NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯƠC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, Chương14, phần 1

( 06-02-2019 - 07:07 AM ) - Lượt xem: 884

Hiệp định này được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao; nhờ đó hai tác giả chính của nó là Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã được Hội đồng Hoàng gia Na Uy trao tặng cùng nhau Giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải

1. Giải Nobel Hòa bình 1973

 

Gặp lại nhau vào những ngày đầu năm 1973 tại cuộc mật đàm hai bên Mỹ - Việt Nam DCCH tại Paris, Tiến sĩ Henry Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ (có trưởng đoàn Xuân Thủy ngồi bên) nhanh chóng xem xét lại bản dự thảo hiệp định, điều chỉnh một số chi tiết nhưng không đả động đến vấn đề “hai bên cùng rút quân” (tức là mặc nhiên thừa nhận Quân đội NDVN vẫn ở lại  sau khi quân Mỹ hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam). Do áp lực mạnh mẽ của tổng thống Nixon, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cũng buộc phải chấp nhận văn bản này với sự ấm ức mà không thể phản kháng. Để cứu vãn tình thế phần nào, tổng thống Thiệu đã cho Quân lực VNCH đánh chiếm cảng Cửa Việt (do Quân đội NDVN kiểm soát) ngay trước khi hiệp định được ký kết; nhưng hành động quân sự này đã thất bại.

 Ngày 27-1-1973, trong cuộc họp chính thức của Hội nghị bàn tròn Bốn bên tại Paris, bản “Hiệp định Hòa bình về Việt Nam” đã được ký kết giữa Bộ trưởng Ngoại giao William P. Rogers (đại diện chính phủ Hoa Kỳ), Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm (đại diện chính phủ VNCH), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (đại diện chính phủ Việt Nam DCCH) và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình (đại diện chính phủ CMLTCHMNVN). Theo đó:

 

-          Ngừng bắn từ 27-1-1973; các bên tham chiến giữ nguyên vị trí hiện có; quân đội Mỹ và Đồng minh hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam (trong vòng 60 ngày). Trao trả hết tù binh của các bên  trên cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam.

-          Hai bên miền Nam Việt Nam (chính phủ VNCH và chính phủ CMLTCHMNVN) sẽ  hiệp thương thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa giải và Hòa hợp dân tộc.

-           Việc tái thống nhất Việt Nam sẽ thực hiện từng bước bằng các biện pháp hòa bình theo sự thỏa thuận giữa miền Bắc với miền Nam Việt Nam.

 

Hiệp định này được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao; nhờ đó hai tác giả chính của nó là Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã được Hội đồng Hoàng gia Na Uy trao tặng cùng nhau Giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải với lý do: Việt Nam chưa thể có hòa bình khi chưa đánh đổ được chính quyền tay sai của Mỹ; và ông không muốn đánh đồng giữa kẻ xâm lược-phi nghĩa (là Kít Xinh Gơ) với người bị xâm lược-chính nghĩa (là chính ông: Sáu Thọ).

 Trong trường hợp này, Lê Đức Thọ đã thành thật với chính mình. Là một cán bộ cộng sản kỳ cựu phải phân biệt địch-ta rõ ràng, ông không thể cùng chia sẻ với một tên trí thức tư sản cái giải thưởng do thế giới tư bản đặt ra. Là một người lãnh đạo Đảng ta theo đường lối bạo lực cách mạng triệt để, ông chỉ coi hiệp định này là một “giải pháp tình thế” để loại trừ bớt kẻ thù chính của Đảng là đế quốc Mỹ (tức là “đánh cho Mỹ cút”- theo lời thơ Bác), để rồi sẽ đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng (tức “đánh cho Ngụy nhào”- như lời Bác dạy). Không có chỗ cho “hòa giải-hòa hợp” giữa hai chính quyền ở miền Nam Việt Nam như hiệp định đã đặt ra, nên ông không cần đến cái giải thưởng “hòa bình” đó. Vấn đề đặt ra đối với ông là: Đảng ta sẽ làm gì sau khi ký Hiệp định Paris?

 Về phần mình, Henry Kissinger có thể tự hào với giải Nobel Hòa Bình, song cũng khó cứu vãn danh dự bản thân khi ông bị chính Nguyễn Văn Thiệu cùng giới nghiên cứu lịch sử cáo buộc là đã bỏ rơi bạn đồng minh VNCH trước nguy cơ cộng sản, để đổi lấy “hòa bình trong danh dự” cho riêng Hoa Kỳ.

 Nhưng dù sao đi nữa, Hiệp định Hòa bình được ký đúng vào dịp mùa xuân năm mới Quý Sửu sắp đến đã thổi một luồng không khí ấm áp vui mừng tràn ngập niềm tin và hy vọng trên khắp đất nước ta, xoa dịu những đau thương tang tóc mà dân tộc Việt nam trên cả hai miền Nam-Bắc đã gánh chịu trong hàng chục năm đằng đẵng. Bức ảnh chụp người lính Quân đội NDVN  khoác vai anh lính Quân lực VNCH cùng cười tươi trên chiến trường Quảng Trị sau ngày ký hiệp định (được đăng trên báo) đã thể hiện khát vọng hòa bình - hòa hợp - hòa giải của toàn dân tộc. Khát vọng ấy đã vang lên trong khói lửa ở miền Nam với các ca khúc “Ngày mai đây bình yên”, “Đồng dao Hòa bình”, “Nối vòng tay lớn”“Huế - Sài Gòn - Hà Nội” của Trịnh Công Sơn (qua giọng hát Khánh Ly):

 

Huế - Sài Gòn - Hà Nội hai mươi năm tiếng khóc lầm than

Huế - Sài Gòn - Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam

Đạn bom ơi, lòng tham ơi, khí giới nào diệt nổi dân ta

Việt Nam ơi bừng cơn mơ cho mắt nhìn sạch tan căm thù…

 

 Về quê ăn tết lần này với lòng vui phơi phới, tôi đạp xe thẳng tiến trên con đường quen thuộc từ Việt Trì qua Sơn Tây về Hà Nội dài ngót nghét 80km. Qua đò ở bến Triêu Dương vượt sông Hồng, tôi căng mắt cố tìm mà không thấy doi đất nơi mình đã thoát chết nhờ chú bé cõng em chỉ đường trước khi chiếc B52 rơi xuống. Lên bờ tại bến Trung Hà lúc này đã tấp nập thuyền đò, tôi cũng không tìm ra người lái đò đã đưa mình qua sông trong đêm đông đáng sợ ấy. Trên đường từ Sơn Tây về Hà Nội, tôi ghé vào ĐHSP để thăm má. Được biết lực lượng tự vệ các trường ĐHSP đã tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm máu lửa vừa qua, tôi đến thăm tòa nhà A7 quen thuộc - nơi đặt đài quan sát máy bay Mỹ trên sân thượng để chỉ dẫn cho các đội tự vệ ngắm bắn. Thế rồi hai má con tôi lại cùng nhau đạp xe về khu tập thể Kim Liên, nơi mái ấm gia đình ở thủ đô Hà Nội.

 Nguyên đán Quý Sửu 1973 được coi là Tết Hòa Bình đầu tiên sau nhiều năm chiến tranh đẫm máu, nên không khí đón tết ở thủ đô rất vui tươi rộn ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn dành thời gian để đến thăm những địa chỉ bị tàn phá trong 12 ngày đêm vừa qua. Vẫn còn đó cảnh tan hoang của bệnh viện Bạch Mai - nơi bom Mỹ đã giết chết 36 người gồm cả bác sĩ, y tá và bệnh nhân vô tội. Cảnh nhà ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ cắt làm đôi ngay sảnh chính giữa, mặc dù đã được che bằng một tấm màn chắn khổng lồ, đã gây nên một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Nhưng xúc động nhất là khi đạp xe trên phố Khâm Thiên để chứng kiến các dãy nhà ở hai bên đường sụp đổ tan tành vì bom B52 rải thảm, mà không có quả bom nào rơi trúng giữa đường. Trên đống đổ nát mà trước kia là ngôi nhà số 51 của một gia đình 7 người đã chết cả vì bom, tấm bia đá “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” đã được dựng lên để ghi nhớ 278 người dân đã chết (và 290 người khác bị thương) vì bom Mỹ. Thắp nhang tại đây để tưởng niệm những nạn nhân xấu số của ngày ấy, tôi yên tâm trở về nhà để cùng má đến cửa hàng mậu dịch Vân Hồ mua hàng tết theo tiêu chuẩn “bìa C” của ba.

 

 Có lẽ để khỏa lấp những đau thương gian khó mà nhân dân phải gánh chịu trong thời gian chiến tranh, nên Đảng và Chính phủ đã tổ chức mừng tết này thật vui tươi rầm rộ. Quanh hồ Hoàn Kiếm và các công viên chính của thủ đô được chăng đèn kết hoa vô cùng rực rỡ. Các sân khấu ngoài trời được dựng ở nhiều nơi và trên đó những nghệ sĩ nổi tiếng trình bày các tác phẩm ngợi ca Đảng-Bác, Tổ Quốc và chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ. Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn vở “Đôi mắt” của Vũ Dũng Minh do Dương Ngọc Đức đạo diễn và Phùng Huy Bính thiết kế mỹ thuật; Đoàn Xiếc Trung Ương (có mợ Nga của tôi làm y sĩ trong đó) trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc của Đức Uy, Tâm Chính…; ở hồ Tây có màn trình diễn lướt ván trên mặt nước (do ca nô kéo). Tại Công viên Thống nhất, một “Hội Hoa Xuân” được tổ chức với rất nhiều phong lan, cây cảnh và hoa thơm cỏ lạ; lại có một “Nhà Cười” mới mở để những người vào xem thỏa thích cười tươi khi thấy hình ảnh mình được phản chiếu trong các tấm gương có độ cong lồi lõm khác nhau biến thành một kẻ dị hình dị dạng. Nhưng sôi động nhất là cuộc đua thuyền rồng giữa các đội của các tỉnh tại hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất, được khán giả đứng chật cứng trên bờ vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt.

 Một nét nổi bật trong tết này là dân Hà Nội ăn mặc rất sang trọng: không hiếm những người đàn ông trưng diện các bộ comlê bằng vải “tissue” hay “tergan”đắt tiền với những chiếc cravat đẹp và giày da đen bóng; đồng thời khá nhiều phụ nữ khoe sắc trong các bộ áo dài quần trắng cùng áo khoác len dạ quý hiếm với giày dép cao gót điệu đàng. Tôi luôn tự hỏi rằng mọi người kiếm đâu ra những hàng may mặc cao cấp như vậy, trong khi phiếu vải của cán bộ và nhân dân chỉ cho phép mua những thứ vải vóc tầm thường ở  mậu dịch quốc doanh? Đành rằng những người có tiêu chuẩn ở “chợ vua quan” Tôn Đản được vào Cửa hàng Mậu dịch Quốc tế Bờ Hồ và những ai được đi công tác hay du học nước ngoài có thể mang về những mặt hàng đó, nhưng họ chỉ là thiểu số trong xã hội. Còn những kẻ không thuộc số đó mà vẫn diện tết sang trọng như vậy, thì chắc rằng họ đã tận dụng được một thị trường “chợ đen” nào đó do các con phe vận hành.

 Gia đình tôi thuộc diện cán bộ “chân chất” chưa được vào Mậu dịch Quốc tế Bờ Hồ và không biết đến chợ đen, nên cả ba má và tôi không thể kiếm được những bộ cánh sang trọng như vậy. May mắn là đã được bạn đồng nghiệp Bùi Thị Huệ tặng một chiếc cravat bằng simili màu tím than, nên lần đầu tiên trong đời tôi đã biết dùng thứ trang sức đặc biệt này cho trang phục của mình với áo sơ mi trắng bỏ trong quần kaki pha ni-lông, khoác áo blu dông vi-ni-lông may vụng và chân mang tất sợi xỏ vào dép rọ Trung Quốc - thế cũng sang trọng rồi!

Chỉ tội nghiệp cho đám quần chúng nhân dân vô cùng đông đúc ở nông thôn và cả thành thị, được dân gian gọi là các “phó thường dân”, đành phải hài lòng với những bộ quần thô áo vải vừa đủ giữ ấm thân mình đã là tốt lắm rồi, không màng đến sự trưng diện ngày tết.

 

 Khi ấy cậu Bính đã mua được một chiếc môtô nhãn hiệu “Balkan” đã qua sử dụng, do một cán bộ đi công tác ở Bulgaria mang về nhượng lại, nên cậu rủ tôi mượn xe “Babetta” của ba để cùng đi Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì) thăm gia đình bác Khâm và anh Tín hiện đang sinh sống và ăn tết ở đó. Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi được đi xe máy (chở theo em Dũng) cùng với cậu Bính (đèo mợ Nga) thẳng tiến 12km về vùng ngoại thành phía nam Hà Nội để chúc tết gia đình ông anh họ thân thiết.từng lưu lạc nhiều năm cùng gia đình tôi trên đất Hải Phòng mới trở về quê hương bản quán được vài năm nay.

Ở quê hương ngoại thành Hà Nội, cuộc sống của gia đình anh Tín quả nhiên dễ chịu hơn trước. Lúc này, hai cháu lớn Thi và Minh (cùng 16 tuổi, đã lên học lớp 9) với hai cháu nhỏ là Quang (11 tuổi, học lớp 4) và Tuyết (9 tuổi, lớp 2) đều chăm ngoan học giỏi. Riêng cháu Quang đã thể hiện một trí thông minh vượt trội. Cháu mang ra khoe ông Bính và chú Quốc bản thảo viết tay một “tập truyện ngắn” của mình với “lời nói đầu” tự viết: “Lục Đình Quang không phải là một nhà văn, nhưng cuộc sống quanh mình đã gợi cảm hứng cho anh sáng tác tập truyện ngắn này…”. Rõ là giọng điệu “ông cụ non” của một cậu bé vị thành niên, nhưng qua đó có thể thấy một năng khiếu văn chương đã sớm bộc lộ.

 Tết này gia đình bác Khâm - anh Tín quả là rất vui. Phái đoàn đi thăm chúc tết rầm rộ trên 2 xe máy của cậu mợ Bính và anh em tôi chắc cũng góp phần làm tăng thêm sự hãnh diện của gia đình bác và anh trước bà con hàng xóm.

 

 Kết thúc những ngày tết hòa bình vui vẻ cùng gia đình đầm ấm ở thủ đô, tôi trở lại trường PTC3 Việt Trì để cùng các bạn đồng nghiệp chuyển cơ sở trường ở khu sơ tán Hương Trầm (Dữu Lâu) về lại chốn cũ tại tòa nhà xây 3 tầng nơi thành phố công nghiệp đã phục hồi nhịp sống đông vui dưới ánh điện rực sáng. Trở lại căn nhà cũ của mình trong dãy nhà tập thể tranh-tre-nứa-lá dưới chân đồi bên đầm nước cạn với sen súng mọc đầy, tôi bước vào học kỳ II năm học 1972-1973 cùng các bạn đồng nghiệp.

 Khi ấy tại miền Nam, chính phủ VNCH đã tiến hành một chiến dịch “Tràn ngập Lãnh thổ” để mở rộng phạm vi chiếm đóng của họ bằng đường lối hòa bình: ra sức cắm thêm nhiều cờ vàng ba sọc đỏ tại những vùng đất tranh chấp giữa 2 bên; dĩ nhiên chính phủ CMLTCHMNVN cũng đáp trả bằng các lá cờ xanh đỏ sao vàng. Việc trao trả tù binh giữa các bên đã được thực hiện theo đúng  Hiệp định Paris (dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế): các tù binh và tù nhân “Việt Cộng” đã được VNCH trao trả cho phía bên kia; đồng thời các tù binh và tù nhân “Mỹ-Ngụy” cũng được Việt Nam DCCH trao trả cho đối phương. Nhờ đó, đồng chí Nguyễn Hữu Đang, người đã xây Lễ đài Độc Lập cho ngày Quốc khánh Việt Nam DCCH và bị tù từ 1960 do vụ án “Nhân văn - Giai phẩm” kết tội ông “làm gián điệp cho địch”, đã được Đảng ta cho ra tù để hưởng chế độ “quản chế” dài hạn tại tỉnh Thái Bình.

 Ngày 29-3-1973, Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ đã làm lễ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam; đồng thời các quân nhân Mỹ cuối cùng (bao gồm hàng trăm tù binh phi công bị giam ở nhà tù Hỏa Lò tức “Hilton Hà Nội”) đã lên máy bay về nước, chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

 

  Không còn bị bom đạn đe dọa và cũng không phải đi lao động đóng gạch ở HTX Sông Lô như mấy năm trước, thầy trò chúng tôi hăng say dạy học để đạt kết quả tốt nhất trong năm học này; đồng thời hào hứng tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao do thành phố và ngành giáo dục tỉnh phát động. Tôi đã tham gia đội bóng chuyền của thầy trò trường PTC3 Việt Trì (do anh Lê Diên Cố  làm đội trưởng kiêm huấn luyện viên) để thi đấu với các đội của công nhân các nhà máy và nhân viên các cơ quan trong thành phố. Tiếp đó, tôi lại dẫn đội tuyển bóng đá học sinh PTC3 Việt trì (lúc này đã  có bộ trang phục mới màu trắng in số xanh rất đẹp) đi du đấu với các trường PTC3 trong tỉnh để tranh giải do Ty Giáo dục tổ chức.

 Khi ấy, tôi thường đàm đạo về văn chương, về chuyên môn học thuật và chơi cờ tướng với anh Nguyễn Hữu Quỳnh trong ngôi nhà riêng xinh xắn của anh và gia đình ở kề cận với khu tập thể của trường. Cả mẹ anh, chị Mậu vợ anh cùng các cháu Huy (7 tuổi), Quỳnh Lan (5 tuổi) và Hiệu (2 tuổi) là con anh chị cũng đều coi tôi như người thân trong gia đình (sau này anh chị còn có thêm cô con gái út Mai Lan).

 Năm học kết thúc với kỳ thi tốt nghiệp của 200 học sinh lớp 10 (khóa 1970-1973) đạt kết quả rất thấp: chưa tới 20% tổng số thí sinh đậu tốt nghiệp (số thi rớt phải học lại để thi lại, hoặc xin đi học các trường trung cấp).

 Trong tổng số học sinh tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp khóa này của trường PTC3 Việt Trì, 32 em đã vào bộ đội và 13 em gia nhập công an. Mặc dù nhập ngũ sau khi Hiệp định Hòa bình Paris đã được ký kết, 2 chiến sĩ cựu học sinh khóa này đã hy sinh trong chiến đấu: liệt sĩ Phùng Đình Hòa (hy sinh năm 1974 ở mặt trận Củ Chi trên đường tiến về Sài Gòn) và liệt sĩ Cao Xuân Đức (hy sinh năm 1980 trên chiến trường Campuchia chống quân Khmer Đỏ).

 

 LÊ VING QUỐC

Các Bài viết khác