NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯƠC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, Chương13, phần 5

( 02-12-2018 - 03:53 PM ) - Lượt xem: 748

cuộc đàm phán hòa bình tại Paris giữa Cố vấn Chính trị Lê Đức Thọ (đại diện Việt Nam DCCC) với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger (đại diện chính phủ Hoa Kỳ) đã có những bước tiến tốt đẹp khi cả hai bên cùng chấp nhận những điều kiện của nhau (Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam trong khi Quân đội NDVN vẫn tại vị, Chính phủ CMLTCHMNVN cùng tồn tại với Chính phủ VNCH để tiến tới xây dựng chính quyền mới hòa hợp hòa giải giữa 2 bên). Theo đó, bản dự thảo Hiệp định Hòa bình cho cuộc chiến tranh Việt Nam đã hình thành và Kissinger tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay” (26-10). Để thúc đẩy việc ký kết hòa bình, tổng thống Nixon tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra.

5. Hòa bình trong tầm tay

Bước vào năm học 1972-1973, trường tôi đã có 6 lớp 8 (A,B,C,D,E,G), 6 lớp 9 và 4 lớp 10. Tôi phân công Huệ dạy sử toàn bộ khối lớp 8 và 2 lớp 9A-B; còn mình chịu trách nhiệm các lớp 9C-D-E-G và toàn bộ khối lớp 10 (A,B,C,D). Ở lớp 10D do tôi làm chủ nhiệm vẫn đủ mặt 50 học sinh từ 9D năm ngoái chuyển lên với cặp chị em Nguyễn Thị Thanh - Nguyễn Trọng Bình trong đó; lại thêm cô em Nguyễn Thị Thu mới được tuyển vào lớp 8 của trường, nên cả ba chị em nhà ấy cùng trở thành học sinh PTC3 Việt Trì.

 Đội ngũ giáo viên cũng được bổ sung thêm các anh Nguyễn Hữu Duyến (dạy địa lý),  Hoàng Thuận (dạy sinh vật) và Trần Ngọc Ngạn (giáo viên văn, làm thơ hay và chơi cờ tướng rất giỏi). Quy mô nhà trường ngày càng mở rộng đòi hỏi phải có thêm một Phó Hiệu trưởng nữa, thế là anh Lê Quang Phi (tức “Phi Đen Đất Sông Lô”- tác giả “Bơm hai vòi”) được bổ nhiệm vào chức vụ này. Vì anh Lê Văn Long đang đi công tác biệt phái tại Cẩm Khê, nên chức Bí thư Đoàn trường lại trở về với anh Từ Minh Cát; còn tôi được Chi bộ Đảng (theo chỉ đạo của anh Đạm) đề cử làm Bí thư Chi đoàn Giáo viên của trường.

 Tôi không hứng thú với sự thăng chức này, và cảm thấy nặng nề khi phải viết bản “Chương trình hành động” để trình bày tại đại hội chi đoàn đầu năm học. Bởi thế, mãi đến 9 giờ tối trước ngày khai mạc đại hội tôi mới hoàn thành văn bản. Chợt nhớ là phải trình anh Đạm duyệt nó (đúng ra thì Bí thư Chi bộ Kim Ngọc Liên mới là người duyệt; nhưng anh Đạm luôn làm thay công việc của Bí thư), tôi vội vã lấy chiếc đèn pin bóp tay soi đường đi đến phòng làm việc của hiệu trưởng, gõ cửa với hy vọng anh vẫn còn làm việc buổi tối. 

 Vừa mở cửa cho tôi bước vào, anh Đạm đã mắng phủ đầu: “Tại sao giờ này cậu mới đưa văn bản cho tôi? Nếu tôi không kịp duyệt trước, thì đại hội không được phép tiến hành, hiểu chưa?”. Tôi vội xin lỗi anh về sự chậm trễ với lý do “em chưa quen viết báo cáo đại hội, mong anh thông cảm”. Anh phán: “Cậu phải rút kinh nghiệm đấy!”; rồi cầm văn bản, vặn to ngọn đèn bão đặt trên bàn và chăm chú đọc. Mở chiếc bút máy “Kim Tinh” ra, anh sửa một vài từ rồi ký duyệt vào văn bản và trao lại cho tôi. Biết rằng sóng gió đã qua, tôi ngỏ lời mời anh dự đại hội. Anh đáp: “Cậu không mời thì tôi cũng dự, vì đó là trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn!”.

 Sáng hôm sau, đại hội chi đoàn họp với sự tham dự của gần hai chục đoàn viên cùng đại biểu cấp trên là đồng chí Trần Lưu Đạm (đại diện chi bộ và ban giám hiệu) cùng đồng chí Từ Minh Cát (bí thư đoàn trường). Bản dự thảo “Chương trình hành động” do tôi trình bày (đã được anh Đạm duyệt) được đại hội biểu quyết thông qua nhanh chóng; và tôi được đa số phiếu tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn (đúng theo đề cử của Chi bộ!). Sau khi nghe lời phát biểu chỉ đạo của Hiệu trưởng kiêm Phó Bí thư Chi bộ, đại hội bế mạc thành công tốt đẹp.

 Với chức vụ “bí thư chi đoàn” này, tôi đã đặt bước đầu tiên lên con đường danh vọng do Đảng ta vạch ra cho thanh niên phấn đấu. Qua việc cử tôi giữ chức đó, anh Đạm đã dạy tôi rằng: mọi quyền lực ở trường này nằm trong tay anh; nếu muốn được tiến thân thì phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của anh (tức của Đảng) và làm cho anh vui lòng trong mọi trường hợp. Nói cách khác, anh dạy tôi phải “điếu đóm” cho anh để được hưởng lợi cho mình (tương tự như lời khuyên của bạn cũ Nguyễn Văn Thưởng cho tôi ở khoa Sử ĐHSP trước đây).

 Sau đại hội chi đoàn, với tư cách “cảm tình Đảng” tôi lại được dự đại hội chi bộ, rồi lại được anh Đạm rủ đi bắn chim. Tôi vui vẻ cùng anh đi săn bắn; còn cái chức vụ mà anh trao cho, thì xin thú thật là tôi chỉ nhận một cách khiên cưỡng. Bởi vì trước sao sau vậy, tôi vẫn là tôi để sống theo lương tri và lương tâm của chính mình, mà không phải điếu đóm cho bất cứ ai để đổi lấy cái danh vọng hão huyền nào đó, cho dù đó là con đường duy nhất để thăng quan tiến chức dưới cờ Đảng ta.

 

Tháng 10-1972, trong một cuộc oanh tạc Hà Nội, máy bay Mỹ đã ném bom trúng khuôn viên Đại Sứ Quán Pháp tại thủ đô, phá tan nhà ở của vị Tổng Đại diện Susini trong đó, khiến ông này bị thương phải vào bệnh viện băng bó. Nhưng sau sự kiện này, nhịp điệu và cường độ các cuộc oanh kích đã cắt giảm rõ rệt.

Trong lúc tôi đang say sưa giảng dạy về “chủ nghĩa phát xít và nguyên nhân bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai” cho học sinh lớp 9 và “Phong trào yêu nước dân chủ và phong trào công nhân những năm 1919-1926” cho lớp 10, thì cuộc đàm phán  hòa bình tại Paris giữa Cố vấn Chính trị Lê Đức Thọ (đại diện Việt Nam DCCC) với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger (đại diện chính phủ Hoa Kỳ) đã có những bước tiến tốt đẹp khi cả hai bên cùng chấp nhận những điều kiện của nhau (Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam trong khi Quân đội NDVN vẫn tại vị, Chính phủ CMLTCHMNVN cùng tồn tại với Chính phủ VNCH để tiến tới xây dựng chính quyền mới hòa hợp hòa giải giữa 2 bên). Theo đó, bản dự thảo Hiệp định Hòa bình cho cuộc chiến tranh Việt Nam đã hình thành và Kissinger tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay” (26-10). Để thúc đẩy việc ký kết hòa bình, tổng thống Nixon tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra.

 Ngay thời điểm đó, người chồng bộ đội đi chiến đấu lâu ngày ở chiến trường miền Nam của cô giáo Tạ Thị Lạc được ra Bắc an dưỡng đã trở về với vợ mình tại trường PTC3 Việt Trì ở khu sơ tán Hương Trầm (Dữu Lâu). Khỏi phải nói, sau những năm tháng dài xa cách nay được gặp lại nhau, cặp vợ chồng trẻ ấy đã ân ái mặn nồng đến thế nào trong căn nhà ở khu tập thể giáo viên luôn cửa đóng then cài phía trong cả ngày lẫn đêm. Nhưng chưa được một tuần, người chồng có vóc dáng khá cao to nhưng nước da xanh mét đã phát bệnh và được vợ đưa vào bệnh viện. Vài hôm sau, mang theo hộp sữa đặc “Ba Vì” và 0,5kg đường trắng (tiêu chuẩn quà thăm người ốm của công đoàn), anh Lương Đăng Bát đại diện nhà trường đến bệnh viện thăm chồng cô Lạc. Lúc trở về, anh cho biết: chồng Lạc còn di chứng của bệnh sốt rét, không đủ sức chịu đựng nhịp điệu ân ái dồn dập nên đã phát bệnh. Và anh hạ giọng thầm thì: “Vậy mà Lạc vẫn vén màn chui vào giường bệnh để ngủ với chồng, khiến cho các bác sĩ ở bệnh viện rất bất bình”. Rồi anh đề nghị tôi: “Với tư cách bí thư chi đoàn, cậu nên góp ý để cô ấy kiềm chế mà bảo vệ sức khỏe cho chồng!”. Tôi gật đầu đồng ý, nhưng cảm thấy việc này thật khó nói. Rất may là chẳng bao lâu sau chồng Lạc đã được xuất viện khi bệnh tình của anh đã ổn định.

 Sang tháng 11, tôi nhận được thư Trần Trọng Triệu kể chuyện phá thủy lôi Mỹ ở cảng Hải Phòng với nhiều tổn thất hy sinh, rồi báo tin Trần Trọng Phương (tức Vân) - em Triệu và cũng là bạn thân của tôi - đã nhập ngũ và chuẩn bị vào Nam chiến đấu.

 Thế rồi, rất bất ngờ, chính tôi đã nhận được quyết định đi dự Lớp bồi dưỡng cán bộ đi B, tức là được điều động đi công tác tại chiến trường miền Nam. Tôi không hiểu do đâu mà cấp trên lại điều mình đi như vậy (phải chăng vì không thích tôi mà anh Đạm đã đề xuất với Ty Giáo dục cho tôi đi B?). Dù sao thì quyết định này đã chấm dứt kế hoạch chuẩn bị đi nghiên cứu sinh của tôi, đưa đời mình sang một giai đoạn mới đầy khó khăn bất trắc. Nhưng lệnh trên đã quyết thì mình phải chấp hành. Tôi bàn giao tất cả các lớp sử của mình cho Bùi Thị Huệ dạy thay (khiến cho cô ấy phải đảm trách một chương trình giảng dạy nặng gấp đôi định mức thông thường); rồi viết thư  báo tin cho ba má và bạn bè thân thích biết mình sắp đi công tác xa.

 

 Trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ mới, tôi vô cùng lưu luyến với con người và cảnh vật nơi mảnh đất ngã ba sông này, đặc biệt là với các lớp học sinh mà mình luôn coi như đàn em ruột thịt. Cảm xúc ấy thôi thúc tôi mua một cuốn sổ đóng bìa cứng giấy tốt để làm lưu niệm với các em. Ở trang đầu sổ, tôi viết:

 

  “Các em học sinh thân yêu,

Một ngày mùa thu năm 1968, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Việt Trì tươi đẹp để thực hiện sứ mệnh giáo dục cao quý. Rồi đến một ngày cuối thu năm 1972, tôi lại sẽ rời xa nơi này để thực hiện sứ mệnh đó ở nơi chiến trường xa. Suốt bốn năm qua, tôi cùng các em đã gắn bó với nhau trong mọi hoạt động ở trường cũng như ngoài xã hội, cùng nhau chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Trước lúc chia tay, mong các em ghi lại những cảm tưởng về thầy trò chúng ta để tôi lưu giữ làm kỷ niệm đời mình. Tạm biệt các em.”

 

 Tôi trao sổ cho Nguyễn Thị Thanh - lớp trưởng 10D để em viết rồi chuyền tay cho các bạn trong lớp cùng viết. Vài hôm sau nhận lại cuốn sổ, tôi được đọc trong đó những lời lẽ chí tình của học sinh dành cho thầy chủ nhiệm:

 

 “Thầy Quốc kính mến,

 Được tin thầy sắp tạm biệt trường để đi công tác xa, cả lớp chúng em cảm thấy bất ngờ hụt hẫng. Suốt 3 năm qua, chúng em đã may mắn và rất tự hào được làm học trò của thầy Quốc, người thầy đã tận tâm dìu dắt chúng em nên người bằng tình thương yêu sâu sắc đối với học trò và tài năng sư phạm mẫu mực. Nay đang ngồi trên ghế lớp 10 để chuẩn bị tốt nghiệp ra trường mà lại phải xa thầy thì ai cũng buồn. Nhưng xin thầy hãy tin rằng hình ảnh cao đẹp của thầy sẽ được chúng em lưu giữ mãi để làm hành trang vào đời.

 Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công tại nơi công tác mới.” (Nguyễn Thị Thanh).

“Thưa thầy kính mến,

 Chúng em vô cùng hạnh phúc khi được học tập và công tác dưới sự chỉ dẫn tận tâm có lý có tình và có kết quả rất tốt của thầy trong suốt mấy năm qua. Những bài lịch sử say mê đưa mọi người về với quá khứ hào hùng hay những buổi lao động đóng gạch rất mệt nhưng vui là những kỷ niệm đẹp không thể quên của chúng em  với thầy. Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe trên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường  phục vụ sự nghiệp trồng người tại miền Nam.” (Nguyễn Thị Kim Ngân).

 “Thầy ơi,

 Chúng em quý mến và biết ơn thầy nhiều lắm. Qua những bài lịch sử sinh động và cuộc sống hàng ngày, thầy đã dạy chúng em trở thành con người chính trực yêu chân lý. Riêng em còn được thầy dạy một bài học về cách cư xử có văn hóa vượt trên sự thô tục của hành động bản năng. Đó là một kỷ niệm sâu sắc để em mang theo suốt đời. Em kính chúc thầy luôn mạnh khỏe trên đường đi nhận công tác mới để mang ánh sáng văn hóa tới các bạn trẻ miền Nam.” (Nguyễn Ngọc Long).

“Thưa thầy kính mến,

 Em là thằng Mậu nhỏ con nhất lớp mà vẫn được thầy khen giỏi và cho điểm tốt đó thầy! Tự hào biết bao khi được thầy Lê Vinh Quốc khen như vậy, nhưng em không dám chủ quan mà vẫn tự nhủ mình phải luôn cố gắng để xứng đáng là học trò của thầy. Thầy giảng dạy quá hay, những bài lịch sử của thầy đã thấm vào em để làm hành trang tư tưởng cho cuộc sống. Nay thầy sắp đi xa để nhận công tác mới, chúng em xin kính chúc thầy luôn mạnh khỏe và thành công trong sự nghiệp vẻ vang ở miền Nam thân yêu. (Trần Đức Mậu).

 Hàng chục đoạn văn của các em khác trong lớp cũng tương tự như các ý trên, khiến tôi vô cùng xúc động. Nhớ lại những dòng lưu niệm chí tình mà các viên chức ở Bộ Canh nông và Bộ Lao động dành cho ba tôi khi tiễn ông rời khỏi chiến khu Việt Bắc để chuyển công tác sang ngành giáo dục, tôi tự hào rằng mình xứng đáng là con của ba. Để có thêm ý kiến của đông đảo học sinh ngoài lớp chủ nhiệm của mình, tôi giao lại cuốn sổ cho học sinh các lớp khác viết tiếp. Nhưng chính vì vậy mà cuốn sổ lưu niệm quý báu ấy đã mất tích, khiến tôi không thể mang nó theo khi từ biệt Việt Trì.

 

 Xuống tàu ở ga Gia Lâm trong tiết trời trở lạnh do một đợt gió mùa đông-bắc mới tràn về, tôi mặc ấm và đạp xe theo đường số 5 về hướng thị trấn Bần Yên Nhân thuộc huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên để tìm đến Trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục đi “B” đặt tại một ngôi đình cổ rất lớn. Sau khi xuất trình Công lệnh cùng Giấy Triệu tập và nộp tem phiếu lương thực-thực phẩm dùng trong 1 tháng, tôi cùng tất cả các học viên của lớp được đưa về ở trong các nhà dân quanh vùng.

 Lớp bồi dưỡng này đông tới gần 200 học viên, bao gồm nam nữ giáo viên các trường PTC3 và Sư phạm các cấp (ngoại trừ ĐHSP) trên toàn miền Bắc tập họp lại. Có lẽ để bồi dưỡng sức khỏe cho các giáo viên đủ sức hành quân vượt Trường Sơn vào  Nam, nên chế độ ăn ở đây rất tốt với 2 bữa chính luôn có thịt cá và bữa sáng được ăn xôi hay bánh mì có nhân (chắc nhà nước đã bù thêm tiêu chuẩn thực phẩm cho các học viên). Nhà bếp đốt lò than và củi được dựng khang trang bằng tranh-tre-nứa-lá ở ngay bên cạnh hội trường dưới mái đình. Đội ngũ cấp dưỡng được tuyển chọn từ các trường học sinh miền Nam đưa về đây để có thể nấu các món ăn theo hương vị miền Nam (cà ry gà với khoai tây, canh chua cá quả nếu dứa rắc rau ngổ mùi tàu…). Một nữ cán bộ lớn tuổi nói giọng miền Nam, thường mặc bộ bà ba đen cổ quấn khăn rằn (đúng kiểu trang phục của “đội quân tóc dài” nổi tiếng ở miền Nam) luôn quan tâm sâu sát chỉ đạo bộ phận hậu cần phục vụ tốt cho các học viên. Nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng bà này là cán bộ giáo dục mới từ miền Nam ra; nhưng đó chính là chị Kiều - cán bộ tổ chức của Bộ Giáo dục có nhiệm vụ tham gia chỉ đạo lớp học.

 Nói chung, toàn thể học viên chúng tôi đã bắt đầu được làm quen với phong cách sống miền Nam để chuẩn bị vào ở lâu dài trong đó.

 Tại buổi khai mạc lớp học, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng mặc bộ “đại cán” bốn túi may bằng dạ Trung Quốc màu tím than là đồng chí Cao (tôi không nhớ họ của ông) lên diễn đàn trình bày về bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, trong đó Chính phủ CMLTCHMNVN đã kiểm soát 2/3 đất đai và 1/3 dân số trong “vùng Giải phóng” ở nông thôn, để đương đầu với Chính phủ VNCH ở “vùng Mỹ-Ngụy” trong các thành thị, chuẩn bị đón nhận giải pháp hòa bình sắp ký kết tại Hội nghị Paris. Từ đó, ông hùng hồn tuyên bố: “nhiệm vụ của các đồng chí đi B lần này là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang là giúp Chính phủ CMLTCHMNVN phát triển nền giáo dục cách mạng tại vùng Giải phóng…”.

Bỗng có một học viên giơ cao tay: “Tôi có ý kiến!”. Rồi không đợi hiệu trưởng cho phép, anh đứng phắt dậy: “Tôi nghe nhiều người nói anh Cao là một phần tử ‘B quay’; vậy tại sao anh lại được làm hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ đi B? Đề nghị anh giải thích!”. Cả hội trường xôn xao trước ý kiến bất ngờ chấn động này (vì ai cũng hiểu “B quay” tức là cán bộ hay bộ đội đi B nhưng không vào chiến trường miền Nam mà lẩn trốn để quay ra Bắc- chính là tội đào ngũ): thật thế không? Tin ấy ở đâu ra? Mình cũng nghe có người nói thế…

 Sau một phút im lặng, anh Cao đáp trả: “Đồng chí phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói. Đó là sự bịa đặt ác ý; tôi không có gì để giải thích với đồng chí!”. Nói rồi, anh rời khỏi diễn đàn. Chị Kiều lên thay anh ổn định lại trật tự: “Xin các đồng chí yên tâm, chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ về vấn đề này để trên sẽ trả lời thỏa đáng! Bây giờ chúng ta tiếp tục chương trình”. Từ hôm ấy, tôi không còn thấy anh Cao xuất hiện ở đây, và cũng không nhận được lời giải thích rằng anh có phải là phần tử “B quay” hay không.

 

 Tại lớp này, tôi được quen với nhiều bạn đồng nghiệp có tính cách rất thú vị.

Anh Vũ Huy Nga, một giáo viên văn của Hải Dương nay cùng ở nhà dân với tôi, là người rất hiền hậu nhưng có kinh nghiệm sống đầy mình. Anh khuyên tôi chuẩn bị “chiếc gậy Trường Sơn” (bằng thân tre dài khoảng 1,2m) theo kinh nghiệm của bộ đội; rồi tận tình chỉ dẫn tôi cách bảo quản túi mật của con vịt (gọi tắt là “mật vịt”) để mang theo trong hành trang đi B mà sử dụng khi hữu sự. Anh cho biết: trên đường hành quân dọc Trường Sơn vào Nam, chân mình sẽ mỏi rã rời hoặc sưng phồng nứt nẻ; nếu lấy mật vịt hòa vào rượu để xoa bóp thì cơ chân sẽ bớt mỏi mà các vết thương cũng rất mau lành.

 Anh Trứ (hoặc “Chứ”- tôi nhớ không chính xác), nói giọng miền Nam và có lẽ là giáo viên một trường học sinh miền Nam, vẽ rất giỏi như một họa sĩ thực thụ. Ngồi trong hội trường, anh không chú ý nghe các báo cáo viên nói gì, mà lấy giấy bút ra để ký họa chân dung của từng học viên bằng những nét bút điêu luyện, rồi ký tặng mọi người làm kỷ niệm. Tôi cũng được anh vẽ tặng một chân dung rất sinh động.

 Chị Lâm Túy Bích nói giọng miền Nam, lại luôn mặc bộ bà ba đen quấn khăn rằn gây ấn tượng nổi bật về phong cách phụ nữ Nam Bộ. Anh Vũ Tân Dân quê Nam Bộ, đã tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và trở thành giảng viên môn sinh học của trường Sư phạm Trung cấp Hà Nội, luôn thể hiện một phong thái đĩnh đạc của một người có trình độ chuyên môn sâu sắc.

 Nhưng nhân vật độc đáo nhất là anh Lộc “Tây”- một người “Việt Nam mới” (đã từ bỏ hàng ngũ thực dân Pháp để chuyển sang phục vụ cho bộ đội Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp). Với đầy đủ “mắt xanh mũi lõ” và tầm vóc cao to nhưng rất gầy, anh đã trở thành diễn viên đóng các vai “Tây” trong nhiều bộ phim của Điện ảnh Việt Nam DCCC. Tôi không biết anh từ cơ quan nào đến đây, và sẽ làm nhiệm vụ gì ở miền Nam sau chuyến đi B này; nhưng thấy rõ rằng anh dùng đũa rất thành thạo để say mê thưởng thức các món ăn Việt Nam theo hương vị miền Nam.

 Nhìn chung, lớp bồi dượng này đã tập hợp được một đội ngũ trí thức ưu tú, xứng đáng với sự nghiệp chi viện cho giáo dục miền Nam. Nhiều năm sau, tôi sẽ được gặp lại Lâm Túy Bích ở thành phố Hồ Chí Minh khi chị làm Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông (THPT) Võ Thị Sáu; còn anh Vũ Tân Dân sẽ trở thành bạn đồng nghiệp thân thiết của tôi tại trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh trong suốt 30 năm công tác tại đây.

 

 Tôi chẳng mấy quan tâm đến bài giảng của các báo cáo viên trong các lớp bồi dưỡng chính trị-nghiệp vụ mà mình đã từng tham dự. Nhưng lớp bồi dưỡng này có những báo cáo đặc biệt khiến tôi phải chăm chú lắng nghe.

 Nhà thơ Bảo Định Giang - tác giả câu ca dao nổi tiếng “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” - mới từ miền Nam ra đã miêu tả tỉ mỉ và sinh động cuộc sống của đồng bào miền Nam hiện nay, để các học viên hiểu rõ mà yên tâm lên đường vào trong đó. Ông kể rằng có một cán bộ miền Bắc đi B được sống trong nhà dân ở bưng biền Đồng Tháp. Chủ nhà bảo anh ra sông gỡ cá mắc câu về làm đồ ăn. Anh đi  rồi mang ngay về một rổ: “Nhiều cá quá bác ba ơi!”- anh gọi chủ nhà. Chủ nhà ra nhìn vào rổ: “Chui cha; đó là mồi câu, đâu phải cá!”. Thì ra anh cán bộ theo tiêu chuẩn miền Bắc đã lầm tưởng những con thủy sản bằng mấy ngón tay đó là cá; còn đối với miền Nam thì đó chỉ là mồi để dụ bắt những con “bự tổ chảng” bằng bắp tay hay bắp chân mới gọi là cá! Cử tọa cười ồ khi nghe câu chuyện vui này, để tin rằng khi đã vào Nam mình sẽ được sống trong một xứ sở giàu có với vựa cá khổng lồ tha hồ ăn nhậu, mà quên đi những gian khó mà tình trạng chiến tranh có thể sẽ gây ra cho mình.

 Một diễn giả khác gây ấn tượng mạnh với các học viên là anh Nguyễn Quốc Bảo - cán bộ giáo dục ở Trung ương Cục miền Nam, mới ra Bắc để tham gia tập huấn cho lớp cán bộ đi B lần này. Với tác phong nhanh nhẹn hoạt bát, anh phổ biến cho mọi người những kinh nghiệm hành quân vượt Trường Sơn, giao tiếp với dân địa phương và đối phó với hoạt động của địch. Để các học viên yên tâm với cuộc sống tại vùng giải phóng miền Nam, anh lấy chính mình làm thí dụ: “Các đồng chí thấy tôi thế nào? Suốt 8 năm qua, tôi chỉ sống bằng lương thực-thực phẩm ở khu căn cứ thôi đấy!”. Nhìn sắc diện hồng hào với cơ thể săn chắc ẩn hiện dưới vạt áo blu dông vi-ni-lông khá đẹp của anh, mọi người phải thừa nhận rằng chế độ ăn tại khu căn cứ ắt là đầy đủ lắm mới nuôi được một cán bộ tốt tướng như vậy. Nguyễn Quốc Bảo đi B từ 1964 và đã trở thành một cán bộ thâm niên ở vùng giải phóng miền Nam. Nhiều năm sau, tôi sẽ gặp lại để làm việc lâu dài dưới quyền con người ấy khi anh đã trở thành Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh.

 Dù sao thì chủ đề chính của lớp bồi dưỡng này vẫn là bài giảng về “Chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam” do một cán bộ tầm cỡ của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng trình bày. Nhà tuyên huấn của Đảng giảng rằng: chủ nghĩa thực dân mới  không thống trị để bóc lột thuộc địa như chủ nghĩa thực dân cũ, mà nô dịch các nước nghèo bằng sức mạnh kinh tế và văn hóa rồi thao túng về chính trị. Vì thế, nền kinh tế miền Nam có bộ mặt “phồn vinh giả tạo”: sản xuất phát triển dựa trên vốn đầu tư của nước ngoài; hàng hóa trên thị trường rất dồi dào với nhiều chủng loại phong phú, nhưng chủ yếu là hàng ngoại nhập, còn hàng nội thì nghèo nàn không đủ sức cạnh tranh. Về văn hóa, hệ tư tưởng tư sản phương Tây thâm nhập vào thế hệ trẻ qua “chủ nghĩa hiện sinh”, lối sống “hippy” với nạn mại dâm và “xì ke ma túy” tràn lan cùng với nền văn nghệ đồi trụy xa rời truyền thống dân tộc. Theo đó, dĩ nhiên về chính trị thì chính quyền Sài Gòn hoàn toàn lệ thuộc để làm tay sai cho Đế quốc Mỹ.

Chủ đề này đã được thảo luận rất sôi nổi quanh câu hỏi “thế nào là phồn vinh giả tạo?”. Có học viên nêu thắc mắc: “Tôi nghe nói dân Sài Gòn nhà nào cũng có đài có xe, mà xe máy ‘Honda’ của Nhật chạy đầy đường, còn vải vóc áo quần thì tha hồ mua sắm chẳng cần phải tem phiếu gì! Vậy sao lại gọi là ‘phồn vinh giả tạo’?”. Nhà tuyên huấn giải thích: “Nhìn bề ngoài thì Sài Gòn có vẻ hào nhoáng như vậy đấy; nhưng bên trong nó còn có nhiều khu ‘ổ chuột’ của dân nghèo khổ với nhiều trẻ ‘bụi đời’; nên đó vẫn là phồn vinh giả tạo!”. Tiếp đó, ông xác định nhiệm vụ cho các cán bộ đi B: không được để cho sự “phồn vinh giả tạo” của các đô thị miền Nam lôi cuốn mình rồi trở nên thán phục CNTB, mà phải kiên định lập trường XHCN để mang ánh sáng văn hóa-giáo dục lành mạnh đến cho thế hệ trẻ miền Nam.

 

 Trước ngày bế mạc lớp bồi dưỡng, chúng tôi được đón đồng chí Lê Khắc Nhãn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ Giáo dục) đến để phổ biến kế hoạch xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho vùng giải phóng miền Nam.

Đã quen với tên tuổi của ông trong bộ ba tác giả “Lê Khắc Nhãn-Hoàng Hỷ-Hoàng Trọng Hanh” trên bìa SGK Lịch sử lớp 10 của trường phổ thông, nay lại biết tác giả này là đồng sự ngang cấp với ba mình ở Bộ Giáo dục, tôi quyết định gọi ông là chú. Thì ra chú Nhãn còn có nhiệm vụ tuyển chọn trong số các học viên ở đây những người có khả năng viết SGK để phục vụ cho giáo dục miền Nam. Được biết tôi là con của bạn đồng sự Lê Văn Nguơn và lại là giáo viên giỏi môn lịch sử, chú vui mừng gặp riêng tôi để thăm dò khả năng tuyển mộ. Trình bày cho tôi biết dự định về việc biên soạn bộ SGK lịch sử cấp I (lớp 4 và lớp 5) dưới hình thức “kể chuyện lịch sử”, chú hỏi tôi: “Cháu có thể biên soạn sách đó được không?”. Nhận thấy dự định này của chú rất hay và phù hợp với quan điểm của mình, tôi tự tin đáp: “Thưa chú, cháu viết được ạ!”. Thế là cuộc thăm dò vui vẻ kết thúc bằng một cái bắt tay: “Chú sẽ báo cáo Bộ để xin cháu về cộng tác với chú!”.

 Lớp Bồi dưỡng Cán bộ đi B đã thành công tốt đẹp; nhưng các học viên chưa phải lên đường ngay, mà được phép trở về nơi công tác hiện tại của mình để chờ nhận quyết định điều động. Khi có quyết định đó lại còn phải tham gia một lớp tập huấn nữa, để rèn luyện khả năng hành quân (có đeo 30kg đá trong ba lô), rồi mới chính thức lên đường đi B.

 Toàn thể học viên vui vẻ trở về trường sở tại của mình, ngoại trừ một trường hợp đang gặp rắc rối với chính quyền địa phương. Anh học viên đó đã có quan hệ tình cảm với một thiếu nữ trong làng. Khi hai người đang “tìm hiểu” nhau ở bờ bụi ven đường thì bị dân quân du kích bắt quả tang, áp giải về UBHC xã để xử tội “quan hệ nam nữ bất chính”.  Tôi không biết chính quyền địa phương và ban tổ chức lớp học sẽ giải quyết vụ này như thế nào; nhưng có thể tự hào về mình là đã không để xảy ra trường hợp tương tự như vậy. Trong suốt một tháng ở trọ nơi đây, mặc dù bị cô con gái chủ nhà quyến rũ bằng nhiều cách trong nhiều đêm để có thể vào buồng ngủ cùng cô ấy, nhưng tôi đã tự kiềm chế được mình mà không vi phạm kỷ luật dân vận. Giờ đây, tôi và anh Huy Nga thanh thản tạm biệt gia chủ cùng cô gái ngước nhìn tôi bằng đôi mắt buồn đầy luyến tiếc. Không tránh khỏi áy náy trước cặp mắt ấy, nhưng tôi vẫn tự tin rằng mình đã hành xử đúng khi từ chối sự mời gọi của cô ấy .

 

 

Các Bài viết khác