NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 9)

( 29-01-2017 - 03:49 PM ) - Lượt xem: 1034

- Ấy, bà để tôi nói, chưa hết đâu. Cô này hồi còn con gái có lấy một người chồng tên là Bằng ở phố Khách Nam Định. Nào bà tin chưa? Bà Thơi tái mặt. Tin thì bà tin quá đi rồi. Nhưng làm sao anh ta lại thông chuyện nhà bà như ma xó trong nhà thế này

CHƯƠNG 9

 

Cả ngày hôm nay bà Thơi mệt nhoài. Một vạn viên gạch hợp tác xã bán ưu tiên cho bà được anh chị em đoàn viên thanh niên trong chi đoàn Quyết Thịnh chuyển trong một buổi hết sạch. Bây giờ nhìn đống gạch đỏ tươi xếp cao lù lù như ngọn núi thế kia bà vui lắm. Cái điều mà cả đời bà không dám mơ tới sắp thành thật rồi sao?

Lúc xế chiều, Thìn cùng cô bạn ở trường về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ăn vội bát cơm rồi đi ngay. Thìn khoe với bà một tin bà không dám cho đó là sự thật.

-  Con có giấy báo chuẩn bị lên Hà Nội học ngoại ngữ để sang năm đi du học nước ngoài bu ạ.

-  Thật à?

 Bà run run hỏi lại Thìn.

-         Thật bu ạ!

Cô bạn cùng đi với Thìn thấy thế, nói chen vào:
        -    Thật đấy bác ạ. Cả huyện chúng cháu đợt này chỉ có hai người được đi. Đâu, giấy báo đâu, mày đọc cho mẹ nghe để mẹ mừng đi.

Thìn mở ví lấy giấy ra đọc. Bà Thơi tròn xoe mắt ra nghe từng ý như có một lá thư của Thiệp mới gửi về. Sau đó Thìn và cô bạn tức tốc đi ngay.

-   Chúng mày đi đêm à?

 Bà lo lắng hỏi. Thìn cười vui, trả lời.

-   Bu đừng lo. Sáng mai con phải họp nhà trường rồi.
Bà Thơi đành phải chiều ý con. Nhưng lần này Thìn không để lại cho bà một nỗi trống vắng như những lần trước. Một niềm vui rạo rực hiếm có trong đời bà. Xưa nay ở làng, ở huyện này có mấy đứa con gái được đi học nước ngoài?

Bà Thơi không ngủ được. Đêm dễ chừng đã khuya. Đám ếch nhái ngoài bờ ao lúc nãy còn cãi cọ, kêu gọi nhau om sòm, giờ đã im thin thít. Càng vào khuya, đêm càng lặng lẽ. Một trái bưởi nhỏ rụng xuống vườn cũng đủ gây nên một tiếng động giật mình. Tiếng chó sủa xóm ngoài nghe càng xa vắng. Bỗng bà nghe có tiếng chân người bước bịch bịch trên con ngõ đằng sau nhà. Tiếng bước chân lại gần, rất gần. Ai thế nhỉ? Ai lại đến nhà bà vào giờ này? Có lẽ không phải bà Thiều, vì lúc chiều bà ấy có bảo với bà tối nay ra ở với con. Tiếng chân người đã đến sát hè nhà bà. Kìa, lại có tiếng đập tay vào cánh liếp. Bà Thơi sờ tay xuống dưới chiếc gối tìm bao diêm. Ánh sáng lóe lên vừa lúc có tiếng người hỏi ngoài hè: “Bà Thơi còn thức không đấy?”. Bà bỗng thấy run sợ. Bao diêm trong tay bà xóc lên sòng sọc. Thế này tức là có chuyện chẳng lành rồi. Bởi vì cái lão Mân, không bao giờ đến vào lúc này. Bà Thơi châm que diêm vào ngọn đèn. Luồng ánh sáng vàng khè hắt ra. Liếp mở, Mân lẻn nhanh vào nhà như một cơn gió.

-         Anh Mân đấy à?

Bà Thơi lui về sau một bước, hổn hển hỏi.

Mân cố giấu vẻ mặt thiếu bình tĩnh bằng một câu đáp chung chung:

-         Tôi đi chơi về, tưởng bà còn thức vào xin bà hớp nước chè uống cho mát ruột.

Bà Thơi rót nước cho Mân. Khói nghi ngút bốc lên từ miệng bát. Nhìn thấy những chấm đỏ lập lòe trên bàn thờ, Mân khẽ nói:

-         Tối nào bà cũng thắp hương cho chú Thiệp?

Bà Thơi thật thà:

-         Cũng chả tốn kém gì anh ạ. Tôi thắp vài nén cho nó ấm cửa ấm nhà, lại đỡ trống trải vong linh em nó.

Có tiếng gió rì rào trong đám lá tre ngoài vườn. Một cơn gió ùa vào khiến bà Thơi cảm thấy ớn lạnh. Ngọn đèn dầu leo lắt cứ như muốn tắt.

Bỗng dưng Mân hỏi. Câu nói nghe như không phải lời lẽ thường ngày:

-         Bà có tin là chú Thiệp chết không? Tôi thì tôi không tin!

Bà Thơi trân trân nhìn vào Mân. Anh này nói gì mà lạ vậy? Hay anh ta say rượu? Thằng Thiệp đã có giấy đơn vị báo về ghi rõ ngày giờ nó hy sinh, sao Mân lại nói vậy?

-         Sao, anh Mân? Anh bảo em nó còn sống à. Anh nghe ai nói vậy? Nếu thế thì phúc đức cho gia đình tôi quá.

Bà Thơi hỏi lại Mân, giọng rời rạc. Bà đang bị xúc động thật sự nhưng Mân vẫn vờ như không biết đến chuyện ấy. Vẫn cứ khề khà uống cho cạn bát nước rồi mới tủm tỉm cười, nói một câu ráo hoảnh.

-         Tôi nghĩ thế! Nhưng chuyện không bình thường và suôn sẻ như bà nghĩ đâu.

Anh ta chỉ nói có thế. Rồi cả nửa giờ đồng hồ sau, anh ta cũng không nói thêm câu gì, mặc cho bà Thơi cố tìm cách gợi chuyện. Anh ta ra về để lại cho bà Thơi một nỗi lo sợ chen lẫn vui buồn, khó hiểu. Bà Thơi không vào giường ngủ lại nữa. Bà vặn ngọn đèn cho cháy sáng bừng lên rồi một mình một bóng bà thức cho đến sáng . Hôm sau, bà Thơi phải làm một công việc mà trước đến giờ bà không làm bao giờ, công việc có vẻ như vụng trộm. Chờ cho mọi người đi làm đồng hết, bà mới nhìn trước nhìn sau rồi lách mình qua hàng giậu ruối bước sang nhà Mân. Chưa bao giờ bà có tâm trạng hồi hộp như thế. Vì đây là lần đầu tiên, bà bước sang nhà Mân sau mấy năm hai nhà gần như tuyệt giao với nhau. Trong chuyện giận nhau này theo bà, chủ yếu là do Mân quá đáng. Đầu đuôi là thế này: một buổi chiều thứ bảy, Thìn từ trường đạp xe về thăm nhà. Sáng hôm sau Thìn bỗng thấy mất chiếc đồng hồ đeo tay. Cố đoán rằng cô bị mất ở trường hoặc trong lúc đi chợ đêm nên cũng chẳng để ý đến việc kiếm tìm nữa. Bỗng một hôm, dè chừng năm sáu tháng sau, có một cụ bà cõng cháu sang chơi, đã cho bà Thơi biết chính Mân đã lấy cắp chiếc đồng hồ của Thìn. Bà cụ già nói, do một lần hai vợ chồng cãi nhau, vợ Mân đã nói ra cho bà biết điều này. Vợ Mân còn nói chiếc đồng hồ đó hiện nay đã bán cho ai. Tối hôm ấy, nhân có anh cháu là công an huyện vào nhà chơi, bà Thơi mới đem chuyện này ra kể với cháu. Không ngờ , anh công an đã đạp xe lên tận xã, cách nhà bà Thơi đến hai chục cây số điều tra và thu hồi về cho cô Thìn đúng chiếc đồng hồ ấy. Do việc đó mà Mân phải chịu cho hợp tác xã trừ đi tám chục ki-lô-gam thóc để trả nợ vào chiếc đồng hồ. Vừa mất thóc, vừa ngượng với xóm giềng, Mân giận gia đình bà từ đó.

Nhà Mân vắng tanh vắng ngắt. Vợ Mân đi làm đồng. Các con Mân, đứa đi học, đứa đi nhà trẻ. Mân đang ngồi đan rổ ở đầu hè. Thấy bà Thơi sang nhà, anh ta thoáng ngạc nhiên sau trở lại bình thản ngay. Mân bỏ mê rổ đang đan dở xuống rồi cùng bà Thơi vào nhà. Công việc đầu tiên là anh ta bỏ ngay bức mảnh mành xuống. Trong bụng bà Thơi đã thấy phấp phỏng, chắc chắn sẽ có chuyện gì đây ?

-         Anh cứ mặc tôi!

Bà Thơi đặt bát nước Mân vừa rót xuống bàn. Mân vẫn không nói gì. Không khí giữa hai người căng thẳng một cách giả tạo. Bà Thơi muốn Mân cho biết lại một lần nữa cái câu Mân đã nói với bà đêm qua nhưng anh ta vẫn không hề đả động tới. Cuối cùng bà Thơi chịu không nổi, đành lên tiếng trước:

-         Anh Mân, tôi muốn hỏi anh cái chuyện đêm qua anh chưa nói hết với tôi.

Mân vẫn giả bộ như không:

-    Ồ, tôi có nói gì đâu nhỉ?

-    Sao anh chóng quên thế. Anh chả nói với tôi về cái chuyện hình như thằng Thiệp còn sống ấy?

Mân lim dim mắt:

-         À, tôi có nói với bà thế phải không? Mà đâu có nói thế. Có lẽ bà nghe nhầm rồi.

Bà Thơi tức điên người. Anh này định coi bà là trẻ con hay sao? Bà vỗ tay vào ống quần đánh bẹt một cái, rồi đứng dậy mở mành bước ra hè nhưng vãn không quên mắng vào mặt Mân:

-         Con tôi nó chết rồi. Anh không được dùng nó làm trò trêu cợt hiểu chưa! Đồ vô liêm sỉ!

Sẵn nổi bực tức lâu nay dồn nén lại, bà Thơi được dịp cho nó xổ tung ra. Nói xong, bà bỏ đi thẳng, nhưng mới bước được vài bước, Mân đã chạy theo nắm tay kéo lại:

-    Con bà không chết đâu! Tôi nói thật đó. Bà có tin không thì tùy bà.

-   Bỏ tay ra cho tôi về!

Bà Thơi đi thẳng theo lối ngõ chính về nhà mình.
Bà về được một lúc, Mân lại chui giậu, ngó trước ngó sau, rồi bước vào sân nhà bà. Lần này anh ta vừa cười vừa nói:

-   Thôi, chuyện cũ xí xóa. Bây giờ bà có cái gì cho tôi, tôi sẽ nói cho bà nghe. Chắc chắn là chú Thiệp còn sống chứ không chết đâu!

-   Ồ, thế thì mừng quá, chứ có gì đâu mà anh cứ phải úp úp mở mở để tôi phải nổi nóng lên với anh, đến nỗi mất cả tình cả nghĩa.

Bà Thơi hồ hởi nói. Miệng bà nửa như cười nửa không. Bà tự tay rót bát nước chè đặc sánh, đặt trước mặt Mân, vừa nhìn anh ta vừa chuẩn bị đón nhận những chuyện vui. Nhưng bà cụt hứng.  Trước mặt bà, không phải là những cái bà tưởng tượng ra mà là một bộ mặt lão Mân say rượu, khó đăm đăm với hai con mắt lươn ti hí, nham hiểm, với cái miệng thâm sì đang nở một nụ cười miễn cưỡng. Anh ta khẽ nhếch môi một cái rồi nói thầm:

-         Hề hề…thế mà lại không mừng đâu. Chớ vội…
Anh ta nói với bà như thế và sau lại nhìn bà bằng con mắt vừa dò xét vừa thách thức.

Từ lúc này, bà Thơi bắt đầu bối rối…Hay anh ta nói đến một trường hợp….mà cái trường hợp khốn khổ này bà cũng đã có lần nghe thấy. Bà Thơi thấy nhói trong tim. Bà không muốn nghĩ tiếp nữa.

Mân vẫn đứng trân trân nhìn bà. Lại cười khó hiểu.

“Thôi, hãy cầu van anh ta nói quách cho xong. Nào, xem anh ta muốn đòi gì ở bà. Bà sẽ đáp ứng hết”.
       -  Thôi thế này, anh hãy cứ nói cho tôi biết, tôi sẽ mua rượu cho anh và…

Bà Thơi ngập ngừng. Trong khi đó, Mân sảng khoái hẳn lên. Cái tiếng “rượu” và cái tiếng bà Thơi còn bỏ lửng mà Mân đoán đó là tiếng “tiền” làm mắt Mân sáng lên. Từ đó giọng nói của anh ta bỗng trở nên lè nhè, cứ như là cái chất men sắp sửa có ấy nó đã ngấm vào máu thịt anh ta rồi. Mân cười cười kéo tay bà Thơi ngồi xuống giường rồi thì thào:

-         Tôi chỉ cần nói thế này bà tin lời tôi ngay nhé! Có phải bà có một người cháu gọi bằng cô ruột ở Thuận Vy hiện đang ở Sài Gòn không nào?

Bà Thơi thấy hồi hộp quá chừng. Bà muốn hỏi nhưng anh ta giơ tay cắt ngang không cho bà nói. Anh ta vẫn cứ nói tiếp, giọng không bớt vẻ xoi mói, chờn vờn:

-         Ấy, bà để tôi nói, chưa hết đâu. Cô này hồi còn con gái có lấy một người chồng tên là Bằng ở phố Khách Nam Định. Nào bà tin chưa?

Bà Thơi tái mặt. Tin thì bà tin quá đi rồi. Nhưng làm sao anh ta lại thông chuyện nhà bà như ma xó trong nhà thế này. 

Như có luồng gió độc chạy dọc sống lưng, bà Thơi thấy người ơn ớn lạnh. Mân nói trúng quá. Người cháu mà Mân vừa nói ấy là con gái ông anh ruột của bà. Năm 1945, bố mẹ cô ta chết đói, để lại cô ta cho bà. Được cái lúc bấy giờ bà còn trẻ còn khỏe, lại chưa có gia đình. Hai cô cháu chỉ sống bằng củ chuối mà cũng qua được trận đói. Rồi mấy năm sau đó, cô cháu vẫn ở với bà. Cô xin bà đi buôn bán để có thêm đồng ra đồng vào góp với bà. Thấy cháu đã lớn, thêm giặc giã càn quét liên miên, đời sống gia đình ngày một thêm khó khăn nên bà Thơi đành phải đồng ý.

Từ đó, cô cháu gái bà được dịp ngược xuôi rong ruổi, nay Nam Định mai Thái Bình. Bấy giờ thực dân Pháp đã đánh chiếm được thị xã Thái Bình nhưng vùng nông thôn vẫn thuộc về ta và việc đi lại giữa hai vùng vẫn còn bình thường. Trong dịp này, cô cháu gái có quen thân với con trai một chủ hiệu buôn tạp hóa ở phố Khách Nam Định, rồi đám cưới hai người được tổ chức tại nhà trai. Những ngày ấy bà Thơi không được dự vì bà chưa mãn tang chồng. Bà ít gặp người cháu gái của bà từ đó. Năm 1954, vợ chồng nó di cư vào Nam. Bà Thơi coi như mất đi một đứa cháu vừa ruột thịt vừa có công bà nuôi dưỡng. Bà cũng quên dần đi chuyện đó. Và thực ra nó cũng chẳng có gì liên quan đến bà cả. Nhưng tới nay không hiểu sao Mân lại biết đến chuyện này. Hai chục năm nay, bà không nói với bất cứ một ai là bà có một người cháu như thế. Ngay với Thìn bà cũng không khoe. Vậy thì sao Mân biết được, trong khi Mân ở dưới này, quê chồng bà, con cháu bà ở quê bà trên kia, với lại vì sao anh ta trước khi nói chuyện Thiệp lại hỏi bà về chuyện này. Rõ ràng là có liên quan gì đây?...Liệu có thể như thế được không. Bà Thơi thử hỏi dò anh ta một lần nữa xem sao:

-         Vậy anh có biết con cháu tôi tên là gì không?

Mân nheo nheo mắt vờ suy nghĩ. Anh ta “à” lên một tiếng như vừa tìm ra điều bí ẩn:

-         …Liên, tôi nhớ ra rồi, tên cô ấy là Trần Thị Liên, phải không bà?

Bà Thơi lùi lại căng mắt nhìn Mân. “Trời,đến cái tên ngày trước nó chỉ ghi trong giấy tờ mà anh ta còn biết thì có cái gì mà giấu nổi anh ta”. Càng nghĩ bà càng thấy sợ hãi con người đang đứng trước mặt bà. Bà nghĩ ra một câu hỏi mà bà tin Mân sẽ chịu thua bà:

-         Vậy anh có biết con Liên còn có cái tên gì nữa không? Tức là cái tên thường gọi ở nhà.

Mân chưa trả lời ngay. Hình như anh ta đang cố nhớ lại.

-         Để tôi nhớ xem, hình như cô ấy còn có tên nữa là…Tý hoặc..Tẹo gì đó…

Bà Thơi lại hốt hoảng. Anh ta nói đúng. Bà Thơi nhìn anh ta như một người mê tín nhìn người thầy bói nói trúng tiền vận của mình và cũng từ lúc này bà hoàn toàn quy thuận Mân. Bà kéo Mân ngồi xuống rồi thì thào bên tai anh:

-         Anh Mân, tôi chịu anh rồi! Vậy xin anh cho tôi biết vì sao anh lại biết những điều đó.

Mân đứng lên với dáng bộ muốn bỏ ra về:

-         Đó là chuyện bí mật của tôi, bà chả nên biết!

Mân nhìn trừng trừng vào mắt bà. Con mắt của người uống rượu nhiều, vằn lên những tia máu màu đỏ trông đến khiếp. Mân đã bước đến chỗ bức mành mành. Bây giờ anh ta bỏ về ngay thì câu chuyện úp úp mở mở này còn dằng dai đến bao giờ. Nghĩ vậy bà liền chạy theo Mân lôi lại:

-         Thì anh hãy ở lại đây nói cho hết câu chuyện đã. Theo anh thằng Thiệp, con tôi giờ đây ở đâu?

Mân đã ngồi trở lại ghế. Thấy không thể để câu chuyện kéo dài nữa, Mân phải nói, nhưng vừa lúc ấy lại có tiếng bà Thiều nói từ ngoài ngõ:

-         Ối, bò nhà ai thả rông bứt hết giậu rồi này, cái bà Thơi đi đâu mà để nó phá phách thế vậy?

Mân luống cuống đứng dậy. Trước khi bước ra khỏi nhà, anh ta ghé tai bà Thơi nói nhỏ:

-         Thiệp đang ở với cô Liên trong Sài Gòn, bà nghe rõ chưa. Nhưng tôi cấm bà tiết lộ chuyện này với ai, kể cả bà Thiều.

Bà Thơi choáng váng như người bị say nắng. Bà bước vội đến chiếc giường và nằm vật xuống.

-         Gớm cái nhà bà này hôm nay có chuyện gì mà bỏ mành kín mít thế này?

Bà Thiều bước vào nhà vừa lúc Mân bước ra. Bà Thơi còn chưa biết nói sao về sự có mặt đường đột của Mân ở nhà mình thì Mân đã ranh mãnh nói luôn:

-         Thèm nước chè quá, tôi đánh liều sang xin bà Thơi một bát.

 Mân ba chân bốn cẳng bước vội ra ngõ. Chẳng cần biết Mân còn ở đây hay đi xa rồi, bà Thiều nói oang oang:

-         Bác nghe tôi, thừa nước đổ đi, còn hơn cho cái quân đểu cáng ấy uống. Ồ, nhưng sao bác lại như người bị cảm vậy?

Bà Thiều vội vàng đến sờ tay lên trán bà Thơi.

 NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác