NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT CUỘC CHIẾN NHIỀU CÁCH NHÌN

( 18-12-2016 - 04:36 PM ) - Lượt xem: 792

Người xưa dạy: “Dân vi quý – Xã tắc thứ chi – Quân vi khinh”. Xã tắc chỉ là nơi lập đền tế hoàng thiên hậu thổ. Mất dân thì xã tắc không còn. Vua tôi lại thành thân dê chó trong cái hận vong quốc nô nhục nhã!

Cuộckháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân takết thúc thắng lợi trải một thời gian không ngắn mà cũng không dài. Tính tròn là 40 mươi năm, nhưng thực sự im tiếng súng chỉ chừng một nửa! Đến nay sự “bình” gọi là đã có nhưng sự “hòa” chưa thể yên. Hội nhập thế giới thì mừng nhưng xem chừng quá chông chênh. Tự do có sự cởi mở, người ta cảm thấy dễ thở hơn nhưng từ dó nảy ra nhiều mối lo bởi những hiện tưởng “xé rào” trong khi pháp luật quá nhiều chỗ trống! Mỗi con người, mỗi gia đình có thì giờ giành nhiều tâm sức lo cho “cái riêng” nhưng “cái chung” thì phó mặc cho “cha”. Ông cha cũng chỉ là một con người nhỏ bé đang chóng mặt quay cuồng trong mớ hỗn độn của cái chung ấy! Với các phương tiện truyền thông hiện đại, lại trong xu thế “viết thả sức”, “nói mặc lòng” làm cho một bộ phận không nhỏ dân lành hoang mang ngơ ngác không biết làm sao để nhận chân sự thật? Đặc biệt cái nhìn về sự thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại vừa qua ngày càng có những tiếng nói lạc điệu khác “tông” ồn ào cất lên từ nhiều phía. Điểm qua vài cuốn sách, mấy lời tuyên ngôn của vài nhân vật đầu trò để bạn đọc cùng suy nghĩ.

Cuốn sách tựa đề CHÂN TRẦN CHÍ THÉP (BARE FEET, IRON WILL) của James G. Zumwalt xuất bản ở Mỹ tháng 4/2011, sau đó được chuyển dịch sang Việt ngữ, được lưu hành rộng rãi và người đọc đón nhận với lòng thiện cảm. Xuất thân từ một dòng tộc có truyền thống binh nghiệp, ba cha con ông đều có thời gian trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Thân phụ ông là Đô đốc Elmo R. Zumvalt, Jr. – từng là tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam. Anh ông là sỹ quan chỉ huy một giang thuyền chiến đấu và ông là sỹ quan Thủy quân lục chiến. Chính Đô đốc Zumwalt là người khởi lệnh dùng thuốc “diệt cỏ màu da cam” để phát quang cây cối từ vùng rừng núi tới vùng duyên hải và ven các sông rạch là địa bàn hiểm yếu của chiến tranh du kích. Kết quả là số thương vong của Hải quân Mỹ giảm hơn năm lần mỗi tháng nhưng bởi hành động ấy mà binh lính dưới quyền ông “trở về nhà với những quả bom hóa học nổ chậm trong người”. Và tai họa trực tiếp giáng xuống chính đời ông: Đứa con trai – Đại úy Elmo R. Zumvalt III, người anh của James, cũng bị nhiễm chất độc dioxin có trong thuốc diệt cỏ và chết ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư hạch bạch huyết trước sự dày vò ân hận của ông! Chẳng những thế, đứa con trai của anh ta cũng bị mang bệnh Down dị tật! Vợ anh thừa nhận rằng vì sợ còn mầm bệnh di truyền mà không dám sinh thêm con nữa! Tuy nhiên với James, dù cuộc chiến đã kết thúc nhưng suốt nhiều năm sau đó ông vẫn mang nặng những định kiến hận thù sâu xa với đối phương. Cho đến năm 1994, khi cùng cha qua Việt Nam, trong đầu ông vẫn “luôn có một niềm tin xác quyết rằng trong chiến tranh Việt Nam lực lượng phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa”! Những phút đầu tiếp xúc với những người từng là thù địch, trong ông “cơn giận giữ không ngừng dâng lên và nghĩ rằng lẽ ra họ không được đứng trước mặt tôi với tư cách là người chiến thắng –  bởi đó chỉ là số phận, định mệnh chống lại chúng tôi mà thôi”. Nhưng chỉ qua mấy lần gặp gỡ, nỗi giận giữ của ông, suy nghĩ của ông đã thay đổi nhanh chóng và “chợt thấy mình đã bắt đầu nhìn về cuộc chiến tranh với một nhận thức hoàn toàn mới”. Ông cảm thấy mỗi lần tiếp xúc với họ ông lại phát hiện ra điều mới lạ. Cuộc tìm hiểu kiên trì gần 20 năm, ông qua lại Việt Nam hơn 50 lần, tiếp xúc với gần 200 nhân chứng là du kích địa phương, bộ đội chủ lực, từ sỹ quan chỉ huy chiến thuật đến các tướng lĩnh tầm cao chiến lược, thường dân là nạn nhân chiến cuộc… Cái nhìn về cuộc kháng chiến của người Việt Nam, về con người Việt Nam với ông đã hoàn toàn thay đổi. Dù biết rằng “cuốn sách này không dễ viết” bởi không dễ thuyết phục một bộ phận không nhỏ sỹ quan binh lính đồng đội và những người đồng hương của ông do họ khó chấp nhận một thất bại cay đắng duy nhất đầu tiên trong lịch sử của một cường quốc đầy tự hào về sự giàu có và sức mạnh. Nhưng với sự làm việc khoa học, nghiêm túc và trung thực, với lòng nhân ái trong sự thức tỉnh dù có muộn màng, ông mong muốn cuốn sách như một sự hóa giải những sai lầm của cha con ông, đồng đội của họ và của chính giới Mỹ thành tiếng nói hòa giải để chính quyền Mỹ và những người Mỹ thiện tâm có những việc làm thiết thực hơn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Tiếng nói của ông không phải là sớm, cũng không phải là lạc lõng trong khi ở Mỹ ngày càng có những lời phê phán nghiêm khắc nặng nề cất lên từ nhiều phía về cuộc chiến tranh phi lý phi nhân đó. Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Mc. Namara – bộ óc điện tử của nước Mỹ, một trong số người hoạch định cuộc chiến tranh đó, viết: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ. Chúng ta mắc nợ các thế hệ tương lai câu giải thích tại sao lại sai lầm như vậy… Đến khi người lính Mỹ cuối cúng rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, chúng ta đã mất 58.315 người cả nam lẫn nữ, nền kinh tế chúng ta bị tàn phá bởi những chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến tranh trong nhiều năm liền, và sự thống nhất chính trị của xã hội chúng ta bị tan nát vài thập kỷ sau vẫn không khôi phục được”! Tướng bốn sao Westmoreland – Tổng chỉ huy hơn một triệu rưỡi liên quân Đồng minh chủ yếu là Mỹ-Việt binh hùng tướng mạnh bẽ bàng thốt lên lời cay đắng: “Trong cuộc chiến tranh này chúng ta không có những anh hùng, chỉ có những kẻ ngu xuẩn! Tôi là một trong những kẻ ngu xuẩn đó”! Phải chăng vì từng trải, vì nỗi đau bi kịch nghiệt ngã của gia đình mà Đô đốc Zumvalt dễ nhìn ra sai lầm và ông là một trong số ít tướng lĩnh Mỹ hàng đầu sớm ủng hộ sự bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và có những việc làm thiết thực hỗ trợ những người Việt Nam là nạn nhân của chất độc dioxin có trong thuốc diệt cỏ màu da cam?

Thực ra, với những người Việt Nam kháng chiến từng có mặt trong cuộc đối đầu lâu dài, gian khổ, khốc liệt ấy thì những sự kiện mà James Zumvalt phát hiện ra không có gì lạ và không thể nào đầy đủ được. Bởi đây là cuộc chiến vệ quốc trường kỳ, “toàn dân, toàn diện”, bất kỳ đâu cũng là chiến trường, vật gì cũng thành vũ khí và mọi người già trẻ gái trai đều là chiến sỹ.

Trong các sự kiện tác giả nêu ra chỉ có một điều chưa đúng với sự thực về nguyên do vào cuối tháng 12 năm 1972, người Mỹ dùng máy bay B52 ném bom suốt 12 ngày đêm hủy diệt thủ đô Hà Nội. Tất nhiên tác giả dựa vào tư liệu của “Lầu Năm góc” cho rằng đối phương xảo trá, chỉ muốn lợi dụng đàm phán để chiến sự dây dưa kéo dài thời gian quân Mỹ rút hết ra khỏi miền Nam, nên cần phải ra đòn cứng rắn. Sự thật là việc quân Mỹ sớm rút đi là điều chính phủ kháng chiến Việt Nam luôn mong muốn, và khi đó hiệp định đã được hai bên ký tắt. Chính Kisinger tuyên bố “hòa bình đã nằm trong tầm tay” nhưng chính quyền Sài Gòn phản ứng quyết liệt buộc người Mỹ phải ra cú đòn cuối cùng dù biết rằng sẽ càng thất nhân tâm, hòng ép đối phương chịu hủy bỏ những điều khoản bất lợi cho Sài Gòn một khi người Mỹ không còn có mặt ở đây! Nhưng mọi sự đã qua rồi dù hàng ngàn người Việt Nam lẽ ra được hân hoan đón nhận hòa bình thay vì phải chết thảm thương! Tuy nhiên việc làm của tác giả thật đáng trân trọng bởi ông là một sỹ quan, một nhà báo nhiệt tâm đã gạt bỏ được những mặc cảm hận thù mang nặng trong lòng, cất lên tiếng nói trung thực như sự đồng cảm với những người từng là đối địch, nhằm hóa giải những mối bất đồng để hai dân tộc xích lại gần nhau trong mối quan hệ hòa bình hữu nghị, quả là một sự dũng cảm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lời nói chân tình của người bại trận khi đã ngộ ra chỉ càng làm cho ta cảm phục và thấy cần phải suy nghĩ về mình: “Một vài ý kiến tại Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994 tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi”. Dựa vào những chứng cứ và chứng nhân, tác giả tóm gọn trong lời nhận xét như sau: “Ở Mỹ, những người lính tham gia Thế chiến thứ II trong hoàn cảnh nguy nan trước sự tồn vong của tổ quốc và nhân dân, họ đã được coi là “Thế hệ vĩ đại nhất”, và sai lầm lớn nhất của chúng ta (người Mỹ) tại Việt Nam là đã không nhận ra được rằng chúng ta đang chiến đấu với “Thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này”! 

Chiến tranh không phải là ý muốn của một ai, càng không phải là ý muốn của người dân. Tuy nhiên có người bị dụ cầm súng và có người buộc phải cầm súng. Nhưng sau cuộc chiến người lính cả hai bên đều suy ngẫm việc mình làm. Thời gian càng lâu càng có sự bình tâm suy xét trước sau đặng nhìn càng rõ. Trong từng cuộc chiến, việc thành bại chưa hẳn bởi lẽ chính tà, sự được thua chưa hẳn tùy thuộc vào bên mạnh yếu. Quên đi nỗi đau, xóa bỏ hận thù, bước qua mặc cảm nhìn thẳng vào sự thật tìm mối giao hòa “để sai lầm trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam không bao giờ xảy ra với các thế hệ người Mỹ trong tương lai” không là việc dễ với cả kẻ thắng lẫn người thua. Để vượt qua một nhược điểm của bản tính con người là coi nỗi đau của bản thân luôn lớn hơn nỗi đau của người khác càng rất cần những tấm lòng chân thiện đặng hiểu rõ về mình, nhìn đúng về người, phải trái có phân minh thì mới nói đến chuyện nghĩa tình trong một nền hòa bình bền vững với lòng nhân ái. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược là sự khuất phục của kẻ mạnh với người yếu và diễn tiến thật khó lường. Sự bại trận của một bên có khi là dấu chấm hết cho sự tồn tại của một dân tộc hay một quốc gia. Trái lại sự thất trận của một bên mới chỉ là chấm dứt một ý đồ trước mắt song những mưu toan thâm trầm cương nhu đủ kiểu vẫn làm cho đối phương điêu đứng và nếu họ không thức thời cảnh tỉnh để tự vượt qua thì thắng lợi trong quá khứ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì!   

Khi người lính Mỹ cầm bút viết: “Lịch sử cho thấy chúng ta phạm nhiều sai lầm trong chính sách về Việt Nam” và nói với người của họ rằng: “Bất chấp khác biệt về văn hóa và chính trị, chúng ta đáng phải nhìn nhận nỗi đau khổ của họ (người dân Việt Nam), đáng phải khâm phục quyết tâm của họ” thì bạn đọc có suy nghĩ gì khi xem một vài nhà văn của chúng ta viết về đồng đội và nhân dân mình một thời như thế?!

Trùng dịp này có một hãng buôn Nhật giỏi làm tiếp thị đã trao “giải thưởng văn học” (!) cho cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” (xuất bản 1991), thổi nó lên vào loại “tinh hoa của văn học thế giới”! Ông nhà văn tâm sự: “Chiến tranh hoàn toàn phi lý nhưng có lẽ nỗi buồn chiến tranh lớn nhất chúng ta nhận thấy sau cuộc chiến đó chính là giữa ta và kẻ thù giống nhau tới nhường nào”! Xem ra nó giống thứ triết lý sinh ra từ một cuộc chiến tranh trước đó chưa xa: “Chiến tranh tàn phá chúng ta về mọi mặt! Và rồi chiến tranh sẽ được quên lãng. Thế hệ lớn lên sau chúng tôi sẽ xa lạ với chúng tôi và gạt bỏ chúng tôi. Chúng tôi là những kẻ thừa ngay cả với chính mình” (Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh)! Người viết lại nhớ câu ca dao học từ thuở nhỏ: “Lẳng lơ chết cũng ra ma – Chính chuyên chết cũng mang ra ngoài đồng” mà ở trường thầy giảng, về nhà mẹ dạy đều không quên nhắc tới hai cái “bia đá” và “bia miệng”, khác với ngoài đời người ta chỉ nói buông lơi!Thật sự là những người chết chẳng thể sống lại cũng như cái gì mất đi không biết đòi ai. Mọi sự tôn vinh chỉ để thỏa lòng người sống. Dù sao những việc “đền ơn đáp nghĩa” cả xã hội đang làm đâu phải là vô nghĩa. Trong khi “Hội chứng Việt Nam” vẫn là nỗi đau không chỉ với những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến mà còn hệ lụy tới mấy thế hệ sau dù là nước Mỹ quá giàu!

Chuyện qua đi mấy chục năm rồi, nỗi buồn về cách nhìn thiên lệch đối với tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta như nhà giáo lão thành Trần Thanh Đạm đã nói giống như “sự sám hối của những người anh hùng đã lỡ gây nên một sự nghiệp anh hùng” tưởng đã nguôi đi, giờ lại nhói lên trong lòng nhà giáo: “Kẻ phi nghĩa sám hối mà cả người anh hùng cũng sám hối. Thế là huề! Thế là thiện ác đảo điên, chính tà lẫn lộn, vinh nhục bất phân”! Và ông day dứt: “Đó là một tin vui từ một nỗi buồn và một nỗi buồn từ một tin vui cho những người viết văn và đọc văn ở Việt Nam hiện nay”! Hiển hiện trước ta là sự thật mà người lính Mỹ ghi trên giấy trắng mực đen: “Thật không may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến chống cộng sản” và lời khẳng định: “Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa với nước Mỹ. Họ đơn giản chỉ muốn chúng ta trở về nhà”!

Cùng vào thời điểm ấy, cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” cũng được giải thưởng cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nổi lên sự bất bình trong công luận. Để nói lên sự phức tạp của xã hội thời hậu chiến tác động trực tiếp tới người lính sau những năm tháng nhọc nhằn hiểm nguy thoát chết trở về sống vất vưởng bên lề xã hội, trong tâm trạng bức xúc, nhà văn miêu tả người lính chiến đấu để giải phóng quê hương mình không khác một tên đầu gấu hung hãn, tàn bạo, khát máu, dung tục, giả dối và những điều tốt xấu anh làm đều vô thức. Đồng thời nếu không là sự phản bội cũng là ác ý với đồng bào đồng đội đã yêu thương, đùm bọc và cùng anh chiến đấu đến ngày anh được đeo lên cổ một quá khứ đầy tự hào và mong dựa vào đó mà ăn mày vào cái dĩ vãng tồi tệ của một người lính hư hỏng và bạt mạng! Chẳng thế mà anh ta đã “vất cha nó quá khứ vào đống rác bên đường mặc cho ruồi nhặng kéo đến làm tình đẻ dòi đẻ bọ chơi”! Xem ra thì viên Trung úy Calley chỉ huy vụ thảm sát Mỹ Lai còn dễ tha thứ hơn viên Chuẩn úy Hai Hùng. Bởi lẽ kẻ kia dù có giết những người già, đàn bà, con trẻ nhưng là người của đối phương; trong khi kẻ nọ thì ra lệnh chôn sống người đồng đội của mình với lời giải thích lạnh lùng: “Một vết thương như thế, sự cứu chữa chỉ làm cho nó trầm trọng thêm và sẽ gây một ấn tượng khiếp hãi không lường được cho tất cả mọi người mà chết vẫn hoàn chết”!

Một ông làm thơ nhà binh được mời qua thăm Mỹ quốc, trong phút xuất thần ông ta buột khẩu ra: “Suốt cuộc chiến tranh (với Mỹ), tôi (nhà thơ) chỉ bắn có ba lần và toàn bắn chỉ thiên”! Không biết trong khẩu khí ấy có mùi rượu mạnh? Hoặc để tỏ ra lòng người thơ đậm chất nhân văn? Hay là để bắt họ với người sang? Hơn bốn mươi năm trước, người lính Mỹ đến Việt Nam, họ đã nhằm thẳng chúng ta mà bắn vì nghĩa vụ người lính GI (liên bang) của họ. Họ đã nhằm tất cả chúng ta mà hủy diệt để phô trương sức mạnh Hoa Kỳ. Vậy mà có một người lính Việt Nam nhắm mắt mà bắn lên trời! Người chiến sỹ quân giải phóng Việt Nam nào cũng vậy thì làm sao có ngày người thơ ấy được ngồi chung với họ để bàn chuyện văn chương?

Trong khi người lính Mỹ nhận ra sự thật: “Sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra được rằng chúng ta đang chiến đấu với “Thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này!”, thì một nhà văn nổi tiếng của nền văn chương hiện đại Việt Nam không ngần ngại xổ toẹt chút liêm sỉ còn lại của mình: “Thế hệ chúng tôi nôn mửa vào cuộc chiến ấy!”. Hàng triệu chiến sỹ đang nằm trong hàng nghìn những nghĩa trang liệt sỹ hoặc trong xó rừng góc ruộng trên mọi miền đất nước có thể nào yên được?! Cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” (Phía Tây không có gì lạ) của tác gỉa người Đức E.M.Remarque thường bị nhét vào ba lô hành quân của người lính dù ở bên này hay bên nọ như là một điều mới trong văn học hậu chiến của chúng ta! Người ta nói đó là tác phẩm hay nhất viết về đề tài chiến tranh. Câu chuyện kể về những người lính Đức phần đông ở độ tuổi đôi mươi, đủ các thành phần xã hội, đặc biệt là lớp học sinh được gọi là lứa “Thanh niên Sắt” trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914–1918). Bối cảnh là cuộc chiến giằng co căng thẳng trên mặt trận Tây Âu giữa quân Đức với liên quân Pháp-Anh-Mỹ. Đối diện trước cái chết tàn bạo hàng ngày, người lính cả hai bên đều bế tắc không giải thích được nguyên nhân của cuộc chiến này từ đâu: “Tôi thấy các dân tộc thù giết nhau như thế nào và lẳng lặng, dốt nát, ngu xuẩn, ngoan ngoãn, ngây thơ giết chóc nhau ra sao. Tôi thấy các đầu óc thông minh nhất thế giới chỉ chế biến ra các vũ khí cùng các lời nói làm cho chiến tranh thêm tinh xảo và thêm dằng dai”! Bởi cả hai bên đều nhằm mục đích tước đoạt của nhau. Trái hẳn với cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta nhằm giành lại những cái của mình đã mất. Cụ Hồ – linh hồn cuộc kháng chiến, nói với các nhà báo lúc mở đầu cuộc chiến chống Pháp: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Khi phải giữ chủ quyền của tổ quốc , cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh”. Và hơn 20 năm sau đó, khi cuộc chiến chống Mỹ ở lúc gay go nhất, vẫn nhất quán một lời: “Chúng tôi không muốn là người chiến thắng. Chúng tôi không muốn là anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn điều duy nhất là họ (quân xâm lược) cút ngay khỏi đây thôi”!

Trớ trêu thay, con một nhà cách mạng vào lớp tiền bối, trong khi nhiều người đồng lứa xếp bút nghiên lên đường chiến đấu thì Chu Hảo được ưu ái mọi sự học hành, rồi lại được giao chức trọng quyền cao, mà khi hết thời thì trở thành “bất hảo”, đã quay lưng lại với sự nghiệp của cha mình, của thế hệ mình. Là cái loa của nhóm trí thức đang đấu tranh đòi tự do dân chủ, ông ta đưa ra luận điệu: “Sau 50 năm rất ít người có lương tri, hiểu biết và nghiêm túc ở cả hai phía, dám tự nhận là mình có thể trả lời một cách rõ ràng và đầy đủ các câu hỏi: Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”? “ Xâm lược”? hay “Giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc (người dân, người lính đến các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo quốc gia) đến đâu? Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ thì cái thất bại nhất mà nhân dân cả hai phía đều gánh chịu phải chăng là nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh: nó quằn quại và không rứt ra được”! Ở Việt Nam, đa phần từ người bình dân đến người có học đều hiểu rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) là tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó (1945-1954), mà thực chất là cuộc trường chinh chống xâm lược của dân tộc ta kể từ 1858, khi quân viễn chinh Pháp nổ phát súng tấn công Đà Nẵng. Lúc đó người dân Việt Nam đâu đã biết chủ nghĩa cộng sản là gì? Hết phong trào chống Pháp ở Nam kỳ lan ra tới triều đình Huế, phong trào Cần vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, phong trào Bãi sậy, phong trào Đề Thám, phong trào Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, phong trào Cộng sản là một quá trình liên tục chống ngoại bang xâm lược đòi thống nhất đất nước và độc lập, tự do. Tất nhiên, theo đà phát triển của thế giới và trong nước, mỗi thời kỳ có một sắc thái khác nhau. Tuy nhiên nỗi đau của mỗi dân tộc một khác. Người Pháp, người Mỹ đau vì trong lịch sử chưa bao giờ họ thua một nước nhỏ yếu như vậy. Với người Việt, để bảo toàn lãnh thổ và giữ gìn nền độc lập tự chủ mà dân tộc ta đã không chỉ một lần phải chấp nhận nỗi đau như thế!

Bạn đọc nghĩ sao khi người ta níu vào thứ triết lý hư vô: “Không có cuộc chiến tranh nào là chiến thắng với những bà mẹ mất con”, có nghĩa chiến tranh chỉ là tàn bạo, chỉ có những người bị giết và không có kẻ nào thủ ác?! Một bà mẹ khi nghe tin đứa con trai út hy sinh, bà tìm lên căn cứ báo cho anh Hai nó là chiến sỹ tình báo Nguyễn Văn Tào (Anh hùng lực lượng vũ trang Tư Cang). Bà nói rành rọt gọn gàng từng câu không để một giọt nước mắt chảy ra: “Bị khui hầm, nó chống trả tới lúc hết đạn. Chết vậy mà tao chịu chớ đầu hàng thì nhục lắm!”. Không bà mẹ nào muốn đẩy con vào chỗ chết. Nhưng mất nước là nỗi nhục lớn nhất một dân tộc! Nô lệ hay là chết? Đấy là lẽ sống truyền đời của người Việt mà vì thế hôm nay vẫn còn một nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hòa bình đã bao năm nhưng nhiều bà mẹ không biết con mình đang gửi xương cốt ở đâu. Một đoàn những phụ nữ Mỹ đi tìm hài cốt chồng con chết ổ Việt Nam gặp những bà mẹ Việt Nam cũng chưa tìm được tung tích chồng con, được nghe những nỗi tâm tư: “Dù đêm ngày chúng tôi vẫn mong đưa được hài cốt người thân yêu về vối quê hương và dù sao thì chúng tôi vẫn có niềm tin chắc chắn là những người thân yêu đang nằm trong lòng đất mẹ và trước sau gì rồi chúng tôi cũng sẽ gặp nhau”! Những bà mẹ này có khác những bà mẹ đi biểu tình đòi trả xác con về? Cái chết của những người con ấy có khác gì nhau? Chủ nghĩa nhân đạo nào cảm thông như nhau với những bà mẹ ấy? Cầu mong sự yên bình sẽ đến với tất cả mọi người và sẽ tới lúc người ta phải suy nghĩ về một sự khoan dung âm thầm thánh thiện từ đâu? Phải chăng đó là tính nhân văn cao cả của “chân trần chí thép Việt Nam”!

Cái chết của hàng triệu người bên này, của hàng trăm ngàn người bên nọ và của hàng chục ngàn người ở nơi xa kia nữa nguyên khởi từ đâu? Làm sao có thể lẫn lộn giữa cuộc chiến tranh xâm lược với cuộc nội chiến nồi da xáo thịt. Kể từ khi lập quốc, lịch sử dân tộc ta chỉ có một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vào thời Trịnh–Nguyễn. Đó là những trang sử đau thương đẫm máu người Việt không thể nào quên. Nếu làm cuộc truy tầm gia phả sẽ không có vùng quê nào, không có dòng tộc nào là không có đổ máu phơi xương suốt gần ba thế kỷ. Dân tộc ta từng phải chống chọi với nhiều thế lực xâm lược Nam, Bắc, Đông, Tây. Kẻ xâm lược nào cũng trương lên đủ mọi thứ chiêu bài để lợi dụng máu của người bản xứ phục vụ cho sự chiếm đoạt, hà hiếp, diệt trừ, áp đặt  ách thống trị của chúng. Những đội quân tay sai, đánh thuê hình thành và theo nhau thảm bại cùng với chủ. Xét cho cùng, không ai dễ nói hay. Những người Việt lâm vào tình huống không thể đặng đừng phần đông đều do những nghịch cảnh trớ trêu. Lịch sử nhìn họ như những nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược. Trong khi người lính viễn chinh kia thừa nhận: “Khi chiến trường phủ lên toàn bộ một đất nước như trong chiến tranh Việt Nam thì toàn bộ nhân dân của đất nước này đều là nạn nhân” thì lại có một ông lớn giả nhân giả nghĩa nói giọng mị dân: “Ngày 30 tháng Tư, có hàng triệu người sung sướng thì cũng có hàng triệu người đau khổ”. Không! Đất nước thống nhất là niềm vui chung của những người Việt Nam chân chính. Tổ quốc hòa bình là ước mơ hằng khao khát từ bao đời đã đến từng mỗi gia đình Việt Nam không phân biệt một ai. Còn nỗi đau là của cả dân tộc dù người ở bên này hay ở bên kia. Mỗi nỗi đau một khác nhưng bằng tình yêu thương đùm bọc của tình nghĩa đồng bào, được sống trong cảnh đất nước an bình, được hướng tới một tương lai ổn định, mọi nỗi đau dần sẽ dịu đi trong tình thương chia sẻ.

Khi điều đúng sai không được minh định rõ ràng chỉ đưa lại những hậu quả ngày càng u ám nặng nề. Trải khoảng cách thời gian những sáu trăm năm mà xem ra tướng lĩnh và sỹ tốt của đội nghĩa quân Lam sơn “thừa thiên hành đạo” trong cuốn sách “Hội thề” được giải văn chương lớn chẳng khác chi mấy anh cán bộ chiến sỹ Quân giải phóng kiểu Hai Hùng cùng đám lính sống trong một vạt rừng nhỏ bên sông Sài Gòn ở đất Bình Dương suốt mười năm chỉ biết việc chém giết với làm tình! Suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ, ông Nguyên Ngọc xứng đáng là một nhà văn dũng sỹ. Ngòi bút của ông phát huy uy lực hơn nhiều khẩu súng. Thế mà trong bối cảnh thời hậu chiến rối ren phức tạp, đen trắng mù mờ, ông đã dùng những trang viết của mình làm lá chắn che tội cho lũ người phản bội và cơ hội, kể cả những tên phạm tội diệt chủng sát hại đồng đội, bà con cô bác anh chị em con cháu của ông! Phải chăng lịch sử đang bị làm hoen và những con người hy sinh vì nghĩa cả đang bị bôi đen!

Những tác phẩm văn học nhìn lịch sử dân tộc tối đen như thế, nhìn lớp cha anh lem luốc như thế đã làm gia tăng quá trình biến tướng xã hội ta trước lớp trẻ hôm nay, đang sinh ra một lớp người không tin ai, không yêu ai, mơ hồ về tương lai và chỉ biết sống qua ngày! Cái họa ngoại xâm đang rập rình nơi biên giậu không chỉ là mối lo, mà là nguy cơ mất còn của Tổ quốc. Các thế hệ hiện hữu từng chịu đựng, chứng kiến và thoát khỏi sự tàn khốc của chiến tranh sẽ không thể lại bị chiến tranh hủy diệt! Nguy cơ chính yếu sẽ bung ra từ những mâu thuẫn nội tại như những ung nhọt trong ta không được sớm loại trừ.

Người xưa dạy: “Dân vi quý – Xã tắc thứ chi – Quân vi khinh”. Xã tắc chỉ là nơi lập đền tế hoàng thiên hậu thổ. Mất dân thì xã tắc không còn. Vua tôi lại thành thân dê chó trong cái hận vong quốc nô nhục nhã!

Lòng yêu nước truyền thống của dân tộc ta không phải là nỗi bất bình bột phát ra thành sức mạnh điên cuồng mù quáng mà có nguồn cội từ truyền thống văn hóa sản sinh ra nó, nuôi dưỡng nó, phát huy nó thành sức mạnh vô biên “dũng mà nhân, nhân mà trí” mới có thể dựng lên ngọn cờ “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Lấy trí nhân thay cường bạo” trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hòa hợp và hòa giải nhằm mục tiêu “muôn nhà hòa thuận, đầy sân quế hòe” đặng mọi người được sống trong một đất nước hòa bình, ổn định, văn minh, phồn thịnh, trường tồn. Tầm vóc người Việt mình là vậy và cũng chỉ mong có vậy chớ đâu cần phải làm cho thiên hạ “thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa” như một quan chức cấp cao nói bốc đồng lên. 

Đã đến lúc nhà nước cần nghiêm túc đánh giá đúng hiệu quả của công cuộc trồng người. Đó không phải là việc riêng của ngành giáo dục, mà là việc hệ trọng của toàn xã hội đến mỗi gia đình. Đồng thời những người cầm bút tâm huyết có trách nhiệm, bằng sự hiểu biết và luôn tỉnh thức trong mọi tình huống, với lòng nhân ái cùng trái tim nồng cháy yêu thương sẽ làm được những điều tiền nhân ta từng hy sinh phấn đấu và luôn mong mỏi: “Xã tắc từ đây bền vững / Giang sơn từ đây đổi mới / Càn khôn bỉ mà lại thái / Nhật nguyệt hối mà lại minh / Muôn thuở nền thái bình vững chắc” như lời bố cáo sau khi đã bình Ngô!

 NGUYỄN VĂN THỊNH

                     Nguồn:  Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh

                         Số 432, Thứ năm ngày 15 tháng 12 năm 2016

Các Bài viết khác