NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN

( 29-01-2015 - 06:34 AM ) - Lượt xem: 1705

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn một người bạn lớn cùa CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, ông là người tham dự và phát biểu chúc mừng trong buổi ra mắt CLB ngày 9/10/2011 và dự kỷ niệm 2 năm thành lập CLB tháng 10/2013. Ông đã vĩnh biệt chúng ta lúc 6 giờ 15 phút sáng thứ Năm 18/12/2014 do bệnh ung thư phổi. Những ngày tháng cuối cùng ông luôn được sống trong tình cảm của bè bạn, người hâm mộ, rất nhiều người trên khắp đất nước đã về Hải Phòng thăm ông và bè bạn đã thấy nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra đi thanh thản.

Khoảng giữa năm 2008 một người bạn trong giới sưu tầm sách hỏi tôi đã đọc cuốn “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn chưa và khi biết tôi chưa đọc thì người bạn đã cho tôi một bản photo và nói:

- Cuốn này ra năm 2000 sau 2 tháng thì bị Bộ Văn Hoá thu hồi, bản chính giới sưu tầm phải mua đến 600-700 ngàn mà cũng không có hàng.

Cầm về đọc tôi thật sự ấn tượng, cuốn sách lôi cuốn tôi suốt từ trang đầu đến trang cuối, không thể nào đặt xuống được và ngay trong ngày tôi đọc hết hơn 900 trang của cuốn sách.

Cuốn sách kể về “Hắn” một người có số tù CR 880 mang tên Tuấn có người vợ đẹp và thuỷ chung tên Ngọc cùng với những người bạn tù Già Ðô, Vũ Lượng, A Thềnh, Lê Bá Di, Triều Phỉ... là những mảnh đời bị xé nát, trù ếm, dẫm đạp. Cuốn sách cũng nhắc đến nhưng người bạn văn như Vũ Mạc, Lê Bình, Lê Bàn…. Cuốn sách cũng viết về tình yêu, tình bạn, lòng nhân ái, lòng thuỷ chung, sự tráo trở và tính đố kị của con người, nhưng tất cả toát lên tấm lòng vị tha đầy bao dung và giàu tình người của những con người khốn khổ bị thời cuộc dày vò tưởng như không có lối thoát.

Tháng 4/2011 nhân dịp ra Hà Nội tôi xuống Hải Phòng thăm ông, nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tiếp chuyện tôi hôm đó còn có cả bà Nguyễn Thị Ngọc Bích người vợ thuỷ chung một lòng vì chồng vì con của ông.

Ông kể cho tôi nghe những năm tháng trong tù “cải tạo” bằng một giọng hài ước nhưng cay đắng, ông nhắc nhiều về nỗi khổ đau của ông khi phải xa người vợ trẻ, con thơ và tấm lòng thuỷ chung, tuần tảo của bà đã vất vả, cực khổ nuôi con, thăm chồng. Nhất là những ngày ông được tha về, nhà thêm miệng ăn nhưng ông không có việc làm vì chính quyền không cấp giấy cho ông đi làm nên cũng không có tiêu chuẩn lương thực thực phẩm. Bà ngồi bên cạnh ông hiền lành và gần như không tiếp lời nhưng nhìn ông rất trìu mến, đầy cảm thông.

Khi nhắc đến chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Hải Phòng đã cho người thư ký tìm đến ông xin bộ “Chuyện kể năm 2000” thì mắt ông sáng long lanh, miệng cười rất tươi. Ông nói:

- Khi người thư ký của Đại tướng nói được Đại Tướng cử đến xin “Chuyện kể năm 2000” tôi rất nghi ngờ, tôi nghĩ công an đóng giả để  tìm hiểu xem tôi còn lưu giữ bộ nào không, sự nghi ngờ có lẽ lộ trên nét mặt tôi, vì vậy người thư ký nói: “Tôi là thư ký lâu năm của Đại Tướng, được Đại Tướng tin tưởng giao cho việc này, nếu bác chưa tin thì bác có thể đi với tôi gặp Đại Tướng”. Vậy là tôi đánh liều lấy bộ sách duy nhất còn lại theo ông thư ký ra xe đi gặp Đại Tướng. Tôi thật cảm động sách của tôi được Đại Tướng quan tâm tìm đọc. Và lần ấy tôi được chụp ảnh với Đại Tướng.

Nhà văn đứng dậy đưa tôi đến bức tường trước mặt có treo khá nhiều ảnh và chỉ cho tôi bức hình ông chụp với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hôm đó.

Tôi còn hỏi ông nhiều về con người thật ngoài đời được ông đưa vào tác phẩm. Ông nói:

- Có những nhân vật có thật ngoài đời như Vũ Mạc, Lê Bình, Lê Bàn, Nguyễn Vũ Phương, ông Trần, ông Hoàng… nhưng chú đổi tên, nhưng cũng có nhân vật là tổng hoà của nhiều nhân vật  ngoài đời như già Đô, Dự…

Đột nhiên ông lặng đi và nói:

- Hôm qua có hai anh công an đến “thăm” chú. Gần đến ngày lễ 30/4 rồi mà!

38 năm đã qua kể từ ngày được ra tù ông vẫn được nghành công an chăm sóc, những ngày lễ, tết đều được công an “thăm hỏi”. Ông nói dí dỏm:

- Kể như chú cũng là cán bộ cấp cao, luôn có người bảo vệ vòng ngoài.

Ông cười hài ước và nói tiếp:

-       May mà không có bảo vệ vòng trong nên vẫn ôm được vợ.

Tháng 10/2011 nghe tin ông vào Sài Gòn chơi và ở nhà con gái trên đường Nguyễn Xí tôi đã đến thăm ông và mời ông đến dự buổi ra mắt CLB vào ngày 9/10/2011.

Thật cảm động, phát biểu trong lễ ra mắt CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ông nói:

- Trước hết tôi chúc mừng các bạn, những người yêu sách từ nay đã có một sân chơi lành mạnh, đầy ý nghĩa. Tôi cũng cần phải cám ơn các bạn, có những người đọc sách, yêu sách như các bạn thì nhà văn chúng tôi mới bán được sách, mới có tiền để sống.

Vâng! ông luôn hóm hỉnh như thế.

Để đáp lễ lại tình cảm của ông với CLB và cũng là trân trọng tình cảm của ông dành cho người đọc, tháng 5/2014 cùng vợ chồng anh Nguyễn Huy Thắng, anh Đoàn Nhật Trưởng và anh Nguyễn Quốc Cường là những thành viên CLB ở Hà Nội chúng tôi đã về Hải Phòng thăm vợ chồng ông. Chúng tôi lại quây quần bên nhau nói chuyện sách chuyện đời. Bên ly rượu chúc mừng gặp mặt ông nói:

- Chúc mừng sức khoẻ của những người yêu sách và người viết sách. Chúng ta hãy sống vì tương lai.

Từ trái sang phải: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Bà Giáng Vân, tác giả, bà Ngọc Bích (vợ nhà văn BNT)

Tháng 7 năm nay ông vào Sài Gòn cũng ở nhà con gái để chữa khối u phổi, thay mặt CLB tôi có vài lần đến thăm. Ngày 10 tháng 9 nghe tin ông chuẩn bị về Hải Phòng, tôi cùng bà Giáng Vân lại đến thăm ông. Ông rất vui thông báo cho tôi và bà Giáng Vân hay rằng khối u của ông là u lành nên ông sẽ về Hải Phòng “sống chung với lũ”. Rồi ông lại hóm hỉnh nói:

-Thời cuộc đã phụ mình rồi, chẳng lẽ thân mình cũng phụ mình sao.

Vậy mà ông về Hải Phòng thì bệnh phát. Ngày 15/11 tôi gọi điện cho ông, từ đầu Hải Phòng giọng ông vẫn sang sảng lạc quan:

- Cường đấy à, bệnh chú di căn vào xương rồi, đau lắm nhưng chú vẫn chiến đấu với nó chứ không đầu hàng như bố cháu đâu.

Trước khi tắt máy ông còn hẹn với tôi.

- Ra Bắc chữa bệnh giành chút thời gian xuống thăm chú nhé.

- Vâng ạ! Cháu sẽ xuống thăm chú.

Giữa tháng 12 tôi có dịp ra Bắc và đi nước ngoài. Ở nước ngoài tôi bỗng được tin ông mất. Thật bất ngờ, thật đáng trách, tôi đã không kịp về Hải Phòng thăm ông lần cuối và cũng không kịp về tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng cũng thật may cho CLB, sáng ngày 19/12 anh Nguyễn Huy Thắng và anh Đoàn Nhật Trưởng đã thay mặt CLB mang vòng hoa về Hải Phòng viếng ông.

Chú Bùi Ngọc Tấn ơi! Thân mình chú không hề phụ chú, tấm thân của chú đã chịu quá nhiều gánh nặng và bất công của thời cuộc, tấm thân ấy đã cố gắng rất nhiều để chú được hưởng và cảm nhận hết tấm lòng của bạn bè của độc giả giành cho chú, đến lúc này tấm thân đó đã kiệt và đưa chú vào cõi vĩnh hằng trong lòng thương tiếc vô cùng của những người đã từng gặp, từng đọc, từng nghe đến chú, những người đã không coi chú là nhà văn nữa mà coi chú như là người bạn tâm giao, là gương sáng, người đã phấn đấu vượt lên số phận, vươt  lên thời cuộc để sống, để chiến đấu bằng cách cho ra đời những tác phẩm lớn đậm chất nhân văn và giàu lòng nhân ái.

Cầu mong chú thanh thản nơi thiên đàng.

PHẠM THẾ CƯỜNG

Các Bài viết khác