NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRIẾT LÝ THẰNG BỜM CỦA NGƯỜI VIỆT

( 18-07-2014 - 01:29 PM ) - Lượt xem: 1413

Người Nhật không biết đến triết lý thằng Bờm vì có dân trí cao, nên đã tạo thành nước Nhật Bản đứng thứ hai trong nhóm 7 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G7). Người Việt luôn mang theo triết lý của anh chàng có cái quạt mo, nên Việt Nam chỉ mới thoát nghèo, và sẽ gặp muôn vàn khó khăn để đất nước trở nên giàu mạnh.

1. Bài ca dao “Thằng Bờm” là một di sản hoàn toàn độc đáo của văn học dân gian Việt Nam:

 

                              Thằng Bờm có cái quạt mo,

                              Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,

                              Phú Ông xin đổi một xâu cá mè.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,

                              Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,

                              Phú Ông xin đổi một đôi chim mồi.

                              Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,

                              Phú Ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười!

 

 Qua những câu đối đáp hồn nhiên giữa Phú Ông với thằng Bờm, bài ca dao đặc sắc này đã vạch rõ một triết lý sống sai lầm của người Việt. Khi Phú Ông dùng những tài sản kếch sù như “ba bò chín trâu” hoặc “ba bè gỗ lim” để đổi quạt mo, Bờm đã từ chối vì không biết những cái đó có giá trị như thế nào và dùng để làm gì. Phú Ông bèn đề nghị đổi những sản vật cụ thể nhỏ bé gần gũi với Bờm là “xâu cá m蔓đôi chim mồi”; nhưng Bờm vẫn khước từ vì những thứ này chưa thể ăn ngay được. Cuối cùng, khi Phú Ông đưa ra “hòn xôi”, Bờm lập tức tươi cười chấp nhận đổi quạt vì biết chắc rằng cái ấy có thể ăn liền! Vậy, ý nghĩa của bài này là: tham cái lợi nhỏ trước mắt  mà bỏ cái lợi lớn lâu dài là căn bệnh của những người kém trí khôn như Bờm. Đó chính là “triết lý thằng Bờm” đã tồn tại lâu dài và bền vững trong cộng đồng người Việt.

 Kiểm nghiệm qua thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam, ta sẽ liên tiếp bắt gặp những người mang triết lý này.

 

2. Khi đèn đỏ bật lên ở một ngã tư nào đó trên các đường phố Việt Nam, luôn có một số kẻ tăng tốc phóng xe “vượt đèn đỏ” và khoái chí nghĩ rằng ta đã “tranh thủ” được một số thời gian mà không phải dừng xe để chờ đèn xanh! Những người ấy không cần biết rằng với việc phạm luật giao thông như vậy mình sẽ dễ dàng bị đụng xe, và số thời gian “tranh thủ” được có bõ bèn gì so với cái giá phải trả cho một cuộc cấp cứu ở bệnh viện. Một số khác không kịp vượt đèn đỏ thì lại vượt qua vạch đậu xe rồi mới dừng, và cũng mừng thầm là ta đã “ăn gian” được một đoạn đường hơn những người đậu xe đúng vạch! Họ không hề nghĩ rằng ở chỗ đậu xe quá lố ấy không thể nhìn thấy trụ đèn tín hiệu, nên khi đèn xanh bật lên rồi mình vẫn tiếp tục dừng, khiến cho chính mình bị chậm so với những người đậu xe đúng chỗ đã qua mặt mình mà vượt lên trước. Một số người còn cho xe chui qua thanh chắn để “tranh thủ” băng qua đường sắt trước khi tàu hỏa đến; kết quả là họ đã được bay lên tận thiên đàng!

 Để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, nhà nước bắt buộc những người đi xe gắn máy hai bánh phải đội mũ bảo hiểm đúng chất lượng kỹ thuật. Nhưng rất nhiều người không nhận ra giá trị của quy định bắt buộc đó, mà chỉ thấy tiếc cho số tiền phải bỏ ra để mua một chiếc mũ đúng tiêu chuẩn, nên đã quyết dùng mũ “dỏm” giá rẻ để đối phó với cảnh sát giao thông. Những người này tạo nên vấn nạn sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm dỏm tràn lan trong xã hội. Bất chấp mọi chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, thông tư liên tịch của các Bộ Khoa học-Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông Vận tải cũng như kế hoạch triển khai của UBND các tỉnh thành trên toàn quốc để xử lý vấn nạn này, loại mũ rẻ tiền phi pháp đó vẫn ngang nhiên tồn tại và phát triển mà không sao loại trừ được. Trong trường hợp này, rõ ràng bộ máy công quyền đã phải chịu thua triết lý thằng Bờm. Cho đến khi bị chấn thương sọ não do mũ dỏm bị vỡ vì tai nạn giao thông, người ta chẳng còn có dịp để hối hận rằng nếu mình dùng mũ “xịn” thì đâu đến nỗi!

 Các đường phố Việt Nam từ lâu đã quen với hiện tượng những người đạp xích lô, chạy xe ôm hay lái taxi cố tình chở khách chạy lòng vòng nhằm kéo quãng đường ngắn thành dài để “ăn gian” tiền của khách; rồi việc sửa đồng hồ tính tiền trong taxi sao cho số đo trên đó nhiều hơn hẳn quãng đường đã chạy; và những vụ bắt du khách nước ngoài chưa am hiểu tỷ giá tiền tệ Việt Nam trả gấp hàng chục lần số tiền theo quy định. Những người  chở khách này luôn hí hửng khi lừa được tiền của khách, mà không biết rằng các thủ đoạn lừa đảo ấy chẳng chóng thì chầy sẽ biến mình thành kẻ thất nghiệp, do không còn ai thuê chở nữa!

 

3. Bóng đá không chỉ là một trò chơi thể thao lành mạnh hấp dẫn, mà còn là một nghề “hái ra tiền” đối với các cầu thủ chuyên nghiệp, và cũng là chỗ làm tiền rất nhanh của dân cá độ phi pháp. Do vậy, bọn trùm cá độ bóng đá thường giao kèo những khoản tiền hậu hỹ cho các cầu thủ để điều khiển họ tạo nên kết quả trận đấu theo ý muốn của mình. Trước mồi ngon đầy cám dỗ này, nhiều “Bờm” mặc quần đùi áo số đã đớp ngay lấy nó để đổi cho các “Phú Ông” cá độ những gì mà họ muốn, không cần biết đến hậu quả của việc đó là như thế nào. Cho đến khi vụ việc vỡ lở, cảnh sát và tòa án nhập cuộc để loại trừ các cựu cầu thủ này ra khỏi ngành và/hoặc tống vào tù, họ mới có dịp suy nghĩ để nhận ra rằng: mình đã hy sinh toàn bộ sự nghiệp vẻ vang và “hái ra tiền” để đổi lấy một “hòn xôi” tưởng có thể ăn ngay nhưng lại không nuốt được!

Khi được du học ở những nước văn minh giàu có, các lưu học sinh Việt Nam luôn được đảm bảo về một sự nghiệp tương lai tươi sáng. Nhưng tại các nước này lại có nhiều miếng mồi cám dỗ, chẳng hạn như các loại hàng hóa đắt tiền bày bán hớ hênh trong các siêu thị lộng lẫy. Trước những mồi ngon đó, một số lưu học sinh không còn nghĩ về sự nghiệp tương lai, cũng quên luôn cả bộ máy kiểm soát nghiêm ngặt ở siêu thị, nên đã tìm cách lấy bằng được món hàng quý giá mà không phải trả tiền. Thế là chuông báo động vang lên, nhân viên siêu thị ập đến bắt quả tang kẻ trộm cắp trong dáng vẻ thư sinh. Cho đến khi bị xử tù và trục xuất về Việt Nam, các cựu lưu học sinh đó chỉ còn biết than thân trách phận bằng câu hỏi rằng: tại sao mình lại hủy hoại cả sự nghiệp tương lai bằng hành động ngu xuẩn như vậy? Câu trả lời nằm ở triết lý thằng Bờm.

 

 4. Các nhà doanh nghiệp chân chính luôn bảo đảm chữ “Tín” theo nguyên tắc “khách hàng là Thượng đế” để giữ gìn và phát triển thương hiệu của mình; thậm chí họ có cả nội quy viết rằng “điều 1- khách hàng luôn luôn đúng, điều 2 - nếu khách hàng sai: xem lại điều 1”.

 Nhưng có nhiều người làm nghề buôn bán lại không biết, không muốn hoặc không thèm áp dụng nguyên tắc đó; họ hành nghề theo một triết lý khác. Khi thấy khách hỏi mua, họ thông báo một giá tiền cao gấp nhiều lần giá trị thật của món hàng. Nếu vị khách ngờ nghệch bỏ tiền ra mua theo giá đó, họ mừng húm vì đã kiếm được một món hời. Họ không biết rằng sớm muộn gì thì khách hàng cũng sẽ phát hiện được cái trò “nói thách” một tấc đến trời ấy, để rồi “cạch mặt” không đến cửa hàng của họ nữa.

 Nói thách chưa phải là cách “ăn ngay” hữu hiệu nhất; trong giới kinh doanh ẩm thực còn có chiêu trò “chặt chém” hiệu quả hơn. Sau khi thực khách đã thưởng thức các món ăn khoái khẩu, chủ tiệm liền đưa hóa đơn thanh toán theo giá “cắt cổ” cho họ. Đọc hóa đơn này, thực khách tá hỏa toát mồ hôi và vô cùng tức giận, nhưng cũng phải bấm bụng trả tiền vì đã trót ăn mà không cãi được. Nhận được món tiền lời quá mức đó, chủ tiệm hí hửng mừng thầm, mà không cần biết rằng sau những vụ “chặt chém” như vậy thì mình sẽ mất hết khách hàng.

Kinh doanh theo triết lý này còn có rất đông những kẻ buôn gian bán lận, cân điêu đong thiếu, chế tạo hàng giả đánh tráo đồ thật…Cho đến khi bị “sập tiệm” hay phá sản, các đệ tử của Bờm vẫn không hiểu vì sao họ lại thất bại trên thương trường đến như vậy?

 

5. Phải có diễm phúc rất lớn người ta mới có thể được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo các Tập đoàn hay Tổng Công ty khổng lồ của nhà nước. Vậy mà khi đã có quyền lực trong tay, không ít người trong số đó đã quên hết trách nhiệm đối với nhà nước, họ muốn được “ăn ngay” những gì mà quyền lực mang lại cho mình.

 Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình và các cộng sự, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước để thực hiện 5 dự án phi pháp vô giá trị gây thiệt hại cho nhà nước trên 910 tỷ đồng ( 469,5 tỷ trong vụ mua tàu Hoa Sen; 316,5 tỷ trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng; 66,5 tỷ trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện diezel Cái Lân; 30,4 tỷ trong vụ đầu tư cho tàu Bình Định Star; 27,3 tỷ trong vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang…). Tưởng rằng sẽ được vớ bẫm trong các vụ này, không ngờ mọi thủ đoạn kiếm chác đều bị vạch trần trước pháp luật, khiến Phạm Thanh Bình phải lãnh án 20 năm tù và bồi hoàn cho nhà nước 500 tỷ đồng; 8 bị cáo khác lãnh từ 3 đến 19 năm tù và phải bồi hoàn số thiệt hại còn lại cho nhà nước.

 Cũng nhằm mục đích “ăn ngay” như trên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dương Trí Dũng và Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cùng các cộng sự còn có cách chế tạo “dự án” moi tiền nhà nước khủng khiếp hơn nữa. Chỉ một Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Bà Rịa-Vũng Tàu đã có tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, sau nâng lên 6.489 tỷ. Nổi bật nhất là vụ mua chiếc ụ nổi 83M của Nga, một công trình công nghiệp hết niên hạn sử dụng trở thành đồ phế thải, đã được mua với giá 2,3 triệu USD, sau nâng lên 9 triệu USD, cộng thêm tiền lai dắt sửa chữa thành 19 triệu USD! Dựa vào mối quan hệ mật thiết bí ẩn với một số nhân vật rất quan trọng trong chính quyền, Dương Chủ tịch  cùng Mai Tổng Giám đốc và các đệ tử tin rằng mình sẽ mãi mãi giàu sang với những “dự án” như vậy. Nhưng khi các thủ đoạn đen tối kể trên bị đưa ra ánh sáng pháp luật, thì bọn người giàu sang ấy đã mất sạch tất cả. Chưa kể đến hàng chục năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã phải lãnh án tử hình về tội tham ô. Có lẽ đến khi phải thi hành án để sang thế giới bên kia, hai tên tội phạm cộm cán này vẫn chưa hiểu được rằng triết lý nào đã biến chúng từ những quan chức quyền cao chức trọng thành hai cái thây ma thối nát.

 

6. Những sự việc và sự kiện từ nhỏ đến lớn được dẫn dắt bởi triết lý thằng Bờm nhiều vô số kể, diễn ra hàng ngày trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, từ giao thông, kinh tế, thể thao qua văn hóa-giáo dục cho đến cả an ninh-chính trị. Chẳng hạn, trong các cuộc biểu tình đầu tháng 5-2014 chống bọn bành trướng Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng lãnh hải nước ta, nhiều công nhân nghe theo lời xúi giục và nhận tiền của một bọn người nham hiểm không rõ tung tích đã nổi loạn đốt cháy và cướp phá các doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh…Các vụ phá hoại  đó đã làm cho hàng trăm xí nghiệp bị tan hoang phải ngừng hoạt động, khiến hàng chục vạn công nhân mất việc làm. Cho đến khi lâm vào tình cảnh quẫn bách của nạn thất nghiệp (một số còn bị tòa án phạt tù), những công nhân này mới hối hận mà tự vấn rằng: tại sao mình lại tham mấy đồng tiền bẩn của bọn xấu để đi cướp phá chính nơi bảo đảm nguồn sống cho mình? (Cũng may là nhà nước đã có chế độ hỗ trợ để các doanh nghiệp này dần dần khôi phục hoạt động).

 Cái nụ cười tưởng như vô hại của anh chàng ngốc có cái quạt mo hóa ra lại liên quan đến sự nghiệp của từng con người và ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của toàn dân tộc.

Vào đầu thế kỷ XX, khi sang Nhật Bản để tìm đường cứu nước, nhà ái quốc Phan Bội Châu xuống ga Tokyo (Đông Kinh) gọi một chiếc xe kéo để tìm đến nhà một người đồng chí có địa chỉ không rõ ràng. Sau 4 giờ loanh quanh tìm kiếm rồi chạy xe đến đúng địa chỉ đó, Phan tiên sinh nghĩ rằng sẽ phải trả bộn tiền cho cuốc xe này theo thói quen “chặt chém” của phu xe nước mình. Nhưng ông vô cùng kinh ngạc khi thấy người phu xe Nhật ra dấu về số tiền phải trả chỉ là 2 hào 5 xu. Không thể tin về cái giá quá rẻ như vậy, ông quyết định trao nguyên một đồng bạc, nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lời giải thích rằng: “ Chiếu theo quy luật Nội vụ Sảnh đã định, thì từ ga Đông Kinh đến nhà này giá xe chỉ có ngần ấy; vả lại ý ta nghĩ các người là người ngoại quốc, yêu mến nước Nhật mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tiền quá lệ, là khinh bạc người Nhật Bản rồi đó!”. Nghe vậy, Phan tiên sinh liền cảm thán: “Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta, xem với người phu Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao!”. Qua đó có thể thấy rõ Phan tiên sinh đã hiểu sâu sắc rằng: sự cường thịnh hay yếu hèn của một quốc gia do trình độ dân trí của đất nước quyết định.

Người Nhật không biết đến triết lý thằng Bờm vì có dân trí cao, nên đã tạo thành nước  Nhật Bản đứng thứ hai trong nhóm 7 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G7). Người Việt luôn mang theo triết lý của anh chàng có cái quạt mo, nên Việt Nam chỉ mới thoát nghèo, và sẽ gặp muôn vàn khó khăn để đất nước trở nên giàu mạnh.

                                                                                                       Lê Vinh Quốc

 

Các Bài viết khác