NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 2)

( 07-09-2013 - 08:43 AM ) - Lượt xem: 1306

Tinh thần của nền văn hóa mới ấy sẽ là sự hòa hợp của những nguyên tắc ăn nhịp với cuộc tiến hóa xã hội nói chung, mà xét ra lại không có gì trái với cuộc phục hưng cấp bách của nước ta trong trường hợp đặc biệt này...

MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 2)

Thứ năm - 15/08/2013 12:04
 
 
MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 2)

MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 2)

Tinh thần của nền văn hóa mới ấy sẽ là sự hòa hợp của những nguyên tắc ăn nhịp với cuộc tiến hóa xã hội nói chung, mà xét ra lại không có gì trái với cuộc phục hưng cấp bách của nước ta trong trường hợp đặc biệt này.

Một chương trình kiến thiết văn hoá Việt Nam mới
 
Nếu trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, văn hóa chẳng may đã bị đôi người trong chúng ta coi như một món xa xỉ phẩm, thì trái lại, sau khi cuộc chiến đấu đã thành công, chắc hẳn văn hóa sẽ không còn bị một ai coi thường nữa. Bởi ai cũng hiểu rằng dành cướp lấy chính quyền là cốt để kiến thiết quốc gia; mà trong việc kiến thiết quốc gia thì văn hóa quan trọng chẳng kém gì kinh tế.
 
Trước hết chúng ta không quên rằng nếu văn hóa bắt gốc rễ ở những điều kiện kinh tế, thì trở lại, văn hóa cũng ảnh hưởng đến đời sống vật chất một cách mật thiết; thí dụ sự thịnh vượng của nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mại phải nhờ một phần lớn ở kỹ thuật; kỹ thuật lại nhờ khoa học, một bộ phận của văn hóa, mà phát triển. Vả lại hạnh phúc của dân chúng đâu chỉ có là no ấm! Thật là một sự thiếu thốn nguy hiểm nếu nền độc lập không mang đến cho dân chúng những mối dường của một cuộc sinh hoạt mới vừa thỏa mãn được những đòi hỏi của tâm hồn họ, vừa hấp dẫn được họ tiến mạnh trên đường văn minh. Cho nên nếu rồi đây chúng ta không triệt bỏ ngay được cái tình trạng bế tắc, thối nát của những nền giáo dục, văn học, nghệ thuật, luân lý, phong tục mà quốc dân đã phải đắng cay chịu đựng từ trước tới giờ, và thi hành trên những địa hạt ấy những chính sách thích đáng có thể đem lại những kết quả thiết thực, thì chẳng những chính phủ nhân dân khó lòng giữ được hoàn toàn tín nhiệm, ngay đến sự tin tưởng ở tương lai nền độc lập cũng sẽ bắt đầu lung lay.
 
Vậy cuộc cách mạng văn hóa phải tiếp theo liền cuộc cách mạng chính trị để củng cố nền độc lập và hoàn thành việc cải tạo xã hội.
 
A. Tính chất văn hoá mới
 
Nói cách mạng văn hóa ấy là nói đem một nền văn hóa mới thay cho nền văn hóa cũ đã thoát thai trong hoàn cảnh nô lệ, đã gói ghém những tàn tích phong kiến cùng với những sản phẩm đế quốc.
 
Tinh thần của nền văn hóa mới ấy sẽ là sự hòa hợp của những nguyên tắc ăn nhịp với cuộc tiến hóa xã hội nói chung, mà xét ra lại không có gì trái với cuộc phục hưng cấp bách của nước ta trong trường hợp đặc biệt này.
 
Phân tích sức tiến hóa trong giai đoạn lịch sử hiện thời, ta thấy ba yếu tố chính: một là trình độ khoa học, hai là năng lực của đại chúng cần lao, ba là hoàn cảnh sẵn có của dân tộc. Dưới quyền chỉ đạo của khoa học, đại chúng vịn vào những điều kiện cụ thể của dân tộc mà đẩy bánh xe lịch sử, đó là cái thế vững vàng của toàn thể trào lưu cấp tiến thế giới, mà đó cũng là cái thế vững vàng của riêng chúng ta khi trỗi dậy. Tất cả vấn đề là xoay văn hóa lại cái thế ấy. Cố nhiên là cái ý nghĩ một sự thay đổi từ gốc đến ngọn và những tiếng “phá bỏ”, “thủ tiêu” có thể làm cho nhiều khối óc bảo thủ phải thương tiếc, run sợ vì họ tưởng ta sẽ làm cỏ sạch sành sanh những giá trị mà họ hằng yêu dấu, những thần tượng mà họ hằng tôn thờ.
 
Nhưng, cũng như trong phong trào chính trị, chúng ta chẳng thể chiều ý những phần tử quá hủ lậu, mà chỉ có thể tuyên bố rõ rằng về cái di sản của tiền nhân, phần nào còn hợp thời, còn bổ ích sẽ được giữ lại và sẽ có một địa vị xứng đáng trong cái đại cục mới đã được khoa học hóa, đại chúng hóa và dân tộc hóa.
 
Khoa học hóa vì khoa học là mẹ đẻ của nền văn minh, là ngọn đuốc đưa đường cho chúng ta theo kịp các nước tiên tiến, đặng góp sức cùng họ trong cuộc phấn đấu với tạo vật để mưu hạnh phúc cho nhân quần. Nhưng không phải khoa học hóa chỉ có nghĩa chuyên về khoa học thực nghiệm để đạt đến một trình độ kỹ thuật cao mà nền kinh tế trong nước cần đền. Khoa học hóa nói đây còn là vận dụng những kiến thức khoa học, những phương pháp quan sát và phê bình khách quan vào tất cả mọi ngành hoạt động tinh thần, đem vào đó những ánh sáng mà các nhà thông thái đã dày công kiếm được, để mọi sự tìm tòi, sáng tác khỏi lạc đường, khỏi hư ngụy. Quan trọng hơn nữa là việc gây dựng và phổ thông tinh thần khoa học là cái tinh thần quy củ, tiến tới và chiến đấu, trọng thực tế, lý trí và nhân sinh.
 
Trong một nền văn hóa có tính chất khoa học sẽ không còn những lối phô diễn tối tăm, rối loạn, những tư tưởng thần bí, những xu hướng giật lùi, những chủ trương bông lông, những cách sống sa đọa. Và chúng ta có thể nói trước rằng ngày mà đội Giải Phóng Quân oanh liệt của chúng ta ca khúc khải hoàn sẽ là ngày cuối cùng của nền văn học, nghệ thuật ốm yếu.
 
Đại chúng hóa vì đại chúng là nền tảng xã hội, là lớp người mang cái sức sống tiềm tàng của dân tộc. Sau bao cuộc hưng vong, bao thời đô hộ, hai chữ “Việt Nam” vẫn còn trên bản đồ thế giới, đó là nhờ sức phấn đấu của đại chúng dưới quyền lãnh đạo của những đại biểu anh tuấn của giống nòi. Trong cuộc giải phóng quốc gia ngày nay lực lượng chiến đấu ở trong tay đại chúng. Trong cuộc kiến thiết kinh tế ngày mai, sức cần lao vẫn ở trong tay đại chúng. Phong tục cũng như tiếng nói đều phát sinh và hoàn thành giữa đại chúng. Cho ngay đến tư tưởng của đại chúng trong phong dao, tục ngữ cũng làm mạnh, sáng suốt hơn những tư tưởng nghèo nàn, cằn cỗi của những khối óc nô lệ kinh sách tự nhận là thức giả. Âm điệu thơ lục bát, thể thi ca đặc sắc của ta, vốn nhờ công của nông dân. Và sau hết, nhà nghệ sĩ hiện đại có khi phải nghiêng mình trước mỹ thuật của “bác phó cả” thời xưa mà những ngôi đình, chùa, miếu, mộ cổ còn giữ được tang chứng.
 
Nếu ta lại nhận định thêm rằng lớp người lao động là lớp người đang tiến phát, càng ngày càng có ý thức, có tổ chức, rằng phong trào tranh đấu của họ trên mặt trận quốc tế đã làm thắng dân quyền ở khắp các nước, và do đó, họ dần dần bước tới địa vị quan trọng nhất trong xã hội, thì ta không thể nào chối cãi khả năng rất lớn của đại chúng về văn hóa.
 
Nền văn hóa mới của ta muốn có nguồn sinh lực súc tích không thể nào không rút tài liệu ở cuộc sinh hoạt đại chúng, muốn có giá trị thực tiễn không thể nào không lấy vận mệnh đại chúng làm trung tâm, và muốn phụng sự tiến bộ, không thể nào không gắng gỏi thâm nhập đại chúng, để nâng cao trình độ họ lên bằng những tổ chức rộng rãi, bằng những công trình phổ thông.
 
Hết thảy mọi người đều nhận được và hiểu được văn hóa, đó không phải là cái lợi một chiều, cái lợi riêng cho phe bình dân, riêng cho hạng người hưởng thụ. Chính ngay những trào lưu học thuật sẽ nhờ thế mà được sự phê bình và sức ủng hộ của quảng đại quần chúng hướng dẫn và nâng đỡ để phát triển mạnh mẽ.
 
Nói tóm lại, chủ nghĩa tân dân chủ chỉ có thể quan niệm một nền văn hóa do đại chúng và vì đại chúng.
 
Dân tộc hóa vì dân tộc là gốc rễ và là phạm vi hoạt động gần gũi nhất của con người. Giống nòi, cảnh thổ, khí hậu, di sản tinh thần, trình độ văn minh, chế độ kinh tế, tình hình chính trị, bấy nhiêu điều kiện của một nước đã định rõ dân nước ấy ở thời nào đó, có thể tạo tác những gì và cần được hưởng thụ những gì. Văn hóa không treo lơ lửng giữa giời thì tất phải thích nghi với cái khung khổ dân tộc, theo sát hoàn cảnh thực tế để việc xây dựng được thuận tiện và ảnh hưởng được trực tiếp ngay đến đời sống hiện tại.
 
Chúng ta phải chú trọng đến những phương tiện bản xứ có công dụng trường cửu và sức truyền dẫn sâu rộng. Liệu còn có cách cảm hóa đồng loại nào mầu nhiệm hơn cách gửi tình đẹp ý cao vào những hình, sắc, âm thanh đối với họ đã quen biết thân mật như hơi thở? Ta thử tưởng tượng nếu các bậc túc nho xưa kia không khinh văn Nôm thì kho tài liệu mà các cụ để lại cho ta đặc sắc, dồi dào đến thế nào? Ta lại nghĩ xem nếu trong thời Pháp thuộc bọn trí thức đã để tâm bồi bổ chữ quốc ngữ thì ngày nay họ đâu đến nỗi phải lúng túng trước vấn đề dùng toàn tiếng ta trong các bậc học? Vẫn biết những hoạt động trí thức cần phải vươn tới chân trời xa, nhưng trước hết những hoạt động trí thức ở nước Việt Nam có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề Việt Nam. Nhà khảo cổ sẽ làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam và những hiện tượng xã hội trên giải đất Đông Dương này. Nhà nghệ sĩ sẽ tô điểm cuộc đời Việt Nam bằng những tác phẩm hàm xúc tính tình, chí khí người Việt Nam. Nhà giáo dục sẽ đào tạo những người công dân Việt Nam bằng những phương pháp thích hợp với tâm lý thanh niên Việt Nam và hoàn cảnh xã hội Việt Nam. Nhà học giả sẽ khơi những dòng tư tưởng căn cứ vào cái lịch trình tiến hóa của giống người Việt Nam kéo dài trên bốn ngàn năm và bắt nguồn từ những ước vọng thiêng liêng của dân chúng Việt Nam đau khổ.
 
Tất cả hệ thống ý thức ấy, tuy lấy dân tộc làm kim chỉ nam, tuy tẩy trừ hết vết tích nô lệ về hình thức cũng như về nội dung, nhưng không phải vì thế mà đi đến những chủ trương vị quốc hẹp hòi cố ý sùng bái bất cứ cái gì của nước mình, bài xích bất cứ cái gì của nước ngoài. Trong cái vốn cố hữu, ta hãy để cho mọi sự đào thải tự nhiên gạt bỏ vào viện bảo tàng những phần đã quá mùa và trở nên phản tiến bộ, chỉ còn chút giá trị lịch sử. Trong các ảnh hưởng ngoại lai, ta hãy để những nhu cầu tất yếu mới của thời đại đón lấy những phần thích hợp, phong phú đã dần dần đồng hóa.
 
Một mặt nữa, những người tin tưởng ở nền văn hóa đại đồng mai sau cũng không phải lo tính cách dân tộc sẽ là một trở lực cho sự giao hòa giữa mọi nền văn hóa qua các biên giới. Trái lại, nền văn hóa đại đồng sẽ chỉ thực hiện được mỹ mãn khi nào mỗi nền văn hóa riêng biệt đã phát triển đến tận lượng trên địa hạt dân tộc, không bỏ sót một kho tàng, báu vật nào.
 
Với ba tính chất khoa học, đại chúng và dân tộc, nền văn hóa Việt Nam mới sẽ có đủ tư cách phụng sự độc lập, tự do và hạnh phúc mà các chiến sĩ cứu quốc đang xây đắp dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Đồng thời đời sống sung túc, nền tự chủ hoàn toàn và những quyền tự do được đảm bảo trong chế độ tân dân chủ lại chính là những điều kiện thiết yếu để tiến hành việc kiến thiết nền văn hóa mới kia một cách nhanh chóng, rộng rãi, và đến nơi đến chốn.
 
Vì vậy chúng tôi mới dám đề nghị một dự án đại cương dưới đây, mà chúng tôi tin là không trái với nguyện vọng quốc dân, và sẽ giúp được một phần vào việc nghiên cứu của những ủy ban chuyên môn sau này.
 
B. Phương sách cấp bách
 
Cũng như ở tất cả mọi phạm vi khác, việc kiến thiết trong phạm vi văn hóa phải bắt đầu bằng sự phá hoại: văn hóa mới muốn phát triển, cần đến một miếng đất quang quẻ, không mang một dấu vết cổ hủ, nô dịch nào. Vì vậy công việc đầu tiên là phải làm thủ tiêu cho kỳ hết những nọc độc của bọn phong kiến và bọn thực dân.
 
Một mặt chính phủ sẽ cương quyết đàn áp bọn văn hóa phản quốc, tịch thu và quốc hữu hóa những cơ quan văn hóa của đế quốc và của Việt gian.
 
Một mặt sẽ mở một cuộc tuyên truyền lớn lao, vạch rõ các tai hại của những chính sách văn hóa phong kiến thoái hóa và đế quốc dã man, cùng là cổ động cho chính sách văn hóa mới của chính phủ Việt Nam độc lập.
 
Một mặt nữa, trong phạm vi có thể, chính phủ sẽ bài trừ ngay những phong tục, tập quán nào trực tiếp cản trở những công cuộc cấp bách trong việc xây dựng quốc gia.
 
Những việc phá hoại cương quyết đó tất nhiên sẽ làm cho một số người không bằng lòng, nhất là những kẻ nô lệ của chế độ cũ. Họ sẽ lên tiếng chỉ trích: “Ấy đấy, bọn cách mạng, bọn phá hoại”. Nhưng việc làm sẽ cải chính lời dèm pha đó một cách rực rỡ, vì phần kiến thiết trên mặt trận cách mạng văn hóa sẽ quan trọng hơn phần phá hoại gấp bội, cũng như trên tất cả các mặt trận khác của cách mạng. Không! Cách mạng không phải chỉ là phá hoại. Cách mạng còn là kiến thiết, cách mạng cốt yếu ở kiến thiết, và kiến thiết những công trình vĩ đại không thể thấy được dưới những chế độ phản tiến bộ.
 
Kiến thiết văn hóa mới, cũng như kiến thiết chính trị hay kinh tế, là cả một mặt trận, chứ không phải chỉ là dăm ba cách khuyến khích học thuật, nâng đỡ văn chương hay nghệ thuật chút đỉnh như trong quan niệm của những người đã quen coi văn hóa là một thứ cây cảnh trồng trong chậu sứ, làm của riêng cho một vài kẻ tốt số thỉnh thoảng đến ngắm chơi. Không nói đến những việc kiến thiết kinh tế, chính trị, là những việc căn bản cung phụng cho văn hóa đủ điều kiện vật chất để phát triển, ta chỉ đứng trong phạm vi tinh thần cũng thấy rằng muốn cho văn hóa nảy nở tốt tươi, cần phải cải tạo hẳn tâm trí của mọi người trong xã hội. Làm cho nhân dân no ấm, tự do, ấy là sửa soạn miếng đất để trồng cây văn hóa; còn thay đổi những giá trị đạo đức, nâng cao ý thức toàn dân, ấy là đem ánh sáng, đem không khí đến cho cây văn hóa mọc và lớn lên.
Bởi vậy chương trình kiến thiết văn hóa mới không những phải định rõ việc xây đắp một học thuật Việt Nam, mà còn phải là một chương trình cải tạo luân lý, phong tục và giáo dục nhân dân nữa.
 
 

Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU ĐANG và NGUYỄN ĐÌNH THI

Nguồn tin: Một nền văn hoá mới, bản in lần thứ 2/1945 do Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam ấn hành

Các Bài viết khác