NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHÚNG CHỈ SỢ MỘT ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN BIỂN ĐÔNG

( 15-05-2014 - 08:10 PM ) - Lượt xem: 1575

Một lần nữa dân tộc ta lại phải đứng lên để bảo vệ vùng biển và lãnh thổ thiêng liêng của mình. Chúng ta tận dụng mọi khả năng để giải quyết vụ này bằng đường lối hòa bình; nhưng nếu bọn xâm lược hung hăng quyết dùng vũ lực, thì chúng ta cũng đủ tinh thần và lực lượng để đáp trả tương xứng. Một trận Điện Biên Phủ trên biển Đông sẽ diệt trừ tận gốc mọi mưu đồ bành trướng ở nơi đây để bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực theo công pháp quốc tế.

Đúng vào dịp Việt Nam đang long trọng kỷ niệm lần thứ 60 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014), Trung Quốc đã dùng một lực lượng gồm 80 tàu quân sự và tàu chấp pháp các loại  gây hấn với các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư nước ta để đưa chiếc giàn khoan khổng lồ “Hải Dương 981” vào đặt sâu trong thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó chính là một vụ xâm lấn chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ trắng trợn và nghiêm trọng nhất do Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam, kể từ sau vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (19-1-1974), cuộc chiến tranh biên giới (mùa xuân 1979) và vụ đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988). Để có giải pháp thích đáng cho vụ xâm lấn này, chúng ta cần hiểu rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

 

1. Bành trướng thế lực để làm bá chủ thiên hạ là tham vọng và bản chất cố hữu của giới cầm quyền Trung Quốc từ cổ đại đến ngày nay. Bước sang thế kỷ XXI, khi nước này vươn lên thành một nền kinh tế mới nổi lớn thứ hai thế giới, tham vọng đó lại trỗi dậy mãnh liệt. Vẽ ra một đường ranh giới chiếm trọn 80% diện tích biển Đông (được gọi theo hình dạng của nó là “đường Lưỡi Bò”), Trung Quốc xác định rằng đó là phạm vi chủ quyền của họ (!). Từ đó, mặc dù vẫn rêu rao về tình hữu nghị Việt-Trung theo tinh thần 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị-Hợp tác toàn diện- Ổn định lâu dài- Hướng đến tương lai”,họ tìm mọi cách gây hấn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác hòng trở thành bá chủ biển Đông. Do vậy, mặc dù đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) vào năm 2002, Trung Quốc không hề tôn trọng các văn kiện này, và luôn tránh né để trì hoãn việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), một văn kiện pháp lý đòi hỏi hành động hợp tác đa phương của các nước tham gia.

Trong năm 2011, Trung Quốc đã liên tiếp xâm nhập vùng biển, gây sự với Philippines và Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng là các vụ gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 và tàu Viking 2 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Trong năm 2012, Trung Quốc dùng hải quân để giành bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trắng trợn “mời thầu” khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, rồi ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm “Tây Sa”, “Nam Sa” (tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) và “Trung Sa” (với cả bãi cạn Scarborough trong đó).

 Đầu năm 2013, Trung Quốc cho hàng nghìn tàu cá tràn vào các vùng lãnh hải  Việt Nam và Philippines, đồng thời dùng các tàu “hải giám” của họ xua đuổi, vây bắt tàu cá Việt Nam, thậm chí dùng cả tàu chiến để bắn phá tàu cá của ngư dân nước ta.

Tháng 4-2013, chính phủ Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12”. Văn kiện này thực chất là một chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhắm tranh đoạt lãnh hải và chủ quyền biển đảo với 7 nước ASEAN trên biển Đông. Thực hiện “Quy hoạch” này, họ chiếu theo “đường Lưỡi Bò” để dựng mốc chủ quyền và tăng cường quản lý giao thông trên biển, đồng thời tiến hành khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác ở các quần đảo trên biển Đông mà họ tranh cướp được, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, vụ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là một hành động đã được chuẩn bị kỹ theo kế hoạch và lộ trình bành trướng sẵn có.

 

2. Tháng 6-2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký với Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình  bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. Văn kiện này khẳng định “Tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước”, do đó hai bên tiếp tục kiên trì phương châm “16 chữ vàng” với tinh thần “ láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”“không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược”.

 Tuy nhiên, chỉ nửa tháng sau khi văn kiện trên được ký kết, hai chiếc tàu cá số hiệu QNg-96787 TS và QNg-90153 TS của hai ngư dân Việt Nam ra khơi đánh cá ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc truy đuổi, khống chế, đập phá tan hoang, lấy tài sản, giam giữ một ngày đêm rồi đuổi chạy về đảo Lý Sơn.

Tháng 11-2013, Trung Quốc lại công bố “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” ở biển Hoa Đông, bao trùm cả các lãnh thổ mà họ đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Một ADIZ nữa cũng đang được họ chuẩn bị dành cho biển Đông nhằm cắt giảm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Như vậy, để đạt mục tiêu bành trướng, Trung Quốc không từ một thủ đoạn tàn bạo, phi pháp hoặc đê hèn nào, kể cả việc chà đạp lên những văn kiện do chính mình đã ký, bỏ ngoài tai mọi sự phản kháng của dư luận hay tuyên bố chính thức từ phía Việt Nam cũng như từ cộng đồng quốc tế. Tất cả những thủ thuật ngoại giao để bày tỏ “thiện chí” hữu nghị hay đàm phán hòa bình của Bắc Kinh chỉ là những trò lừa bịp nhằm ru ngủ đối phương, để rồi đánh những đòn bất ngờ nhằm đạt mục tiêu bành trướng. Giáo sư Bá Dương, một trí thức danh tiếng của Trung Quốc đã phải đau đớn nhận xét về  nước mình rằng:“Trung Quốc diện tích rộng thế, văn hóa lâu đời thế, đường đường là một nước lớn. Thế mà, thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật nhỏ mọn và hẹp hòi”.

 

 3. Việc đưa giàn khoan HD 981 vào đặt tại thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một mưu đồ chính trị vô cùng thâm hiểm. Dùng giàn khoan này để cắm “mốc chủ quyền” của họ ngay trong vùng biển nước ta (tương tự như “Cột đồng Mã Viện” thời cổ đại đánh dấu lãnh thổ nhà Hán trên đất Giao Chỉ của người Việt), Trung Quốc đồng thời khiêu khích để thăm dò phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Nếu chỉ gặp phản ứng yếu ớt thì mưu đồ của họ sẽ thành công, vùng biển Việt Nam sẽ biến thành của họ, từ đó kế hoạch bành trướng đội lốt “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12” sẽ mau chóng hoàn thành để nuốt trọn biển Đông theo “đường Lưỡi Bò” đã vạch sẵn.

 Nhận rõ mưu đồ ghê gớm đó, Việt Nam phải có giải pháp thích đáng để bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền của Tổ Quốc. Tin tưởng ở sức mạnh chính nghĩa của mình, các lực lượng bảo vệ an ninh và quốc phòng nước ta quyết không lùi bước trước mọi áp lực của quân xâm lược. Dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, chúng ta đấu tranh quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, đưa vụ việc ra tòa án để buộc bọn xâm lược phải khuất phục trước sức mạnh của công pháp quốc tế. Đồng thời, phát huy truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, chúng ta phải học lại cách Ngô Quyền nhấn chìm quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt tiêu diệt quân Tống, Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi đánh tan quân Minh và Hoàng đế Quang Trung quét sạch quân Thanh để bảo vệ chủ quyền dân tộc.

 Trong thời điểm nghiêm trọng này, những bài học nóng hổi từ 3 cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX cũng cần được ôn lại để đối phó với nguy cơ xâm lược mới.

 Để tránh chiến tranh với thực dân Pháp, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhượng bộ đối phương đến mức tối đa, chấp nhận địa vị của một “quốc gia tự do nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp”. Vậy mà quân xâm lược vẫn không cho ta địa vị ấy, quyết dồn ta đến chân tường, buộc ta phải vùng lên. Kết quả là quân và dân ta đã giáng cho thực dân Pháp một đòn chí tử ở Điện Biên Phủ, quét sạch chúng ra khỏi đất nước mình.

 Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ dẫn đến bản Hiệp định Paris, phía Mỹ vẫn chưa chịu ký vì còn tin rằng có thể giáng một đòn quyết định buộc đối phương phải quỳ gối đầu hàng. Đòn quyết định đã diễn ra trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, nhưng lại được mệnh danh là trận “Điện Biên Phủ trên không”, vì kẻ bị đánh bại không phải là Việt Nam mà chính  là không lực Hoa Kỳ. Do đó nước Mỹ phải ký Hiệp Định để rút khỏi Việt Nam.

 Với lòng tha thiết yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn biết kiềm chế để tránh xung đột với nước láng giềng to lớn ở phía Bắc. Nhưng khi Trung Quốc đã quyết dùng chiến tranh để “dạy cho Việt Nam một bài học”, thì bài học đã được dạy cho những kẻ gây chiến trong mùa xuân 1979, để đưa quan hệ Việt-Trung trở lại bình thường với “16 chữ vàng”. Giờ đây, bài học đó đã bị lãng quên, nên bọn bành trướng lại một lần nữa thách thức chủ quyền độc lập của Việt Nam. Một lần nữa dân tộc ta lại phải đứng lên để bảo vệ vùng biển và lãnh thổ thiêng liêng của mình. Chúng ta tận dụng mọi khả năng để giải quyết vụ này bằng đường lối hòa bình; nhưng nếu bọn xâm lược hung hăng quyết dùng vũ lực, thì chúng ta cũng đủ tinh thần và lực lượng để đáp trả tương xứng. Một trận Điện Biên Phủ trên biển Đông sẽ diệt trừ tận gốc mọi mưu đồ bành trướng ở nơi đây để bảo vệ hòa bình và  an ninh khu vực theo công pháp quốc tế.

 

                                                                           PGS. Lê Vinh Quốc

                                (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch Sử-Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh)

Các Bài viết khác