NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU - Chương 13, phần 1

( 08-08-2018 - 09:35 PM ) - Lượt xem: 991

Cô giáo nào lọt vào mắt mình sẽ được anh mời lên làm việc với hiệu trưởng vào những giờ thích hợp; rồi từ cuộc đối thoại công khai ở gian ngoài, cô được anh đưa vào gian trong để làm tiếp việc bí mật chỉ hai người biết với nhau. Trong số các nữ giáo viên được hiệu trưởng quan tâm như vậy, có người thuận tình và cũng có người phải miễn cưỡng chấp thuận, nhưng hầu hết họ đều biết im lặng để giữ thể diện và quyền lợi cho mình.

1. Trong khoảng lặng bình yên

 

 Bước vào năm học 1970-1971, tôi đã kết thúc 2 năm tập sự với danh hiệu “Giáo viên giỏi” của tỉnh, để trở thành giáo viên chính ngạch hưởng lương khởi điểm 55đ00 và phiếu thực phẩm cán bộ loại “E” (được 0,5kg thịt / tháng).

  Khi ấy, trường PTC3 Việt Trì đã tăng quy mô đào tạo lên thành 10 lớp: 4 lớp 8 (A, B, C, D), 4 lớp 9 (A, B, C, D) và 2 lớp 10 (A, B). Do đó,  đội ngũ giáo viên được bổ sung thêm nhiều người mới được điều động về trường: các anh Nguyễn Mạnh Hách (giáo viên văn), Trương Quang Bính (toán), Nguyễn Công Tấn (toán), Hoàng Thạch Bình (toán), Hoàng Đạo Tú (lý), Ngô Đức Việt (lý), Hoàng Xuân Đài (kỹ thuật công nghiệp), Võ Hoài Nhơn (cựu học sinh miền Nam mới tốt nghiệp ĐHSP được phân công về trường dạy sinh vật, được xếp ở chung phòng với tôi và anh Minh); các chị Bùi Thị Tâm (lý), Nghiêm Thị Xuân Thịnh (địa), Tạ Thị Lạc (Trung văn)… Trong số đó, tôi nhanh chóng kết thân với anh Nguyễn Công Tấn, nguyên giáo viên trường Sư phạm Trung cấp Nam Hà, một chàng trai nhỏ người nhưng khỏe mạnh vừa mới cưới vợ và là một đối thủ xứng tầm với những tay vợt bóng bàn hàng đầu của trường.

Số giáo viên đông thêm, số suất cơm ở bếp ăn tập thể tăng lên vượt quá khả năng phục vụ của chị Thọ, khiến trường phải tuyển dụng thêm cô Phẩm - một phụ nữ to béo nhưng muộn chồng làm phụ bếp cho chị.

 Từ năm nay, tôi sẽ liên tục gắn bó với gần 200 học sinh khóa 1970 - 1973 cho đến khi các em tốt nghiệp ra trường. Được phân công làm chủ nhiệm lớp 8D, tôi nhớ mãi các học sinh lớp này: cặp chị em Nguyễn Thị Thanh - Nguyễn Trọng Bình; các nam sinh Nguyễn Văn Ba, Trương Trí Bình, Đinh Văn Bình, Nguyễn Xuân Bình, Lê Văn Cường, Nguyễn Văn Dong, Tạ Văn Định, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Văn Hâm, Đinh Văn Hòa, Nguyễn Văn Hoạt, Vũ Văn Láng, Nguyễn Ngoc Long (em trai của Nguyễn Thị Lân mới tốt nghiệp), Lê Văn Long, Nguyễn Xuân Long, Trần Đức Mậu, Nguyễn Minh, Nguyễn Ngọc Mười, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Văn Phú, Vũ Công Thắng, Trần Đình Thắng, Trần Xuân Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Quang Trung, Kiều Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Vỵ…; và các nữ sinh Lưu Thị Thanh Hiền, Nguyễn Thị Thanh Hiền, Lưu Thị Hòa, Nguyễn Thị Huệ, Lê Thị Kha, Phạm Thị Khéo (em Phạm Văn Khu ở lớp trên), Nguyễn Thị (Thu) Lập, Đỗ Thị Lưu, Đỗ Thị Lý, Khuất Thị Lý, Nguyễn Thị Kim Ngân (em của Nguyễn Thị Hưng Nhân ở lớp trên), Tạ Thị Phận, Đỗ Thị Minh Phương, Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Thắng, Phạm Thị Tỵ, Bùi Thị Xuân …Trong số đó, Nguyễn Thị Thanh có khuôn mặt tròn phúc hậu với mái tóc tết đuôi sam trông ra dáng đàn chị được cử làm lớp trưởng, còn Nguyễn Thị Kim Ngân có thân hình to khỏe vượt trội đã trở thành Bí thư Chi đoàn; Trần Đức Mậu vóc người thấp bé luôn đi chân đất nhưng có đôi mắt sáng và học rất giỏi gây ấn tượng mạnh mẽ.

 Tại lớp 8A có cặp chị em Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Nguyễn Thanh Hùng (là em của Nguyễn Vinh Quang và Nguyễn Sơn Hà ở các khóa trước), các nam sinh Nguyễn Văn Trường (lớp trưởng), Hoàng Thạch Bàn (con thầy Hoàng Thạch Bình), Nguyễn Văn Độ… và các nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hà, Kiều Thanh Lâm (em Kiều Việt Phương ở khóa trước), Lưu Thị Liên, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thị Thu Thủy (hoa khôi xinh đẹp nhất trường, là con ông Nguyễn Văn Tám - kỹ sư hóa chất người Hà Nội).

Lớp 8B có Cao Xuân Đức (lớp trưởng), Phùng Đình Hòa, Phan Huy Sang (bí thư chi đoàn), Nguyễn Khánh Thường, Nguyễn Thị Liên (lớp phó), Nguyễn Thị Cẩm Nhung (luôn mặc quần “phăng” với sơ mi ngắn tay ra dáng gái Hà Nội gốc), Tạ Thị Vượng (sẽ trở thành lớp trưởng)…

8C có các cô gái Kim Thị Hòa Bình (con thầy Kim Ngọc Liên), Nguyễn Thị Hòa (lớp trưởng), Khổng Lệ Thi (em Khổng Phúc Khoa đã tốt nghiệp ra trường), Nguyễn Ánh Thu (con một nữ giáo viên trường PTC2 Việt Trì) cùng các chàng trai Nguyễn Văn Khẩn, Dương Lâm (em Dương Thị Tơ), Nguyễn Đức Mười, Mai Văn Vinh…

Khóa này cũng có nhiều cặp đôi yêu nhau và trong tương lại sẽ nên vợ nên chồng:  Nguyễn Khánh Thường - Nguyễn Thị Thắng, Phan Huy Sang - Kiều Thanh Lâm, Hoàng Đình Hưng - Lưu Thị Liên, Nguyễn Văn Khẩn - Nguyễn Thị Lương…; lại có bộ ba bạn gái thân thiết nổi bật là Thu Hà - Thu Lập - Thu Thủy.

  

 Đại hội Đoàn trường năm nay cho kết quả về một sự thay đổi trong Ban Chấp hành (BCH): anh Lê Văn Long - một đảng viên cương trực ngay thẳng được bầu làm Bí thư thay anh Từ Minh Cát giữ chức này đã quá lâu. Theo sự giới thiệu của anh Long, tôi cũng được bầu vào BCH để giữ nhiệm vụ ủy viên phụ trách công tác “văn-thể” (văn nghệ và thể dục thể thao-TDTT). Từ đó bắt đầu một tình bạn sâu đậm và bền lâu suốt đời giữa Lê Văn Long và Lê Vinh Quốc.

 Phát huy chức vụ mới của mình, tôi tổ chức một giải vô địch bóng đá cho học sinh toàn trường. Mỗi khối lớp hợp thành một “Bảng” thi đấu vòng tròn để chọn 3 đội nhất bảng vào đá chung kết cũng theo thể thức vòng tròn mỗi đội gặp nhau một lần để tìm ra nhà vô địch.

Giải đấu này đáp ứng đúng nguyên vọng  của học sinh nên các em hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt. Từ đó, sân vân động thành phố hầu như chiều nào cũng có một trận bóng đá của hoc sinh trường PTC3 Việt Trì do tôi hoặc anh Phan Xuân Minh (một cầu thủ giỏi của đội tuyển giáo viên toàn tỉnh) làm trọng tài. Có điều đáng nói là: anh Lê Diên Cố cùng tổ bộ môn TDTT của anh hoàn toàn đứng ngoài giải đấu này. Qua đó, tôi hiểu rằng mình đã sai lầm vì không bàn bạc trước với anh ấy và không báo cáo với chi bộ. Cũng may là anh Đạm cho phép tiến hành giải đấu như một “hoạt động tự phát” không có trong chương trình hành động của chi bộ nhưng “có tác dụng tốt”.

 Từ kết quả của giải đấu, tôi chọn ra những cầu thủ xuất sắc nhất của các lớp để thành lập đội tuyển bóng đá học sinh trường PTC3 Việt Trì, nhằm chuẩn bị tham gia giải bóng đá học sinh toàn tỉnh.

Giải bóng đá đã tác động tích cực đến việc học tập của học sinh một cách bất ngờ. Thường thì bon trẻ ham mê quả bóng tròn luôn lười học, để dành thời gian chơi với bè bạn cùng sở thích.  Nhưng giờ đây chúng đã chịu khó học hơn, vì sợ rằng nếu bị điểm kém sẽ bị thầy Quốc cấm tham gia giải đấu (tôi đã tuyên bố với chúng như vậy!).

 Lúc này, rạp chiếu bóng Long Châu Sa chiếu bộ phim lịch sử hoành tráng “Giải phóng” do Liên Xô sản xuất (gồm 5 tập) trình bày chiến công vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh tiêu diệt phát xít Đức. Tôi đã tổ chức mua vé tập thể cho học sinh toàn trường xem bộ phim này để phục vụ cho việc học tập chương “Chiến tranh thế giới thứ hai” mà tôi luôn giảng dạy với rất nhiều cảm hứng. Tiếp đó, tôi lại tổ chức cho các em xem phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” (cũng là phim nhiều tập do Liên Xô sản xuất) để phục vụ cho việc học về cuộc nội chiến Nga sau cách mạnh tháng Mười. Những bộ phim như vậy đã giúp cho học sinh của tôi ham mê để học tốt môn lịch sử.

 

 Như thường lệ, sau khi đã đề ra đường lối mới cho một lĩnh vực nào đó, Đảng luôn xây dựng một đơn vị “điển hình tiên tiến” hoạt động theo đường lối đó, để rồi “nhân điển hình” lên thành nhiều gương tốt khác cho toàn xã hội noi theo tạo thành một phong trào thi đua ngày càng lan rộng. Theo cách thức đó, khi đưa ra đường lối “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và thực tiễn xã hội” để đào tạo “con người mới XHCN”, Đảng đã xây dựng được một đơn vị điển hình tiên tiến là “Trường Thanh niên Lao động XHCN” tại tỉnh Hòa Bình. Báo chí và đài phát thanh ra sức tuyên truyền cho trường mới này để thay  cho “tiếng trống Bắc Lý” đã rộn vang một thời nay chỉ còn dư âm. Chính Bác Hồ lúc sinh thời và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã đến thăm nơi đây để cất lời ngợi khen điển hình tiên tiến này.

 Theo sự chỉ đạo của Ty Giáo dục, trường PTC3 Viêt Trì cử đoàn đại biểu đi tham quan học tập trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình: đồng chí Lê Văn Long - Bí thư Đoàn trường và đồng chí Lương Đăng Bát - Thư ký Công đoàn. Khi phái đoàn trở về, tôi gặp anh Lê Văn Long và được nghe anh kể tường tận về trường ấy.

 Hơn năm trăm nam nữ thanh niên, bao gồm cả người Kinh và người Mường, đa số đã quá tuổi học phổ thông nên trở thành học viên của trường. Họ được ở tập trung trong những chiếc lán dài cất đơn sơ bằng tranh-tre-nứa-lá (nam nữ ở riêng theo từng lán) và được sắp xếp vào các đơn vị như tổ chức quân đội: tiểu đội, trung đội và đại đội.

 Hàng ngày, mọi người được điểm tâm bằng khoai sắn rồi đi lao động theo nhiệm vụ đã được phân công. Có đơn vị đi phát hoang lấy đất trồng trọt; có bộ phận đi chăm bón những đồi sắn đang mọc xanh tốt, lại có những người đi nhổ sắn mang về từ những nơi sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch. Số sắn thu hoạch này được cắt lát phơi khô trao cho mậu dịch quốc doanh, để đổi lấy tiêu chuẩn lương thực-thực phẩm cung cấp cho nhà trường.

 Buổi trưa được nghỉ giải lao để mọi người ăn cơm độn sắn hoặc khoai với muối vừng hoặc một nhúm tôm tép kèm theo rau luộc chấm nước muối pha màu gọi là nước mắm (cuối mỗi tuần sẽ có bữa ăn với chút ít cá thịt để “tăng cường chất đạm”). Buổi chiều, cuộc lao động lại tiếp tục.

 Sau khi tắm rửa để ăn bữa chiều đạm bạc, moi người bắt đầu cầm đèn đi đến lớp học buổi tối do các giáo viên tình nguyện lên đây giảng dạy theo chương trình bổ túc văn hóa dành cho người lớn. Khi được hỏi: “Trong cuộc sống tập thể đông đúc như vậy, có lẽ quan hệ nam-nữ sẽ rất phức tạp?”; Ban Giám hiệu đáp rằng: “Chúng tôi cho học viên lao động liên tục từ sáng đến tối khiến chúng mệt nhoài, không còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện ấy! Thêm nữa, chi đoàn theo dõi rất sát sao nên chưa hề xảy ra một vụ quan hệ nam nữ bất chính nào!”.

 Thế là đã rõ, trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình đúng là điển hình tiên tiến để đào tạo “Con người mới XHCN” theo khuôn mẫu những người suốt đời cống hiến hy sinh cho Đảng, được Đảng nuôi bằng chính sức lao động của mình mà không màng đến bất cứ một nhu cầu cá nhân nào (khi ấy, tôi chưa biết đến thuật ngữ “con người công cụ” để chỉ đích danh mẫu người mà Đảng muốn tạo ra nhằm phục vụ cho xã hội được tổ chức theo kiểu “trại súc vật” như George Orwell đã mô tả). Tôi hỏi anh Long: “Vậy  ta học tập được gì ở gương điển hình tiên tiến này?”; anh trả lời: “Chẳng học được gì cả! Nếu tất cả các trường phổ thông đều tổ chức theo kiểu đó thì nền giáo dục sẽ sụp đổ!”.

 Nhưng thật trớ trêu, sau chuyến đi tham quan học tập ở Hòa Bình, chính Lê Văn Long lại được Ty Giáo dục Vĩnh Phú biệt phái đi xây dựng trường “Thanh niên Lao động XHCN” cho tỉnh nhà ở Cẩm Khê (một huyện miền núi Vĩnh Phú có hoàn cảnh tương tự như ở Hòa Bình). Mấy năm sau, anh Long quay trở lại Việt Trì mà chẳng xây dựng được gì ở Cẩm Khê; rồi chính ngôi trường “Thanh niên Lao động XHCN” nổi tiếng ở Hòa Bình cũng không tồn tại nữa, mà biến thành “Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hòa Bình”- một trường phổ thông bình thường cho học sinh người Mường ở nội trú.

 

 Rất may là chi bộ và Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm cũng không muốn làm theo gương điển hình tiên tiến ở tỉnh Hòa Bình, nên trường PTC3 Việt Trì vẫn thực hiện đường lối giáo dục mới qua những buổi lao động của học sinh tại chiếc lò gạch cũ của HTX Sông Lô.

 Trong nghề làm gạch này, lớp 8B của tôi có ưu thế đặc biệt là cơ thể to lớn của Bí thư Chi đoàn Nguyễn Thị Kim Ngân rất thích hợp với việc dẫm đạp để nhào trộn đất sét làm nguyên liệu đóng gạch. Có lẽ nhờ đó mà lớp luôn đạt năng suất lao động cao với số lượng gạch đóng được rất nhiều và  chất lượng tốt.

 Trong lúc hăng say giảng dạy và lao động cùng các khóa học sinh hiện hành, tôi nhân được những tin tốt lành từ các cựu học sinh của trường: Trần Mạnh Dũng đã trở thành sinh viên Đại học Giao thông Vận tải, Lê Văn Giao thi đậu vào Đại học Bách khoa, Nguyễn Thị Nghi được đi du học về Y khoa tại Ba Lan… Riêng Dương Thị Tơ đã đi du học tại Liên Xô và thật may mắn được vào đúng trường Đại học Tổng hợp Taskent - nơi em Hùng tôi cũng đang theo học. Thế là Tơ đã được gặp Hùng và trở nên ngày càng thân thiết với tôi. Em và tôi thường xuyên gửi thư và tặng ảnh cho nhau. Ngắm Tơ điệu đà với chiếc áo cổ lá sen và chiếc nón lá nghiêng che trong bức ảnh mà em gửi tặng, tôi cảm nhận được rằng tình cảm giữa em và tôi đã vượt quá tình nghĩa thầy trò.

 Trở lại với các bạn đồng nghiệp, chúng tôi xôn xao bàn tán về tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương (người thư ký thân cận của thủ tướng Phạm Văn Đồng) do Nhà xuất bản Văn học mới xuất bản:

 

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương

Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa

Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường.

 

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ

Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao.

 

(Trích bài “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”)

 

Tập thơ này cho thấy tác giả của nó đã từ bỏ cái ảo tưởng về “thiên đường cộng sản” để giúp độc giả trở về với hiện thực sinh động trên mặt đất mà tìm ra con đường phát triển mới cho đất nước. Chính vì vậy, “Cửa mở” đã bị các nhà tuyên huấn của Đảng và những kẻ “ăn theo nói leo” đánh tơi bời trên văn đàn đương thời; nhưng Việt Phương vẫn tồn tại vững bền trong lương tri dân tộc.

 

 Cuối năm 1970 sang năm mới 1971, học kỳ I đi dần đến kết thúc bằng một kỳ thi có kết quả tốt. Riêng về môn sử, mặc dù tôi ra đề không dễ, lại còn phân biệt 2 đề “chẵn-lẻ” (theo số thứ tự chỗ ngồi của học sinh trong lớp) để ngăn chặn nạn quay cóp, vậy mà đa số học sinh vẫn làm được bài, trong đó các em dẫn đầu đạt điểm 9 là Trần Đức Mậu (8D), Đinh Tiến Hà (9C) và Lê Triều Sâm (10B).

 Theo lịch công tác của trường, tôi tổ chức một cuộc họp phụ huynh học sinh lớp 8D vào ngày chủ nhật 17-1. Ghi sẵn trên bảng đen tên các học sinh giỏi của lớp là Trần Đức Mậu, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Ngọc Long; tôi báo cáo tường tận tình hình và kết quả học tập của từng học sinh trong lớp, phát “Sổ liên lạc nhà trường và gia đình” (đã phê đầy đủ) cho tất cả các vị phụ huynh rồi trao đổi với những vị có ý kiến về con của họ. Sau cùng, tôi nhắc nhở các vị đóng học phí cho con (19đ 20 mỗi em một năm học, con liệt sĩ được miễn, con thương binh được giảm theo tỷ lệ thương tật của cha mẹ, gia đình có 3 con trở lên được giảm 1/3 học phí cho mỗi đứa). Cuộc họp kết thúc trong không khí vui vẻ. Mấy ngày sau, tôi lên đường về Hà Nội để tận hưởng kỳ nghỉ tết nguyên đán Tân Hợi cùng gia đình (từ 23-1 đến 30-1).

 Sau tết bắt đầu học kỳ II, trường PTC3 Việt Trì được đón đoàn giáo sinh ĐHSP Hà Nội I về thực tập. Tôi được phân công hướng dẫn 2 nữ giáo sinh thực tập môn sử. Một trong hai người ấy là cô Nguyễn Thị Đảm, sau này sẽ trở thành cán bộ giảng dạy có uy tín của khoa Lịch sử trường ĐHSP Vinh.

 Cùng lúc đó, tôi bất ngờ nhận được “Đơn xin khất tiền học phí” (đề ngày 8-2-1971) của ông Nguyễn Long - cán bộ Ty Văn hóa Vĩnh Phú, là cha của cặp chị em Nguyễn Thị Thanh - Nguyễn Trọng Bình. Sau khi xưng danh với lời lẽ trang trọng “Kính gửi ông Chủ nhiệm lớp 8D cấp III trường fổ thông Việt Trì”, đơn viết:

          “Tôi hồi giáp tết nguyên đán bị ốm trên hai tháng, nằm ở An dưỡng nên sự tiêu fa chi phí tốn kém. Kèm vào đó lại phải đóng vừa tiền Xây dựng vừa học phí cho 1 cháu Vỡ lòng 11đ 40, cháu học lớp 6 hết 9đ 00, nên 2 cháu Thanh + Bình chưa đóng học phí được. Vậy làm đơn này đề nghị nhà trường cho được khất tiền học phí 2 cháu một thời gian tôi sẽ đóng. Mong nhà trường chiếu cố cho. Kính xin [đã ký: Nguyễn Long]”.

 Lá đơn này đã cho thấy hoàn cảnh khó khăn của đa số phụ huynh học sinh, kể cả các vị là cán bộ nhà nước, trong việc lo học phí cho con em họ. Tôi bỗng phải suy nghĩ: Đảng vẫn tuyên truyền về “2 bông hoa của chế độ XHCN” là đi học và chữa bệnh không mất tiền (mà thời tôi đi học thì quả thực phụ huynh chỉ phải đóng rất ít tiền gọi là “nguyệt liễm”); vậy sao giờ đây lại phải thu học phí như thế này? Ý nghĩ ấy thúc đẩy tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Long để hiểu rõ tình hình. Quả thật, lương và phụ cấp thương binh của ông không quá 73đ, thêm lương nhân viên của bà vợ ông chưa đến 50đ lại phải trừ đi chi phí chữa bệnh dài ngày cho ông, thì không thể kham nổi việc nuôi ăn cho cả đàn con 5 đứa, lại thêm học phí của 4 con cùng một lúc (chưa kể tiền mua sách vở giấy bút). Trong hoàn cảnh như vậy, hai em Thanh-Bình đã từng xin bố mẹ cho thôi học, để nhường việc học cho các em nhỏ.

 Thế là tôi quyết định đi rút tiền tiết kiệm của mình để tạm ứng học phí cho Thanh và Bình, để hai em được khất cho đến khi gia đình có thể đóng được khoản tiền đó.  

 

 Sau dịp nghỉ tết nguyên đán Tân Hợi 1971, tại Việt Trì đã xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết khá nghiêm trọng. Do đó, mọi người ngủ phải mắc màn cẩn thận cả đêm lẫn ngày để đề phòng loài muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh; trong khi các đội vệ sinh phòng dịch đi khắp nơi phun thuốc tiêu diệt chúng. Cũng như mọi giáo viên trong trường, tôi cùng anh Minh với Hoài Nhơn ở chung phòng đã phòng bệnh rất kỹ lưỡng; nhưng không hiểu vì sao riêng anh Minh lại bị nhiễm bệnh. Sau một đợt điều trị sốt xuất huyết, dường như anh vẫn bị di chứng kéo dài về tim mạch với những cơn hồi hôp do rối loạn nhịp tim thường xuất hiện về đêm. Mỗi lần anh lên cơn hồi hộp, tôi lại phải đi bộ qua quả đồi phía bên kia trường để mời bác sĩ Mai - một phụ huynh học sinh của trường - đến khám bệnh phát thuốc cho anh. Hiện tượng này tái phát mãi không dứt khiến anh không thể giảng dạy, phải làm đơn xin phép trường cho nghỉ công tác để về quê an dưỡng. Nhiều người cho rằng anh bị “bệnh tưởng”; có kẻ còn đoán anh cố ý giả bệnh để có lý do xin chuyển về quê (vì anh Minh luôn bày tỏ nguyện vọng được về quê sau 8 năm công tác tại Việt Trì, nhưng cấp trên không cho phép). Tôi chẳng biết thực hư thế nào, nhưng luôn tận tình giúp đỡ anh.

Kết quả là đơn của anh đã được hiệu trưởng chấp thuận; và vợ anh từ quê nhà Hà Đông lên đón anh về. Tôi đi theo tiễn hai anh chị ra ga Việt Trì để lưu luyến tạm biệt người bạn lớn tuổi hơn đã gắn bó với mình suốt 3 năm tại vùng đất này. Từ đó, tôi không còn dịp nào được gặp lại anh Nguyễn Văn Minh nữa.

Sau vụ anh Minh rời khỏi Việt Trì, lại đến việc anh Kiều Khanh cưới vợ làm xôn xao dư luận trong trường. Là con ông chủ tịch Kiều Hiển lại luôn ăn mặc đỏm dáng với tác phong lịch thiệp, anh Khanh có biệt danh là “Kiều Công Tử”. Vậy mà anh quyết tâm cưới chị Thành, một nhân viên cấp dưỡng tầm thường lại đã có con riêng. Không ai hiểu nguyên nhân nào dẫn đến mối tình giữa Kiều Công Tử với chị Thành cấp dưỡng; chỉ biết rằng đôi vợ chồng ấy có cuộc sống hạnh phúc lâu bền.

 

 Khi anh Minh chia tay với trường này cũng là lúc tất cả các giáo viên sống trong tòa nhà chính của trường đều phải trả lại phòng mình ở để dành cho các lớp học. Mọi người được chuyển xuống ở tại dãy nhà tập thể mới dựng bằng tranh-tre-nứa-lá bên sườn đồi nhìn xuống một hồ nước cạn với sen súng cỏ lác mọc đầy; lại có một giếng nước ở gần bờ hồ với “phòng tắm” quây bằng cót bên giếng và một “hố tiểu” cũng được che chắn bằng cót (còn “nhà tiêu” thì lại ở chân đồi phía bên kia).

 Tại dãy nhà này, tôi được phân một phòng khoảng 12 mét vuông để có thể sống và làm việc thoải mái với đủ bộ bàn ghế, giường chiếu và chỗ dựng xe đạp. Học sinh thường đến giao tiếp với tôi tại đây khi các em cần hỏi bài hoặc bàn bạc về giải bóng đá đang được tiến hành. Đã có lúc phòng này trở thành một “xưởng in” khi tôi cho làm bộ áo thi đấu cho đội tuyển bóng đá trường PTC3 Việt Trì. Để có được chiếc áo đấu cho mình, mỗi tuyển thủ đã nộp cho thầy Quốc một chiếc áo dệt kim “Đông Xuân” ngắn tay cổ tròn màu trắng. Tất cả các áo đó được mang đi thuê nhuộm thành màu đỏ; nhưng lại không có chỗ in thuê số áo và tên hiệu đội bóng. Thế là tôi phải nghĩ cách để tự in áo cho các em. Đến bệnh viện xin được những tấm phim chụp “X Quang” phế thải, tôi tỉ mẩn cắt thủng từng tấm phim thành chữ số cần có, rồi mua hộp sơn đen kèm bút sơn mang về, và gọi các em đến phòng mình để bắt đầu in số áo. Đặt tấm phim lên lưng áo làm khuôn, các em cầm bút bôi sơn vào con số thủng trong đó để chữ số màu đen được in đậm nét lên áo đỏ. Áo in xong đem phơi; thế là mỗi tuyển thủ đã có chiếc áo đấu của mình đem về. Mang theo “màu cờ sắc áo” này, tôi đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá học sinh trường PTC3 Việt Trì đi du đấu tại các trường bạn trong tỉnh: PTC3 Hùng Vương, PTC3 Vĩnh Tường…

 

 Ngoài sở thích với bóng đá, tôi còn có một thú vui khác được tận hưởng ở đây. Trường có 4 khẩu súng thể thao Toz8 với số lượng đạn rất phong phú do chính hiệu trưởng quản lý để huấn luyện quân sự cho học sinh. Anh Đạm liền dùng ngay số súng đạn đó để đi săn bắn chim. Phát hiện ra tôi cũng có tài bắn súng, anh liền rủ tôi cùng tham gia cho vui. Thế là mỗi khi rảnh rỗi, anh  đưa cho tôi một khẩu súng với 10 viên đạn, để cùng với anh chia làm 2 đường đi săn bắn. Nhờ những chuyến đi thú vị đó, tôi đã có dáng vẻ một tay thợ săn thực thụ. Hiểu rõ tập tính của nhiều loài chim, từ chim cu gáy thường nấp kín trên các cây cao đến chim sâm cầm hoặc loài le le kiếm ăn trên các đầm nước, tôi biết cách tìm ra từng con một để bắn hạ chúng. Có buổi mang đi 10 viên đạn, tôi mang về đủ 10 con chim trúng đạn, giao chúng cho chị Thọ làm thịt để cải thiện bữa ăn tập thể. Anh Đạm bắn cũng rất giỏi nên thường mang về nhiều chiến lợi phẩm chẳng kém gì tôi.

 Cùng với tài săn bắn chim, anh Đạm còn có năng lực phi thường trong việc săn tìm các nữ đồng nghiệp ở trường để đáp ứng nhu cầu tình dục của thầy hiệu trưởng. Phòng làm việc của anh luôn luôn được cấu tạo thành 2 gian kế tiếp nhau qua một cánh cửa che bằng tấm rèm vải. Gian ngoài treo cờ biển thi đua rực rỡ để kê bàn giấy có tượng Bác Hồ bằng thạch cao đặt uy nghi trên đó; còn gian trong kê chiếc giường cá nhân có đủ chăn gối làm chỗ nghỉ trưa cho hiệu trưởng.

Cô giáo nào lọt vào mắt mình sẽ được anh mời lên làm việc với hiệu trưởng vào những giờ thích hợp; rồi từ cuộc đối thoại công khai ở gian ngoài, cô được anh đưa vào gian trong để làm tiếp việc bí mật chỉ hai người biết với nhau. Trong số các nữ giáo viên được hiệu trưởng quan tâm như vậy, có người thuận tình và cũng có người phải miễn cưỡng chấp thuận, nhưng hầu hết họ đều biết im lặng để giữ thể diện và quyền lợi cho mình.

Dư luận thì thầm bàn tán rất nhiều về đạo đức đảng viên của hiệu trưởng, nhưng không ai dám tố cáo sự “hủ hóa” đó, vì khó có dịp bắt quả tang thủ trưởng trần truồng đang hành sự trên giường với nữ đồng nghiệp - kỹ sư tâm hồn, và cũng vì sợ uy danh rất lớn của hiệu trưởng có ông anh ruột là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Không ai biết chắc rằng hiệu trưởng đã săn bắt được bao nhiêu con mồi; tuy nhiên, ngoài việc liên quan đến chị Hoàng Bảo Quân (đã đi khỏi trường), vụ chị Vũ Kim Hường (vợ anh Nguyễn Bá Hạnh) có quan hệ bất chính với hiệu trưởng được rất nhiều người biết. Mặc dù anh chị Hạnh-Hường đã có hai con trai kháu khỉnh (được gọi là Cò Cương và Cò Cường theo biệt danh của bố là “Cò Hạnh”), mọi người cho rằng chính anh Hạnh cũng biết vợ mình có quan hệ thế nào với hiệu trưởng, nhưng anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt để cố giữ cho gia đình được yên ấm và bảo vệ con đường tiến thân cho mình. Có lẽ nhờ đó mà Nguyễn Bá Hạnh vinh dự được kết nạp Đảng để có thể “cùng nhau tiến theo cờ Đảng ta”- như lời bài hát do chính anh sáng tác.

 

Các Bài viết khác