NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THĂM MỘ ĐẠI VĂN HÀO LEV TOLSOY

( 06-04-2016 - 06:05 AM ) - Lượt xem: 1071

Mộ phần Lep Tolstoi không là nấm mộ thông thường: không có nấm đất,mồ bằng phẳng và có cao hơn mặt đất là nhờ cành thông và bạch dương từ rừng cây quanh đó được xếp vòng cung, tạo hình nấm mồ với quanh năm hoa tươi phía đầu mộ, được người người đem dâng hàng ngày.

1. Tháng 8 năm ấy mùa hè tàn muộn, mùa thu đã dập rình đâu đó trên những cánh rừng bạt ngàn bao quanh ngoại ô Matxcova. Tôi được vợ chồng bạn Nga – Sergay Orlov và Natalia Vasilievna  Orlova mời về quê họ ở Tula thành phố phía Nam cách thủ đô Matxcova 193 km.

 Chúng tôi cùng đi xe lửa chạy điện-Elictrichka- phương tiện giao thông theo tôi là thuận tiện, tuyệt nhất khi đi trên dưới khoảng 200 km từ thủ đô Matxcova tới các thành phố vệ tinh. Giữa mỗi trạm chừng trên dưới 10 km dừng không quá 2 phút  để mọi người ở xa có thể đến làm việc ở  thủ đô tiện lợi an toàn không lo  “kẹt xe”.

Tula là quê hương của Natalia, thành phố của những Bảo tàng nổi tiếng: Bảo tàng vũ khí, khí tài từ cổ xưa đến hiện đại của Nga, bảo tàng Xamova -ấm pha trà đặc sắc (có từ Tk 13) đượm tâm hồn Nga, bảo tàng đồ mỹ nghệ siêu tinh xảo: tác phẩm hội họa, điêu khắc bé xíu trên hạt lúa mì, sợi tóc. Những cuốn kinh thánh trong hộp trạm khắc siêu tinh xảo, bảo tàng tường thành điện Kremli cũng là  ở Tula …

Nghỉ ngơi chơi thăm thành phố văn hóa kỳ thú này đến ngày thứ ba, Natalia nói sẽ đi Yasnaia Poliana- là bảo tàng toàn diện nhất về đại văn hào Lep Tolstoi cách Tula chỉ 14 km.

Yasnaia Poliana là niềm tự hào lớn của người Nga, niềm hạnh phúc khó nơi nào sánh với người Tula, nơi sở hữu và trực tiếp được gìn giữ chăm sóc bảo tàng-điền trang của danh nhân văn hóa thế giới Lev Tolstoi vĩ đại.

Đây cũng là nơi trang nghiêm gìn giữ phần mộ cao quý  linh thiêng nhưng  giản dị đến không ngờ của Người- Đại văn hào Lev Tolstoi, tên ông không một người Nga nào là không biết tới với cả những người bình thường nhất.

Yasnaia Poliana  là điền sản thừa kế bên dòng họ Mẹ của nhà văn. Dù là người thiệt thòi nhất trong việc hưởng thừa kế, nhà văn sở hữu tới 1500 mẫu đất (cũ) của Nga với 300 nông nô.

Ngày 9-9-1828 (nửa đầu Tk 19) Lev Tolstoi được sinh ra tại đây, thật không may thân mẫu của Người sớm ra đi khi con trai bà chưa đầy 2 tuổi và 5 năm sau thân phụ cũng qua đời.

Tuổi thơ của nhà văn trôi qua trong  yêu thương hết mực của người Cô ruột-nữ công tước Alexandra không lấy chồng, tính tình trầm mặc mà dịu dàng chu đáo, cùng nhũ mẫu dành trọn yêu thương cho cậu bé dòng dõi quý tộc mồ côi tội nghiệp của mình. 16 tuổi, Lev Tolstoi rời điền trang, ở chàng trai trẻ ấy bắt đầu xuất hiện thiên hướng  say mê nghiên cứu đạo Phật. Chàng quyết chí ra đi, đến Kazan  thi vào  trường Đại học Phương Đông. Chính là thời gian này Lev Tolstoi nạp những kiến thức hiểu biết về văn hóa phương Đông để từ đó trở thành một nhà văn-một triết gia với lòng từ bi bác ái, con người lao động trí óc siêu việt, luôn tự trau dồi trí tuệ nâng đến đỉnh cao, rồi phản ánh qua những tác phẩm văn học vĩ đại của mình,  xuyên qua nhiều thế kỷ để lại cho hậu thế.

2. Sáng sớm năm người chúng tôi lên đường: gia đình trẻ Sergey –Natalia, em gái của Natalia  cuối kỳ hè cũng tham gia, một bác sỹ thực tập phẫu thuật đến từ Peru và tôi.

 Sergey lái chiếc xe Zip thông dụng của Nga, nhà thờ Tin lành  thường dùng, khỏe mà lại gọn.

Chúng tôi chuẩn bị đủ đồ ăn cho cả ngày dã ngoại,riêng tôi từ tối hôm trước đã xắn tay áo làm nguyên một hộp to nem rán, pha nước chấm  “ truyền thống” Hà Nội để vào chai nút chặt đem theo.

Các bạn tôi đã thích ăn nước chấm có hương nước mắm thuần Việt và ai nấy đều “mê” như điếu đổ món nem rán này. Còn có cả nguyên túi nào carốt ngâm, xà-lách rửa sạch đem theo.

Sau ít phút Yasnaia Poliana  đã hiện ra: cổng vào hoành tráng với hai hàng cây bạch dương cổ thụ chào đón, che mát con đường kéo dài như vô tận trong may mắn của tiết hè tàn muộn năm ấy. Bảo tàng Lep Tolstoi được nêu ý tưởng thành lập từ  mùa hè năm 1921, thế chiến lần thứ hai bị quân Đức chiếm  đóng 45 ngày, phá hủy nhiều công trình, nhưng năm 1950 đã được phục chế hoàn thiện như nguyên mẫu.

Yasnaia Poliana  gồm một vùng trù phú, ngút ngàn tầm mắt những xanh tươi, nhiều nhà cổ đủ dạng trải dài ven đường, nằm  ngang triền đồi hoặc bên các hồ nước lớn nhỏ. Đây đó chim chóc, từng đàn sóc nhởn nhơ chạy nhảy tìm hạt dẻ, hàng  đàn thiên nga cánh trắng tinh khôi sánh đôi, dập dìu thong dong bơi khắp mặt hồ hay rủ rì rỉa lông trên bờ  cỏ xanh biếc…

Tôi may mắn được đi nhiều vùng, tham quan nhiều bảo tàng, nhưng chưa từng thấy một “bảo tàng” nào rộng như thế, cuốn hút,sang trọng hoành tráng như thế. Dù đã đọc Người nên trong sâu thẳm đã có hình dung tưởng tượng… nhưng giờ đây hoàn toàn bất ngờ với không gian bao la quá thanh khiết quá, cảnh vật mộng mơ như được lạc vào chốn bồng lai!

Đi sâu thêm về phía ngôi nhà nơi Lep Tostoi được sinh ra đời là con đường qua  vườn táo cả ngàn cây giao hòa, hàng cây trồng thẳng tắp, gió làm cánh hoa rụng trắng đầy xốp dưới bước chân.

Mùa này táo đang rụng cánh lộ mầm quả  xanh dưới chồi biếc đỡ trái tơ non. Xe tham quan đều phải dừng trước cổng chính, mọi máy ảnh, máy quay phim tuyệt đối không được phép chụp, ngoại trừ khu cổng và trước vườn táo.

Điền trang quá rộng lớn, chúng tôi được xe ngựa đưa đi tham quan một vài dặm chắc hẳn cũng là để gợi lại không khí sống nơi đây trong thế kỷ 19. Xe ngựa đi trong ngan ngát hương hoa  Tử đinh hương tím biếc, loài hoa này chưa thấy ở Việt nam.

Chính nơi điền trang bao la này, Lep Tolstoi đã trải qua tuổi ấu thơ êm đềm, tuổi niên thiếu đầy mộng mơ, âu cũng là tiền đề sự ra đời nhiều tác phâm đồ sộ Chiến tranh và hòa bình (năm 1877) với trên 500 nhân vật, Anna Karenina ( 1899), Phục sinh…  và bao kiệt tác khác làm kinh động bạn đọc toàn thế giới.

Nơi đây có những ngôi nhà điển hình Nga với bờ rào, tay vịn hành lang bằng gỗ sơn trắng, những lớp học cho trẻ con nông dân, nhà chứa cỏ vách rơm ngào bùn, chuồng ngựa có cả tàu ngựa đầy có, ngựa ung dung ăn cỏ trong máng cỏ như xưa.

Căn phòng nơi Người được sinh ra có cửa sổ nhìn ra vườn , tiếng chim hót và hương thơm đủ loài hoa tràn vào mỗi sáng mùa hè…

Trong phòng riêng không có di ảnh của thân mẫu...  mà mãi trong cả cuộc đời dài 82 năm tuổi sau này, Người cứ mãi còn xót xa là không thể hình dung về người Mẹ thân yêu đã sớm lìa xa.

Lev Tolstoi lớn lên quá thông minh, nhạy cảm nhưng cũng nhiều nết khác người: Ông có một nơi tắm “tiên” ngay ven hồ, từ xa nhìn tưởng đó là chòi lá để nghỉ chơi. Hóa ra đây là nơi Người trầm mình trong băng lạnh khi mùa đông về, không ai được đến gần, hiện nay cũng chỉ nhìn từ xa .

Phòng làm việc với đế nến cỡ to, chiếc ghế cưa chân cho thấp hơn: Lev Tolstoi cận thị nặng, ghế thấp đỡ để dễ nhìn trang giấy mà viết.

  Bên triền đồi trong khu bảo tồn thiên nhiên này, còn cả những chuồng ngựa, những ngôi nhà nguyên mẫu từ Tk 17, cả  nhà chứa cỏ dường như vương mùi thơm cỏ khô : thưở trai tráng độc thân nhà văn vô cùng  say mê cô gái B. Acxinhia, con một nông nô, xem nơi đây chính là chỗ hò hẹn, tình tự với nàng…

Cũng nói rõ rằng, sau khi được tiếp nhận thừa kế Yasnaia Poliana, khi lớn lên sớm nhận thức về quyền con người, nhà văn đã quyết định giải phóng ngay 300 nông nô, tạo việc làm cho họ, lo cho con cái họ học hành tại đây.

Mấy lớp học bằng gỗ cho con của nông dân học hiện còn đó, thầy giáo cũng chính nhà văn dạy, đường tới lớp vẫn còn nguyên lối cũ.

Vào năm 1861 Lev Tolstoi gặp gỡ thiếu nữ 18 xuân sanh Sophia Andreevna  con một vị bác sỹ. Lúc ấy chàng đã 34 tuổi, đang rơi vào tâm trạng chán nản sau bao cuộc tình vô vọng, “chân lý” chàng muốn tìm qua tình yêu  dường như …không tìm thấy được!

Thế nên tình yêu “sét đánh” chợt đến với nàng Sophia  xinh đẹp, tươi tắn và trong trắng ngay lập tức đã chiếm trọn trái tim người đàn ông (gần như) chai sạn qua bao mối tình bất thành.

Sau này có lẽ những trang viết về nàng  Natasha Rostova gặp chàng công tử lịch lãm và uy phong Andrey Bonkonski  trong  vũ hội đầu tiên (“ Chiến tranh và hòa bình”) phảng phất tinh thần mối quan hệ của nhà văn với vợ tương lai Sophia này đây. Hình bóng thôn nữ B.Acxinhia bốc lửa được nhà văn si mê thì in dấu trong tác phẩm “Phục sinh”- qua hình ảnh người đàn bà trở thành sa đọa vì một công tử nhà giầu “ hại đời”, là nàng  Maslova?

 Sophia Andreevna với vẻ đẹp thuần Nga, trẻ trung, hồn nhiên đã làm Lev Tolstoi say mê và chàng ngỏ lời chính thức cầu hôn.

Tháng  9-1862 ông cưới nàng, ổn định cuộc sống hôn nhân trong hạnh phúc.Nhưng rồi sau cuộc hôn nhân ấy cũng như bao đôi trên cõi đời này: niềm vui đi cùng nỗi bất hạnh, nỗi buồn nhân thế.

Cuộc hôn nhân của vĩ nhân Lev Tolstoi và phu nhân Sophia Andreyevna  kéo dài được 48 năm cho gần đến ngày Người vĩnh viễn ra đi (tháng 9- 1910) trong nỗi cô đơn chính Người “tự nguyện” tìm đến.

Trở thành người  vợ duy nhất của Lev Tolstoi, Sophia Andreyevna nào  lo quán xuyến điền trang rộng lớn, vừa gia sức giúp đỡ chồng trong văn nghiệp, lại lo toan cho  một gia đình quá lớn: Bà  sinh tới 13 lần, nhưng chỉ 6 người con còn lại, 7 người chết sớm vì nhiều loại bệnh khi còn nhỏ.

Trong sự nghiệp của Lev Tolstoi, bà Sophia Adreyevna thường được ông đọc cho nghe đầu tiên, bà cũng là người thường  ghi chép và giữ gìn bản thảo cho ông, là thư ký riêng  nhiều năm của nhà văn ngay tại Yasnaia Poliana.

Bên cạnh thư viện với 20.000 đầu sách của  bá tước, là phòng làm việc của hai ông bà. Nhiều khi ông đọc trực tiếp những sáng tác bất chợt ùa đến. Chính tay Sophia  đã chép đi chép lại tới bảy ( 07) lần tác phẩm đồ sộ “ Chiến tranh và hòa bình” và đọc đi đọc lại  cho đến khi hoàn hảo, được ông vừa lòng.

Thật là một lao động âm thầm quá ư vất vả, nghĩa tình và cả công lao không thể đong đếm! Sống bên một vĩ nhân như Lev Tolstoi, người phụ nữ là Sophia Andreyevna Tolstaia có quá nhiều hãnh diện, tự hào, nhưng Bà cũng phải hy sinh cái “ tôi” của mình rất nhiều để chăm sóc gìn giữ gia đình, chịu đựng những trái nết của nhà văn. Sophia Andreyevna đã can trường chịu đựng xiết bao buồn đau thấu tâm gan, khi bảy lần đau đớn chôn các con của minh sớm lìa đời.

Hỏi rằng đã ai làm được, đã chịu đựng được như Bà? Nếu không phải vì tình yêu vô biên dành cho chồng con thì là điều gì  đã buộc Bà tự nguyện suốt đời dâng hiến cho những người thân yêu ấy? Đó nhất định chỉ là tình yêu!

Ấy vậy mà cuối đời Bà lại phải chịu nỗi oan khuất nặng nề , để ông-một vĩ nhân với nhiều tư duy khác người - tự vùi mình trong nỗi buồn da diết, tự hành hạ mình trong cô đơn, cho rằng vợ thân thiết cũng không hiểu mình. Để rồi Người quyết dứt áo  âm thầm lặng lẽ ra đi, chết trong lạnh lẽo cô đơn nơi  ga sép xe lửa trên hành trình “chạy trốn” khỏi chính mình.

3. Mộ phần Lep Tolstoi không là nấm mộ thông thường: không có nấm đất,mồ bằng phẳng và có cao hơn mặt đất là nhờ cành thông và bạch dương từ rừng cây quanh đó được xếp vòng cung, tạo hình nấm mồ với quanh năm hoa tươi phía đầu mộ, được người người đem dâng hàng ngày.

Ta chiêm bái kính cẩn cúi đầu trước mộ Người trong khoảng cách chừng 20 m.

Một bia nhỏ ghi tên của đại văn hào với ngày sinh-ngày mất (1828-1910).

Thật đơn giản đến không ngờ! Dù mùa đông băng giá, mùa thu lá vàng…nấm mồ luôn có muôn sắc hoa tươi được chăm chút hàng ngày. Nơi chôn này cũng theo di nguyện của Người: Tôi muốn được nằm đối diện Khe Xói ( xói mòn…) chỗ dấu của Que Xanh (“que xanh” biểu tượng cho hạnh phúc bất tử-Tên một trò chơi thuở ấu thơ của nhà văn).

Giã biệt khu mộ độc nhất vô nhị trên thế gian của bậc thiên tài văn học lừng danh thế giới, chúng tôi vừa phấn chấn nhưng tâm như chùng xuống với muôn vàn suy tư. Trên thế gian cũng có nhiều vĩ nhân, những người đã cống hiến trọn trí tuệ và tài năng kiệt xuất của mình cho nhân loại.

Nhưng giã biệt trần gian, ra đi trong giản dị, trong đau đớn day dứt về tình yêu, về khát vọng được hạnh phúc đến tận cùng, cực đoan  đến như Lev Tolstoi quả thấy là hiếm, rất hiếm. Hầu như không có thiên tài nào  trên thế giới đã sống, đã viết những thiên tiểu thuyết sâu sắc, tận cùng của sự sâu sắc, lãng mạn đến  thế. Những tác phẩm đã làm mềm trái tim (chắc là) của hàng triệu triệu thiếu nữ trên thế gian, trong đó có những kẻ như chúng tôi, ở một xứ xa Ông vạn dặm, được đọc Ông và “ sống-chết” với những nhân vật, những tình tiết, những  gì Ông tạo ra.

 Chiều dần buông trên điền trang Yasnaia Poliana, mặt trời đang dần lặn mà ánh sáng  còn đỏ rực xuyên qua rừng cây nơi ấy, cứ theo mãi …theo mãi chúng tôi.

Chợt Natalia cất tiếng hát:

 “ Chiều trên cánh đồng

Hoàng hôn là lúc tôi say mê…”

Tâm hồn Nga lai láng sau những cung bậc ấy.

 

Tác giả tại thủ đô Moskva nước Nga

Không ai bảo ai, chúng tôi hòa giọng cùng người con gái Nga xứ sở Tula huyền thoại. Tiếng hát mang màu sắc Nga, hương vị Nga đưa  đường  cho người về  Tula và đi xa hơn thế...

---------------------------------------------

TS BÙI BÍCH NGỌC

Nguyên BTV Đài Tiếng Nói VN-Đài Truyền Hình VN.

Các Bài viết khác