NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SUY NGHĨ VỀ HẠNH PHÚC

( 17-08-2015 - 07:58 AM ) - Lượt xem: 1061

Mỗi con người đều có một giai đoạn hạnh phúc , hoặc những giây phút hạnh phúc . Tôi thấy hạnh phúc dưới dạng những mảnh vụn , thỉnh thoảng do may mắn mà ta nhặt được , rồi không may ta lại làm rơi mất .

      Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn và càng nhiều càng tốt , tất nhiên không phải muốn là được . Nhiều lúc tôi tự hỏi mình có hạnh phúc không ? Nếu theo châm ngôn “biết đủ là đủ” thì hiện tại tôi đang hạnh phúc. Tôi có một ngôi nhà khang trang ở thủ đô với đầy đủ tiện nghi , tôi có hai con trai đã trưởng thành có công ăn việc làm ổn định , tôi có hai cháu nội đủ cả trai gái . Lương hưu của tôi đủ sống , thỉnh thoảng lại đi du lịch trong nước , ngoài nước . So với bạn bè cùng lứa , nhiều người tiểu đường, huyết áp , tim mạch thì tôi không có bệnh gì .

      Một chị bạn thân của tôi có đến ba đời chồng , đời chồng thứ nhất lấy nhau lúc còn trẻ nên cũng chóng bỏ nhau , chị bạn tôi là người khá xinh nên lần thứ hai chị lấy một người chồng rất vừa ý , anh ta tốt nghiệp kỹ sư ở Liên Xô về , vợ lại mới chết hai người rất yêu nhau và lấy nhau . Sau khi lấy chồng thứ hai chị sinh hai lần có hai cô con gái cộng với hai con riêng của chồng là bốn con . Thời kỳ đó xã hội còn khó khăn phải dùng tem phiếu nhưng chồng chị bạn tôi lên chức nhiều lần từ giám đốc đến Tổng giám đốc nên có nhiều tiêu chuẩn hơn người khác . Chồng chị lại đi nước ngoài công tác luôn nên đời sống cũng dễ chịu . Nhưng hạnh phúc không dễ dàng thế , khi sự nghiệp đang lên , gia đình đang hạnh phúc thì người chồng mắc bệnh ung thư và chết lúc hai cô con gái chị bạn tôi còn đang học phổ thông .

       Một thời gian sau vài năm chị lấy bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện lớn của Hà Nội , ông này là một trí thức Hà Nội gốc , vợ chết có hai con gái đều đã có chồng . Người chồng thứ ba này si mê vợ , và rất chu đáo . Tôi rất khâm phục chị bạn tôi sao lại có tài chọn chồng đích đáng như vậy. Chưa hết , ông bác sĩ còn được chọn đi chuyên gia An giê ri đợt đầu tiên , thỉnh thoảng chị rủ tôi đi lĩnh lương của chồng gửi về bằng đô la , tôi lúc đó còn chưa trông thấy đồng đô la bao giờ . Xã hội khi ấy mọi người chủ yếu đi xe đạp , người nào giàu hơn thì có cái xe máy “cá xanh” hoặc “cá vàng” chỉ ai có người nhà ở các nước tư bản gửi về mới có Honda , vậy mà chị bạn tôi được chồng gửi về hàng chục xe Honda bãi , thời ấy là cả một tài sản .

      Hình như chị bạn tôi có tài lấy chồng , nhưng không có số được hưởng hạnh phúc . Bao nhiêu xe máy chồng gửi về chị bán đi gửi vào ngân hàng, ít lâu sau có đợt đổi tiền mười ăn một nên cũng chẳng còn mấy . Ông bác sĩ đi chuyên gia về , hai vợ chồng sống với nhau vài năm , đến lúc về hưu ông bị suy thận . Ông chồng phải chạy thận một tuần hai lần được ít lâu thì vợ phát hiện bị tiểu đường  . Chị rất đau khổ than thở “ Bây giờ tôi có bệnh cần được chồng chăm sóc thì tôi lại phải chăm sóc chồng.” Tôi an ủi chị “ thôi chịu khó đi , người ta có muốn thế đâu !” .

      Chạy thận được ba năm thì ông bác sĩ qua đời , vậy là sau ba cuộc hôn nhân chị bạn tôi lại trở thành người độc thân . Thấy tôi sống thoải mái , khỏe mạnh , nhà cửa to đẹp hơn , kinh tế vững vàng hơn chị ấy và nhất là chẳng có ông chồng nào để phục vụ , chị so sánh “ Sao cậu sướng thế , tớ lại khổ như thế này” . Tôi bảo “ Bà nên nhận xét cho công bằng , khi bà đi lĩnh lương của chồng bằng đô la sao bà không thấy tôi chỉ có vài chục đồng lương VN , khi bà có hàng chục xe Honda tôi chỉ có một cái xe đạp rách” . Chị bạn tôi nhe răng cười trừ .

      Hôn nhân là số mệnh , tôi tin như vậy , ai cũng muốn có một đời sống vợ chồng xuôi thuận , yêu nhau đến đầu bạc răng long , nhưng đó chỉ là mong ước mà thôi , trong thực tế được vậy quả là hiếm hoi . Chẳng ai muốn sống cô đơn , nhưng nhiều hoàn cảnh buộc phải vậy . Xã hội ngày nay đã cởi mở rất nhiều trong các mối quan hệ , có một số phụ nữ chọn cách sống sinh con một mình mà không lấy chồng . Thời của tôi thì đó là vô đạo đức , nhẹ thì bị kiểm điểm , nặng thì bị đuổi khỏi cơ quan .

      Phụ nữ nào cũng mơ ước một người chồng khỏe mạnh , có tài năng , kiếm được nhiều tiền và yêu vợ con . Cứ mơ vậy thôi chứ được một nửa tiêu chuẩn đó là quá tốt rồi . Tôi nhớ một câu chuyện trong sách , hai vợ chồng già , người chồng làm nghề lái xe thồ , một hôm thấy chồng không khỏe mạnh người vợ bảo chồng nghỉ đừng đi làm nữa , người chồng trả lời “ Tôi phải cố gắng kiếm tiền cho bà tiêu chứ” . Chắc bà vợ cũng cảm động , còn tôi thấy quá tuyệt vời , không cần số tiền đó là bao nhiêu chỉ cần người chồng có ý thức như thế tôi thấy quá mãn nguyện . Tôi rất ngưỡng mộ người chồng trong chuyện vì tôi lấy chồng hai lần mà chưa từng được nghe câu nói ấy một lần nào , tôi chỉ tiêu tiền của tôi !!! .

      Chị bạn của tôi chẳng bất hạnh hơn tôi mà tôi cũng chẳng hạnh phúc hơn chị ấy . Mỗi con người đều có một giai đoạn hạnh phúc , hoặc những giây phút hạnh phúc . Tôi thấy hạnh phúc dưới dạng những mảnh vụn , thỉnh thoảng do may mắn mà ta nhặt được , rồi không may ta lại làm rơi mất .

      Tôi có một chị bạn khác , nhan sắc trung bình , tính rất mơ mộng ,thời trẻ cũng trải qua vài mối tình , lúc ngoài ba mươi chị đồng ý lấy một anh là giảng viên trường đại học vợ chết có bốn con , đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 1 tuổi . Khi chị nói chuyện với tôi , tôi giẫy nẩy lên phản đối “ Một đứa con còn chịu được , 4 đứa thì gánh quá nặng đấy” . Chị cười tươi nói rất mơ mộng “ Mình thấy chúng nó như ngan như ngỗng ấy thương lắm cơ , mới lại tại sao cứ dì ghẻ là phải ác ? mình sẽ là dì ghẻ thật tốt , mình cứ yêu chúng nó thì chúng nó sẽ yêu lại mình .” Tôi không biết nói gì khi bà bạn tôi coi hôn nhân như một việc làm từ thiện .

      Đám cưới của chị bạn tôi diễn ra đơn giản , vì chú rể lấy vợ lần thứ hai. Trong đám cưới một người em họ chú rể thay mặt nhà trai phát biểu tôi nhớ có câu  “ …tôi rất khâm phục chị dâu tôi đã dũng cảm lấy ông anh tôi …”

      Ngoài 4 đứa con riêng , chồng chị còn một bà mẹ già 80 tuổi , những ngày đầu làm vợ , làm dâu , làm mẹ kế tương đối xuôi thuận . Chị hạnh phúc kể cho tôi nghe chồng chị yêu vợ ra sao , mẹ chồng chiều chị làm những món ngon cho chị thế nào . Tôi không tin những ngày hạnh phúc của bạn tôi sẽ được lâu , nhưng cũng không nói gì trước niềm vui thơ ngây của chị .

      Tôi và chị ít khi gặp nhau , nhưng khi gặp thì chị bức xúc trút nỗi niềm trong lòng , chị kể có hôm chị dọn mâm cơm ra , cả chị , bố bọn trẻ , bà nội chưa ngồi vào ăn thì lũ trẻ đã tranh nhau bốc thức ăn , với tinh thần mẹ dạy con chị ngăn bọn trẻ lại và mắng chúng phải chờ người lớn , bà cụ nói khá nặng lời “ Chúng nó ăn được là tốt , không được tiếc chúng nó” . Chị phân trần “ Con muốn dạy các cháu cho có phép tắc không thì người ta cười cho” bà cụ nói “ người ta cười bố , cười mẹ nó chứ cười gì chị” . Chị quá cay đắng không biết nói gì . Chị bị nghén có hôm không muốn ăn cơm , nấu cơm cho cả nhà nhưng chị nấu riêng một bát mỳ sợi để ăn , ngồi vào mâm chưa kịp ăn thì đứa con trai nhìn thấy mỳ nhất định đòi ăn , chiều con chồng chị hồn nhiên lấy bát mỳ cho con ăn mà không để ý là vợ nhịn đói vì không ăn được cơm . Hồi ấy lương thực là phải mua bằng tem phiếu , không nấu cơm ở nhà thì cũng chẳng có gì ăn . Chị bắt đầu nhận ra rằng muốn làm một dì ghẻ tốt thật là khó , mặc dù chị tốt thật .

      Khi chị sinh con đầu lòng của chị , tức là con thứ năm của chồng tôi đến thăm , đứa bé là con trai nhưng chỉ được 2kg2 . Tôi khen động viên “bé đẹp trai quá” , bà mẹ chồng ngồi đấy nói “ đẹp cũng chỉ là con thứ thôi” . Tôi không nói gì , chị cũng cúi mặt lặng yên .

      Vài tháng sau tôi nghe tin chị mang con về ở nhờ nhà em gái , tôi đến thăm , nhà cô em gái là một căn phòng khoảng 12m2 , gồm cô em và hai đứa con một trai một gái khoảng 14 , 15 tuổi , ba mẹ con nằm trên chiếc giường đôi , mẹ con chị nằm chiếc giường một kê sát cửa . Tại sao chị phải đi thì chị không nói tôi cũng đoán ra . Hôm tôi đến thăm trời mùa hè rất nóng , thấy chị cầm chiếc quạt nan quạt cho con ngủ tôi nói “ không có chiếc quạt máy nào à ?” chị rơm rớm nước mắt kể , khi dọn ra khỏi nhà chồng chị mang theo một chiếc quạt nhựa nhỏ (loại 35 đồng) nhưng dùng được vài hôm thì mẹ chồng bắt chồng chị phải đến đòi về . Lạ một điều là chồng chị đến mang về thật , tôi không hiểu anh ta nghĩ gì khi đứa bé ấy là con anh ta . Tôi tiếp xúc với anh ta vài lần thấy anh là một người hiền lành nhưng nhu nhược rất sợ mẹ,  nhưng nghe mẹ như thế thì không bình thường .

      Chị cứ lần hồi nuôi con một mình như thế , hồi đó mỗi đứa con sinh ra người bố được phụ cấp 5 đồng để nuôi con , mỗi tháng chồng chị đưa cho chị 5 đồng tiêu chuẩn đó . Rất nhiều lần chị muốn ly hôn nhưng người chồng cương quyết không đồng ý , chị kể với tôi chuyện đó tôi nói “ đời nào ông ấy ly hôn vì làm sao tìm được một người điên như bà ! .”

      Chị bạn tôi vừa đi làm vừa nuôi con một mình , thỉnh thoảng ông chồng chạy qua . Khi con trai của chị vào cấp hai thì ông chồng được tiêu chuẩn phân một căn nhà cấp bốn , hai mẹ con chị có chỗ ở riêng không phải ở nhờ nữa . Chồng chị chủ yếu vẫn ở với mẹ già và các con riêng , cuộc sống hôn nhân của chị bạn tôi không hạnh phúc nhưng cũng theo thời gian trôi đi .

      Rồi mẹ chồng chị qua đời , các con lớn dần lên , những con riêng của chồng đều lập gia đình cả , có một điều may mắn là các con chồng của chị đã hiểu chị ,chúng cư xử biết điều và quan tâm đến hai mẹ con chị . Về già tuy hoàn cảnh của chị không gọi là hạnh phúc được nhưng cũng yên ổn , con trai chị đã lấy vợ , chị sắp có cháu nội .

      Đó là số phận của một dì ghẻ tốt ! thỉnh thoảng tôi riễu “ bà tưởng cứ yêu con chồng là được à ? ai cho phép bà yêu !!!” . Chị cười hiền hậu “ làm gì có ai điên như mình” .

      Tôi nhớ một câu danh ngôn “ Hôn nhân là một sự phiền phức cần thiết” , cũng có cần thiết nhưng phiền phức lại nhiều hơn cả sự cần thiết nên ngày nay phụ nữ nhiều nơi trên thế giới muốn có tự do ,sự nghiệp họ không kết hôn . Cách sống như thế đã được một số phụ nữ VN lựa chọn , tôi thấy lấy vợ lấy chồng là một việc có tính mạo hiểm khá cao . Khi yêu nhau ít ai bộc lộ tính xấu , lấy nhau rồi phải cố mà chịu đựng . Theo nhận xét của tôi thì các cuộc hôn nhân tồn tại được là do người trong cuộc chịu đựng được , nếu một trong hai người không thể chịu được thì sẽ tan vỡ .

      Trước một cặp muốn ly hôn , người ta thường khuyên cố chịu đựng , tôi thấy khó mà sống với nhau được khi cứ phải chịu đựng , nếu cứ cố buộc hai con người ghét nhau vào một chỗ sẽ xẩy ra sự cố nhẹ thì ngoại tình , nặng thì đánh nhau , chửi nhau hoặc có thể xẩy ra án mạng . Xã hội nào cũng đề cao lòng chung thủy , ai cũng thấy chung thủy là điều tốt đẹp, nhưng sự đời không đơn giản , không phải muốn chung thủy là sẽ chung thủy . Có một danh ngôn của một mỹ nhân nổi tiếng Brigit Bacdot như sau “ thà đừng chung thủy nếu không muốn thế” .

      Thời của tôi , con gái lớn lên lấy chồng là một việc đương nhiên , không lấy chồng mới là khác thường . Trong cơ quan tôi có một chị làm kế toán tên là T , chị T không xinh , nói thẳng ra là quá xấu , chị có nước da thiết bì xam xám , mắt ti hí , hai vai nổi u lên trông rất mất cân đối . Hình thức như vậy nhưng hồi trẻ chị lại thích người yêu phải đẹp trai , chẳng thấy có anh chàng đẹp trai nào yêu chị , thậm chí người trung bình cũng không có nốt . Tuổi trẻ qua đi , trong lúc đó bạn gái chung quanh đã đi lấy chồng hoặc có người yêu thậm chí có người đã lấy đến mấy lần chồng , chị vẫn chẳng có ai . Tôi nghiệm ra một điều những người khó lấy vợ lấy chồng , cả đàn ông lẫn đàn bà đều tự cho mình là người đạo đức hơn người khác , ra vẻ ta đây nghiêm chỉnh , những người yêu đương đều là loại lăng nhăng .  

      Chị T cũng như thế , chị thường phê phán những ai bỏ người này yêu người khác là vô đạo đức , ai có nhiều người theo đuổi là đồ lẳng lơ . Tôi cũng trong số phụ nữ bị chị cho là không đứng đắn . Dung nhan xấu xí , tính tình lại không dịu dàng nên chị đành giữ gìn đạo đức như thế đến lúc về hưu . Chị mở một quán nước chè và bán thêm mấy thứ lặt vặt , nhiều tuổi tính tình chị cũng cởi mở hơn . Thỉnh thoảng tôi ghé vào quán nước của chị chuyện trò , thấy chị sống cô đơn tôi rất ái ngại , tôi lựa lời “ T này , bà thấy ai có thể làm bạn được thì sống chung cho vui , xã hội bây giờ cởi mở , không ai để ý gì đâu” . Chị rơm rớm nước mắt “ Tớ cũng muốn thế nhưng chẳng có ai” , chị tâm sự những phiền muộn gặp phải , có hôm bị cảm không dậy được muốn có người rót hộ chén nước mà đành chịu . Chị khó chịu nhất là người quen qua lại cứ vô duyên hỏi chị “lúc nào cho ăn kẹo đây” . Có hôm chị đi chợ mua vài lạng thịt , cô hàng thịt hỏi “ bà ở một mình mà mua nhiều thịt thế” , người ta nói năng vô ý nhưng chị không chịu được nên cãi nhau mấy câu .

      Thế rồi mọi người được một phen kinh ngạc , chị thông báo sắp lấy chồng chính thức ở tuổi 59 . Người chị sắp lấy là một anh bộ đội đã về hưu , thật ra hai người có quan hệ với nhau từ lâu nhưng anh ta còn vợ ở nhà quê nên không chính thức được , giờ đây người vợ mới chết nên hai người mới có thể lấy nhau . Lấy chồng lẽ ra là việc vui , nhưng ở tuổi này thì cần suy nghĩ , tôi cố gắng nói cho dễ nghe khuyên chị “Hay là hai ông bà cứ ở với nhau cho vui , đừng đăng ký chính thức , sẽ nhiều trách nhiệm lắm đấy”. Chị dõng dạc “ không được , tôi là phải đàng hoàng” . Không thể nói gì với người muốn đàng hoàng nên tôi im lặng . Chị bạn mà lấy ba lần chồng phàn nàn với tôi “ Mình thật lòng khuyên T là đừng lấy chồng khổ lắm , ai ngờ mụ ấy cáu lên bảo mình : khổ sao bà lấy đến ba lần ? tôi chưa lấy lần nào mà bà lại ngăn tôi, mình dại quá biết thế mặc kệ nó” . Tôi đùa “ Đáng nhẽ bà nói rằng vì tớ lấy đến ba lần mới thấm thía hết nỗi khổ lấy chồng”.

      Đám cưới chị T có phát thiếp mời , nhưng cũng làm vài mâm đơn giản mời những người thân . Cuối cùng chị cũng có chồng như mọi người đàn bà khác , chồng chị về ở nhà chị , nhà của anh cho con riêng ở . Mỗi khi bạn bè gặp nhau chị thường hãnh diện khoe “Hôm nọ ông xã đưa mình đi chơi , cái nhẫn này ông xã mua tặng mình … ông xã … ông xã”. Chị sung sướng nói ông xã … ông xã … nghe như đang hát tình ca . Cuối cùng cũng có “ông xã” của riêng mình !!! .

      Khoảng 3 tháng sau đám cưới của T thì tôi nghe tin chồng chị bị ung thư đang  nằm viện . Hạnh phúc quá ngắn ngủi . Cuối năm chồng chị mất, các bạn bè được tin đều đến thăm . Thấy chị lại cô đơn như xưa tôi nói một suy nghĩ thật thà của mình do biết hai người quan hệ với nhau từ lâu “ giá hồi xưa bà cứ đẻ lấy một đứa con thì hay quá” . Đang khóc chồng chị cũng bật lên phản ứng “ Mình không thể sống vô đạo đức như thế được” tôi im bặt vì thấy mình phạm sai lầm khi không nghĩ đến “đạo đức” mà chỉ đơn giản thương hoàn cảnh chị . Thế là chị T vừa làm vợ vừa làm hộ lý cho chồng trong vòng một năm thì lại sống một mình .

      Trở lại cuộc sống cô đơn nhưng tôi thấy chị Tcó vẻ tự tin hơn trước mọi người vì bây giờ chị là người góa chồng chứ không phải người không có chồng . Chị lập một bàn thờ chồng rất to ở giữa nhà và trong các câu chuyện thỉnh thoảng chị lại kể “ Ngày xưa ông xã mình…”.

      Tục ngữ miền Trung có câu “ Con cá trong lờ đỏ hoe con mắt , con cá ngoài lờ ngút ngoắt muốn vô” (lờ là một dụng cụ bắt cá) để nói lên hoàn cảnh người trong cuộc muốn thoát ra , người ngoài cuộc muốn nhào vào .

Nhiều quan niệm về hôn nhân trái ngược nhau , có quan niệm cho rằng hai người thành vợ chồng được là do nhiều kiếp tu luyện mới có duyên lấy nhau. Lại có quan niệm vợ chồng vốn là kẻ thù từ kiếp trước , kiếp này lấy nhau để trả mối thù xưa . Do quan niệm như thế nên người Trung Quốc thường gọi vợ hay chồng của mình là : oan gia của tôi!!!

      Tôi nghiêng về quan niệm thứ hai , vì tôi thấy trong các cuộc hôn nhân bao giờ cũng có một người phải chịu đựng nếu không muốn hôn nhân tan vỡ, đấy là chưa kể nhiều khi cả hai người đều phải chịu đựng .

      Vậy còn tình yêu thì sao? Nó có tồn tại trong hôn nhân không ? tôi nghĩ là có , chỉ khác nhau ở liều lượng nhiều ít mà thôi . Và nguy hiểm hơn cả là tình yêu cũng như mọi thứ khác đều phai nhạt theo thời gian .

       Tình yêu cũ phai nhạt đương nhiên tình yêu mới xuất hiện và quy luật đương nhiên là “có mới nới cũ” và càng cấm đoán vụng trộm thì tình yêu càng mãnh liệt điên cuồng hơn . Nhiều người than phiền là tình yêu quá mong manh , nhiều cuộc tình hai người thề non hẹn biển nhưng chỉ được ít lâu đường ai nấy đi . Nếu tin vào lời thề :nếu anh không lấy được em thì anh sẽ chết , nếu em không lấy được anh thì em cũng không sống nữa” đúng như vậy thì sẽ rất nhiều người chết , may quá ! người ta chỉ nói vậy chứ chẳng ai dại gì mà chết . Mọi người đủ khôn ngoan để đi tìm một người yêu khác .

      Vậy tình yêu có bất tử không ? tình yêu có vĩnh viễn không ? Hay chỉ là những lời nói hoa mỹ ? Thật là may ! tình yêu luôn luôn bất tử , tình yêu là vĩnh viễn ! Thật ra chỉ có đối tượng của tình yêu là thay đổi thôi.

      Nhà thơ Rasun Gamdatop có câu thơ :

 …Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh

  Một nhánh vừa khô khi một nhánh đã đâm chồi

  Tình yêu tôi như chim đại bàng hai cánh

   Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi …

 

      Tính xấu mà tôi ghét nhất ở đàn ông là: tính bần tiện , keo kiệt, phụ nữ keo kiệt cũng chán nhưng có thể thông cảm được còn đàn ông keo kiệt đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành thì không thể nào chịu đựng được. Đàn ông bạo lực với vợ , thậm chí ngoại tình đều xấu xa đáng lên án , nhưng so với tính keo kiệt bủn xỉn thì tôi thấy bạo lực và ngoại tình còn có thể thông cảm tùy trường hợp , keo kiệt , bủn xỉn làm người đàn ông trở nên hèn kém , mất nhân cách trong mắt người đàn bà .

Tôi đã từng có quyển sổ hàng ngày ghi chép việc chi tiêu thí dụ : ngày x tiền rau 2 hào , tiền hành 2 xu , chai nước mắm 6 hào rưỡi , tiền thịt 1 đồng , ngày y tiền muối 1 hào , tiền cà chua 1 hào , tiền cá 7 hào , rau hành 2 hào …v…v… . Cuối tháng đưa cho chồng xem có tương ứng với số tiền ông ấy đưa cho vợ không  . Ông ấy mất đã lâu , nhưng kỷ niệm ấy vẫn ám ảnh tôi .

Tưởng rằng thế là đáng buồn nhưng so với trường hợp của chị bạn tôi thì như thế chưa là gì cả . Chị Ng bạn thân tôi là giáo viên cấp 2 , chồng là kỹ sư một viện khoa học tại Hà Nội có lần chị chợt nói “ Kể từ ngày lấy chồng đến nay có hai con mà tôi chưa từng biết tiền lương của chồng tôi hình tròn hay hình vuông” Quá ngạc nhiên tôi nói “ sao lại thế ? bà phải bảo ông ấy đưa tiền chứ” Chị Ng “ việc gì phải nói ? ăn bằng gì phải hiểu chứ !” tôi nói “ Người ta cố tình lờ đi thì bà phải bảo tận mặt chứ, tại bà không bảo nên mới thế”. Một thời gian sau gặp nhau chị Ng bảo tôi “ Tôi nghe lời bà , một hôm tôi nói với ông ấy phải đưa tiền lương để tôi chi tiêu” “ Ông ấy bảo sao?” “ Ông ấy trợn mắt bảo tôi đừng có nhiễu sự , mọi khi không đưa sao vẫn chi tiêu được ?!!!”  Tôi vừa bất ngờ vừa buồn cười , nói với chị Ng “Ông ấy nói đúng đấy, hoàn toàn tại bà vì không khi nào ông ấy đưa tiền mà mọi việc chi tiêu vẫn ổn, sao bây giờ lại kêu, đúng là nhiễu sự thật” .

Chị Ng là một người đảm đang, vào thời kỳ khó khăn lương không đủ sống, ngoài giờ dậy học chị nấu chè đỗ đen để bán, rồi làm sữa chua mang đi đưa các cửa hàng. Đến khi chế độ mở cửa thì chị dạy thêm rất nhiều, lúc nào cũng bận rộn kiếm tiền nuôi cả chồng lẫn con. Một phụ nữ chịu đựng điển hình , chị thường chép miệng “ Số mình nó thế !” và lại nai lưng hầu chồng hầu con, đến bây giờ ở tuổi gần 70 chị được hầu thêm cả con rể lẫn cháu ngoại. Tôi thấy hình như chị hạnh phúc trong việc phục vụ người thân mà quên chính mình.

Vậy hình ảnh người đàn ông lý tưởng là như thế nào? tôi cho rằng mỗi người phụ nữ có một hình mẫu người đàn ông cho riêng mình. Một cô bạn tôi là Việt kiều sống lâu năm ở nước ngoài, chồng cô mất đã lâu các con đều đã trưởng thành, cô mua một căn hộ ở khu phố trung tâm Hà Nội, nửa năm ở nước ngoài, nửa năm ở VN. Thấy cô bạn kinh tế khá, lại mới ngoài 50 tôi hỏi “ B có định lấy chồng nữa không” cô B trả lời rất thật thà “ Nếu có người đàn ông nào vừa hào hoa vừa chung thủy thì em mới lấy” tôi cười “ Em ơi! đứa nào hào hoa thì không chung thủy, đứa nào chung thủy thì không hào hoa đâu”. B cũng cười “làm thế nào hả chị” tôi đùa “muốn có đủ tiêu chuẩn như thế em phải lấy hai đứa, một đứa hào hoa, một đứa chung thủy”.

Mặc dù có vài người đàn ông theo đuổi nhưng chắc không có ai đáp ứng tiêu chuẩn ấy (tất nhiên) nên cô B chưa lấy ai mà chỉ vui chơi theo các nhóm bạn bè, đi nhảy đầm, đi du lịch. Tôi thấy như thế là khôn ngoan nhất.

 ĐINH LỆ QUÂN

Các Bài viết khác