NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ TẾT QUÊ…

( 16-02-2018 - 10:54 AM ) - Lượt xem: 834

Đêm Ba mươi Tết ở quê chồng tôi ngày ấy, không gian lặng lẽ đến mức tôi nghe rõ tiếng những giọt mưa nhỏ bé rơi từ mái tranh căn nhà vách đất xuồng phiến đá xanh trước thềm nhà, tiếng mưa rơi ấy tạo nên một vẻ thi vị lắm. Mùi thơm ngào ngạt tỏa ra từ nồi bánh chưng vừa chín , trong làn khói nghi ngút ấm áp bốc lên cao, tôi được cùng bu tôi vớt những cái bánh chưng nóng hổi đưa lên bàn thờ cúng tổ tiê

  Hễ cứ đến những ngày cuối năm âm lịch dù ở nơi nào, dù thời tiết có mưa sụt sùi hay nắng chang chang, dòng máu người Việt trong  mình bao giờ cũng rung động bồn chồn nôn nao  một cảm giác khắc khoải gọi là  “sắp TẾT”! Sắp đến Tết rồi, mình đi về đi… về… về… về quê…

   Ngày ấy, khoảng những năm 1980… vợ chồng tôi đã có con trai đầu lòng chừng ba, bốn tuổi , cả nhà có một chiếc xe đạp “Thống nhất” mầu xanh tróc sơn. Chiếc xe thanh thoát gầy gò bé nhỏ nhưng không hề xì hơi xì khói ... Chiếc xe mang trên mình cả gia đình : bố ngồi trên yên đạp xe , mẹ ngồi trên “pooc ba ga” bế con trai trong lòng. Chẳng những chở được ba người mà trên “ghi đông” xe còn đeo cả túi quà Tết (có miến, măng, bóng bì, mứt , bánh, kẹo…) và túi áo quần mới để tặng ông bà và của cả nhà nữa… “Chiếc xe hạnh phúc” ấy hăng hái  băng băng lao về Ga Hàng Cỏ- Hà Nội, nơi đông đúc những người mặt mày căng thẳng  tâm trạng sốt ruột đang chen chúc xếp hàng mua vé tầu hỏa rời khỏi thủ đô vào sáng ngày Ba Mươi Tết để kịp buổi chiều về đến quê nhà.

  Đối với tôi việc sáng ba mươi Tết ra khỏi Hà Nội lại là “đi”, không phải là “về”, bởi tôi quê ở chốn thị thành Hà Nội, chuyến đi này là “Về” quê chồng ở Nam Định. Niềm háo hức lên đường của tôi có chút đam mê phiêu diêu của một người đàn bà quyết dấn thân lấy chồng xa… lấy chồng Quê…

  Vừa đứng trông con vừa trông xe ở cửa Ga, lòng tôi không khỏi trào lên nỗi niềm thương xót biết bao cảnh ngộ vất vả đang đập vào mắt mình. Kìa một người đàn ông có vẻ là một cựu binh, mặc áo bộ đội cũ bạc sờn tay bế con nhỏ vài khoác ba lô to mầu xanh nhầu nát, dây thắt buông thả loằng ngoằng mà có vẻ lép kẹp, chắc là có ít quà đem về quê thôi nhỉ…Vẻ mặt anh ta nhớn nhác, anh ta đeo kính đen, hình như là một người mắt kém, nếu không nói là bị mù thì phải. “ Úi trời ơi, may quá rồi anh ơi!” Một người phụ nữ da mặt đen xạm người gầy đét trong chiếc áo bông xanh công nhân chạy đến ôm chầm lấy anh  cựu binh kia, tay giơ cao hai tấm vé, miệng bô bô hí ha hí hửng: “ May quá nhà mình có cái “thẻ thương binh” này nên mới mua được vé rồi, hí, hí! Thôi đi đi anh, mình vào ga lên tầu thôi!” Thế là người đàn bà ấy (chắc là người vợ) một tay xách cái làn nhựa đựng lủng củng cặp lồng bát sắt, một tay dắt  người chồng bước lò dò giữa một đám đông đang lũ lượt theo nhau vào Cửa Ga phía Nam. Trông nét mặt hai vợ chồng ấy bừng lên vẻ sung sướng mãn nguyện lắm. Quả đúng thế họ đã may mắn hơn nhiều người ( trong đó có mẹ con tôi) còn đang thấp thỏm đợi chờ trước Quầy bán vé.

   Một lát sau, tôi thấy một anh cao lớn nói giọng miền Trung hớt hải chạy đến bên một người phụ nữ đang đứng cạnh hai chiếc xe đạp và hai đứa bé. Hai anh em đang chia nhau một cái bánh đa mỏng tang, tiếng nhai bánh của bọn nhỏ nghe ròn tan dôm dốp, ngon lành. “ Thôi xong rồi! Tháo một cái xe ra! Nào đưa cho anh cơ-lê!” Người vợ ngơ ngác không hiểu chuyện gì, mà sao đi đâu anh cũng mang sẵn đồ dùng sửa chữa xe đạp à? Thấy vợ còn chưa biết ra ngô ra khoai chuyện gì, anh chồng giải thích: “ Chỉ mua được một vé xe đạp thôi, em hiểu chưa? Bây giờ không thể để cái xe này lại gửi ở đây được, bởi vì mình xuống Ga Đồng Hới rồi còn phải đi 30 cây số nữa mới về đến nhà”.

   Ô, tôi hiểu rồi, hóa ra “cái khó ló cái khôn”, tôi nhìn thấy anh chống cao lớn kia  thoăn thoắt tháo rời từng bộ phận xe đạp ra rồi buộc lại thành một bó gọn gàng chắc chắn, đeo lên vai.. Cả gia đình bốn người vợ chồng con cái và xe đạp hiên ngang hùng dũng tiến vào Cửa Ga.

  Còn tôi, sao chưa thấy ông xã mình từ quầy vé trở về nhỉ?

 À, kia rồi, sao nét mặt anh lại có vẻ thất vọng thế? Không mua được vé xe đạp ư? Hay là bắt chước nhà kia tháo xe ra…Ô không sự thể còn bi đát hơn nhiều. Ông xã tôi thở dài đánh thượt: “ Hết vé rồi, em ạ! Anh xếp hàng đến nơi thì hết vé!”

    Hai vợ chồng tôi nhìn nhau mà chẳng biết nói điều gì nữa. Quay về lại căn phòng 13 mét vuông trên tầng bốn của khu tập thể và ở lại ăn Tết Hà Nội ư? Kể ra thì cũng hay đấy, nhưng không thể được, thầy bu ở nhà mỏi mắt trông chờ con cháu về.

- Hay ta đi xe đạp về vậy, em nhé!

Tôi ngần ngại:

- Nhưng , em sợ anh mệt, đèo hai mẹ con lại còn đồ nữa, khá nặng đấy.

Chồng tôi cười bảo:

- Thì mình thay nhau đạp xe, đồng ý chứ?

  Thế là buổi sớm ngày Ba mươi Tết ấy, cả nhà tôi trên chiếc xe đạp băng băng trên quốc lộ số 1 thẳng hướng xuôi Nam… Mưa lâm thâm rơi, gió hơi lành lạnh, những cánh đồng xanh mướt mạ non mới cấy hai bên đường như lướt qua trước mặt tôi. Có lẽ mình là kẻ sung sướng nhất lúc này đây, bởi phía trước tôi là tấm lưng ấm áp của người chồng và bên ngực tôi là thân hình bé nhỏ mềm mại của cậu con trai đang ấp ủ cả thân thể tôi. Cứ như thế này có khi đi cả vòng quanh trái đất…

 Cứ như thế hai vợ chồng tôi thay nhau đạp xe vượt 80 cây số về đến làng quê thì trời đã ngả về chiều…Đã mất quá nửa ngày vất vả, chúng tôi về đến quê trong cười mừng rỡ của thầy bu tôi : “ Thằng cu của ông bà đã về rồi đấy ư?”, lúc ấy tôi cảm thấy như mái nhà tranh vách đất, cây nhãn cổ thụ bên giếng nước…cây chanh đang nở hoa…  và cái cổng tre bên bụi mây xanh mướt ấy bỗng hiện ra đẹp như trong truyện cổ tích.

   Tết Quê hoàn toàn không giồng Tết Hà Nội… Đêm Ba mươi Tết ở Quê không có cảnh tưng bừng quần là áo lượt đi chơi vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm xôn xao tiếng nhạc rộn rã…Đêm Ba mươi Tết ở quê chồng tôi ngày ấy, không gian lặng lẽ đến mức tôi nghe rõ tiếng những giọt mưa nhỏ bé rơi từ mái tranh căn nhà vách đất xuồng phiến đá xanh trước thềm nhà, tiếng mưa rơi ấy tạo nên một vẻ thi vị lắm. Mùi thơm ngào ngạt tỏa ra từ nồi bánh chưng vừa chín , trong làn khói nghi ngút ấm áp bốc lên cao, tôi được cùng  bu tôi vớt những cái bánh chưng nóng hổi đưa lên bàn thờ cúng tổ tiên. Mân cỗ quê với những món cá kho ủ bếp trấu có vị ngon khác lạ, món xương nấu với chuối xanh mang mùi thơm của lá lốt cũng khiến mình rung động cả ngũ quan. Tôi nghe những tiếng động nhẹ nhẹ lách cách của thầy tôi đi đi lại lại sắp sửa pha ấm trà mời các cụ tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu mà cảm thấy như tiếng thời gian đang chầm chậm lướt về như gió nhẹ.

   Thằng cu con trai tôi được bà nội thưởng cho nếm trước cái “bánh dùng” nó sung sướng lắm, về sau có nếm đủ các loại bánh khắp năm châu, có lẽ nó cũng  vẫn nhớ mãi vị ngon của cái bánh quê thời thơ ấu…

    Ngày ấy ở Quê chống tôi chưa có điện và càng không biết đến ti vi. Tôi đón giờ phút giao thừa đến trong mùi hương bay trong căn nhà mái lá tĩnh mịch, hình như chỉ có tiếng lá cây nhãn cổ thụ (đã được trồng từ thời cụ tổ trên mảnh đất này) reo lên rì rào trong gió đêm để đón năm cũ đi qua và năm mới đang đến…

… Đã bao nhiêu năm qua, thầy bu tôi đã về thiên cổ, cảnh xưa đã đổi thay hoàn toàn, việc đi lại và thông tin liên lạc giữa các vùng miền xa nhau vạn dặm nhanh chóng thuận tiện đến chóng mặt, cả một thế hệ những con người mà tôi đã có dịp gặp ở Ga Hà Nội xưa, nay cũng đã hiện đại hóa “ sành điệu” cả rồi, những chuyện cũ chỉ ghi lại trong ký ức …Đến lúc Tết đến xuân về lại chợt hiện ra , rõ mồn một như tôi vừa gặp ngày hôm qua.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Tháng 12 năm 2017.

Các Bài viết khác