NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯƠC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, Chương13, phần 6

( 17-12-2018 - 08:49 PM ) - Lượt xem: 844

ngày 26-12 thì bom đạn ngập tràn đã kéo tôi ra khỏi chốn bồng lai. Đêm ấy, ba vệt bom B52 đã rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên ở Hà Nội, phá tan 2.000 ngôi nhà, giết chết và làm bị thương gần 600 người (khu phố An Dương ở Hải Phòng cũng bị bom rải thảm tương tự); nhưng 8 chiếc B52 đã bị tên lửa SAM2 bắn rơi.

6. Đêm đông dưới mưa bom

 

Tôi không vội về ngay Việt Trì, mà tranh thủ thời gian còn được tự do để đạp xe về Hà Nội thăm ba má từ sáng chủ nhật 17-12. Căn phòng số 77 nhà C9 tại Khu tập thể Kim Liên, mặc dù không rộng rãi mà cũng thiếu tiện nghi, nhưng vẫn là tổ ấm của gia đình chúng tôi; nhất là trong ngày đông tháng giá như hôm nay, với cả ba má và em Dũng đều được nghỉ ở nhà.

 Khi nghe tôi kể về lớp Bồi dưỡng vừa qua với cuộc gặp chú Lê Khắc Nhãn, ba cho tôi biết thêm rằng: Bộ đã quyết định thành lập một cơ quan mới để xây dựng chương trình và biên soạn SGK cho vùng giải phóng miền Nam, và chính ba cũng được tham gia ban lãnh đạo cơ quan này cùng chú Nhãn và mấy vị khác. “Ba sẽ rất mừng nếu con được chuyển về đây cộng tác với ba theo đề nghị của chú Nhãn”- ba tôi bảo vậy để tiếp thêm niềm hy vọng cho tôi.

 Đêm chuẩn bị ngủ, tôi mới phát hiện ra nhà mình đã có thêm một vật dụng rất giá trị: chiếc giường gấp khung sắt căng vải bạt có nhiều lò xo do Liên Xô chế tạo mới được mua theo tiêu chuẩn phân phối cho ba. Nằm thoải mái trên loại giường mới  dưới chăn bông ấm áp, tôi ngủ rất ngon trong đêm đông giá lạnh này.

 Hôm sau, cả nhà cùng ăn sáng bằng món mì sợi do má nấu với cà chua, rồi má đạp xe đi làm ở ĐHSP Ngoại ngữ, em Dũng đi học tại trường PTC3 Kim Liên và ba đi lên Bộ bằng xe máy Babetta.

 Ở nhà một mình, tôi ra cửa hàng thực phẩm Kim Liên mua đậu phụ theo lời dặn của má. Xếp hàng rất lâu mà đậu vẫn chưa về, tôi đặt chiếc túi của mình làm “lốt” và nhờ chị Trâm (người vợ xinh đẹp của anh Hưng-kỹ sư ở trên tầng 4 cùng cầu thang với nhà tôi) canh chừng và “đẩy lốt” giúp mình. Tôi đến cửa hiệu cắt tóc mậu dịch (liền kề cửa hàng thực phẩm) để tranh thủ sửa sang mái đầu. Cửa hiệu này nhỏ bé với chỉ một bộ bàn ghế và một nữ mậu dịch viên mặc áo choàng trắng phục vụ khách hàng. Lần đầu tiên được một người phụ nữ cắt tóc cho mình và trò chuyện vui vẻ, tôi cảm thấy hài lòng với tay nghề của chị này và với giá cắt tóc mậu dịch chỉ 2 hào rưỡi.

 Trở lại cửa hàng thực phẩm đúng lúc có tiếng reo vui: “A, đậu về!”, tôi vội vã chạy đến “lốt” của mình, đứng vào hàng ngay trước chị Trâm để chứng kiến các khay chất đầy đậu phụ được chuyển bằng xe từ nơi sản xuất vào quầy hàng mậu dịch để chuẩn bị phục vụ khách hàng. Dòng người xếp hàng xô đẩy nhau rất mạnh, khiến chị Trâm áp cả ngực vào lưng tôi; nhưng rồi cả tôi và chị đều mua được số lượng đậu theo tiêu chuẩn (cắt ô số 5 và/hoặc số 6 phiếu E). Trên đường về, tôi ghé chợ vỉa hè mua được một mớ rau muống tươi non.

 Trưa hôm đó, tôi nấu một nồi cơm nhỏ độn mì sợi, xào rau muống với tỏi và rán đậu để ăn cơm cùng em Dũng mới đi học về. Buổi chiều, tôi kiểm tra tình hình học tập của Dũng và giúp em làm các bài tập toán, lý, hóa. Qua đó, tôi phát hiện cậu em mình còn quá nhiều lỗ hổng về kiến thức cơ bản các môn khoa học tự nhiên ở lớp 8.

 Chiều muộn ba má về, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng. Cơm nước xong, tôi đạp xe đi thăm cậu Bính.

 

 Tôi được cậu Bính đón vào ngồi tại bộ bàn ghế mây, để cùng cả gia đình chuẩn bị xem chương trình truyền hình phát lúc 7 giờ tối trên chiếc đài “Bering” có màn hình 23 inches. Tiết mục “Những bông hoa nhỏ” vui nhộn mở đầu chương trình.

Bỗng còi báo động rú vang và hệ thống loa truyền thanh công cộng oang oang thông báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 80 km về hướng đông-nam! Tất cả mọi người nhanh chóng xuống hầm trú ẩn; các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu!”. Đèn điện vụt tắt và màn hình tối om; hai em Trí-Hương, mợ Nga rồi đến tôi và cậu Bính chạy vụt xuống dưới cầu thang và chui vào căn phòng nhỏ trên mặt đất dùng để cất giữ xe đạp và cả xe máy. Những người láng giềng ở cùng khu nhà cũng chui cả vào đây trú ẩn thay cho chiếc hầm phòng không mà nơi đây không có.

 Mọi người đã quá quen với tiếng còi báo động suốt bao năm qua, nhưng ai cũng ngạc nhiên với cuộc báo động bất ngờ này, vì nó diễn ra khi lệnh ngừng ném bom trên vĩ tuyến 20 vẫn còn hiệu lực để Hoa Kỳ tiến tới ký kết hiệp định hòa bình 4 bên tại Paris.

 Hàng loạt tiếng nổ dậy lên với chớp lửa nhoang nhoáng từ khắp bốn phương cho thấy một trận đánh ác liệt giữa quân ta với không quân Mỹ. Căn phòng rung động khiến nhiều mảng vôi vữa trên trần rơi lả tả xuống đầu mọi người. Khoảng một giờ sau, tiếng nổ thưa dần và còi báo yên cất lên, đèn điện lại bật sáng.

 Tôi chào tạm biệt cậu mợ Bính để đạp xe về. Nhưng chỉ mới đến Công viên Thống Nhất thì còi báo động lại rú vang: máy bay địch lại đến tấn công lần nữa! Tôi vội dắt xe chạy vào công viên, tìm được một chiếc hầm trú ẩn trong đó để chui ngay vào. Tiếng súng tiếng bom lại bùng nổ dữ dội; nhiều luồng lửa đạn đỏ lừ bay lên như rạch nát bầu trời đêm đen kịt; nhiều quầng lửa sáng bừng kèm theo hàng loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc. Ngồi trong chiếc hầm khá kiên cố cùng vài ba người khác, tôi run sợ nghĩ đến cái chết có thể ập đến với mình bất cứ lúc nào. Nhưng rồi một lúc lâu sau cơn bão lửa cũng ngớt, còi báo yên lại nổi lên; tôi lập tức dắt xe ra đường để phóng nhanh về nhà.

 Thì ra cả ba má và em Dũng đều vẫn ở nhà. Trong hai đợt báo động vừa qua, cả nhà chạy xuống gầm cầu thang ở tầng 1 để trú ẩn (trong khi hai gia đình chú Dương và chú Huyến chạy xuống hầm trú ẩn ở ngoài sân). Ba đã mở chiếc Orionton để nghe đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN); nhưng làn sóng này bất ngờ bị tắt: có lẽ trạm phát sóng đặt ở Mễ Trì đã bị trúng bom?

 Thế rồi còi báo động lại rú vang để tôi có dịp chạy xuống gầm cầu thang cùng ba má và em Dũng, để đứng chen chúc trong đó cùng những người láng giềng từ các tầng gác trên chạy xuống (trong đó có cả anh Hưng - chị Trâm và hai cháu nhỏ con của anh chị). Giữa lúc bom rơi đạn nổ làm rung cả tòa nhà, mọi người sôi nổi bàn tán về nguyên nhân cuộc tấn công này của Mỹ và triển vọng của Hội nghị hòa bình Paris.

 Lại báo yên. Cả gia đình tôi lại trở về phòng mình để chuẩn bị chỗ ngủ. Nhưng đó là một đêm đông dưới mưa bom vô cùng đáng sợ nên chẳng ai ngủ được. Cứ chợp mắt  một lúc thì còi báo động lại vang lên gọi mọi người dậy chạy xuống gầm cầu thang (hoặc ra hầm trú ẩn). Tôi không nhớ đêm đó gia đình mình đã phải chạy xuống leo lên đến bao nhiêu lần, nhưng nhớ mãi đó là đêm 18-12 mở đầu chiến dịch oanh tạc khủng khiếp nhất trong chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ mang tên“Linebacker II” diễn ra suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972.

 Sau khi bản dự thảo Hiệp định Hòa bình Paris bị tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phản đối về các điều khoản cho phép Quân đội NDVN ở lại trong khi Quân đội Mỹ phải hoàn toàn rút khỏi  Nam Việt Nam, tổng thống Nixon đã quyết định tiến hành chiến dịch này để buộc phía Việt Nam DCCH chấp nhận sửa đổi văn bản hiệp định theo tinh thần “hai bên cùng rút quân”.

 

 Sáng hôm sau, mọi người trong nhà đều phờ phạc vì mất ngủ, nhưng vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt bình thường. Má rang cơm trộn với trứng cho cả nhà điểm tâm, trong khi ba mở đài nghe chương trình thời sự của Đài TNVN (đã phát sóng trở lại). Thì ra đêm qua Đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục lần chiếc “pháo đài bay” B52, được sự yểm trợ của hàng trăm máy bay chiến thuật, ném bom rải thảm xuống Hà Nội và Hải Phòng để buộc ta phải chấp nhận điều kiện của chúng trong hiệp định Paris; nhưng với tinh thần cảnh giác cao, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu giáng cho chúng những đòn đích đáng: bắn rơi 3 chiếc B52 cùng hàng chục máy bay chiến đấu khác của Mỹ.

 Ba bảo: “Tình hình căng đấy; má và các con phải chuẩn bị đối phó nhé!”. Nói xong, ba mặc áo ấm rồi xách cặp đi lên Bộ (tôi giúp ba dẫn chiếc Babetta xuống cầu thang). Má lại đạp xe vào ĐHSP, còn em Dũng vẫn mang cặp sách đến trường. Tôi ra cửa hàng bách hóa và cửa hàng thực phẩm để mua một số thứ cần thiết; và đã nhận ra rằng: Khu tập thể Kim Liên chưa bị trúng bom. Rất may là suốt buổi sáng không có báo động.

 Gần trưa, ba trở về với một chiếc mũ sắt của quân đội mà ông mới được cấp; má cũng về để chuẩn bị đi sơ tán theo kế hoạch của ĐHSP Ngoại ngữ, và em Dũng được nghỉ học để chờ kế hoạch sơ tán của trường mình. Thế là trưa hôm ấy, cả nhà chúng tôi lại được quây quần trong bữa cơm gia đình, trước khi tản đi mỗi người một ngả.

 Buổi chiều có chiếc ô tô commăngca của Bộ đến đón ba đi công tác. Ba tạm biệt cả nhà, rồi đội mũ sắt, xách cặp bước lên xe để đi kiểm tra tình hình các trường học sinh miền Nam ở các tỉnh quanh Hà Nội trong cuộc oanh tạc này.

 Tiếp đó, đến lượt tôi tạm biệt má và em Dũng để lên đường trở về Việt Trì. Vì có sự đe dọa của không quân Mỹ mà đi tàu hỏa sẽ rất nguy hiểm, nên tôi quyết định sẽ đạp xe theo đường bộ qua Sơn Tây đến bến Trung Hà để sang Việt Trì.

 

 Trên lộ trình 10km đầu tiên từ Kim Liên đến ĐHSP (Cầu Giấy), tôi cảm thấy thương má rất nhiều; vì mỗi ngày 2 lượt bà mẹ tội nghiệp của mình phải đạp xe suốt đoạn đường này để đến nơi làm việc rồi lại trở về nhà. Từ Cầu Giấy hướng đến Sơn Tây đường quang gió nhẹ, tôi cúi người nắm tay lái uốn vòng xuống mà phóng thật nhanh để chạy đua với mặt trời đang dần ngả bóng về phía tây, nhưng trong lòng luôn nhớ về kỷ niệm xưa với Thiên Hương trên tuyến đường này. Ngồi tại một quán nước để ăn bữa chiều do má chuẩn bị sẵn cho mình, tôi được bà chủ quán thông báo tin đồn rằng: “Ở bến Trung Hà có một toán cướp hoạt động đã mấy tháng nay, cậu nên cẩn thận đề phòng!”. Cảm ơn bà chủ quán, tôi lên xe tiếp tục cuộc đua với mặt trời nhưng không kịp. Hoàng hôn buông xuống hắt ánh vàng sau sau dãy núi Ba Vì huyền thoại; rồi bóng đêm ập xuống rất nhanh và tôi buộc phải đạp xe trong bóng tối. Bỗng có những tiếng ì ầm từ trên trời vọng xuống mỗi lúc một rõ hơn: chắc là máy bay Mỹ lại đến ném bom Hà Nội. Bến Trung Hà bên sông Hồng đây rồi, nhưng chỉ có vài chiếc cọc với hàng rào thưa để làm dấu tích bến đò; mà trên bờ không một ánh đèn cũng chẳng có bóng người, còn dưới sông cũng không có con thuyền nào neo đậu.

 Hoảng sợ trước sự im ắng lạ thường, tôi lớn tiếng gọi: “Ai có đò không? Cho tôi qua sông với!”. Sau mấy lần gọi, bỗng thấy từ bên vệ đường tối đen xuất hiện một ánh đèn, rồi một người đàn ông mặc áo bông đội mũ lá xách chiếc đèn bão lù lù tiến đến trước mặt tôi: “Anh muốn qua sông? Cho xin 3 đồng tôi sẽ chở!”. Đó là cái giá đắt gấp 10 lần theo quy định tiền đò của nhà nước; nhưng bây giờ không phải là lúc mặc cả: “Vâng, tôi sẽ trả đủ!”- tôi đáp. “Vậy thì anh theo tôi!”; nói xong, ông ta dẫn tôi xuống một lối mòn bên bờ sông, rồi đẩy từ trong lùm cây ven bờ ra một chiếc thuyền gỗ có mui cẩn thận. Tôi vác xe bước lên thuyền rồi chui vào mui ngồi trong đó. Người đàn ông đặt chiếc đèn xuống ván sàn, rút ra một mái chèo, rồi đứng ở đuôi thuyền bắt đầu đưa nó ra sông.

 Khi mái chèo đã khua nước nhịp nhàng đưa thuyền ra xa bờ, tôi chợt giật mình nhớ đến lời khuyên của bà chủ quán nước về bọn cướp ở bến Trung Hà: nhỡ tên lái đò này cho mình ra giữa sông rồi đập chết để cướp xe đạp và hất xác xuống sông thì sao? Tôi liền gỡ chiếc bơm ra khỏi khung xe và cầm chắc trong tay để đề phòng: chỉ cần thấy mày chui vào mui thuyền là tao sẽ quật ngay vào mặt! - tôi quyết định.

 Nhưng rất may là sự việc không xảy ra như vậy. Đưa thuyền tấp vào một bãi đất, người lái đò nói: “Đến rồi, anh xuống đi!”. Tôi liền mang xe chui ra khỏi mui, rồi vác xe nhảy xuống. Khi tôi lấy tiền ra trả, ông ta chỉ tay về phía trước và nói: “Từ đây đến bờ còn một đoạn nước nông, thuyền không đi được. Anh chịu khó vác xe lội qua!”. Nói xong, ông cho thuyền quay lui rồi biến vào bóng tối.

 Theo hướng chỉ tay của người lái đò, tôi xắn quần thật cao rồi vác xe lội xuống nước. Nhưng chỉ được dăm bước đã thấy nước quá sâu, mà đất dưới đáy sông bắt đầu lún xuống giữ chặt bàn chân không sao bước nổi, tôi đành quay lại để tìm chỗ khác. Nhưng đã 3 lần lội xuống rồi lại phải leo lên, tôi vẫn chưa tìm được lối thoát.

Dưới vầng trăng to tròn tỏa ra ánh sáng đỏ quạch qua sương mù lạnh giá trong tiếng ì ầm của máy bay trên trời cao vọng xuống, tôi nhận ra chỗ mình đang đứng là một doi đất ven sông được trồng rất nhiều ngô nhưng không một ánh đèn để báo hiệu có người. Trước khung cảnh cô quạnh đáng sợ ấy, tôi bỗng nghe tiếng trẻ con khóc; rồi từ trong bãi ngô mờ tối hiện ra một bé trai khoảng 7-8 tuổi cõng trên lưng một em nhỏ cỡ lên 3 còn đang khóc mếu. Tưởng chừng như được gặp thiên thần xuất hiện, tôi tiến đến hỏi cậu bé: “Cháu biết chỗ nào có thể lội qua sông thì chỉ cho chú với?”. Nó đáp: “Chú đi theo cháu!”. Thế là cậu bé cõng em đi trước, tôi vác xe theo sau cùng lội xuống sông ở một chỗ nông nước chưa tới đầu gối trẻ em mà dưới đáy toàn cát rất dễ đi. Và thế là Việt Trì thân yêu đây rồi! Tôi biếu cậu bé 5 hào để cảm ơn cháu đã dẫn đường, rồi vác xe leo lên bờ.

Đúng lúc đó, cả bầu trời bỗng bừng sáng như ban ngày giữa trưa do một đám cháy vô cùng lớn bùng lên ngay phía bãi bồi mà tôi vừa rời khỏi, cùng lúc là tiếng nổ long trời lở đất tạo nên cơn gió mạnh thổi bạt cả tôi và xe nằm lăn xuống đường. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một chiếc pháo đài bay B52 khổng lồ của Mỹ vừa bị bắn rơi ở chính nơi đây. Thế là tôi trở thành một kẻ vô cùng may mắn: nhờ gặp được cậu bé dẫn đường đúng lúc nên mình đã  thoát chết trong gang tấc khi không bị máy bay rơi trúng đầu, lại còn được chứng kiến cảnh tượng hiếm thấy về một chiếc B52 rơi nổ tan xác.

 

 Đám cháy trên bãi sông vẫn chưa tắt, thì trên bờ sông lại ầm vang hàng loạt tiếng nổ dữ dội với những luồng đạn lửa bay lên trời: một trận địa pháo phòng không của ta ở Việt Trì đang bắn máy bay Mỹ. Tôi vội dắt xe chạy vào một nhà dân gần đấy để xin được trú ẩn. Thật may, đó là nhà của một nữ sinh trường PTC3 Việt Trì, nên tôi được chủ nhà cùng con gái họ nồng nhiệt đón vào chiếc hầm trú ẩn rất tốt của gia đình ở ngay sát vách nhà. Khi ngớt tiếng súng để ra khỏi hầm vào nhà thắp đèn lên, gia chủ tức phụ huynh học sinh của tôi “mời thầy đi rửa mặt cho mát”, “mời thầy xơi nước với lạc luộc” rồi “mời thầy nghỉ lại qua đêm cho khỏe rồi sáng mai hãy về trường!”. Sau một chuyến đi quá mệt mỏi, tôi không thể từ chối tấm thịnh tình của vị phụ huynh, nên đã có một giấc ngủ rất ngon tại ngôi nhà giản dị này. Sáng hôm sau, gia chủ còn cho tôi điểm tâm bằng một đĩa ngô luộc và ấm chè Phú Thọ, rồi mới tiễn thầy lên đường.

 Trên đường trở về trường ở Thanh Miếu (Dữu Lâu), bạn đồng nghiệp đầu tiên mà tôi được gặp chính là Kiều Công Tử. Anh vồn vã mời tôi về nhà nghỉ chơi với mình một buổi. Chiếc lán dựng bằng tranh-tre-nứa-lá đơn sơ đã được vợ chồng anh khéo thu vén để trở thành một tổ ấm gia đình, lại có thêm một vườn sắn xanh tươi mơn mởn ở ven sườn đồi. Trưa hôm ấy, anh chị Kiều Khanh đã đãi tôi một bữa cơm ngon do tài nấu nướng của chị Thành. Tôi nhớ mãi món canh chua nấu bằng đọt sắn non có hương vị lạ miệng khoái khẩu.

 Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm tỏ ra ngạc nhiên khi tôi đến trình diện anh để báo cáo việc hoàn thành nhiệm vụ tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ đi B. Anh lập tức trả lại công tác giảng dạy cùng căn nhà ở khu tập thể giáo viên của trường cho tôi, nhưng cũng thông báo rằng chức “Bí thư Chi đoàn” của tôi đã được chuyển giao cho đồng chí Hoàng Thuận (tôi rất vui với tin này).

 Nhưng những người vui mừng nhất khi thấy tôi xuất hiện sau một thời gian vắng bóng chính là các học trò của mình. Đứng dậy chào khi lại thấy tôi bước vào lớp như trước, tất cả các em đã  vỗ tay vang dậy một hồi lâu.

 

 Những ngày tiếp theo, máy bay Mỹ vẫn tập trung đánh bom ồ ạt vào Hà Nội và Hải Phòng mà phạm vi hoạt động của chúng luôn bao quát cả Việt Trì. Tuy vậy, thầy trò  chúng tôi vẫn tiếp tục dạy học, trừ khi có báo động phòng không thì phải xuống hầm.

 Tối 24-12, được biết Mỹ ngừng ném bom để hưởng lễ Giáng Sinh, tôi rủ anh Nguyễn Hữu Quỳnh cùng đạp xe về Lâu Thượng thăm anh Đỗ Quý Bào. Vợ chồng anh chị Quý Bào đón tiếp chúng tôi vô cùng thân mật. Ngồi bên bàn uống trà có một rổ lạc rang cả vỏ đặt bên chiếc đèn dầu, cả bốn người chúng tôi trò chuyện sôi nổi về tình hình thời sự nóng hổi, tập trung vào cuộc oanh tạc hiện hành của Mỹ (đánh bom trúng Nhà ga Hàng Cỏ; phá tan Bệnh viện Bạch Mai…) và triển vọng cuộc hội đàm ở Paris.

 Gần đến nửa đêm, anh Bào trút lạc rang vào một gói giấy báo, khoác áo bông, mang ra chiếc đài bán dẫn và rủ tôi với anh Quỳnh: “Các cậu đi theo mình!”. Dưới ánh trăng hạ tuần bàng bạc, chúng tôi đi bộ xuyên qua bãi ngô lên đê sông Lô trong đêm đông tĩnh mịch. Trải giấy báo ra ngồi trên đê, chúng tôi đón Giáng sinh bằng lạc rang và chiếc đài bán dẫn của anh Bào. Rút cao cần ăng ten để dò sóng các đài, anh bắt được những âm thanh này: “Đây là Tiếng nói nước Việt Nam phát thanh từ thủ đô Sài Gòn trên làn sóng trung bình 345 thước tức là 870 ky lô chu kỳ (…). Lúc này là 0 giờ ngày 24-12-1972”; tiếp đó là Quốc ca: “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…” (nhạc và lời Lưu Hữu Phước); rồi giới thiệu chương trình phát trong ngày, và “kính mời quý vị thưởng thức chương trình ca nhạc mừng Thiên chúa Giáng Sinh”.

 Đó là chương trình ca nhạc gây xúc động mạnh khiến tôi rưng rưng nước mắt. Tuyệt vời biết bao khi được nghe giọng hát Thái Thanh qua ca khúc bất hủ “Thiên thai” của Văn Cao ru hồn người vào chốn bồng lai tiên cảnh trong giờ phút huyền diệu này:

 

“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng

Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên.

Kìa đường lên tiên, này nguồn hương duyên

Theo gió tiếng đàn xao xuyến.

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền,

Mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền…”

 

Những âm thanh và giai điệu ấy vẫn ngân nga trong tâm trí tôi suốt ngày hôm sau  vắng bặt tiếng bom tiếng súng.

 Nhưng ngày 26-12 thì bom đạn ngập tràn đã kéo tôi ra khỏi chốn bồng lai. Đêm ấy, ba vệt bom B52 đã rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên ở Hà Nội, phá tan 2.000 ngôi nhà, giết chết và làm bị thương gần 600 người (khu phố An Dương ở Hải Phòng cũng bị bom rải thảm tương tự); nhưng 8 chiếc B52 đã bị tên lửa SAM2 bắn rơi.

 27-12, sinh nhật tôi và cũng là sinh nhật của Bùi Thị Huệ, cuộc oanh tạc của không quân Mỹ diễn ra suốt cả ngày lẫn đêm. Sau bữa cơm tối, Việt Trì lại có báo động phòng không khiến tôi và Huệ cùng chui vào một hầm trú ẩn. Thế là hai chúng tôi cùng mừng lễ sinh nhật lần thứ 25 của nhau ở dưới hầm trong tiếng gầm của máy bay và tiếng nổ của đạn bom từ bốn phía xung quanh vọng đến. Đêm đó, phi công Phạm Tuân lái máy bay MIG21 đã bắn rơi một chiếc B52 trên bầu trời Hà Nội.

 Trong hai ngày tiếp theo, bom đạn vẫn nổ khắp nơi nhưng dường như cường độ của cuộc oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng đã có phần sút giảm. Sáng 28, phi công Hoàng Tam Hùng bắn hạ 2 máy bay Mỹ rồi hy sinh cùng chiếc MIG21 của anh bị địch bắn rơi. Đêm hôm đó phi công Vũ Xuân Thiều lái MIG21 tấn công B52; nhưng anh đã hy sinh khi máy bay của mình bị địch bắn hạ.

 Ngày 30-12, tổng thống Mỹ Nixon bỗng ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam vì “có dấu hiệu rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại” (đài Tiếng nói Hoa kỳ thông báo như vậy).

 

 Tổng cộng 12 ngày đêm oanh tạc trong chiến dịch “Linebacker II”, nước Mỹ đã huy động 197 pháo đài bay B52 (trên tổng số 400 chiếc hiện có) và 1.077 máy bay chiến thuật  (trên tổng số 3.041 chiếc hiện hành); trút xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số đô thị khác ở Bắc Việt Nam 36.000 tấn bom, phá tan nhiều cơ sở quân sự, kinh tế, giao thông và dân sự, giết chết 2.200 thường dân vô tội.

Đối đầu với sức mạnh khủng khiếp đó là lực lượng phòng không-không quân của Việt Nam DCCH cũng không phải hạng tầm thường. Với 550 tên lửa SAM2 hiện có, 334 chiếc đã được phóng (tức 60% tổng số) cùng 3 trung đoàn không quân (với chủ lực là các máy bay MIG21do Liên Xô viện trợ, bên cạnh đó là các loại MIG19 và MIG17) kết hợp với súng phòng không các loại, quân ta đã giáng cho không lực Hoa Kỳ những tổn thất nặng nề bao gồm 34 chiếc B52 bị bắn rơi (phía Mỹ chỉ thừa nhận mất 16 chiếc và 9 chiếc khác bị bắn hỏng), 47 máy bay chiến thuật bị hạ (bao gồm các kiểu từ F4 cho đến F111) và 44 phi công bị bắt sống. Với kết quả như vậy, Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt chiến dịch này mà không thể buộc Việt Nam DCCH phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán về hiệp định hòa bình.

Vào đầu năm mới 1973, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris để xúc tiến việc ký kết hiệp định, cho dù phía Việt Nam DCCH có nhượng bộ hay là không. Trước lúc khởi hành, Kissinger nói nhỏ với tổng thống: “Tôi nghĩ Thiệu nói đúng đấy. Hiệp định đó sẽ đẩy VNCH vào thế nguy hiểm!”; và Nixon đáp: “Nó (tức VNCH) phải tự chống đỡ thôi (…) Nếu nó chết thì cứ để cho nó chết. Nó lớn rồi, chúng ta không thể cứ cho nó bú mớm mãi được.” ( Đoạn đối thoại này được đọc từ băng ghi âm tại Nhà Trắng).

 Đảng ta gọi chiến thắng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là “Trận Điện Biên Phủ trên không” đối với Đế quốc Mỹ. Nhưng riêng đối với tôi, điều đáng mừng nhất là: toàn thể gia đình với những người thân cùng bè bạn xa gần và học trò của mình không ai hề hấn gì sau các trận mưa bom trong những đêm đông kinh hoàng ấy.

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác