đều được đào tạo từ những trường võ bị nổi tiếng như Saint Cyr (Pháp) hay West Point (Mỹ); còn ông đã tốt nghiệp trường võ bị nào?” (2). Đại tướng trả lời: “Tôi đã được đào tạo ở trường học trong rừng!”(2). Vậy mà, người được đào tạo trong rừng đó đã lần lượt đánh bại các danh tướng “tốt nghiệp Saint Cyr” là Jean Étienne Valluy, Roger Blaizot, Marcel Maurice Carpentier, Jean de Lattre de Tassigny, Raoul Salan, Henry Navarre và bắt sống De Castries trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Sau đó, các danh tướng “tốt nghiệp West Point” làm Tổng tư lệnh Mỹ ở Nam Việt Nam là Maxwell Taylor, Paul Harkins, William Childs Westmoreland và Creighton Williams Abrams cũng lần lượt trở thành những bại tướng trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà đối thủ đồng cấp của họ chỉ là một người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trận chiến 12 ngày đêm tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội đập tan cuộc tập kích chiến lược của Không lực Hoa Kỳ là một chiến công vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chiến tranh, đã buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Thắng lợi cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ gắn liền với chỉ thị ngày 7-4-1975 của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam…”(3).

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhà sử học Mỹ Stanley Karnow cũng như nhiều người nổi tiếng ở nước ngoài khác đã thừa nhận rằng:

 

“ Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng tài nhất trong lịch sử thế giới”, “thành tựu kỳ diệu hơn cả của ông là đập tan lực lượng Mỹ áp đảo, trở thành người duy nhất đánh bại cường quốc này trong lịch sử” (4).

 

3. Các nhà nghiên cứu sẽ còn phải tốn rất nhiều công sức và giấy mực để tìm hiểu nguồn gốc dẫn đến thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Nhưng những nét khái quát về nguồn gốc đó có thể cảm nhận được ngay mà không sợ sai lầm. Là một vị tướng cộng sản, ông có ưu thế hơn hẳn các tướng lĩnh đối phương khi được dựa vào hệ thống tổ chức của Đảng để huy động lực lượng của toàn dân tham gia cuộc chiến theo đường lối chiến tranh nhân dân, trong đó cả quân và dân đều mang ý chí phi thường để chiến đấu hy sinh đến cùng cho Đảng. Cùng với ưu thế đó, một nền tảng văn hóa sâu rộng được đào tạo chính quy và thường xuyên tự nâng cao đã giúp ông luôn tìm được giải pháp tối ưu trong hoạt động thực tiễn. Nền tảng văn hóa của Võ Nguyên Giáp không hề thua kém các tướng lĩnh xuất thân từ các trường võ bị danh tiếng ở phương Tây, ông còn  vượt trội ở những phẩm chất của nền minh triết phương Đông theo truyền thống dân tộc. Chính nền tảng văn hóa đó được phát huy bằng một trí thông minh kiệt xuất đã tạo nên tài năng quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nhờ nền tảng văn hóa đó, tài năng của ông không chỉ giới hạn trong phạm vi quân sự, mà còn vươn sang các lĩnh vực quan trọng khác của đất nước như kinh tế-chính trị, văn hóa-văn nghệ, giáo dục-khoa học…

 

 Vào đầu những năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp nhiều trở ngại khi ông được Đảng cho miễn nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội và Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng, để chuyển sang làm Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch. Gạt bỏ mọi sự thăng trầm của thời thế, Đại tướng tận tâm thực hiện nhiệm vụ mới với những thành tựu đáng trân trọng. Với tầm nhìn xa và tư duy sâu sắc, ông đã đặt nền tảng đầu tiên cho chính sách khoa học ở Việt Nam, chỉ rõ tầm quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục đối với tương lai đất nước, sáng suốt đề xuất phương hướng phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên và vùng biển-đảo…Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo do cơ chế quan liêu-bao cấp gây ra, Đại tướng đã tập hợp nhiều nhà khoa học có uy tín trong Ban Nghiên cứu Đổi mới Kinh tế, Chính trị và Hành chính của Thủ tướng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những hoạt động tích cực của Ban này đã góp phần quan trọng trong thành quả của công cuộc đổi mới đất nước khởi đầu năm 1986 và tiếp tục cho đến nay.

 

 Nền tảng văn hóa cao đã tạo nên tâm hồn cao thượng trong nhân cách vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặt tình yêu thương con người lên vị trí cao nhất trong triết lý sống, tướng Giáp coi binh nghiệp rực rỡ của mình chỉ là do chiến tranh mang đến, còn ông là một vị tướng của hòa bình. Coi hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường, Đại tướng được toàn quân tôn kính và yêu mến. Hiến dâng toàn bộ sự nghiệp cuộc đời mình cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bậc vĩ nhân được toàn dân tộc tôn thờ. Là một danh nhân có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia được nhiều dân tộc trên thế giới ngưỡng mộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giữ một vị trí nổi bật trong lịch sử toàn thế giới.

 

  TS. LÊ VINH QUỐC

(Nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

----------------------------------------------------------

1/Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhớ lễ phong tướng 60 năm trước, Báo Quân đội Nhân dân 1-2-2008.

2/Dẫn theo Đại sứ Lê Quốc Hùng, Đại tướng nói chuyện bằng trái tim với nhân dân Algeria, Sài Gòn Giải Phóng Online 7-10-2013.

3/Dẫn theo http://www.qdnd.vn/qdnd site/vi-vn/61/43/247/109687/ Default.aspx

4/Dẫn theo Anh Ngọc, Sử gia Mỹ và cuộc phỏng vấn tướng Giáp năm 1990, Vnexpress.net, 10-10-2013.

 

 

Các Bài viết khác