NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 12)

( 20-03-2017 - 03:24 PM ) - Lượt xem: 885

Cái đài ấy bậy bạ và hiểm độc lắm. Bà nhớ lại lời Hiền. Thế thì chẳng lẽ bà cứ đứng yên như người chịu trói để cái bậy bạ, cái hiểm độc ấy cứ hằng ngày giày vò bà, gây tác oai tác quái vào cuộc sống vốn bình yên của gia đình bà?

Chương 12

Nói ngược lại thế cho vui, chứ thật ra lâu này bà Thơi đã coi Hiền không khác gì con đẻ của bà. Bà lo lắng quan tâm đến Hiền từng việc nhỏ. Từ nay đời Hiền là đời bà. Trong con người bà lúc nào cũng diễn ra hai trạng thái giằng co, phải giữ Hiền ở lại, cô ấy sẽ sống với bà suốt đời. Sẽ ăn cùng, ngủ cùng với bà, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của đời bà. Nhưng ở phía khác, lúc khác, bà lại muốn Hiền phải ra đi, phải lấy chồng, phải có con, phải có hạnh phúc. Đời bà góa bụa lâu rồi, bà đã một hình một bóng ngay từ lúc còn trẻ, hơn ai hết, bà thấm thía nỗi hiu hắt trống trải ấy. Ý nghĩ thứ hai đã dần dần thắng ý nghĩ thứ nhất. Bà Thơi không bao giờ còn nghĩ Hiền sẽ là con dâu tương lai của bà nữa. Hiền là con đẻ thật sự, là em gái của Thiệp, là chị của Thìn. Bà phải có nhiệm vụ gả chồng cho Hiền như đối với Thìn. Tất nhiên, phía gia đình ông Toàn không cần đến điều này nhưng có sao đâu. Lương tâm bà bắt bà như thế.
Song tất cả những ý nghĩ ấy cũng chỉ có trước cái đêm khủng khiếp ấy, tức là trước cái đêm lão Mân gọi bà sang nhà. Sau đêm ấy, ý nghĩ của bà hoàn toàn đổi khác. Từ nay bà không có quyền mà thực tế bà không dám coi Hiền như con gái của bà nữa. Hiền sẽ bị nhơ nhuốc tấm thân trong như ngọc và ô uế một nền nếp gia đình thơm như hoa kia, nếu một khi còn gắn bó với nhà bà. Có lẽ bây giờ phải cứu lấy Hiền, bằng cách phải sớm cách ly cô ra khỏi hoàn cảnh của bà. Bà sẽ phải giúp cô cao chạy xa bay.
Thương Hiền, bà phải làm như thế. Tâm trạng bà Thơi hoàn toàn là tâm trạng của người mắc bệnh truyền nhiễm, thương con thương cháu thì phải sớm cho chúng cách ly khỏi mình.
Phải cứu lấy danh dự cho Hiền!
Bà phải sớm cho Hiền biết tường tận câu chuyện này.
Bà Thơi nghĩ đến cái máy thu thanh mà có lần Hiền khoe gần đây ông Toàn đã mua riêng cho Hiền để cô nghe tin tức ở cơ quan. Bà sẽ bảo Hiền một đêm nào đó, đem máy đến nhà bà, để hai người cũng nghe. Vừa qua, Mân có nói nhỏ với bà rằng đến tối chủ nhật tuần này, cái đài phát thanh khốn nạn trong kia sẽ phát lại cái chương trình hiểm độc ấy.
Bà chờ đợi Hiền về chơi là vì cái lý do ấy. Bà không hiểu sao chiều thứ bảy hôm ấy Hiền lại “lù lù dẫn xác” về, như cách nói vui của bà, mỗi khi có đứa con hoặc cháu về sau nỗi trông ngóng của bà. Bà Thơi giật mình thấy sự linh thiêng của điều bà cầu muốn. Hay là thằng Thiệp nó hy sinh thật và nó ứng mộng về để thanh minh những điều bà nghĩ sai về nó?
Sáng chủ nhật Hiền đến thăm bà. Cô nói giữa vườn chè:
- Mẹ ơi, cành chè này bị sâu rồi. Con bẻ nó đi mẹ nhé. À, nhà ta có dầu hỏa không mẹ? Con rót vào lỗ sâu một giọt là cu cậu phải chui ra ngay.
Hiền vào nhà đem chai dầu hỏa ra, lát sau cô mang về khoe với bà Thơi một con sâu to bằng ngón tay:
- Eo ơi, mẹ xem này.
Cô vứt con sâu cho con gà đang kiếm mồi ở góc sân. Đàn gà chạy xô lại rồi quang quác đuổi nhau. Hiền vỗ tay cười theo, vui như người đang xem chọi gà. Bà Thơi vui lây nỗi vui của Hiền.
Chiều hôm ấy bà Thơi đi đến quyết định việc bảo Hiền cho bà mượn chiếc máy thu thanh một tối mà cụ thể là ngay tối chủ nhật hôm nay. Đó là điều hết sức đơn giản và bình thường nhưng làm xong bà thấy mệt mỏi như người vừa làm một công việc quá sức.
Khoảng lúc gà lên chuồng, Hiền đem đài đến. Cô thành thạo mở máy cho tiếng nói phát ra. Gian nhà vốn lặng lẽ xưa nay, có tiếng hát, tiềng đàn rộn ràng làm vui vẻ ấm cúng hẳn lên. Bà Thơi nghe tiếng nhạc cứ thấy lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Bà bỗng nãy ra một ý nghĩ ngồ ngộ vui vui: “Ồ, thế ra ở chỗ hẻo lánh này, cái sóng điện ấy cũng đến được và nó mang đến được cho bà tiếng hát, tiếng nhạc, để bà khuây khỏa nỗi buồn”.
Người chạy sang với bà đầu tiên khi nghe thấy tiếng đài là bà Thiều, bà hớt hải:
- Người ta đang thổi cơm, nghe tiếng đài mừng quá, tưởng thằng Thiệp từ trong Nam về. Khốn khổ, mừng quá cứ run cả chân, cả tay.
Rồi đến đám trẻ con, chúng bu quanh chiếc đài vòng trong vòng ngoài. Ai cũng muốn đến chia vui với bà Thơi, niềm vui họ tưởng tượng sau khi Thiệp trở về. Mân cũng chui giậu mò sang. Tò mò nhìn đi nhìn lại cái đài. Anh ta vặn đi vặn lại cái núm tìm sóng rồi nói nhỏ vào tai bà Thơi lúc Hiền xuống bếp:
- Bà nhớ nhé. Đêm nay… Đêm nay, vào cái giờ hôm nọ…
Mân đi rồi, bà Thơi lại thấy hối hận về việc bà mượn về cái đài của Hiền. Lúc nãy bà vui bao nhiêu, bây giờ bà buồn bấy nhiêu. Tiếng nhạc càng làm bà thêm tủi hổ, thêm đau xót, não lòng…
Khoảng mười giờ đêm, hai người đàn bà tắt đèn đi ngủ. Chiếc đài để đầu giường phát ra tiếng nói nho nhỏ… Bà Thơi thả ý nghĩ mình theo những miền đất được nói đến trong những bài phát thanh. Bà hình dung nó theo cách hiểu của bà. Như thành phố thì nhà cáo cửa rộng. Nông thôn thì bát ngát cánh đồng. Bà lại nhớ tới Thiệp. Những vùng đất kia chắc Thiệp cũng đã có những lần đi qua.
Hiền đã ngủ.
Cô nằm nghiêng, đầu rúc vào nách bà, hai bàn tay ủ vào vạt áo bà, ngoan ngoãn và ngây thơ như một đứa trẻ.
Nhớ tới lời dặn của Mân khi nãy, bà hồi hộp thò tay xoay núm, định tìm cái mà Mân bảo với bà là làn sóng điện từ. Nhưng bà đã đụng nhầm phải cái núm nào đó, để âm thanh bỗng phát to lên, ầm ỹ chói tai. Bà Thơi không sao vặn cho nó nhỏ đi được. Bà lúng túng. Càng vặn nó càng kêu to, to mãi lên. May sao vừa lúc Hiền thức dậy. Cô mắt nhắm mắt mở ngơ ngác hỏi bà:
- Mẹ định tắt đài hay sao?
- Không, mẹ muốn…
Bà lúng túng không tìm được câu trả lời thích hợp.
Hiền vặn đài trở lại vị trí cũ rồi cô lại tiếp tục ngủ. Tưởng Hiền ngủ say, bà Thơi lại tiếp tục cái việc bà đang định làm. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này bà không xoay tay vào cái núm ấy nữa. Chiếc đài lại ọ ẹ kêu lên.
- Mẹ định nghe đài nào vậy?
Hiền vẫn chưa ngủ, bà Thơi buộc phải nói thật:
- Ấy là mẹ muốn nghe…cái đài…gì nhỉ….à cái đài… bảo là của Miền Nam ấy mà.
Nghe bà Thơi nói thế, Hiền tỉnh hẳn. Cô nói với bà Thơi như cô thấu suốt hết nỗi lòng của bà:
- Đừng mẹ ạ, cái đài ấy nó nói bậy bạ, hiểm độc lắm. Nghe nó không khéo đâm ra mình hoang mang, rồi anh em bạn bè lại nghi ngờ nhau. Nhất là cái mục: “Nhịp cầu thương yêu” ấy.
Hiền đã nói thế bà còn biết nói gì nữa. Bà đành ngoan ngoãn làm theo lời Hiền. Cái đài ấy bậy bạ và hiểm độc lắm. Bà nhớ lại lời Hiền. Thế thì chẳng lẽ bà cứ đứng yên như người chịu trói để cái bậy bạ, cái hiểm độc ấy cứ hằng ngày giày vò bà, gây tác oai tác quái vào cuộc sống vốn bình yên của gia đình bà? Chẳng lẽ chỉ một lão Mân, giở lương thiện giở lưu manh và nát rượu kia đủ sức giết dần giết mòn bà, đủ sức gây cho bà những sợ sệt và ép buộc bà vào những điều kiện này nọ hay sao? Phải làm sáng tỏ chuyện này. Bà phải khui ra, mở toang nó ra cho mọi người nhìn thấy nó, càng tường tận càng tốt! Nhưng như thế có lợi gì? Bà nghĩ lại. Biết đâu có kẻ ghét bà, muốn hại bà lại chả bám vào chuyện này để gây sự nghi kỵ, dèm pha, tách biệt bà ra khỏi làng xóm và những bà con thân thiết của bà? “Chờ được vạ thì má đã sưng”. Đợi đến bao giờ người ta mới thanh minh cho bà? Như vậy trước sau chỉ đem lại điều bất hạnh cho bà, cho con cái bà mà thôi. Chẳng nói đâu xa, ngay ngày mai thôi, sau khi bà nói chuyện ấy ra, mọi người sẽ nhìn bà bằng con mắt khác hẳn, sẽ khinh rẻ gọi bà là “mẹ thằng phản bội” hay “bà mẹ liệt sĩ giả. Ôi, hóa ra lâu nay chúng tôi kính trọng nhầm bà rồi”. Nhà bà sẽ vắng tanh vắng ngắt. Nhà bà sẽ không còn một ai đến chơi! Song nỗi khổ ấy với bà, bà còn chịu được, chứ đến con bà thì không biết nó có chịu nổi hay không? Vì bà già rồi, gần đất xa trời rồi! Còn bọn trẻ, tương lai nó còn dài lắm. Không biết nó có ngóc đầu lên được không, với cái lý lịch bần thỉu ấy? Thìn đang phấn đấu. Thìn đang tiến bộ. Nó sẽ còn tiến xa nữa, nếu không…
Nước mắt ở đâu lại ứa ra giàn giụa mắt bà. Bà vội quệt nó vào chăn. Nhưng rồi người chịu thiệt thòi, đắng cay nhất lại là Hiền, bà Thơi nghĩ tiếp. Hiền sẽ bị dư luận chê cười là con người thả mồi bắt bóng. Một người lội ao định bám vào cái cọc để bơi, ai ngờ lại hóa ra cọc mục. Bà đau xót thay cho Hiền, khi nghĩ đến vẻ mặt ông Toàn giễu cợt, đay nghiến con: “Đấy mày thấy chưa? Cá không ăn muối cá ươn!” Rồi còn những đứa con trai xưa kia vẫn theo đuổi Hiền, chúng nó chả “múa tay trong bị” và ca hát: “Hà , tưởng cây cao lá dài gì. Ai ngờ lại thế”. Và ông Toàn sẽ tìm cách gả chồng cho Hiền, với một đám cưới to nhất xã. Ông ta sẽ mời bà sang dự để cho bà chết đi từng khúc ruột. Ông ta sẽ trả thù bằng tất cả sự bực tức hả hê của một kẻ tưởng thua mà lại hóa ra thắng trận.
Vậy việc gì bà phải nói cái chuyện ấy ra. Liệu có thêm một người nào, ngoài Mân biết chuyện này không nhỉ? Chắc không đâu? Vậy việc gì bà phải sợ?
Đến gần sáng. Mân lại chui giậu lần sang. Biết trong nhà có Hiền, Mân nháy mắt bà ra vườn chè, nói nhỏ:
- Đêm qua bà có nghe thấy không?
Bà Thơi lạnh lùng lắc đầu:
- Không, có con Hiền nên nghe không tiện.
Mân cười. Anh ta vội chộp lấy miếng “hở sườn” của bà Thơi vừa rồi, để tấn công lại bà. Anh ta nói thật to hình như cốt để cho Hiền trong nhà nghe thấy.
- Đúng, bà làm thế là đúng. Cô Hiền nhà ông Toàn, chủ tịch huyện biết thì còn ra cái thể thống gì nữa.
Bà Thơi biết Hiền không ở trong nhà. Cô đang quét tước ở tận ngõ ngoài. Cái giọng điệu của Mân vừa rồi thật là độc ác.
Bà Thơi trừng mắt hỏi Mân, giọng cộc lốc:
- Anh sang đây có việc gì?
Bứt mảnh lá chè non cho vào mồm nhai ngấu nghiến, Mân trơ trẽn nói luôn:
- Mai tôi lợp lại cái mái nhà. Bà cho tôi giật tạm vài trăm đồng, sang tháng sau bán lợn tôi sẽ trả. Với lại bà cũng nên ủng hộ tôi dăm nón chè.
Bà Thơi hốt hoảng:
- Ấy chết, anh tưởng tôi nhiều tiền lắm sao mà lúc nào cần là có ngay!
Mân cười nham hiểm:
- Bà đừng giấu tôi. Bà mới lĩnh tiền trợ cấp bà mẹ liệt sĩ cô đơn.
Nghe Mân nói đến món tiền ấy một cách tỉnh khô, bà Thơi thấy có một cái gì xúc phạm tới vong linh của Thiệp, không hiểu sao lúc này bà lại cho rằng Thiệp đã chết, nhưng mặt khác, bà lại bực bội vì số tiền này như nhiều người đã biết, hợp tác xã đã dùng nó mua gạch cho bà, dù bà không muốn. Anh ta không biết sao mà còn nói thế. Bà Thơi giận run người nhưng bà đã kìm lại được:
- Sao anh lại nỡ đem cái tiền xương máu ấy ra mặc cả với tôi.
Mân cũng chẳng vừa. Anh ta mỉa mai hỏi lại:
- Xương với máu. Bà vẫn còn tin ở điều đó à?
Nói đoạn, anh ta lùi lũi bỏ về. Đi ngang qua chỗ giếng nước thấy Hiền đang rửa chân tay, anh ta liền buông ra một câu lửng lơ:
- À, tôi hiểu rồi, bà gom lại, để sau này đem ra trả lại xã chớ gì?
Hiền nghe thấy câu đó. Sau khi Mân đã chui qua lỗ giậu, cô chạy vào nhà hỏi bà Thơi:
- Lão Mân nói cái gì có vẻ đe dọa thế mẹ?
Bà Thơi không còn biết nói với Hiền sao được, đành bực tức ném theo một câu chửi đổng:
- Đồ khốn nạn!
Lần đầu tiên thấy bà Thơi nổi nóng vì người khác trước mặt mình, Hiền cảm thấy sờ sợ. Cô không dám hỏi thêm nữa. Sau đó nhân lúc Hiền ra ao giặt chiếu, bà đã chui qua lỗ giậu sang với Mân, điều mà bà không muốn chút nào:
- Thôi được, tối nay sau lúc con Hiền nó về, anh sang nhà tôi. Nhưng nhớ là tôi chỉ chịu với anh lần này nữa thôi đấy nhé. Lần sau tôi kệ thây rồi muốn ra sao thì ra. Đấy anh xem chè tôi, lá đang non bấy thế kia mà tôi phải hái cho anh có xót ruột không chứ?
Khi về nhà nghe Hiền hỏi, bà Thơi liền nói tránh đi:
- Anh ta lại đòi mượn thêm mấy trăm viên gạch nữa nhưng tao không chịu.
- Đúng mẹ phải thế mới được, không có anh ta được đằng chân lại lân đằng đầu.
Câu nói của Hiền lúc đầu làm cho bà Thơi thấy ngượng như người nói dối. Nhưng sau đó chính nó lại như một ngọn gió thổi vào đống than của lòng bà. Một nỗi tức giận lại được dịp ngời ngời dâng lên. Mẹ nó, cái thằng này còn định đem chuyện con bà ra làm tiền đến bao giờ nữa và định làm tới mức nào? Gạo, gạch, tiền, chè…đủ thứ rồi, anh ta đã đòi và bà đã đáp ứng tất cả. Nay mai anh ta sẽ đòi cả cái nhà này và cả đứa con gái độc nhất của bà chăng? Và bà cũng phải đáp ứng đầy đủ hay sao? Đã vậy thì phen này, lành làm gáo vỡ làm muôi, bà sẽ làm tanh bành mọi chuyện cho nó muốn ra sao thì ra. Dù danh dự của bà bị mất hoàn toàn, dù con Thìn có bị đuổi khỏi cơ quan, dù con Hiền có bị người đời mai mỉa…thì bà cũng làm cho trắng ra trắng, đen ra đen, chứ cứ sống trong cảnh trong đục nhờ nhờ này, cứ bị nỗi giày vò làm cho hao tâm tổn trí thế này bà không chịu được. Bà phải lên gặp chính quyền.
Bà Thơi vào nhà lẳng lặng cầm nón ra đi. Hiền nhận thấy bà có một cử chỉ hơi khác thường liền bối rối chạy theo:
- Cơm con nấu xong rồi. Mẹ ăn lấy một bát rồi đi đâu hãy đi, mà mẹ đi đâu vậy?
Bà Thơi không muốn giấu Hiền. Nhưng lúc này nói chưa tiện, bà đành nói nước đôi:
- Mẹ lên xã có chút việc. Con cứ ăn cơm trước đi.

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác