NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BẠCH THÁI BƯỞI – NGƯỜI TIÊN PHONG “VƯƠN RA BIỂN LỚN”

( 21-06-2014 - 06:22 AM ) - Lượt xem: 1603

Đầu thế kỉ 20, tình hình chính trị ở Việt Nam đã có vẻ ổn định, các phong trào văn thân xẹp dần. Đã bớt choáng ngợp trước nền văn minh kĩ trị phương Tây, các nhà Nho tiến bộ trong phong trào Duy tân đưa ra Văn minh tân học sách như một cương lĩnh hoạt động làm “quốc phú dân cường”. Làn sóng “cáo quan đi buôn”, quyết chí làm giàu lan rộng khắp nước. Trong cuộc chấn hưng công nghệ, các hiệp hội buôn bán - sản xuất với sự góp vốn của các nhà Nho ra đời: Quảng Lập Ích, Hồng Tân Hưng, Đông Thành Xương, Đồng Lợi Tế (Hà Nội), Triệu Thương Quán (Vinh), Quảng Nam Hiệp thương Công ty, Phượng Lân Công ty (Quảng Nam), Liên Thành Công ty (Phan Thiết), Nam Đồng Hương (Sài Gòn), Minh Tân Công nghệ xã (Cần Thơ)... Tầng lớp doanh nhân đầu tiên trong lịch sử dân tộc xuất hiện. Trong bối cảnh chung đó, Bạch Thái Bưởi là một gương mặt tiêu biểu cho sự thành đạt cao nhất, cũng là bi kịch rõ nét nhất của doanh nhân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

Bạch Thái Bưởi quê làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Đông (cũ), sinh đúng vào năm Pháp hạ thành Hà Nội. Cậu bé vốn họ Đỗ, con một nông dân nghèo không ruộng đất. Chồng mất sớm, để nuôi hai đứa con trai, người vợ sắm đôi quang gánh đi bán hàng xén rong, ngày ngày len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm. Bưởi đi theo quẩy gánh hàng cho mẹ. Hàng thường lấy ở tiệm chạp phô(1) của chú Pải trên phố huyện. Chú Pải là người Phúc Kiến, chẳng ai biết lai lịch thế nào. (Gọi là “chú” là để chỉ người từ bên Tàu sang buôn bán vặt.) Chú Pải sống độc thân, người hom hem, tuổi đã xế chiều. Có vẻ người có học, vì trong nhà có nhiều quyển sách chữ Nho cũ kĩ chú mang ra đọc mỗi tối. Thấy Bưởi mặt mũi sáng sủa, thông minh, lại hay ra chiều suy nghĩ, chú rất quý rất thương, nên hay bán chịu cho hai mẹ con, bao giờ có tiền trả cũng được. Một hôm, chú hỏi ngày sinh tháng đẻ của Bưởi rồi mang giấy ra viết những chữ Nho kiểu như lấy tử vi. Buổi chiều, khi hai mẹ con Bưởi gánh hàng về thanh toán, chú bảo:

- Tôi xem thấy cháu có quý tướng, hậu vận sáng láng không biết thế nào mà lường. Bà để cậu Bưởi ở lại đây với tôi, tôi nuôi cho ăn học.

   Bà mẹ cảm động. Bưởi cũng bùi ngùi. Nhưng nghe nói được đi học thì thích lắm. Chú Pải còn hứa cấp vốn cho mẹ Bưởi mở một quán nước ở đầu làng. Hàng ngày, trên đường đi học, cậu vẫn có thể thăm mẹ, thăm em. Thấy ông quá tốt lại chỉ có một mình, mẹ con Bưởi xin ông nhận Bưởi làm nghĩa tử (con nuôi). Ông bằng lòng, thắp hương làm lễ và cải tên cho cậu. Cái tên Bạch Thái Bưởi có từ ngày đó. Chẳng là, “Pải” là tiếng địa phương vùng Quảng Đông, đọc theo âm Hán Việt là “Bạch”.

   Được cắp sách đến trường, Bưởi học rất chăm, như cướp lấy thời gian. Về nhà, cậu giúp bố nuôi làm những việc lặt vặt, được ông dạy bảo từng li từng tí. Hóa ra ông là một nhà buôn phá sản, vỡ nợ, không trả nổi. Sợ bị tù, nên phải bỏ gia đình, bỏ quê hương trốn đi tha hương, đã mấy chục năm mà không dám về nước. Thảo nào trông ông luôn rầu rĩ. Qua những câu chuyện về cuộc đời lưu lạc của mình, ông dạy cho cậu cách gây dựng một cơ sở kinh doanh, cách nắm bắt cơ hội, cách tạo ra uy tín và cách “lách luật” để thực hiện ý đồ của mình. Đặc biệt, ông dạy cậu nghề kế toán. Nhưng quý nhất là các bài học về sự thất bại rút ra từ chính cuộc đời ông…

   Học xong bậc thành chung (tương đương với cấp hai ngày nay), Bưởi chẳng muốn học lên nữa, chỉ thích làm giàu. Lúc này anh đã trở thành một chàng trai đàng hoàng, giỏi tiếng Pháp, thạo nghề sổ sách do bố nuôi truyền cho. Anh xin vào một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền và được tuyển làm thư kí cho giám đốc. Ông giám đốc rất quí Bưởi, vì tính chu đáo, nắm bắt việc nhanh, đi đâu cũng cho anh đi theo để sắp xếp giấy tờ, phụ giúp công việc. Vốn thông minh, anh kí Bưởi nhanh chóng học được cách tổ chức, quản lí sản xuất - kinh doanh và các thủ tục giao tiếp trên thương trường.

Chuyến đi mở rộng tầm mắt

Năm 1895, một dịp may hiếm có đã đến với kí Bưởi: qua sự giới thiệu của ông giám đốc, anh được Phủ Thống sứ Bắc kì chọn làm người giới thiệu sản phẩm gian hàng của Đông Dương tại hội chợ Bordeaux (Pháp). Chuyến đi đã làm chuyển hướng cuộc đời chàng thanh niên 21 tuổi. Anh được tận mắt chứng kiến cảnh quan một đô thị hiện đại, đúng như lời thơ của quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp đi cùng đoàn: “Gác tía, lầu cao nối tiếp liền, Chiều tà xe ngựa rộn huyên thiên, Bỗng ngờ sao rụng trên trời xuống, Đèn sáng, trời không biết có đêm”. Được mở rộng tầm mắt, hiểu biết về văn minh phương Tây, anh đã tận dụng cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu vì sao họ đạt được những điều “kì diệu” ấy, và làm sao để mình cũng tiến bộ được như họ. Có khi anh mải suy nghĩ hay ghi chép đến quên cả trả lời khách tham quan. Nhiều dự định chen nhau, tranh cãi nhau trong đầu óc chàng trai trẻ. Tổng hợp lại là một quyết tâm: Tìm mọi cơ hội “nhảy” vào thương trường, và đã quyết thì làm cho bằng được.

Bước đầu lập nghiệp

   Về nước, Bưởi xin vào làm cho một hãng thầu công chính đang tham gia xây dựng cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên, gọi theo tên của viên Toàn quyền Đông Dương). Anh có điều kiện học hỏi về cách vận hành máy móc, tổ chức nhân công và quản lí sản xuất theo mô hình Pháp ở một xí nghiệp lớn.

   Năm 1902, chiếc cầu dài hơn 3.000 mét bắc qua sông Hồng được hoàn thành. Pháp tiếp tục xây dựng mạng lưới hỏa xa phục vụ việc đi lại và chuyên chở. Đường ray không thể thiếu tà vẹt gỗ. Mấy năm làm việc, Bạch Thái Bưởi đã ki cóp tích lũy được ít vốn. Ông bỏ việc ở hãng, đứng ra nhận một gói thầu cung cấp những thanh tà vẹt làm đường tàu Nam Bắc. Ông lặn lội đi khảo sát khắp các khu rừng từ Nghệ An đến biên giới phía bắc suốt mấy tháng trời.

Cách nay hơn một thế kỉ, rừng nhiều và phong phú gấp bội so với bây giờ. Tìm được khu rừng lim, thuận tiện giao thông, ông điều đình với địa phương mua lại. Rồi về làng mình, ông thuyết phục đám thanh niên nghèo theo ông lập lâm trường khai thác gỗ, xẻ ra thành những thanh tà vẹt chở đến công trường, nơi đang đặt đường ray. Chỉ vài năm, Bạch Thái Bưởi thu được một tài sản khá lớn.

   Không để đồng tiền nằm yên, ông lại vét vốn đi buôn ngô để xuất khẩu sang Pháp. Ông ứng trước vốn cho nông dân, sau thu bằng sản phẩm. Không may, năm ấy thời tiết không thuận. Cả một vùng ngô rộng lớn không cho thu hoạch. Tay trắng lại hoàn trắng tay. Bạch Thái Bưởi suy nghĩ đến bạc đầu để tìm một nghề mới, gì cũng được, ở đâu cũng được, miễn là mình phải có cách làm khác người để cạnh tranh trong việc làm ăn. Sự mạo hiểm đưa Bạch Thái Bưởi đến với dịch vụ cầm đồ ở Nam Định. Xưa nay, cầm đồ là lĩnh vực mà người Tàu độc quyền thao túng. Để cạnh tranh với họ, ông phải đem tất cả tài tổ chức, kinh nghiệm ra đối phó. Nhân viên ông tuyển toàn người Việt, ăn nói, cư xử nhã nhặn, tiền lời lấy phải chăng, cho nên dù bị nhà cầm quyền làm khó dễ đủ điều, các “đồng nghiệp” người Hoa o ép, tranh cướp khách hàng…, nhưng “nhà cầm đồ ông Bưởi” vẫn ngày một đông. Ưu thế của ông là luôn giữ chữ tín, nhất là không bao giờ thấy người ta cần tiền gấp mà bắt chẹt.

   Thấy mình đang vận đỏ, ông đứng ra nhận thêm việc thầu thuế các chợ từ thị trấn Vinh kéo đến Thanh Hóa, Nam Định trong suốt các năm từ 1906 đến 1913. Với cách tổ chức và dùng người tốt, ông không phải quá bận tâm vào những việc đang làm mà dành thì giờ để quan sát, rình rập thời cơ và vạch ra những kế hoạch to lớn hơn. Ông quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh sinh tử với những người nước ngoài trong một lĩnh vực chưa người Việt nào mơ ước đặt chân tới: vận tải thủy.

Cuộc cạnh tranh không tiền khoáng hậu

   Năm l909, Bạch Thái Bưởi bất ngờ nhượng lại việc thầu thuế chợ đang ngon ăn để dồn vốn liếng vào ngành kinh doanh mới. Đầu tiên, ông đứng ra thuê lại ba chiếc tàu của một người Pháp là R. Marty vừa hết hạn hợp đồng với nhà nước. Ông đổi tên các tàu sang tên Việt là Phi Long, Phi Phượng và Bái Tử Long. Tàu của ông chạy hai tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An).

   Vào nghề sông nước, ông phải đương đầu với các đối thủ người Pháp và người Hoa đang nắm giữ ngành vận tải này, có thế lực mạnh, trường vốn, lại giàu kinh nghiệm hơn nhiều lần. Giới Hoa thương lúc đầu rất ngạc nhiên khi thấy một người Việt dám lao vào vùng “cấm địa” của họ. Lúc đầu, họ rất coi thường ông, tưởng sẽ dễ dàng bóp chết. Thế nhưng, chẳng bao lâu họ nhận ra mình đã gặp một địch thủ rất đàng hoàng, làm ăn bài bản, lấn sân họ một cách quyết liệt. Họ hốt hoảng liên kết với mấy hãng người Pháp khác để đối phó với “tay phá bĩnh”.

   Dân chúng hồi đó đã chứng kiến một cuộc cạnh tranh gay gắt và thấy rõ được cái cảnh “thương trường là chiến trường”. Ông Bưởi khơi mào cuộc chiến bằng cách hạ giá vé tàu để thu hút khách. Họ (tạm gọi là liên minh Tây - Tàu) cũng hạ theo, mà lại hạ nhiều hơn. Cứ thế hai bên rượt đuổi nhau về giá vé mà cứ vài ngày lại một lần thay đổi. Hễ ông hạ một giá, họ hạ hai; ông hạ ba, họ hạ bốn. Ông có trà tàu cho khách uống thì họ đãi khách bánh ngọt. Vé từ Nam Định lên Hà Nội lúc đầu là 40 xu, thì vào cuối cuộc rượt đuổi chỉ còn có 5 xu. Đâm lao phải theo lao. Ông Bưởi đánh tiếng bạc cuối cùng: 3 xu! Đương nhiên là lỗ và lỗ rất nặng nề, càng hoạt động bao nhiêu càng lỗ bấy nhiêu. Hãy xem: mỗi con tàu, hàng tháng ông phải thuê mất 2.000 đồng, tiền dầu nhớt, công xá cho tài công... hàng nghìn đồng nữa, trong khi tổng số tiền thu được trong mỗi chuyến chỉ là 20 đồng.

   Cả hai bên đều kiệt sức. Bạch Thái Bưởi dồn tâm sức nghĩ cách làm thế nào để hành khách tẩy chay không bước chân lên tàu họ nữa, dù giá vé có hạ thế nào, thậm chí đi không mất vé! Và ông đã tung ra chiêu quyết định mà đối phương không thể có: đó là tinh thần tự cường dân tộc mà người Việt ai cũng có. Là người dân mất nước, trong lòng mỗi người đều bất bình trước sự xâm lấn kinh tế của ngoại bang. Để khơi gợi tinh thần đó, Bạch Thái Bưởi đổi tên những chiếc tàu của mình thành những cái tên gợi nhớ đến cội nguồn, lịch sử hào hùng của dân tộc, như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… Ông lập những đoàn diễn thuyết trên các bến tàu, nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, sự lấn át của người nước ngoài, cổ vũ tinh thần “chấn hưng công nghiệp” làm giàu cho đất nước. Tất cả để đi đến kết luận: Người Việt chỉ nên đi tàu Việt. Bạch Thái Bưởi còn chú ý đến cả những chi tiết nhỏ để tranh thủ sự hài lòng của khách hàng. Chẳng hạn, người Việt có thành ngữ “trải chiếu hoa để đón”, nói lên sự trọng vọng với khách, ông Bưởi mua chiếu hoa cạp điều trải lên sàn tàu để đón tiếp những người chân lấm tay bùn ngồi “vé hạng bét”. Ông còn treo một cái ống hoặc chiếc hộp trên tàu để “nhà từ thiện vô danh” nào thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì tùy tâm, bỏ tiền vào đó để giúp cho chủ tàu đỡ lỗ, đủ sức cạnh tranh với “kẻ ngoại bang”. Kết quả thật mĩ mãn: hành khách chẳng ai còn đến với tàu Hoa, tàu Tây mà chỉ đi tàu Việt.

   Báo chí thời đó thuật lại: “Phong trào lan rộng ra cả nước và giới sản xuất, kinh doanh cũng “ăn theo” biến thành phong trào “người Việt chỉ dùng hàng Việt”. Đặc biệt ở các thành phố tập trung đông Hoa kiều ở Bắc Kì như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định..., người ta mua hàng trong nước sản xuất, dù chất lượng có kém đôi chút. Tại Hà Nội, trong thời kì này, những phố Hàng Buồm, Hàng Ngang là nơi Khách trú buôn bán nhiều, nhưng cửa hàng của họ vắng tanh. Người ta còn bảo nhau không nên đến ăn ở các hàng cao lâu Khách nên phố xá vắng hẳn đi, các tiệm ăn Tàu vốn đông đúc là thế mà buổi tối phải đóng cửa. Thành phố bày ra một cảnh tượng rất mới lạ”.

   Bạch Thái Bưởi chính là người tiếp ý chí cho thế hệ doanh nhân sau ông dám đứng lên cạnh tranh ngang ngửa với tư bản người Pháp, người Hoa trên thương trường, mà tên tuổi của họ được cả nước biết đến, như Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, Trương Văn Bền, Trịnh Đình Kính, Nguyễn Sơn Hà... Theo các tài liệu, cuộc cạnh tranh này kéo dài khoảng 30 năm, từ năm 1905 đến 1935. Cũng từ đó, giới công thương Việt Nam đã viết nên trang sử vẻ vang với khẩu hiệu cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

   Trong cuộc đối đầu căng thẳng, Bạch Thái Bưởi đã toàn thắng. Đội tàu của ông không những vượt qua sóng gió mà còn lớn mạnh gấp bội vì được bổ sung bằng hàng chục chiếc tàu khác của các công ty Pháp, Hoa bị phá sản, như: Marty d’Abbadie, Deschwanden… Năm 1915, ông còn mua lại xưởng đóng và sửa chữa tàu của R. Marty, giao cho đốc công Nguyễn Văn Phúc phụ trách.

“Ông chúa tàu sông Bắc Kì”

   Vậy là, sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, ông chuyển trụ sở từ Nam Định về Hải Phòng và đặt tên cho hãng là “Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty”, với lá cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba sao đỏ. Chủ nhân của công ty đó được mọi người phong danh hiệu “Chủ tàu sông Bắc Kì”.

   Có chuyện kể rằng: Trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lí tài mà Bạch Thái Bưởi tham dự, ông đã lên tiếng bênh vực quyền lợi của người dân bị trị. Bị chạm nọc, René Robin, Thống sứ Bắc Kì lúc đó, giận dữ đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Ông cứng cỏi đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin. Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?” Robin rất tức tối nhưng không làm gì được vì ông Bưởi hoạt động rất kín kẽ; về sau, khi ông ta lên làm Toàn quyền (1934-1936) thì Bạch Thái Bưởi đã mất (1932).

   Ngày 7-9-1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã làm rạng danh ngành hàng hải Việt Nam khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn, lấy theo tên một tổ chức thời phong kiến chuyên khuyến khích thương nghiệp để tạo vốn cho đất nước. Tàu hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công, dài 42 m, rộng 7,2 m, cao 3,6 m, trọng tải 600 tấn. Với  động cơ hơi nước 450 mã lực, vận tốc đạt 8 hải lí/giờ, tàu Bình Chuẩn đã chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng đi Sài Gòn. Tàu cập bến ngày 17-9-1920 trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.

   Tháng 11 năm Canh Thân (1920), trong một lần bàn việc với các quan bộ Lại, vua Khải Định khi nghe tin về thành công của Bạch Thái Bưởi rất lấy làm mừng rỡ. Vua nói với các đình thần:

   “Xem như việc Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kì mới chế tạo được chiếc tàu thủy gọi là Bình Chuẩn rất khéo, tốt không thua kém gì công nghệ bên châu Âu. Chiếc tàu này là do tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phúc làm ra, cả chủ và thợ đều là người Nam cả. Ngày 23 tháng 7 vừa qua, khi trẫm tới thăm quý Toàn quyền và tham quan tàu chiến ở Đà Nẵng thì vừa gặp lúc tàu này cũng vừa cập bến vào cảng nên có may mắn được ngắm xem, quả nhiên tàu ấy là do chủ ta, thợ ta đồng lòng hợp sức mà chế tạo ra.

   Nước ta vốn dĩ của ít, thợ vụng, nếu không có Bưởi dám bỏ tiền ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố, mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng thành uổng phí mà thôi. Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ, văn minh cho người nước ta mai sau soi vào.

   Vậy truyền chuẩn thưởng trao cho Bạch Thái Bưởi hàm Hàn lâm viện Thị độc, Nguyễn Văn Phúc hàm Hàn lâm viện Kiểm thảo để hai người được đội ơn mà càng thêm khích lệ phấn đấu hơn nữa” (trích Khải Định chính yếu).

   Vươn ra biển lớn và đầu tư đa ngành

   Công ty của Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động không chỉ trong nước mà khắp Đông Dương và các xứ lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật, Singapore… Đỉnh cao sự phát triển của công ty là vào cuối thập niên 20 của thế kỉ trước, khi ấy công ty có trên 40 con tàu, khoảng 20 chiếc sà lan chở hàng với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu. Văn phòng và chi nhánh của công ty có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn… Mỗi năm tổng số tàu và sà lan của công ty chạy khoảng 5.000 chuyến, với 1,5 triệu lượt hành khách và 15 vạn tấn hàng hoá.

   Ngay khi mới bước vào thương trường, Bạch Thái Bưởi đã ôm mộng hình thành một Tập đoàn kinh doanh đa ngành như ở các nước. Ông vạch ra kế hoạch mở một nhà máy xay lúa và một nhà máy điện ở Nam Định. Cũng thời điểm đó, ông có dự án xây dựng một đường xe lửa nối liền Nam Định - Hải Phòng. Tiếc thay những ý định này của ông không thực hiện được vì chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

Với lợi nhuận thu được từ kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác. Dường như với ông “Chiến thắng không hiểm nguy thì chiến thắng không vẻ vang”. Cho nên khi đã chinh phục được “chiến trường sông nước”, ông lại muốn lao vào ăn thua với kẻ có nhiều quyền thế: các chủ mỏ than. Bấy giờ, các mỏ than đều nằm trọn trong tay bọn chủ thực dân, vậy mà ông vẫn quyết xông vào trận địa này để giành quyền khai thác tài nguyên.

   Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đem hết tài sản, dốc vào việc khai mỏ. Ông mua lại hai mỏ than của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (Quảng Yên) và một lần nữa, ông lại thành công. Than của ông được thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu ra nhiều nước mà khách hàng chính là Pháp và Nhật. Để có chuyên gia giỏi, ông cử đại diện sang Pháp thương lượng với trường Đại học Hầm mỏ để đặt hàng trước với nhà trường những kĩ sư giỏi nhất sang Việt Nam làm việc cho mình. Ông thu dụng cả sinh viên người Ba Lan vào làm quản lí ở mỏ. Hoạt động cật lực, không bao lâu, than của ông không xuất khẩu kịp, chất thành núi (đến năm 1945 mới bán hết)…

 

Thủy chung vẫn là người lao động

   Xuất thân từ tầng lớp nghèo khó, Bạch Thái Bưởi rất thông cảm và luôn quan tâm đến đời sống của giới thợ thuyền. Các nhân viên của ông được hưởng chế độ an sinh. Ông giáo dục con cái lòng quý trọng những người cần lao, nghèo khó. Con cái đến tuổi trưởng thành, ông giao công việc trên các bến tàu hay các khu mỏ… Thậm chí, cô con gái học ở Hà Nội, nghỉ hè về, ông cũng dẫn theo để tập việc, ghi chép sổ sách, xét hồ sơ trợ cấp cho học sinh nghèo có chí du học. Ông xây lại cổng làng, tôn tạo đình chùa ở quê hương để dân có nơi rộng rãi sinh hoạt văn hóa và tâm linh, đào giếng, lát đường để cải thiện cuộc sống cho họ. Trong thời kì này, ở các xưởng thợ, công trường, hầm mỏ, đồn điền trên khắp nước ta diễn ra nhiều cuộc đình công, nhất là trong các xí nghiệp của người Pháp. Thế nhưng Công ty Bạch Thái Bưởi luôn có được sự tin cậy của người lao động, người ta coi Công ty Bạch Thái Bưởi như một niềm tự hào của người Việt Nam.

   Nếu Lương Văn Can vạch ra 10 nguyên nhân làm nghề kinh doanh ở Việt Nam không phát triển được, thì chính Bạch Thái Bưởi đã lấp đầy những khiếm khuyết đó bằng những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường: thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa. Ông còn bỏ tiền ra mở cơ sở in và xuất bản Đông Kinh ấn quán, ra tờ Khai hóa nhật báo nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta và nâng đỡ các doanh nghiệp trong nước.

   Bạch Thái Bưởi là một doanh nhân rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa xã hội. Ông là một trong những sáng lập viên và là một ủy viên trị sự đắc lực của Hội Khai trí tiến đức(2), nhiều năm được cử làm Phó Hội trưởng của hội này. Nhiều nhân sĩ Bắc Hà danh tiếng đương thời đều là chỗ bạn bè với ông, như Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ...

   Ngày 22-7-1932, một cơn đau tim đã vật ngã “nhà doanh nghiệp bền chí, quả cảm bậc nhất của nước Việt, ở đầu thế kỉ 20” (Điếu văn của Hội khai trí tiến đức). Khi ấy ông mới 58 tuổi, đầu óc vẫn nặng những dự án kinh doanh. Sau hơn hai mươi năm ngang dọc trên thương trường, Bạch Thái Bưởi để lại cho lịch sử doanh thương Việt Nam một tên tuổi đã trở thành huyền thoại. Nhận định về ông, hội Khai trí tiến đức viết: Cụ là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của Cụ đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của Cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Học giả Nguyễn Văn Tố, hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ trên tạp chí Đông thanh đã gọi ông là: Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

(Rút từ cuốn Những gương mặt không thể nào quên của NXB Kim Đồng)

-----------------

(1) Cửa hàng tạp hóa.

(2) Hội Khai trí tiến đức, còn gọi là hội AFIMA (viết tắt của l'Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội do các nhà văn hóa đương thời lập ra vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945). Hội chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam. Hội quán đặt trên phố Hàng Trống, ngay phía tây bờ hồ Gươm. Tại đây hội đã tổ chức nhiều sinh hoạt như các cuộc hội thảo, diễn thuyết, triển lãm tranh... Hội có những hoạt động đáng lưu ý như trao tặng giải thưởng văn chương, truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học, v.v... Đã có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền bảo hộ của người Pháp diễn ra tại hội quán, tuy chủ ý của hội là văn hóa chứ không phải chính trị./.

Các Bài viết khác