NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÀ VĂN THY NGỌC – LẶNG LẼ, TẬN TỤY MỘT ĐỜI VĂN.

( 06-12-2013 - 04:54 PM ) - Lượt xem: 1297

Có những người không chức vị, luôn luôn lặng lẽ làm việc không nhằm để lấy tiếng tăm, thế mà hình bóng con người ấy như là một điểm tựa cho cả một cơ quan đoàn thể. Nhà văn Thy Ngọc có lẽ là một trong những người như thế.

Tôi được gặp nhà văn Thy Ngọc từ thủa bé tí, trong những năm tháng chuẩn bị cho ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội(10/10/1954) ông đã tham gia hoạt động trong "Nghiệp đoàn giáo giới thành phố Hà Nội" cùng với mẹ tôi, một nhà giáo tiểu học. Ngày ấy các cô giáo thanh lịch trong bộ áo dài quần trắng với vẻ tôn kính gọi ông là họa sĩ Thy Thy Tống Ngọc, một bậc tài danh đất Hà Thành. Sau này, tôi lại có dịp học (khác lớp) với chị Minh Châu tại trường Trưng Vương (Hà Nội). Những ngày Hà Nội thanh bình trước chiến tranh phá hoại, Minh Châu là học trò sáng giá, bạn ăn mặc thật giản dị nhưng "oai" thêm vì tiếng tăm "con gái ông Thy Thy Tống Ngọc ". Với riêng tôi, tên Thy Thy Tống Ngọc gắn chặt với hình ảnh cuốn sách Lớp học anh bồ câu trắng, một trong những cuốn sách Kim Đồng đầu tiên, tôi được đọc. Tôi vẫn nhớ cuốn sách có bìa viền xung quanh những hình vạch chéo và có huy hiệu (bây giờ gọi là logo) là hình ảnh hai em bé chụm đầu vào nhau đọc một trang sách mở rộng.

Những trang sách giản dị với Trại Yên Bình có những Lợn Sề , Dê xám, Vịt Bầu, Ngan Sùi...cùng hình ảnh anh Bồ Câu trắng xông xáo đi mở lớp học để xóa nạn mù chữ cho những cư dân "ủn ỉn", "quàng quạc", "quang quác"... đã ở lại trong tâm hồn tôi không biết bao nhiêu năm, có khi là mãi mãi cùng với những Dế mèn, Chú Đất nung, Văn Ngan tướng công, Mít đặc và các bạn... tất cả đã trở thành ký ức đẹp tươi của một thời trong sáng.

Năm 1980, tôi về công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, có một chút ngạc nhiên khi gặp lại ông với cái tên ngắn gọn Thy Ngọc. Giờ đây hình ảnh chú Thy Ngọc là cán bộ đứng tuổi nhỏ bé, nụ cười tủm tỉm ngồi lặng lẽ trình bày những cuốn sách. Về cơ quan, làm công tác biên tập, tôi thường tò mò tìm hiểu về cách làm ra cuốn sách. Với một vẻ nhẹ nhàng ông thường nhắc nhở tôi, nếu biên tập có ý muốn thế này, thì trang sách sẽ ra sao, số tiền chi phí sẽ thăng, giảm thế nào... Nghĩa là biên tập không thể là "người trên mây", khi làm sách phải gắn liền với kinh tế. Tôi nhớ hình ảnh của ông trong những dịp ngày 17 tháng 6 kỷ niệm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, ông thường đứng ở cửa phòng khánh tiết tay cầm một cuốn sổ và mời mọi người ký tên kỷ niệm. Phải là người tham gia sáng lập Nhà xuất bản có nỗi niềm "phụ tử tình thâm" với ngày 17 tháng 6, ông mới tha thiết giữ gìn trân trọng những giây phút lịch sử đã qua đi, rồi hàng năm lại đến với những rung động mới mẻ hơn,những trang sách giầu đẹp hơn, với những con người trẻ hơn... Chẳng biết cuốn sổ quý đó có còn không, giờ ở nơi đâu? Có khi chỉ còn trong trí nhớ của những ai còn nhớ...Thế rồi, sau ngày tôi về công tác ở NXB Kim Đồng, chẳng bao lâu sau ông chia tay với Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.

Nhà văn Thy Ngọc (đứng hàng sau thắt cavat màu xanh dương) tại Đại hội Nhà Văn VN lần thứ VII

Năm 1982, lần đầu tiên tôi và chị Trần Hà, hai biên tập viên trẻ tuổi xuôi Nam, vào chi nhánh NXB Kim Đồng 268 Nguyễn Đình Chiểu. Hai chị em hồi hộp bấm chuông cổng Chi nhánh, dưới giàn bông giấy nở rộ, người ra mở cổng là chú Thy Ngọc. Kể sao cho xiết niềm vui, sau những ngày đêm vật vã trên chuyến tầu hỏa Bắc Nam, chen chúc ngỡ ngàng bước thấp bước cao trên thành phố xa lạ, bây giờ được gặp nụ cười hiền lành thân thuộc của chú Thy Ngọc, chúng tôi sung sướng như được về NHÀ. Ngày ấy chi nhánh NXB Kim Đồng ở 268 Nguyễn Đình Chiểu quả thật là NHÀ của mọi biên tập viên từ Hà Nội vào. Bởi vì chúng tôi ngủ ở đó, nấu nướng ăn uống ở đó, hẹn hò gặp gỡ cộng tác viên ở đó…Và, ở đó có chú Thy Ngọc. Chi Nhánh có những anh em thân tình đáng quý khác nữa, nhưng với các biên tập viên văn học, chú Thy Ngọc với uy tín của một người viết văn làm thơ vẽ tranh đã là cầu nối với nhiều văn nghệ sĩ trong thành phố phương Nam đa dạng phong phú sôi nổi này. Có lẽ, kỷ niệm đáng kể lại nhất trong chuyến vào Nam năm 1982 ấy là chuyến đi Trại sáng tác Vũng Tầu. Ngày ấy, Trần Hà và tôi ra chợ Bến Thành mua mấy túi bánh kẹo rồi... chú Thy Ngọc dẫn đầu, ba chú cháu ra Bến xe Miền Đông đi xe đò, làm nên chuyến công cán "Họp cộng tác viên Nhà xuất bản Kim Đồng tại Trại sáng tác Vũng Tầu". Ngày ấy các anh chị Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Thanh Nguyên, Dạ Ngân...đều còn trẻ tuổi, mới bắt đầu những trang văn thơ tươi mới.

Với giọng nói nhỏ nhẹ, dáng dấp nhỏ nhắn nhanh nhẹn, tác phong làm việc nghiêm chỉnh đúng hẹn đúng giờ, những lúc đàm đạo văn chương, nghệ thuật không khen ai quá, không chê ai quá... tiền nong chi tiêu lại phân minh khiến cho chú Thy Ngọc có một uy tín rất vững chắc với tất cả những ai đã gặp đã đến với Nhà xuất bản Kim Đồng. Có những người không chức vị, luôn luôn lặng lẽ làm việc không nhằm để lấy tiếng tăm, thế mà hình bóng con người ấy như là một điểm tựa cho cả một cơ quan đoàn thể. Nhà văn Thy Ngọc có lẽ là một trong những người như thế.

Là tác giả của hàng chục đầu sách, nhà văn Thy Ngọc hình như lúc nào cũng muốn làm việc và lúc nào cũng chưa bằng lòng với những gì mình đã viết đã vẽ, ông vẫn muốn viết và vẽ không ngừng. Còn nhớ những năm xưa, mỗi lần tôi vào Nam, ông lại tặng một cuốn sách mới. Ông vừa cười vừa bảo tôi: "Cô viết quyển Khi mùa xuân đến lúc ngoài hai mươi tuổi tái bản đi tái bản lại, còn tôi ngoài bảy mươi tuổi viết Muà xuân đang bắt đầu đây này". (Hồi đó là năm 1987 ông có tập truyện đồng thoại Mùa xuân đang bắt đầu). Vui thế, ở con người như ông mùa xuân hình như bất tận. Đến năm 2009, khi vào TP Hồ Chí Minh làm cuộc ra mắt loạt sách thiếu nhi mới như Nàng công chúa biển (của Trần Hoài Dương), Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu (của tôi)...Bậc trưởng lão -Nhà văn Thy Ngọc vẫn ra sách mới tinh khôi: hồi ký về Nhà xuất bản Kim Đồng, trông ông vẫn đĩnh đặc tươi cười như mười năm trước, hai mươi năm trước...

Hôm nay ngồi viết những dòng nhớ đến Nhà văn Thy Ngọc, đôi khi tôi vẫn tự hỏi rằng nguồn tâm năng nào đã nuôi dưỡng nghị lực sống và làm việc không ngừng không nghỉ , vừa có khao khát nhiệt huyết cống hiến có giá trị cho xã hội lại vừa khiêm nhường luôn luôn giữ mình, luôn luôn lui mình lại như ông? Phải chăng những gì là tham, sân hận... đã bị lấn át đi bởi những cảm hứng tươi vui trong sáng trong tâm hồn Ông đều bắt nguồn từ tình yêu con trẻ, tình yêu với sự ngây thơ? Vâng, quả đúng như thế, cứ nhìn ông tiếp xúc với trẻ con là thấy ngay. Cuộc đời tận tụy của ông hình như đã để lại một ánh sáng dịu như ánh trăng mờ ảo lặng lẽ mong manh mà sáng mãi tháng này qua tháng khác năm này qua năm khác... trong lòng tôi, lớp con cháu của Ông- Nhà văn Thy Ngọc kính mến.


Hà Nội- tháng 11/2013.

NHÀ VĂN LÊ PHƯƠNG LIÊN

Các Bài viết khác