NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 14, Phần 5

( 16-07-2019 - 11:50 AM ) - Lượt xem: 671

Tại doanh trại ở Lùng Tém (Lạng Sơn), qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam (phát trên loa truyền thanh công cộng) và cả Đài phát thanh Sài Gòn (thu được qua các đài bán dẫn), chúng tôi theo dõi sát sao quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nghe được cả bài diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu (21-4) rồi đến tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh đúng ngày 30-4-1975.

 5. Từ Lạng Sơn nghe Sài Gòn sụp đổ…

 

 Hóa ra cuộc sống trong quân ngũ không quá gian khổ mà còn có phần thú vị. Việc tập luyện trên thao trường miền núi dưới nắng xuân gay gắt có phần vất vả, nhưng tôi đã quen từ hồi học quân sự ở ĐHSP, nên cũng trải qua không mấy khó khăn. Chế độ ăn ngày ba bữa (mỗi mâm 6 người) được đảm bảo theo tiêu chuẩn quân đội (21 kg gạo/người/tháng có thịt cá kèm theo) nên mọi người đều đủ no; lại còn được ăn “lương khô” do Trung Quốc sản xuất (với 2 loại: “701” màu trắng dành cho binh sĩ và “702” có màu mùi vị sôcôla cho sĩ quan) rất ngon miệng. Mỗi trung đội ở trong một lán tranh-tre-nứa-lá với giường chiếu chăn màn đầy đủ, do một hạ sĩ quan cựu binh làm trung đội trưởng kiêm huấn luyện viên cai quản.

 Ngoài thời gian tập quân sự, các hoạt động văn nghệ và thể thao được tổ chức thường xuyên khiến cuộc sống vui tươi (Trịnh Vương Hồng nhỏ người nhưng chơi bóng chuyền rất giỏi, một mình chấp 3 người bên kia lưới mà anh luôn thắng). 9 giờ đêm là giờ ngủ, toàn thể chiến sĩ trong trung đội đồng loạt lên giường để lán trại tắt đèn. Nhưng mọi người chưa nhắm mắt ngủ ngay mà còn nằm rì rầm trò chuyện khoảng nửa giờ nữa. Rồi cái khoảng “nửa giờ rì rầm” ấy nhanh chóng biến thành một chương trình “văn nghệ đêm tối trên giường”. Anh Hiểu đóng góp cho chương trình này nhiều truyện tiếu lâm rất hay của Việt Nam và Trung Quốc, khiến các đồng đội cười nghiêng ngả. Còn tôi luôn trình diễn tiết mục độc tấu kèn harmonica với tất cả các bài “tủ” của mình, từ “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiểu đoàn 307”, “Tầm Vu” qua “Làng tôi”, “Ngày mùa” cho đến “Lăm tơi”, “Rồi một con chim bay”, “Con ếch xanh”, “Siboney”… Cả trung đội im phăng phắc lắng nghe, thỉnh thoảng lại có người đề nghị tôi chơi thêm một bài nào đó.

Chương trình văn nghệ này vi phạm kỷ luật giờ giấc của quân đội, nhưng trung đội trưởng của chúng tôi là trung sĩ Ngư vẫn làm ngơ để cho quân lính của mình được thưởng thức. Anh Ngư còn tâm sự rằng: “Các đồng chí nhớ cho là tôi luôn dễ dãi với các đồng chí đấy nhé! Để đến khi các đồng chí trở thành thủ trưởng của tôi thì tôi cũng xin được đối xử như vậy”. Thì ra anh đã biết là đám tân binh đại học này được huấn luyện để trở thành sĩ quan.

 Nằm cạnh giường tôi trong lán là tân binh Nguyễn Văn Đáng - một cựu công nhân Nhà in Diên Hồng. Một lần từ thao trường trở về, Đáng bị cảm sốt nhẹ. Tôi đã mang cơm nước và cả thuốc về cho Đáng ăn uống ngay tại giường mình, khiến cậu ấy cảm động. Rồi đêm đêm được nghe tôi chơi harmonica và kể chuyện đời mình, Đáng càng thân thiết với tôi hơn và cũng cho tôi biết hoàn cảnh sống của mình từ một cậu bé mồ côi nhà nghèo mà trưởng thành lên. Một hôm, Đáng bỗng ngỏ lời rằng: “Anh Quốc nhận em làm em nuôi nhé!”. Thật bất ngờ, tôi xúc động xiết chặt tay Đáng.

 

 Đơn vị chúng tôi có cả một đại đội nữ quân nhân (thường được gọi là “lính gái”), gồm các thanh nữ người Tày, Nùng và Kinh tràn đầy sức sống, hàng ngày phải khuân vác lau chùi bom mìn súng đạn trong các hang động nên ít có dịp giao tiếp với bên ngoài. Khi được biết có đại đội tân binh gồm toàn lính đại học mới đến, các cô liền tìm mọi cách liên lạc với chúng tôi, bất chấp sự nghiêm cấm của ban chỉ huy cả hai đại đội. Đã có những cuộc hẹn hò bí mật của một vài cặp đôi nào đó mà ban chỉ huy không thể phát hiện (nghe nói cậu Chới đẹp trai đã qua đêm ngoài doanh trại với một nữ quân nhân xinh tươi) .

 Một đêm, Đoàn Chiếu bóng Lưu động Quân đội về đơn vị chúng tôi chiếu phục vụ bộ phim “Đường về quê mẹ” trên sân doanh trại. Nhờ đó, cả hai đại đội khác nhau về giới tính được phép xem phim cùng các phòng ban của đơn vị. Khu vực ngồi của hai đại đội này được phân chia rạch ròi hai bên sân bằng một “làn ranh” có bề ngang 1m, cấm mỗi bên không được vượt qua bên kia.

 Đèn tắt, màn ảnh sáng lên với những tình tiết sinh động của bộ phim chiến đấu hấp dẫn. Nhưng rồi trên sân cũng có một lực hấp dẫn nào đó khiến hàng ngũ khán giả chuyển động, làm cho hai đám “lính gái” và “lính trai” từ từ xáp lại với nhau mà lấp kín làn ranh quy định. Thế là, trong khi đồng chí Núi trên màn ảnh (do Lâm Tới thủ vai) anh dũng tìm bom địch đánh địch để nhanh chóng tìm đường về quê mẹ, thì đám khán giả nam-nữ kề cận nhau trên sân lại có những hành động chỉ riêng họ biết với nhau để tìm xúc cảm của con người. Chính tôi cũng được một cô gái áp sát bên cạnh như để truyền hơi ấm cho mình.

 Hết phim, đèn bật sáng, mọi người ngừng ngay các hành động bí ẩn để có thể thản nhiên nhìn nhau như những đồng đội bình thường. Tôi lập tức trò chuyện làm quen với cô gái mập mạp có khuôn mặt phúc hậu kề cận bên mình, và được biết em là Nguyễn Thị Bé, cựu học sinh trường PTC3 Trần Phú (Vĩnh Yên), chưa tốt nghiệp đã nhập ngũ để trở thành cựu binh. Khi biết tôi là bạn đồng nghiệp thân thiết của cô Hoàng Dung - cô giáo cũ của em ở trường đó, Bé thốt lên: “Tuyệt quá; vậy thì anh cũng là thầy giáo của em đấy nhé!”, rồi xiết chặt hai cánh tay tôi để xác nhận sự thân thiết giữa tôi với cô. Bé lại giới thiệu thêm với tôi cô bạn học cùng trường, cùng nhập ngũ về đơn vị này và cùng muốn ôn tập để thi tốt nghiệp với mình là Lê Thị Hòa có dáng người dong dỏng cao trắng trẻo xinh đẹp.

 Ngay hôm sau, Bé đã dùng kim chỉ giúp tôi chỉnh sửa lại bộ quân phục cho vừa khít với bộ dạng gầy gò của tôi; còn tôi bắt đầu giúp cả Bé và Hòa ôn tập chương trình PTC3 để chuẩn bị thi tốt nghiệp (sau khi cả hai sẽ được xuất ngũ). Tôi lại giới thiệu thêm anh Lã Quang Quỳnh (cựu giáo viên PTC3 đeo kính cận) sẽ cùng tôi giúp hai em ôn tập.

 

 Những ngày chủ nhật được phép “xả trại” (sinh hoạt tự do ngoài doanh trại), tôi cùng các bạn đồng nghiệp cũ ở Bộ Giáo dục là anh Nguyễn Quang Vinh, anh Vũ Xuân Đĩnh (tự đặt cho mình tên hiệu “Hải Phương” để viết nó vào phía trong vành mũ), anh Quyền, anh Hưng và anh Quỳnh (khi ấy đã khỏi vết thương gót chân) cùng nhau tận hưởng niềm vui cuộc sống nơi xứ Lạng.

 Mặc quân phục đeo sao đội mũ đàng hoàng, chúng tôi đi bộ ra ga Đồng Đăng, lên tàu (không phải mua vé) chạy thẳng ra cửa khẩu biên giới, nhìn sang thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) thấy cờ biển của cuộc “Cách mạng Văn hóa” vẫn còn cắm đầy rẫy. Rồi chúng tôi đi ra thị xã Lạng Sơn để tham quan các di tích lịch sử cùng danh lam thắng cảnh đúng như câu ca dao cổ đã miêu tả:

 

Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mảng vui quên hết lời em dặn dò.

 

Kỳ Lừa là phố chính của thị xã, trong đó nổi bật ngôi chợ cùng tên hết sức đông vui vô cùng đặc sắc. Hàng quán ở chợ Kỳ Lừa do người Kinh, người Tày, người  Nùng và cả người Hoa trong muôn màu sắc phục dân tộc ngồi bán. Hàng hóa trưng bày cũng rất phong phú, gồm nhiều sản vật địa phương và cả hàng sản xuất ở Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới nhập vào. Các hàng ăn uống có rất nhiều của ngon vật lạ từ các địa phương mang đến, khiến du khách “mảng vui quên hết lời em dặn dò”. Tại một quán của người Tày, chúng tôi đã được thưởng thức một món bún xáo trâu đặc sắc, không giống loại bún nào ở Hà Nội. Tôi còn mua được một hộp dao cạo râu mạ vàng xinh xắn do Trung Quốc chế tạo để làm kỷ niệm.

  Nàng Tô Thị, tức “Tô Thị vọng phu” hay “Hòn Vọng phu” là một quả núi đá trên đỉnh có một tảng đá đặc biệt được thiên nhiên tạo thành hình một thiếu phụ ôm con nhìn về phía trời xa như ngóng đợi chàng chinh phu trở về. Lần đầu tiên được ngắm Hòn Vọng phu nổi bật trên nền trời xanh dưới nắng vàng ấm áp, tôi đã có ấn tượng và cảm xúc vô cùng sâu sắc về tuyệt phẩm điêu khắc thiên nhiên này. Qua đó, tôi hiểu vì sao nhạc sĩ Lê Thương đã sáng tác đến 3 ca khúc bất hủ về “Hòn Vọng phu” làm rung động trái tim bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay.

 Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh, một hang động đá vôi rộng lớn kỳ ảo với nhiều cột thạch nhũ từ trên trần hang rủ xuống, mà ở cửa hang lại có một cái “giếng trời” nước trong vắt  không bao giờ cạn. Cách đó không xa còn có động Nhị Thanh, cũng là một hang động đá vôi, còn rộng lớn và đặc sắc hơn cả Tam Thanh, với một dòng sông ngầm có nước mát lạnh chảy xiết ngay trong lòng hang. Chúng tôi đã kịp khắc tên vào vách hang ở cả Nhị Thanh và Tam Thanh để ghi dấu mình đã đến thăm những thắng cảnh  này.

 

 Nhưng nơi quan trọng nhất mà chúng tôi đã đến là cửa khẩu Hữu Nghị Quan - biên giới hai nước Việt-Trung. Sáng hôm ấy, trong quân phục chỉnh tề, chúng tôi từ thị xã Lạng Sơn đi bộ trên đường quốc lộ lên biên giới. Dọc theo quốc lộ có một đường ống dẫn dầu cặp theo nó, lúc ẩn khuất dưới đất, có đoạn lại phơi trần ngay bên đường và cứ thế kéo dài dường như vô tận. Chúng tôi biết rằng đây chính là đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang Việt Nam có chiều dài hơn 1.900 km, từ Lạng Sơn xuyên suốt dải Trường Sơn  đến tận miền Đông Nam Bộ, để cung cấp xăng dầu cho các lực lượng cơ giới của QGP miền Nam. Một đoạn đường ống này chạy qua trước cổng doanh trại chúng tôi ở Lùng Tém bị rò rỉ, khiến dầu trong đó phụt ra khá nhiều, thôi thúc dân bản tấp nập mang thùng ra hứng “của trời cho” mãi đến khi lỗ rò được quân ta bít lại.

 Tại một quả đồi lớn bên quốc lộ có cây cối che phủ, chúng tôi thấy bạt ngàn những chiếc ô tô tải mang nhãn hiệu “Zil” do Liên Xô chế tạo (thường được gọi là “Din ba cầu”) xếp tầng tầng lớp lớp trên đó. Số lượng ô tô hùng hậu này (đã và sẽ chạy xuyên Trường Sơn vào Nam) cho thấy sự hào hiệp của Liên Xô khi viện trợ cho Việt Nam DCCH.

 Và đây, Đồn Biên phòng của Việt Nam DCCH, được xây dựng bằng gạch gỗ với mái ngói đỏ tươi và ngọn cờ đỏ sao vàng treo cao đã hiện ra trước mắt. Các sĩ quan và chiến sĩ biên phòng đeo quân hàm xanh lá cây đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt trong tình đồng đội. Ngồi quanh ấm chè với đĩa mận Lạng Sơn, mấy gói lương khô 702 và bao thuốc lá “Điện Biên” đặt trên bàn, chúng tôi trò chuyện cởi mở với vị đồn trưởng và các binh sĩ biên phòng. Rồi chúng tôi xin đồn trưởng cho phép đến thăm mốc biên giới chính thức là “Cây số không” (Km0) phân chia hai nước ngay trên quốc lộ. Đồn trưởng đồng ý và dặn rằng: “Các đồng chí  có thể đến cột cây số, nhưng chỉ được đứng bên ta, không được bước sang phía bên Tàu đấy nhé!”.

 Cột mốc biên giới ấy đứng cách Đồn Biên phòng Việt Nam khoảng 200m; và cũng cách Đồn Biên phòng phía Trung Quốc một khoảng như vậy. Nhưng “đồn” ở bên Tàu chính là một tòa thành được xây dựng bề thế bằng đá tảng theo kiểu cổ, vốn có tên gọi là Trấn Nam Quan, sau đổi thành Mục Nam Quan, và giờ đây là Hữu Nghị Quan treo cao lá quốc kỳ 5 sao của Trung Quốc.

 Chúng tôi vô cùng xúc động khi được đứng sát bên cột mốc biên giới thiêng liêng ấy của nước nhà, rồi lần lượt từng người chạm tay vào “Km0” để có một kỷ niệm nhớ đời. Vừa lúc đó, một toán lính Trung Quốc từ trong thành kéo ra và bắt đầu tiến đến “Km0”. Sợ rằng có thể gặp chuyện lôi thôi với đám lính Tàu này, chúng tôi lập tức quay về.

 

 Trong khi chúng tôi bình yên tập luyện quân sự tại tỉnh miền núi Lạng Sơn ở biên giới phía Bắc, thì chiến sự ở miền Nam đang tiến đến giai đoạn cuối cùng đầy kịch tính.

Ngay sau chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Quân đoàn II Quân đội NDVN cùng Quân khu 5 QGP đã “thần tốc-táo bạo” tấn công suốt dọc ven biển Nam Trung Bộ, nên chỉ trong vòng 10 ngày đã đuổi Quân lực VNCH ra khỏi vùng đất đó để giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa (Nha Trang), Phú Yên (Tuy Hòa), Phan Rang (quê hương tổng thống Thiệu) và Phan Thiết. Ngày 8-4, một phi đội máy bay A37 (do quân ta cướp được của địch và cựu phi công VNCH Nguyễn Thành Trung dẫn đường) đã trút bom xuống Dinh Độc Lập tại Sài Gòn.

 Ngày 9-4, Quân đoàn IV Quân đội NDVN cùng QGP miền Đông Nam Bộ tiến công  tỉnh Long Khánh với trọng điểm là thị xã Xuân Lộc do Quân đoàn 3 Quân lực VNCH phòng giữ. Phòng tuyến Xuân Lộc của VNCH, được coi là lá chắn thép chặn quân cộng sản tiến về đô thành Sài Gòn, đã được củng cố vững chắc với chủ lực là sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đảo làm tư lệnh, kết hợp với các binh đoàn tăng-thiết giáp của Quân đoàn 3, được tăng viện các đơn vị Dù và TQLC cùng sự yểm trợ mạnh mẽ của  không quân.

 Chiến trận Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng khốc liệt; khiến toàn bộ thị xã tan nát trong bom đạn. Không lực VNCH đã sử dụng đến hai loại bom đặc biệt mạnh là Daisy Cutler và CBU để tàn sát hàng loạt binh sĩ đối phương trên diện rộng. Bị tổn thất nặng nề về sinh mạng và vũ khí, Quân đoàn IV Quân đội NDVN (do tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh) đã bị kiệt sức và mong được rút khỏi thị xã. Thành quả chiến trận của Quân lực VNCH ở Xuân Lộc đã phục hồi niềm tin vào việc bảo vệ chính quyền Sài Gòn.

Tuy nhiên, tin chiến thắng của QGP trên các mặt trận khác vẫn được lan truyền rộng khắp. Ngày 17-4 lại có thêm một tin quan trọng, nhưng là chiến thắng của cách mạng ở nước bạn: dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng (tức Cộng sản) do các đồng chí Pol Pot và Yeng Sary đứng đầu, với sự trợ giúp của Việt Nam DCCH, QGP Campuchia đã đánh tan quân đội của ngụy quyền Lonnol - tay sai đế quốc Mỹ, tiến vào giải phóng thủ đô Phnompenh, thành lập chính quyền cách mạng “Campuchia Dân chủ”.

(Các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta đã gửi điện chúc mừng sự ra đời của nhà nước Campuchia Dân chủ).

Trước tình thế khó khăn của QGP ở mặt trận Xuân Lộc, thượng tướng Trần Văn Trà đã thị sát tại trận địa và đưa ra một sự chỉ đạo sáng suốt: Quân đoàn IV rời bỏ Xuân Lộc, chuyển hướng tiến công đánh chiếm Ngã ba Dầu Giây để mở đường tiến về Sài Gòn (do đó phòng tuyến của địch ở đây sẽ bị vô hiệu hóa). Quả nhiên, sau khi QGP chiếm được Dầu Giây, Quân lực VNCH ở Xuân Lộc lập tức bị 3 Quân đoàn Cộng sản bao vây cô lập và tấn công từ ba phía. Rạng sáng 21-4 Xuân Lộc thất thủ, tướng Lê Minh Đảo lên máy bay trực thăng cùng các binh đoàn còn lại của ông tháo chạy về  hướng Bà Rịa. Thế là kết thúc chiến trận ở đây sau 12 ngày giao tranh đẫm máu.

 Đúng ngày bị mất Xuân Lộc (21-4), dưới áp lực nặng nề của Hoa Kỳ, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu buộc phải  tuyên bố từ chức (để phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay). Khi ấy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tin rằng việc hạ bệ tổng thống Thiệu sẽ mở đường cho một cuộc đàm phán giữa Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTCHMNVN, với sự can thiệp của Liên Xô và Trung Quốc, để tìm một giải pháp ngừng bắn chấp nhận được. Nhưng họ đã nhầm: chẳng có giải pháp nào được chấp nhận trong các cuộc đàm phán 2 bên, ngoài sự đầu hàng của VNCH.

Trong bài diễn văn từ chức đọc buổi tối hôm đó trên Đài Truyền hình Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu cay đắng và uất hận đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi bạn đồng minh để dẫn tới thất bại của Quân lực VNCH. Bốn ngày sau, ông lên máy bay đi công du tại Đài Loan để khởi đầu cuộc sống lưu vong gắn liền với một bài học nhớ đời: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!”.

 

Khi “lá chắn thép” đã đổ, đường tiến về thủ đô VNCH đã mở rộng, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn đã được tiến hành với Bộ Tư lệnh do đại tướng Văn Tiến Dũng đứng đầu, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; các Phó Tư lệnh là thượng tướng Trần Văn Trà, trung tướng Lê Trọng Tấn, trung tướng Định Đức Thiện và trung tướng Lê Đức Anh; tham mưu trưởng là thiếu tướng Lê Ngọc Hiền. 5 Quân đoàn chủ lực hùng mạnh của Quân đội NDVN (mang danh nghĩa QGP) đã sẵn sàng tiến về Sài Gòn từ 5 hướng. Ở hướng Bắc là Quân đoàn I (do thiếu tướng Nguyễn Hòa làm tư lệnh) với tổng quân số 31.227 người; hướng Đông-Nam là Quân đoàn II (thiếu tướng Nguyễn Hữu An) với tổng quân số 40.000 người; hướng Tây-Bắc là Quân đoàn III (thiếu tướng Vũ Lăng) với tổng quân số 47.400 người; hướng Đông-Bắc là Quân đoàn IV (thiếu tướng Hoàng Cầm) với tổng quân số 30.000 người (đã được bổ sung sau trận Xuân Lộc); hướng Tây-Nam là Đoàn 232 (do thiếu tướng Nguyễn Minh Châu và trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy) với tổng quân số 42.000 người.

Khi ấy, Quân lực VNCH tại Sài Gòn và vùng phụ cận gồm có Quân đoàn 3 (do trung tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh), Biệt khu Thủ đô (thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, rồi thiếu tướng Lâm Văn Phát đứng đầu) cùng các đơn vị còn lại của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 kéo về. Kể cả các sư đoàn chủ lực, các binh đoàn phối thuộc, địa phương quân với cả cảnh sát dã chiến, tổng quân số VNCH ở đây vào khoảng 180.000 người. Bên cạnh đó, còn nguyên Quân đoàn 4 VNCH tại Quân khu IV (miền Tây Nam Bộ) do thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh, gồm 3 sư đoàn bộ binh cùng các binh đoàn phối thuộc và địa phương quân với tổng quân số khoảng 50.000 người.

 Rạng sáng 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức khai hỏa bằng trận pháo kích sân bay Biên Hòa, cùng lúc các Quân đoàn QGP đồng loạt xuất kích. Khi ấy, chính phủ VNCH chỉ còn hy vọng chấm dứt cuộc chiến một cách bình an tránh đổ máu thêm nữa, nên đã theo sự gợi ý của Đại sứ Hoa Kỳ Martin đưa đại tướng Dương Văn Minh (người có những mối liên lạc riêng tư với “phía bên kia”) lên làm Tổng thống (27-4) trong lúc chiến sự đã diễn ra tại vùng ven đô thành Sài Gòn.

 Rạng sáng 29-4, tên lửa của QGP nã vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, lần lượt hai phái đoàn thương thuyết của VNCH (gồm nhiều nhân sĩ thuộc “Thành phần thứ Ba”: học giả Nguyễn Đình Đầu, luật sư Trần Ngọc Liễng, linh mục Chân Tín, giáo sư Châu Tâm Luân…) đã đến Trại Davis để thương thảo về điều kiện chấm dứt chiến tranh với đại biểu chính phủ CMLTCHMNVN (ông Võ Đông Giang). Điều kiện đó là: Quân lực VNCH hạ vũ khí đầu hàng để chính phủ VNCH trao chính quyền cho chính phủ CMLTCHMNVN. Lúc 5 giờ chiều, chính phủ VNCH công bố trên Đài phát thanh Sài Gòn: chấp thuận ngừng bắn theo các điều kiện trên.

 Sáng 30-4-1975, 5 Quân đoàn QGP ồ ạt tiến vào đô thành Sài Gòn trong khi Quân lực  VNCH kháng cự yếu ớt và liên tiếp rút lui. Lúc 9h30, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố “sẵn sàng bàn giao chính quyền cho chính phủ CMLTCHMNVN”, đồng thời ông ra lệnh cho Quân lực VNCH ngừng di chuyển, và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (phó Tổng tham mưu trưởng) hạ lệnh cho họ “buông súng” trên tất cả các mặt trận. Thế là các chiến binh VNCH cởi bỏ quân phục và quăng vũ khí đầy đường để chạy trốn.

Lữ đoàn xe tăng 203 QGP thuộc Quân đoàn II (thiếu tướng Nguyễn Hữu An) thẳng tiến đến Dinh Độc Lập. 10h45, chiếc xe tăng số 843 dẫn đầu chở trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến đến cổng dinh đang đóng chặt và dừng lại trước cánh cổng phụ (để đề phòng hệ thống mìn điện ở cổng có thể sẽ phát nổ); tiếp đến chiếc xe tăng 390 chở trung úy chính trị viên Vũ Đăng Toàn húc đổ cổng chính tiến vào dinh (may là hệ thống điện đã bị ai đó ngắt từ bên trong nên mìn không nổ). Từ trên xe 843 nhảy xuống, Bùi Quang Thận cầm lá cờ xanh đỏ sao vàng của QGP chạy thẳng vào và tìm đường lên nóc dinh. Với sự trợ giúp của đại tá Chiêm (chỉ huy lực lượng VNCH bảo vệ dinh), Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng (đại diện cho “thành phần chính trị thứ Ba” ở Sài Gòn đã vào dinh từ sáng sớm), trung úy Thận đã hoàn thành nhiệm vụ: đúng 11h30, lá cờ vàng 3 sọc đỏ của VNCH bị hạ xuống, cờ xanh đỏ sao vàng được kéo lên nóc Dinh Độc Lập.

 Trong khi đó, trung úy Vũ Đăng Toàn cầm tiểu liên AK tiến vào phòng họp của dinh và dồn chính phủ VNCH với tổng thống Dương Văn Minh, phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và thủ tướng Vũ Văn Mẫu vào một góc phòng. Đại úy Phạm Xuân Thệ (trung đoàn phó trung đoàn 66, sư đoàn 304, Quân đoàn II) cầm súng ngắn K54 bước tới và ra lệnh cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng hệ thống truyền thanh của dinh bị hỏng, nên ông này từ chối đọc tuyên bố tại đây. Thế rồi trung tá Bùi Văn Tùng (chính ủy lữ đoàn tăng 203) bước vào và ra lệnh đưa Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu cùng nhiều nhân vật khác trong chính phủ VNCH đến Đài phát thanh Sài Gòn.

 Tại đây, tổng thống Dương Văn Minh đã đọc bản tuyên bố theo lời văn đã được chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo ngay tại chỗ:

 

          “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam”.

                                                            (Chép theo băng ghi âm của Tiến sĩ Nguyễn Nhã).

 

Thế là Sài Gòn sụp đổ, chấm dứt chính thể VNCH sau hơn hai mươi năm tồn tại ở miền Nam; kết thúc luôn cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam với sự tham dự của các siêu cường hàng đầu thuộc hai phe trên thế giới (1954-1975).

 Nhiều năm sau, tôi mới được biết rằng đã có hàng loạt tướng lĩnh và sĩ quan Quân lực VNCH  tuẫn tiết trong và ngay sau ngày 30-4-1975. Đó là các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Long cùng bốn chục sĩ quan từ thiếu úy đến đại tá đã tự sát chết cùng chính thể VNCH mà họ không thể bảo vệ. Đại tá Đặng Sĩ Vinh cùng toàn thể gia đình ông gồm có vợ với 7 người con đã  tự tử bằng súng lục và thuốc độc tại nhà riêng của họ. Tướng Hồ Ngọc Cẩn không chịu đầu hàng đã cùng binh sĩ thuộc quyền chiến đấu đến cùng, bị đối phương xử bắn tại trận.

 

Tại doanh trại ở Lùng Tém (Lạng Sơn), qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam (phát trên loa truyền thanh công cộng) và cả Đài phát thanh Sài Gòn (thu được qua các đài bán dẫn), chúng tôi theo dõi sát sao quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nghe được cả bài diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu (21-4) rồi đến tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh đúng ngày 30-4-1975.

Chiều hôm đó, chúng tôi được nghỉ tập quân sự; và đến đêm cũng không phải đi ngủ theo giờ quy định để có thể giãi bày biết bao cảm xúc tràn ngập trong lòng. Đêm ấy không trăng nhưng gió mát, chúng tôi ngồi túm tụm thành từng nhóm trên sân doanh trại để trò chuyện thâu đêm đến sáng với các chủ đề về cuộc chiến tranh vừa qua: vì sao Quân lực VNCH sụp đổ nhanh chóng chỉ sau chưa đầy hai tháng bị tiến công (từ 4-3 đến 30-4)? Ý nghĩa cuộc chiến này trong lịch sử dân tộc là gì? Đã có bao nhiêu người con nước Việt ngã xuống ở cả hai bên đối địch? Tương lai đất nước sau chiến tranh sẽ như thế nào?... Không thấy ai hoan hô chiến thắng vẻ vang của miền Bắc giải phóng miền Nam; nhưng mọi người đều cảm thấy ngất ngây vui sướng khi chiến tranh chấm dứt, để chúng ta được sống trong hạnh phúc hòa bình. (Khi ấy tôi chưa biết câu này mà về sau sẽ hơn một lần được nghe: “Chiến tranh kết thúc là rất tốt; nhưng nếu nó kết thúc với việc miền Nam giải phóng miền Bắc thì  tốt hơn!”).

 Ngay sáng hôm sau, đơn vị chúng tôi mang số pháo hoa (được lưu trữ trong hang) ra bắn thử để chuẩn bị đưa về Hà Nội dùng cho lễ mừng chiến thắng sắp được tổ chức. Buổi trưa, toàn đơn vị được dự một bữa tiệc “khao quân” với bia hơi và nhiều món ngon, mà nổi bật là món thịt bò luộc thái mỏng (mâm 6 người có một đĩa đầy tú ụ) ăn kèm khế, sung cùng rau thơm chấm mắm tép.

 Thứ bảy ngày 3-5 có một đêm liên hoan văn nghệ tưng bừng. Dưới bàn tay dàn dựng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, đại đội tân binh của chúng tôi phối hợp với đại đội nữ quân nhân đã trình diễn hàng loạt ca khúc để ôn lại các chặng đường của cuộc chiến tranh vừa qua; từ “Hành khúc Giải phóng”, “Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Hành khúc Ngày và Đêm”,“Đêm trên Cha Lo”; qua “Cô gái vót chông”, “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”; cho đến “Ngọn đèn đứng gác”, “Lá đỏ”, “Bão nổi lên rồi”, “Tiến về Sài Gòn”… Đêm ấy, Bùi Công Minh đã tự trình bày tác phẩm của mình; tôi đã chơi cả guitar và harmonica, nhưng tay đàn điêu luyện của anh Mão (khoa Nga) vẫn nổi bật hơn cả, còn anh Tế cao kều (cựu công nhân nhà in Diên Hồng) lại có giọng đơn ca trầm ấm đầy cảm xúc.

Chương trình văn nghệ này được tổ chức không chỉ để mừng ngày Giải phóng miền Nam, mà còn để kết thúc đợt huấn luyện của đại đội chúng tôi tại đây. Sau đó, các tân binh đại học sẽ được chuyển về trường đào tạo sĩ quan huấn luyện tiếp để phong quân hàm (còn các chiến sĩ nguyên là công nhân nhà máy in Diên Hồng sẽ được đưa về các đơn vị thích hợp). Thế là tôi  đành phải chia tay hai cô lính gái thân thiết là Nguyễn Thị Bé và Lê Thị Hòa cùng chú em nuôi Nguyễn Văn Đáng để lên đường nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ không còn được gặp lại họ, nên không biết Bé và Hòa có được xuất ngũ để thi tốt nghiệp Phổ thông hay không, còn Đáng thì  lưu lạc phương nào?

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác