NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGƯỜI PHỤ NỮ THỜI ĐẠI MỚI TRONG THƠ TỐ HỮU

( 10-04-2015 - 06:17 PM ) - Lượt xem: 1868

Một thời đại mới qua hình tượng một con người – Người phụ nữ Việt Nam trong thơ Tố Hữu hôm nay vừa mang bóng dáng Bà Trưng, Bà Triệu, vừa có hình ảnh, cốt cách của Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định.

Thế giới phụ nữ trong thơ Tố Hữu thật đông đảo, nếu không muốn nói là đông đảo nhất.

Thế giới ấy có đủ mọi thành phần,tầng lớp, đủ mọi vùng miền, xứ sở, gồm con người nhiều thế hệ. Tuy nhiên, tất cả chung đúc lại một gương mặt, một tâm hồn, một dáng vẻ mang tính tiêu biểu nhất cho một thời đại mới – thời đại cách mạng, chiến đấu và xây dựng.

***

Rất sớm, xuất phát từ dòng thơ cách mạng – Từ ấy, đã khắc họa những bóng dáng phụ nữ mang thân phận khổ đau, vươn lên trong đấu tranh chống cường quyền, áp chế, bạo lực.

Tỏ lòng cảm thương với người mẹ trẻ nghèo hèn phải bán dòng sữa nuôi con chủ trong cảnh “thảm sầu” (Vú em – 5/1938), sẻ chia đau đớn, tủi nhục với “cô gái bán hoa” còn vô định trong “dòng dâm ô” (Tiếng hát sông Hương – 8/1938), đồng thời, nhà thơ trẻ cũng mở lòng ra muôn dặm để gửi Tình thương với chiến tranh bằng lời đề từ - Gửi tặng những bà mẹ và những người vợ Nhật, Đức, Ý. Và, trong bài Đông Kinh nhuộm máu, Tố Hữu ghi Tặng những người đàn bà Nhật chết trên đường sắt Đông Kinh. Ngoài ra, còn có bài Ly rượu thọ. Tất cả những bài trên đều được làm trong năm 1938, nghĩa là từ cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1937) đến trước Thế chiến II (1/1939).

Tình thương lớn đã gắn với sự tôn vinh những tấm lòng lớn: “Hỡi những bà mẹ hiền… Hỡi những bà yêu nước”.

Hy vọng gắn với những số phận khổ đau. Tiếng hát sông Hương thực chất là tiếng hát thê thiết  được thổi vào đó ước vọng hoàn lương. Đến Tiếng hát trên đê, đã xuất hiện bóng dáng con người căm thù, quật khởi với những tiếng thét phẫn nộ. Bà mẹ anh hùng sau Nam Kỳ khởi nghĩa lồng lộng giữa “Nước non muôn quý ngàn yêu” (Bà má Hậu Giang).

Đúng như một nhận xét đã chung đúc: trong xã hội cũ, người phụ nữ là người khổ nhất trong những người khổ cực. Như một lẽ tự nhiên, những bà mẹ già chịu nhiều oan khổ, đắng cay một thời đã chất chứa sự tủi hờn, căm giận để làm bùng lên ngọn lửa anh hùng cho thế hệ phụ nữ cách mạng.

Đó cũng là thân phận, cốt cách, tư thế của những bà mẹ Việt Nam suốt đời vất vả, cực nhọc, lo toan, nhẫn nại, có lòng nhân hậu vô hạn và cũng quả cảm tuyệt vời trong hàng chục năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: những Bà mẹ Việt bắc, Bà bủ, những Mẹ Suốt, Mẹ Diệm,…

Những bà mẹ Việt Nam thực sự là những “viên ngọc ngời sáng” cả trong đời và trong thơ.

***

Tiếp nối truyền thống một cách vẻ vang là thế hệ phụ nữ xứng đáng với tám chữ vàng: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang.

Mở đầu cho thời kỳ chống Pháp là tiếng hát chiến đấu.

Đó là tiếng cuốc chiến khu rộn rã,vang động phá đường: “Hì hà hì hục/ Lục cục lào cào/ Anh cuốc em cuốc/ Đá lở đất nhào!”. Đó là tiếng nói dõng dạc, tự hào của người phụ nữ mới đảm đang mà can trường, xuất hiện trong tư thế của một con người biết để sự nghiệp chung lên trên lợi ích riêng tư:

Em là con gái Bắc Giang

Rét thì mặc rét, nước làng em lo

Người phụ nữ trẻ ấy, mặc dù việc nhà còn bề  bộn, nhưng vẫn quyết chí hành động: “Nhà em con bế, con bồng/ Em cũng theo chồng đi phá đường quan” với lời dặn dò không giấu được tự hào pha lẫn xót xa: “Con ơi, con ngủ cho ngoan/ Sang canh trăng lặn, buổi tan mẹ về” (Phá đường). Tiếng lòng hòa với tiếng đời có phần nghiệt ngã trong cảnh tự nguyện phá hoại cản giặc đã trở thành tiếng hát tâm hồn cao thượng, lạc quan: “Từ trong đổ nát hôm nay/ Ngày mai đã đến từng giây, từng giờ…” (Giữa thành phố trụi).

Phá đường như một sự khai phá một đường thơ mới đầy sức mạnh thời đại của con người Việt Nam mới và riêng về  người phụ nữ - như đại diện cho một nửa thế giới. Đó là nhng con người mang nhân cách mới với giá trị nhân phẩm mới.

Phụ nữ trở thành một đề tài vừa mang tính thời sự, vừa chứa nhận vấn đề lâu dài trong đời sống dân tộc. Nhà thơ tỏ lòng rất mực  yêu mến với những con người đã một lòng vì dân, vì nước, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho cách mạng.

Đã có hình tượng  độc đáo bất hủ: “Mẹ đào hầm từ lúc tóc  còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc” (Dương Hương Ly). Một nhận xét thấu đáo xuyên suốt đời thơ Tố Hữu: “Hình tượng người mẹ, người chị với bà má Hậu Giang, mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý đã đến và kết tinh giá trị trong thơ”. Đó là lời giới thiệu Đường thơ Tố Hữu của Hà Minh Đức (Thơ Tố Hữu Toàn tập, Văn học, 2008).

***

Đất nước một thời “Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao”. Nhưng rồi, ở ngay mỗi miền, vùng giải phóng hay xã hội xã hội chủ nghĩa đều vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Anh hùng, bất khuất là đặc điểm nổi bật chói ngời của thế hệ “những bông hoa thép” Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam), những o du kích (Tấm ảnh, Tâm sự). Qua đó, ta thấy được khí thế quyết chiến, quyết thắng, là tư thế đứng trên đầu thù, cũng là sự hài hòa giữa con người với đất nước và dân tộc.

Họ là những anh hùng nơi chiến trận, cũng như trong đời thường. Họ đảm đang một cách anh hùng ở hậu phương : sản xuất, trong tư thế anh hùng. Và hơn thế,  lao động như một nghệ thuật: “Ngón tay các chị cấy nhanh như đàn”. Thực và mơ ở  bức tranh tuyệt đẹp trong mùa Xuân sớm  những năm đánh Mỹ:

Ôi những nàng xuân rất dịu dàng

Hát câu quan họ chuyến đò ngang

Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy,

Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng.

Cô gái đã được tạc thành bức tượng đài Nàng Xuân bất hủ bằng những vần điệu thi ca. Ngoài ra, còn một nhóm khác là Thiếu  Nữ - Mùa  Xuân – Hy Vọng: “Người con gái đi nhanh trên đê nhỏ/ Bước chân sáo, tóc lồng giữa gió” “… người con gái bước/ Hai cánh tay đưa trước, đánh đường xa”(Giữa ngày xuân).

Tố Hữu đã dựng được những hình ảnh giàu ngụ ý về người phụ nữ, những con người chuyên chở nhiều ý tưởng, đạo lý. Đó là một thành công đặc sắc của nhà thơ.

Tiếng chổi tre được hiểu là sự tôn vinh người nữ lao động bình thường, lặng lẽ, âm thầm. Ngoài ra, còn có một cảm nhận khác là hình ảnh của lớp người đi trước dựng xây sự nghiệp “quét rác” để dọn “đường hoa” cho hôm nay. Triết lý sâu xa qua thơ ở đây chính là thông điệp phải “quét rác” và “trồng hoa” cho đời. Bởi, bên hình ảnh chị lao công quét rác còn có bóng dáng chị “gánh hàng hoa” “sớm mai ra” cho “Thơm ngát/ Đường ta”.

Thời đổi mới và hội nhập đã thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ trẻ hăng hái trong công cuộc chung tay xây dựng xã hội mới: Chị bí thư nhà máy, Người mẹ nuôi,… Cái đẹp nổi lên chưa hẳn là lãi lời  sản xuất, mà chính là ở “tấm lòng”: “Sự ngang và sự dọc/ Dệt sao nên chữ “đồng””, cũng như thiện tâm của người mẹ nuôi – như tình yêu thương ruột thịt mẹ đẻ. Quả vậy, thông qua hình tượng người phụ nữ, nhất là giới trẻ ngày nay, nhà thơ muốn tập trung tôn vinh một phẩm chất cao đẹp, đặc sắc nhất, tượng trưng nhất: tình yêu thương.

Tiếng ru thân thương đằm thắm mẹ con muôn đời chính là tiếng nói nhân hậu truyền thống. Qua đó là những ước vọng tha thiết nhất. Luân lý cũng là đạo lý cách mạng. Con yêu mẹ, yêu cả bạn bè, đồng chí, anh em. Yêu mình và biết yêu người – người xưa và cả người hôm nay. Hơn thế nữa, tình yêu thế hệ còn vươn tới tương lai. Rất riêng và rất chung là ước ao “Tre già yêu lấy măng non”:

Mai sau con lớn hơn thầy

Các con ôm cả hai tay đất tròn

Tiếng hát ru trở thành tiếng nói yêu thương mênh mang mọi phương trời, tấm lòng mở rộng ra vô hạn.

                                                  *

Một thời đại mới qua hình tượng một con người – Người phụ nữ Việt Nam trong thơ Tố Hữu hôm nay vừa mang bóng dáng Bà Trưng, Bà Triệu, vừa có hình ảnh, cốt cách của Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định.

Với khí thế truyền thống và cách mạng, đi vào hội nhập, đang có một thế hệ sung sức trồng hoa, gánh hoa và chung tay mở đường hoa tới tương lai như năm nào Tiếng hát sang xuân:

Ngẩn ngơ nghe tiếng ai chào

Chị hàng hoa rẽ lối vào Đồng Xuân.

          Nhà thơ ước vọng qua Chợ Đồng Xuân:

Đồng Xuân ơi, đến chưa thời Đồng Xuân?

Chợ Đồng Xuân Hà Nội ,  Chợ Đồng Xuân Thế Giới.

Thời Đồng Xuân Việt Nam và Thời Đồng Xuân Địa Cầu. Thời ấy còn biết bao  xa vời… nhưng ta có quyền hy vọng, tin tưởng ánh sáng mới vì nhà thơ  như vẫn đang cùng chúng ta hối hả thúc giục:

      Hỡi em gái, hãy hát mùa xuân tới!

                                                     Giữa ngày xuân

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

TP. Hồ Chí Minh, Mùa xuân 2015.

Các Bài viết khác