NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CẢM NGHĨ VỀ KHOA LỊCH SỬ ĐHSP Tp. HCM SAU 40 NĂM PHÁT TRIỂN

( 18-10-2016 - 06:57 AM ) - Lượt xem: 1140

(Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa, ngày 16-10-2016 của TS Lê Vinh Quốc, nguyên phó Hiệu trưởng, trưởng khoa sử của trường)

Kính thưa các Thầy-Cô, các bạn đồng nghiệp cùng các em sinh viên yêu quý!

 Tôi cảm thấy mình rất vinh dự khi được mời phát biểu tại ngày Lễ trọng thể Kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Bằng tất cả tấm lòng trân trọng đối với sự nghiệp vẻ vang của thầy trò các thế hệ Khoa ta, tôi xin được gửi gắm mấy lời tâm sự.

1. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vui mừng nhận thấy Khoa ta ngày nay đã đổi mới rất nhiều so với thuở hàn vi của 4 thập kỷ trước đây. Thuở ấy, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của Khoa chỉ là chiếc điện thoại bàn cổ lỗ, chiếc quạt trần cũ kỹ quay không ngừng nghỉ và chiếc máy đánh chữ cơ học mổ cò kêu lách tách. Không ai có thể tưởng tượng, chứ chưa nói là ước mơ, đến một phòng họp sang trọng có máy điều hòa không khí, có máy tính điện tử kết nối thông tin với toàn thế giới, và các phương tiện nghe nhìn tinh vi lắp đặt ở khắp mọi nơi. Khi ấy hầu hết những người đứng trên bục giảng được gọi chung là Cán bộ Giảng dạy (với các “đẳng cấp” phân chia theo lứa tuổi: cán bộ trẻ, cán bộ “sồn sồn”, cán bộ già); chỉ có Chủ nhiệm Khoa Lê Văn Sáu mới được “phong” Phó Giáo sư với hai giáo chức “tại chỗ” có học vị là Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng và Thạc sĩ Nguyễn Hòa Lạc. Ngày nay, đội ngũ giáo chức Khoa ta đã trở nên hùng hậu với một loạt Tiến sĩ và Thạc sĩ, trong đó có những người xứng đáng là đầu đàn trên toàn quốc về chuyên môn nghiệp vụ, có thể sánh ngang với các đồng nghiệp nước ngoài. Dĩ nhiên, những nhà khoa học như vậy đã đóng góp công lao không nhỏ cho việc đào tạo các thế hệ giáo viên lịch sử kế tiếp sự nghiệp của mình một cách xứng đáng. Chúng ta cũng đã có những sinh viên xuất sắc đưa khoa học giáo dục hiện đại về áp dụng tại các trường THPT, giúp các thầy cô ở trường sở tại đổi mới việc dạy học theo khoa học tiên tiến.

 Thay mặt các thầy cô thuộc các thế hệ trước, tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các thế hệ nối tiếp theo mình; và xin nhiệt liệt chúc mừng các thành tựu to lớn mà các bạn đã đạt được.

2. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Khoa ta cũng không tránh khỏi những mảng tối ẩn chứa dưới bức tranh tươi sáng. Nếu chia quá trình phát triển của Khoa làm 2 thời kỳ, từ thập kỷ 90 trở về trước và từ đó cho đến nay, ta có một câu hỏi: chất lượng đào tạo giữa hai thời kỳ có gì khác nhau? Vì mỗi thời có hoàn cảnh và điều kiện riêng của nó, nên trả lời câu hỏi này không phải dễ. Song, với cảm quan của người trong cuộc, tôi nhận thấy rằng: thời trước, trong hoàn cảnh dạy học rất nhiều khó khăn, nhưng chất lượng đào tạo vẫn được đảm bảo; còn thời nay, mặc dù điều kiện dạy học thuận lợi hơn trước nhiều, nhưng dường như chất lượng đó lại có phần giảm sút. Tại cuộc hội thảo mới nhất của Khoa về Xây dựng Chương trình đào tạo (tháng 8-2016), lần đầu tiên tôi được nghe một giáo viên phổ thông có uy tín (là cựu sinh viên thời trước của Khoa) nhận xét chất lượng đào tạo  của các sinh viên mới tốt nghiệp Khoa ta được bổ nhiệm về trường THPT tại Tp. Hồ Chí Minh là rất kém; thậm chí thua các sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sài Gòn. Rất có thể số sinh viên này chưa đủ để đại diện cho mặt bằng chất lượng chung của Khoa; nhưng đó vẫn là một bằng chứng rõ ràng buộc ta phải xem xét lại thực trạng công tác đào tạo của mình.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng như vậy. Nhưng suy cho cùng, đó là vấn đề  “dạy học thật hay dạy học giả”. Sự suy thoái về đạo đức và nhân cách con người trong ngành giáo dục, thể hiện qua tệ nạn hối lộ để chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy điểm… đã tạo nên những kẻ “học giả-bằng thật” chỉ lo kiếm chác thật nhiều bằng cách bán điểm trong quá trình dạy giả và học giả. Tiếc rằng Trường ta và cả Khoa ta hiện nay cũng không thoát khỏi sự bủa vây của những kẻ này; nên chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng không ít.

Cũng may là Khoa vẫn còn một đội ngũ đông đảo các nhà giáo chân chính tài giỏi quyết đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực để giữ vững chất lượng đào tạo. Tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh các bạn đồng nghiệp của Khoa đã kiên cường thực hiện đúng sứ mệnh giáo dục của nhà giáo và của người trí thức cao thượng.

3. Đúng như Giáo sư Trần Văn Giàu, người thầy tôn kính của tất cả chúng ta đã khẳng định: “Trong các môn khoa học, nhất là khoa học nhân văn, khoa học Lịch sử là quan trọng nhất, có tác dụng nhất trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội, xây dựng đất nước nói chung. Không có môn khoa học nào hơn khoa học Lịch sử về tác dụng đó.” (Bài phát biểu tại Trường ĐHSP Tp. HCM ngày 7-6-2003). Vì thế, tất cả chúng ta đều có quyền tự hào với sứ mênh cao quý của những nhà giáo giảng dạy lịch sử; đồng thời cũng cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

 Trên thực tế, chúng ta chưa thể yên tâm với chất lượng dạy học lịch sử trong nhà trường phổ thông hiên nay. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chất lượng bộ môn trở nên bất cập. Việc xác định sai mục tiêu và vị trí-vai trò bộ môn trong chương trình giáo dục phổ thông đã biến lịch sử từ một môn cơ bản-trọng yếu (tương đương với Việt văn và Toán) thành một “môn phụ” ít được học sinh quan tâm. Từ đó sẽ dẫn đến những sự bất cập khác về nội dung và phương pháp dạy học lịch sử. Những sai lầm và bất cập đó phải được khắc phục trong quá trình đổi mới dạy học bộ môn trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Trách nhiệm của công cuộc đổi mới này trước hết thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, với tư cách là cơ sở đào tạo các chuyên gia giáo dục lịch sử, Khoa ta cũng phải tham gia một cách tích cực và chủ động vào quá trình đổi mới dạy học bộ môn.

Với những phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo chức hiện có của mình, tôi tin rằng Khoa ta sẽ đóng góp được rất nhiều cho công cuộc đổi mới dạy học lịch sử. Chúng ta sẽ xây dựng thành công một chương trình đào tạo mới của Khoa, trong đó mới cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Trên cơ sở nhận thức lịch sử là một bộ môn khoa học đích thực, chứ không phải là một công cụ minh họa chính trị giản đơn, Khoa ta sẽ biên soạn được một bộ giáo trình lịch sử mới, trong đó phản ánh một cách trung thực khách quan tiến trình phát triển của các sự kiện, bao gồm cả những trang vẻ vang và những trang bi thảm của dân tộc và của nhân loại.

Phát huy quyền tự do tư tưởng của người trí thức, chúng ta chú trọng loại hình dạy học lấy người học làm trung tâm để phát triển tư duy độc lập, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo của học sinh.

 Với một chương trình đào tạo mới như vậy, tôi tin chắc rằng sự nghiệp đào tạo của Khoa Lịch sử Trường ĐHSP Tp. HCM sẽ được nâng lên một tầm cao mới, đáp ứng thiết thực cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Kính chúc quý thầy cô, các bạn đồng nghiệp cùng các em sinh viên yêu quý luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công về mọi mặt.

TS. LÊ VINH QUỐC(Nguyên P. Hiệu trưởng trường ĐHSPTp.HCM)

Các Bài viết khác