NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRUYỆN TRINH THÁM CỦA POE (10/09/2012)

( 07-09-2013 - 10:38 AM ) - Lượt xem: 2432

Van Wyck Brooks có viết một cuốn sách mang tên Flowering of New England. Cuốn sách này viết về một hiện tượng mà có lẽ chỉ có khoa chiêm tinh mới giải thích nổi: sự nở rộ các thiên tài trên một mảnh đất nhỏ ở Hoa Kỳ trong suốt nửa đầu thế kỷ mười chín. Tôi đặc biệt yêu thích mảnh đất Anh Mới nhưng lại mang phong cách Old England hết sức đậm nét ấy. Thật dễ dàng lập một danh sách dài vô tận. Chúng ta có thể kể Emily Dickinson, Herman Melville, Thoreau, Emerson, William James, Henry James và, dĩ nhiên, là Edgar Poe, sinh năm 1809 tại Boston nếu tôi nhớ không nhầm. Ai cũng biết rằng ngày tháng của tôi không chắc chắn lắm. Nói đến truyện trinh thám cũng có nghĩa là nói đến Edgar Poe, người đã phát minh ra thể loại đó. Nhưng trước khi nói đến một thể loại, cần phải bàn về một vấn đề khác: có tồn tại các thể loại văn học hay không?...

 
 

TRUYỆN TRINH THÁM CỦA POE

Thứ hai - 10/09/2012 17:14
 
 
Van Wyck Brooks có viết một cuốn sách mang tên Flowering of New England. Cuốn sách này viết về một hiện tượng mà có lẽ chỉ có khoa chiêm tinh mới giải thích nổi: sự nở rộ các thiên tài trên một mảnh đất nhỏ ở Hoa Kỳ trong suốt nửa đầu thế kỷ mười chín. Tôi đặc biệt yêu thích mảnh đất Anh Mới nhưng lại mang phong cách Old England hết sức đậm nét ấy. Thật dễ dàng lập một danh sách dài vô tận. Chúng ta có thể kể Emily Dickinson, Herman Melville, Thoreau, Emerson, William James, Henry James và, dĩ nhiên, là Edgar Poe, sinh năm 1809 tại Boston nếu tôi nhớ không nhầm. Ai cũng biết rằng ngày tháng của tôi không chắc chắn lắm. Nói đến truyện trinh thám cũng có nghĩa là nói đến Edgar Poe, người đã phát minh ra thể loại đó. Nhưng trước khi nói đến một thể loại, cần phải bàn về một vấn đề khác: có tồn tại các thể loại văn học hay không?
Ta biết rằng Croce, trong cuốn Bréviaire d'esthétique - cuốn Bréviaire d'esthétique xuất sắc của ông - có nói: “Khẳng định rằng một cuốn sách thuộc loại tiểu thuyết, phúng dụ hay nghiên cứu mỹ học, rút cục lại, ở mức độ nhiều hay ít, là nói rằng bìa của nó màu vàng, rằng nó nằm ở ngăn thứ ba bên trái”. Nói cách khác, ông phủ nhận thể loại để đề cao cá tính. Dĩ nhiên, cần phải nói thêm, rằng những cá tính hoài công vật lộn để trở thành hiện thực ấy, khi nhận diện chúng, người ta đưa chúng vào thể loại này hay thể loại khác. Khi nói thế, tôi đã khái quát hoá, điều có lẽ không có quyền làm.
 
Suy nghĩ có nghĩa là khái quát hoá và chúng ta sử dụng những kiểu mẫu đầy hiệu quả của Platon để có thể khẳng định bất cứ điều gì. Thế thì tại sao lại không khẳng định rằng có các thể loại văn học? Tôi xin thêm một nhận xét cá nhân: những thể loại văn học ít phụ thuộc vào chính các văn bản hơn là vào cách thức người ta đọc chúng. Một sự kiện mỹ học, muốn xảy ra, đòi hỏi phải có sự gặp gỡ của người đọc và văn bản. Thật vô lí nếu đòi hỏi một cuốn sách phải hơn một cuốn sách. Nó bắt đầu tồn tại khi một độc giả giở nó ra. Khi đó diễn ra một hiện tượng mỹ học có thể gợi nhớ đến thời điểm tác phẩm được hình thành.
 
Ngày nay tồn tại một loại độc giả đặc biệt, những độc giả của truyện trinh thám. Những độc giả này - mà người ta gặp ở mọi nước trên thế giới, với số lượng hàng triệu - chính là tác phẩm của Edgar Poe. Hãy giả thiết rằng không tồn tại loại độc giả này, hoặc còn thú vị hơn: một người hết sức xa lạ với chúng ta. Chẳng hạn một người Ba Tư, một người Mã Lai, một người nông dân, một đứa trẻ, một người nghe nói rằng Don Quichotte là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Hãy giả thiết rằng nhân vật giả thiết này đã từng đọc truyện trinh thám và anh ta bắt đầu đọc quyển sách đó. Anh ta sẽ mở đầu như thế nào?
 
Tại một làng nọ ở xứ Manche mà tôi không muốn nhớ tên, cách đây không lâu, có một nhà quí tộc... Ngay lập tức vị độc giả ấy bắt đầu nghi ngờ, bởi vì độc giả truyện trinh thám là một độc giả hoàn toàn không mê tín và vừa đọc vừa nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ đặc biệt.
 
Chẳng hạn, khi đọc: Tại một làng nọ ở xứ Manche... chắc chắn anh ta sẽ giả thiết rằng sự việc không xảy ra tại xứ Manche. Sau đó: mà tôi không muốn nhớ tên... Tại sao Cervantès lại không muốn nhớ tên cái làng ấy? Chắc chắn đó là nơi trú ẩn của tên tội phạm, của tên giết người. Rồi... cách đây không lâu... Có lẽ những gì sắp xảy ra sẽ không kém phần khủng khiếp so với những gì ta có thể hình dung.
 
Truyện trinh thám đã tạo nên một loại độc giả đặc biệt. Đó là điều người ta thường quên khi đánh giá tác phẩm của Edgar Poe; bởi vì nếu như Edgar Poe đã sáng tạo ra truyện trinh thám thì ông đồng thời cũng sáng tạo ra độc giả của truyện trinh thám. Muốn hiểu được bản chất truyện trinh thám ta phải biết bối cảnh toàn bộ cuộc đời Edgar Poe. Tôi tin rằng ông là một nhà thơ trữ tình kỳ lạ. Tôi cũng tin rằng trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của mình, trong ký ức của chúng ta về ông, ông còn kỳ lạ hơn nhiều so với trong những trang viết kỳ dị cụ thể nào đó. Và trong văn xuôi ông kỳ lạ hơn cả trong thơ. Chúng ta gặp những gì trong thơ Edgar Poe? Chúng ta thấy sự khẳng định ý kiến của Emerson, người đã gọi Edgar Poe là con người sợ hãi, con người của những điệp khúc. Đó chính là một Tennyson khác, mặc dù ông để lại cho chúng ta những vần thơ thật đẹp. Edgar Poe để lại nhiều cái bóng khác nhau. Chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kỳ lạ ấy!
 
Có hai người mà thiếu họ văn học hiện đại không thể như nó đang tồn tại. Hai người đó đều là người Mỹ và cùng sống vào thế kỷ trước: Walt Whitman - cha đẻ của cái mà ta gọi là thơ dấn thân, chẳng hạn thơ Neruda, và vô số những tác phẩm khác cả hay lẫn dở; và Edgar Poe, cội nguồn chủ nghĩa tượng trưng của Baudelaire, vị môn đệ đêm đêm tụng niệm thơ ông. Chính từ ông xuất phát hai điều có vẻ rất xa nhau nhưng thực ra lại hết sức gần gũi. Đó là ý tưởng coi văn học như là một sự kiện tư duy và truyện trinh thám. Điều đầu tiên - ý tưởng coi văn học như là một sự kiện tư duy chứ không phải là một sự kiện tinh thần - cực kỳ quan trọng. Điều thứ hai chỉ là phái sinh, cho dù nó đem lại cảm hứng cho những nhà văn kiệt xuất (Tôi nghĩ đến Stevenson, Dickens, Chesterton - người kế tục xuất sắc nhất của Poe). Loại văn học này nhiều khi bị coi như văn học hạng hai và phải nói rằng đã vượt qua thời kỳ rực rỡ nhất. Ngày nay nó bị thay thế một phần bởi Truyện khoa học viễn tưởng, thể loại mà trong số những vị cha đẻ của nó chắc chắn cũng phải có tên Edgar Poe.
 
Xin hãy trở lại với điều chúng ta nêu trên, ý tưởng coi thơ như một sáng tạo của tư duy. ý tưởng này trái ngược hoàn toàn với quan niệm truyền thống cho rằng làm thơ là một thao tác của tâm hồn, hay của tinh thần. Chúng ta có thể lấy Kinh Thánh như một sự kiện lạ lùng. Một xê-ri những văn bản khác nhau của những tác giả khác nhau viết trong những thời đại khác nhau với những chủ đề khác nhau nhưng đã được gán cho một nhân vật vô hình duy nhất: Đức Chúa Trời. Người ta giả thiết rằng Đức Chúa Trời, một thiên tính tối cao hay một trí tuệ vĩnh cửu đã sử dụng những thư lại khác nhau ở những nước khác nhau để chép vào những thời đại khác nhau những tác phẩm khác nhau của mình. Chúng ta có, chẳng hạn, một cuộc đối thoại siêu hình với Sách của Gióp, về lịch sử trong Sách của các vua, về thần hệ trong Sáng thế ký và những lời sấm truyền trong Các sách tiên tri(1). Tất cả những tác phẩm này khác nhau nhưng chúng ta đọc như thể chúng do một tác giả duy nhất viết ra.
 
Có lẽ về phương diện panthéiste, không nên quá nghiêm trọng hoá việc chúng ta ngày nay đang là những cá thể khác nhau: chúng ta chẳng qua chỉ là những thành phần khác nhau của thánh thần vĩnh cửu. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã viết mọi quyển sách, cũng như Người đọc mọi quyển sách, bởi vì Người tồn tại, ở mức độ khác nhau, trong mỗi chúng ta.
 
Nhưng hãy trở lại với Edgar Poe: như chúng ta đều biết, ông đã sống một cuộc đời bất hạnh. Ông chết năm bốn mươi tuổi, chết vì kiệt sức do rượu, đau buồn và bệnh thần kinh. Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết của chứng bệnh thần kinh ấy. Chúng ta chỉ cần biết rằng Edgar Poe vô cùng bất hạnh và bất hạnh đối với ông chính là định mệnh. Cố gắng thoát khỏi nó, ông đã vận dụng, rõ ràng là thái quá, trí tuệ siêu việt bẩm sinh của mình. Edgar Poe được coi là một nhà thơ trữ tình vĩ đại, một nhà thơ trữ tình thiên tài, và nhất là khi ông không làm thơ, nhất là khi ông viết văn xuôi, chẳng hạn khi ông viết Những cuộc phiêu lưu của Arthur Gordon Pym. Chúng ta thấy phần đầu kiểu saxon: Arthur, Edgar, phần thứ hai kiểu Scotland: Gordon, Allan, và sau đó là Pym, Poe, tương đương với nhau. Edgar Poe được coi là một trí thức còn Pym tự cho là người có thể bàn luận và đánh giá tất cả. Poe đã viết một bài thơ nổi tiếng mà tất cả chúng ta đều biết, nổi tiếng quá đáng bởi đó không phải là một trong những bài thơ hay nhất của ông: bài Con quạ. Sau đó, trong một cuộc nói chuyện ở Boston, ông đã giải thích quá trình sáng tác bài thơ.
 
Đầu tiên, ông nhận thấy vai trò quan trọng của điệp khúc, sau đó ông nghĩ đến ngữ âm của tiếng Anh. Ông khẳng định rằng hai âm dễ ngân vang và có hiệu quả nhất của tiếng Anh là “o” và “r”. Thế là ngay lập tức ông tìm ra cụm từ never more, không bao giờ nữa. Khởi đầu chỉ có vậy. Sau đó xuất hiện một vấn đề: phải làm sao để hợp lí hoá việc nhắc đi nhắc lại hai từ này, bởi vì nói chung nếu để một người làm việc đó thì không được tự nhiên cho lắm. Ông tự nhủ không được quá lí trí, và điều đó dẫn ông tới ý tưởng về một con chim biết nói. Ông đã nghĩ tới vẹt, nhưng loài chim này không có được những phẩm chất mà thơ ca đòi hỏi. Thế là ông chọn một con quạ. Nói một cách trung thực, khi đó ông đang đọc cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens, Barnaby Rudge, trong đó có chuyện một con quạ. Thế là ông có một con quạ tên là Never more và nó không ngừng nhắc lại tên mình. Đó là tất cả những gì Edgar Poe có lúc ban đầu.
 
Sau đó ông tự nhủ: sự kiện nào đáng buồn nhất, đau khổ nhất? Chắc chắn đó là cái chết của một cô gái đẹp. Ai sẽ là người đau khổ nhất khi nghe cái tin ấy? Dĩ nhiên, đó là người yêu của nàng. Thế là ông nghĩ tới một chàng trai vừa mất người yêu, người yêu có tên là Leonore, để vần với Never more. Chàng trai khi đó đang ở đâu? Poe suy nghĩ: con quạ màu đen. Màu đen nổi bật nhất trên nền màu gì? Màu trắng. Vậy ta hãy chọn màu trắng của bức tượng, một bức tượng của ai nhỉ? Ta hãy chọn bức tượng của Pallas Athénes. Bức tượng đặt ở đâu? Trong thư viện. Để bài thơ được thống nhất, Edgar Poe giải thích, cần phải chọn một nơi kín đáo.
 
Vậy là  ông  đặt bức tượng Minerve  trong thư viện.  Chàng trai
ngồi một mình trong đó, giữa những quyển sách của chàng và thương khóc người yêu đã chết, so lovesick more. Sau đó con quạ bay vào. Tại sao con quạ lại bay vào? Như ta đều biết, thư viện là một nơi yên tĩnh, vậy cần phải đưa ra một cái gì đó trái ngược: Edgar Poe tưởng tượng ra một trận bão. Đêm dông bão đã ném con quạ vào thư viện.
 
Chàng trai hỏi tên con quạ, nó kêu lên: Never more. Chàng trai đau khổ vật vã, tiếp tục hỏi nhưng nó trả lời tất cả những câu hỏi đó bằng cách lặp đi lặp lại: never more, never more, never more, không bao giờ nữa. Nhưng chàng trai vẫn hỏi, hỏi mãi. Cuối cùng chàng trai nói với con quạ điều mà ta có thể coi là ẩn dụ đầu tiên của bài thơ: Hãy tống khứ cái mỏ của mày ra khỏi trái tim tao rồi cút ra khỏi cửa. Con quạ, (đã trở thành biểu tượng của ký ức, một ký ức - đáng buồn thay - bất tử), con quạ ấy đáp: never more. Chàng trai hiểu rằng chàng đã bị kết án chung thân, rằng trong suốt quãng đời còn lại, quãng đời kỳ ảo còn lại, chàng sẽ phải chuyện trò với con quạ, con quạ chỉ biết khẳng định một điều duy nhất: không bao giờ nữa. Chàng sẽ suốt đời phải đặt cho nó những câu hỏi mà chàng đã biết trước câu trả lời. Nói cách khác, Edgar Poe muốn chúng ta tin rằng ông đã viết một bài thơ lí trí. Nhưng chỉ cần nghiên cứu chủ đề của bài thơ kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng điều đó là giả. Edgar Poe hoàn toàn có thể thực hiện được ý tưởng sáng tác một cách duy lí của mình nếu chọn một gã dở hơi hay một người say rượu thay cho con quạ. Khi đó chúng ta sẽ có một bài thơ khác hẳn và khó giải thích hơn.
 
Tôi tin rằng Edgar Poe rất tự hào về trí tuệ của mình. Ông đã chọn và tự hoá thân vào một nhân vật xa lạ, một nhân vật đã trở thành bạn đồng hành của chúng ta mặc dù không cố ý: đó là một gentilhomme, Auguste Dupin, nhà thám tử đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới. Đó là một người Pháp, một người quí phái hết sức nghèo khổ, sống cùng với một người bạn ở một khu phố hẻo lánh của Paris.
 
Ở đây chúng ta lại có một truyền thống khác của truyện trinh thám: bí ẩn phải được khám phá bằng trí tuệ, bằng những cách thức của tư duy. Người đàn ông cực kỳ thông minh có khả năng khám phá bí ẩn đó đầu tiên có tên là Dupin, sau đó tên là Sherlock Holmes, rồi cha Brown, và cho đến bây giờ thì còn nhiều cái tên khác nữa, những cái tên cực kỳ nổi tiếng. Nhân vật đầu tiên, một hình mẫu, một chuẩn mực - chúng có thể nói như vậy - chính là Charles Auguste Dupin, nhà thám tử sống cùng với một người bạn, và câu chuyện sẽ được người bạn này tường thuật lại. Đó cũng là một phần của truyền thống do Edgar Poe tạo ra và đã được nhà văn Ireland Conan Doyle kế tục rất lâu sau khi ông chết. Conan Doyle đã tiếp nhận và xây dựng nên một tình bạn giữa hai nhân vật có cá tính rất khác nhau, được gắn kết lại bởi một thứ tương tự như tình cảm giữa Don Quichotte và Sancho Panca, nhưng hai nhân vật này không bao giờ đạt tới một tình bạn lí tưởng. Chúng ta gặp lại mô típ này trong Kim qua tình bạn của chàng trai và vị tu sĩ Hindou, và trong Don Segundo qua tình bạn của người chăn súc vật và người đàn ông trẻ tuổi. Đó là một mô típ rất hay gặp trong văn học Achentina, mô típ mà ta thấy trong rất nhiều tác phẩm của Gutiérrez.
 
Conan Doyle xây dựng nên một nhân vật hơi khờ khạo, có trí tuệ hơi kém hơn trí tuệ của người đọc và tên là Bác sĩ Watson. Nhân vật thứ hai tính tình khá khôi hài nhưng cũng rất khả kính: Sherlock Holmes. Conan Doyle bố trí để sao cho những kỳ tích về trí tuệ của Sherlock Holmes đều có thể được chứng kiến và thuật lại nhờ người bạn, bác sĩ Watson, người không ngừng kinh ngạc và bị dẫn dắt bởi những tình tiết bên ngoài, người luôn luôn bị Sherlock Holmes thống trị bởi vì muốn được Sherlock Holmes thống trị.
 
Tất cả những chi tiết này đều đã hiện diện trong truyện trinh thám đầu tiên của Edgar Poe mặc dù Edgar Poe không biết rằng mình đã sáng tạo ra một thể loại văn học mới. Truyện trinh thám đầu tiên ấy có tên là: Vụ ám sát hai mẹ con tại phố Morgue. Edgar Poe không muốn rằng truyện trinh thám lại là một thể loại hiện thực, mà phải là một thể loại văn học lí trí, một thể loại kỳ ảo, ta có thể nói như thế, nhưng đó là thể loại kỳ ảo có nguồn gốc từ trí tuệ chứ không phải chỉ từ tưởng tượng. Truyện trinh thám có nguồn gốc từ cả hai thứ đó, dĩ nhiên, nhưng trước hết phải là từ trí tuệ.
 
Edgar Poe có thể chọn nơi xảy ra tội ác và địa bàn hoạt động của nhà thám tử ở New York, nhưng khi đó người đọc có thể tự hỏi liệu mọi chuyện có thể diễn ra như thế thật không, liệu cảnh sát Hoa Kỳ có hành động như thế hay không. Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho Edgar Poe và cho trí tưởng tượng của ông nếu chọn khung cảnh Paris, tại một khu phố ít người qua lại gần Saint-Germain-des-Prés. Đó là lí do vì sao nhà thám tử đầu tiên của truyện trinh thám lại là người ngoại quốc - nhà thám tử đầu tiên của văn học là người Pháp. Tại sao lại là người Pháp? Bởi vì tác giả là người Mỹ, và ông cần có một nhân vật bên ngoài nước Mỹ. Để làm cho các nhân vật của mình thêm bí hiểm, ông để cho họ sống theo một cách khác hẳn cách sống của những con người bình thường. Vào lúc rạng đông họ khép chặt các cửa sổ con, thắp nến, và khi đêm đến cùng nhau đi dạo trên những đường phố vắng ngắt của Paris, với ấn tượng đồng thời về cả đám đông và sự cô độc, để tìm kiếm những hưng phấn về tinh thần, mà, như Edgar Poe đã nói, chỉ có những thành phố lớn đang mơ màng ngủ mới có thể tạo ra.
 
Tôi hình dung cảnh hai người bạn đang sục sạo khắp những đường phố Paris vắng vẻ, trong đêm, đang bàn luận - về điều gì? Về triết học, về những chủ đề của trí tuệ. Thế rồi tội ác xảy ra, tội ác đầu tiên của văn học trinh thám: vụ ám sát hai người phụ nữ. Tôi dịch từ the murder là tội ác, tội ác tại phố Morgue, “tội ác” mạnh hơn là “vụ ám sát”. Cốt chuyện như sau: hai người đàn bà bị ám sát trong một căn phòng có vẻ không thể ai vào được. ở đây Edgar Poe đã sáng tạo ra đề tài về sự bí ẩn của căn phòng khoá chặt. Một trong hai người phụ nữ bị bóp cổ, người kia bị cắt cổ bằng dao cạo. Có rất nhiều tiền, bốn mươi ngàn francs vung vãi trên sàn, mọi thứ đều vung vãi trên sàn, mọi thứ đều khiến người ta nghĩ tới bệnh điên. Nghĩa là chúng ta có một sự mở đầu dữ dội, thậm chí khủng khiếp, sau đó, ở cuối chuyện, tất cả được giải quyết ổn thoả.
 
Nhưng sự giải quyết đối với chúng ta không phải là chỉ có một, bởi vì chúng ta đã biết chủ đề trước khi đọc truyện của Edgar Poe. Điều này, dĩ nhiên, tước đi rất nhiều sức mạnh của nó. Đó là điều xảy ra với Trường hợp kỳ lạ của Bác sĩ Jekyll và Ông Hyde: chúng ta biết rằng hai nhân vật là một và chỉ một người, nhưng bấy giờ chỉ có những độc giả của Stevenson, một học trò khác của Edgar Poe, mới biết điều đó. Trong truyện của Edgar Poe, ai có thể ngờ rằng kẻ sát nhân lại là một con khỉ hay đười ươi?
 
Bí ẩn được khám phá nhờ một thủ thuật: sử dụng những điều do số người vào căn phòng trước đó chứng kiến và kể lại. Tất cả các nhân chứng đều nghe thấy một giọng khàn khàn, giọng Pháp, theo như khẳng định của một người trong số họ. Người này thậm chí còn nhận biết được vài từ. Những người khác thì nói rằng đó là một giọng rất lạ, không có âm tiết. Nhân chứng người Tây Ban Nha cho rằng đó là giọng Đức, nhân chứng người Đức cho rằng đó là giọng Hà Lan, người Hà Lan lại cho là giọng Italia... Cuối cùng đó là giọng một con khỉ. Rồi người ta khám phá ra hung thủ. Người ta khám phá ra hung thủ, nhưng chúng ta thì đã biết trước lời giải.
 
Đó là điều có thể dẫn chúng ta tới việc phê phán Edgar Poe, cho rằng cốt truyện của ông quá mỏng, đến mức nó gần như trong suốt. Điều đó đúng với chúng ta nhưng không đúng với những độc giả đầu tiên của văn học trinh thám, những người chưa có được những kinh nghiệm của chúng ta về thể loại này, những người chưa được Edgar Poe đào tạo như chúng ta đã được ông đào tạo. Chúng ta, khi chúng ta đọc truyện trinh thám, chúng ta là những sản phẩm sáng tạo của Edgar Poe. Họ, những độc giả đầu tiên của truyện này, đã đọc nó và vô cùng thích thú, trước khi tất cả những truyện trinh thám khác dần dần theo nhau xuất hiện.
 
Edgar Poe để lại cho chúng ta năm hình mẫu của thể loại trinh thám, một trong số đó có tên là Con quỉ đồi bại: đó là truyện yếu hơn cả, nhưng sau đó đã được Israel Zangwill mô phỏng lại trong The Big Bow Murder, và truyện này cũng vay mượn ý tưởng về một tội ác được thực hiện trong căn phòng đóng kín. Nhân vật trong đó, tên hung thủ, về sau chúng ta gặp lại trong Bí mật căn phòng màu vàng của Gaston Leroux: hóa ra chính nhà thám tử lại là kẻ giết người. Hai hình mẫu tiếp theo là hai kiệt tác: Lá thư bị mất cắpCon cánh cam vàng. Trong Lá thư bị mất cắp cốt truyện hết sức đơn giản. Lá thư bị một vị bộ trưởng đánh cắp, và cảnh sát biết rằng ông ta đang giữ nó. Người ta hai lần bất ngờ tấn công ông ta trên đường phố, sau đó khám nhà. Để không bỏ sót bất cứ thứ gì, họ lục soát tỉ mỉ từng phòng một. Cảnh sát được trang bị cả kính lúp và kính hiển vi. Người ta giở từng quyển sách trong thư viện, xem xét từng cặp giấy, nghiên cứu từng vết bụi trên đồ đạc. Sau đó Dupin xuất hiện. Ông ta nói rằng cảnh sát đã nhầm đường, rằng họ đã suy luận hệt như một đứa trẻ cứ tưởng rằng nếu người ta giấu một đồ vật thì phải giấu trong một chỗ kín. Nhưng thực tế thì không phải như thế. Dupin đến thăm nhà chính trị là bạn ông và trông thấy, trước mắt mọi người, chiếc phong bì đã xé. Ông hiểu rằng đó chính là lá thư mà người ta đang tìm kiếm. ý tưởng đơn giản là giấu một vật ở nơi ai cũng có thể trông thấy, đó chính là nơi bất ngờ nhất. Ngoài ra, Edgar Poe, để cho chúng ta cảm thấy rõ quan niệm của ông về truyện trinh thám như là một thể loại văn học duy lý, luôn mở đầu bằng những đoạn đàm luận về sự phân tích, về cờ vua, về tính ưu việt của bài Whist hoặc về những con đầm.
 
Trong năm hình mẫu còn có Bí mật của Marie Roget, truyện lạ nhất trong các truyện của ông nhưng nếu đọc lại ít thú vị nhất. Truyện kể về một tội ác có thật, xảy ra ở New York: Mary Roger, một cô gái trẻ, bị ám sát. Hình như cô ta làm nghề bán hoa. Edgar Poe đọc được mẩu tin này trên báo. Ông giả định rằng tội ác xảy ra tại Paris, gọi cô gái là Marie Roger và suy đoán cách thức hung thủ gây án. Trên thực tế, nhiều năm sau người ta mới tìm ra tên sát nhân, và tất cả đúng như Poe mô tả.
 
Như vậy, chúng ta đã có truyện trinh thám với tư cách là một thể loại duy lý. Tội ác được khám phá nhờ các suy luận theo l gích trừu tượng chứ không phải nhờ những lời tố giác hoặc sự vụng về của hung thủ. Edgar Poe biết rõ rằng những gì ông làm không phải là hiện thực, chính vì thế mà ông chọn Paris làm bối cảnh. Chính vì thế mà nhà thám tử suy luận theo lôgích ấy là một người quí phái, chứ không phải là cảnh sát. Và chính vì thế mà ông đặt cảnh sát vào những tình huống khiến họ trở nên lố bịch. Nói cách khác, Poe đã sáng tạo ra nhân vật anh tài trí tuệ.
 
Điều gì xảy ra sau khi Edgar Poe chết? Ông mất, nếu tôi nhớ không nhầm, vào năm 1849. Walt Whitman, người đồng thời vĩ đại của Poe, viết trong một bài báo về người đã khuất rằng Poe là một nhạc công chỉ biết chơi những nốt chính của đàn piano, rằng ông không đại diện cho nền dân chủ Mỹ - điều mà chưa có ai, chưa bao giờ, đề nghị Poe làm. Walt Whitman đã bất công với ông, cũng như Emerson vậy.
 
Một số nhà phê bình văn học ngày nay không đánh giá hết tầm vóc Edgar Poe. Nhưng tôi tin rằng tác phẩm của ông, nhìn toàn thể, là tác phẩm của một thiên tài, cho dù truyện của ông, Những cuộc phiêu lưu của Arthur Gordon Pym xét riêng, có những khiếm khuyết đi chăng nữa. Những truyện này, gộp lại, đã xây dựng nên một nhân vật bên trên tất cả những nhân vật mà Poe đã xây dựng, bên trên Charles Aguste Dupin, bên trên những tội ác, bên trên tất cả những bí ẩn mà ngày nay chẳng còn làm chúng ta sợ hãi.
 
ở Anh, nơi thể loại trinh thám được nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, chúng ta gặp những truyện trinh thám hay nhất: những tác phẩm của Wilkie Collins, Người đàn bà áo trắngĐá mặt trăng. Và chúng ta có Chesterton, người kế tục vĩ đại nhất của Poe. Chesterton nói rằng chưa có ai viết truyện trinh thám hay hơn Edgar Poe, nhưng tôi có cảm giác rằng, chính ông, Chesterton, đã vượt Poe. Poe đã viết những truyện thuần tuý kỳ ảo, Mặt nạ tử thần đỏ hay Thùng rượu amontillado chẳng hạn, sau đó ông viết những truyện dựa trên suy luận lôgích, như năm truyện trinh thám mà ta vừa phân tích ở trên. Chesterton thì khác, ông viết những truyện kỳ ảo với kết thúc giống như những truyện trinh thám. Tôi lấy một ví dụ: Người vô hình, xuất bản năm 1905 hay 1908 gì đó.
 
Câu chuyện tóm tắt như sau: Người đàn ông chuyên chế tạo rô bốt - người làm bếp, người gác cổng, những bà dọn phòng, những công nhân cơ khí...- sống trong một căn hộ của khu nhà trên ngọn đồi phủ đầy tuyết, tại London. Ông ta bị đe dọa ám sát. Đó là một người đàn ông bé nhỏ, điều rất quan trọng đối với toàn bộ câu chuyện sau đó. Ông ta sống độc thân với những người máy phục vụ của mình, những thứ tự nó đã có gì đó hết sức đáng sợ. Một người sống cô độc, giữa những máy móc mô phỏng con người một cách vụng về. Ông ta nhận được lá thư, trong đó nói rằng ông ta sẽ chết vào buổi chiều. Ông gọi các bạn bè và họ vội đi báo cho cảnh sát. Nhưng trước khi để ông ta lại một mình với lũ người máy, họ dặn người gác cổng phải quan sát xem có ai vào nhà không. Họ cũng giao cho một policeman và một người bán hạt dẻ chăm sóc ông ta. Cả ba cùng hứa sẽ chú ý theo dõi. Khi bạn bè trở lại, họ trông thấy những dấu chân trên tuyết. Những bước chân hướng vào nhà có vẻ nhẹ nhàng, những vết đi ra sâu hơn, như thể người ta vác theo một vật nặng. Họ xông vào nhà và thấy nhà chế tạo người máy đã biến mất. Rồi họ phát hiện ra lớp tro trong ống khói. Chính ở đây xuất hiện chi tiết hay nhất của truyện, sự nghi hoặc rằng ông ta đã bị chính những người máy của mình giết chết. Đó là điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với chúng ta. Điều đó gây ấn tượng mạnh hơn cả việc khám phá sự thật. Hung thủ đã vào nhà, cả người gác cổng, policeman và người bán hạt dẻ đều trông thấy hắn, nhưng họ đã không nhận ra bởi vì đó chính là người đưa thư chiều nào cũng đến rất đúng giờ. Hắn đã giết nạn nhân, nhét xác vào túi thư, đốt rồi đi ra. Cha Brown trông thấy hắn, chuyện trò với hắn, nghe những lời thú tội và tha thứ. Trong truyện của Chesterton không hề có sự bắt bớ hay bạo lực.
 
Thể loại văn học trinh thám ngày nay đã bị suy đồi ở Hoa Kỳ. Nó trở thành một thể loại hiện thực, đầy rẫy những bạo lực và tình dục. Nguồn gốc trí tuệ của nó đã bị lãng quên, đã hoàn toàn biến mất. Thế nhưng nó vẫn được bảo tồn ở Anh, nơi người ta tiếp tục viết những tác phẩm điềm tĩnh, mô tả những câu chuyện xảy ra trong những làng nhỏ nước Anh. Tất cả tắm trong một bầu không khí của trí tuệ, bình yên, không có những cảnh bạo lực đầm đìa máu mê.
 
Bản thân tôi cũng đã thử viết truyện trinh thám, nhưng không dám tự hào về kết quả. Tôi đã đặt nó vào thế giới các biểu tượng mà có lẽ không thích hợp với nó lắm. Tôi đã viết truyện Cái chết và chiếc địa bàn. Một vài truyện khác cùng với Bioy Casares, người viết truyện ngắn hay hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi đã cùng nhau viết Sáu vấn đề đối với don Isidro Parodi, một tù nhân ngồi trong tù giải quyết vấn đề của cảnh sát.
 
Chúng ta có thể nói gì để bênh vực truyện trinh thám? Có một điều chắc chắn và hết sức hiển nhiên: nền văn học của chúng ta đang hướng về sự hỗn loạn. Người ta lao vào thơ tự do một phần bởi vì làm thơ tự do dễ hơn, dễ hơn rất nhiều so với làm thơ có vần và niêm luật chặt chẽ. Người ta có xu hướng tước bỏ nhân vật, cốt truyện, tất cả trở nên mông lung hơn. Trong thời đại cực kỳ hỗn loạn như thời đại của chúng ta, có một thứ vẫn còn giữ, giữ một cách khiêm tốn, những giá trị truyền thống: đó là truyện trinh thám. Thật vậy, ta không thể hình dung ra một truyện trinh thám không có phần mở đầu, thắt nút và cởi nút. Vâng, những tác phẩm này đúng là được viết bởi những nhà văn hạng hai, tất nhiên là phải trừ những truyện trinh thám của các đại văn hào như Dickens, Stevenson, và nhất là Wilkie Collins. Tôi nói thế để bảo vệ văn học trinh thám, dù nó chẳng cần ai bảo vệ. Ngày nay được đọc với đôi chút khinh thị, truyện trinh thám đang tham gia gìn giữ cái trật tự trong một thế giới vô trật tự. Đó chính là một chiến công không phải là vô giá trị mà chúng ta cần phải biết ơn.
Ngô Tự Lập (dịch từ tiếng Pháp)



(1) Tên các phần trong Kinh Thánh.

Tác giả bài viết: Jorges Luis Borges

Nguồn tin: Ngô Tự Lập (dịch từ tiếng Pháp

Các Bài viết khác