NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU - Chương 13, phần 3

( 21-08-2018 - 11:00 AM ) - Lượt xem: 1129

Thật bất ngờ, trong dịp nghỉ tết này tôi lại được gặp cái Hoàn, con gái bác Cạc ở Hưng Yên đến thăm gia đình chúng tôi. Đã 3 năm 4 tháng trôi qua kể từ ngày tôi cùng Thiên Hương từ biệt gia đình bác Cạc để đi nhận công tác và không liên lạc gì với họ nữa. Vậy mà không hiểu bằng cách nào cô nàng tìm được đúng địa chỉ gia đình chúng tôi tại đây, lại còn mang theo một con gà trống “do bố mẹ cháu gửi biếu hai bác ăn tết”.

 3. Những ánh sao đêm

 

 Khu Tập thể Kim Liên, bao gồm hàng trăm dãy nhà 4 tầng chia làm 3 khu A-B-C và mỗi khu có một kiểu nhà khác nhau,  là công trình xây dựng dân dụng lớn nhất tiêu biểu cho cách thức tổ chức đời sống XHCN ở miền Bắc nước ta. Được khởi công từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), công trình này đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác ca khúc nổi tiếng nhan đề “Những ánh sao đêm”:

 

          Làn gió thơm hương đưa về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua.

          Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa.

          Từ bao mái nhà đèn hoa sáng bừng, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng.

          Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu;

          Như máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca, em ơi!...

 

Thật may là ba tôi, lúc này ngoài chức Vụ phó lại được giao thêm chức vụ Cục phó Cục I phụ trách về Giáo dục phục vụ miền Nam, đã được phân chỗ ở thuộc khu C “mới cất xong” trong công trình đầy “lửa ấm tình yêu” này. Tại một căn hộ 3 phòng được thiết kế dự kiến dành cho 1 hộ gia đình trên tầng 2 thuộc cổng cầu thang thứ ba của nhà C9, gia đình ba tôi được ở trong phòng đầu tiên rộng nhất với 22 mét vuông mang số 77, tiếp theo đó là phòng 78 của gia đình chú Dương và phòng 79 của gia đình chú Huyến hẹp hơn chút ít. Căn bếp đối diện với phòng ở của gia đình chúng tôi qua một hành lang hẹp, có vòi nước máy và đủ chỗ đặt bếp dầu cùng các dụng cụ làm bếp khác, là nơi nấu nướng chung cho cả 3 gia đình. Nhưng việc dùng chung bếp như vậy là rất bất tiện, nên hai gia đình chú Dương và chú Huyến đã tự rút khỏi nơi này để tìm cách nấu nướng ngay bên phòng ở của họ, nhường quyền sử dụng căn bếp cho gia đình chúng tôi. Còn lại phòng tắm (có vòi hoa sen), phòng vệ sinh (có hố xí ngồi xổm và dụng cụ giật nước trôi phân), cầu dao điện với điện kế kèm theo và cánh cửa sắt ở lối vào căn hộ là những thứ dùng chung cho cả 3 gia đình.

 Nằm giữa các dãy nhà ở trong khu tập thể có các trường phổ thông cấp 1 và cấp 2-3 Kim Liên cho con cán bộ vào học; lại có cả một tòa nhà lớn 2 tầng dành cho MDQD với cửa hàng Bách hóa (ở tầng trên), cửa hàng Thực phẩm (tầng dưới), hiệu Cắt tóc Mậu dịch (ở một đầu tầng dưới). Bên cạnh đó, dãy nhà ngói một tầng là chỗ trú đóng Đồn Công an Khu Kim Liên - nơi bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện việc khai báo hộ khẩu trong khu (ở một nửa dãy nhà) cùng với Cửa hàng Lương thực bán gạo và mì sợi theo sổ và tem phiếu của các hộ trong khu (ở nửa kia dãy nhà). Lại có cả 4 chiếc loa phát thanh công cộng treo trên một cột điện cao chĩa ra 4 hướng luôn hoạt động với công suất lớn suốt ngày, từ 5 giờ sáng (với bài thể dục 8 động tác theo nhạc) cho đến 6 giờ 30 chiều (khi kết thúc chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam) để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ cho cư dân toàn khu quán triệt.

 Cuộc sống của gia đình chúng tôi tại khu tập thể này không thoải mái bằng nơi ở cũ trong khu Hiệu bộ ĐHSP, lại càng không thể sánh được với mái nhà xưa ở Hải Phòng. Phòng ở chật chội nên buộc phải kê bàn làm việc của ông Vụ phó kiêm Cục phó sát vào chiếc giường đôi của ba má; bộ xa lông gỗ 4 ghế phải bớt đi 2 chiếc để kê sát vào chiếc giường đơn dành cho em Dũng. Vì luồng nước máy rất yếu nên vòi nước trong bếp, vòi hoa sen ở phòng tắm cũng như cần giật nước ở hố xí không thể sử dụng thường xuyên, buộc phải trữ nước trong các thùng để sử dụng khi cần thiết. Rất may là có một vòi công cộng ở gần chân tường tầng 1 có nước chảy khá mạnh, nên các hộ ở tầng 2-3-4 có thể xuống đó hứng nước và xách lên nhà mình. Nhà chúng tôi ở tầng 2, nên tôi và em Dũng có thể đứng trên ban công dùng dây thừng thả một chiếc thùng nhôm xuống hứng nước ở vòi đó mà kéo lên. Điện năng sinh hoạt cũng bị khống chế trong khoảng 12 kw/tháng cho mỗi hộ, chỉ đủ dùng để thắp sáng các bóng đèn và nghe đài. Vì thế, 3 hộ dùng chung điện kế (và trả tiền chung) trong căn hộ của chúng tôi phải thường xuyên theo dõi nhau để đề phòng những trường hợp dùng bàn là hay bếp điện khiến chỉ số đồng hồ tăng vọt. Cất giữ xe đạp cũng là vấn đề nan giải. Gầm cầu thang tầng 1 là nơi cất giữ thuận tiện, nhưng lại không an toàn. Vì thế, hầu hết cư dân ở đây phải chịu khó vác xe leo cầu thang lên phòng ở của mình, cho dù họ ở tại tầng 2, tầng 3 hay tầng 4. Phòng của chúng tôi gần cửa vào căn hộ, nên có thể tận dụng khoảng trống hành lang trước cửa phòng mà để xe qua đêm ở đó.

Một hộ gia đình ở tầng 1 nhà C10 gần nhà chúng tôi trong khu tập thể đã mua được máy vô tuyến truyền hình để mở xem chương trình phát thử nghiệm của Đài Truyền hình Việt Nam vào buổi tối (từ cuối năm 1970). Vị chủ nhà đã hào phóng mở rộng cửa cho hàng xóm láng giềng  xung quanh cùng đến xem với mình. Tôi là một trong đám đông người đứng chen chúc ở cửa nhà này, để lần đầu tiên trong đời được xem vô tuyến truyền hình - phương tiện truyền thông hiện đại mới xuất hiện ở miền Bắc nước ta.

 

 Thật bất ngờ, trong dịp nghỉ tết này tôi lại được gặp cái Hoàn, con gái bác Cạc ở Hưng Yên đến thăm gia đình chúng tôi. Đã 3 năm 4 tháng trôi qua kể từ ngày tôi cùng Thiên Hương từ biệt gia đình bác Cạc để đi nhận công tác và không liên lạc gì với họ nữa. Vậy mà không hiểu bằng cách nào cô nàng tìm được đúng địa chỉ gia đình chúng tôi tại đây, lại còn mang theo một con gà trống “do bố mẹ cháu gửi biếu hai bác ăn tết”. Khi ấy Hoàn đã 22 tuổi; trông cô chững chạc hẳn ra với bộ trang phục quần “phíp” đen, sơ mi pô-pơ-lin màu nõn chuối có áo len nâu khoác ngoài và đôi guốc quai nhựa ra dáng thị thành. Ba và tôi đều vui khi được gặp lại người quen cũ trong một gia đình từng có ân tình với mình; nhưng má tôi, mới lần đầu tiên được gặp, đã nhìn Hoàn như một cô gái có thể trở thành bạn đời của tôi. Thế là chiều hôm đó má rủ ngay cái Hoàn vào bếp giết con gà trống để làm cơm mừng cuộc hội ngộ. Má tiết lộ cho Hoàn về sự tan vỡ mối tình giữa tôi với Thiên Hương, và Hoàn cũng cho má biết cô ấy vẫn chưa lấy chồng.

 Dưới ánh đèn điện sáng, mâm cơm thịnh soạn được bày trên chiếc bàn cũ của bộ xa lông gỗ, để ba và má ngồi trên 2 chiếc ghế có tựa lưng và tay vịn, còn Hoàn với tôi và em Dũng ngồi trên chiếc giường đơn kê gần sát bàn. Vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, tôi được biết bố mẹ Hoàn vẫn mạnh khỏe, nhưng Hoàn đã là lao động chính của gia đình; ông nội của cô đã mất, còn cái Nhi đã đi học công nhân kỹ thuật ở nước ngoài, và đã gửi về nhà những món quà quý (chắc rằng bác Cạc gái không còn phiền lòng mỗi khi phải ngửi mùi nước hoa ngoại từ nhà cô hàng xóm bay sang).

Cơm nước xong, tôi dẫn Hoàn sang nhà láng giềng ở dãy C10 “xem ké” chương trình truyền hình buổi tối, để cho cô biết thế nào là vô tuyến truyền hình.

 Đến giờ ngủ, tôi và em Dũng phải khiêng bộ bàn ghế ra hành lang, đặt chồng lên mấy chiếc xe đạp dựng ở đó, để lấy chỗ ngủ cho Hoàn. Ba má vẫn nằm trên chiếc giường đôi của hai cụ, tôi và em Dũng cùng nằm trên chiếc giường đơn chật chội (Dũng phía trong và tôi phía ngoài). Không còn chỗ nào khác, chúng tôi phải trải chiếu cho Hoàn nằm trên sàn xi măng, ngay cạnh chiếc giường đơn của tôi. Chăn màn và gối sạch sẽ đầy đủ, chắc cô ấy cũng hài lòng với chỗ ngủ của mình.

 Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình yêu thích Hoàn, kể từ hồi ở Phí Xá cho đến lúc này. Nhưng khi được nằm kề cận với cô gái ấy trong đêm, tôi không thoát khỏi sức hút giới tính mà tạo hóa đã ban cho con người. Đèn tắt, mọi người ngủ ngon, tôi vẫn thao thức vì bị hút hồn vào cái cơ thể đầy sức sống đang nằm im trong chăn trên chiếu dưới sàn ấy. Nhẹ nhàng vén màn của mình để thò tay xuống màn Hoàn, tôi bất ngờ đụng vào tay cô ấy từ dưới đưa lên. Thì ra cô cũng bị hút mạnh mẽ chẳng kém gì tôi! Hoàn kéo ngay tay tôi xuống và ấp vào ngực mình (cô ấy đã cởi bỏ chiếc “xu chiêng” nịt ngực cứng nhắc từ lúc nào). Thế là sau 2 năm xa cách Thiên Hương, tôi lại được thỏa thích xoa bóp vân vê một cặp vú mới căng tròn. Hoàn cũng xuýt xoa hứng thú chẳng khác gì Hương ngày ấy; nhưng khi tôi lần xuống phần bụng dưới rốn của người con gái, thì cô bỗng chặn tay tôi lại và kéo nó trở về chỗ cũ trên ngực. Sau mấy lần mò xuống dưới lại bị kéo tay lên, tôi hiểu rằng Hoàn quyết giữ cái giới hạn cuối cùng để bảo đảm với tôi là cô vẫn còn trinh tiết. Tôn trọng sự giữ gìn ấy, tôi không dám nài ép thêm mà cũng được thỏa mãn với cặp “tuyết lê” của cô ấy rồi. Rút tay về và đắp chăn lại cho Hoàn, tôi dần dần chìm vào giấc ngủ.

 Điệu nhạc rộn ràng của chương trình thể dục buổi sáng 8 động tác phát ra từ chiếc loa công cộng đánh thức mọi người dậy. Trong lúc thu dọn chăn màn giường chiếu, tôi với Hoàn bình thản nhìn nhau như đêm qua chưa hề xảy ra sự gì đặc biệt. Tôi hướng dẫn Hoàn vào phòng tắm làm vệ sinh buổi sáng; còn má vào bếp rang cơm cho cả nhà cùng cô ấy ăn sáng.

 Mọi người vệ sinh và ăn sáng xong, tôi dắt xe đạp ra đèo Hoàn đi chơi công viên Thống Nhất. Dưới mắt mọi người, một đôi nam nữ dạo chơi trong công viên  chỉ có thể là hai người đang “tìm hiểu” nhau để tiến đến hôn nhân (và có lẽ Hoàn cũng cảm thấy như vậy). Nhưng tôi chỉ đưa cô ấy đến đây để Hoàn được tham quan công viên lớn nhất và đẹp nhất miền Bắc, bõ công cho chuyến về thăm thủ đô của cô ấy.

Xong bữa cơm trưa rồi nghỉ ngơi một lát, Hoàn chào tạm biệt ba má tôi để trở về nhà. Ba má tôi gửi cô ấy một cuốn lịch ảnh của năm mới 1972, gói đường, gói mì chính và bánh kẹo mua theo tiêu chuẩn bìa C để biếu bố mẹ Hoàn ăn tết. Tôi dắt xe đạp ra và đèo cô ấy đến Bến Nứa, nơi đậu ô tô chạy tuyến Hà Nội-Hưng Yên rất quen thuộc với mình. Trước khi xe lăn bánh, tôi không gửi tặng Hoàn thứ gì ngoài địa chỉ của mình ở trường PTC3 Việt Trì. Chắc hẳn cô ấy hài lòng với địa chỉ này để có thể tiếp tục liên lạc với tôi sau sự việc bí ẩn đêm qua.

 Thế rồi chẳng hiểu tại sao, kể từ ngày hôm đó tôi không còn nhận được một tin tức gì của Hoàn cùng gia đình bác Cạc và những người dân Phí Xá thân thương nữa.

 

Chuyển chỗ ở về khu tập thể Kim Liên, gia đình chúng tôi cũng chuyển nơi đăng ký mua hàng theo tiêu chuẩn bìa C của ba về Cửa hàng cung cấp Thực phẩm Vân Hồ. Tọa lạc tại một khuôn viên rất rộng trên phố Vân Hồ (thuộc khu Hai Bà Trưng), cửa hàng này có quy mô bề thế, cách sắp xếp các quầy hàng và tổ chức kiểm tra tem phiếu cũng y hệt như ở cửa hàng Nhà Thờ. Bên ngoài cửa hàng cũng có một đội ngũ “con phe” đông đúc túc trực để thực hiện những thủ đoạn buôn bán phi pháp với các “trung gian nịnh thần” được phục vụ ở đây.

 Vào ngày giáp tết, má và tôi lại cùng đạp xe đến đây để mua hàng theo tiêu chuẩn của ba. Sau 1 ngày xếp hàng, chúng tôi đã mua đủ túi hàng tết (giống y như năm ngoái) với tiêu chuẩn thịt, gà, lá dong…(còn nếp và đậu xanh mua tại cửa hàng lương thực Kim Liên). Trong khi đó, ba cùng em Dũng dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Ba cố gắng sắp xếp lại đồ đạc để có thể bày lại bộ xa lông gỗ cũ 4 ghế ở giữa nhà để tiếp khách đến thăm. Bó hoa glayơn đỏ lại được ba mua về cắm trong bình. Hai dây hoa tràng pháo nở đỏ trên lan can phía ngoài ô cửa sổ có khung cửa “chớp lật” bằng gỗ tô điểm thêm một nét xuân cho căn phòng. Dịp này nhu cầu dùng nước đột ngột tăng cao, nên tất cả các vòi nước máy từ tầng hai trở lên đều không có nước, vì thế tại vòi công cộng ở tầng một thường xuyên có cả một dãy thùng xếp hàng dài, khiến cho tôi và em Dũng rất vất vả trong việc kéo nước lên cho cả nhà dùng. Tôi thành trợ thủ đắc lực của má trong việc gói bánh chưng và nấu nướng trong dịp tết.

 Thế rồi đêm giao thừa đầu tiên của chúng tôi tại khu tập thể Kim Liên đã diễn ra với “lửa ấm tình yêu” trong xum họp gia đình; với tiếng nổ đinh tai nhức óc khi hàng trăm hộ gia đình ở san sát nhau cùng đốt pháo đúng vào lúc kim đồng hồ chỉ 12 giờ đêm.

 

 Trong số khách đến thăm để chúc tết ba má tôi, chú Đỗ Ca Sơn - cán bộ giảng dạy   ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội là người đến sớm nhất, tiếp đó là dì Quỳ của tôi. Khi ấy, chú Ca Sơn góa vợ đã lâu; còn dì Quỳ, sau khi chú Trực chồng dì đã hy sinh ở Liên Xô để cứu người khỏi chết đuối trên biển Đen vào năm 1967, cũng đã chịu cảnh góa bụa suốt mấy năm qua. Do đó, nhân dịp tết này, ba má tôi bố trí cho hai người gặp mặt tại nhà mình để bước đầu tìm hiểu nhau mà có thể nên vợ nên chồng. Với sự chứng kiến của ba má tôi, chú Ca Sơn và dì Quỳ trong trang phục lịch sự ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn có bình hoa với ấm trà và mứt kẹo, đã trò chuyện với nhau rất thân mật và cởi mở. Tôi nghĩ rằng hai người rất đẹp đôi (nhưng về sau họ không thể tiến đến hôn nhân vì lý lịch hai người không tương đồng).

 Chú Ca Sơn ra về, dì Quỳ ở lại chơi với gia đình tôi. Nhờ đó tôi mới biết tường tận về sự hy sinh của chú Trực ở Liên Xô. Trên bãi tắm ở bờ biển Sochi nổi tiếng, có một chàng trai bơi ra xa và bị nước cuốn trôi. Phát hiện ra trường hợp đó, chú Trực lập tức bơi ra cứu người. Nhưng khi đưa được chàng trai vào bờ thì chú bị kiệt sức chết chìm dưới biển. Chính phủ Liên Xô đã dành cho chú Bùi Đức Trực một tang lễ trang trọng cùng ngôi mộ chí xứng đáng với một liệt sĩ xả thân cứu người tại nghĩa trang Sochi, có cả chỗ nghỉ chân cho những người viếng mộ. Chàng trai được chú cứu là anh Nguyễn Công Nhạc, sẽ trở thành một nhà biên đạo múa nổi tiếng và là người em thân thiết của dì Quỳ.

Tiếp đó, vợ chồng chú Vũ Lộc cùng đi với con gái Vũ Việt Hoa đã đến. Hôm ấy chú mặc một bộ vest có thắt cravat, còn cô Á Linh mặc bộ váy áo len với áo dạ khoác ngoài theo kiểu Trung Quốc rất sang. Ở cô chú toát lên vẻ đẹp của những người trí thức cao thượng. Kế thừa những nét đẹp của cả bố lẫn mẹ, bé Việt Hoa đã bừng nở một nhan sắc tuyệt vời của thiếu nữ tuổi 13 với làn da trắng hồng cùng mái tóc đen nhánh tết đuôi sam, đôi mắt đẹp với hai hàng mi cong vút và cái miệng cười tươi như hoa nở (anh của Việt Hoa là Vũ Trung Sinh cũng là một thiếu niên rất đẹp trai với mái tóc quăn ở tuổi 15). Khi ấy em Dũng tôi và Việt Hoa đã trở thành đôi bạn thân cùng học ở trường Phổ thông cấp 2-3 Kim Liên với những xúc cảm đầu tuổi dậy thì. Cô Á Linh thường nói đùa: “Nếu Dũng muốn có Việt Hoa thì phải cố học cho giỏi nhé!”. Rất may là gia đình chú Vũ Lộc ở ngay tại nhà B6 cùng khu tập thể Kim Liên, nên quan hệ giữa gia đình ấy với gia đình chúng tôi lại càng thêm gần gũi thân thiết.

 Cũng trong khu tập thể này còn có nhiều người khác thân thiết với gia đình chúng tôi. Ngay tại nhà C9, ở tầng 1 sát dưới nhà tôi là gia đình nhà toán học Phạm Văn Hoàn với vợ và hai con nhỏ. Khi ấy chú Hoàn đang bồi dưỡng cậu học sinh xuất sắc Vũ Đình Hòa chuẩn bị tham dự kỳ thi Toán học Quốc tế sẽ tổ chức tại CHDC Đức; còn cô Lý vợ chú - một nhà giáo đầy tâm huyết và rất tốt bụng - được tổ dân phố giao nhiệm vụ phụ trách công tác thiếu niên nhi đồng ở khu vực cầu thang này (tôi sẽ trở thành trợ thủ của cô trong nhiệm vụ đó). Ở đầu kia nhà C9 ngay tầng 1 cầu thang 1 là gia đình ông bà bác sĩ Bùi Văn Diêu sống với cô con gái xinh đẹp là Bùi Xuân Bích Đào - bạn học cũ của em Hùng tôi ở Hải Phòng, nay sắp tốt nghiệp Đại học Y-Dược để trở thành nha sĩ. Tại nhà B2 có gia đình bà Phan Thị Minh - cháu gái nhà yêu nước Phan Châu Trinh đang ở cùng cậu con trai tên Ninh bị tật ở chân phải ngồi xe lăn và là bạn học của em Dũng tôi.

 Ngoài ra, khu tập thể Kim Liên còn gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng khác. Bác sĩ Nông học Lương Định Của cùng quý phu nhân người Nhật và các con cư trú tại một căn hộ trong nhà B24. Giáo sư Trần Đức Thảo cũng thường trú trong một phòng ở chật hẹp tại khu tập thể này trong suốt thời gian ông bị đấu tố, truy bức về chính trị và tước quyền giảng dạy tại Đại học Tổng hợp.

 

   một vị khách đặc biệt đến thăm ba má tôi trong dịp tết này là bác Đào Thiện Thi, bạn cũ của ba từ hồi ở chiến khu Việt Bắc và nay đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài Chính. Đậu xe hơi tại một nơi kế cận nhà C9, mặc áo blu dông Đức rất đẹp (giống chiếc áo của chú Xuân Diệu mà tôi đã được chiêm ngưỡng) với quần dạ và đôi giày da sang trọng, bác đi bộ rồi leo cầu thang bước vào phòng 77 để thăm bạn cũ. Ba má tôi và bác gặp nhau tay bắt mặt mừng trò chuyện rôm rả.  Nhưng nhìn số bánh mứt theo tiêu chuẩn bìa C với ấm trà “Ba Đình” mà má mang ra đãi bác, tôi chợt cảm thấy chạnh lòng khi nhớ lại bác đã thết đãi gia đình chúng tôi như thế nào tại tòa biệt thự sang trọng của bác trong một dịp tết trước đây. Quan sát kỹ chỗ ở của bạn mình, bác nói: “Nguơn sống thế này thì chật chội quá, để mình giúp tìm một căn hộ khác rộng rãi hơn phân phối cho Nguơn nhé!”. Ba tôi chưa kịp nói gì, nhưng má đáp thay: “Được thế thì tốt quá, cảm ơn anh rất nhiều!”. Bác Thi chào tạm biệt ba má tôi với lời hứa giúp đỡ đầy tình cảm bạn bè ấy. Theo ba tiễn bác lên ô tô rồi mới quay về, tôi nhớ mãi lời hứa tìm nhà giúp ba tôi của bác.

 Thế rồi thời gian trôi qua mà không thấy ba má nhận được căn hộ mới ở bất cứ đâu, tôi nghiệm ra rằng lời hứa của bác không bao giờ được thực hiện, ngay cả khi bác đã được thăng chức Bộ trưởng. Khi tôi kể về lời hứa đó cho một số người quen nghe, họ nói rằng: đó chỉ là gợi ý của Thứ trưởng Thi, để ba của Quốc nếu muốn có nhà tốt thì phải “chạy” tiền cho ông ấy! (Ngay cả em họ Lan Anh của tôi cũng bảo rằng nó đã phải biếu bác Thi những món quà quý, thì bác mới giúp cho nó được đi thực tập ở Liên Xô). Dĩ nhiên ba má tôi không bao giờ “chạy” trong bất cứ trường hợp nào; nhưng tôi vẫn không tin rằng bác Thi lại đòi bạn cũ phải “chạy” mình thì mới giúp đỡ. Tình bạn sâu sắc và lâu bền giữa gia đình bác Thi với gia đình ba má tôi không cho phép tôi nghĩ về bác như là một tay hối mại quyền lực giống nhiều kẻ khác trong bộ máy chính quyền.

 

  Tết này, phòng khách nhà cậu Bính trông sang trọng hẳn lên với chiếc máy truyền hình đen-trắng nhãn hiệu “Bering” do Ba Lan sản xuất mà cậu mới được mua theo tiêu chuẩn cung cấp với giá hơn 300 đồng (khi ấy cán bộ bìa C như ba tôi vẫn chưa có tiêu chuẩn được mua máy này). Thế là nhà cậu Bính trở thành nơi tụ họp của đại gia đình chúng tôi cùng bạn bè thân thích vào mỗi buổi tối có chương trình truyền hình hay.

 Nhưng rồi sau đó tiêu chuẩn “Bìa C” của ba tôi đã phát huy tác dụng khi ông được mua chiếc xe máy nhãn hiệu “Babetta” sơn màu đỏ do Tiệp Khắc sản xuất. Chiếc xe này khởi động hơi khó vì phải đạp nhiều vòng mới nổ máy được; nhưng dù vậy thì việc đi xe máy này vẫn thể hiện đẳng cấp của chủ nó trước cặp mắt thèm thuồng của những người đi xe đạp.

LÊ VINH QUỐC

 

Các Bài viết khác