NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT TRÍ THỨC YÊU NƯỚC Ở SÀI GÒN TRONG NGÀY 30-4-1975

( 05-06-2015 - 06:30 PM ) - Lượt xem: 1092

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), nhà báo Huỳnh Bá Thành cùng một số nhân sĩ trí thức khác đã tập hợp sinh viên, kêu gọi mọi người bình tĩnh tránh manh động, rồi xuống đường tiến về dinh Độc Lập để góp phần dàn xếp việc đầu hàng của chính quyền Sài Gòn sao cho êm thấm, tránh làm đổ máu nhân dân

Tôi được cộng tác với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng tại Khoa Sử-Địa Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh ít lâu sau ngày đất nước thống nhất. Khi ấy, tôi nằm trong số cán bộ giảng dạy từ miền Bắc “chi viện” cho miền Nam; còn anh thuộc về số trí thức “tại chỗ” sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục dưới chế độ mới. Là người có học vị cao nhất trong Khoa lúc bấy giờ, nhưng anh rất khiêm tốn, luôn thân mật và hòa đồng với các bạn đồng nghiệp không phân biệt gốc “ chi viện” hay “tại chỗ”, tuổi tác hay trình độ. Vì vậy, anh luôn được mọi cán bộ giảng dạy cũng như đông đảo sinh viên yêu mến quý trọng.

Trong những ngày tháng gian lao theo cơ chế quan liêu bao cấp, một số trí thức “tại chỗ” buộc lòng phải rời nước ra đi, nhưng Huỳnh Văn Tòng vẫn ở lại để chia sẻ với các đồng nghiệp từng con cá miếng thịt theo “tem phiếu” ngay trên sân trường đại học. Chưa bao giờ thấy anh đòi hỏi một quyền lợi cá nhân nào cho riêng mình. Rất ít khi anh nói về mình, nên chúng tôi không biết rằng anh là một trong những trí thức nổi tiếng có uy tín trong xã hội miền Nam trước 1975. Anh đi du học ở Pháp từ 1965, tốt nghiệp cao học lịch sử và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1972 tại Đại học Paris VII danh tiếng. Năm 1973, sau một thời gian tu nghiệp tại Mỹ, Huỳnh Văn Tòng trở về nước và bản luận án về Lịch sử báo chí Việt Nam của anh lập tức gây ảnh hưởng sâu sắc trong giới chức đại học và báo giới miền Nam.

Với luận án này, Huỳnh Văn Tòng đã đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử báo chí của nước nhà. Từ những chất liệu của luận án, anh cho xuất bản cuốn “Lịch sử báo chí Việt Nam” với giá trị khoa học rất cao. Người vợ hiền của anh- Luật sư Võ Thị Kiêm Nhung kể lại rằng: khi trở về nước, anh đã bỏ quên tại nhà trọ chính cái bằng Tiến sĩ của mình, khiến cho bà chủ nhà phải vất vả tìm cách gửi qua bưu điện về cho anh, kèm theo những lời phiền trách nhẹ nhàng! Câu chuyện thú vị ấy cho thấy một nét tính cách con người Huỳnh Văn Tòng: anh không quan tâm đến những danh vị hình thức, mà chỉ chú trọng vào thực chất công việc mình làm. Không dừng lại ở học thuật, Huỳnh Văn Tòng còn trở thành một nhân vật nổi bật trong giới trí thức yêu nước hợp thành “lực lượng thứ ba” ở miền Nam, lôi cuốn đông đảo giáo chức và sinh viên các đại học lớn như Đại học Sư phạm, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Hòa Hảo…vào phong trào đấu tranh vì độc lập và dân chủ.

 Trong buổi sáng lịch sử 30-4-1975, khi các binh đoàn hùng mạnh của quân Giải phóng rầm rập tiến vào đô thành, quân lực Việt Nam Cộng hòa tháo chạy nhưng chưa hạ vũ khí, súng vẫn nổ và dư luận tung ra tin đồn về một cuộc “tắm máu” sắp xảy ra, thì Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), nhà báo Huỳnh Bá Thành cùng một số nhân sĩ trí thức khác đã tập hợp sinh viên, kêu gọi mọi người bình tĩnh tránh manh động, rồi xuống đường tiến về dinh Độc Lập để góp phần dàn xếp việc đầu hàng của chính quyền Sài Gòn sao cho êm thấm, tránh làm đổ máu nhân dân. Ba nhà trí thức ấy đã có mặt trong dinh từ rất sớm, họ thuyết phục Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung (tức nhà báo Chánh Trinh) rời bỏ quyền lực, rồi trèo lên nóc dinh hạ lá cờ vàng có ba sọc đỏ xuống, treo một lá cờ giải phóng xanh-đỏ-sao vàng lên thay. Khi họ đang tìm cách mở cổng dinh thì xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng tiến vào. Huỳnh Văn Tòng cùng hai bạn đồng sự đứng bên cạnh trung tá Bùi Văn Tùng khi vị sĩ quan này soạn thảo văn bản đầu hàng trao cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh Sài Gòn. Ngay một sự kiện trọng đại như vậy, mà Huỳnh Văn Tòng cũng không kể cho ai, nên tôi chỉ được biết qua chương trình  “Lịch sử và Nhân chứng” phát trên đài truyền hình năm 2002.

Có lẽ do tình bạn thúc đẩy, Huỳnh Văn Tòng rời Đại học Sư phạm để cộng tác với Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ Ớt) xuất bản tờ báo Công An TP. Hồ Chí Minh. Huỳnh Bá Thành là Tổng biên tập đầu tiên của báo này; Huỳnh Văn Tòng không giữ chức vụ gì cụ thể, nhưng có lẽ vai trò của anh không nhỏ trong việc sáng lập báo. Chuyển sang nghề báo, nhưng anh vẫn tham gia giảng dạy đại học. Anh và tôi cùng nhau biên soạn cuốn sách “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương” để cung cấp cho nhà trường một cách nhìn toàn diện về cuộc chiến tranh này. Trong lần xuất bản đầu, tôn trọng anh là người đề xuất ý tưởng biên soạn và cung cấp tư liệu, tôi đặt tên anh trước tên mình trên bìa sách. Nhưng đến khi tái bản, anh bảo phải đổi lại trình tự trên: tên người viết chính đặt trước, còn người có ý tưởng và cung cấp tư liệu đặt sau. Từ đó, cuốn sách của hai tác giả Lê Vinh Quốc-Huỳnh Văn Tòng trở thành một kỷ niệm không quên của tôi đối với anh.

 Số phận nghiệt ngã đã buộc Huỳnh Văn Tòng phải mang nhiều bệnh tật khi nghỉ hưu và anh đã qua đời vào tháng 7-2011 ở tuổi 70, một tuổi thọ ngày xưa được coi là hiếm nhưng ngày nay không hiếm. Rời khỏi cõi đời này, anh không mang theo một chức tước phẩm hàm hay huân chương danh giá nào, nhưng để lại cho đời một sự nghiệp với những công trình khoa học có giá trị lâu bền và nhân cách cao thượng của một người trí thức yêu nước.

TS LÊ VINH QUỐC

      ( Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

Các Bài viết khác