NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 13 và 14)

( 05-04-2017 - 07:36 AM ) - Lượt xem: 948

Thìn nói cũng có lý. Nhưng đấy mới là cái lý bề ngoài. Còn cái sự thật bên trong nữa chứ. Chuyện Thiệp đang sống ở nhà con Liên là đúng hay sai? Nói lại chuyện này là đúng hay sai?

Chương 13

Ông Nhưng là chủ tịch xã Vũ Quý. Năm nay ông cũng trạc tuổi bà Thơi. Với ông Thơi ngày trước, hai người cùng ở đội du kích xã với nhau. Tuy vậy xưa nay bà Thơi chưa bao giờ lợi dụng vào mối quen biết cũ để làm một việc gì mưu cầu lợi ích riêng. Bà nghĩ càng quen thân bao nhiêu, càng phải giữ gìn bấy nhiêu.Căn nhà ông Nhưng như trăm nghìn căn nhà khác ở xã này. Nghĩa là nó chẳng có vẻ gì là giàu sang, cách biệt cả. Vẫn là cái nhà gỗ năm gian cũ kỹ mà gần đây ông Nhưng mới xây bao quanh bên ngoài một bức tường gạch.
Tóm lại là từ con người cho đến căn nhà đều gây cho người đến chơi một cảm giác thoải mái, dễ thông cảm với chủ nhân.
Ông Nhưng đang ngồi hút thuốc lào trên chiếc chõng tre đặt ngoài hiên nhà. Chiếc xe đạp Thống Nhất sơn màu xanh lá cây quen thuộc đã dựa sẵn ra ngoài hè, chứng tỏ chủ nhân của nó sắp sửa đi đâu. Thấy bóng bà Thơi tất tả từ ngõ đi vào, ông mỉm cười rít cho xong điếu thuốc, thở làn khói xanh mù mịt rồi mới niềm nở nói vọng ra:
- Chà, sao hôm nay rồng lại đến nhà tôm thế này? Tôi cũng đang nghĩ đến bà đây. Sao mà lại thiêng đến vậy.
Bà Thơi ngước mắt tìm chỗ treo nón rồi bẽn lẽn ngồi xuống cái ghế con đặt bên chiếc chõng tre. Bà ngước mắt nhìn quanh rồi hỏi:
- Ồ, bà nhà đi đâu rồi ông?
- Hình như đi chợ thì phải! Thế bà đã nhận được giấy mời đi họp chưa?
Bà Thơi sửng sốt:
- Họp gì vậy ông? Tôi chưa nhận được ạ.
- Chắc là chiều nay giấy mời mới tới bà. Chả là sắp tới có hội nghị các gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn tỉnh. Thường vụ đảng ủy xã nhà quyết định cử bà đi dự hội nghị đó. Bà cũng nên chuẩn bị một số ý kiến phát biểu về công việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái khi người chồng không còn.
Câu chuyện quay ngược lại ý định ban đầu của bà Thơi làm bà lúng túng không biết nên với gì với ông Nhưng. Thấy bà im lặng, ông Nhưng ngỡ bà đồng ý nên sôi nổi nói thêm:
-Bà cứ mạnh dạn, cứ nói hết những việc bà đã làm được, nghĩ sao nói vậy, đừng có hoa hòe hoa sói hay nhờ người viết cho đọc, nghe nó không lọt tai đâu bà ạ.
Ông Nhưng vừa dứt lời liền bị hẫng đi trước vẻ mặt u buồn của bà Thơi. Ông sửng sốt hỏi:
- Ồ, thế bà không muốn đi hội nghị à?
Bà Thơi còn biết trả lời thế nào. Hay là nhân lúc này, bà sẽ nói luôn cái ý nghĩ bà đã nẫu ruột nẫu gan bấy lâu nay. Nhưng trước cái cười hề hề, nửa như thông cảm nửa như khích lệ của ông Nhưng, bà không còn đủ can đảm để nói lên điều ấy nữa.
Bà Thơi nói theo ý của ông chủ tịch:
- Vâng, nếu xã cử, tôi đành phải chấp hành thôi. Nhưng…
Ông Nhưng xua tay:
- Đi là đi, không có nhưng, nhưng gì hết.
Bà Thơi cảm thấy xấu hổ khi ông chủ tịch hiểu sai ý nghĩ của bà. “Khổ quá, ông ơi, tôi có định nói thế đâu!”
Lúc ra về, bà Thơi cứ lầm bầm một mình câu nói ấy…

Chương 14

Bà Thơi hơi ngỡ ngàng, khi thấy có chiếc xe đạp của Thìn dựa ở ngoài hè. Sao hôm nay không phải thứ bảy mà Thìn lại về?
Thấy bóng mẹ về, từ trong nhà Thìn nhảy bổ ra:
- Bu đi đâu về sớm vậy?
- Bu lên xã có việc!
Bà Thơi gượng cười đáp lại.
Thìn vẫn vui vẻ:
- Ồ, giá con về sớm chút nữa thì tiện biết mấy.
- Có việc gì thế con?
- Phải xin bổ sung vào lý lịch bu ạ. Bọn bạn con nó bảo năm nay tuyển cán bộ đi học nước ngoài có khác năm trước. Tiêu chuẩn đầu tiên phải là học giỏi, thi cử phải đạt điểm cao. Còn trong khi học lực bằng nhau thì cứ đứa nào lý lịch kêu như chuông đứa đó thắng. Thế thôi.
Thìn nói một thôi một hồi. Bà Thơi thở dài, chống tay vào đầu gối bước lên bậc hè. Bà nhìn quanh, không thấy Hiền đâu, bà lấy làm lạ liền hỏi, Thìn trả lời:
- Ông Toàn cho người đến tìm chị ấy về có việc gì rồi.
Bà Thơi buồn hẳn đi, bà lặng lẽ bỏ võng xuống nằm. Bà nằm đó nhưng không ngủ, mắt lim dim nhìn lên nóc nhà và óc nghĩ tận đâu đâu. Bây giờ bà lại thêm một nỗi day dứt nữa. Con gái của bà gần đây lại đặt sự trông cậy quá nhiều vào cái chết của thằng anh nó. Nó muốn biến cái chết đó thành cây gậy để nó chống, nó bước dài trên đường đời. Có lẽ bà phải sớm cho Thìn biết rõ mọi chuyện để nó khỏi phải hy vọng nhiều, kẻo sau này thất vọng, lại cay đắng gấp bao nhiêu. Và có như thế, Thìn mới tự lượng được sức mình mà phấn đấu, mà tự mình rèn luyện cho thành một con người thực sự tốt. Ở một phía khác, không bị mang tiếng là con người man trá….
Thìn đã sắp cơm và mời mẹ xuống ăn. Bà Thơi ngồi vào mâm nhưng miệng đắng ngắt không sao nuốt được.
- Sao bu ăn ít vậy?
Thấy mẹ ăn uể oải, Thìn lo lắng hỏi.
Bà Thơi tự thú nhận với con về thể trạng của bà. Thìn vẫn nghĩ rằng mẹ chưa bớt nhớ thương Thiệp, cô chẳng biết nói thêm với mẹ thế nào cho phải nữa. Thìn cũng bỏ ăn và đứng lên cùng mẹ. Dọn dẹp xong, hai mẹ con cùng ngồi ở bàn uống nước. Có lẽ đây là dịp tốt nhất để bà nói ra những điều đó. Bà cứ đắn đo mãi, đến nỗi tưởng như cổ họng không sao mở ra được. Cuối cùng, bà cũng đã nói được nên lời:
- Này Thìn, bu có chuyện này…
Bà Thơi chưa bao giờ thấy nói chuyện với con mà lại khó nhọc đến thế. Bà dừng lại để thở, bộ ngực lép xẹp lên xuống rù rờ, chậm chạp. Thìn trố mắt nhìn mẹ. Cô cũng hồi hộp không kém. Xưa nay cô chưa bao giờ thấy mẹ có tình trạng này.
Và, bà Thơi đã nói hết, nói kỹ đền từng chi tiết của câu chuyện mà bà biết được trong cái đêm khủng khiếp ấy. Nói xong bà rũ người xuống mệt lả như người vừa gánh xong một gánh nặng trên quãng đường xa. Bà ngỡ Thìn cũng có cảm giác như bà. Nhưng không, cô lại khác hẳn. Sau này bà Thơi nhớ lại, sau khi nghe bà nói xong, thái độ của Thìn đã qua hai giai đoạn khác nhau.
Đầu tiên cô lăn ra giường, giãy đành đặch như đỉa phải vôi nhưng miệng lại không kêu to. Cô vẫn đủ minh mẫn để nhận ra chuyện này không thể làm ầm ĩ lên được. Nước mắt giàn giụa, cô đay nghiến bà cứ như bà là người gây ra tai họa.
- Khổ con quá bu ơi, tại bu đẻ ra anh ấy đấy mà. Thế này thì con còn ngóc đầu lên làm sao được. Trời ơi, bao nhiêu công lao phấn đấu của con. Ai còn dám kết nạp con vào Đảng nữa hả bu? Ai còn dám cất nhắc, đề bạt hoặc cho con đi học nữa, bu ơi… Anh ơi, sao lúc đó anh không tự sát đi cho rồi, anh còn cố sống làm gì để nhục nhã ê chề thế này, sống mà làm khổ bao nhiêu người thì thà chết đi còn hơn.
Nhưng đến tối hôm ấy, tức là sau một buổi chiều khóc lóc ầm ĩ một mình, với hai con mắt đỏ hoe và ráo hoảnh, Thìn đã nói với mẹ:
- Bu đừng có mà dại dột đem báo chuyện này với xã đấy nhá.
- Thế nhỡ ra lão Mân nó nói thì sao? Với lại, sau này chuyện vỡ lỡ thì mình lại hóa ra người man trá à con?
Bà Thơi muốn hỏi Thìn câu đã day dứt bà bấy lâu nay.
Thìn phản đối kịch liệt ý kiến của bà:
- Lão Mân ấy à? Bố bảo lão cũng không dám đi báo cáo xã. Người ta sẽ buộc cho lão cái tội lén nghe đài địch. Đi tù sớm. Còn chuyện bu sợ sau này người ta bảo mình là người man trá để nhận sự ưu tiên về mình ư? Đúng là một ý kiến lẩn thẩn của một bà già vô học (Cô đã xúc phạm bà. Bà biết nhưng bà vẫn cho qua)
Thìn nói tiếp:
- Con hỏi bu nhé. Một bên là sự chứng nhận rõ ràng như ban ngày của Đảng, của Nhà nước và của Quân đội về ngày giờ, địa điểm hy sinh của anh Thiệp với đầy đủ giấy tờ đàng hoàng như giấy báo tin liệt sĩ hy sinh, bằng khen, huy chương.. vân vân… Một bên là những lời lẽ khốn nạn từ cái đài phát thanh cũng khốn nạn của thằng giặc. Con thử hỏi, nếu là bu, bu sẽ nghe bên nào? Chẳng lẽ bu lại dựa vào luận điệu của thằng địch để rồi đấu đá, làm tội nhau hay sao?
Thìn nói cũng có lý. Nhưng đấy mới là cái lý bề ngoài. Còn cái sự thật bên trong nữa chứ. Chuyện Thiệp đang sống ở nhà con Liên là đúng hay sai? Nói lại chuyện này là đúng hay sai?
Thấy mẹ thần người ra, đoán được tâm trạng của mẹ, cô nói thêm cho mẹ yên lòng.
- Con đồng ý với bu là chuyện xấu kia có thể là thật nhưng xác minh được nó đâu phải ngày một ngày hai, nhất là trong lúc này, đất nước còn chưa thống nhất. Mà giả dụ có thống nhất đi nữa thì sau chiến tranh bao nhiêu công việc bề bộn lớn lao còn chưa làm hết, huống hồ một việc nhỏ con. Ai rỗi hơi bỏ công bỏ sức đi tìm kiếm, xác minh chuyện nhỏ nhen ở giữa cái thành phố Sài Gòn rộng lớn? Vậy thì việc gì mình phải lo nghĩ. “Bỗng dưng mua não chuốc sầu vào thân” phải không bu? Con nghĩ từ nay, tốt nhất là bu cứ tỉnh bơ, ăn no ngủ kỹ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn lão Mân thì thôi, từ nay mẹ con ta chiều chuộng hắn một tý chẳng sao. Ta trám cái miệng nó lại. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, phải không bu?
Thìn chấm dứt những lời nói với mẹ dài nhất từ xưa đến nay. Bà Thơi nghe xong vẫn thấy chưa thông câu chuyện. Nhưng thôi, bà cũng chẳng nói thêm nữa. Trước khi đi tìm diêm thắp đèn, Thìn còn dặn thêm bà:
- Sáng mai con phải đến trường rồi. Vậy ngay bây giờ bu lên nhà ông Nhưng xin chứng nhận thêm vào cái lý lịch cho con đi. Bu cứ mạnh dạn, tỉnh bơ đi.
Câu sau, Thìn nói pha trò cho bà Thơi vui vẻ, cho không khí giữa hai mẹ con bớt đi nỗi căng thẳng không nên có.
Chợt ngoài ngõ có tiếng bà Thiều:
- Bác ơi ra đây mà lấy thư này.
Thìn hớn hở chạy ra. Bà Thơi nghe thấy tiếng bà Thiều nói với Thìn ở ngoài ngõ:
- Anh Hòa chạy thư gửi tao cầm về đấy. Anh ấy bảo giấy mời mẹ mày lên tỉnh họp. Không phải thư của cái thằng gì ấy đâu mà chưa chi đã vội mừng.
Vào nhà Thìn bóc công văn đọc cho mẹ nghe.
- À, lúc sáng, ông Nhưng cũng có nói cho bu biết chuyện này. Ông ấy còn bắt bu phải phát biểu ý kiến nữa. Bu đang muốn từ chối.
Nghe mẹ nói thế, mắt Thìn sáng lên:
- Ồ, thế thì còn gì bằng nữa. Bu cứ nhận lời, con sẽ viết trước cho bu. Viết thật ngắn gọn để bu học thuộc lòng.
Trước khi bà Thơi cầm cái bản lý lịch đi gặp ông Nhưng, Thìn còn dặn thêm với mẹ:
- À, con cũng dặn trước bu điều này, kẻo sợ đến sáng mai ngủ dậy con quên mất. Lên tỉnh thế nào bu cũng gặp bác Thịnh, chủ tịch tỉnh ấy. Nhưng con khuyên bu không nên đem cái chuyện lôi thôi ấy ra kể đâu nhé. Không có, lúc vui chuyện trò, bu lại tì tì phun ra bằng sạch là chết con cháu đấy

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác