NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU- Chương 12, Phần 6

( 30-08-2017 - 02:17 PM ) - Lượt xem: 1095

Uất hận dâng trào thành nộ khí xung thiên, tôi trút giận vào cái kỷ vật của mối tình suốt 5 năm trời bằng cách xé tan tành tất cả các trang sách chứa đựng những mẫu thêu trong đó, từ trang đầu đến trang cuối, xé tan cả lá thư cuối cùng của mình, rồi nhét cả đống giấy vụn ấy vào túi để trả lại cho Thiên Hương.

 6. Cuộc chia tay bất ngờ

 

Một di sản nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh là câu nói “Muốn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, trước hết cần có những con người Xã hội Chủ nghĩa” (được phát ngôn từ năm 1961“đỉnh cao muôn trượng” theo lời thơ Tố Hữu và cũng là năm mà Bác còn nắm quyền lực tối cao trong Đảng và nhà nước). Câu này luôn được trình bày trang trọng bằng chữ vàng trên nền đỏ trong những tấm biểu ngữ lớn treo trên hội trường của tất cả các trường học phổ thông và đại học ở nước Việt Nam DCCH, để trở thành một luận điểm của triết lý giáo dục nhằm tạo nên “Con người mới XHCN”.

 Tuy nhiên, chỉ cần đối chiếu với triết học Mác-Lênin về con người trong xã hội, ta sẽ thấy triết lý của Bác là hoàn toàn sai trái. Marx khẳng định: “Bản chất của con người là sự tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”; có nghĩa là: xã hội như thế nào thì có con người như thế ấy, không thể tạo ra con người tách rời khỏi hoàn cảnh xã hội. Lenin còn nói rõ hơn: “Chúng ta có thể (và phải) bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải với cái nhân lực tưởng tượng hay do chúng ta đặc biệt tạo ra để dùng vào việc xây dựng đó, mà với cái nhân lực do chủ nghĩa tư bản đã để lại cho chúng ta”. Ông còn nhấn mạnh rằng:  mọi ý tưởng nhằm tạo ra “những con người đặc biệt có đức hạnh được nuôi dưỡng trong những nhà kính và lồng ấm đặc biệt” đều chỉ là thứ “CNXH không tưởng”. Vậy, khi đặt “con người XHCN” là điều kiện “trước hết cần có” để dùng cho việc “xây dựng CNXH”, Hồ Chí Minh đã lộn ngược triết học Mác-Lênin về vấn đề này, tức là đã lấy chủ nghĩa duy tâm chủ quan thay cho chủ nghĩa duy vật khách quan, hoặc nói theo kiểu dân gian: Bác đã “đặt cái cày trước con trâu”. Một luận điểm triết lý như vậy dĩ nhiên không có giá trị, nó chỉ chứng tỏ rằng chính Bác cũng chưa hiểu CNXH là gì và nó sẽ hình thành như thế nào để có “con người mới XHCN” theo nhận thức của Mác-Lênin.

 Khi nghe tôi phân tích luận điểm triết lý của Hồ Chí Minh như trên, có người hỏi văn tôi: “Bác Hồ là lãnh tụ tối cao sáng suốt của Đảng ta, lẽ nào Người lại mắc sai lầm sơ đẳng như vậy?”. Tôi giải thích: Bác rất sáng suốt trong các hoạt động chính trị dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của quá trình đấu tranh cách mạng và lý thuyết cách mạng đã học được từ trường Đảng Phương Đông của Stalin ở Liên Xô; nhưng khi đã đề cập một vấn đề triết học thì kinh nghiệm đấu tranh và lý thuyết cách mạng không có tác dụng bao nhiêu, vì nó đòi hỏi những kiến thức hàn lâm của những nhà triết học chuyên nghiệp. Theo đó, chàng học sinh Tiểu học Nguyễn Tất Thành (sẽ trở thành Bác Hồ) không thể sánh đươc với Cử nhân Triết học Vladimir Ilich Ulianov (tức Lenin sau này) và với Tiến sĩ Triết học Karl Henrich Marx (nước ta có Thạc sĩ Triết học marxist Trần Đức Thảo để sánh với các vị đó, thì ông lại bị Đảng-Bác loại ra khỏi đời sống xã hội). Trình độ của Bác Hồ có phần gần gũi với trình độ của Bác Mao - người luôn căm thù trí thức và là tác giả đường lối xây dựng CNXH ở nước Tàu qua các phong trào Đại nhảy vọt, Toàn dân làm gang thép, Công xã Nhân dân, Toàn dân diệt chim sẻ cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản.

 Sai lầm trong luận điểm triết lý của Bác rất dễ nhận ra; vậy mà tuyệt nhiên không có ai dám phản biện nó. Mặc dù không ai biết làm cách nào để tạo ra con người mới XHCN trước khi có CNXH, toàn thể đảng viên từ dưới lên trên, kể cả các nhà nghiên cứu lý luận ở trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ-nhà lý luận-Bí thư Trung ương Đảng Tố Hữu cho đến Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn, tất cả đều đồng tâm nhất trí ca ngợi và nghiêm túc tuân thủ luận điểm đó của Bác để chỉ đạo công cuộc đào tạo “con người mới XHCN” nhằm xây dựng cái “Thiên đường của các con tôi” (như Tố Hữu đã miêu tả).

 Chính là từ luận điểm này của Bác mà Đảng ta, qua sự chấp bút của đồng chí Tố Hữu, đã đề ra đường lối giáo dục mới với 7 chữ “Đức-Trí-Kỹ-Lao-Quân-Thể-Mỹ”. Quán triệt đường lối đó, Trường PTC3 Việt Trì quy định mỗi học sinh phải sắm một cây súng gỗ và một vòng lá ngụy trang để tập quân sự theo thời khóa biểu hàng tuần (tức là thực hiện chữ “Quân”); đồng thời, trường liên hệ với HTX nông nghiệp Sông Lô để đưa học sinh các lớp đến đó lao động tại lò gạch của HTX để học tập kỹ thuật đóng gạch bằng đất sét (theo chữ “Lao” và chữ “Kỹ”).

 

Mỗi tuần hai lần, tôi phải đưa học học trò của mình đến cái lò gạch của HTX Sông Lô để nhào đất, đóng khuôn rồi phơi gạch trước khi đưa vào lò nung bằng củi đốt. Mỗi lần như thế, tôi lại phải bận tâm suy nghĩ về vấn đề này: phải chăng lao động thủ công (mà dân gian gọi là việc “thổ mộc”) với kỹ thuật cổ xưa tại cái lò gạch cũ này sẽ tạo nên “con người mới XHCN”? Câu trả lời của tôi là: Không! Tôi chỉ thấy việc này làm tốn kém  thời gian và công sức của học sinh, khiến cho chất lượng dạy học trong trường bị suy giảm do hoc sinh thiếu thời gian học và thầy cô cũng thiếu thời gian dành cho bài vở, mà chẳng thu được kết quả gì ngoài một đống gạch nung kém chất lượng so với gạch do chính nông dân sản xuất. Nhưng để bù vào đó, trường PTC3 Việt Trì đã được cấp trên khen thưởng về thành tích “tích cực và sáng tạo thực hiện đường lối giáo dục mới của Đảng”, còn HTX Sông Lô thì có thêm những người lao động không phải trả công.

 Trong một lần đi lao động cùng với lớp 10A của mình, Dương Thị Tơ - nữ sinh xuất sắc nhất lớp - cùng một nhóm bạn nhận nhiệm vụ nhào trộn đất để chuẩn bị cho các bạn khác lấy nó làm nguyên liệu đổ khuôn đóng gạch. Nhiệm vụ này rất nặng vì phải dùng chân dẫm đạp từng đống đất sét lớn cho đến khi nó trở nên thật nhuyễn và mịn. Và thật bất ngờ, Tơ đã đạp trúng một mảnh chai lẫn trong đất sét khiến chân em chảy máu. Nhớ lại cái chết thương tâm của bạn nhỏ Diên Hồng (học trò cưng của má tôi ở thị xã Thanh Hóa) do dẫm phải mảnh chai dưới bùn mà bị sài uốn ván, tôi vô cùng lo lắng cho vết thương của cô học trò cưng của mình. Thế là tôi cùng đi với thầy chủ nhiệm lớp 10A đưa Tơ đến Bệnh viện Việt Trì để sát trùng và băng bó vết thương. Những ngày sau đó, tôi thường xuyên thăm hỏi em về tình hình sức khỏe. Rất may là em đã tai qua nạn khỏi.

 

 Sau một năm tích lũy kinh nghiệm và để lại được rất nhiều bản đồ cùng các loại giáo cụ trực quan khác, trong năm học này tôi giảng dạy nhẹ nhàng mà lại có hiệu quả hơn năm ngoái. Nhận đươc một số sách giáo khoa phổ thông của Liên Xô do em Hùng gửi về, tôi quyết định dịch sang tiếng Việt cuốn “Lịch sử Cận đại” của A. V. Efimov (dành cho học sinh lớp 8) để mở mang kiến thức, học tập phương pháp giảng dạy trong đó, và nhất là để nâng cao trình độ tiếng Nga cho mình. Mới dịch được 5 trang của phần mở đầu sách thì năm mới 1970 đã đến, rồi Học kỳ I đã kết thúc êm đẹp và tôi lại đón chờ Thiên Hương để cùng nàng về thủ đô nghỉ Tết Canh Tuất.

 Được về quê ăn tết cùng người yêu trên chiếc xe đạp mới của mình thì còn hạnh phúc nào bằng! Nhưng đến hẹn lại không thấy nàng lên, tôi cố nán lại đợi thêm một ngày nữa, rồi đành một mình một xe ra ga mua vé tàu xuôi về Hà Nội với tâm trí ngổn ngang lo lắng về nàng. Ra khỏi ga Hà Nội với chiếc xe đạp và bọc hành lý, tôi phóng thẳng về 58 Hàng Chuối để tìm hiểu tình hình. Ra mở cửa cho tôi vẫn là dì Phương dịu hiền nhân hậu: “Quốc vào đi cháu, Hương đang ở nhà đấy!”. Gặp tôi, nàng thanh minh ngay về sự lỡ hẹn của mình: “Nhà có việc gấp nên mẹ sai em Thắng lên đón Hương về sớm mà không kịp báo cho Quốc; Hương thành thật xin lỗi!”. Thì ra thế - tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhớ lại thời sinh viên ở Hưng Yên: đã có lần nàng đột ngột về Hà Nội ngay trong đêm tối mà không cho mình biết, khiến tôi nghi ngờ về một cuộc ái ân đột xuất giữa nàng với người tình cũ, nhưng hóa ra lại không phải vậy. Tâm hồn Thiên Hương vốn có nhiều bí ẩn dẫn tới hành động bất ngờ; nhưng dù sao thì nàng vẫn là người yêu quý của tôi. Nghĩ thế, tôi yên tâm hẹn với nàng về kế hoạch vui tết năm nay của hai chúng mình, rồi ung dung đạp xe về nhà mình.

 Tiêu chuẩn hàng Tết năm nay vẫn y như năm trước, nên việc ăn Tết cũng không khác bao nhiêu so với trước. Nhưng trong dịp Tết năm nay mọi người có vẻ ăn mặc đẹp hơn với những bộ com lê len dạ sánh vai với áo dài kèm theo áo len áo vét sang trọng phù hợp với tiết trời lạnh giá lất phất mưa xuân, để dạo quanh Bờ Hồ với những dãy đèn điện lung linh muôn màu sắc hoặc xem biểu diễn văn nghệ đón giao thừa. Đúng 12 giờ đêm, pháo nổ vang trời thủ đô trong khi Quốc ca nổi lên hùng tráng. Mọi người được nghe thư chúc mừng năm mới do tân Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tức Bác Tôn đọc rất chậm trên đài phát thanh, thay cho thơ chúc Tết của Bác Hồ từ nay không còn nữa.

 Ngày  mùng Một và hôm mùng Ba tết, cũng như năm ngoái, tôi lại cùng Thiên Hương đi chúc tết bố mẹ, họ hàng thân nhân của hai đứa, rồi đến thăm các thầy cũ cùng các bạn cũ của mình. Nhưng trong những ngày vui này, tôi cảm thấy Thiên Hương có điều gì đó băn khoăn vướng mắc trong tâm trí nên trông nét mặt của nàng kém vui. Ngay cả khi ba má tôi nhắc lại với nàng một câu đã nói từ tết năm ngoái: “Khi nào thuận tiện, cháu cho hai bác biết để có thể đến thăm bố mẹ ở nhà nhé!”, nàng cũng chỉ đáp một cách hững hờ: “Vâng ạ, xin hai bác để cháu thu xếp!”. Tôi cảm thấy buồn vì mình không thể khám phá nổi tâm hồn bí ẩn của nàng. Chẳng lẽ nàng lại lo cho số phận của người yêu cũ, trong khi chiến trường miền Nam hiện thời đang yên tĩnh?

 Khi Thiên Hương kém vui trở về nhà nàng, tôi một mình đến thăm người bạn mới là anh Chu Nhật Hoàn, một chàng trai Hà Nội thông minh hoạt bát ở ngôi nhà nhỏ trên phố Nam Đồng, nơi anh đã cư ngụ lâu năm cùng người cha già hiền hậu và hai bà chị gái rất tốt bụng nhưng lại muộn chồng. Là cựu sinh viên khoa Nga trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội-tức là học trò cũ của ba tôi, nay anh trở thành đồng nghiệp của tôi tại trường PTC3 Việt Trì. Bởi thế nên hai chúng tôi dễ dàng trở thành bạn thân để nói với nhau đủ mọi chuyện trên đời.

Ngồi bên Thiên Hương trên tàu hỏa để cùng nhau trở lại Vĩnh Phú sau Tết, tôi hỏi nàng: “Hương có gì buồn phiền, kể cho Quốc biết với?”. Nàng không nhìn tôi mà đáp: “Sao Quốc lại hỏi thế? Chẳng có gì đâu, đừng suy nghĩ lung tung!”. Nhưng tôi chưa bỏ cuộc: “Quốc thấy Hương đang có điều gì đó bí ẩn!”. Nàng nửa đùa nửa thật: “Tại Quốc là người trên trời rơi xuống nên thấy thế thôi!”. Có lẽ nàng nói đúng?

Xuống tàu tại ga Bạch Hạc, tôi lấy xe đạp đèo Thiên Hương về Văn Quán, ở lại với nàng qua một đêm yên tĩnh nhưng hai đứa vẫn không được ngủ chung. Sáng hôm sau, tôi thong thả đạp xe về Việt Trì.

 

 Trong suốt học kỳ II, Thiên Hương hầu như không sang thăm tôi tại Việt Trì, mà chỉ có tôi sang thăm nàng ở Văn Quán. Có lẽ thế cũng phải: tôi có xe đạp mới, còn Hương không có xe đi vì nàng đã mang chiếc “Phượng Hoàng” về Hà Nội trả lại cho cậu Hậu trong dịp tết vừa qua. Số lần gặp gỡ giữa hai chúng tôi ngày càng giảm sút; nhưng do công việc chuyên môn và công tác chủ nhiệm cuốn hút, tôi không nhận thấy sự giảm sút đó là điều gì đáng lo ngại. Khi ấy, tôi lại nhận đươc cuốn “Kutuzov” của Mikhail Braghin (thuộc loại sách “Cuộc đời các danh nhân” của Liên Xô) do em Hùng gửi về. Đã từng say mê bộ sách viết về Napoleon Bonaparte của Tarle, nay lại có trong tay cuốn sách viết về vị thống soái Nga đã đánh bại vị Hoàng đế lừng danh ấy của nước Pháp, nên tôi vô cùng thích thú sách này. Thế là tôi tạm ngưng việc dịch cuốn sách giáo khoa của Efimov để chuyển sang dịch “Kutuzov”.

 Buổi sáng một ngày cuối tháng 3, cán bộ phụ trách hai môn sử và địa của Ty Giáo dục là anh Nguyễn Đình Thám đến dự giờ của tôi tại lớp 10A. Hôm ấy, tôi dạy một bài thuộc giai đoạn Kháng chiến chống Pháp: “Chiến thắng Hòa Bình và Đông- Xuân 1951-1952”. Dựa trên tấm bản đồ về Chiến dịch Hòa Bình được vẽ kỹ lưỡng từng địa điểm đã diễn ra chiến sự dọc theo Sông Đà và đường số 6, tôi tường thuật tỉ mỉ và sinh động diễn biến chiến dịch, có minh họa bằng sự kiện anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng trên đường số 6. Tiếp đó, sử dụng bản đồ “Hình thái chiến trường Bắc Bộ trong Đông-Xuân 1951-1952”, tôi dùng một hệ thống câu hỏi để hướng dẫn hoc sinh phân tích kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Hòa Bình. Học sinh hăng hái thi nhau phát biểu; trong đó nổi bật là ý kiến của Dương Thị Tơ cho thấy chiến thắng này đã phá vỡ “Hành lang Đông-Tây”  của tướng Đờ Lát Đờ Tát-xi-nhi nhằm bao vây căn cứ địa Việt Bắc của ta, đồng thời chọc thủng hệ thống “vành đai trắng” nhằm bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ của địch.

 Kết thúc giờ học, anh Thám đến bắt tay tôi và khen: “Mình rất hài lòng với tiết dạy này của Quốc! Thầy giỏi và trò cũng giỏi; bây giờ mình mới hiểu tại sao Quốc được chọn tham gia màng lưới giáo viên tích cực của tỉnh.” Thật sung sướng khi đươc nghe một người am hiểu chuyên môn đánh giá đúng khả năng giảng dạy của mình. Là môt giáo viên cũ ở Hà Nội được Ty Giáo dục Vĩnh Phú lưu dụng, anh Nguyễn Đình Thám có trình độ chuyên môn sâu sắc và cách cư xử lịch thiệp đậm chất trí thức. Kể từ ngày ấy, giữa tôi và anh có một tình bạn đồng nghiệp lâu bền.

 

 Trong niềm vui thường trực nhờ những thành công về công tác chuyên môn, vào một ngày chủ nhật đẹp trời tôi lại đạp xe sang Văn Quán thăm Thiên Hương. Nhưng thật bất ngờ, hôm ấy nàng không có mặt ở trường, mà chỉ để lại một mẩu thư với một câu ngắn ngủi: “Xin lỗi Quốc, Hương có việc gấp phải về Hà Nội, hẹn  khi khác chúng mình gặp nhau”. Hỏi anh Hùng có biết về chuyến đi của Hương? Anh ấy cũng chỉ lắc đầu: “Cô ấy đi từ sớm, chỉ nhờ mình chuyển thư này cho Quốc mà không cho biết là đi vì việc gì!”. Rồi anh nồng nhiệt mời tôi ở lại chơi với các bạn ở đây; nhưng tôi còn bung dạ nào để ở chơi với các bạn được nữa. Chào tạm biệt anh Hùng, tôi tức tốc đạp xe trở về.

 Hồi tưởng lại những biểu hiện khác lạ của Thiên Hương trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, tôi nhận ra rằng nàng đã có nỗi lòng trăn trở từ lâu về cuộc tình với tôi; và giờ đây bằng mẩu thư này, nàng đã nói lời chia tay tôi thực sự (còn “việc gấp” với “ hẹn khi khác” chỉ là cái cớ tạo ra để trấn an mình). Tôi cảm thấy dường như mình bị sét đánh giữa trời quang khiến cho đầu óc quay cuồng. Không thể tin được rằng đây là sự thật: một mối tình êm đẹp suốt bấy nhiêu năm, sao bỗng nhiên lại tan vỡ như vậy? Câu hỏi “tại sao?” cứ trở đi trở lại trong tâm trí, mà tôi không thể tìm được câu trả lời. Trong nghề nghiệp của mình, tôi đã tìm được vô số nguyên nhân của các sự kiện lịch sử. Nhưng trong trường hợp này, tôi đành chịu không thể tìm được lời giải đáp, vì nó nằm trong tâm hồn bí ẩn của Thiên Hương; mà nàng sẽ chẳng bao giờ nói ra! Đó mới chính là điều khiến tôi đau khổ nhất.

 Tự kiểm điểm bản thân, tôi lại càng không hiểu mình đã có sai lầm gì để cuộc tình này đi đến kết thúc bất ngờ như vậy. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi đầm đìa ứa ra. Không chịu nổi  nỗi đau khổ một mình, tôi phải đưa anh Minh xem mẩu thư của nàng và kể lại cho anh diễn biến sự tình đã xảy ra. Ngẫm nghĩ một lúc, anh khuyên tôi bình tĩnh tìm hiểu lý do vì sao có bức thư này để có cách cải thiện quan hệ với Hương, vì “thư này chưa phải là tuyên bố cắt đứt tình cảm”. Không còn cách nào khác, tôi đành nghe theo lời khuyên của anh để viết một bức thư cho Thiên Hương, trong đó nêu rõ sự đau khổ của mình khi phải xa nàng, và xin nàng cho biết tôi đã có lỗi gì để có thể sửa chữa nhằm cứu vãn tình cảm với nàng. Thư được gửi qua bưu điện; và tôi cố nuôi chút hy vọng le lói về sự phúc đáp của nàng. Ôm đàn ra ngồi ngoài hành lang phòng ở, tôi tự an ủi mình bằng một ca khúc Nga quen thuộc:

 

Đừng giận dỗi hỡi em yêu, đừng trách móc anh nhiều,

Đừng lặng lẽ mãi đi em, nghe lời anh nói!

Em yêu quý, xin em đừng im lặng nữa, thôi mà…

Em mến thương, hãy cùng anh nói vài lời…

 

 Với tâm hồn lắng đọng nỗi buồn thấm thía, tôi bỏ luôn việc dịch hai cuốn sách Nga mà  mình đã từng hứng thú biết bao. Nhưng việc giảng dạy thì không thể bỏ, nên tôi phải nén nỗi buồn riêng mà khơi dậy nhiệt tình chuyên môn để hoàn tất chương trình năm học. Kết quả thi học kỳ II môn lịch sử lớp 8 và lớp 9 khá hơn so với năm học trước; còn đối với lớp 10, tôi tin rằng các em sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Năm nay, Hội đồng Giám thị của trường PTC3 Việt Trì do Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm làm Chủ tịch được điều động về trường PTC3 Phù Ninh làm nhiệm vụ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Được anh Đạm chọn cử theo anh làm giám thị, tôi cùng các thành viên khác trong hội đồng đạp xe băng qua vùng đồi núi trung du xanh tươi tiến đến huyện lỵ Phù Ninh (Thuộc tỉnh Vĩnh Phú).

 Khi gần đến đích, đoàn giám thị chúng tôi được mục sở thị một cảnh tượng hấp dẫn bên đường (riêng với tôi, đó là lần thứ hai chứng kiến cảnh này): tại một chiếc giếng đá ong dưới chân đồi, hai người phụ nữ trần truồng phơi bày mọi chỗ nhạy cảm trên thân thể thản nhiên múc nước tắm dưới ánh mặt trời. Rõ ràng là phong tục truyền thống hồn nhiên vốn có từ thời Hùng Vương vẫn còn lưu truyền đậm nét tại nơi đây.

Thời tiết mùa hè tháng sáu tại Phù Ninh vô cùng oi ả khó chịu với tiếng ve sầu kêu ran ở khắp mọi nơi. Một giáo viên trường sở tại mời tôi cùng mấy giám thị khác đến nhà riêng để giải khát bằng hoa quả, chè ngon và hút thuốc lá “Điện Biên”; đồng thời anh giới thiệu với chúng tôi một cô học trò cưng của mình để “nhờ các thầy quan tâm giúp đỡ”. Nhìn nụ cười và khóe mắt trao đổi giữa cô ta với thầy giáo của mình, tôi cảm thấy giữa họ có mối quan hệ trên mức tình cảm thầy trò.

 Trong quá trình coi thi, tôi lại được phân công làm giám thị số 1 tại phòng có cô này ngồi làm bài. Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng cô ta đã bí mật mang tài liệu theo người và giở nó ra chép vào giấy thi-một hành vi gian lận trắng trợn! Nhớ lại lời gửi gắm của ông thầy cô ta, tôi hơi phân vân một chút; nhưng rồi quyết định phải xử lý trường hợp này. Ra lệnh cho cô đứng dậy, tôi bước đến giật tờ tài liệu ra khỏi tay cô, mời giám thị 2 đến lập biên bản và đưa kẻ vi phạm ra khỏi phòng thi.

 Cho đến khi kỳ thi kết thúc, tôi đã xử lý 3 trường hợp vi phạm kỷ luật, bất chấp mọi áp lực từ những kẻ dối trá có thể gây ra cho mình.

 

 Từ Phù Ninh trở về trường mình, tôi nhận được tin vui: học sinh lớp 10 của tôi đã thi tốt, trong đó môn sử hầu như không có em nào không làm được bài; riêng hai em Dương Thị Tơ (10A) và Nguyễn Thị Nghi (10B) đã được tuyển chọn làm hồ sơ chuẩn bị đi du học nước ngoài. Thế rồi thầy trò chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị cho đêm trình diễn văn nghệ tại buổi lễ kết thúc năm học và tiễn học sinh tốt nghiệp ra trường. Trong đêm văn nghệ tưng bừng ấy, lớp 9B của tôi đã đóng góp nhiều tiết mục hay; nhưng ghi dấu ấn sâu sắc nhất vẫn là dàn đồng ca của học sinh hai lớp 10 sắp từ biệt mái trường. Trên sân khấu rực sáng ánh điện, các nam thanh nữ tú ấy lại hát vang ca khúc “Ngày mai chúng ta bước vào đời” để “đi bốn phương trời của Tổ quốc”“cùng nhau bước theo cờ Đảng ta”.

 Đêm diễn kết thúc, sân khấu hạ màn tắt điện, các thầy cô cùng học sinh lớp 8 và lớp 9 lục tục ra về, nhưng các em lớp 10 vẫn còn ở lại. Các em chia tay với thầy chủ nhiệm của mình, rồi túm năm tụm ba ngồi tâm sự với nhau ngay trên sân trường, trong phòng học hoặc ở mấy dãy hành lang. Chợt thấy Dương Thị Tơ đang ngồi một mình trên lan can hành lang trước lớp học, tôi tiến đến bên em: “Sao Tơ vẫn chưa về?” Ngước nhìn tôi bằng cặp mắt sáng thông minh, em đáp: “Em muốn chờ để được trò chuyện với thầy!”. Và câu chuyện giữa tôi với em đã diễn ra:

 

-          Tôi chúc mừng em đã học giỏi, thi tốt và được tuyển chọn đi học nước ngoài!

-           Em học tốt chính là nhờ công lao giảng dạy của các thầy! Em chỉ mong được nghe thầy giảng bài mãi thôi!

-          Tôi mong em được đi Liên Xô để tôi có thể giới thiệu em làm quen với em trai tôi đang học bên ấy.

-           Em cũng mong như vậy, và em sẽ thường xuyên viết thư thăm thầy nếu được đi du học!

 

Sau cùng, tôi nắm chặt tay em để chúc em mọi sự như ý; còn em cũng chúc tôi mạnh khỏe và luôn nhớ tới em.

 Tạm biệt Tơ để trở về phòng mình, tôi còn suy nghĩ mãi về tương lai của khóa học trò vừa tốt nghiệp ra trường. Tất cả các em đều tốt và rất đáng yêu; nhưng rồi đây sẽ có những người vào đại học hoặc đi du học nước ngoài, có người chỉ ở nhà làm dân, và sẽ có nhiều người nhập ngũ dưới cờ Đảng ta. Trong đợt tuyển quân năm 1970, hàng chục chàng trai của khóa này đã gia nhập quân đội, trong số đó có ít nhất 5 người đã hy sinh và được mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn: Lê Văn Giao (em thầy Lê Văn Long), Đỗ Công Lĩnh, Nguyễn Văn Minh, Lương Văn Mùi và Tạ Hữu Quyến.

 

Tình nghĩa thầy trò dù sâu đậm, cũng không thể giúp tôi vượt qua sự tuyệt vọng trong quan hệ với Thiên Hương, nhất là khi bức thư cuối cùng mà tôi gửi cho nàng đã biệt vô âm tín. Nhưng vẫn còn một cơ hội để tôi có thể làm rõ mọi việc: lớp bồi dưỡng chính trị-nghiệp vụ cho giáo viên trong tỉnh.

 Lớp bồi dưỡng hè năm nay được tổ chức tại trường PTC3 huyện Vĩnh Tường, một địa điểm vừa gần Việt Trì mà cũng gần Văn Quán, rất thuận tiện cho cả tôi và nàng đến dự. Đã khá lâu không được gặp Thiên Hương, nên khi thấy nàng xuất hiện, trong lòng tôi rộn lên biết bao cảm xúc lẫn lộn. Nhưng ngay từ đầu, Thiên Hương đã tìm mọi cách để tránh gặp mặt tôi. Tại hội trường, nàng tìm một chỗ ngồi kín đáo cách xa chỗ tôi. Khi thảo luận, nàng cũng cố ý ngồi xa tôi và tuyệt nhiên không phát biểu gì hết. Ngay tại phòng ăn tâp thể, nàng cũng cố tình đến muộn hoặc đến sớm hơn giờ ăn của tôi. Khi tôi cố gắng đến gần chỗ nàng ngồi, thì nàng lập tức đứng dậy đi chỗ khác.

 Nhớ lại thời sinh viên ở khoa Sử, cứ mỗi lần hai đứa giân nhau thì người im lặng làm cao chính là tôi, còn nàng luôn phải hạ mình tìm đến làm lành với tôi. Còn giờ đây sự tình đã hoàn toàn đảo ngược. Thái độ kiên quyết lạnh như băng của nàng đã giúp tôi hiểu rằng: Thiên Hương dứt khoát không nhìn mặt tôi nữa để cắt đứt hoàn toàn quan hệ với tôi. Và điều cay đắng nhất là: mình bị ruồng bỏ mà không thể biết lý do vì sao! Bởi thế, lòng tôi bùng lên nỗi căm hận Thiên Hương, để hạ quyết tâm tìm cho ra lý do bí ẩn của sự việc.

 Đang ngồi trong phòng họp bỗng thấy Thiên Hương lẻn ra ngoài đi đâu đó, tôi lập tức bám theo để tìm cách bắt giữ buộc nàng phải trả lời. Từ đường cái, nàng rẽ vào một lối nhỏ xuyên qua một vườn cây. Thế rồi, dường như đã phát hiện ra sự truy đuổi của tôi, nàng chui vào một cái buồng vệ sinh trong vườn và đóng kín cửa lại. Tôi đành nấp sau  thân cây để chờ khi nàng bước ra mình sẽ ập đến bắt. Nhưng rồi chờ mãi mà không thấy nàng ra, tôi liền nghĩ ra cách khác để tìm hiểu điều bí mật của Thiên Hương.

 Lập tức quay lại lớp học bồi dưỡng, tôi  lặng lẽ tìm đến phòng ở tập thể của các nữ giáo viên. Thật may, cửa ra vào phòng chỉ khép chứ không khóa. Tôi nhanh chóng nhận ra chiếc túi xách quen thuộc của Thiên Hương đang đặt ở đầu giường nàng. Mở túi  ra, và tôi đã thấy gì? Bên cạnh mấy thứ đồ dùng lặt vặt, nổi bật lên “Cuốn sách mẫu thêu” bìa cứng bọc gấm màu thanh thiên, kỷ vật vô giá đã khởi đầu cho mối tình sâu đậm của Lê Vinh Quốc với Nguyễn Thiên Hương, trong đó vẫn còn nguyên cặp đôi chữ lồng “Q-H” do chính tay tôi vẽ tặng nàng. Và đây nữa, lá thư cuối cùng mà tôi viết cho nàng vẫn nằm trong chiếc phong bì đã mở, được kẹp vào bìa cuốn sách mẫu thêu. Uất hận dâng trào thành nộ khí xung thiên, tôi trút giận vào cái kỷ vật của mối tình suốt 5 năm trời bằng cách xé tan tành tất cả các trang sách chứa đựng những mẫu thêu trong đó, từ trang đầu đến trang cuối, xé tan cả lá thư cuối cùng của mình, rồi nhét cả đống giấy vụn ấy vào túi để trả lại cho Thiên Hương. Từ giờ phút này, tôi nguyện suốt đời sẽ không bao giờ tìm gặp người con gái có tâm địa xấu xa ẩn giấu dưới khuôn mặt thánh thiện và cái tên tuyệt đẹp ấy nữa, cho dù vẫn không hiểu nguyên do nào đã dẫn đến sự bội bạc của cô ta.

LÊ VINH QUỐC

 

Các Bài viết khác