NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HƯƠNG VỊ TẾT KHÁC

( 13-02-2021 - 01:07 AM ) - Lượt xem: 896

Ai cũng thích tết. Tết sum họp, đầm ấm, hạnh phúc, tết giao hòa thân ái với con người và thiên nhiên. Nhưng tôi đã trải nghiệm những tết khác có thể góp vào câu chuyện trong chén rượu ngày xuân.

Hồi ở chiến trường K, tôi có tham gia hai chiến dịch lớn K82 và K85. Các chiến dịch đều triển khai vào mùa khô và thường là trước tết kéo quân đi và sau tết là đánh, chạm đến mùa mưa là rút về. Việc ăn tết được tính là một bữa nặng đũa có nhiều thịt hơn hàng ngày, cấm rượu bia. Các đơn vị luân phiên ăn tết trước và sau ngày mồng một. K82 chúng tôi đóng quân ở Đầu trâu, một điểm cạnh suối mà bọn địch từng ở, có rất nhiều xương mỡ động vật và có cái đầu trâu rừng đóng lên thân cây. Cái đầu trâu này lập tức có tên trên bản đồ và trở thành một địa danh giống như Ba núi, Suối rùa v.v. Ban tác chiến chúng tôi ăn tết vào mồng ba. Mồng một mấy đứa xuống suối tìm kiếm bắt được vài con cua và hai con nhái cho vào chảo dầu bày lên ít ra cũng được tưởng nhớ đến rượu thịt ở nhà, rượu cũng có nhưng phải uống vụng. Vừa mới vui, nghe tiếng nổ đầu nòng từ xa vọng tới có tiếng la lên: Xuống hầm ngay! Tức khắc đạn pháo địch đã dội trên đầu. Tiếng thủ trưởng hét lên: Gọi ngay cho E36! và bắt đầu tiếng nổ đầu nòng đạn pháo ta bay đi cộng tiếng nổ đạn pháo địch tiếp đất  tạo thành bản giao hưởng choáng váng, kinh khủng, điếc tai, lần đầu mới được nghe pháo tết đã đến vậy. Mồng hai được an ủi khi các em vệ binh bắn được con gấu nhỏ và cũng lại uống rượu vụng, bảo nhau chỉ một hai chén thôi đấy!. K85 Tôi đã trở về đơn vị xe tăng. Đại đội được cấp một con heo to mập từ chiều 26  nhưng mãi 29 mới được ăn tết nên thả heo, thấy con heo ục ịch, chậm chạp và gần gũi lính ta nên cứ vô tư cho nó được tự do. Con heo ở một ngày rồi mất tích. Lính tráng ngẩn ngơ đi tìm nhưng không thấy, vả lại sao dám đi sâu vào rừng vì sợ mìn. Rồi một em lính nói với tôi: Anh ơi! Chắc bọn công binh nó thịt con heo mình rồi, đúng là con heo ấy. Tôi là chỉ huy thì cũng nên xác minh xem. Tôi sang bên C công binh xem sao. Anh C trưởng bên đó vừa chọc tiết con heo xong, cầm cái dao bầu đầy máu thấy tôi đến là uy hiếp ngay: Này! Heo của chúng tôi chúng tôi thịt nhá, từ sáng giờ bên xe tăng các ông đã nghi ngờ! Về xem lại đi nhá, con nào cũng to mập, con nào cũng xẻ tai nhá! Tôi lủi thủi ra về, lòng buồn rười rượi. Sáng 29 cả đơn vị reo ầm lên, con heo lững thững đi về nộp mạng. Rồi là lòng lợn tiết canh, hấp nướng nhưng tết chiến dịch thường là thiếu rau, thèm một đĩa sau sống tươi non và chút nữa rau thơm, thèm dưa hành củ kiệu. Gần đến giao thừa, một vài điểm chốt quanh Sở chỉ huy bắn đạn lửa lên trời, tưởng chúng chỉ làm vài loạt cho đỡ nhớ; Nhưng không, tiếng nổ cứ lục bục hoài và các dòng lửa tiếp tục chạy lên trời. Sốt ruột, tiếng hỏa lực bắt đầu ùng uỳnh, càng ngày sôi nổi hơn. Vài lính tăng cũng  chạy lên xe làm dăm quả pháo 100li, mọi sự mất kiểm soát. Sư đoàn gọi xuống báo động tập trung toàn thể các đơn vị. Tiếng súng pháo ngớt dần rồi tắt hẳn, thời gian của sự hứng khởi vô kỷ luật này khoảng ba mươi phút. Một cuộc đón giao thừa có lẽ tốn kém nhất trong lịch sử nước ta.

 Cởi áo lính ra tôi đi làm nghề nuôi ong, vị trí học việc nên tết đầu tiên tôi phải ở lại trông trại ong. Chủ trại  mua con gà nhép để lại cho hai thằng. Chiều ba mươi con gà được luộc lên chặt đôi mỗi thằng một nửa ăn là xong tết, mồng một lại cá khô. Trại nằm trong rừng cao su xa dân, vắng tanh vắng ngắt, buồn đến mềm nhão người. Sáng mồng hai tôi lang thang vô định đến một con suối. Bên kia suối là rẫy điều, rẫy cà phê. Một cái chòi rẫy có khói và tôi lội suối mò sang. Một người đàn ông, tóc dài, râu cằm tua tua tủa giống Rôbinson Crusoe nhưng cụt một chân nhìn tôi hơi ngạc nhiên. Biết tôi là dân nuôi ong, nhìn mặt cũng hơi tử tế nên anh lôi rượu ra uống. Mồi nhậu là khô bò và thịt kho. Anh kể anh là thương phế binh phía bên kia, sau giải phóng lên đây làm rẫy, một thời gian vợ anh đi buôn bán theo trai. Anh có thằng con đã lấy vợ ở luôn trong làng. Đây là nhà anh luôn và anh quen cuộc sống như này: Nước suối, rau vườn, gà nuôi, một phần thịt cá con tiếp tế, điện lưới không có, có cái bình để nghe đài, catxet. Tôi nói tôi cũng mười năm năm lính phía bên này mà giờ đang trắng tay. Anh nói: Ủa, kỳ dậy! Hai anh em uống hết chai rượu. Tôi uống ít hơn để còn đường về trông trại, còn anh say “quắc cần câu”.

Tôi có gia đình thì cắm đầu vào làm ăn. Sống ở miền Nam hàng chục năm mà chưa biết đến Đà lạt hay Nha trang và tôi nghĩ đến việc đi du lịch vào dịp tết, chỉ có dịp này vợ chồng con cái mới được nghỉ và đi cả nhà. Thế là gia đình tôi cứ hai bảy hai tám tết là lên đường, mồng hai về. Sướng là chẳng lo mua sắm tết gì. Mồng hai về sắm mâm cúng, xin các Cụ trên bàn thờ thứ lỗi con cháu ăn tết muộn, cũng coi là mâm tiễn Cụ luôn; Cũng may mà các Cụ nhà mình dễ tính cho qua mà vẫn phù hộ độ trì cho làm ăn phát triển.

Cuộc đời tôi đã trải qua tới vài chục cái tết. Khi còn thơ bé nhà nghèo luôn khao khát chợ tết, pháo tết, bánh chưng, thịt ăn thỏa mãn. Lớn lên, cảm thấy hương vị ngào ngạt tết, cảm thấy cả trời đất, thấy hồn dân tộc trong ngày tết. Nhưng rồi, đối với một con người, mọi sự không mãi là hằng số, nó có vẻ nhàm chán, cũ kỹ đi, cứ mỗi năm lại thế. Các món cũ, các lời chúc cũ dành cho nhau nhưng lại nghĩ, lời chúc cũng chỉ gió bay. Nhưng tết khác lại được nhớ lâu , nhớ mãi. Lúc mình hưởng tết khác thấy rằng mình thiệt thòi, nhưng giờ nghĩ lại rằng mình đã may mắn. May mắn khi từ đó nhận thức được rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận lợi xuôi chiều, gặp tình huống không mong muốn chưa hẳn là điều tồi tệ, cái may trong cái rủi cũng thường hiện hữu. Tôi vẫn cứ tìm thêm những tết khác. Ước một cái tết như K85 thì bất khả thi rồi! Năm nay đã thấy vài tay chơi rủ nhau  đi Fanxipăng để tìm kiếm tuyết rơi hay “lên non,” Bình phước để đánh chén một con “lợn rừng”nhà nuôi; Họ cũng đi tìm tết khác.

PHÙNG VĂN VINH

Các Bài viết khác