NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU - Chương 13, phần 2

( 10-08-2018 - 11:48 AM ) - Lượt xem: 958

Tôi không nhớ mình đã cùng em nói những chuyện gì trong lúc ấy; nhưng nhớ mãi nỗi niềm xao xuyến của mình khi được tự do ngồi bên em trong căn phòng kín đáo này. Tôi cảm thấy mình có thể đóng chặt cửa lại để ôm hôn mà tận hưởng cơ thể trinh nữ của em! Nhưng tôi quyết không làm như vậy, để giữ mãi cho em một kỷ niệm đẹp của tình thầy trò.

 2. Những chuyện cần kể và không nên kể

 

 Khi chúng tôi cảm nhận được những ngày tháng bình yên ở Việt Trì, thì chính trường và chiến trường vẫn sôi động trên cả nước.

 Để phục hồi lực lượng quân đội đã bị tổn thất nặng nề sau các cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân, đồng chí Lê Duẩn buộc phải đưa đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trị bệnh ở Hungary về nước trong năm 1969, để ông nắm lại các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng của mình. Vào tháng 6-1969 tại miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng được Đảng ta cải biên thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) để làm lực lượng chính trị đối trọng với Chính phủ VNCH tham gia cuộc hòa đàm tại Paris.

 Ở phía đối phương, nhằm phát triển kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon, 30.000 quân Mỹ đã tiến vào Campuchia cùng với máy bay B52 ném bom rải thảm xuống nơi trú đóng của quân Bắc Việt ở nước này, rồi hỗ trợ tướng Lon Nol tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Hoàng gia của Norodom Sihanouk có quan hệ thân thiết với Việt Nam DCCC. Tiếp đó, Quân đội Quốc gia Campuchia của thủ tướng Lon Nol phối hơp với 50.000 quân Nam Việt Nam đã tiến hành chiến dịch “Chenla” đánh vào hậu cứ của quân Bắc Việt  trên lãnh thổ Campuchia tiếp giáp với Nam Việt Nam. Chiến sự kéo dài từ tháng 8-1970 sang năm 1971 và cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất (phía VNCH có 4.500 binh sĩ thương vong và trung tướng Đỗ Cao Trí tử thương khi chiếc máy bay trực thăng của ông bị rớt).

 Chính là trên chiến trường Campuchia mà Phạm Đình Hải (em ruột Phạm Đình Thịnh bạn tôi) nhập ngũ từ năm 1966 đã hy sinh năm 1970 nhưng không để lại một dấu vết nào. Cùng năm  ấy trong cuộc chiến tại Quảng Nam, Nguyễn Đăng Khải (em ruột một bạn đồng nghiệp của tôi ở Thái Bình, xung phong đi bộ đội từ ba năm trước) đã trở thành liệt sĩ Quân đội NDVN, mặc dù đồng đội không tìm thấy thi hài anh. Cũng trong thời gian này, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (bạn học cũ của thầy Dương Đức Niệm của tôi đã xung phong nhập ngũ ra chiến trường đánh Mỹ từ 1966) bị trúng đạn của quân Mỹ và hy sinh tại Quảng Ngãi, để lại cuốn Nhật ký nổi tiếng theo tinh thần Paven Korsaghin.

 Mùa xuân 1971, Quân lực VNCH (có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ) tiến hành chiến dịch “Lam Sơn 719” nhằm đánh chiếm các căn cứ hậu cần của quân Bắc Việt và Việt Cộng dọc theo Đường 9 - Nam Lào để cắt đứt mọi đường tiếp viện của Bắc Việt cho chiến trường miền Nam. Dưới sự yểm trợ của không quân và 10.000 bộ binh Mỹ, các lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân lực VNCH (Sư đoàn 1 Bộ binh, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến cùng nhiều đơn vị pháo binh và thiết giáp phối thuộc) với tổng quân số 31.000 người đã mở đầu cuộc tiến công Nam Lào vào ngày 7-2. Nhưng tại đây, họ đã phải đối đầu với quân chủ lực của Việt Nam DCCH (gồm các Sư đoàn số 2, 304, 308, 320, 324) có tổng quân số 25.000 người được dàn trận sẵn trong những trận địa phòng ngự kiên cố với hỏa lực phòng không, pháo binh và xe tăng cực mạnh, có sự hỗ trợ của 15.000 chiến sĩ Quân Giải phóng (QGP) miền Nam và QGP Lào. Sau hai tháng huyết chiến, Quân lực VNCH đã phải rút lui trên toàn chiến trường với những tổn thất rất nặng nề: 8.483 binh sĩ chết, trên 12.000 người bị thương và mất tích cùng với đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ bị bắt sống. Quân Mỹ mất 215 binh sĩ chết, 1149 người bị thương và 38 người mất tích. Phía Quân đội NDVN, theo số liệu của ta, có 2.164 chiến sĩ hy sinh, 6.176 người bị thương và 691 người mất tích.

 Hình ảnh binh sĩ VNCH đánh đu dưới càng trực thăng Mỹ để tháo chạy khỏi chiến trường Nam Lào, do các phóng viên báo chí truyền đi khắp thế giới, đã tượng trưng cho thất bại nặng nề của quân đội Sài Gòn trong chiến dịch Lam Sơn 719. Thất bại này cho thấy kế hoach Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kỳ không thành công, khiến cho VNCH chuyển từ thế mạnh sang thế yếu, trong khi Việt Nam DCCH chuyển từ thế yếu sang thế mạnh để chuẩn bị cho các cuộc tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam.

 

 Với dư âm của chiến thắng Đường 9-Nam Lào, trường PTC3 Việt Trì chúng tôi kết thúc tốt đẹp năm học 1970-1971. Riêng môn sử với đề kiểm tra học kỳ II “So sánh Công xã Pa-ri 1871 với Cách mạng Nga 1905-1907 và rút ra tính chất của hai cuộc cách mạng đó”, lớp 8D có 2 người dẫn đầu là Trần Đức Mậu (điểm 10) và Nguyễn Văn Vỵ (điểm 9). Với đề bài “Nêu sơ lược quá trình cách mạng Trung Quốc 1919-1937; trình bày lại sự hình thành đường lối cách mạng trong cuộc nội chiến cách mạng lần thứ 2”, Đinh Tiến Hà (9C) vẫn dẫn đầu với điểm 9.

 Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tôi cùng 2 bạn đồng nghiệp được cử đi làm giám thị tại Yên Bái. Đây là một tỉnh miền núi rất nghèo lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nên chúng tôi phải khắc phục nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở và làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng may là tại nơi đây tôi được gặp lại bạn cũ ở khoa Sử ĐHSP là Phan Kế Minh; và có thêm một bạn đồng nghiệp mới là anh Trần Trí Hòa - em ruột của thầy Trần Học Hải ở Hải Phòng mà cũng là giáo viên giỏi môn lịch sử như anh mình.

 Trở về Việt Trì, tôi được biết hầu hết học trò lớp 10 của mình đã đậu tốt nghiệp; trong đó các em Lê Triều Sâm, Nguyễn Thị Tứ và Trương Thị Điền đạt những điểm số rất cao. Tôi lại được đón bạn cũ ở Hải Phòng là Trần Văn Nguyệt, lúc này đã trở thành sinh viên trường Đại học Tài chính Ngân hàng trú đóng tại Phúc Yên, đến thăm ngay tại trường PTC3 Việt Trì. Nguyệt cho tôi biết rằng cậu ta đã có người yêu là bạn nữ đồng học ở trường tên Thảo, và dự định sau khi tốt nghiệp hai người sẽ cưới nhau. Rồi Nguyệt trổ tài nghiệp vụ giúp tôi lập một bản “Công khai tài chính” chính xác đến từng xu, để niêm yết tại nhà ăn tập thể của trường. (Tôi làm quản lý bếp ăn trong tháng 6-1971 nên phải lập bảng này).

 

 Nghỉ hè về với gia đình tại Hà Nội vào tháng 7-1971, tôi được tham gia cùng ba má trong việc chuyển nhà từ khu Hiệu bộ ĐHSP ở Cầu Giấy về nhà C9 khu Tập thể Kim Liên thuộc khu phố Đống Đa, Hà Nội. Khi ấy, ba tôi đã được chuyển về Bộ Giáo dục để giữ chức Phó Vụ Trưởng Vụ các trường Sư phạm được gần một năm; má tôi vẫn tiếp tục công tác tại ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, còn cô em họ thân thiết của tôi là Lê Lan Anh đã trúng tuyển vào học khoa Nga của trường, nên mối quan hệ giữa các thầy cô ở trường này với gia đình chúng tôi vẫn bền chặt như trước.

Sau ngày ba tôi rời khỏi ĐHSP Ngoại ngữ, có một sự kiện gây xúc động toàn trường là Tang lễ của Phó Hiệu trường Nguyễn Niêm. Vì làm việc hăng say quá sức mà không được bồi dưỡng chăm sóc đầy đủ, PTS Nguyễn Niêm đã phát bệnh ung thư và từ trần ở tuổi 40 tại bệnh viện Việt-Đức (tháng 3-1971). Hàng ngàn giảng viên và sinh viên các khoa trong trường cùng với các trường bạn mang theo những vòng hoa trắng với nước mắt lưng tròng đã đưa tiễn nhà giáo chính trực và tận tâm ấy về nơi an nghỉ cuối cùng.

 Cùng thời gian đó lại xảy ra một sự việc làm xôn xao toàn trường theo cách khác. Vào một buổi tối sau bữa cơm chiều, toàn thể cán bộ và sinh viên trong khu tập thể của trường bỗng nghe thấy một âm thanh kỳ lạ liên tục phát ra từ một nơi nào đó. Giống như tiếng gầm gừ của một con quái thú, âm thanh ấy khiến mọi người sợ hãi không dám ra khỏi nhà vì sợ bị “nó” vồ. Ban giám hiệu phải huy động lực lượng “thanh niên cờ đỏ” đi điều tra sự thể. Vận dụng hết tài năng trí tuệ và lòng dũng cảm của mình, các thanh niên này đã lần ra đầu mối của âm thanh đó tại nhà thầy Lê Hữu Tôn - Trưởng phòng Công tác Chính trị của trường, người có một đàn con được đặt tên theo tình hữu nghị giữa nước ta với các nước bạn trong phe XHCN (Việt-Nga, Việt-Trung, Việt-Triều, Việt-Đức…).

Để lập thành tích trong công tác của mình, thầy có sáng kiến thực hiện chương trình phát thanh buổi tối nhằm quán triệt đường lối của Đảng và Chính phủ cho mọi người. Thế là thầy mang bộ máy micro và ampli của phòng về nhà riêng, để chính mình trở thành phát thanh viên của chương trình này. Chẳng may, vừa lắp ráp xong máy móc để chuẩn bị đọc tin thì một cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, khiến thầy ngồi ngủ gục trên bàn bên cạnh chiếc micro đã mở sẵn. Vậy nên, thay vì được nghe các tin tức thời sự-chính trị quan trọng qua hệ thống loa truyền thanh công cộng, mọi người lại nghe được tiếng ngáy phát ra từ cổ họng không được thông thoáng của thầy, bị khuếch đại âm thanh trở thành những tiếng gầm gừ của một con quái thú theo trí tưởng tượng!

 Thật tai hại, cơn buồn ngủ đến không đúng lúc đã biến sáng kiến xuất sắc của thầy Lê Hữu Tôn thành “chuyện thật như đùa”, khiến con đường công danh của thầy chưa được hanh thông.

 

  Sau đợt nghỉ hè, tôi trở lại trường PTC3 Việt Trì vào giữa tháng 8-1971, đúng vào lúc một trận lụt lớn chưa từng thấy đã tràn ngập khắp vùng đồng bằng và trung du miền Bắc. Trời liên tục mưa như trút, nước sông Hồng, sông Đà và sông Lô dâng tràn khiến hệ thống đê điều bị vỡ ở khắp nơi, biến ruộng đồng thành biển nước mênh mông với trên 100.000 người dân thiệt mạng. Tại Hà Nội, chính quyền phải cho một đoàn tàu hỏa chở nặng đá hộc đậu trên cầu Long Biên để đề phòng nước lũ cuốn trôi cầu. Tại Vĩnh Phú, nước lụt tràn ngập các huyện Vĩnh Tường, Lâm Thao và uy hiếp nghiêm trọng thành phố Việt Trì, khiến tôi phải khiêng tủ sách của mình lên gửi tại Phòng Truyền thống của trường trên dãy nhà xây, để đề phòng nước lụt có thể dâng lên phòng ở của mình tại khu tập thể làm ướt nó.

 Chính trong bối cảnh ảm đạm của trận lụt này, tôi được chứng kiến hàng chục học sinh vừa tốt nghiệp trường PTC3 Việt Trì lên đường nhập ngũ trong các đợt tuyển quân theo tinh thần tổng động viên trong năm 1971. Ở lớp do tôi từng làm chủ nhiệm, cậu học trò nhỏ con Nguyễn Văn Lập đã nhập ngũ ngày 19-8; còn chàng trai yêu văn nghệ Bùi Trọng Tôn chỉ mới hoàn thành chương trình học kỳ I lớp 10 cũng được đặc cách cho tốt nghiệp phổ thông để nhập ngũ ngày 26-12. Tại buổi lễ tiễn tân binh do UBHC Việt Trì tổ chức trên sân vận động thành phố, Bùi Trọng Tôn đã được chọn thay mặt toàn thể tân binh mặc quân phục lên diễn đàn đọc lời tuyên thệ quyết tâm thực hiện “Ba sẵn sàng” để chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cùng thời gian đó, hàng chục ngàn sinh viên các trường đại học đã tạm biệt giảng đường để gia nhập quân đội (một việc trước đây chưa từng thấy). Trong số đó có chàng sinh viên xuất sắc Nguyễn Văn Thạc và các bạn đồng học của anh ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng Lê Văn Giao (em ruột anh Lê Văn Long bạn tôi) và các bạn đồng học ở Đại học Bách khoa. Tại Hải Phòng, bạn đồng nghiệp ở công trường Muối Đồ Sơn của tôi là Đỗ Đình Điệp, mặc dù có lý lịch gia đình tư sản, đã được gọi gia nhập quân đội; còn bạn cũ Phạm Đình Thịnh cũng nhận được lệnh nhập ngũ, nhưng Thịnh đã tìm được cách thoái thác lệnh này để không phải chịu số phận bi thảm như em trai mình.

 

Khai giảng năm học 1971-1972, trường tôi đã tăng quy mô đào tạo lên tới 14 lớp, bao gồm 6 lớp 8 (A,B,C,D,E,G), 4 lớp 9 (A,B,C,D) và 4 lớp 10 (A, B, C, D). Do đó, thêm một loạt giáo viên mới được bổ sung về trường: các cô giáo Phạm Thị Chi (giáo viên văn), Bùi Thị Huệ (sử), Ngô Thu Nga (toán); các thầy Hán Viết Bào (toán), Đỗ Quý Bào (giáo viên hóa được giao phụ trách phòng thí nghiệm) và thầy Vũ (dạy chính trị).

Theo danh sách này, lần đầu tiên tôi có một đồng nghiệp cùng chia sẻ nhiệm vụ giảng dạy lịch sử là Bùi Thị Huệ, một nữ sinh viên mới tốt nghiệp khoa Sử trường ĐHSP I Hà Nội. Trở thành “trưởng nhóm lịch sử”, tôi phân công Huệ phụ trách toàn bộ khối lớp 8, còn mình dạy hai khối 9 và 10. Có một sự ngẫu nhiên thú vị: Bùi Thị Huệ có ngày-tháng-năm sinh trùng khớp với tôi, lại có nước da trắng trẻo với khuôn mặt phúc hậu phảng phất hình bóng Thiên Hương. Vốn là một Việt kiều ở Thái Lan về nước, Huệ đi học muộn hơn chúng bạn trong nước nên đã tốt nghiệp đại học muộn hơn tôi 3 năm, hiện đã có chồng là một nghiên cứu sinh đang du học tại nước ngoài. Tôi trao cho Huệ cả bộ giáo án lớp 8 của mình để giúp cô dễ dàng hơn trong việc soạn giảng bài. Tôi cũng nhanh chóng kết thân với anh Đỗ Quý Bào là chồng chị Quý - Trưởng Phòng Giáo dục thành phố. Cả hai anh chị đều là người tốt, nhưng vì lý do nào đó mà không thể sinh con nên gia đình họ cũng kém phần hạnh phúc. Trong khi đó, vợ chồng anh Đạm đã nâng số con của mình lên 5 đứa bằng việc sinh thêm một bé gái (đặt tên là Nhân Ái) và một bé trai (mang tên Hồng Ngọc).

 Số giáo viên trong trường quá đông khiến cho hiệu trưởng không thể duyệt giáo án cho tất cả mọi người; anh Đạm phải chuyển bớt quyền ký duyệt cho các tổ trưởng bộ môn và Thư ký Hội đồng là anh Nguyễn Hữu Quỳnh.

 Chỉ ít ngày sau lễ khai giảng, chúng tôi bỗng nhận được tin chấn động từ Trung Quốc: Nguyên soái Lâm Bưu - kẻ luôn được ca ngợi là “Bạn chiến đấu thân mật của Mao Chủ tịch” và là “người thừa kế vĩ đại của Chủ tịch Mao Trạch Đông”- đã mất mạng trong vụ rơi máy bay ở gần biên giới Mông Cổ (13-9-1971). Khi ấy, mọi người mới biết rằng Lâm nguyên soái chính là “tên phản động, nội gian, tay sai của Quốc Dân Đảng” đã mưu toan ám sát Mao Chủ tịch, nhưng vụ việc bại lộ nên y phải chạy trốn bằng máy bay và đã bị bộ đội phòng không Trung Quốc bắn hạ.

 Tiếp theo đó, trường tôi bất ngờ được đón Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm đến thăm và nói chuyện với giáo viên cùng học sinh toàn trường. Ông trình bày quan điểm về một nền giáo dục nhân văn mà tôi cảm thấy rất tâm đắc. Khi ấy, tôi vẫn chưa biết rằng Thứ trưởng Lê Liêm đã bị Đảng cách chức trong một án kỷ luật rất nặng do ông bị liệt vào “nhóm xét lại chống Đảng” có lập trường thân Liên Xô và chống chủ nghĩa Mao đang được đồng chí Lê Duẩn coi là “Lê Nin trong thời đại ngày nay”.

 Vào một sáng mùa thu mát mẻ, tranh thủ chuyến đi công tác tại tỉnh Vĩnh Phú, ba tôi đã đến thăm tôi tại trường PTC3 Việt Trì và thông báo rằng ba đang tìm chỉ tiêu cho tôi đi du học nghiên cứu sinh tại Liên Xô; rồi ba cùng tôi đến thăm hiệu trưởng Trần Lưu Đạm. Chuyến thăm này của ba có lẽ đã tác động tốt đến quan hệ giữa anh Đạm  với tôi.

 

Sau khi Dương Thị Tơ đã đi du học, Lê Thị Hồng (nữ sinh lớp 9A lên 10A, có đôi mắt một mí với nước da trắng trẻo như phụ nữ Nhật Bản, lại yêu âm nhạc mà học cũng giỏi) và Nguyễn Thị Thanh ( lớp trưởng 8D rồi lên 9D ) đã trở thành những học trò thân thiết của tôi.

 Vào một buổi chiều, Lê Thị Hồng bỗng đến thăm tôi tại phòng ở trong khu nhà tập thể “để hỏi bài và tham khảo tài liệu”- em bảo vậy. Khi ấy tôi sắp đi dự cuộc họp BCH Đoàn trường tại phòng họp trên nhà “chuôi vồ”, nên chỉ có thể hướng dẫn vắn tắt và trao cho em một cuốn sách tham khảo, rồi dặn em cứ ngồi học ở bàn làm việc của tôi trong phòng, khi nào về thì khép cửa lại.

 Sau cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ trở về phòng mình, tôi đẩy cửa bước vào và ngạc nhiên thấy Hồng vẫn ngồi lặng lẽ bên bàn trong bóng tối mờ mà không mở cửa sổ. Tôi buột miệng: “Ôi trời! Em vẫn chưa về sao?”. Em quay lại nhìn tôi: “Em phải chờ thầy về để được nói chuyện với thầy!”. “Thật thế ư?...!”- tôi thốt lên khi chợt hiểu rằng  em tìm đến với mình không chỉ để hỏi bài.

 Tôi không nhớ mình đã cùng em nói những chuyện gì trong lúc ấy; nhưng nhớ mãi nỗi niềm xao xuyến của mình khi được tự do ngồi bên em trong căn phòng kín đáo này. Tôi cảm thấy mình có thể đóng chặt cửa lại để ôm hôn mà tận hưởng cơ thể trinh nữ của em! Nhưng tôi quyết không làm như vậy, để giữ mãi cho em một kỷ niệm đẹp của tình thầy trò.

 Một nữ sinh khác là Nguyễn Thị Thu Hà (lớp 8A rồi lên 9A) với thân hình nảy nở vô cùng hấp dẫn cũng tìm đến phòng tôi trong lúc vắng người. Tôi không dám mời em vào phòng, mà chỉ đứng ngoài cửa để cùng em trò chuyện, rồi tiễn em về với những lời khuyên giải nhẹ nhàng. Tiếc rằng Thu Hà chỉ hoàn tất được chương trình lớp 8, còn khi lên lớp 9 em đã phải bỏ học giữa chừng, vì những nhu cầu bản năng thôi thúc khiến em không thể học tiếp được nữa.

 

Một hôm, sau khi dạy tiết sinh vật thay anh Lương Đăng Bát đi công tác đột xuất giao lại, chị Nguyễn Thị Sâm đến gặp tôi để trao một mảnh giấy gấp kỹ và nói: “Đây là tác phẩm của cậu Nguyễn Ngọc Long; mời thầy chủ nhiệm xem xét và giải quyết!”. Tôi mở giấy ra và đọc (xin được chép nguyên văn để bảo đảm tính chính xác của một bằng chứng sự việc): “Thầy Bát không dám dạy bài này vì sợ bị cửng con cu; nên phải nhờ cô này dạy thay vì cô chỉ chảy nước chứ không cửng”. Thì ra đó là cách phát biểu cảm tưởng của cậu học trò gửi cho bạn mình khi được học bài “Giải phẫu Sinh lý Người” về hoạt động của bộ máy sinh dục nam và nữ trong quá trình thụ thai sinh con.

 Quả là một tình huống sư phạm khó xử! Cậu này đã phạm tội gì? Bất kính với thầy cô, nói năng thô tục, hay là đùa nghịch trong giờ học? Cả 3 “tội danh” ấy đều có hình bóng, nhưng vẫn không đủ thuyết phục! Suy nghĩ kỹ, tôi nhận ra rằng: thực chất của tội lỗi này chỉ là sự tò mò về giới tính của một cậu trai mới lớn được thỏa mãn với bài học này, và cậu ta muốn khoe với bạn về khám phá bí mật của mình! Nhưng nếu vì vậy mà bỏ qua thì cũng không được: cậu ta sẽ tưởng trò đùa của mình là hay, và sẽ lại tái phạm!

 Cuối buổi học, tôi lập tức đến lớp để giữ em Long ở lại nói chuyện với thầy. Chờ cho học sinh trong lớp ra về hết chỉ còn lại hai thầy trò ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn học, tôi giở mảnh giấy ra đặt trước mặt Long: “Cái này có phải của em không?”. Cúi gằm mặt xuống, cậu ta lí nhí đáp: “Vâng ạ!”. Tôi ra lệnh: “Em hãy đọc to câu viết trong đó cho tôi nghe!”. Long im lặng. Tôi giục: “Đọc đi chứ?”. Cậu ta đáp: “Dạ, em không dám ạ!”; tôi liền bảo: “Em thấy chưa? Có những điều do chính mình viết ra rồi mình lại không dám đọc! Vì sao vậy?”. Và tôi bắt đầu giảng giải cho em hiểu rằng: trong cuộc sống có những điều mà ai cũng biết, nhưng không cần hoặc không nên nói ra; ví như cơ quan sinh dục của nam và nữ hết sức quan trọng để duy trì nòi giống con người, nhưng ai cũng phải giữ kín chúng trong quần áo, vì nếu phơi bày cho mọi người xem thì rất xấu hổ. Thấy Long lắng nghe chăm chú, tôi liền phán: “Cái câu em viết trong giấy đã biến một vấn đề nghiêm túc mọi người cần biết để áp dụng thành một sự tục tĩu xấu xa, đến mức em không dám đọc lại nó! Em hiểu chưa?”. Long đáp: “Dạ, cảm ơn thầy, em hiểu rồi ạ!”. Tôi bồi thêm: “Khi đọc mảnh giấy của em, cô Sâm cảm thấy mình bị xúc phạm, và cô coi em là một đứa học trò hư hỏng đáng bị trừng phạt!”. Long đáp: “Dạ, em hiểu rồi; em xin nhận sự trừng phạt của thầy!”. Tôi kết luận: “Em đã làm một việc rất sai; nhưng sai là vì em thiếu hiểu biết chứ không phải do em cố ý làm bậy! Vậy, tôi không trừng phạt mà chỉ mong em hiểu vấn đề để đừng tái phạm nữa!”. Long mừng rối rít: “Dạ, em cảm ơn thầy, em xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm!”. Tôi xé tan mảnh giấy và vỗ vai em: “Long về đi, và cố gắng học hành cho tốt. Cho tôi gửi lời thăm bố mẹ và chị Lân nhé!” (tôi vẫn nhớ Long là em của Nguyễn Thị Lân đã tốt nghiệp ra trường).

 Sau sự việc ấy, tôi trở nên thân thiết hơn với Nguyễn Thị Sâm, một nữ giáo viên có thân hình mảnh dẻ, nhan sắc ưa nhìn, nói năng rất dịu dàng và có tài nấu ăn xuất sắc, nhưng lại hơi muộn đường hôn nhân (thuở ấy, phụ nữ ở tuổi 25 mà chưa chồng đã bị coi là “gái ế”). Chung quanh Sâm đã hình thành một nhóm bạn thân bao gồm Phan Xuân Minh, Bùi Thị Huệ và Lê Vinh Quốc. Nhóm này thường góp tiền nhau để tổ chức những bữa “ăn tươi” vào mỗi chiều chủ nhật tại phòng ở của Nguyễn Thị Sâm. Bỗng một hôm tôi bắt gặp anh Minh (đã có vợ ở xa) và chị Sâm (chưa chồng) đứng trong phòng đang ôm hôn nhau thắm thiết. Dĩ nhiên tôi im lặng không đem chuyện này đi kể với bất cứ ai. Bởi vì tôi đã biết rằng cảm xúc của trái tim con người thường vượt quá mọi quy tắc xã hội; và cũng hiểu rằng cần bảo vệ bạn mình trước những kẻ muốn có dịp “lập công dâng Đảng”.

 

 Học kỳ I kết thúc tốt đẹp trong thời tiết mùa đông lạnh giá đầu năm mới 1972. Chẳng bao lâu sau, mọi người lại tưng bừng phấn khởi đón kỳ nghỉ tết Nhâm Tý để trở về đoàn tụ với gia đình (từ 12-2 đến 18-2). Cũng như hồi tết năm ngoái, giờ đây tôi lại chuẩn bị về Hà Nội một mình để hưởng tết với ba má.

 Nhưng bỗng nhiên bạn đồng nghiệp Tạ Thị Lạc - nữ giáo viên Trung Văn quê Phú Thọ, có chồng bộ đội đang ở chiến trường miền Nam - đến gặp tôi và đề nghị cho cô ấy cùng đi về Hà Nội để thăm người quen ở đó. Tôi không thân với Lạc, nhưng có bạn đồng hành thì vẫn vui hơn là đi một mình, nên đã nhận lời cùng đi với cô ấy. Thế là tôi dắt xe đạp ra, đèo Lạc cùng hành lý của cả hai người ra ga Việt Trì trước những  cặp mắt ngạc nhiên của giáo viên trong trường. Tôi đã quên mất rằng sẽ có kẻ dị nghị về mối quan hệ giữa tôi với Lạc khi thấy chúng tôi đèo nhau trên xe đạp.

  Xuống tàu và ra  khỏi ga Hà Nội, tôi hỏi Lạc muốn về đâu để tôi đèo cô đến đó? Lạc bảo Quốc cứ cho mình cùng về khu Tập thể Kim Liên. Thế là hai chúng tôi lại lên xe đi tiếp. Trên suốt con đường Nam Bộ qua công viên Thống Nhất ven hồ Bảy Mẫu, Lạc ngồi sau xe ấp sát cặp vú của cô vào lưng tôi mà không dời ra một giây phút nào. Rất may là trời tối mà ánh đèn đường không đủ sáng để soi tỏ mọi vật, nên các cặp mắt tò mò ở hai bên đường không phát hiện ra tư thế bất thường của hai kẻ khác phái đang đèo nhau trên chiếc xe đạp này.

Về đến dãy nhà C9 quen thuộc, tôi dừng xe để hỏi Lạc về nơi nào? Cô ấy bỗng hỏi lại: “Quốc có thể cho mình cùng qua đêm ở nhà bạn được không?”. Tôi hiểu Lạc muốn gì, nhưng không thể chiều theo ý bạn được: “Nhà mình chật lắm; và chắc ba má cũng không đồng ý cho mình dẫn khách lạ về nhà! Để mình đưa Lạc về chỗ người quen nhé?”. Nhưng Lạc đã lấy hành lý ra khỏi xe và nói: “Thôi, để mình tự đến đó cũng được!”. Nhìn theo Lạc lủi thủi xách túi đi trên con đường nhỏ lát bê tông trong khu tập thể dưới ánh đèn đường, tôi tự hỏi: không biết người quen của cô ấy là ai và đang sống ở dãy nhà nào? Nhưng có một điều tôi đoán không nhầm là: người phụ nữ trẻ lâu ngày vắng chồng ở chiến trường xa ấy đã phải chịu đựng sự ẩn ức nặng nề về sinh lý, nên buộc phải tìm mọi cách giải tỏa cho mình. Thật tội nghiệp cho một nàng vọng phu bất đắc dĩ!

Các Bài viết khác