NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU- PHẦN CUỐI

( 23-05-2022 - 12:37 PM ) - Lượt xem: 1055

Chính chuyến đi Mỹ năm 1997 đã giúp tôi nâng cao sự nghiệp giáo dục của mình lên hết mức. Nhờ nguồn tư liệu phong phú và quý báu do các nhà khoa học Mỹ trao tặng, tôi đã hoàn thành trong 5 năm (2000-2005) Luận án Tiến sĩ Giáo dục với đề tài “Mối quan hệ giữa Mục tiêu, Nội dung và Phương pháp trong dạy học Lịch sử Thế giới Hiện đại ở trường Trung học Phổ thông Việt Nam”(do GS Phan Ngọc Liên và PGS Trịnh Đình Tùng hướng dẫn, bảo vệ thành công năm 2009).

5. Sự nghiệp của tôi trên đất Sài Gòn

 

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Sài Gòn tiếp quản cơ sở cũ của Trường Sư phạm Sài Gòn, nơi đào tạo giáo viên Tiểu học dưới chế độ VNCH, tại số 280 đường Thành Thái (sau đổi thành An Dương Vương) thuộc quận 5 tức khu Chợ Lớn của Sài Gòn cũ. Trường ở trong một khuôn viên rộng khoảng 3ha với những dãy nhà 2 tầng kiên cố đủ phòng ốc cho khu Hiệu bộ, các Phòng Ban, hội trường và các lớp học.

 Chỉ vài ngày sau khi ổn định chỗ ở cùng ba má tại 33 Nguyễn Hữu Thoại (Bình Thạnh), tôi mang đầy đủ hồ sơ giấy tờ đến trình diện tại Phòng Tổ chức Cán bộ Trường CĐSP Sài Gòn và chính thức trở thành “cán bộ giảng dạy” của trường từ tháng 3-1976 để khởi đầu sự nghiệp giáo dục của mình trên đất Sài Gòn.

 Hóa ra là từ cuối năm 1975 đến giờ trường chỉ làm công tác sắp xếp và ổn định tổ chức cán bộ, xây dựng chương trình đào tạo mà chưa tuyển sinh để tiến hành đào tạo. Đội ngũ cán bộ của trường xuất phát từ 3 nguồn: cán bộ ở trường Sư phạm Trung cấp miền Nam trong vùng giải phóng cũ trở về (gọi là cán bộ “R”); cán bộ từ miền Bắc mới vào (gọi là cán bộ “chi viện”) và một số  giáo chức cũ cùng nhân viên của trường Sư phạm Sài Gòn xưa tình nguyện ở lại phục vụ chế độ mới (gọi là giáo chức và nhân viên “tại chỗ”).

 Dẫn đầu đội ngũ cán bộ “R” là các anh Yên Du (ít lâu sau rời khỏi trường đi nhận công tác mới), Đỗ Quang Ninh (sẽ trở thành Phó Hiệu trưởng), Dương Trí Đức (trưởng phòng Giáo vụ) cùng chị Cẩm vợ anh (một nữ y tá) và một số cán bộ khác.

Trong số các giáo chức “tại chỗ” nổi bật là anh Nguyễn Nhã từng là giảng viên trường Sư phạm Sài Gòn cũ đồng thời là người sáng lập và chủ trì “Tập san Sử-Địa” danh tiếng một thời. Một cựu giáo chức khác của trường Sư phạm Sài Gòn cũ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ nổi tiếng dưới thời VNCH với Nhà xuất bản “Sáng Tạo” mà chính ông sáng lập. Do thể hiện lập trường “chống cộng” trong các tác phẩm của mình, ông đã bị chính quyền cách mạng bắt đưa đi cải tạo trong suốt 12 năm, sau đó di tản và định cư ở Mỹ. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt này, các viên chức “tại chỗ” khác được tuyển dụng đã cộng tác rất tốt với cán bộ cách mạng, trong đó nữ bác sĩ Hải trở thành trưởng phòng Y tế của trường.

 Đông hơn cả trong tổng số nhân lực của trường là các cán bộ “chi viện” từ miền Bắc mới vào, trong đó có hai giáo viên sử tôi đã quen từ trước (ở trường Bồi dưỡng cán bộ đi B) là anh Đặng Đức Thi và anh Lê Hoàng Quân, về sau có thêm anh Đỗ Tân Việt cùng bộ môn lịch sử với chúng tôi. Bên cạnh đó còn rất nhiều cán bộ chuyên môn khác, như chị Ngô Thị Hà Châu (giáo viên văn, chị ruột của Ngô Thu Nga - đồng nghiệp cũ của tôi ở trường PTC3 Việt Trì), chị Nguyễn Mỹ Hòa (giáo viên văn, vợ một phi công anh hùng ở miền Bắc năm 1972), anh Hoàng Thiệu Khang (giáo viên văn), anh Nguyễn Việt Bắc (giáo viên toán), anh Phan Huy Xu (giáo viên địa), chị Kim Thị Thịnh (giáo viên địa)… Người đứng đầu đoàn cán bộ “chi viện” chính là ba tôi Lê Văn Nguơn - nguyên Phó Cục trưởng Cục I Bộ Giáo Dục nay trở thành Hiệu trưởng nhà trường; nhờ đó má tôi cũng trở thành cán bộ tổ chức của trường. Ba tôi cũng nhận về trường một số giáo viên và nhân viên  thuộc quyền ông tại các cơ quan cũ ở miền Bắc, kể cả anh Tượng (cựu lái xe ở trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội, nay về trường này tiếp tục lái xe) và chị Mùi vợ anh (tiếp tục làm nhân viên cấp dưỡng của trường).

 

 Công tác tổ chức đã xong, toàn thể cán bộ giảng dạy (CBGD) chuẩn bị bước vào một đợt “bồi dưỡng chuyên môn” để nâng cao trình độ giảng dạy sao cho đáp ứng được với yêu cầu của một trường CĐSP.

 Trong khi chờ đợi kế hoạch bồi dưỡng của trường, tôi rủ hai anh Đặng Đức Thi và Lê Hoàng Quân đến nhà bà chị thầy Nguyễn Văn Kiệm (ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) dự bữa tiệc vui thết đãi các học trò thân thiết của thầy theo lời mời nồng nhiệt của chị. Trong không khí ấm áp thân mật của những người đồng hương Hà Nội lâu ngày mới được gặp nhau, chị cho chúng tôi thưởng thức món bún chả theo hương vị Bắc cùng món gà xé phay trộn gỏi chua ngọt và bánh hỏi thịt quay ăn kèm mít luộc là đặc sản ẩm thực Nam Bộ. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được uống loại bia chai BGI nhãn hiệu “Con cọp” chưa từng thấy ở miền Bắc.

Chủ khách trò chuyện hết sức cởi mở, chúng tôi miêu tả cho chị và cậu con trai Mộng Thế Thuận biết về cuộc sống gian khổ và nghèo nàn của chúng tôi cùng thầy Kiệm ở miền Bắc, đồng thời cũng phát biểu cảm tưởng thực sự về đời sống văn minh sung túc ở miền Nam qua những gì mà mình được chứng kiến. “Ở Sài Gòn được sống thoải mái ăn uống đầy đủ, mà không hiểu vì sao em luôn bị mất ngủ”- tôi tâm sự với chị. “Hóa ra Sài Gòn luôn có tiếng ồn động cơ xe chạy suốt ngày đêm, khiến em chưa quen nên không ngủ được!”- tôi tự lý giải cho chị hiểu. “Tiếng ồn động cơ ở Sài Gòn lớn gấp hàng chục lần so với Hà Nội - đó chính là sự chênh lệch về trình độ văn minh công nghiệp giữa hai thành phố”- tôi nhận định. Từng đoàn xe gắn máy (chủ yếu là “Honda”) tràn ngập các đường phố đông đúc, các xe “lam” (lambro) chất đầy người buôn bán cùng hàng hóa của họ, các chuyến xe bus chạy rất đúng tuyến đúng giờ, những chiếc taxi nhỏ nhắn hình “con bọ” sơn nửa xanh nửa vàng, những chiếc cyclo máy với tiếng nổ đinh tai nhức óc, những đoàn ô tô sạch đẹp chở công nhân đi làm tại các doanh nghiệp lớn như Vimytex (nay trở thành xí nghiệp Dệt nhà nước mang tên “Thành Công”), Vinatexco (nay trở thành xí nghiệp Dệt nhà nước mang tên “Thắng Lợi”)… tạo nên sự náo nhiệt của một nền văn minh công nghiệp.

 Dĩ nhiên, nền văn minh công nghiệp không chỉ thể hiện trong các phương tiện giao thông vận tải, mà còn lưu dấu rõ ràng trong mọi lĩnh vực công thương nghiệp vẫn còn hoạt động ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Khi ấy, chúng tôi vẫn chưa biết rằng cái di sản của nền văn minh do chế độ cũ để lại này sẽ bị phá tan tành sau các đợt “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” để trở thành nền kinh tế quốc doanh quan liêu bao cấp với chế độ “tem phiếu” tiến lên CNXH y như ở miền Bắc.

 Lâu lắm mới gặp những người thân từ miền Bắc vào nói thật về cuộc sống ở hai miền Nam-Bắc khi ấy, bà chị thầy Kiệm rất vui và kể từ đó càng thêm thân thiết với chúng tôi.

 

Thật may mắn, chúng tôi đã mời được thầy cũ của mình ở Khoa Sử trường ĐHSP Hà Nội là Phó Tiến sĩ Phan Ngọc Liên, mới vào “thỉnh giảng” tại trường ĐHSP Sài Gòn, đến bồi dưỡng chuyên môn cho mình. Tại nhà tôi ở 33 Nguyễn Hữu Thoại (Thị Nghè), tôi cùng hai anh Đặng Đức Thi và Lê Hoàng Quân lại được nghe thầy giảng về Phương pháp luận Sử học.

Môn này chúng tôi đã học thầy ở Khoa Sử ĐHSP Hà Nội, nhưng giờ đây thầy “nâng cao” nó lên, bằng cách giúp chúng tôi phân biệt “phương pháp luận” (metodologya-viết theo tiếng Nga latin hóa) mang tính chất khái quát trừu tượng với “phương pháp dạy học” (metodika) là cách thức cụ thể áp dụng trong dạy học. Rồi thầy tập trung vào vấn đề quan trọng nhất trong phương pháp luận sử học là “tính Đảng trong khoa học lịch sử”. Để nâng cao trình độ cho chúng tôi về vấn đề xưa cũ này, thầy phân tích và phê phán “phương pháp luận tư sản” của các sử gia Sài Gòn cũ như Nguyễn Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường, Phạm Văn Sơn… Qua đó, thầy muốn giúp chúng tôi giữ vững “tính Đảng” khi dạy lịch sử ở trường CĐSP Sài Gòn.

 Từ lâu, tôi đã nhận ra rằng cái gọi là “Tính Đảng” thực chất chỉ là chính trị hóa sử học cũng như mọi ngành văn hóa khoa học khác, để buộc tất cả các ngành đó phải theo và phục tùng đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Như vậy, mọi công trình văn hóa-khoa học mang “tính Đảng” sẽ không còn tính khách quan khoa học nữa, nghĩa là vô giá trị. Chính cái “tính Đảng” này ở trường Bồi dưỡng Cán bộ đi B trước đây đã buộc chúng tôi phải tin rằng nền kinh tế do “chủ nghĩa thực dân mới” tạo dựng ở VNCH là “phồn vinh giả tạo”! Nhưng khi được chứng kiến tận mắt cái di sản đồ sộ do chế độ cũ để lại ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thực tế là như thế nào. Tuy nhiên, vì rất quý mến thầy cũ Phan Ngọc Liên về tư cách đạo đức của ông, nên tôi vẫn chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy. Tôi cảm thấy rằng, với tư cách là một đảng viên, thầy Liên thực sự tin vào cái tính Đảng của thầy nên trước sau như một ông cố gắng truyền giảng nó cho chúng tôi.

Kết thúc bài giảng trưa hôm đó, chúng tôi kính mời thầy dự bữa cơm thân mật tại một nhà hàng bình dân kế bên chợ Thị Nghè. Bốn thầy trò chúng tôi lại được dịp “cụng ly” (tức là “chạm cốc” theo cách nói miền Nam) mừng cuộc hội ngộ sau hàng chục năm xa cách.

 

 Để giữ vững tính Đảng trong văn hóa và văn học nghệ thuật ở miền Nam mới giải phóng, Đảng ta đã tiến hành chiến dịch “Chống văn hóa tư sản phản động đồi trụy”, bằng cách huy động Đoàn Thanh niên, với sự lãnh đạo của các cán bộ văn hóa của Đảng từ miền Bắc vào, đi lùng sục để đem tiêu hủy các sách báo được xuất bản dưới thời VNCH. Hàng trăm nghìn sách báo “phản động” và “đồi trụy” đã bị đốt thành tro trong chiến dịch đốt sách lớn chưa từng thấy này. Tuy nhiên, nhiều người yêu văn hóa cũ ở miền Nam vẫn tìm được cách cất giấu những ấn phẩm mà họ coi là quý hiếm, nên một số không ít trong đó vẫn được bí mật lưu hành trên thị trường sách ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhờ đó, tôi cũng mua được một loạt sách lịch sử xuất bản ở miền Nam trước đây để mở mang kiến thức cho chính mình. Một số cán bộ văn hóa từ miền Bắc vào cũng tìm cách lưu giữ các tác phẩm “đồi trụy” mà họ tịch thu được để làm “tài liệu tham khảo” cho riêng mình, trong đó có bộ tạp chí “Play Boy” với hình ảnh con gái cởi truồng các kiểu do Hoa Kỳ xuất bản đã được nhiều người cất kỹ.

 Các tác phẩm điện ảnh du nhập của Hoa Kỳ và các nước phương Tây cùng những bộ phim do nền điện ảnh VNCH sản xuất đã bị tịch thu, cấm lưu hành để đưa vào các kho lưu trữ. Tuy nhiên, Trên đường Phan Kế Bính (Quận I) có một phòng chiếu phim đặc biệt chuyên trình chiếu các bộ phim “phản động” và “đồi trụy” đó, kể cả những phim “con heo” với những cảnh làm tình trần truồng nóng bỏng, cho cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng ta xem để “nghiên cứu”. Muốn được vào xem những phim “nghiên cứu” này,  cán bộ phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan. Thú thực là chính tôi cũng hơn một lần được xem các phim này để hiểu nền “điện ảnh tư sản” là như thế nào, nó khác gì so với “điện ảnh cách mạng” của Đảng ta.

 

Trởthành CBGD của trường CĐSP Sài Gòn (sau đó được đổi tên thành trường CĐSP  Thành phố Hồ Chí Minh), tôi hăng say thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình trong phân môn Lịch sử Thế giới Hiện đại, đồng thời làm thầy hướng dẫn (tức là chủ nhiệm) lớp D5 thuộc Ban Sử-Địa của trường. Các sinh viên xuất thân từ những viện đại học cũ ở Sài Gòn đã để lại trong tôi những ấn tượng hết sức tốt đẹp; và ngược lại tôi cũng được các em quý mến sâu sắc. Lê Thị Nguyệt nhiều lần đến thăm tôi tại nhà, rồi mua vé rủ thầy cùng đi xem phim buổi tối ở rạp với em. Đặng Hoàng Nam và Lê Thị Ngọc Nữ (sau này trở thành một cặp vợ chồng đồng nghiệp) cũng dành cho tôi những tình cảm thắm thiết. Hồ Thị Huệ, với nhan sắc đằm thắm và trí thông minh nổi trội của mình, đã trở thành người bạn tâm giao trong suốt đời tôi. Riêng Trần Thị Lê Phan, cháu của thầy Phan Ngọc Liên đã theo học khóa này, nhưng rồi lại vượt biên sang Mỹ, cũng trở thành bạn thân thiết của tôi.

 Tôi chỉ giảng dạy tại trường CĐSP Sài Gòn trong khóa I đào tạo “cấp tốc” chưa đầy 9 tháng (từ giữa tháng 4 đến hết tháng 12-1976), nhưng những kỷ niệm đẹp với sinh viên cùng các bạn đồng nghiệp ở đây thì tôi nhớ suốt đời.

Đầu năm 1977, tôi được thầy cũ Lê Văn Sáu, khi ấy là Chủ nhiệm Khoa Sử-Địa trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh (tức ĐHSP Sài Gòn cũ) mời sang nhận công tác ở trường và khoa của thầy. Thế là tôi trở thành CBGD của trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 30 năm sự nghiệp của mình cho đến khi nghỉ hưu vào  năm 2008.

Trong năm đầu tiên của tôi ở khoa Sử-Địa, đội ngũ các nhà giáo của khoa, xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau đã khá đông. Cùng với ban chủ nhiệm khoa từ ngoài bắc vào (gồm có thầy Chủ nhiệm Lê Văn Sáu, thầy Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Đức và Phó Chủ nhiệm Đoàn Ngọc Nam - một CBGD Địa lý tốt nghiệp ở Liên Xô), còn có anh Phạm Văn Hiệp, một CBGD Địa lý quê ở Sài Gòn đã tập kết ra Bắc rồi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, anh Trần Hương Văn CBGD Khảo cổ học, cũng có nguồn gốc xuất thân cùng quá trình đào tạo như anh Hiệp. Từ Hà Nội “chi viện” vào đây có chị Hoàng Thị Mai  (CBGD Phương pháp Dạy học Lịch sử), chị Trần Hồng Ánh (con gái ông Trần Bạch Đằng - cán bộ cao cấp của Đảng). Từ vùng Giải phóng  miền Nam trước đây chuyển đến có chị Bùi Trân Phượng ( từng du học và tốt nghiệp đại học ở Pháp, về nước tham gia cách mạng được kết nạp Đảng, nay trở thành CBGD Lịch sử) và anh Nguyễn Ngọc Năng - một cán bộ “R” đa năng của khoa.

 Bên cạnh đó, trong khoa còn có các vị giáo chức đại học Sài Gòn cũ là TS Huỳnh Văn Tòng, TS Hoàng Ngọc Thành, TS Trần Thị Chi Thuần, thầy Nguyễn Hòa Lạc (Cao học Lịch sử), cô Bùi Thị Diêm (Cao học Địa lý)… Ở các khoa khác, đội ngũ giáo chức cũ này cũng còn đông đảo, trong đó nổi bật là Tiến sĩ Giáo dục Dương Thiệu Tống (ở khoa Tâm lý-Giáo dục), Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Trần Trác (khoa Vật lý) và Tiến sĩ Toán học Trần Văn Tấn (nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Sài Gòn cũ). Nhưng rồi những hệ quả tệ hại của cơ chế quan liêu-bao cấp, với chế độ “tem phiếu” áp dụng ngặt nghèo trên toàn miền Nam, đã khiến cho rất nhiều vị giáo chức cũ buộc phải từ bỏ nhiệm sở để tìm đường vượt biên ra nước ngoài.

 Mãi đến năm 1986, khi Đảng ta tiến hành công cuộc “Đổi Mới” bằng đường lối xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp để chuyển sang áp dụng cơ chế thị trường “theo định hướng XHCN”, thì làn sóng người vượt biên mới lắng dịu dần.

 Trong hai năm 1977-1978 có một đội ngũ đông đảo CBGD trẻ mới tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội vào “chi viện “ cho ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh (ĐHSP Tp.HCM). Về khoa Sử-Địa có các anh Nguyễn Duy Tuấn, Dương Văn Huề, Trịnh Thành Công, Tưởng Phi Ngọ, Trịnh Tiến Thuận, Nguyễn Văn Sơn, Phạm Quang Huy và chị Nguyễn Thị Kim Dung (chuyên ngành Lịch sử); các anh Phạm Xuân Hậu, Kiều Tiến Bình, Nguyễn Kim Hồng và chị Phạm Thị Xuân Thọ (chuyên ngành Địa lý).

 Từ năm học 1979-1980 khoa Sử-Địa tách thành hai khoa riêng biệt: Khoa Lịch sử và khoa Địa lý. Khoa Lịch sử tiếp tục được bổ sung nhiều CBGD mới: thầy Phan Thế Kim và cô Phạm Thị Chung (từ Hà Nội chuyển vào); anh Lưu Huỳnh Thống, anh Lê Phụng Hoàng, chị Trần Phi Phượng, chị Trần Thị Thanh Thanh, chị Lê Kim Thu, chị Hồ Việt Đoàn, chị Tống Thu Ngân, chị Trương Thị Hồng Hạnh… (đều là các sinh viên tốt nghiệp của khoa được giữ lại làm CBGD). Trong số CBGD này, TS Lê Phụng Hoàng và TS Trần Thị Thanh Thanh nổi trội hơn hết về chuyên môn nghiệp vụ.

 Vào những năm tiếp theo, khoa được đón nhận thầy Trần Viết Ngạc (một giảng viên kỳ cựu từ ĐHSP Huế chuyển vào), thầy Nguyễn Lam Kiều (thầy cũ của tôi từ trường CĐSP Đà Lạt chuyển đến), chị Nguyễn Thị Thư (một giảng viên giỏi từ ĐHSP Hà Nội chuyển vào). Cùng lúc đó, chị Lê Huỳnh Hoa (sinh viên tốt nghiệp của khoa), anh Phan Văn Hoàng (từ ngành giáo dục Tp.HCM chuyển sang), chị Hà Bích Liên (từ ĐHSP Bình Định chuyển đến), anh Lê Văn Đạt (từ ĐHSP Hà Nội chuyển vào), anh Ngô Chơn Tuệ (từ ngành giáo dục Tp.HCM chuyển sang). Các anh chị này đều có học vị Tiến sĩ.

 Từ năm 2000 trở về sau, nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp nối tiếp nhau đã cung cấp cho khoa một đội ngũ giáo chức hùng hậu, gồm có anh Nguyễn Thanh Tiến (Tiến sĩ - Trưởng khoa), chị Nhữ Thị Phương Lan (Thạc sĩ-Phó Trưởng khoa), anh Nguyễn Minh Mẫn (Tiến sĩ), anh Phạm Chung Thủy (Thạc sĩ), anh Ngô Sỹ Tráng (Thạc sĩ), chị Nguyễn Trà My và anh Hồ Thanh Tâm (cả hai đều là Thạc sĩ đang làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ).

 

Được cộng tác với bao thế hệ các thầy và các bạn đồng nghiệp quý mến vô cùng, tôi đã xây đắp nên sự nghiệp giáo dục của mình.

 Tiến sĩ Giáo dục Dương Thiệu Tống chính là người đã khai tâm cho tôi về lý thuyết và thực tiễn của khoa học giáo dục hiện đại xuất phát từ Hoa Kỳ, nơi thầy đã du học và tốt nghiệp. Thật may mắn là thầy Tống đã không đi Mỹ mà ở lại Việt Nam, để tận tâm phục vụ  cho nền giáo dục nước nhà tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại.

Tiến sĩ Sử học Huỳnh Văn Tòng, một trí thức yêu nước của Sài Gòn trước 1975, vẫn nhiệt tình làm việc cùng các bạn đồng nghiệp từ miền Bắc vào tại khoa Sử ĐHSP Tp.HCM. Tôi hân hạnh được cộng tác mật thiết với anh suốt một thời gian dài, với kết quả là bộ sách lịch sử “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương” của hai tác giả Lê Vinh Quốc-Huỳnh Văn Tòng được xuất bản năm 1991-1992 và nhiều lần tái bản qua các nhà xuất bản khác nhau.

 Theo đúng con đường mà chế độ chính trị đã định hướng cho mọi công dân Việt Nam, tôi được kết nạp Đảng vào năm 1983. Nhờ đó, dù muốn hay không, tôi dần dần trở thành “cán bộ lãnh đạo” ở nơi công tác của mình, mà bước đầu tiên là chức Phó Trưởng khoa dưới quyền thầy Trưởng khoa Nguyễn Văn Đức. Từ 1984 tôi trở thành Quyền Trưởng khoa, rồi sau đó giữ chức Trưởng khoa (còn gọi là Chủ nhiệm khoa) mấy nhiệm kỳ liền. Trong các nhiệm kỳ này, tôi nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các Phó Trưởng khoa Bùi Trân Phượng, Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Duy Tuấn. Năm 1997, tôi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP Tp.HCM do Phó Giáo sư (PGS) Từ Kỳ làm Hiệu trưởng cùng 2 Phó Hiệu trưởng khác là PGS Nguyễn Trọng Khâm và thầy Nguyễn Giáo Huấn.

 Mặc dù đã làm cán bộ lãnh đạo, tôi vẫn say mê công tác chuyên môn. Cùng với các tác giả Nguyễn Anh Thái, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Thị Vinh…, tôi tham gia biên soạn nhiều sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 và 12 cho nhà trường Trung học Phổ thông (THPT) Việt Nam. Tôi đã viết hàng chục tham luận khoa học để tham gia các Hội nghị Khoa học ở trường, ở Tp. HCM và trên toàn quốc. Trong số đó, tôi hài lòng nhất với bài “Quan hệ Việt-Mỹ trong buổi bình minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đăng trong Kỷ yếu cuộc Hội thảo khoa học quốc tế Việt-Mỹ tại Hà Nội (3-2011). Thêm nữa, với sự tham gia của các tác giả Lê Phụng Hoàng, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Kim Dung, Cao Thị Lan Chi, Hà Bích Liên, Nguyễn Văn Sơn, Trịnh Tiến Thuận và Ngô Minh Oanh, tôi đã chủ biên bộ sách Các nhân vật Lịch sử Thế giới (gồm 7 cuốn: từ Cổ đại qua Trung đại đến Cận đại) do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản từ 1996 đến 2000.

 Năm 1985, cùng với TS Nghiêm Thoại Hoa ở khoa Sinh vật, tôi được sang Liên Xô làm thực tập sinh tại trường ĐHSP Leningrad mang tên Ghertsen. Chuyến đi đã giúp tôi nâng cao tầm hiểu biết về đất nước Liên Xô và nền giáo dục Xô Viết mà Việt Nam vẫn noi theo.

 Năm 1997, trên cương vị Phó Hiệu trưởng ĐHSP Tp.HCM, tôi may mắn được đi khảo cứu về Giáo dục Đại học tại Hoa Kỳ cùng PGS Nguyễn Tấn Phát - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Tp.HCM và TS Dương Tôn Đảm - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG. Chúng tôi đã được đón tiếp vô cùng nồng hậu tại Đại học California ở Berkeley (UC Berkeley), Đại học Stanford (Stanford University) và một số trường đại học khác thuộc bang California. Nhờ vốn kiến thức về khoa học giáo dục hiện đại do TS Dương Thiệu Tống đã trang bị cho mình, với sự giúp đỡ tận tình của TS Chung Hoàng Chương và PGS Peter Zinoman, tôi đã thoải mái trao đổi về học thuật với các bạn đồng nghiệp Hoa Kỳ, và được quý vị ấy tặng hàng trăm cuốn sách quý về khoa học giáo dục hiện đại. Tôi chọn ra một số cuốn mang theo bên mình, số còn lại gửi qua bưu điện cho trường ĐHSP Tp.HCM. Đó chính là thành quả to lớn của chuyến du khảo ở Mỹ. Hơn thế nữa, trong chuyến đi này, anh Phát, anh Đảm và tôi còn được gặp TS Đỗ Bá Khê, một nhà giáo lão thành nguyên là Thứ trưởng Bộ Giáo dục của chính phủ VNCH, đã di tản sang Mỹ sau 1975, làm Trưởng khoa một số đại học ở California cho đến khi nghỉ hưu. Mặc dù tuổi đã cao, TS Khê vẫn nhiệt tình trao đổi với chúng tôi về chuyên môn học thuật; ông lưu ý rằng mô hình “Đại học Cộng đồng” của Mỹ rất thích hợp nên cần được phát triển ở Việt Nam. Ông rất mừng khi biết tôi là cháu của Lê Văn Đồng và Lê Văn Cao - những người bạn cũ của ông ở Sài Gòn nay cũng đang ở Mỹ. Nhờ TS Đỗ Bá Khê, lần đầu tiên (và cũng là cuối cùng) tôi được nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với chú Lê Văn Cao ở River Side (California).

 Năm 1998, PGS Từ Kỳ nghỉ hưu; PGS Nguyễn Trọng Khâm được cử làm Quyền Hiệu trưởng, đồng thời TS Dương Lương Sơn được bổ sung làm Phó Hiệu trưởng. Nhưng rồi không hiểu vì sao anh Khâm lại uống thuốc độc tự tử, để lại cho trường một khoảng trống quyền lực to lớn. Nhân cơ hội đó, một CBGD khoa Văn mới kiếm được bằng Tiến sĩ ở Liên bang Nga là Bùi Mạnh Nhị đã dùng mọi thủ đoạn chạy chọt từ trên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xuống dưới (qua Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của trường là Bạch Văn Hợp) để được ngồi vào ghế Hiệu trưởng ĐHSP Tp.HCM. Phải làm “Phó” cho một kẻ như vậy, tôi cùng anh Dương Lương Sơn buộc phải âm thầm chịu đựng suốt mấy năm trời để chu toàn nhiệm vụ của mình. Trong thời gian này, tôi đã cùng với bạn đồng nghiệp Phạm Thị Ly đi dự cuộc Hội thảo Giáo dục Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan. Tiếp theo đó, với sự tháp tùng của Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế Nguyễn Trần Trác hoặc Phó Trưởng phòng Hoàng Văn Mỹ, đã nhiều lần tôi dẫn đầu đoàn đại biểu ĐHSP Tp.HCM đi thăm để tăng cường quan hệ hợp tác với các trường ĐHSP của Trung Quốc ở Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu và Đại học Ký Nam ở Quảng Châu.

 Năm 2004, Bùi Mạnh Nhị với bè cánh của anh ta ở Bộ GD&ĐT và ở trường đã cho tôi cùng anh Dương Lương Sơn “thôi chức” về khoa làm CBGD bình thường, mặc dù tôi đã được nhà nước phong danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” và tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”!

 Ngược dòng lịch sử trường ĐHSP Tp.HCM, tôi nhớ mãi các vị Hiệu trưởng đáng kính qua các thời kỳ: GS Hoàng Chúng, GS Trần Thanh Đạm, PGS Từ Kỳ, PGS Nguyễn Trọng Khâm... Tôi cũng nhớ mãi các vị Phó Hiệu trưởng Trần Duy Châu, Huỳnh Thế Cuộc, Nguyễn Quốc Bảo, Trần Tráng, Cao Minh Thì, Nguyễn Thị Bê, Nguyễn Giáo Huấn, Dương Lương Sơn…

 

Chính chuyến đi Mỹ năm 1997 đã giúp tôi nâng cao sự nghiệp giáo dục của mình lên hết mức. Nhờ nguồn tư liệu phong phú và quý báu do các nhà khoa học Mỹ trao tặng, tôi đã hoàn thành trong 5 năm (2000-2005) Luận án Tiến sĩ Giáo dục với đề tài “Mối quan hệ giữa Mục tiêu, Nội dung và Phương pháp trong dạy học Lịch sử Thế giới Hiện đại ở trường Trung học Phổ thông Việt Nam”(do GS Phan Ngọc Liên và PGS Trịnh Đình Tùng hướng dẫn, bảo vệ thành công năm 2009).

Phát triển và bổ sung nội dung luận án này, tôi đã hoàn thành cuốn giáo trình “Đổi mới dạy học theo Khoa học Giáo dục Hiện đại (Lý thuyết và ứng dụng)”(2011) để đáp ứng  công cuộc Đổi mới Giáo dục đã và đang được tiến hành với nhiều khó khăn trở ngại ở nước ta. Giáo trình này được giảng dạy theo chuyên đề ở khoa Lịch sử trường ĐHSP Tp.HCM trong suốt thập niên qua (và sẽ còn tiếp tục trong tương lai); đồng thời được dùng để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các trường phổ thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Giáo trình này còn được hai cựu học trò đã thành đồng nghiệp của tôi là Nhữ Thị Phương Lan và  Hồ Thanh Tâm kế thừa và phát triển. TS Tưởng Phi Ngọ cũng rất tâm đắc với giáo trình này, anh đã nghiên cứu nó rất kỹ để áp dụng vào các công trình khoa học của mình.

 Về danh nghĩa, tôi đã nghỉ hưu từ 2008, nhưng trên thực tế, tôi vẫn không ngừng công tác chuyên môn: giảng dạy đại học, biên soạn giáo trình, viết sách giáo khoa, viết bài cho Tạp chí Khoa học ĐHSP Tp.HCM và tham gia các hội thảo khoa học… Ngoài ra, tôi còn viết cho các báo chí phổ thông như tạp chí Hồn Việt, tạp chí Thế Giới Mới, báoTuổi Trẻ, báo Người Lao Động; cho cả tập san ấn hành nội bộ của Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng ở Tp.HCM.

 Mọi hoạt động chuyên môn của tôi đều dựa trên nền tảng vững chắc của khoa học giáo dục hiện đại, với giá trị cốt lõi của nó là quyền “tự do học thuật” mà xã hội Việt Nam cần hướng tới.

 LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác