NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

KÝ ỨC MẬU THÂN

( 10-02-2018 - 04:24 PM ) - Lượt xem: 660

Không ai ngờ nhưng chiến tranh đã tràn vào Thành phố sáng mùng hai Tết trong sự hoảng loạn vì tiếng súng nổ vọng vang đến khu cư xá, tiếng pháo kích và tin tức cập nhật quân giải phóng đã xâm nhập Thành phố

Năm đó hồi tưởng lại tuổi tôi vừa chín trăng tròn,  thanh xuân tươi mới với nhiều ước vọng, ngày ngày cắp sách đến trường trong sự che chở nuôi nấng của cha mẹ dù cảnh nghèo thiếu trước hụt sau của cha mẹ tôi. Khung cảnh ngày xưa êm ả, dân thị thành thưa thớt, ít khói bụi xe cộ, chiến tranh ở đâu xa không thấy hiển hiện ở thành phố Sài Gòn dù tôi cũng biết nhiều ít những vụ xuống đường của sinh viên – học sinh và những vụ tự thiêu, biểu tình của tôn giáo không đâu xa ngay ngã tư Phú Nhuận gần nhà tôi. Dĩ nhiên là tôi sợ khung cảnh đó và thầm nghĩ đừng dính vào những vụ việc liên quan đến chính trị và thực tế không ai lôi kéo được tôi mà phải chuyên chú lo việc học vì ba má tôi rất cực khổ lo đóng tiền học phí hàng tháng cho chị em tôi học trường tư thục. Ngôi trường tôi đang theo học có khá nhiều học sinh đi vào chiến khu hoặc hoạt động nội thành và cũng có nhiều người bị phát giác hoạt động và tù tội; chiến thắng 30.4 họ trở thành những người có công với cách mạng, cuộc đời họ giờ đây thực sự huy hoàng và nhờ thế gia đình dòng họ được đứng đẳng cấp cao hơn chúng tôi – những con em dính líu đến chế độ gọi là ngụy quân – ngụy quyền bị phân biệt đối xử vì chủ nghĩa lý lịch nhiều oan trái đã xô đẩy nhiều gia đình vào bước đường cùng, phải ngoay ngoắt đứng dậy để sinh tồn trong buổi giao thời sau chiến thắng giải phóng mà trước đó nhiều người nghĩ khó xảy đến.

Sáng mồng một Tết Mậu Thân, gia đình tôi và những người cùng khu cư xá vẫn bình thản đón Tết với dầy đủ bánh mứt, dưa thịt. Trước đó là những ngày cận Tết,  chị em tôi theo má đi chợ Tết, nói chi đến niềm vui háo hức của gia đình đi sắm tết qua những gian hàng Tết đầy ắp hàng hóa kéo dài từ chợ Phú Nhuận đến gần rạp hát Văn Cầm cũ, nay là góc đường Huỳnh Văn Bánh. Qua ngày hôm sau lúc gần 29-30 âm lịch ba tôi lại đem về hai con gà mái - trống nhốt ở góc bếp chờ làm thịt nấu cháo đón ông bà, gần sáng tiếng gà gáy đánh thức cả nhà thức dậy. Đêm giao thừa má tôi giữ phần cúng đón giao thừa với dừa-đủ-xoài theo phong tục trong khi ngoài trời là tiếng pháo và khói rộn ràng giòn tan, tiếng súng nổ xa xa nghe cũng gần nhưng không sợ vì chiến tranh không thể nào sát cạnh ta vì quân đội và chính quyền đã phòng thủ rất chắc chắn

Không ai ngờ nhưng chiến tranh đã tràn vào Thành phố sáng mùng hai Tết trong sự hoảng loạn vì tiếng súng nổ vọng vang đến khu  cư xá, tiếng pháo kích và tin tức  cập nhật quân giải phóng đã xâm nhập Thành phố, đang cố chiếm để làm chủ những vị trí xung yếu của Sài Gòn như Bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Đài Phát thanh…Nơi gia đình tôi ở sát sân bay, gần vùng trũng miếu Nổi cây cối rậm rạp ăn thông qua Quận I là nơi ẩn nấp của cách mạng nằm vùng sẵn sàng tấn công, tin đồn đốt cư xá là gia đình cảnh sát đã khiến gia đình tôi lo sợ càng lo sợ nên ba tôi dã quyết dịnh di tản gia đình sang một hướng khác là nhà người bà con ở trục đường chính Quận Phú Nhuận để lánh nạn rồi tính sau… Thế là toàn bộ gia đình tôi lếch thếch kéo nhau đi lánh nạn trong tiếng súng, tiếng pháo kích đạn lạc có thể rơi bất cứ ai trên đường đi. Báo chí ngày đó đã đưa tin tổn thất sinh mạng của dân thường và binh lính cùng sự phản công quyết liệt của quân đội Sài Gòn và Hoa Kỳ cuồi cùng đã đẩy lui sự tiến chiếm tiêu diệt miền Nam của quân giải phóng và bộ đội chính quy miền Bắc. Ngày đó trong ký ức của tôi chỉ thấy người dân trốn chạy chiến tranh chứ không thấy ai xách động người dân nổi dậy cướp chính quyền, trừ những vùng nông thôn gió chiều nào theo chiều đó người dân phải sống theo hai chế độ quốc gia và vùng giải phóng, dân thành thị khó bị tuyên truyền lôi kéo và một số sinh viên học sinh đã được rỉ tai hoạt động xuống đường biểu tình chống chính quyền và bị trấn áp.

Đọc cuốn “Nước chảy dưới chân cầu” của tiến sĩ Lê Vinh Quốc đoạn viết về trận Mậu Thân 1968 , tôi lại càng thấy một sự thật phơi bày với con số cụ thể về tổn thất của hai bên khi giao tranh trong trận Tết Mậu Thân của quân đội cách mạng và chính quy cùng quân đội quốc gia và Hoa Kỳ để thấy rằng người Mỹ đã thấy mệt mỏi về cuộc chiến “không có đường ra mà chỉ có con đường thua” và sự phản đối chiến tranh của người dân Mỹ đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris 1973 với phần thua rõ về phía Hoa Kỳ và sự ấm ức của VNCH khi phải đặt bút ký tên kết thúc chiến tranh và chấm dứt sự can thiệp của người Mỹ tại Nam Việt Nam. Kết cục đau buồn đó là người Mỹ phải cuốn cờ, rút binh lính Mỹ khỏi  miền Nam và chiến tranh vẫn tiếp tục ác liệt hơn sau ngày ký kết 27.1.

Sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân thất bại và im ắng, hòa bình đang le lói nhưng không ngày nào im tiếng súng,  sau thời gian đó ba tôi tiếp tục đến nhiệm sở, tôi trở lại trường và giảng đường Đại học với những mùa xuân tuy không còn tuổi hồn nhiên như trước nhưng vẫn  có  xuân xanh trên mái tóc với hoài bão cho tương lai khi tốt nghiệp Đại học rồi bổng dưng bị cắt ngang  đến một thời kỳ  lận đận của tuổi đôi mươi khi lịch sử đã sang trang . Ngày đó tôi thầm ước mùa xuân có bao giờ trở lại như tuổi hoa niên êm đềm của thời quá vãng xa xưa và tôi tin rằng  những người đã từng sống như tôi ký ức khó phai nhòa theo năm tháng.

PHƯƠNG DUNG

Các Bài viết khác