NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 1)

( 23-11-2016 - 06:08 AM ) - Lượt xem: 772

Một cơn gió bấc từ xa lùa tới. Tiếng ù ù thổi qua khe tường. Tiếng bụi tre nghiến ken két ngoài ngõ và tiếng lá rơi xào xạc.

Chương 1

Tối được một lúc lâu thì trăng mới mọc. Trăng đầu mùa xuân hệt như một cô gái tuổi mới lớn: nồng nàn mà kín đáo, mãnh liệt mà rụt rè. Một làn sương mỏng, nửa như khói bếp, nửa như mưa phùn, nhè nhẹ trùm lên không gian. Ánh trăng bị lọc qua chiếc rây mềm mại ấy trở nên dịu mát và huyền diệu hơn. Trong làn ánh sáng cũ mà như mới, mọi vật kể cả những gì bị con người gán cho là thô thiển nhất cũng hóa nên sống động, lung linh như tự phát sáng, tự cựa quậy. Bỗng một cơn gió xuân từ đâu thổi tới. Thế là tất cả bừng lên hương ngây ngất. Mùi đất vườn mới xới. Mùi bùn ao mới hoai. Mùi mốc, mùi rêu, rồi mùi cành cây, vỏ cây khô đẫm nước ngai ngái. Len lỏi để rồi lại bao trùm lên tất cả những mùi hương ấy là mùi ngan ngát, thơm thơm của những bông hoa chè đang nở trắng khu vườn, là mùi hoa tầm xuân, dịu dàng hoang dã, bay ra từ những bờ giậu quanh nhà.
Đắm chìm trong biển ánh sáng và mùi hương ấy là một mái nhà tranh nho nhỏ. Từ mái rạ âm ẩm ấy bốc lên một mùi vị quen thuộc, thân thiết, khiến những ai đã một lần ở thôn quê có thể nhớ đến suốt đời.
Căn nhà ấy là của bà cụ Thơi.
Vào lúc này tuy nằm một mình đã lâu, bà Thơi vẫn không sao ngủ được. Ngọn đèn hạt đỗ để cạnh chân giường hắt lên một quầng sáng mờ mờ, đục đục. Bà Thơi chốc chốc lại trở mình. Chiếc giường tre nhỏ hẹp mà sao lúc này bà thấy nó mênh mông trống trải. Chiều nay, chủ nhật, cô Thìn, con gái độc nhất của bà hiện nay, sau một ngày về chơi đã trở lại cơ quan, để lại cho bà một nỗi trống vắng mà lúc này bà mới cảm nhận hết được. Thìn đi là mang đi của bà những tiếng cười, tiếng hát và cả tiếng dao lóc cóc gõ lên trên mặt thớt với tiếng mỡ chảy xèo xèo trong chảo nữa. Hễ Thìn về là cô hay bày biện những món ăn này nọ. Cô đi rồi, một mình bà lại chiếc xoong con, một nhúm gạo nấu một lần ăn làm hai bữa, một mâm cơm đặt chỗ nào cũng thành bữa, lại một sự thầm đếm từng ngày mong cho đến thứ bảy tuần sau. Kể ra thì nỗi trống trải này không phải chỉ đến với bà vào những buổi chiều chủ nhật như hôm nay mà từ những ngày thuộc bảy năm về trước. Đó là ngày Thiệp, anh ruột của Thìn nhận được giấy báo nhập ngũ.
Đêm nay bà Thơi không ngủ được. Càng nghĩ bà càng khó ngủ và càng khó ngủ bà càng hay nghĩ. Lòng bà ngổn ngang bời bời bao nhiêu là chuyện và rồi chuyện nào cũng dần dẫn đến một điểm hội tụ. Ấy là Thiệp, con trai bà. Nhớ đến Thiệp là bà nhớ đến đôi mắt. Sao mà nó đen, nó khôn là vậy. Bà cứ như thấy đôi mắt ấy đang hiện ra trước mắt bà. Đen mà sáng nhấp nháy như một ngọn đèn nhưng rồi cũng chính đôi mắt ấy đã có lần giàn giụa nước mắt trước mặt bà trông đến là thương, là tội. Bà còn nhớ có lần khi Thiệp mới sáu bảy tuổi, cu cậu trốn buổi học vỡ lòng ở nhà rồi lội xuống ao bắt cào cào, châu chấu về cho chim sáo. Bà Thơi biết chuyện giận quá đã ra bờ ao gọi lên.Vừa nhìn thấy cái roi tre ở tay mẹ, Thiệp đã vội vàng rơm rớm nước mắt rồi chỉ ít phút sau những giọt nước mắt ân hận đó đã chảy thành dòng hai bên bầu má đỏ au vì cháy nắng. Bà Thơi nhìn con, giận thì thật giận mà thương thì cũng thật là thương. Bà chỉ chực bật cười trước nét mặt mếu máo ngồ ngộ của con nhưng bà phải cố nín lại bằng cách mím môi quay mặt đi. Ai ngờ Thiệp nhận ra được điều đó, cu cậu liền đâm bồ vào, hai tay ôm chặt lấy chân bà rồi vừa cười vừa khóc. Bây giờ đến lượt bà Thơi kêu rú lên. Bà vừa nhìn thấy một con đỉa trâu to tướng, nần nẫn như quả chuối mắn, thây lầy đeo vắt ngang chổ bắp chân bụ bẫm của Thiệp. Rồi trong khi bà Thơi rùng mình nhắm mắt lại, chân giậm đành đạch xuống đất thì Thiệp cứ tỉnh khô lại còn chìa hai cái răng bàn cuốc ra cười nữa chứ. Cười xong Thiệp mới thản nhiên nhổ nước bọt vào lòng bàn tay rồi thong thả xoa xoa vào ống chân kéo ra con đỉa trâu đen sì đang dính chặt vào chân như miếng cao dán nhọt. Thằng nhỏ đến là gan gạ! Lại một lần Thiệp chui giậu hái hoa tầm xuân, cái bụi tầm xuân mọc kề bên cây ruối ở chân giậu giáp nhà anh Mân kia kìa, bị ong đốt cho một mẻ, mặt sưng lên bằng chiếc cơi trầu, phải ba bốn hôm mới mở mắt ra được. Ấy thế mà Thiệp vẫn không sợ, vẫn cứ mê mẩn với hoa tầm xuân. Bà Thơi cười một mình trong bóng tối. Nhớ lại cái câu Thiệp cứ hỏi bà: “Bu ơi, hoa tầm xuân đẹp chả kém gì hoa hồng mà sao không được người ta cắm vào bình hoa, không được đặt lên bàn thờ?” .Bà Thơi chịu chết về câu hỏi của Thiệp. Nó hỏi có lý. Nhưng bà không trả lời được, bà liền nói lòng vòng sang chuyện khác. “Tại vì cây tầm xuân người ta dùng làm giậu”. “Làm giậu thì càng quý hơn làm cảnh chứ bu?” .“Thôi đi chơi đi, cứ hỏi vặt!”. Bà Thơi đuổi khéo Thiệp, chịu thua sự suy nghĩ của Thiệp. Ấy nhưng cái thằng phá phách như thế là thằng chúa hay khóc nhè (mà có lẽ cũng chỉ khóc trước mặt bà). Mười bảy mười tám tuổi đầu rồi thỉnh thoảng vẫn khóc. Có lần chỉ có thể này. Thiệp đi làm đồng về. Bữa đó nhà thiếu gạo nên bà thổi thiếu cơm. Ăn một loáng đã hết bữa, Thiệp dang rộng những ngón tay bóp chặt lấy bụng ra ý bảo : “Ăn chưa đến đâu!”, rồi rơm rớm nước mắt trông đến tội nghiệp. Cái ngực nở như ngực cu gáy kìa, hai cái đùi mập mạp như cây chuối hột kia mà phải ăn thiếu thì cực thật đấy. Thế là bà Thơi không cầm được nước mắt. Bà khóc, Thiệp thấy thế lại cười, lại chìa hai chiếc răng bàn cuốc ra. Không khác ông Thơi ngày trước một chút nào. Có lỗi cứ chìa răng ra cười trừ.
Bà Thơi bất thần sờ thấy một bên gối ươn ướt. Thì ra bà đã khóc từ bao giờ.
Một cơn gió bấc từ xa lùa tới. Tiếng ù ù thổi qua khe tường. Tiếng bụi tre nghiến ken két ngoài ngõ và tiếng lá rơi xào xạc.
Hơn hai chục năm nay, kể từ ngày ông Thơi, chồng bà mất đi thì cuộc đời bà hoàn toàn là cuộc đời của Thiệp, của Thìn. Miên man thế nào bà lại nghĩ đến ông Thơi. Thằng Thiệp thế nào thì ông Thơi thế vậy. Sao mà cha con lại khéo giống nhau. Ngày Thiệp còn ở nhà lắm lúc nhìn thấy con, bà cứ giật mình thon thót, cứ như thoáng thấy bóng ông Thơi. Ông Thơi bị chết trong một trận quân Pháp bắn pháo từ dưới tàu chiến lên bờ. Ngày ấy giặc mới chiếm được Nam Định, Thái Bình quê bà vẫn còn là vùng tự do. Hằng ngày chúng cho tàu chiến chạy dọc sông Hồng, từ cửa Ba Lạt lên nã đạn pháo như rắc gạo lên quê bà. Ông Thơi chết vì một mảnh đạn găm trúng ngực lúc ông đang cày ngoài đồng. Anh em dìu ông về đến nhà được ít phút thì ông tắt thở. Ông không trăn trối gì được mà chỉ nhìn mẹ con bà rồi nước mắt giàn giụa. Năm ấy Thiệp mới ba tuổi, Thìn còn ở trong bụng mẹ và bà Thơi mới có hăm hai. Bà ở góa từ ấy. Bọn con gái ngày nay ở cái tuổi ấy ít đứa đã có chồng. Chúng nó còn vô tâm vô tính lắm. Bây giờ nghĩ lại bà cũng lấy làm lạ cho mình. Làm sao bà có thể vượt qua và chịu đựng dẻo dai đến thế.
Chợt có tiếng chân người rậm rịch ngoài ngõ đằng sau nhà. Bà Thơi chẳng cần nghe ngóng cũng đoán biết đó là ai rồi và người ở ngoài ngõ cũng biết tính nết của chủ nhà nên chẳng cần lên tiếng hỏi han trước mà bước ngay ra chỗ giếng khơi, quăng thùng múc nước rửa chân ào ào. “Chà bên ngoài thì lạnh như kem mà nước giếng lại nóng như đun. Nhà này có cái giếng thật thần tình…”. Người khách mới tới có tính hay nói chuyện một mình. Nhiều khi đi đường ai cũng ngỡ có hai người mà hóa ra chỉ là một.
- Cô Thiều hôm nay đi đâu về khuya vậy? Để tôi chờ mãi, nằm buồn quá!
Bà Thơi trong nhà hỏi vọng ra.
- Chà, có một cái giấy mà khổ thế đấy!
- Cô đi đâu mà lại giấy với tờ?
Bà Thiều thở dài:
- Tôi đến bỉ ban xin cái giấy tung hoành nhưng họ không chầu chực nên tôi phải tới tận nhà ông chủ tịch. Bao nhiêu đứa xúm lại nó trêu không chịu cho tôi về nữa. Đứa thì giấu dép, đứa thì giấu gậy, đứa thì lấy dây chuối buộc vạt áo của tôi xuống ghế… Rồi chúng cười với nhau. Tôi cũng không nhịn cười nữa bác ạ. Gớm, cười chảy cả nước mắt, nước mũi. Bác cũng chưa ngủ được à? Phải lòng tôi hay sao vậy?
Bà Thiều bước lên hè, chân quơ rà rà trên nền gạch, lại đập bình bịch cho sạch đất cát rồi mới mở mành bước vào.
Bà Thơi thò thay xuống gầm giường. Ngọn đèn dầu leo lắt như hạt đỗ lập tức sáng bừng lên. Bà Thiều là chị em con cô con cậu với bà Thơi và tuy nhiều hơn bà Thơi đến chục tuổi nhưng do là con cô nên vẫn là bề dưới của bà Thơi. Bà Thiều cũng ở góa như bà Thơi. Năm Ất Dậu, ông Toản, chồng bà bị chết đói để lại cho bà hai đứa con gái èo ọt như hai cái dãi khoai. Năm ấy bà Thiều cũng mới hai mươi lăm tuổi. Bà cũng ở vậy nuôi con. Và cũng từ đó, để kiêng tên ông Toản, người đã chết rồi, người làng người xóm theo tục lệ địa phương liền lấy tên người con gái lớn của bà để gọi bà. Hai người con gái của bà Thiều đến nay có chồng có con đề huề. Cô Thiều, con gái đầu lòng của bà được học hành đến nơi đến chốn nay đã trở thành kỹ sư nông nghiệp, hiện công tác tại một công trường ở Việt Bắc. Cái giấy “tung hoành” mà bà Thiều xin là để đi thăm vợ chồng, mẹ con nhà nó. “Nó cứ nay thư, mai thư, lại còn đánh điện bảo tôi lên với mẹ con nó ít ngày nhưng tôi còn chưa muốn đi. Tôi đã nhờ cái Gái viết trả lời rằng. “Tao sợ cái con ma cà rồng ở mạn ngược lắm”. Nó viết về bảo rằng bu chỉ mê tín dị đoan thôi, chứ xưa nay làm gì có chuyện đó. Ấy là tôi cũng đùa với nó thế cho vui, chứ cái bụng tôi, bác biết đó, tôi chẳng muốn rời cái nhà này đi đâu cả. Đi đâu rồi hôm trước hôm sau tôi cũng bò về thôi. Tôi nhớ cái bụi tre, cái vườn chè, với lại nhớ bà lắm.
Lúc chiều khi hai người cùng giặt chiếu ở ngoài ao, bà Thiều đã nói với bà Thơi như thế. Còn người con thứ hai của bà Thiều hiện nay là giáo viên cấp một ở xã. Chồng cô là ủy viên thư ký của Ủy ban nhân dân xã. Hiện giờ bố mẹ chồng cô út đều mất cả, để lại cho cô một căn nhà ngói kiểu xưa. Hai vợ chồng nhà ấy đã nhiều lần nói với bà ra ngoài đó ở với chúng nó, để vừa trông cháu trông nhà, vừa đỡ cho cảnh già cô quạnh, nhưng bà nhất định không chịu. Bà bảo dù chúng nó có quý bà như cục vàng đi chăng nữa thì vẫn cứ là bó buộc, vẫn cứ là mất tự do. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bà vẫn thường nói thế. Bà ở đây, nhỏ bé cũng là cái nhà của bà. Bà muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, đêm đêm bà còn có bà Thơi để nói chuyện cho vui. Bà Thiều vui tính, được cả làng từ già chí trẻ ai cũng mến, ai cũng quen mồm gọi bằng cô. Thành ra có nhà, ông đã gọi bà bằng cô, bố gọi bằng cô, đến đứa cháu cũng gọi bằng cô nữa, thật là vui. Bà Thiều nói chuyện hay pha trò cười và khi nói có cái tật nói nhịu, hay đệm vào trong câu nói những tiếng quen miệng, chả liên quan gì đến câu đang nói. Cái tiếng hay nhịu nhất của bà là tiếng “bò”. Hơi mất bình tĩnh là bà cứ “bò bò”liên tục! Định chào hỏi ai “Bác đi làm về ạ” thì lại thành ra “Bác đi bò về ạ”.
- Con mụ này hôm nay sao từ bi thế? Ốm đau hay nhớ con vậy?
Lúc âu yếm bà Thiều hay gọi bà Thơi là “con mụ”. Không thấy tiếng trả lời, bà Thiều tuy ngạc nhiên, nhưng cũng đoán được, hôm nay bà Thơi hẳn có chuyện gì không bình thường trong lòng. Bà Thiều đến bên giường sờ tay lên trán bà Thơi. Thấy vậy, bà Thơi liền tung chăn ngồi dậy, chống chế:
-Khổ, có ốm đau hay nhớ nhung gì đâu? Cái cổ họng của tôi cứ gió bấc về là nó lại rát như cào như cấu. Hễ mở miệng ra thì nó lại đau chả thiết ăn thiết nói gì nữa.
-Bà đã ngậm nước muối chưa? Chưa hả? Để tôi xuống bếp lấy lên cho bà nhá.
Bà Thiều tất tả sờ soạng xuống bếp. Lúc lên nhà tự tay bà rót nước đem lại cho bà Thơi. Thấy nằm mãi không tiện, bà Thơi liền chống tay vào giường, khó nhọc đứng lên rồi cùng bà Thiều ra ngoài bàn uống nước. Ánh đèn dầu leo lắt hắt bóng hai người vào bức vách.
- Có nước chè nóng ủ trong chăn, tôi rót cho cô nhá!
Bà Thiều chép miệng:
- Cái răng hàm nó hành hạ tôi quá, ăn chả thấy ngon mà uống cũng chả thấy thích. Thôi được, bà cứ để mặc tôi, khát tôi khắc rót lấy.
Bà Thiều lẵng lặng bước về chổ để cái rổ úp bát treo ở góc nhà. Bà Thiều quen thuộc căn nhà này tới mức chẳng cần soi đèn cũng đi đến rất đúng chỗ.
Nước chè tươi được rót ra chiếc bát sứ Hải Dương trắng ngà nên đã xanh lại càng xanh hơn, một màu xanh hơi vàng, đặc quánh. Bà Thiều đưa bát nước lên miệng khẽ hớp một ngụm nhỏ rồi im lặng, lắng nghe cái dư vị chan chát, đườm đượm nơi đầu lưỡi, cổ họng. Ngoài vườn tiếng lá tre thổi rào rào. Một chiếc mo cau rơi, tiếng rơi rất nhẹ. Sau đó tất cả trở lại im lặng.
Chờ cho bà Thiều uống cạn bát nước, bà Thơi mới khẽ hỏi:
- Bà thấy nước chè tôi hãm thế nào?
Bà Thiều khẽ “khà”một tiếng nhỏ, có ý khoe cái tài nhấm nháp nước chè tinh tế của mình:
- Nước hãm khéo đấy. Nhưng sao bác lại đi hãm bằng lá chè ngông?
Bà Thơi cười phô hàm răng đen trống trếnh, chiếc rụng chiếc còn trông đến là ngộ:
- Cô tinh thật đấy. Nhưng đố cô biết tôi hái cây nào?
Bà Thiều lim dim mắt, lắc đầu ra vẻ quan trọng:
- Bác giấu sao nổi tôi. Chè này là chè ở cây giáp với bụi tầm xuân, đằng sau nhà anh Mận phải không?
Bà Thơi phải thán phục về cái tài uống chè sành sỏi của bà Thiều. Nhưng lúc này ý nghĩ ấy không còn gây được sự chú ý của bà nữa mà một ý nghĩ khác, do câu nói của bà Thiều về cây chè ở gần bụi tầm xuân, xen vào lấn át, làm bà Thơi ngậm ngùi:
- Phải rồi, ở cái cây chè cháu Thiệp trồng đấy cô ạ. Hôm nay tôi hái uống thử lần đầu.
Bà Thiều bâng khuâng:
- Mới đây mà chè đã uống được,mau quá bác nhỉ.
Hai người đàn bà im lặng.
Bảy năm về trước. Tốt nghiệp xong lớp mười. Thiệp nhận được trước sau nửa tháng hai tờ giấy gọi đi học nước ngoài và nhập ngũ. Lúc bấy giờ trong xã số thanh niên được gọi đi bộ đội rất đông. Không hiểu vì vui bạn bè hay vì môt sự thôi thúc gì bên trong mà bà Thơi không hiểu được, Thiệp trả lại giấy báo của ban tuyển sinh và tình nguyện cùng số đông bạn bè lên đường nhập ngũ. Về chuyện này Thiệp có hỏi ý kiến của bà nhưng bà cũng chỉ biết chiều theo nguyện vọng của con thôi. Vả lại trong thâm tâm bà, hai chữ “đại học” rồi “nước ngoài” nó xa lạ làm sao ấy, đâu có gần gũi thiết thực như việc đi bộ đội, vì việc này quen thuộc với bà từ những ngày bà còn con gái. Mặt khác bà cũng nghĩ đơn giản :làm trai phải ra nơi chiến trận, nước có giặc phải đi đánh giặc, thay vì cái việc thu mình chờ thời rồi sau đó nhảy ra hưởng vinh hoa, phú quý. Với lại sau này hết giặc về lại học hành cũng chưa muộn cơ mà.
Một tuần trước ngày lên đường. Thiệp đi thăm khắp lượt vườn chè rồi nói với bà cho Thiệp được đốn hết những cây chè già cỗi hoặc bị sâu đục thân ăn mọt rỗng để trồng giặm vào đó những cây chè con. Thiệp cũng dặn bà, sau này dù thế nào cũng đừng chặt phá đi cái bụi tầm xuân ở bờ giậu, nếu cành lá nó rườm rà quá thì tỉa bớt đi thôi. Thấy con nói thế, bà nhận lời chứ bà đâu biết là Thiệp trồng cây kỷ niệm trước ngày ra đi. Bây giờ bà Thơi hãy còn nhớ rõ cái ngày Thiệp trồng chè. Hôm đó thật là vui. Bọn bạn thân của Thiệp đến từ sáng sớm. Có năm đứa tất cả, hai trai ba gái, toàn con cái trong làng, đứa nào đứa nấy cao to như cây chuối hột và mơn mởn như cành chè ngông. Trong ba đứa con gái, bà chấm được một đứa. Ấy là Hiền. Con bé này chắc chắn phải lòng thằng Thiệp. Bà đoán thầm vậy. Bởi chỉ nhìn mắt của nó bà cũng biết. Bà không phân biệt được rõ ràng nhưng bà thấy nó khác. Hiền lễ mễ xách từ nhà đến mấy chục cây chè con được bứng rất khéo, công phu. Bầu đất ở gốc cây được bảo toàn nguyên vẹn nhờ những cái bọc lá chuối khô. Rễ cái rễ con chằng chịt trong cái bầu đất ấy. Chả còn sợ chè chết hay thui chột gì cả. Sau này bà Thơi mới biết rằng sau cái lần bứng trộm chè con của nhà đem đi trồng cho “hàng xóm”ấy, Hiền đã bị ông bố rầy la cho một mẻ làm Hiền buồn, bỏ cơm liền mấy ngày. Trồng chè xong, bọn trẻ thay nhau chăm sóc tưới tắm. Về sau dễ đến ba bốn năm gì đó, khi Thiệp đã vào Nam rồi, bọn chúng vẫn còn tiếp tục thăm nom. Cho mãi tới khi chè đã lên cao rồi, chắc chắn không còn chết chóc gì nữa, bọn trẻ mới thôi lui tới. Bọn trẻ thời nay đến là lạ. Nhiều lúc bà không hiểu nổi chúng sao nữa.
Những cây chè ấy, tính đến nay đã suýt soát tám năm rồi. Những lá chè bà hái nấu uống đêm nay là một trong những cây chè đó.
- Qua nay bác có được thêm tin gì về cháu Thiệp không?
Bà Thiều cũng mong ngóng tin tức của Thiệp không kém gì bà Thơi nên cứ hai ba ngày bà lại hỏi một lần, nhất là độ này tin chiến trường thường hay bay ra tới tấp. Hỏi xong thấy bà Thơi chưa trả lời ngay, bà Thiều đoán chắc cũng chưa có tin gì nên bà vội nói luôn:
- Mỗi lần nhắc đến là tôi lại thấy y như có nó đứng trước mặt mình. Cái răng,cái tóc, cái gáy, nhất là cái răng cửa. Sao mà nó giống ông Thơi ngày trước thế hả bà?
Bà Thơi khẽ thở dài. Bà biết rằng bà Thiều hỏi như thế để cho giữa hai người đỡ trống trải thôi, chứ chuyện gì của bà Thơi mà bà Thiều lại chẳng biết. “Cô ơi tôi ngờ lắm cô ạ. Có lẽ cháu nó chết rồi. Mọi người thì tin nọ tin kia, còn cháu thì cứ biệt vô âm tín”. Bà Thơi định nói với bà Thiều như thế nhưng lại thấy không nên, vì chỉ tăng thêm nỗi buồn nên bà Thơi vội nói theo ý ngược lại:
- À,có cô ạ. Tôi quên chưa khoe với cô. Sáng nay tôi đi chợ Lựa, gặp bà Ruân hàng xáo. Bà ấy bảo vừa nhận được thư con trai, thằng Hùng gì đó, bạn của thằng Thiệp hồi còn ở nhà, từ trong ấy, tức là từ trong Nam, gửi ra bảo là có gặp thằng Thiệp. Thiệp còn khỏe lắm cô ạ, chưa bị thương gì sất ấy.
Bà Thơi biết cái điều bà Ruân nói chưa chắc đã phải thế. Lâu nay bà con trong làng trong xóm mỗi khi nhận thư của con cháu từ xa gửi về gặp ai cũng thường khoe rằng: “Cháu nó gửi lời thăm bà, thăm ông đấy ạ”. Bà Thơi biết đấy là câu chào ngoài miệng, một niềm an ủi những người có con đi xa mà vắng bặt tin con, chứ thật tình trong nhiều bức thư không có những câu thăm hỏi ấy. Âu đó cung là một niềm vui. Song không vì thế mà bà Thơi tin điều ấy là sự thật. Với lại, nghĩ cho cùng thì cũng còn điều này nữa, thư từ trong ấy ra tới ngoài này nhanh nhất cũng phải hằng năm trời nên biết đâu khi viết thư thì nó còn sống mà nay đã chết rồi thì sao.
Nhưng từ lúc khoe cái tin ấy với bà Thiều, bà Thơi cứ cảm thấy ngượng ngượng như bà vừa nói dối. Sau đấy bà Thơi không nói thêm gì nữa, mắt bà cứ nhìn trân trân vào chiếc nắp bình tích có vẽ những chùm hoa hồng lúc này bà thấy nó giống những bông tầm xuân ở giậu vườn nhà bà, thứ hoa mà Thiệp rất thích.
Bà Thiều thấy không khí nặng nề liền nghĩ ra một câu nói vui cho bà Thơi bớt đi nỗi khắc khoải:
- Kìa, bác… bác bò đi chứ…
Tức là bảo bà Thơi uống nước đi.
Bà Thiều nâng bình rót nước. Cánh tay bà run run. Bà Thiều bưng bát nước chè bốc hơi ngun ngút đặt vào tận lòng bàn tay bà Thơi. Cả hai bà cùng cười. Bỗng bà Thiều vỗ tay đánh đét xuống chiếu:
- Chết thật, hồi này làm sao mà tôi hay lú lẫn vậy. Bác tính thế này có chán không nhá. Hôm qua gặp cụ Huấn đi lên Hà Nội thăm cháu về, từ xa tôi đã cung kính chào “Thưa cụ, cụ đi chơi với bò về ạ”, làm cả sân kho Thắng Lợi rũ ra mà cười.
Nhưng bà Thơi không cười theo bà Thiều. Lại có một chuyện do câu chuyện bà Thiều gợi ra làm bà nhớ tới. Bà vội nói với bà Thiều:
- Bà ạ! Hình như ông Toàn, bố con Hiền ở đâu như bên Liên Xô mới về.
Bà Thơi đã lấy lại sự thanh thản. Bà Thiều thấy vui liền nhanh nhảu góp thêm:
- Ờ có lẽ thế! Thảo nào mà bọn trẻ chúng kháo nhau: “Ông Toàn đi Liên Xô về mang theo một con gì như thằng phỗng ấy”.
- Chán cho bà, con búp bê chứ phỗng phễnh gì.
Bà Thơi lại cười làm cho bà Thiều càng thấy vui hơn. Bà thấy không nên để niềm vui này bay đi mất nên vội vàng hồ hởi khoe luôn:
- Ờ ờ, con búp… bò, nó to như thằng bé lên ba, tóc vàng khè như râu ngô và nó còn biết khóc, biết cười, ấy là bọn trẻ con nó khoe thế, chứ tôi làm sao mà biết được. Nghe đâu ấn tay vào bụng một cái là nó khóc oe oe như đứa trẻ con. Tài thật. Lại còn cái đận này nữa: Đặt nó nằm xuống thì nó nhắm tịt mắt lại như ngủ nhưng bế nó dậy thì nó lại mở bừng mắt ra.
Bà Thiều cười. Cái má lõm, nhăn nheo lại phồng lên xẹp xuống. Nhưng bà Thơi không cười nữa. Bà lại nghĩ đến Thiệp. Không biết lúc này con bà đang ở đâu. Rừng núi hay nơi đồng bằng thanh vắng như cái xóm nhỏ của bà lúc này. Còn bà Thiều thì lại nghĩ khác: “Ôi! giá thằng Thiệp đi học nước ngoài thì bây giờ nó cũng về nước, cũng có những chiếc valy to tướng, kềnh càng mà từ bé đến giờ bà chưa trông thấy bao giờ”. Vì không hiểu hết cái bụng bà Thơi lúc này nên bà Thiều vội vàng nói tuột ra:
- Bác nhỉ, chuyến này nhà ông Toàn giàu to. Tôi nghĩ chỉ thiệt cho những anh em đi Nam thôi.
Bà Thơi hơi phật ý về câu nói của bà Thiều. Bà vội nói, thực ra là chính đốn ngay ý nghĩ của bà Thiều:
- Chết, sao cô lại nghĩ quẩn vậy. Ai cũng đi học và đi nước ngoài thì lấy ai đánh giặc. Mà ai cũng đánh giặc thì lấy ai đi học nước ngoài để sau này hết giặc còn xây dựng đất nước. Ở đời mỗi người một việc. “Con phượng thì múa, con nghê thì chầu”. Bà Thiều nhận ra mình nói có phần hơi quá nên bà im lặng. Bà lúng túng không biết chống chế gì thêm nên vẻ mặt bà cứ ngay thuỗn ra trông đến là tội.
Lại một cơn gió lạnh lọt qua khe mành vào nhà.
Thoáng đâu đây hương hoa bưởi, hoa chanh và hương hoa chè dìu dịu, man mác. Mùi thơm sực nức thế này là hoa chè nở nhiều quá rồi đấy! Trong nghề trồng chè, người ta rất kiêng kỵ việc để hoa nở đầy cành vì vừa hại cây vừa ít lá. “Phải đề ra mấy buổi sang giúp cái nhà bác này hái nụ chè đi mới được”. Bà Thiều nghĩ thế nên trước lúc ra về đã nói trước với bà Thơi, mặc dù bà Thơi chưa dám nghĩ đến điều đó:
- Mai tôi sẽ sang tuốt nụ chè cho bác cả ngày.
Bà Thơi ngập ngừng, chợt nhận ra cái lỗi lớn của mình:
- Vâng, cô giúp tôi với. Tôi bận quá. Thấy hoa chè nở trắng mà xót cả ruột gan nhưng không biết làm sao được. Ngày mai lại có cuộc họp chấp hành phụ nữ xã rồi.
Bà Thiều quờ quờ chân bước xuống sàn. Bà Thơi chạy theo cầm đèn soi cho bà Thiều đi qua chổ lở của bờ ao. Bà Thiều đi xa rồi, bà Thơi quay trở lại nhưng bà vẫn còn nghe thấy tiếng bà Thiều nói một mình mà thật ra đang nói với cảnh vật xung quanh:
- Cái cây tre này, mày trêu tao hay sao mà cứ nghiến răng ken két vậy? Còn cái thằng ếch kia, ai khảo mà xưng rằng mày nấp ở chổ đó hở?

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác