NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 11)

( 10-03-2017 - 05:59 PM ) - Lượt xem: 987

Nhiều lần con mắt bà vô tình chạm phải tấm bằng “Tổ quốc ghi công” lồng trong khung kính đặt trân trọng trên bàn thờ, và ở góc trái, tươi rói tấm ảnh nửa người của Thiệp. Nếu như trước kia nhìn vào đó, lòng bà nổi lên một niềm kiêu hãnh thầm kín rồi tiếp theo là nỗi nhớ thương thì giờ đây lại là sự tủi hổ, một nỗi giận hờn, chua chát.

Chương 11

Lại một lần nữa, Mân làm cho bà Thơi sợ run lên. Bà vừa định đi ngủ, Mân lại chui qua lỗ giậu lẻn sang. Dưới ánh trăng thu mờ mờ, lúc đầu bà giật mình tưởng là trộm vào nhà và định kêu toáng lên nhưng sau nhận ra Mân, bà vẫn không hoàn hồn, lưỡi cứ líu lại. Mân vẫn cố tình làm như không biết đến điều đó, vẫn cứ lúi cúi vào trong nhà rồi ghé miệng vào tai bà nói nhỏ:
- Chốc nữa, khoảng mười một giờ khuya bà sang nhà tôi, tôi nói với bà chuyện này.
- Cái gì? Anh định nói gì, nói luôn đi.
Vẫn vẻ nham hiểm, Mân cười nửa miệng:
- Không được, chuyện này không nói ở đây mà cũng không thể nói lúc này được. Mặc dù, chuyện tôi sắp nói với bà không có chuyện gì khác ngoài chuyện chú Thiệp đâu.
Để bà Thơi đứng một mình như trời trồng giữa nhà, anh ta lại uốn mình chui qua lỗ giậu.
Bà Thơi cứ đứng thần người ra như thế. Thế này là thế nào nhỉ? Lão Mân sẽ làm cái trò gì trong đêm nay? Hay là chốc nữa bà không sang nhà nó nữa, xem nó làm gì bà. Nhưng thật tình thì Mân có làm gì bà đâu. Anh ta chỉ cho bà biết thêm tin tức về Thiệp thôi mà. Vậy có gì bà phải sợ? Nhưng rồi bà cứ thấy sợ, vì hình như trong chuyện này có điều gì không bình thường, cứ như có mưu đồ xấu xa gì mà với một người đàn bà gần suốt đời không ra khỏi làng như bà, không thể nào hiểu nổi. Để cho gian nhà bớt đi sự trống trải, bà Thơi vặn cho ngọn đèn hoa kỳ sáng lên. Dưới ánh đèn nhập nhoạng nửa sáng nửa tối, bà Thơi càng cảm thấy nó bí hiểm hơn, càng cảm thấy như quanh nhà bà có hàng trăm ngàn con mắt ma quái đang nhìn vào và bà chỉ cần có một cử chỉ nhỏ hay một ý nghĩ khác thường ở trong đầu là những con mắt ấy đều nhìn thấu hết. Bà Thơi lại nghĩ đến bà Thiều. Không hiểu sao hôm nay bà Thiều không sang với bà.
Bà Thơi khép cánh liếp lại rồi lùi lũi đi sang nhà bà Thiều. Đêm tối, ngõ sâu hun hút, lập lòe những ánh đom đóm. Tiếng ếch nhái kêu ran bờ ao.
Có bóng người nhập nhoạng đi ngược lại. Bà Thơi nhận ra ngay bà Thiều. Tiếng gậy chống lộp cộp xuống mặt đường. Sợ đến gần dễ làm bà Thiều giật mình, bà Thơi hắng giọng từ xa.
- Ai như cô Thiều? Cô đi đâu từ tối đến giờ làm tôi mong mãi.
Bà Thiều thở dài:
- Ối giời ơi, tôi ra cháu, nó giết con gà cứ bắt ở lại bằng được. Khốn khổ, ăn thịt gà răng không còn, nhai trệu nhai trẹo, có còn biết ngon là gì đâu, nhưng nó nhất định không cho về, lại còn bắt ở lại đấy ngủ với con nó nữa chứ. Tôi mới bảo: “Chúng mày không cho tao về thì tao bỏ bà Thơi cho ai”. Nó bảo vậy thì đón cả bà Thơi ra đây cho vui nhưng tôi không chịu.

Bà Thiều nói một thôi một hồi, cứ như là từ sáng đến giờ bà phải nhịn mồm nhịn miệng, bây giờ mới có dịp sồ ra.
Hai người trở lại nhà. Bà Thơi có bà Thiều ở bên lại thấy có niềm vui trở lại.
- Này cô ạ…
Nghĩ đến chuyện Mân hẹn gặp vào lúc mười một giờ đêm nay, bà Thơi thấy nhoi nhói trong lòng. Bà cứ định nói chuyện này với bà Thiều để san sẻ bớt đi gánh nặng của lòng bà nhưng nhớ lại lời dặn của Mân: “Chuyện này bà không nên cho ai biết, kể cả bà Thiều”. Bà lại thấy tốt hơn hết là thôi không nói nữa.
- Bác bảo gì?
Nghe thấy bà Thiều hỏi, bà Thơi vội vàng nói lảng sang chuyện khác:
- Ngày mai cô có đi chợ không. Nếu có, mua giùm tôi mấy hào con giống rau riếp nhé.
Ngồi chơi với bà Thơi một lúc, bà Thiều đứng dậy ra về. Lúc ấy bà Thơi nửa muốn giữ bà Thiều lại để sau lúc mười một giờ đêm nay có điều gì bà sẽ cầu cứu bà Thiều nhưng nửa khác lại muốn bà Thiều đừng có mặt. Vì thế, khi bà Thiều bước chân ra khỏi nhà, bà Thơi lưỡng lự trong giây lát rồi mới mạnh bạo chạy ra kéo bà Thiều vào nhà.
- Đêm nay cô ở lại với tôi.
Bà Thiều không nỡ từ chối.
Hai người tắt đèn đi ngủ. Lúc đầu họ còn rì rầm chuyện trò nhưng sau đó bà Thiều chỉ còn biết ậm ờ trả lời những câu bà Thơi hỏi và cuối cùng là im hẳn. Một con người quả là vô tâm vô tính, lúc nào cũng cười cũng vui vẻ nên giấc ngủ đến cũng dễ dàng như những nụ cười. Bà Thơi nghĩ miên man. Bà khẽ sờ tay lên mũi bà Thiều. Tiếng thở nhẹ và đều thế này là đã ngủ say. Bà Thơi khẽ đập tay lên vai bà Thiều lần nữa xem sao. Sau khi nắm chắc rằng với giấc ngủ thế này thì đến khiêng cả người ném xuống ao, bà Thiều vẫn không hay, bà Thơi mới nhẹ nhàng ngồi dậy, quơ chân tìm dép rồi lẳng lặng mở mành bước ra.
Trăng giữa tháng sáng đến lạnh người. Tiếng chó sủa xa xôi thảng thốt càng làm cho đêm khuya vắng vẻ hơn. Cảnh vật im lìm đến nỗi bà Thơi lo chỉ động khẽ vào cũng rung lên thành tiếng, có thể đánh thức được làng xóm dậy. Bà còn có cảm giác như tiếng thở của bà đêm nay nó cũng to hơn ngày thường.
Bà Thơi bước vào con ngõ nhà Mân lúc nào không hay.
- Chưa đến giờ bà ạ!
Bà Thơi giật mình. Từ một góc nào, tiếng Mân lào thào nghe như là từ bóng tối phát ra. Bà Thơi hốt hoảng quay ngoắt người lại. Bà sợ hãi trở lại nhà mình. Bà sợ bà Thiều thức dậy không thấy bà đâu, lại bồ quáng bổ quàng đi tìm!
Bà Thơi ngượng ngùng khẽ mở bức mành mành, bước vào trong nhà. Rất may là bà Thiều vẫn còn ngủ say. Bà Thơi ngồi một mình trong bóng tối, lắng nghe mọi động tĩnh bên ngoài. Một con dơi đập cánh vào sợi dây thép làm rung lên một tiếng “keng” khe khẽ. Một con bướm ở đâu bay lọt vào bóng đèn, giãy xè xè, làm đèn vụt tắt và bà Thơi sợ run lên. Cả gian phòng bỗng tối om như trong hầm bí mật. Bà Thơi đưa tay sờ soạng tìm kiếm bao diêm vẫn gối ở đầu giường, có tiếng kêu lọc xọc đâu đó. Bà bật diêm, khum bàn tay che ánh sáng cho khỏi chói mắt bà Thiều. Nhưng bà Thiều đã thức giấc từ bao giờ và cất tiếng hỏi bà:
- Bác vẫn chưa ngủ à? Còn dậy làm gì?
Bà Thơi giật thót người nhưng bà đã nghĩ trước được một câu trả lời:
- Tôi nghỉ con lợn nái hôm nay trở dạ đẻ cô ạ.
Bà Thiều lại nói trong cơn ngái ngủ:
- Ờ, nếu nó đẻ, bà gọi tôi cùng dậy nhé!
Rồi bà Thiều lại ngủ ngay được.
Bà Thơi lại trở sang nhà Mân. Vợ con Mân vẫn còn ngủ say. Gian nhà tối om tối mò. Mân rờ rẫm cầm tay dắt bà Thơi đến ngồi lên chiếc ghế đã kê sẵn bên chiếc giường ngủ của Mân. Mân vặn to ngọn đèn hoa kỳ lên. Qua làn ánh sáng yếu ớt, bà Thơi thấy giữa giường lù lù một đống chăn chiếu. Bà Thơi nín thở theo dõi từng cử chỉ của Mân. Bà không thấy anh ta thắp hương khấn vái hay làm phù phép gì, chỉ thấy chốc chốc lại ghé sát mắt vào chiếc đồng hồ đang đeo ở tay. Mỗi lần xem đồng hồ là một lần anh ta thì thầm: “Còn mười phút nữa… Còn năm phút nữa”. Bà Thơi càng hồi hộp hơn. Cái gì mà phải có giờ có giấc thế này? Mân cứ cầm tay kéo bà ngồi sát mãi vào đống chăn chiếu. Mọi cử động, bà Thơi đều nhất nhất làm theo anh ta như một cái máy.
Bà nhích thêm chút nữa đi. Thôi thế được rồi. Nào bà hãy lắng tai. Cái điều mà lâu nay bà sốt ruột chờ mong sắp tới rồi. Nào! Nhưng bà hãy nhớ kín đáo giữ mồm giữ miệng không chết cả đám đó nghe chưa? Bà Thơi chỉ còn biết gật đầu cho qua chuyện.
Trong bóng tối, bằng cử chỉ nghiêm trang bí hiểm như phù thủy bắt quyết âm binh, Mân thò tay xuống dưới chiếc chăn chiên. Đến khi từ trong chăn phát ra một tiếng kêu lọc xọc, bà Thơi mới chợt hiểu ra.
Cái đài ! Bà định kêu tướng lên: “Ối giời ơi, tưởng cái gì, hóa ra cái này mà anh cứ chơi trò ú tim tôi mãi với tôi. Thì anh cứ nói thẳng ra là anh rủ tôi nghe đài có phải đỡ làm tôi lo lắng đến gầy mòn đi không?”
Nhưng Mân biết trước phản ứng của bà, đã đập nhẹ tay lên lưng bà:
- Đó, đến rồi. Bà hãy chú ý.
Bà Thơi căng tai, nín thở để nghe. Cả Mân cũng vậy, hai người chỉ còn nghe rõ tiếng thở và tiếng tim đập của nhau.
Sau chuỗi dài tiếng đàn bầu là tiếng một đứa con gái giọng nhẽo nhợt:
“Bây giờ là 23 giờ, giờ Hà Nội, tại phòng ghi âm của chúng tôi” rồi sau mấy tiếng “tút tút” như khoan vào lỗ tai người ta là tiếng ma quỷ trong hang đá: “Nhịp cầu thương yêu – Nhị…ịp..c…ầu….thư…y…êu…”
Mân vỗ mạnh tay vào vai bà. Tim bà Thơi lại một lần thót lại. Hình như nó chết lặng rồi, nó không còn đập trong lồng ngực nữa… “Mời bà Trần Thị Mùi tức bà Thơi, ở làng… tổng, quận…tỉnh…nghe tin con là Phạm Văn Thiệp…”(sau đó là một giọng đọc Miền Bắc): “Cháu là Trần Thị Liên tức Tý nhắn tin cho cô hay: Em Phạm Văn Thiệp đã trở về chính nghĩa quốc gia. Hiện em Thiệp đã đươc cháu bảo lãnh, về nuôi nấng chăm sóc tại gia đình cháu, tại nhà riêng số..quận Gò Vấp, thủ đô Sài Gòn…”.
Đoạn tin chỉ ngắn gọn và sơ sài như thế nhưng quả nó đã thành một hòn đá tảng đè nặng lên người bà Thơi. Cái cảm giác của bà lúc này hoàn toàn là cảm giác của một người đã bị ốm mà khi tiêm lại còn bị “sốc” thuốc. Bà Thơi còn nghe thấy cái đài nói léo nhéo thêm mấy tiếng nữa. Lúc này bà thấy cái đài kia chẳng còn là một vật vô tri vô giác mà là một gã, một mụ người hẳn hoi, một lũ lưu manh côn đồ, đang kêu la, gào thét trong chiếc chăn đơn hôi rình và cáu bẩn của lão Mân say rượu kia.
Bà Thơi đập mạnh tay xuống giường rồi ngã soài như một cây chuối bị bão làm đổ. Mân sợ quá. Anh vội tắt đài.
Gian nhà vắng lạnh một cách ghê rợn. Bà Thơi nghe rõ mồn một tiếng vợ con Mân ngáy đều đều trên chiếc giường bên cạnh. Bà Thơi thấy máu nóng bốc lên. Vợ con anh ta, anh ta để cho ngủ yên lành, êm ấm thế kia. Trong khi anh ta lại giày vò mình như thế này. Bất ngờ bà Thơi đứng bật dậy, nắm chặt lấy cổ áo Mân kéo mạnh anh ta ra sân. Mân không biết chống đỡ ra sao, đành co rúm người lại, ngoan ngoãn đi theo bà, như một con chó bị người ta quàng vào cổ sợi dây xích lôi đi.
- Anh nghe đài giặc. Anh định…hại tôi, tôi sẽ…tôi…
Bà Thơi thở hổn hà hổn hển, cứ nắm chặt lấy cổ áo Mân mà day mà giật. Chắc hẳn hai con mắt bà lúc này phải long lên dữ dằn nhưng vì trời tối nên Mân không trông thấy. Một lúc sau, Mân giả vờ bình tĩnh, hề hề cười đáp:
- Tôi làm phúc cho bà, bà không biết sao, còn trách móc tôi.
- Phúc gì, mày định hại tao, tao sẽ đi báo xã cho mày vào tù.
Bà Thơi vẫn chưa nguôi cơn giận. Mân vẫn cười nhưng lần này anh ta nói cay độc hơn:
- Này, cái nhà bà có con đi theo giặc mà lại mạo danh là mẹ liệt sĩ kia, khôn hồn thì câm cái mồm đi. Chuyện này vỡ lỡ ra thì tôi chết hay bà chết?
Anh ta nói có vẻ đúng. Nếu anh ta nói ra thì tiếng xấu muôn đời vẫn là nhà bà chứ không phải anh ta. Bà chịu thua anh ta. Còn biết làm sao được!
Có tiếng đứa con nhỏ của Mân khóc hấm hích trong giường và tiếng ru con ngái ngủ của vợ Mân. Bà Thơi vội buông tay ra khỏi cổ áo Mân rồi lảo đảo bước thấp bước cao về nhà…
Ý nghĩ về một đứa con phản bội cứ như một con đỉa đói bám chằng lấy bà Thơi. Không lúc nào bà không thấy nó cồm cộm bên người, kể cả bữa ăn, giấc ngủ. Nhưng khổ cho bà cái tâm trạng u uất này, bà không dám thổ lộ với ai cho nó bớt đi nỗi nặng nề. Thành ra thời gian qua đi nó đã không vơi được mà còn ngày một tăng lên. Bà cố giấu nhưng cũng chỉ giấu được ý nghĩ, chứ nét mặt bà không giấu nổi ai. Người bà mỗi ngày một gầy rộc đi, hai mắt hõm sâu xuống.
Thấy bà vậy, nhiều người lo lắng. Không một ai lại không nghĩ rằng, chính cái chết của Thiệp đã gây cho bà sự thay đổi ấy. Vì thế mọi người càng ra sức chăm sóc bà hơn. Và bà cũng lại vì thế mà đau xót hơn.
Một hôm bà Thiều lên xã về, tay xách một chai mật ong. Chưa về đến nhà, bà Thiều đã oang oang từ ngõ:
- Bác có quà của xã thăm hỏi đây này. Các cụ phụ lão gửi cho.
Bà Thơi đang ngồi vá áo trong nhà nghe thấy nhưng lặng thinh không nói gì, khiến bà Thiều tưởng mình không nói rõ ý nên đã đặt chai mật ong lên mặt bàn, rồi chỉ tay vào chai nói rõ thêm:
- Các cụ phụ lão gửi tôi cầm về trước cho bác.Còn cụ hội trưởng sẽ đến nhà thăm bác sau.
- Vâng.
Bà Thơi chỉ lạnh lùng đáp lại một tiếng làm bà Thiều cứ ngẩn người, áy náy không biết trong cách nói năng của mình hôm nay có điều gì không phải.
Lại một hôm các em đội viên thiếu niên của hợp tác xã Quyết Thịnh đến múc nước giếng đổ đầy vào bể nước nay đã cạn trơ đáy của bà. Tuổi nhỏ nhạy cảm, khi về chúng cứ thì thầm với nhau là: “Không hiểu bà Thơi hồi này làm sao ấy? Như có ý không muốn cho chúng mình tới giúp bà nữa?”.
Lại một lần, Hiền ở cơ quan về, khoe với bà vào đúng lúc hai mẹ con vừa ngồi vào mâm ăn cơm: “Mẹ à, con được biết rõ trường hợp anh Thiệp rồi”.
Bà Thơi chột dạ. Hay nó biết chuyện ấy?
Bà bỏ bát đũa xuống thẫn thờ nhìn Hiền, mặt tái đi, trong khi cô đang kể rất vô tư: “Ồ, mẹ lại làm sao vậy?”. Hiền tự trách mình đã đem chuyện không vui ra khoe không đúng lúc. Cô thôi không nói nữa. Cô không ngờ chính vì thế lại càng làm khổ bà Thơi. Bà cứ chống đũa lắng nghe. Hiền sợ quá bèn kể sang chuyện khác. Thấy vậy bà Thơi liền giục:
- Kể cho hết chuyện kia đã nào!
Bà Thơi nói hơi xẵng một chút. Xưa nay chưa thấy bà như thế bao giờ với Hiền. Buộc lòng, cô phải kể tiếp chuyện đang nói dở.
Thì ra có gì đâu. Hiền nói lại nội dung bức thư của người cháu gửi cho ông Toàn mà cô ngỡ là ông Toàn chưa cho bà biết. “Có vậy mà nó làm người ta thắt cả ruột cả gan”. Bà Thơi lầm bầm một mình.
- Nhưng mẹ ạ. Mẹ cũng không nên buồn nữa. Đời người ai chả có một lần chết. Cái chết của anh Thiệp là cái chết làm mát mặt người còn sống, làm vẻ vang gia đình.
Bà Thơi không ngờ Hiền lại nói thế. Và Hiền cũng hoàn toàn không ngờ cả hai câu nói của mình đã như người nướng chả, đốt cháy bên này, lại lật sang đốt cháy bên kia.
Ăn xong bà Thơi đi nằm ngay. Hiền hoảng lên, tưởng bà bị cảm sốt liền chạy đilấy thuốc cho bà. Cô còn tìm cả lá nấu nước cho bà xông. Nhưng bà từ chối tất cả. Hiền cứ áy náy mãi.
Từ đó Hiền ít khi đem chuyện Thiệp ra kể trước bà Thơi. Nhưng đâu phải vì thế mà làm nguôi được lòng bà, nhất là mỗi khi bà không có việc đồng áng, phải nằm nhà một mình, ý nghĩ vẫn vơ hay trở đi trở lại. Nhiều lần con mắt bà vô tình chạm phải tấm bằng “Tổ quốc ghi công” lồng trong khung kính đặt trân trọng trên bàn thờ, và ở góc trái, tươi rói tấm ảnh nửa người của Thiệp. Nếu như trước kia nhìn vào đó, lòng bà nổi lên một niềm kiêu hãnh thầm kín rồi tiếp theo là nỗi nhớ thương thì giờ đây lại là sự tủi hổ, một nỗi giận hờn, chua chát. Và cũng từ lâu, bà không thắp hương lên bàn thờ của Thiệp nữa. Nó còn sống sờ sờ kia mà. Nó đang vui vẻ, chơi bời thỏa thích với chị nó, với cái thành phố Sài Gòn xa lạ mà bà nghe đồn là rất mực xa hoa, rất mực phè phỡn kia, sao bà lại đi thắp hương thờ nó? Chính vì thế có lần bà Thiều, do không hiểu lòng bà, nhân chuyện một đêm nằm chiêm bao thấy Thiệp “về”, hôm sau đã tới trước bàn thờ Thiệp thắp hương rồi khấn vái rất kính cẩn, bà Thơi cản không được đã lấy tay gạt mạnh một cái, mấy que hương rơi tung tóe xuống nền nhà. Bà Thiều tròn xoe mắt kêu lên: “Ồ, cái bà này hôm nay làm sao vậy, điên à?”. Bà Thơi chợt nhận ra mình nổi giận vô lý, liền ngượng ngùng cúi xuống nhặt từng que hương đưa lại cho bà Thiều.
Trong dịp này có một lần Mân lại chui giậu mò sang. “Nam mô, lại có chuyện gì đây?”. Bà Thơi thấy đau nhói như lại mọc nhọt trong tim mình. Nhưng lần đó Mân không nói gì. Anh ta chỉ nhìn chăm chú vào đống gạch hợp tác xã vừa bán cho bà theo tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ rồi nói thẳng với bà, chả cần úp mở gì:
-Tôi xây cái giếng, thiếu ít gạch, bà cho tôi mượn mấy trăm viên nhá.
Tất nhiên bà Thơi không thể từ chối, mặc dù bà biết sẽ không bao giờ có chuyện Mân trả gạch cho bà.
Hôm sau Thìn ở trường về. Biết chuyện Mân làm, cô bực lắm. Anh ta ăn ở với gia đình cô tồi tệ đến thế mà sao mẹ cô còn cho không anh ta một món tiền đâu phải là nhỏ. Loại người đó, thừa cơm đổ cho chó còn hơn. Sẵn nỗi căm thù con người ăn ở mách qué ấy, giận cá chém thớt, Thìn đã tiếng bấc tiếng chì với bà Thơi. Càng nói Thìn càng lấy làm lạ là hôm nay bà cứ lặng lẽ ngồi yên không nói lại nửa lời. Cuối cùng Thìn hỏi mẹ: “ Hay là anh ta có điều gì với bu?”. Câu đó Thìn nói vô tình nhưng lại làm bà Thơi giật mình. Con Thìn sáng ý thật. Bà Thơi nghĩ.
Như vậy còn giấu nó được điều gì nữa và cũng không nên giấu nó làm gì. Bà Thơi định bụng sẽ nói ra chuyện ấy cho Thìn nghe và chỉ cho một mình Thìn thôi. Nhưng từ phía khác, một ý nghĩ khác lại đến với bà. Thôi, hãy để cho mình bà lo lắng, mình bà bị giày vò, đau khổ. Thêm một người nữa lo lắng hỏi có ích gì, nhất là người đó lại là Thìn. Một con bé hồn nhiên hết mực nhưng chạm đến lo nghĩ là não nề, là mất ăn mất ngủ, là gầy ốm đi. Tuy vậy cũng có lần bà buột miệng hỏi Thìn: “Thìn này, có bao giờ mày nghĩ rằng anh mày có giấy báo liệt sĩ mà lại là kẻ theo giặc không?”.
Thìn ngớ người ra. Cô nhìn chằm chằm vào mặt mẹ khiến bà Thơi phải quay vội mặt đi. Sao mẹ mình lại có cái ý nghĩ lẩn quẩn ấy? Hình ảnh người mẹ lâu nay hay thẫn thờ nằm ngồi thở dài trở lại với ý nghĩ của cô. Thảo nào…Thảo nào mà…
Thìn hỏi mẹ:
- Sao bu lại có ý nghĩ kỳ quặc thế?
Bà Thơi liền công nhận:
- Ừ, hồi này bu già, bu hay lẩm cẩm. À, Thìn có biết cái anh Hải người xã ta, hiện giờ ở Hà Nội không?
Bà Thơi nói lảng sang chuyện khác. Do nhạy cảm, Thìn cũng biết mẹ không muốn nói chuyện nhiều về anh Thiệp nên cô vui lòng cho chuyện trước qua đi.
- Anh ta không được đâu. Nếu chị Hiền có đồng ý thì con cũng phản đối đến cùng.
Bà Thơi đã vui trở lại:
- Cha con đẻ mẹ mày. Dễ nó là chị ruột của mày đấy?

 NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác